Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2009

Luân

Nguồn : Mai Thảo
Mai Thảo

Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời


Luân

Nỗi vui mừng vỡ òa trong tôi phút đó khi đã nhận ra Luân, Luân trên kia, Luân đứng đó, bắt tôi phải chạy bay lên mới đúng. Nhưng trước bấy nhiêu con mắt cùng chăm chú ngó xuống người lạ mặt như một cái đích, họ chưa nhận ra ai, tự nhiên tôi thấy ngượng, ngượng đến nỗi nóng bừng cả mặt mũi. Tôi định thần. Tôi cố trấn tĩnh lại. Tôi tháo khỏi lưng cái bạc-đà đã ướt đẫm mồ hôi, và xách nó lủng lẳng trong tay, tôi thong thả đi lên. Vợ chồng cụ Chánh, thằng Tạo, anh chị Mùi đứng đó, thành một hàng dài. Những cái bóng nắng chiều làm nghiêng đi, nổi bật lên cái nền xanh thẳm trùng điệp của núi rừng Nông Cống. Xa hơn một chút, lùi về phía sau một chút, in hẳn lên nền trời: Luân.

Tôi thầm cám ơn bà cụ bán hàng tôi gặp ngoài đường lớn. Không có cái ngón tay chỉ đường quý báu của bà cụ, tôi đã tiến sâu mãi vào phía núi biếc, tôi đã không tạt vào con đường nhỏ, tôi đã không đến đứng dưới chân ngọn đồi này, tôi đã trở về căn nhà lạnh lẽo của cơ quan, phía bên kia sông Mã. Tôi đã không bao giờ, không bao giờ nữa, gặp lại được Luân. Đất rừng mới đốt rẫy, cỏ chất từng đống lớn vàng cháy giữa những thân cây bị đào bật lên, còn cả gốc rễ và những cành lá tươi. Một lối đi nhỏ của chân người dẫm lên, còn mới.

Đến lưng đồi, tôi đứng lại. Thằng Tạo nhận ra tôi trước nhất. Nó lập tức chạy bay xuống, vừa chạy vừa ngoái cổ lại la lớn: "Anh Trí, anh Trí". Tôi chỉ kịp đỡ cái đà người nó đâm xầm vào mình. Thằng Tạo nắm chặt lấy cổ tay tôi, kéo tôi lên, miệng vẫn la lớn: "Anh Trí, anh Trí". Rồi tất cả mọi người đều nhận ra tôi, và, trừ Luân, đều reo lên "Anh Trí, anh Trí". Tôi cười nhưng tròng mắt đã rưng rưng. Cuộc chiến tranh lâu dài với những khổ đau chồng chất nếu có gỡ lại được một phần nào, cái phần khiến con người còn chịu đựng được cái tác động hủy phá ghê khiếp của nó, là ở cái nét đẹp ánh lên của những phút gặp lại nghẹn ngào và tủi mừng đến ứa nước mắt như vậy đó. Người ta xa nhau, không nhìn thấy nhau sau bức tường lửa đạn. Tưởng rằng đã chết, đã mất. Thấy nhau bất ngờ như thấy kẻ đã chết rồi lại vừa sống lại. Tôi chào mọi người, trao bạc-đà cho thằng Tạo. Nó đón lấy và khệ nệ đi lên đỉnh đồi. Cả gia đình cụ Chánh đứng vây lấy tôi, mỗi người, trừ Luân, hỏi tôi một câu. Cụ Chánh nói với cụ bà tôi đen và gầy đi nhiều. Chị Mùi hỏi tôi từ đâu đến, sao biết gia đình chị ở đây, anh Mùi hỏi tôi bây giờ làm gì. Duy có Luân từ lúc thấy tôi là không nói một lời nào. Luân đứng đó, hai tay buông thẳng, chân như chôn chặt xuống đất, đôi mắt đen láy mở to trên khuôn mặt nửa như muốn cười, nửa như muốn khóc của Luân. Thái độ yên lặng, chỉ có tôi hiểu, làm lầm mọi người. Chị Mùi thì bảo Luân: "Anh Trí đấy mà!" Cụ Chánh thì bảo tôi: "Em Luân, cậu Trí nhớ không?" Tôi đáp: "Có nhớ ạ" và lách mọi người tôi đi lại phía Luân. Tôi nhìn cái khuôn mặt nửa muốn cười nửa muốn khóc của Luân mà sự kinh ngạc còn in lên gần như một niềm đau đớn. Tôi muốn nâng hai tay đỡ lấy khuôn mặt ấy, mười ngón tay tôi cươi lấy hai gò má ấy, tôi muốn ôm chặt lấy Luân, ôm thật chặt cái thân thể yêu dấu, tôi muốn hôn vào đôi mắt kinh ngạc, tôi muốn nói với Luân một hơi, không ngừng, một câu nói thật dài, không bao giờ hết. Tôi muốn nói với Luân, đau xót và thành thật nói, câu nói tôi muốn gửi không riêng gì cho Luân mà cho tất cả những người thiếu nữ Việt Nam, qua hình ảnh Luân lúc đó. Những người thiếu nữ xấu số của một đất nước hiền hậu như họ không bao giờ thích hợp với một không khí chiến thời nào.

Tôi muốn bảo Luân, tôi muốn bảo Luân: Anh xót thương em những đêm dài trong núi, dưới mái nhà sàn cơ quan, trên những con đường hầm hố vết thương, những xóm làng hủy phá, trên những thềm nhà cỏ hoang phủ kín, trên những vì tường đổ gục, trên những thân cây chặt đứt, qua những chân cầu đổ nghiêng, trong hầm trú ẩn máy bay. Tôi muốn bảo Luân, anh xót thương em đêm giã từ Hà-nội ra đi nhìn về Hà-hội cái rừng lửa cháy, buổi chiều đứng trên con đê Hồng-Hà, buổi trưa về thăm lại Hưng- yên, buổi ra đi bãi ấy còn xanh biếc ngô non, buổi về chỉ thấy mênh mông phù sa kín nhòa bãi cũ. Tôi muốn bảo Luân, anh xót thương em trên những đầu ngón chân anh đi, cái hình ảnh xót thương lăn theo sỏi đá dọc đường, nằm trên từng cột cây số từng nền lũy tre xanh, chảy theo mặt nước lúc xuống đò qua sông, khuân theo lòng đường lúc xuống đò lên bộ, từng buổi sớm xuống suối rửa mặt, cái hình ảnh xót thương trong veo trên nền sỏi trắng, từng buổi chiều không biết đi đâu, cái hình ảnh xót thương bát ngát đầy chiều.

Tôi muốn bảo Luân, anh nhớ đến em trong tiếng súng ban đêm, những vệt lửa dài cháy vào bóng tối, lúc bỏ núi sau lưng cái hình ảnh xót thương còn mang hình trái núi, lúc xuống đồng bằng trước mặt cái hình ảnh xót thương đã mang hình những ngọn lửa dài, lúc anh muốn chết, lúc anh muốn sống, lúc tuyệt vọng tối đen vực thẳm, khi tin yêu sáng chói mặt trời, lúc nhìn xa cái hình ảnh lớn theo ngút mắt, lúc tưởng gần cái hình ảnh thu cũng nhỏ vào một góc trái tim như một tấm hình kỷ niệm.

Nhưng tôi không nói được một lời nào. Tôi cũng đứng sững đó trong nỗi xúc động mãnh liệt chưa từng cảm thấy. Tôi đứng sững đó, tôi đang sống một trong những phút giây xúc động nhất của đời tôi, tôi tưởng đã chết rồi những niềm xúc động. Khuôn mặt yêu dấu của Luân cứ lớn dần, lớn dần, như khởi đầu là một phiến trời thật nhỏ sau một khung cửa hẹp, một hẻm núi, bây giờ ra ngoài khung cửa, đi khỏi hẻm núi cái phiến trời nhỏ đã lớn thành cả một vùng mênh mông, tôi ngắm nhìn nỗi vui mừng của tôi mênh mông trong đó.

Rồi đáy mắt Luân thoáng lên một ánh lửa. Tôi nhận cái ánh lửa ấy như một tiếng chào thầm, một sự đáp lại yên lặng. Luân nhìn tôi như thế, đoạn Luân cúi đầu xuống và quay gót đi trở lên.

Chúng tôi lên theo. Căn nhà lớn dựng trên đúng đỉnh đồi trọc nhìn xuống một căn thứ hai, phía tay trái, nhỏ hơn, tôi đoán là nhà bếp. Cả hai cùng mới cất. Mái lá tươi nằm trên những cột nhà là những thân cây rừng. Tường vách là những tấm phên đan hình mắt cáo, nhiều tấm còn chưa trát đất. Thằng Tạo bưng lại cho tôi một bát nước chè tươi nóng. Anh Mùi quấn cho tôi một điếu thuốc lấy ra ở một cóng sành nhỏ dưới gậm giường; điếu thứ hai anh cuốn cho cụ Chánh; điếu thứ ba cho anh. Chúng tôi cùng châm lửa và thở ra những đợt khói tan bay mau chóng trong gió rừng buổi chiều lồng lộng thổi qua. Vẫn xa hơn mọi người một chút, vẫn thái độ yên lặng, Luân ngồi yên trên một góc giường giữa cái vui vẻ ồn ào của mọi người, như đắm chìm vào một suy nghĩ riêng tư thầm kín. Lúc tôi trả lời cụ Chánh là trên đường đi tìm địa điểm an toàn cho cơ quan tôi tình cờ qua đây, Luân đột nhiên đứng dậy đi ra. Tôi nhìn theo Luân đi khuất về phía căn nhà bếp. Mọi người, trừ tôi hình như không ai để ý đến sự bỏ đi bất thình lình của Luân, đã mỗi người một câu kể lại cho tôi nghe về những lần di chuyển gian khổ, những ngày tháng lênh đênh điêu linh kể từ ngày tản cư khỏi thị xã Hưng-Yên, về vùng Ân-Thi, rồi từ Ân-Thi sang Đống-Năm, Cống-Thần, Hồng-Phú, qua Liên Khu Ba vào Thanh-Hóa, chợ Rừng Thông, phủ Thiệu- Hóa, với hình ảnh những căn nhà mới dựng lên chưa ấm hơi người đã bị bom đạn đốt cháy tan tành ở những thị trấn năm ấy, khiến cho gia đình cụ Chánh -chạy trốn lửa đạn đuổi theo, đánh xuống như một kẻ thù dai dẳng- cố tìm cho được một đất sống thực an toàn đã phải tìm đến khoảng đồi trọc giữa vùng núi rừng hoang vu này. Kiểm điểm lại đoạn đường dài với những đổi thay không ngừng, cụ Chánh đã mỉm cười chỉ cho tôi gian nhà trống không ngoài mấy chiếc tay nải để trên hai chiếc giường gỗ và nói cả cơ nghiệp của gia đình cụ, mỗi lần di chuyển như vậy, mất đi, bỏ lại, bây giờ chỉ còn có thế. Cũng may là còn được mạnh khỏe cả và còn những bàn tay làm lụng được.

Tôi cảm động nhìn bàn tay gầy yếu của cụ Chánh, và liên tưởng đến một bàn tay khác, với những ngón tôi nhớ rất dài rất thon, bàn tay của Luân. Ngày xưa tôi đã ngắm nhìn bao lần không chán mắt những cái ngón trắng muốt khi sòe mở khi thu lại, hình nét đều mềm mại như một bông hoa. Tôi giật mình tưởng như cụ Chánh đoán được ý nghĩ tôi. Cụ nói gia đình cụ bây giờ - kể cả thằng Tạo người nào cũng đã quen lắm với những công việc cực nhọc: cất nhà, chặt cây, phát cỏ, đốt rẫy, làm đất rừng. Cụ nói: "Anh ở lại đây sáng mai sẽ thấy cả nhà chúng tôi, già trẻ lớn bé kéo nhau ra làm đất rẫy. Bây giờ biến thành nông dân cả rồi. Em Luân nữa, nó cũng cầy bừa giỏi ra phết rồi đấy cậu Trí nhé".

Hình ảnh lam lũ của Luân đẩy lưỡi cầy trên nền đất rừng cằn cỗi, khiến tôi xót xa nghĩ đến hình ảnh Luân ngày trước.

Bấy giờ là vào khoảng giữa năm 1945. Cuộc đảo chính Nhật vừa kết liễu. Bắt đầu những trận mưa bom của phi cơ đồng minh. Chúng tôi theo trường tản cư về thị xã Hưng-Yên. Và quen Luân ở đó. Chúng tôi, vì là ba người: Phạm, Trương và tôi do một sự tình cờ đã đến trọ học cùng nhà một bà cụ già: cụ Lý Bằng. Luân là cháu gái cụ Lý. Cùng một phố, hai nhà ở cách nhau khá xa nhưng vì thị xã hồi đó thiếu nước, chúng tôi hằng ngày gặp Luân. Ấy là những buổi sáng, mùa hè thật sớm, mùa đông muộn hơn một chút, nhưng sáng nào trở dậy là chúng tôi đã thấy Luân cắp một cái rổ quần áo cao có ngọn sang giặt ở cái ao rộng phía sau nhà cụ Lý. Bờ ao sát liền với buồng học - tường là những tấm liếp mỏng - khiến cứ nằm ở giường nhìn ra chúng tôi cũng ngó thấy Luân thấp thoáng ở ngoài hàng rào xương rồng đầu cổng, Luân đi qua vườn, Luân tiến lại phía bờ ao.

Hình ảnh mà tôi còn giữ được ở những buổi sáng lâu dần đã là những buổi sáng đợi chờ ấy, của Luân là một mái tóc phủ kín vai kín lưng, mặt nước xao động sóng sánh, những cánh bèo Nhật- Bản dạt rộng thành một vòng tròn chung quanh cái cầu tre mỏng mảnh, tiếng rũ tiếng đập, tiếng nước đổ ào ào trong yên lặng mát trong, và những cái bọt sà phòng trắng sốp trôi đầy mặt nước. Qua thời gian làm quen khởi đầu ngây ngô, tức cười, ở Luân là những lắc đầu, những nụ cười muốn dấu, một vẻ sợ hãi luống cuống rất đáng yêu, ở chúng tôi là những câu thả tình bóng gió, bâng quơ, những thăm dò ý tứ một cách hóm hỉnh vụng dại, những phút đứng cạnh bờ ao hàng giờ mà không biết làm gì hơn là bứt những cánh lá trên đầu Luân thả đầy mặt nước, những hẹn hò vu vơ lúc Luân đã giặt xong đứng dậy, chúng tôi quen nhau. Cho đến bây giờ, tôi không có đủ bằng chứng để quyết đoán chắc chắn -chưa từng ai hỏi ai điều đó- tôi vẫn nghĩ rằng cả ba chúng tôi đều yêu Luân. Phạm yêu Luân, Trương yêu Luân và tôi cũng vậy. Cùng yêu và điều buồn cười, nhưng đúng, cùng yêu như nhau. Tình cảm của mỗi người đối với Luân có thể khác biệt trong phần tâm tưởng thầm kín, nhưng ở những biểu tỏ thì có thể nói là đồng đều. Tình yêu chung gửi cho một người này nếu không gây những va chạm, những tổn thương đáng tiếc cho tình bằng hữu chúng tôi suốt thời gian đó, một phần do sự đồng đều này. Cả ba như cùng ước hẹn ngầm: nên đứng đó, đừng ai đi xa hơn. Một phần, và cũng là nguyên nhân chính, tình yêu của chúng tôi thuở đó, như tuổi, như lối sống, cũng lãng mạn, hồn nhiên, cũng mát trong như tâm hồn mỗi đứa chúng tôi lúc bấy giờ. Yêu một người cũng như yêu cảnh vật, một đêm trăng, một ngày mưa, một buổi chiều có nắng đẹp, một bông hoa cùng ngó thấy một buổi sớm trong vườn, không ai tính đến chuyện ngắt bông hoa vì lòng còn ngây ngất. Yêu như yêu một hình ảnh, yêu như yêu thiên nhiên, tạo vật, cuộc đời. Yêu như yêu chính cái bản thân mình. Tình yêu ấy lúc đó và về sau, chẳng những đã không gây những tiếc hận mất mát cho ai mà mỗi người đều cảm thấy ở mình như nó lớn gấp ba lần, nó cộng tâm hồn mình với tâm hồn hai thằng bạn thân làm một. Đối với Luân, cũng không có chuyện lựa chọn khó xử, Luân nhận cả, Luân không nghiêng về phía nào. Không nhận riêng một tình yêu nào hết, Luân sung sướng nhận lấy cái không khí yêu thương. Hoặc nếu có sự lựa chọn rồi của Luân trong thâm tâm, chúng tôi không biết. Chỉ biết những thời gian sau thân mật hơn, những việc đáng lẽ chỉ có ý nghĩa vì thầm kín riêng tư: tặng một kỷ niệm, viết một lá thư, hẹn một buổi tối gặp mặt, chúng tôi cũng bàn với nhau, có thỏa thuận mới tặng mới gửi. Tôi cảm động nhớ lại cái thế giới đẹp một vẻ đẹp hoang đường những năm tháng ấy. Cuộc sống thần tiên. Sách vở bạn bè. Luân ở giữa chúng tôi. Từ một người bạn nhỏ, một cô gái láng giềng đến người thiếu nữ của mối tình thơ mộng thứ nhất đầy vẻ bỡ ngỡ, khám phá như cái ý thức đầu tiên mở vào cuộc sống. Tâm hồn ấy thiên thần tạo nên cuộc sống ấy thiên đường. Nỗi buồn ghê gớm nhất cũng chỉ là niềm bâng khuâng, nổi nhớ nhung cũng là lửa ấm, cả cái bối cảnh âm u của một thời chiến bắt đầu bén lửa cũng không chạm được vào cái thế giới thần tiên.

Mấy tháng về sau, khi cụ Chánh đau nặng, Luân phải đi chợ xa thay mẹ, chúng tôi thường chiều chiều kéo nhau ra khỏi thị xã lên trên con đê cao đầu làng Mậu Dương đón Luân gánh hàng từ phía Tân Châu về. Vượt qua con sông Hồng mênh mông lúc đó đã đỏ thẫm ráng chiều, cái bóng nhỏ bé của Luân khi hiện ra ở đầu con đê cao vẫn có cái tác động mầu nhiệm đổi thay cảnh vật, làm tươi sáng cả một vùng hoàng hôn bát ngát đang thấm vào tâm hồn dễ xúc động của chúng tôi. Luân đến, đặt gánh hàng xuống, thở ra, thường vẫn cau mặt trách chúng tôi "đón đường" như thế. Nhưng trong cái cau mặt rất đáng yêu có thoáng lên một ánh sung sướng. Nhiều lần, nghịch ngợm, Luân chịu để cho chúng tôi thay nhau gánh đỡ gánh hàng nặng một đoạn đường. Những đoạn ngắn chỉ dăm bảy bước. Chúng tôi không quen, đau vai, đã hạ vội cái đòn gánh xuống. Và Luân lại được dịp cười phá lên và chế "cái vai học trò của các anh".

Con mắt yêu thương của chúng tôi, trước sau đều nhìn thấy bất cứ cái gì ở Luân cũng hay cũng đẹp. Riêng tôi, đẹp nhất là cái tiếng nói. Chỉ là âm thanh mà nghe thành hình ảnh. Tiếng nói mỗi khi nghe thấy, nhớ tới, thường làm tôi nghĩ đến một buổi sáng ở một cửa rừng vui nào với những hàng cây thưa, những thảm cỏ mướt những tiếng chim ca ánh sáng trên đầu, cái buổi sáng bình yên trong ca dao, có cu gáy có bướm vàng của Huy Cận.

Tiếng nói có một ấn tượng vui ấm tương tự như khi đi một mình trên cánh đồng mưa tối chợt bước vào một đầu phố, một thôm xóm có ánh sáng, có người ở, có tiếng cười, có sự sống chung quanh. Tôi vẫn nghĩ tâm hồn Luân phải trong đẹp lắm Luân mới có tiếng nói thủy tinh trong suốt như vậy. Tiếng nói tựa như cái toàn thể hiền hậu của một khuôn mặt hiền hậu, nhìn vào tâm hồn kẻ nhìn cũng hiền hậu theo. Nó tác động mãnh liệt trong tôi đến nỗi đã có nhiều buổi tối tôi đã rủ Phạm rủ Trương cùng lên nằm ở căn gác trọ một người bạn cùng lớp -hắn ở sát nhà Luân- và qua một khung cửa khói bốc lên làm chảy nước mắt, chúng tôi đã chụm đầu hàng giờ lắng nghe tiếng Luân cười, nói từ dưới bếp nhà Luân vọng lên. Nỗi thích thú không bao giờ tìm lại được đã khiến tôi về sau thường nghi ngờ cái khiếu thẩm âm của mình trước bất cứ một tiếng hát một điệu nhạc nào. Vọng lại từ quá khứ, hình ảnh Luân có thể sẽ nhòa mờ dần, nhưng tiếng nói của Luân cất lên từ những ngày đẹp cũ, âm thanh huyền hoặc của nó còn nguyên vẹn trong đầu óc tôi. Về sau, rời bỏ Hưng - Yên, ở những lá thư dài viết cho Phạm cho Trương, tôi nhớ vẫn nói với bạn về cái tiếng nói của âm thanh và hình ảnh. Tiếng nói ấy suốt đời tôi vẫn còn nghe thấy.

Cụ Chánh kể chuyện gia đình cụ, tôi thuật lại đời sống mấy năm tản cư kháng chiến của tôi và đêm rừng bên ngoài tự bao giờ đã xuống. Chị Mùi đứng lên mắc màn, cụ Chánh mời tôi đi ngủ. Tôi nói tôi chưa buồn ngủ và đứng dậy. Ý chừng cụ Chánh đoán được ý tôi: "Thế anh ra ngoài một lát cho thoáng rồi vào đi ngủ kẻo muộn. Chắc em Luân nó còn ở dưới bếp".

Tôi châm một điếu thuốc trong khoảng tối đen hoa mắt và lần bước về phía căn nhà bếp thấp thoáng ánh lửa hắt lên. Một tấm khăn trắng bịt kín đầu cho bụi cám khỏi vướng vào mái tóc, một cái áo bông đen phủ lên vai -đêm rừng lạnh buốt- Luân ngồi sàng gạo dưới ánh lửa. Tôi đứng lại. Tôi nhìn như thu vào hồn hình ảnh Luân lúc đó, lòng tay Luân nắm chắc mép sàng, những ngón tay sòe mở mềm mại, dáng ngồi nghiêng nghiêng, bờ vai rung nhẹ theo nhịp sàng, và những hạt gạo trắng muốt lọt sàng rơi rào rào xuống cái yên tĩnh huyền bí của đêm núi rừng. Cho tới khi cảm thấy sự có mặt của tôi, Luân ngửng đầu lên. Đôi mắt thật buồn của Luân bắt gặp cái nhìn không dấu được cảm động của tôi. Luân ngừng tay sàng trong một giây ngắn rồi lại sàng tiếp. Tiếng nói nhỏ chỉ vừa đủ nghe thấy:

- Anh ngồi xuống đây, anh Trí.

Tôi ngồi xuống trước mặt Luân. Một khoảng yên lặng -tôi đoán sao rừng chắc đang sáng nhiều vô kể- rồi Luân cất tiếng:

- Anh nói đi tìm địa điểm cơ quan, anh nói dối thầy em, phải không?

Tôi gật đầu:

- Anh biết Luân ở đây, anh lên tìm Luân.

Câu trả lời hình như không làm Luân sung sướng. Mà trái lại. Khuôn mặt buồn, đều tay sàng với một giọng nói cố làm thản nhiên:

- Anh sắp đi khỏi nơi này. Anh sắp về Hà Nội phải không?

Tôi kinh ngạc về cái dự định thầm kín bị Luân đoán trúng tuy đã định sẽ kể hết cho Luân nghe chuyện tôi sắp bỏ đi xa, cuộc khởi hành sắp tới là nguyên nhân chính khiến tôi đã đi bộ suốt hai ngày đường để gặp lại Luân lần cuối cùng. Tôi cúi đầu xuống trước viễn tượng một chuyến đi tự nhiên trở nên buồn thảm lạ lùng. Đúng đấy em ạ! Người đàn bà đưa đường cho anh đã nằm chờ sẵn ở một địa điểm bí mật gần giới tuyến. Trên đường sang đây tìm em, anh đã ném một hòn đá xuống dòng sông Mã, một hòn nữa xuống dòng sông Chu như những dấu hiệu vĩnh biệt, và sớm mai khi rời bỏ ngọn đồi này đi xuống anh sẽ đi những bước đầu tiên trên con đường trở về một thứ đất nước và thế giới bên kia. Anh biết em ở đây, trước khi bỏ đi anh không thể không tìm gặp lại em một lần sau cùng. Gặp lại cho Phạm. Cho Trương. Cho em. Cho chúng mình. Cho một cái gì đã mất. Cho cái thế giới thần tiên, cái thiên đường lộng lẫy. Cho những buổi chiều của chúng ta trên con đê xưa, những buổi sáng của chúng ta trong căn vườn cũ. Cho cái vốn kỷ niệm cần thiết của một đời người khi tới lúc không thể sống bằng kỷ niệm. Cho những ảo tưởng thực hơn nghìn lần sự thực. Cho những sự thực đã thành ảo tưởng. Cho sự chấm dứt của những năm tháng bình yên. Cho sự khởi đầu của những tháng năm đau đớn. Anh muốn khởi một cuộc hành hương trở về tuổi ấy, cái tuổi trăng tuổi sao trong máu trong tim, cái tuổi con bướm bông hoa ngoài đồng nội. Khi ngày mai đã là một đổi khác lớn lao, anh muốn về với lá thư, tấm hình, nỗi nhớ thương, niềm bâng khuâng, cái thế giới ảo tưởng, những rung động khởi đầu, tình yêu thứ nhất.

Nhưng tôi không thể trả lời mà hỏi:

- Sao Luân biết anh về Hà Nội?

Luân đặt sàng xuống, lấy tay vun gạo thành một đống lớn, san phẳng rồi lại vun lên:

- Em biết anh sẽ rời bỏ nơi này ngay từ lúc trông thấy anh đột ngột hiện ra ở dưới chân đồi. Người xa lạ em còn biết, nữa là anh. Người đi xa có trở lại, người đi không về, em đều biết trước. Có lẽ vì mấy năm nay em nhìn thấy nhiều quá những cảnh kẻ ở người đi như thế.

Con mắt Luân gửi vào một khoảng không, tiếng nói chỉ còn là hơi thở:

- Các anh đi và các anh không trở lại.

Tôi cảm thấy một buốt lạnh toàn thân, còn buốt lạnh hơn đêm rừng vây quanh khi Luân nói tiếp:

- Em cũng không bao giờ gặp lại anh nữa đâu. Gặp anh lần này là lần cuối cùng đấy, anh Trí.

Câu nói đượm một vẻ chịu đựng nhẫn nhục. Một thứ cúi đầu trước định mệnh. Tôi không tìm được ý tưởng chống lại nó. Chính tôi cũng cảm thấy như vậy. Lần cuối cùng. Hình ảnh của chia cách vĩnh viễn vây lấy chúng tôi. Khoảng tối đen khủng khiếp mở ngay từ chỗ này như đêm rừng trước mặt.

Luân lắc đầu như muốn đuổi đi hình ảnh đó. Luân đẩy cái sàng về phía tôi:

- Sàng hộ em một tay.

Tôi đỡ lấy chiếc sàng nhưng không biết cách, làm gạo văng tung tóe khắp chung quanh khiến Luân bật cười:

- Các anh vẫn thế, chẳng được cái tích sự gì hết.

Rồi Luân hỏi tôi còn nhớ không, những buổi chiều ngày xưa trên con đê Hưng Yên, chúng tôi tranh nhau gánh hàng cho Luân chưa được mấy bước đã bỏ vội đòn gánh xuống, những buổi sáng ở cầu ao nhà cụ Lý đòi giặt hộ Luân, đánh rơi cả quần áo, bàn chải, sà phòng xuống nước. Nhưng một vài kỷ niệm ngộ nghĩnh vừa nhắc lại chỉ gây được cho Luân và tôi một nỗi vui ngắn. Nét buồn đã trở lại khuôn mặt khi Luân hỏi tôi về Phạm về Trương. Tôi cho Luân biết Phạm đã chết, thân thế tan nát trong một cuộc oanh tạc ngay trên mảnh đất quê hương của Phạm, và tin cuối cùng tôi nhận được của Trương cách đây đã hai năm là Trương sống vất vưởng bệnh tật tại một vùng nước độc gần biên giới.

Chỉ còn nghe thấy tiếng Luân nói: "Tội nghiệp cho các anh". Lửa bếp tự một lúc nào leo lét vừa tắt hẳn. Chỉ còn điểm sáng nhỏ của điếu thuốc cháy giở. Một tiếng tàn than nổ gọn trong bóng tối. Chúng tôi ngồi đối diện mà không trông thấy nhau như thế, rất lâu, tưởng như cùng lắng nghe một sự im lặng kỳ lạ nào, cho tới lúc Luân cất tiếng trước: "Mấy năm rồi anh Trí nhỉ?" Tôi đáp: "Sáu năm". Bên kia tiếng Luân nhắc lại: "Sáu năm". Sự yên lặng, bóng tối, khiến tôi trở lại ý nghĩ ban nẫy: chắc bây giờ sao rừng đang sáng vô kể bên ngoài. Tôi rủ Luân ra ngoài. Tôi nghe thấy tiếng gạo vun lại, tiếng sột soạt của chiếc vỉ buồm được kéo gọn về một phía. Bước ra khỏi cửa bếp, tay tôi chạm nhẹ vào tay Luân. Tôi nghĩ đúng. Sao rừng trên đầu chúng tôi phút đó sáng nhiều vô kể. Những điểm sáng to nhỏ, lổ đổ, tưởng như một lúc nào đó sẽ rớt xuống sẽ đậu đầy trên đầu trên cổ chúng tôi. Mùi đất bốc lên, tiếng côn trùng rậm rạp ở những khoảng thấp. Nhịp chân siêu siêu cho tôi biết mình đang đi xuống. Được một quãng Luân đứng lại. Chúng tôi ngồi xuống một thân cây. Tôi kéo Luân vào gần cùng lúc một vệt sao sa tự đỉnh trời kéo một vệt thật thẳng thật dài mất hút vào những bóng núi. Luân đã cởi chiếc khăn bịt đầu tự lúc nào. Tôi ngồi yên, mặc cho những sợi tóc vướng vào cổ, vòng tay về phía trước thu gọn lấy hai bàn tay Luân. Luân không chống lại. Cái thân hình thu nhỏ lại ấy như muốn kiếm tìm một sự che chở. Tôi thấy tôi không còn che chở gì được nữa cho Luân. Cuộc sống đổi khác và con người đã lớn. Cái thế giới thiên đường, thần thánh ngày xưa của chúng tôi đã che chở Luân. Cái thế giới ấy đã mất.

Luân ngã đầu vào vai tôi:

- Anh về Hà Nội sẽ làm gì?

- Chưa biết em ạ, có điều chắc chắn anh sẽ bỏ học. Anh nghĩ anh sẽ sống một cuộc đời vô nghĩa và tầm thường. Đi buôn chẳng hạn. Nhưng thế nào anh cũng về thăm lại Hưng -Yên. Đó là một trong những việc làm thứ nhất.

Luân nắm chặt lấy tay tôi như tìm thấy nguồn an ủi.

- Anh có về thăm Hưng -Yên nhớ thăm cả nó cho em.

Tôi gật đầu. Anh sẽ về thăm lại cái dấu tích, cái thiên đường đổ vỡ của chúng ta. Cho em. Cho anh. Cho Phạm cho Trương nữa. Thềm nhà cỏ hoang, bờ ao không người. Bờ đê, những lối đi cũ. Anh sẽ không lấy lại được gì trên những dấu tích kỷ niệm ấy, nhưng anh sẽ về. Người ta không sống được bằng kỷ niệm, nhưng trên những lông lá mới mọc và sự đổi khác ghê gớm của tâm hồn và hình thế, anh muốn trở về soi ngắm mặt mũi mình xuống lòng nước cũ. Người ta không sống được bằng quá khứ nhưng người ta cần có quá khứ như một tấm gương. Anh muốn nhận định lại nhiều điều và điểm khởi hành phải bắt đầu từ đó.

- Em thì không bao giờ trở về Hưng-Yên được nữa, Luân nói một cách tuyệt vọng. Em sắp lấy chồng rồi.

Tựa hẳn đầu vào vai tôi, Luân đã kể cho tôi bằng cái giọng đều đều nhẫn nhục của kẻ ưng chịu cảnh ngộ về người đàn ông mấy tháng nữa, thân thể tàn phế, sẽ chống lên mình chiếc nạng gỗ và sẽ tập tễnh đi lên ngọn đồi này. Tên hắn là Mạnh. Cũng tử tế, hiền lành, người quê mùa, theo Luân. Mạnh bị thương trong một trận đánh đồng bằng ngoài liên khu Ba, hiện đang nằm ở một quân y viện cách đây ngót hai mươi cây số, lý do chính đã khiến cho gia đình Luân đến khẩn hoang ở ngọn đồi trọc này. Luân không yêu Mạnh. Cuộc hôn nhân cũng vô nghĩa như đời sống những tháng năm vừa qua, vô nghĩa như đời sống con người trong chiến tranh. Nhưng cái ý định ở mãi mãi với Mạnh có từ buổi xuống thăm Mạnh ở bệnh viện.

- Em nhìn thấy chiếc nạng gỗ và Mạnh lúc đó. Và thế là xong.

Luân nhắc lại một cách tuyệt vọng:

- Thế là xong.

Tôi muốn tìm một câu nói an ủi Luân, nhưng tôi không nói được gì. Trong một yên lặng kéo dài vòng tay tôi ôm chặt lấy người Luân hơn, tôi nhìn những điểm sao lấp lánh trước mặt, nghe tiếng côn trùng rậm rạp xuất lên từ những khoảng thấp dưới kia, và tôi nghĩ đến cái đêm cuối cùng, lần gặp gỡ cuối cùng, tôi không ngờ là ở nơi này, khoảng núi rừng cách biệt không bao giờ trở lại tôi đã sống với Luân những phút cuối cùng của một thời đã mất. Tôi xoay người Luân trở lại và, trong cái ý nghĩ gửi về một cái gì đã mất ấy, tôi cúi xuống hôn Luân. Tôi hôn Luân nồng nàn và tôi nói:

- Anh hôn em lần đầu tiên và lần cuối cùng.

Luân khóc không thành tiếng. Nước mắt Luân ướt đẫm hai gò má. Lúc tôi đỡ Luân đứng dậy và chúng tôi cùng đi trở lên đỉnh đồi, cánh tay Luân khoác chặt lấy tay tôi khiến tôi có cảm tưởng như tôi, Luân cũng muốn ghi nhớ những phút cuối cùng như kỷ niệm nõn nà đau đớn nhất của một thời đã mất.

Sáng hôm sau, tôi xuống núi thật sớm. Như người đi trốn. Tôi không có can đảm ở lại để nhìn thấy cái hình ảnh lam lũ của Luân đẩy lưỡi cầy trên nền đất rừng cằn cỗi. Con đường nhỏ mờ mờ mở ra từ chân ngọn đồi. Trời đã sáng nhưng hai bên núi rừng còn yên lặng ngủ. Gần tới đường lớn tôi trông thấy một con bướm. Nó đậu trên một bụi cây thấp. Mình nó vàng ánh với những chấm đen ở hai đầu cánh. Tôi bắt lấy con bướm và bỏ đi không nhìn trở lại.

Suốt dọc dường tôi nghĩ đến Luân, đến Phạm, đến Trương, đến tôi. Lúc nhìn xuống, con bướm tự lúc nào đã chết nát trong lòng bàn tay.

© Copyright Mai Thảo


Share/Save/Bookmark

Người điên dưới chân sườn Tam Đảo

Nguồn : Mai Thảo
Mai Thảo

Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời


Người điên dưới chân sườn Tam Đảo

Thế là, giữa một buổi sáng Sài Gòn rực rỡ, tin dữ mà gia đình tôi chờ đợi thấp thỏm suốt mười năm ở bên này vĩ tuyến, đã từ bên kia vĩ tuyến mười bảy bay sang. Bà ngoại tôi, người cuối cùng của dòng họ Nguyễn còn ở lại miền Bắc đã tạ thế.

Hung tin thu gom trong mấy dòng bưu thiếp lời lẽ mơ hồ, ngày giờ và chi tiết cái chết nghìn trùng cách trở không được nói đến tường tận, nhưng tôi, tôi biết bà ngoại đã nằm xuống ở đâu, cặp mắt nhân hậu một đời nhỏ lệ xót thương kẻ khác ấy đã khép lại dưới vòm trời nào, thước đất nào đã được bà lựa chọn gửi nắm xương tàn của một tuổi già cô độc.

Thửa ruộng nhỏ nằm dưới chân một sườn đồi trọc. Đất đỏ rờ rỡ màu máu. Thửa ruộng có một thân cây lớn nghiêng bóng, kế liền với một con đường sỏi đá và cỏ bồng hoang vu, trên đầu là những đám mây trung du và đám mây của một vòm trời trung du trắng xốp như bông nõn ấy nổi chìm ở bên này và bên kia một vùng rậm rì xanh đặc là hai sườn Tam Đảo.

Từ đỉnh núi, đổ xuống một ngọn thác trắng phau nhìn xa như một sợi chỉ bạc. Từ cuối con đường hoang, vang lên tiếng vó ngựa lộc cộc về chiều. Từ những xóm xa lọt vọng vào thị xã tiếng chầy giã gạo ba trăng. Tự miền cao phả về cái hơi thở âm u của núi rừng Việt Bắc. Tự miền dưới thổi lên cái hương thơm đầm ấm của lúa mạ đồng bằng. Người ta khiêng quan tài bà từ căn nhà rêu phong cổ cũ đi ra, cách hàng nghìn cây số tôi cũng hình dung thấy rõ ràng như vậy, đám táng kéo dài trên con đường lả lay cỏ bồng, chiếc quan tài in lên nền trời Tam Đảo, và nó được hạ huyệt trong thửa ruộng đó, không thể trên một thức đất nghĩa địa nào khác. Bởi vì bà tôi, nếu đã ở lại, nếu đã chối từ vượt tuyến cũng chỉ để được nằm xuống bên cạnh đứa con xấu số của bà là bác Cả Đoàn. Bác Cả được chôn ở thửa ruộng ấy, mấy giờ sau khi bác chết, cái thân thể trần truồng lỗ chỗ vừa đúng 17 vết đạn liên thanh.


*



Câu chuyện xảy ra cách đây đã mười lăm năm. Nhưng thảm kịch của người bác điên loạn, còn xảy ra lâu hơn nữa về trước, từ khi tôi còn nhỏ dại. Tôi kể lại dưới đây. Vì cái chết của người bác điên rồ là một trong những hiện tượng lạ lùng không bao giờ tôi giải thích được.

Mãi mãi tôi còn nhớ tới những chuyến về thăm quê ngoại đó, chuyến xe hàng cũ kỹ nổ máy từ tối đất nơi chân sóng rì rào của một xóm đạo vùng biển ỳ ạch chuyển mình trên những con đường liên tỉnh trải đá xanh hun hút. Những dốc đò rồi những bến phà. Dưới vành trời hắt hiu của mùa đông miền Bắc, chiếc xe cũ kiên nhẫn nuốt dần từng cây số trắng, thả lùi những xóm làng chài lưới về sau, tiến dần vào một vùng rừng núi cằn cỗi. Ngọn Tam Đảo hiện ra trong sương chiều, đỉnh núi chìm nhòe trong lớp mây xám loãng như một chiếc khăn choàng đánh đai lấy nó. Rồi là niềm vui náo nức tràn trề trong gió rừng đổ xuống khi chiếc xe trườn vào thị xã Vĩnh Yên le lói ánh đèn. Chiếc xe kéo thả mẹ con tôi xuống một căn nhà cuối tỉnh lỵ.

Cha tôi đánh điện tín từ hôm trước. Và bà tôi ngồi đó, trước thềm cửa, chờ đón chúng tôi. Bà chít khăn mỏ quạ, mặc áo bông ngắn. Mỗi năm bà mỗi già, nhưng ánh vui mừng cảm động của đôi mắt vẫn ngời lên, lấp lánh, khi tôi tự xe nhảy cẫng xuống, và mặc mẹ tôi quát mắng không được lôi bà như thế, tôi kéo bà sềnh sệch vào nhà. Bữa cơm, tôi ngồi chồm chỗm trên lòng bà, vòi quấy đủ thứ. Bà nấu chè và làm mứt dừa ngon vô cùng. Chè bà cốt, màu mật đặc quánh, mùi gừng thơm cay phảng phất trong mùi hương gạo nếp bùi ngậy. Dừa mật Vĩnh Yên nổi tiếng miền Bắc, bà nấu thành một thứ mứt dẻo quyện, trong suốt, đỏ thắm, đựng đầy trong một vò thủy tinh lớn. Những ngày về thăm bà ngoại, dạ dày tôi căng phình, đuôi mép lúc nào cũng nhuếch nhoáng màu đường màu mật. Vui thú không bút nào tả xiết. Thức dậy sau một đêm ngủ vùi vì chuyến đi mệt nhọc, buổi sáng tôi chạy ra đầu nhà, và cặp mắt của đứa nhỏ chỉ quen nhìn bãi cát và sóng biển trong tôi đã ngó nhìn đến độ bàng hoàng ngây ngất ngọn Tam Đảo hiện hình chất ngất trong buổi sáng trung du yên tĩnh, ngọn núi đứng đó, sừng sững trước mắt như một hình ảnh thần linh hoang đường, với cả một thế giới kỳ lạ, bí mật của nó ẩn kín ở sườn núi bên kia.


*



Chính là một trong những chuyến về Vĩnh Yên thăm ông bà ngoại mà tôi biết đến sự hiện hữu của bác Cả Đoàn. Lần thứ nhất ngó thấy bác, tôi đứng đờ người, mặt tái nhợt vì khiếp hãi. Đang nhảy nhót chung quanh cái bể non bộ ở khoảng sân sau, tiếng gõ loong coong làm nhịp cho một giọng hát ê a lạ tai ở căn buồng sát hông nhà bếp làm tôi ngừng nhảy, tò mò tiến lại.

Qua khung cửa khép hờ, tôi nhìn thấy một người đàn ông. Râu ria và đầu tóc người ấy xồm xoàm như một con thú. Người ấy khoác một tấm bao bố trên vai, đóng khố ngồi khoanh chân trên nền đất nhớp nhúa của căn buồng không có đồ đạc gì ngoài một tấm phản mộc. Hai chân người ấy bị xích chặt. Cái xích quấn nhiều vòng chung quanh mắt cá, đầu xích cột chặt vào một cái cọc gỗ chôn nghiêng.

Cảnh tượng người đàn ông gần như lõa thể bị cùm xích đột ngột hiện ra làm tôi rợn người, nín thở, trái tim đậm thình thình trong lồng ngực. Người đàn ông chưa nhìn thấy tôi. Hắn vẫn ngồi nguyên trong dáng điệu cũ, mắt nhắm nghiền, hai tay cầm hai mảnh que nhỏ loong coong lên đít một cái ống bơ sữa bò lật úp, miệng ê a như một thầy bùa đang tụng niệm.

Hắn cứ ê a và cứ nhắm nghiền mắt mà gõ loong coong không ngừng trên nắp ống bơ như thế một hồi lâu, thần trí như đắm chìm hoàn toàn vào một thế giới mơ hồ nào đó. Tôi tròn xoe mắt, nhìn ngắm không chớp. Tôi không biết người đàn ông cởi trần bị xích chân và đang ê a hát nhảm ấy là ai. Tại sao hắn ở trong nhà bà ngoại tôi? Tại sao hắn bị cùm xích như thế? Ông tôi, bà tôi, mẹ tôi, không một ai nói chuyện cho tôi về hắn, về sự hiện hữu của hắn trong căn nhà này, dù chỉ một lần.

Bỗng dưng, một tiếng động làm người đàn ông bừng tỉnh. Hắn mở choàng mắt, ngừng hát ngừng gõ. Thấy tôi đứng đó, hắn trợn mắt nhìn rồi thình lình hắn chỉ thẳng chiếc que vào mặt tôi, và cười nhe hàm răng trắng ởn. Tôi chỉ kịp rú lên khiếp hãi rồi quay đầu, cắm cổ chạy bay lên nhà trên.

Tôi còn nhớ khi tôi vừa thở vừa kể chuyện cho bà tôi về người đàn ông nhìn thấy dưới căn buồng hông bếp, bà tôi và mẹ tôi đã đưa mắt nhìn nhau, cái nhìn trao đổi ấy cực kỳ buồn rầu và chua xót.

Tôi níu áo bà, hỏi dồn:

“Ai thế, bà ngoại?”

Mẹ tôi trừng mắt mắng át:

“Trẻ con biết gì mà hỏi. Cấm mày không được xuống đó nữa, nghe không?”

Thấy tôi phụng phịu sắp khóc, bà ngoại kéo tôi vào lòng, vuốt tóc. Bà nói, giọng nghẹn ngào nước mắt lưng tròng:

“Cháu nó biết gì mà mắng nó! Bác Cả Đoàn đấy cháu ạ! Mẹ bảo cháu phải nghe, cháu đừng lảng vảng xuống gần chỗ bác Cả nữa nhé!”

“Tại sao thế bà ngoại?”

Bà tôi ngập ngừng nói:

“Vì bác ấy điên”.

Mãi mấy năm về sau, khi lớn khôn hơn, tôi mới được mẹ tôi nói chuyện về bác Cả Đoàn. Bác là con trưởng và là người con trai độc nhất của ông bà tôi. Theo lời mẹ tôi thuật lại, bác thông minh và hiền từ vô cùng. Ông bà tôi cho bác ra Hà Nội học, đến khi đỗ bằng cao đẳng tiểu học, bác Cả ở luôn ngoài Hà Nội, làm thư ký cho một hãng buôn lớn, thỉnh thoảng mới về Vĩnh Yên thăm ông bà tôi, thường thường là vào cuối mùa gặt để làm giúp ông tôi sổ sách về thóc lúa thu hoạch được. Gia sản của ông tôi ước chừng vài ba chục mẫu ruộng ở các miền kế cận thị xã, những thửa ruộng nằm rải rác trong những thung lũng, những chân đồi trước mặt ngọn Tam Đảo. Đường sá miền trung du gập ghềnh núi đồi cheo leo, đó chỉ là một hệ thống thiên nhiên của những lối mòn đổ xuống thung này vắt qua lũng khác, xe cộ không thể đi tới, nên mỗi lần đi thăm ruộng ông tôi vẫn phải dùng ngựa. Ông tôi có một con ngựa hồng, khi nào không cưỡi vẫn thả rông cho ăn cỏ ở khoảng đồi thấp sau nhà.

Năm đó – năm xảy ra bất hạnh – bác Cả từ Hà Nội về giữa lúc ông tôi bị đau nặng. Thế là bác Cả sáng sáng cưỡi ngựa đi thăm ruộng thay cha. Buổi sáng hôm đó, bác cũng cưỡi ngựa phóng nước kiệu ra khỏi nhà đi thăm mấy thửa ruộng gặt dở trong thung như thường lệ.

Đến nơi, bác thả ngựa cho ăn cỏ ở một bóng cây, chạy xuống chuyện trò vui vẻ với đám thợ gặt. Sự tình cờ tai hại là thửa ruộng ấy sát liền với thửa ruộng của một điền chủ khác, người này hôm ấy cũng cưỡi ngựa đến thăm ruộng mình và cũng thả ngựa cho ăn cỏ dưới cùng một bóng cây. Một lát sau, những tiếng hí vang lên. Tiếng móng đập loạn xạ. Hai con ngựa đá nhau dữ dội. Hoặc là bác Cả không biết khi hai con ngựa đá nhau như thế là cực kỳ nguy hiểm, hoặc là bác sợ con ngựa của ông bị thương – không biết – chỉ biết bác chạy lao tới, kéo con ngựa của ông tôi ra, và liền bị nó đá hậu một đá trúng giữa khoảng bụng dưới. Bác thét lên một tiếng đau đớn rồi ngã vật xuống, ngất đi.

Khi đám thợ gặt khiêng bác về nhà, ai cũng tưởng bác bị ngựa đá chết. Rờ tim, còn đập thoi thóp, nhưng bác vẫn mê man không hồi tỉnh lại được. Bà ngoại tôi cuống cuồng, kêu thóc thảm thiết. Phương kế nào cũng không làm bác tỉnh lại. Cho đến khi một người hàng xóm mách bà tôi cho bác uống mật gấu. Chất mật gấu có một tác dụng kích thích cực kỳ mãnh liệt. Chỉ mười lăm phút sau, bác Cả cựa mình và mở mắt.

Có điều là thương con quá độ, muốn cứu con mau chóng, bà tôi đã đổ vào miệng bác quá nhiều mật gấu. Sau tai nạn, bác khỏe mạnh như người thường. Nhưng một năm sau, chất mật gấu bắt đầu phá phách cơ thể và thần trí: bác Cả Đoàn phát điên. Bà tôi đau đớn ra tận Hà Nội đón đứa con điên loại về Vĩnh Yên, nhất định không chịu để người ta đưa bác vào nhà thương Vôi, là nhà thương người điên ở miền Bắc thời bấy giờ.

Sự buồn thảm như một đám mây đen tối đổ dồn vào mái nhà êm ấm, biến nó thành địa ngục và nhà mồ. Ông tôi giết con ngựa phản chủ, suốt ngày ngồi lặng lẽ trên góc phản, khuôn mặt u uất rắn lạnh như chưa thôi đau đớn trước một thất đức tiền kiếp nào đó, bây giờ hiện thân thành trừng phạt mà người phải gánh chịu qua chứng điên loạn của người con. Bà tôi thì cả ngày vật vã khóc lóc. Nhà có người điên nên bạn bè thân thuộc cũng xa lánh dần dần. Sự thật là ông tôi đóng kín cửa không chịu tiếp ai, trong nỗi đau âm thầm có pha lẫn một niềm tủi hổ mà sống người để bụng, chết người mang theo, vĩnh viễn không bao giờ xóa bỏ được.

Căn nhà chứa lúa dưới hông bếp không dùng làm gì nữa – ông tôi đã bán rẻ hết ruộng đất sau tai họa – biến thành cái thế giới lưu đầy bé nhỏ cho bác Cả sống với những hình ảnh quái dị nhảy múa trước mắt, nơi sự tỉnh táo sáng suốt chỉ còn là những vùng thư thái thu hẹp như những giọt nắng thoi thóp cuối cùng của một vòm trời bão giông. Căn bệnh không thuyên giảm, ngày một trầm trọng thêm mãi cho đến khi mọi phương sách cứu chữa tuyệt vọng đều uổng công.

Mấy tháng đầu, cơn điên chập chờn trong một trạng thái mất trí hiền lành. Bác Cả cười khóc rồi lăn ra ngủ. Bác ngủ suốt ngày suốt đêm, đầu ghếch lên một góc tường, tay chân co quắp, như một con chó ốm. Sau, chứng bệnh nặng dần. Cái thế giới bệnh hoạn ngột ngạt nung nấu biến con vật hiền lành thiêm thiếp thành một con thú dữ tợn, mỗi lần nổi cơn là một lần đập phá gào thét khủng khiếp. Tóc bạc mọc dài ra, râu ria xồm xoàm. Rớt rãi sùi trắng hai bên mép. Con mắt trợn trừng đỏ rực màu máu. Đêm đêm tiếng gầm rú của người điên vang động khắp khu phố, như lan xa tới vách Tam Đảo và vang trở lại, gợi trong nó cái âm thanh rùng rợn của một con hổ vằn tử thương tru rống từ một đáy rừng sương.

Một buổi chiều nóng nực, bác Cả phát cơn điên đã chạy lên nhà đập phá loạn xạ. Rồi vớ được một gióng cửa gỗ lim, bác thẳng cánh quất xuống đầu ông tôi máu chảy lênh láng. Từ đó, mặc dù bà tôi phản đối, ông tôi cho xích bác lại. Người điên khỏe lạ lùng. Cái dây xích lớn thế, cái cọc đóng sâu vào nền đất như thế mà nhiều lần bác thét rồi vươn tay nhổ phăng cọc, cứ trần truồng ôm xích mà chạy túa ra đường. Bác vừa chạy vừa hò hét, cứ nhắm hướng Tam Đảo tiến vào. Phải hàng chục người trai tráng trong phố mới chế ngự được bác sau một cuộc vật lộn dữ dội.

Người độc nhất mà bác còn nể sợ là bà tôi. Đang gào thét, chửi rủa, đập phá, chỉ cần bà tôi đến ngó bác bằng cái nhìn đẫm lệ và dịu dàng nói: “Cả, làm gì thế con?” là bác im ngay, bác từ từ ngồi xuống, cái nhìn nem nép cúi gằm như một đứa nhỏ phạm tội. Tình thương đó của bà tôi là dòng ánh sáng duy nhất còn chiếu soi được vào vùng tối đặc mê mẩn, là trận mưa duy nhất còn đổ xuống và thấm lắng được vào thần trí bác như một vùng đất đai khô cằn, làm nở lên những bông hoa. Nhưng tình thương đó chỉ là một liều thuốc an thần chốc lát. Căn buồng chứa thóc ngày trước ở hông bếp là một địa ngục vĩnh viễn giam cầm bác Cả tôi trong cái thế giới cô độc của kẻ mất trí, cái thế giới rùng rợn của người điên.


*



Từ ngày biết rõ chuyện bác Cả như thế, tôi vẫn được mẹ tôi hằng năm cho về thăm bà ngoại. Tôi sợ, nên chỉ quanh quẩn trên nhà, đôi khi lảng vảng xuống khoảng sân sau cũng chỉ dám đứng ngó bác thấp thoáng trong căn buồng mờ tối từ xa. Cho đến khi cuộc chiến tranh đột ngột bùng nổ, cắt đứt đường về thăm quê ngoại. Hai năm trôi qua như thế, rồi là một tin buồn từ ngọn Tam Đảo vượt qua nghìn trùng cách trở xuống với gia đình tôi ở dưới biển: ông ngoại tôi tạ thế. Mẹ tôi khóc ngất, thương cha chết một phần, thương người mẹ già một thân một mình lủi thủi kéo lê cái tuổi già buồn thảm dưới bóng núi xa đến mười phần.

Tôi còn nhớ năm đó là một mùa đông cực kỳ buốt lạnh. Sau một đêm bàn bạc, cha tôi bằng lòng để mẹ tôi tìm đường lên Vĩnh Yên đón bà ngoại xuống ở với gia đình tôi. Mọi đường giao thông trên bộ đã bị gián đoạn hết, phải chuyển vận bằng thuyền. Vì chuyến đi nguy hiểm gian lao, tôi phải năn nỉ vòi vĩnh mãi mới được mẹ tôi cho phép đi theo. Ngày đi đêm nghỉ, chiếc thuyền nan ngược dòng, vượt nhánh sông này tới nhánh sông khác, len lỏi qua các mặt trận, tránh xa những vùng súng đạn, ròng rã đúng vào nửa tháng mới tới được cái bến đá hẻo lánh dưới chân ngọn Tam Đảo.

Bấy giờ, từ mạn cầu Đuống tràn ngược lên qua Hương Canh, Phúc Yên, cánh quân mở đường của Pháp đã tiến dần đến thị xã. Chúng tôi đặt chân vào căn nhà rêu phong cổ cũ đúng ngày bà ngoại tôi đang sửa soạn tản cư vào núi. Đứa trẻ đã lớn, đã biết nhận xét ở tôi, chuyến cuối cùng về thăm quê ngoại đó, thu vào tầm mắt nó những hình ảnh cực kỳ buồn thảm. Bà tôi đã già, già lắm. Bà vẫn đội cái khăn mỏ quạ, mặc cái áo bông ngắn như cũ, nhưng ánh lửa nhân hậu sưởi ấm những tháng ngày thơ dại của tôi đã tắt trong cặp mắt nhòe mờ, khuôn mặt tươi cười thuở nào chỉ còn là một vùng héo hon đầy những nếp nhăn, in hằn những đường rãnh nước mắt không thôi chảy ròng từ ngày đứa con trai độc nhất bị ngựa đá thành điên. Cùng với tiếng súng của một thời loạn lạc ầm ĩ dội tới từ đầu thị xã, buổi tối mùa đông dầy đặc khí núi thổi lùa từng đợt lạnh căm căm vào căn nhà le lói ánh đèn, nơi mẹ tôi và bà tôi ngồi thao thức bên đống hành lý gói buộc sẵn sàng trong đêm dài kinh hoàng, chờ buổi sáng tới để chạy ẩn vào hang núi. Những tiếng thở dài não nuột phát ra từ hai cái bóng âm thầm. Bỗng mẹ tôi hỏi:

“Còn bác Cả”.

“Mẹ cũng chưa biết tính sao đây, bà ngoại vừa khóc vừa nói. Nó điên loạn như thế cùm xích bao nhiêu năm rồi, bây giờ tháo xích đưa nó đi theo, biết nó chịu đi không? Nó nổi cơn lên thì làm thế nào chứ! Mà để nó ở lại thì thà mẹ ở lại đây cho lính Tây nó bắn chết còn hơn”.

“Hồi này bệnh tình anh con ra sao? Mẹ tôi hỏi”.

Bà tôi gạt nước mắt nhìn xuống phía nhà bếp:

“Mỗi ngày một nặng thêm. Trước nó còn chịu nghe mẹ, bây giờ mê loạn hoàn toàn rồi, bảo gì cũng không chịu nghe nữa”.

Tôi cứ nằm nghe tiếng đại bác ầm ì và tiếng nói chuyện rì rầm như thế rồi ngủ đi trên gối bà lúc nào không hay. Khi mẹ tôi lay vai đánh thức dậy, trời đã tảng sáng. Tiếng súng lớn vọng tới trong đêm giờ đã biến thành tiếng liên thanh tặc tặc réo réo từng hồi, thật gần, rõ mồn một, tưởng như đã nghe thấy tiếng giầy đinh, tiếng sì sồ của quân Pháp ở ngay đầu phố.

Mẹ tôi và bà đeo khăn gói lên vai hấp tấp đi xuống căn buồng bên hông nhà bếp. Phút quyết liệt đã tới. Bà tôi mở cánh cửa gỗ, mẹ tôi rón rén đi theo, cùng tiến vào chỗ bác Cả Đoàn nằm. Tôi nín thở, đứng nép sau lưng bà. Cái bao bố rách tơi tả phủ lên một thân hình gầy đét đến xương, bác Cả nằm nghiêng, quay mặt vào tường, sợi dây xích đen nhảy căng thẳng từ cổ chân bác tới đầu cọc. Mùi cứt đái xông lên nồng nặc khiến tôi nôn ọe bịt vội mũi lại. Cái ống bơ và hai thanh tre, thú tiêu khiển và cũng là bạn bè độc nhất suốt một đời của người điên – tôi nhìn thấy ở nguyên chỗ cũ, dưới chân bác. Bác nằm, nhưng không ngủ. Tiếng nôn ọe của tôi làm bác bất thần quay ra và ngồi vụt dậy. Tôi hoảng hốt không giữ được tiếng thét sợ hãi. Mọi người chờ đợi những tràng dài quát tháo nguyền rủa nổi lên. Nhưng không, bác lùi vội lại một bước như con thú dữ thu mình, tròn xoe mắt, nhìn bà tôi không chớp. Mẹ tôi gạt nước mắt đứng yên. Bà tôi ngồi xuống. Bằng một giọng nói hết sức dịu dàng, rành rọt từng tiếng một, bà tôi cắt nghĩa cho bác là quân Pháp đã tràn vào thị xã, chúng tôi phải bỏ nhà tản cư vào núi và xuống đây đem bác đi theo.

“Con bằng lòng đi theo mẹ không?”

Bác Cả nín thinh, rồi cái nhìn vụt chuyển thẳng từ bà tôi tới tôi khiến tôi thất thần lạnh toát người đi.

“Con giai em con đó, mẹ con nó lặn lội từ dưới bể lên thăm con đó”.

Bà ngoại quay lại tôi:

“Cháu chào bác Cả đi. Bác yêu cháu lắm. Cháu chào bác đi”.

Tôi nhợt người, ấp úng mãi mới nói được với người điên:

“Lạy bác ạ!”

Bác vẫn nín thinh trong dáng điệu thủ thế cũ. Bà tôi ngồi xích lại gần bác, nghẹn ngào:

“Con thế này, sống cũng như chết rồi, mẹ chẳng muốn đưa con ra khỏi chỗ này làm gì, nhưng Tây nó đến, mẹ bỏ con lại không đành, con nghe lời mẹ, con đừng giận dữ, con đi theo mẹ nhé!”

Bác vẫn nín thinh và nhìn ngó trừng trừng. Bà tôi ngọt ngào dỗ:

“Bây giờ mẹ cởi xích cho con”.

Miệng nói bà tôi thò tay vào chân bác. Bác Cả rút phắt chân lại. Dây xích căng thẳng, tiếng kêu loảng xoảng trong căn buồng tối nhờ nhờ. Nhưng tình thế nguy ngập không thể chùng chình được nữa.

“Mẹ cứ cởi xích cho con rồi con có giết chết mẹ, giết chết em, giết chết ngay lập tức, mẹ cũng đành, nhưng mẹ không thể bỏ con ở lại một mình được, mẹ phải cứu con, mẹ phải đưa con đi, mẹ con ta sống chết phải có nhau”.

Bà tôi vừa khóc sướt mướt, vừa mếu máo tra cái chìa vào ổ khóa. Rồi mẹ tôi và tôi cũng ôm mặt khóc theo. Tiếng khóc vang đầy căn buồng hòa lẫn với tiếng đạn liên thanh tặc tặc nổi dậy, mỗi phút một gần thêm mãi. Vòng xích cuối cùng đã tháo hết, bác Cả như một con thú dữ bị gông cùm bao nhiêu năm qua vừa được thả lỏng. Giây phút cực kỳ căng thẳng. Chúng tôi cứng người, chờ bác chồm dậy, thét lớn, vung xích quật xuống.

Nhưng lạ lùng, nhưng kinh ngạc xiết bao! Bác Cả từ từ đứng dậy. Và trong một dáng điệu hết sức từ tốn, đĩnh đạc, bác tiến lại trước mẹ tôi, giơ cánh tay trần khẳng khiu đặt lên vai mẹ tôi, cử chỉ thân mật âu yếm của một người anh đối với người em gái lâu ngày mới gặp:

“Cô Hai đấy ư? Bây giờ cô chú xuống làm ăn dưới biển ư? Chú ấy vẫn mạnh đấy chứ?”

Sự kinh ngạc làm mẹ tôi mãi mãi mới trả lời được hai tiếng ngắn cộc:

“Vâng ạ”.

Mà không riêng gì người, bà tôi và tôi đều cùng sững sờ trong kinh ngạc tột điểm. Bao nhiêu năm điên loạn, thốt nhiên, trong giây phút thập tử nhất sinh này, bác Cả đã tỉnh dậy, như tỉnh dậy sau một giấc ngủ bằn bặt, như sống lại sau một cái chết dài.

“Ông mất rồi, tôi bệnh hoạn như thế này, bà già yếu không còn ai nương tựa, chỉ còn mình cô chú. Cô chú thay tôi chăm sóc bà nhé!”

Mẹ tôi giàn giụa nước mắt gật đầu.

Bác Cả quay lại, mỉm cười tiến đến trước mặt tôi, cái bao bố kéo lệt xệt trên nền đất.

“Tên cháu là gì?”

Phút đó tôi vẫn khiếp hãi, nhưng sự khiếp hãi không còn như trước nữa. Tôi nhìn cái khuôn mặt râu ria xồm xoàm, nhớp nhúa, tiều tụy nhưng đầy những nét đẹp cân đối, tôi nhìn cái thân hình giơ xương, cái mái tóc màu tro phủ xuống kín gáy, rồi tôi nuốt nước bọt, cố gắng chế ngự sự hồi hộp, dõng dạc trả lời bác:

“Thưa bác, tên cháu là Đăng”.

Bác Cả nhoẻn miệng cười, xoa đầu tôi, nhắc đi nhắc lại:

“Tốt lắm, tốt lắm, tốt lắm”.

Cuối cùng, bác quay sang bà ngoại mà nỗi mừng vui xúc động mãnh liệt vừa bật thành tiếng khóc nức nở.

“Con không điên nữa đâu. Bây giờ con không điên đâu. Mẹ đừng sợ, mẹ đừng khóc nữa”.

Qua khung cửa, trời bật sáng rõ. Cùng với ngày vừa lên, tiếng giầy đinh rầm rập, tiếng xì xồ quát tháo lạ tai của toán lính Pháp hung dữ nhất tề nổi lên ở đầu phố.

Bác Cả lắng tai nghe ngóng. Mắt bác sáng quắc. Bác nhảy vọt một bước ra sân, vơ lấy cái gióng cửa dựng ở bên thành bể non bộ, cái gậy mà trong một cơn điên ngày nào bác đã đánh ông tôi chết ngất. Theo tiếng gọi của bác chúng tôi líu ríu ra khỏi nhà, lếch thếch chạy ngược về phía chân núi. Ngọn Tam Đảo mờ mờ trong sương sớm. Ra đến đầu tỉnh chúng tôi đặt chân vào con đường dẫn lên đồi còn ướt đẫm sương. Chúng tôi vừa chạy vừa thở hổn hển, chân cẳng run bắn muốn ríu lại, muốn té quỵ, vì ở phía sau lưng những tiếng đạn, tiếng giầy, tiếng xì xồ vẫn đuổi theo rất gấp. Những đám người chạy cùng với chúng tôi khi nhìn thấy bác Cả, mình đeo khố tải, tay cầm gậy lớn, đều kêu lên thất thanh: “Người điên! Người điên!” và chạy tán loạn về phía khác. Tôi chạy tưởng chừng sắp muốn đứt hơi. Bà tôi mấy lần lảo đảo chỉ muốn ngã sấp xuống. Bác Cả đi tập hậu, cứ kéo lết bết cái bao tải như thế, vừa chạy vừa ngoái cổ lại. Trên con đường vắng tanh, lởm chởm, chỉ còn bốn bà cháu chúng tôi cuống cuồng, lếch thếch trước những tràng đạn đuổi theo veo véo trên đầu.

Bỗng tiếng bác Cả cất lên:

“Chúng nó! Chúng nó!”

Chúng tôi rú lên, cùng ngoái cổ nhìn lại. Thấp thoáng ở xa xa, đầu con đường đầu tỉnh, những đầu lưỡi lê nhấp nhổm, sáng loáng. Cùng lúc đó, bà tôi kiệt sức, ngã vật xuống. Bác Cả chạy đến, xốc bà ngoại dậy. Bà tôi vừa khóc vừa thở:

“Thôi đành là mẹ con ta chết ở đây. Mẹ không chạy nổi nữa, con ơi!”

Tôi thấy bác Cả đẩy bà ngoại cho mẹ tôi đỡ lấy, bác nghển cổ nhìn tứ phía, rồi bác chỉ tay cho mẹ tôi nhìn thấy một con đường nhỏ chạy tắt xuống thung lũng um tùm.

“Cô đưa bà và cháu chạy xuống dưới kia”.

Mẹ tôi còn ngơ ngác do dự bác đã giục hối hả:

“Mau lên. Chạy xuống ẩn dưới đó đi”.

“Còn bác?”

Bác Cả lần lượt nhìn cả ba chúng tôi bằng một cái nhìn lạ lùng, một cái nhìn chứa chan, nồng nàn, như gửi vào đó tất cả những thương yêu một đời, rồi bác mỉm cười nói:

“Tôi chạy theo sau mà. Mau lên, trời ơi, mau lên”.

Mẹ tôi quẳng vội khăn gói, một tay dìu bà, một tay dắt con, cắm đầu chạy xuống con đường nhỏ. Đạn nổ đinh tai nhức óc. Chạy tới một vùng cỏ dại cao ngang tầm người, mẹ tôi vấp kéo theo bà tôi và tôi cùng ngã xuống.

Nhìn lên, mẹ tôi kêu lên một tiếng sợ hãi. Thì ra bác Cả không chạy theo chúng tôi, mà từ con đường cao, bác chạy sang phía bên kia, bác chạy thẳng lên đỉnh đồi.

Suốt đời, tôi còn nhớ thân đến cái cảnh tượng lạ lùng, kinh dị đó. Thân hình bác Cả nổi lên nền núi xanh thấp thoáng nắng sớm, cái khổ tải lất phất như một cánh bướm, như không phải là bác đang chạy mà đang là là bay. Điều kỳ dị là bác chạy dềnh dàng, chuệnh choạng, chân nam đá chân xiêu, như người sau rượu. Điều kỳ dị nữa là bác vừa chạy như thế, vừa vung tít cái gậy trên đầu, vừa ngoái cổ lại, gật gù như vẫy như gọi bọn lính đuổi theo, miệng thì ca hát ê a, tiếng ca hát ê a tôi đã từng nghe thấy trong những cơn điên của bác.

Bà tôi và mẹ tôi cùng thét lên:

“Trời ơi! Lại nổi cơn điên rồi”.

Nhưng không phải thế đâu. Bác Cả không điên. Bác Cả chỉ đang cứu chúng tôi thoát khỏi ba cái chết thảm khốc. Sau này, càng nghĩ càng nhớ đến cái nhìn cuối cùng của bác, cái nhìn chan chứa yêu thương không nói, tôi càng tin là đúng, là chỉ có thể như thế, là lần duy nhất trong đời, điên đã tỉnh rồi, đã giả bộ múa hát điên điên dại dại, để dụ quân Pháp về một hướng khác, đánh lạc đường chúng đuổi theo chúng tôi.

Và bác đã thành công, toán lính đuổi tới chỗ bà tôi ngã, đứng khựng lại trước cảnh tượng kỳ quái đang diễn ra trước mắt chúng trên ngọn đồi trọc. Tới đỉnh đồi, bác Cả quay lại, hoa chân múa tay, miệng vẫn hò hát, như thách thức đám lính đuổi theo. Một tràng đạn xé tan không khí. Từ đám cỏ hồng, tôi thấy bác Cả lảo đảo, cái gậy trong tay bác hạ xuống, bác loạng choạng đi trở xuống, tay ôm ngực. Một tràng đạn thứ hai nổi lên. Bác Cả ngã vật xuống. Quân Pháp chụm đầu bàn tán, ý chừng còn thảng thốt trước sự xuất hiện quái đản của người khùng. Rồi chúng quay trở lại, kéo nhau về thị xã.

Chúng tôi thoát chết.

Khi bà tôi lên tới đỉnh đồi và nức nở quỳ xuống, bác Cả đã tắt thở từ lâu. Con mắt một nửa đời người vẩn đục màu máu điên loạn chỉ còn là một khối đồng tử bất động. Cái bao tải phủ ngang thân thể bác như một màn vải liệm. Chiếc gậy lớn vẫn cầm lăm lăm trong tay. Bác Cả nằm nghiêng nghiêng, nét mặt hiền hòa, cái nhìn ngước lên như hướng tới đỉnh núi Tam Đảo cao ngất bây giờ đã rực rỡ dưới nắng.

Bà tôi vuốt mắt cho bác. Buổi trưa hôm đó bà tôi xõa tóc, đi theo xác con đến tận bờ huyệt đào ngay trong thửa ruộng chân đồi, dưới bóng cây, nơi khi xưa, bác Cả Đoàn đã bị con ngựa hồng của ông tôi đá một phát vào bụng dưới thành điên.



Trở về căn nhà rêu phong cũ, bà tôi quét dọn lại căn buồng chứa lúa ngang hông nhà bếp, dọn giường chiếu xuống đó, sống những ngày già yếu cuối cùng của đời bà ngay trên thước đất nơi bác Cả bị xiềng xích ngày trước. Chỉ còn một thân một mình nhưng bà tôi nhất định ở lại nơi này, trong căn buồng của người con điên, và bỏ luôn ý định xuống miền biển, sống với gia đình chúng tôi, mẹ tôi năn nỉ thế nào, khóc xin đến mấy cũng không lay chuyển được. Ngày sắp di cư vào Nam, cả thầy mẹ tôi cùng lên Vĩnh Yên, đón bà cùng đi. Nhưng bà tôi không chịu. Và bà đã ở lại. Bà bảo mẹ tôi:

“Mẹ già rồi, không đi đâu nữa. Mẹ ở lại chờ chết trong căn buồng này là nơi thằng Cả nó đã sống, đêm đêm mẹ vẫn mơ thấy nó hiện hồn về”.

Trên cái bàn thờ nhỏ của bác Cả Đoàn được thiết lập ở một góc buồng, bà tôi dựng cái gậy bác Cả còn cầm ở trong tay cho đến lúc chết. Và trên bàn thờ, dưới ánh khói hương, là cái ống bơ sắt cũ và đôi gậy tre là những dấu tích cuối cùng của một cuộc đời điên loạn.


*



Bây giờ bà tôi đã chết. Tấm bưu thiếp ngắn ngủi từ bên kia vĩ tuyến không nói rõ bà tôi nằm xuống ở đâu, trút hơi thở cuối cùng trên thước đất nào. Nhưng tôi, tôi nhìn thấy rõ ràng cái chết nghìn trùng cách trở ấy. Người bà ngoại nhân hậu vì quá thương con, cho con uống quá nhiều mật gấu đến nỗi thành điên, đã khép mắt trong căn buồng ấy, nơi mãi mãi phảng phất tiếng ê a lạ tai và tiếng đũa gõ loong coong đêm ngày trên nắp cái ống bơ lật úp của người điên đã chết cho những người thân yêu được sống. Phải, bà ngoại tôi chỉ có thể chết trong căn buồng ấy. Không thể chỗ khác. Và người ta cũng chỉ có thể chôn cất bà ở chỗ ấy, cho người mẹ già được ngủ giấc ngủ nghìn đời với người con điên trong thửa ruộng dưới chân đồi nhìn lên một sườn Tam Đảo. Không thể ở chỗ khác.

Có một điều là: sau bao nhiêu năm, tôi vẫn ngạc nhiên và vẫn tự hỏi về cái hiện tượng lạ lùng là sự thức tỉnh sáng suốt cuối cùng và đột ngột của bác Cả Đoàn. Tiếng súng đạn đinh tai nhức óc đã làm bác chợt tỉnh cơn điên loạn triền miên? Hay là vì những giọt nước mắt hãi hùng của chúng tôi trong buổi sáng thập tử nhất sinh đó? Hay vì tôi, vì cái khuôn mặt thơ dại của đứa cháu vô tội? Không biết. Có thể là vì những nguyên nhân huyền bí, siêu hình nào đó đã cấu tạo thành linh hồn và sự thật dị thường không khám phá nổi, niềm bí mật nghìn đời ẩn giấu của thế giới người điên.

Chỉ biết rằng, buổi sáng hôm đó, trước cái chết đến gần, bác Cả Đoàn đã tỉnh dậy. Và nhờ sự sáng suốt độc nhất, chốc lát, của cuộc đời điên loạn ấy mà tôi còn được sống đến ngày nay.

© Copyright Mai Thảo


Share/Save/Bookmark

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

Giáo dân Đồng Hới tạm lánh sang vùng khác để tránh bị truy bức

Nguồn : RFI
Trọng Nghĩa
Từ Hướng Phương, Cẩm Xuyên đến Cầu Rầm, các giáo dân đều cầu nguyện cho giáo xứ Tam Toà (DR)

Từ Hướng Phương, Cẩm Xuyên đến Cầu Rầm, các giáo dân đều cầu nguyện cho giáo xứ Tam Toà (DR)

Hãng tin Công giáo Asianews báo động : giáo dân tại Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình phải tạm lánh sang các giáo xứ lân cận để tránh các hành động truy bức của chính quyền sở tại. Các giáo dân chạy qua các vùng lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh

Trong bản tin đánh đi từ Hà NộI đề ngày hôm nay 29/07/2009, hãng thông tấn Công giáo Asianews, trụ sở tại Ý đã tỏ ý rất lo ngại cho các giáo đân ở Thành phố Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình.

Theo Asianesw, linh mục Võ Thanh Tâm, Tổng đại diện giáo phận Vinh trực thuộc Đồng Hới, đã cho biết là trong một vài ngày qua, chính quyền đã cho bắt gìữ nhiều giáo dân. Đặc biệt là vào hôm qua, 28/07, công an đã bắt đi một giáo dân mà nhà thường xuyên được sử dụng làm nơi hành lễ.

Ngoài các vụ bắt giữ nói trên, theo Asianews, một số người địa phương cho biết là công an cùng nhiều nhóm thường dân phụ trợ đã đi đi lại lại trên các đường phố để tìm đánh tất cả những ai mang biểu tượng của đạo Công giáo. Họ còn thốt ra những lời đe dọa tính mạng giáo dân.

Trong tình hình bất an đó, theo Asianews, hàng trăm gia đình giáo dân Công Giáo ở Đồng Hới đã phải bỏ nhà chạy qua các vùng lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh để lánh nạn.

Xin nhắc lại là mới đây, bạo động đã nổ ra khi một nhóm giáo dân đến nền nhà thờ Tam Toà để dựng tạm một nơi thờ phụng vì trong khu vực không có nhà thờ. Theo chính quyền địa phương thì xô xát đã xẩy ra khi một nhóm cư dân trong vùng không đồng ý với hành động nói trên đã đến nơi ngăn cản. Còn theo các hãng tin công giáo thì chính công an đã xông vào đánh đập và bắt bớ giáo dân.

Về nhà thờ Tam toà bị phá hủy trong thời kỳ chiến tranh, chính quyền chủ trương xếp nơi này vào diện ''di tích chiến tranh''. Ngược lại, giáo dân tại chỗ lại muốn có nơi hành lễ.


Share/Save/Bookmark

Tu sĩ bị đánh đập và nhiều cuộc biểu tình của giáo dân diễn ra khắp Việt Nam

Nguồn : X-Cafe
J.B. An Dang
Vô Thường, X-Cafe chuyển ngữ
28.07.2009

Hàng nghìn tín đồ đã tổ chức biểu tình và cầu nguyện tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tu sĩ bị đánh đến hôn mê và bị xô từ lầu hai của một bệnh viện. Vài người khác bị đánh đập nặng nề trong khi có 30 công an chỉ đứng quan sát. Giáo phận Vinh đã công khai lên án vụ xô xát này

Hà Nội-Hai tu sĩ đang trong tình trạng nguy hiểm sau khi bị công an và bọn côn đồ đánh đập dã man trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn những cuộc biểu tình tổ chức vào ngày 26 tháng 7 tại Vinh (cách Hà Nội 300km về phía nam). Các cuộc biểu tình này được tổ chức nhằm đòi hỏi công lý trước việc dùng bạo lực chống lại cộng đồng người công giáo tại giáo sứ Tam Hòa. Sau khi loan báo tin tức về tình trạng của các tu sĩ, một loạt các cuộc biểu tình mới đã được tổ chức tại nhiều thành phố ở Việt Nam.

Tối hôm qua, văn phòng giáo phận Vinh đã ra thông báo phản đối công an và nhóm côn đồ do công an chỉ đạo tấn công hai tu sĩ. Tình trạng của Cha Paul Nguyễn Đình Phú và Cha Peter Nguyễn Thế Bình là rất nghiêm trọng. Cả hai đã được đưa vào bệnh viện ở Đồng Hới, Cha Paul Nguyễn Đình Phú bị gãy xương và chấn thương đầu trong khi Cha Peter Nguyễn Thế Bình bị đánh đến hôn mê và bị xô từ tầng 2 của tòa nhà.

Tuyên bố của giáo phận cũng phản đối việc công an và côn đồ tấn công bất kỳ ai dám mặc biểu tượng Thiên Chúa Giáo. Trong một vụ xô xát khác, bọn công đồ đã đánh đập dã man chị Nguyễn Thị Yến và đứa con 9 tuổi của chị.

Sáng ngày 26 tháng 7, Cha Nguyễn Đình Phú, mục sư của Du Lộc, bị một nhóm công an mặc thường phục tấn công khi ông đang đi đến giáo xứ Tam Hòa để tổ chức tưởng niệm tập thể với 5 tu sĩ khác của giáo phận Trooc. Vụ tụ tập bắt đầu bằng một cuộc biểu tình hòa bình phản đối việc nhiều tín đồ giáo xứ Tam Hòa bị đánh đập trong khi đang sửa chữa một nhà thờ bị hư hại, 7 tín đồ đã bị bắt giữ.

Sự kiện này thu hút 170 tu sĩ, 420 tín đồ và khoảng 500 giáo dân tại giáo phận Vinh và các giáo phận lân cận, rải rác từ 19 sở hạt. Khi đi đến Tam Hòa, 3 phụ nữ đã bị một nhóm người tấn công. Cha Paul Nguyễn đã cố gắng can thiệp bảo vệ nhưng “trước khi tôi có thể nói được lời nào thì họ đã để người phụ nữ qua một bên, quay sang tôi và đánh tôi dã man sau khi nhận ra tôi là một tu sĩ. Có ít nhất 30 công an mặc đồng phục bên cạnh đứng nhìn một cách thờ ơ khi tôi bị tấn công”, ông nói.

Vụ đánh đập đã làm ông bị gãy xương và chấn thương ở đầu và mặt. Ông đã được một nhóm tín đồ giải cứu và đưa đến bệnh viện. Sau đó, bọn côn đồ trước đó đánh ông đã đến bao quay bệnh viện, chúng được trang bị dùi cui và các hung khí khác.

Văn phòng giáo phận Vinh ngay lặp tức đưa ra phản đối công khai đến Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Bình và yêu cầu Cha Peter Nguyễn Thế Bình, mục sư giáo phận giáo xứ Hà Lợi bên cạnh, đến thăm Cha Paul Nguyễn, cùng đi với ông là Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Trần Công Thuật. Khi đến bệnh viện thì ôngThuật đã bỏ đi. Một nhóm côn đồ trang bị hung khí đánh đập tàn bạo vị linh mục đang nằm một mình đến bất tỉnh sau, sau đó xô ông xuống khỏi lầu 2 bệnh viện.

Tin tức về vụ tấn công hai tu sĩ và những tín đồ khác đã tạo ra một vụ biểu tình mới. Tối hôm qua, tại thành phố Hồ Chí Minh hơn hai nghìn người đã tụ tập cầu nguyện tại tu viện Dòng Chúa Cứu Thế yêu cầu chính quyền Việt Nam ngay lập tức chấm dứt khủng bố Giáo hội.

Gần như cùng lúc với buổi cầu nguyện tại thành phố Hồ Chí Minh, những cuộc tụ tập khác cũng được tổ chức tại Dòng Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội, thu hút hàng nghìn tín đồ tham dự. Vào buổi tối tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình hàng nghìn giáo dân đã tuần hành trên đường phố, cầu nguyện và yêu cầu thả 7 tín đồ đã bị bắt giữ tại Tam Hòa tuần trước.

Cha Võ Thành Tâm, thư ký trường tu sĩ tại giáo phận Vinh, đã lên án sự tàn bạo của công an tại tỉnh Quảng Bình nhưng ông tán dương việc công an Vinh cho phép các tín đồ tuần hành hòa bình vào tối qua.
Nguồn: Asian News

Share/Save/Bookmark

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2009

Nhân Văn Giai Phẩm phần IV: Nguyên nhân đưa đến cuộc cách mạng mùa thu của tư tưởng

Nguồn : RFI
Thụy Khuê
Bìa hai quyển Giai Phẩm mùa thu (1956)(Ảnh ghép : RFI)

Bìa hai quyển Giai Phẩm mùa thu (1956)
(Ảnh ghép : RFI)

Trường Chinh là người soạn thảo bản Đề cương Văn hoá Việt Nam. Đây là văn bản chính thức xác định đường lối văn hoá văn nghệ mác-xít. Văn bản này là đầu mối trách nhiệm tình trạng suy đồi của văn hoá văn nghệ Việt Nam: bắt buộc sáng tác và phê bình phải theo con đường duy nhất là tuyên truyền và phục vụ sự lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản. Triệt hạ những đường hướng tư tưởng khác. Triệt hạ những tài năng có tư tưởng tự do. Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm chống lại chính sách văn hoá văn nghệ của đảng Cộng sản.

Từ mùa xuân 1956 sang mùa thu 1956

Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn I gắn bó với Giai phẩm mùa xuân giai đoạn II gồm toàn bộ những tờ báo phát hành từ tháng 8/1956 đến tháng 12/56.

Giai đoạn I có thể tóm tắt như sau:

Giai phẩm mùa xuân ra đời cuối tháng 1/1956. Hơn một tuần sau, nhiều sự kiện quan trọng liên tiếp xẩy ra:

- 28 Tết Nguyên đán: Tố Hữu sai người tìm gọi Lê Đạt lên Tuyên huấn.

- 4 Tết: Trần Dần và Tử Phác bị bắt tại Yên Viên, nơi đang học tập cải cách ruộng đất.

- 5 Tết: Lê Đạt ăn Tết xong mới lên trình diện Tố Hữu. Bị giữ lại kiểm thảo 15 ngày.

- Trần Dần, sau ba ngày bị giam dưới một căn hầm, dùng dao cạo cứa cổ, được đưa đến bệnh viện. Tại đây, ngày 21/2/56 Trần Dần viết một lá thư dài cho đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Tướng Thanh can thiệp, Trần Dần, Tử Phác được tha ngày 5/5/56.

Trong tháng 2/56, một "hội nghị lớn" luận tội Trần Dần (vắng mặt) được tổ chức. Chiến dịch đánh Trần Dần bắt đầu ngày 7/3/1956 với bài viết của Hoài Thanh trên báo Văn Nghệ số 110.

Giai đoạn II bắt nguồn từ những biến cố lớn trong các nước cộng sản và trong nội bộ của đảng cộng sản Việt Nam:

Ngày 24/2/1956, tại đại hội XX của đảng Cộng sản Liên xô: Khrouchtchev đọc bản tường trình mật về tội ác của Staline. Ngày 26/5/1956, Mao Trạch Đông phát động phong trào "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng". Ngày 28/6/1956, Ba Lan nổi dậy.

Những biến cố trên đây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình Việt Nam: Theo đường lối của Liên Xô và Trung quốc, Đảng Lao Động mở rộng chính sách học tập tự do dân chủ.

Một mặt khác, trong nội bộ Đảng cũng đang có những bất ổn chính trị:

Trong hội nghị lần thứ 10 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (họp từ ngày 25/8/56 đến 24/9/56), Trường Chinh bị "nghiêm khắc kiểm điểm sai lầm" trong công tác Cải cách ruộng đất, phải tự kiểm thảo và xin từ chức. Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương, bị loại ra khỏi Bộ Chính trị, Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hồ Chí Minh kiêm nhiệm hai chức Chủ Tịch Đảng và Tổng Bí thư từ (9/1956 đến 9/1960). Sau đó là thời kỳ Lê Duẩn làm Tổng Bí thư (9/1960 đến 7/1986), xẩy ra vụ Xét Lại Chống Đảng.

Vụ Nhân Văn Giai Phẩm xẩy ra dưới thời Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng kiêm Tổng bí thư.

Vậy ai là người trách nhiệm chính?

Ai trách nhiệm vụ Nhân văn giai phẩm?

Nguyễn Hữu Đang, ảnh chụp thời trẻ(Ảnh : DR)

Nguyễn Hữu Đang, ảnh chụp thời trẻ
(Ảnh : DR)

Trả lời câu hỏi chủ tịch Hồ Chí Minh có trách nhiệm như thế nào về vụ Nhân Văn Giai Phẩm, Nguyễn Hữu Đang tuyên bố: "Cái việc mà người ta cứ nói là việc nọ việc kia là người dưới làm chứ cụ Hồ không biết, cụ Hồ không thực tiễn làm, đó là một cách nói không đúng sự thật. Người ta thấy việc gì mà có dư luận kêu ca, thắc mắc thì không muốn để cái kêu ca thắc mắc đó hướng vào vị lãnh tụ mà người ta suy tôn tuyệt đối. Có thể nói là người ta thần thánh hóa cụ Hồ. Vì cái lý do nó là như thế. Thực chất thì cụ Hồ không phải là người bị vô hiệu hóa trong bộ máy lãnh đạo của đảng và của dân tộc. Cụ Hồ lúc nào cũng là người có đầy đủ quyền hành, lúc nào cụ cũng sáng suốt, linh lợi, lúc nào cụ cũng có uy tín với dân và cũng có quyền đối với các đồng chí trong đảng, đối với những người lãnh đạo khác. Chắc bà cũng biết rằng những vị lãnh đạo khác của đảng, đối với cụ Hồ là học trò chứ không phải như ở các đảng Cộng sản khác đâu. Cho nên uy tín của cụ Hồ, quyền hành của cụ Hồ bao giờ cũng rất vững, cụ Hồ biết hết cả, và việc đó cụ Hồ cũng đồng tình làm.

Có thể nói tóm một câu là cho đến mấy năm sau cùng, vì cụ yếu cụ ít chăm nom công việc, cụ khoán cho Bộ chính trị, cụ ít can thiệp trực tiếp, chứ còn trước đó thì bất cứ việc gì cũng là trong phạm vi chỉ đạo của cụ cả. Hay cũng ở cụ, dở cũng ở cụ. Cụ phải gánh trách nhiệm đó, điều đó rõ ràng.

Có khi nào một lãnh tụ tối cao đối với dân tộc, lãnh tụ tối cao của Đảng mà lại không có trách nhiệm về việc nọ, việc kia. Điều đó không đúng. Chế độ gọi là "báo cáo thỉnh thị" rất chặt chẽ trong nội bộ đảng Cộng sản và trong bộ máy chuyên chính của nhà nước cũng thế, nghiêm ngặt lắm". (Nguyễn Hữu Đang, trả lời phỏng vấn RFI, ngày 3/9/1995).

Nhận định trên đây của Nguyễn Hữu Đang phù hợp với một số nhận định khác về vai trò của chủ tịch Hồ Chí Minh trong đời sống văn hóa văn nghệ:

Hà Xuân Trường nói về vai trò của Đảng trong "Mặt trận văn hoá văn nghệ": "Tôi muốn trở lại ý cơ bản này: buổi đầu cách mạng và kháng chiến, tờ báo Đảng đã có sự quan tâm thích đáng đến mặt trận văn hoá - văn nghệ. (...) Sự đầu tư công sức và tâm huyết của Đảng vào mặt trận này là đáng kể: từ Bác, đến các anh Trường Chinh, Tố Hữu. Cần nhắc thêm vai trò của Bác và các ý kiến của Bác căn dặn giới báo chí và văn hoá - văn nghệ ngay từ buổi đầu này. Bác thường gửi bài cho báo Đảng, trên Sự Thật lúc ấy, cũng như trên tờ Nhân Dân sau này [Nhân Dân, tiếp tục tờ Sự Thật, ra số 1, ngày 11/3/1951] dưới các bút danh ta đã quen thuộc: C.B, X.Y.Z, A.G (chúng tôi thường gọi Anh Già)... Điều đặc biệt là Bác viết rất ngắn và mỗi lần gửi bài cho báo, Bác thường viết luôn một loạt có đánh số thứ tự. Bác dặn anh em chúng tôi là đánh số như thế để cho bạn đọc và cả Bác dễ nhớ, bao giờ gần hết bài thì Bác chỉ cần xem trên báo là Bác biết để Bác kịp viết tiếp, "các chú không cần phải nhắc". (Hà Xuân Trường, Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, tập II, nxb Tác Phẩm Mới, 1987, trang 44-45).

Và ông xác định vị trí và trách nhiệm của từng người trong cấp lãnh đạo: "Công tác văn hoá - văn nghệ lúc bấy giờ nằm trong sự chỉ đạo của Tiểu ban tuyên truyền do anh Trường Chinh đứng đầu. Anh Tố Hữu lúc này được Trung Ương giao trực tiếp tổ chức, chỉ đạo công tác văn nghệ. Tôi là người của Tiểu ban tuyên truyền, làm tờ Sự Thật, do vậy mà có trách nhiệm liên lạc giữa Trung ương và bộ phận văn hoá - văn nghệ, giữa anh Trường Chinh và anh Tố Hữu. Trách nhiệm chính là làm sao giúp Trung ương nắm tình hình văn nghệ, và từ góc độ báo Đảng, mà góp phần gợi giúp cho người văn nghệ mạnh dạn đi vào quần chúng, dần dần nắm hiểu đời sống, tham gia công tác cách mạng, và khắc phục từng bước các ảnh hưởng của cách nhìn và thói quen cảm xúc tiểu tư sản..." (Hà Xuân Trường, bđd, trang 41)

"Anh [tức Trường Chinh] còn cho biết thêm là bản báo cáo [Chủ nghiã Mác và văn hoá Việt Nam] tuy là do anh trực tiếp soạn thảo, nhưng đã được ban thường vụ Trung ương thông qua và Bác đã xem và góp ý kiến" (Hà Xuân Trường, bđd, trang 42).

Hoàng Trung Thông cho biết: "Sau này tôi mới biết cuốn truyện về chiến sĩ thi đua đầu tiên là do Bác Hồ viết để làm mẫu cho những người khác viết theo" (Hoàng Trung Thông, Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, Tập I, nxb Tác Phẩm Mới, 1985, trang 191).

Bìa quyển Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học (1985)

Bìa quyển Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học (1985)

Tháng Giêng năm 1956, Giai Phẩm Mùa Xuân vừa ló dạng thể hiện tự do sáng tác, đã bị dập tắt ngay. Vậy có thể hiểu là Trường Chinh đã giao cho Tố Hữu, người có tư thù với Hoàng Cầm, Trần Dần và Lê Đạt trong việc phê bình tập thơ Việt Bắc, xử lý vụ Giai phẩm mùa xuân theo chỉ thị của Hồ Chí Minh.

Trong tháng 8 và 9 năm 1956, có hai sự kiện trùng hợp đáng kể:

Trường Chinh phải từ chức Tổng Bí thư. Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm phát triển trở lại.

Quyết định cho phép Hội văn nghệ tổ chức lớp học tập dân chủ 18 ngày, theo đường lối Liên Xô, trong tháng 8/1956, đến từ ai, nếu không phải là Hồ Chí Minh?

Lớp học này do Nguyễn Hữu Đang phụ trách. Vai trò của Nguyễn Hữu Đang sẽ nổi bật trong lớp học này. Bài tham luận ông đọc ngày 26/8/56 tổng kết lớp học sẽ là cái mốc quan trọng đẩy mạnh tiến trình đòi hỏi tự do dân chủ, việc thành lập báo Nhân Văn tục bản tờ Giai Phẩm, tạo nên cuộc Cách mạng mùa thu của tư tưởng.

Tháng 10/56 Hungary nổi dậy. Tháng 11/56 xe tăng Xô Viết tiến vào Budapest.

Ngày 9/12/1956 Hồ Chí Minh ký sắc lệnh báo chí. Đóng cửa Nhân Văn.

Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bị dập tắt lần thứ nhì, tháng12/56.

Tháng 2/57 trong Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, họp từ 20 đến 28/2 tại Hà Nội, Trường Chinh kêu gọi đấu tranh "đập nát âm mưu phản động" của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm.

Cuối năm 57: Mao Trạch Đông hạ lệnh đánh phái hữu. Huy Cận và Hà Xuân Trường được cử đi học tập chính sách của Trung Quốc. Khi họ trở về, tháng 2/58 việc thanh trừng Nhân Văn Giai Phẩm được tổ chức quy mô và toàn diện trong hai lớp đấu tranh Thái Hà.

Lần này nữa, trách nhiệm hẳn cũng đến từ từng cao nhất của cấp lãnh đạo: Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Khảo sát bị kịch Nhân Văn, chúng ta thấy rõ sự đối lập giữa hai nhân vật: Nguyễn Hữu Đang và Trường Chinh, cả hai đều được Hồ Chí Minh tin dùng.

Trường Chinh là Tổng bí thư đảng Cộng sản, còn Nguyễn Hữu Đang là ai?

Tại sao ông lại được Hồ Chí Minh giao cho trách nhiệm tổ chức ngày lễ độc lập 2/9/45. Vì bất đồng ý kiến với Trường Chinh, năm 1948, ông đã bỏ đảng. Nhưng sau khi hoà bình lập lại, năm 1954, ông lại được gọi về làm việc và đến tháng 8/56, ông được phép đứng ra tổ chức lớp học tập dân chủ 18 ngày.

Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm chống lại toàn bộ chính sách văn hoá văn nghệ của đảng Cộng sản. Vì vậy, chúng ta cần tìm hiểu chính sách văn hoá văn nghệ ấy như thế nào?

Nói đến đường lối văn hoá văn nghệ của đảng Cộng sản là phải nói đến Trường Chinh, vì chính Trường Chinh (chứ không phải Hồ Chí Minh) đã viết bản đề cương văn hoá văn nghệ và cũng chính Trường Chinh trực tiếp lãnh đạo văn hoá văn nghệ.

Trường Chinh

Trường Chinh Đặng Xuân Khu (1907-1988) là nhà chính trị, nhưng trước tiên, ông là nhà báo, viết văn và làm thơ (bút hiệu Sóng Hồng). 1927, gia nhập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (tiền thân của đảng cộng sản). 1940 là chủ bút báo Cờ Giải phóng, cơ quan của xứ ủy Bắc Kỳ. Sau đó làm chủ bút tờ Sự thật, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản. Từ tháng 5/1941 đến tháng 9/ 1956, làm Tổng bí thư đảng cộng sản Việt nam [đảng này thành lập tháng 2/1930. Từ tháng 9/1930 đến tháng 11/1945, lấy tên là Đảng Cộng sản Đông dương (theo chỉ thị của quốc tế cộng sản). Tháng 11/1945 Đảng "tự giải thể", rút vào bí mật. 1951, Đảng công khai trở lại với tên Lao Động và đến năm 1976, mới chính thức lấy tên là đảng Cộng sản VN]

Hà Xuân Trường kể lại: "Đảng lúc bấy giờ, sau khi tuyên bố "tự giải tán", để chuyển thành Hội nghiên cứu chủ nghiã Mác ở Đông Dương (ngày 11/11/1945). Anh Trường Chinh lúc bấy giờ là Tổng bí thư Đảng, Trưởng tiểu ban tuyên truyền của Trung ương, kiêm chủ bút (tức Tổng biên tập) tờ Sự thật" (số 1, ra ngày 5/12/1945 ở Hà Nội) (Hà Xuân Trường, Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, tập II, trang 31).

Đảng trải qua hai biến cố quan trọng: ngày 2/9/1945: Tuyên ngôn độc lập. Hơn hai tháng sau, ngày 11/11/1945, Đảng tuyên bố "tự giải tán", đổi tên thành Hội nghiên cứu chủ nghiã Mác ở Đông Dương. Đó là chiến thuật chính trị của Hồ Chí Minh: Chính phủ lâm thời tạm giấu cái gốc quốc tế cộng sản, lấy danh nghĩa Mặt trận Việt Minh để tập hợp mọi thành phần dân tộc cả quốc gia lẫn cộng sản trong công cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nguyễn Hữu Đang cho biết: "Vai trò của Hồ chủ tịch rất quan trọng. Cụ có thành lập Mặt trận Việt Minh thì mới có Cách mạng tháng Tám. Nếu đảng Cộng sản đứng ra vận động cuộc Cách mạng tháng Tám, tôi tin là không được kết quả như là Mặt trận Việt Minh, đó là một mặt trận gồm nhiều thành phần, nhiều tầng lớp tham gia cho nên phát triển mạnh, được nhân dân ta hưởng ứng hơn chứ còn nếu đảng Cộng sản đứng ra thì vẫn bị hạn chế đấy". "Đảng Cộng sản lúc bấy giờ có 5000 người chứ ăn thua gì đâu". (Nguyễn Hữu Đang, trả lời phỏng vấn RFI)

Về mặt thực tế, đảng cộng sản vẫn lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trường Chinh là người thảo đề cương, vạch rõ đường lối văn hoá và văn nghệ Mác-xít của đảng cộng sản Việt nam qua hai văn bản quan trọng: "Đề cương văn hoá Việt Nam" (1943) và Chủ nghiã Mác và văn hoá Việt Nam đọc tại Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhì, ở Việt Bắc, ngày 19/7/1948.

Tầm quan trọng và ảnh hưởng của hai văn bản này trong đời sống văn hoá văn nghệ Việt Nam dưới chế độ cộng sản, được Hà Xuân Trường so sánh với lập thuyết của Mao: "Chúng ta chỉ cần nghiên cứu Đề cương văn hoá Việt nam năm 1943, báo cáo Chủ nghiã Mác và văn hoá Việt nam năm 1948 của đồng chí Trường Chinh, và so sánh những văn kiện đó với phần "Văn hóa dân chủ mới" và "Tọa đàm văn nghệ ở Diên an" của Mao Trạch Đông thì rõ ràng khác nhau lắm, khác từ gốc, khác từ mục tiêu đến phương pháp nhận thức". (Hà Xuân Trường, bđd, trang 46).

Như vậy, Trường Chinh là người được Hồ Chí Minh giao cho trọng trách khai thảo đường lối văn học mác-xít của đảng cộng sản Việt nam. Trường Chinh chính là người khai sinh và chỉ đạo chính sách văn hoá văn nghệ kháng chiến. Tố Hữu, trách nhiệm phần lãnh đạo văn nghệ:

"Công tác văn hoá - văn nghệ lúc bấy giờ nằm trong sự chỉ đạo của Tiểu ban tuyên truyền do anh Trường Chinh đứng đầu. Anh Tố Hữu lúc này được Trung Ương giao trực tiếp tổ chức, chỉ đạo công tác văn nghệ" (Hà Xuân Trường, bđd, trang 41)

Vai trò của Trường Chinh trong giai đoạn đầu cách mạng được xác định như sau: "1943, ông đã chỉ đạo việc thành lập hội văn hoá cứu quốc-tổ chức văn nghệ cách mạng đầu tiên ở Việt nam, và là người soạn thảo "Đề cương văn hoá Việt nam" (Nguyễn Hoành Khung, Từ điển Văn Học).

Bản Đề cương văn hoá Việt nam

Phần đầu bản Đề cương Văn hóa in lại trong Sưu tập trọn bộ Tiên Phong 1945-1946 của Lại Nguyên Ân (1996)

Phần đầu bản Đề cương Văn hóa in lại trong Sưu tập trọn bộ Tiên Phong 1945-1946 của Lại Nguyên Ân (1996)

Bản Đề Cương Văn Hoá Việt nam có 5 phần chính:

1- Cách đặt vấn đề.

2- Phân đoạn văn hoá VN.

3- Những nguy cơ văn hoá dưới ách phát- xít Nhật Pháp.

4- Xác định văn hoá cách mạng VN.

5- Nhiệm vụ của các nhà văn hoá mác-xít VN.

[in trong Tiên Phong số 1, ra ngày 10/11/45, và in lại trong Sưu tập trọn bộ Tiên Phong 1945-1946 của Lại Nguyên Ân, nxb Hội Nhà Văn, 1996]

Phần đầu, Trường Chinh giới hạn lãnh vực của văn hoá: "Văn hoá bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật". Và xác định sự lãnh đạo của đảng: "đảng tiên phong phải lãnh đạo văn hoá tiên phong" .

Phần hai, phân chia văn hoá VN làm ba giai đoạn: từ Quang Trung trở về trước "phong kiến", "nô lệ", "phụ thuộc vào văn hoá Tàu"; từ Quang Trung đến thời Pháp thuộc "phong kiến, tiểu tư sản"; từ Pháp thuộc đến1943: "phong kiến, tư bản, thuộc địa"

Phần ba, tác giả vạch rõ "những thủ đoạn phát-xít trói buộc văn hoá và giết chết văn hoá Việt nam".

Phần bốn, ông đặt hai tiêu đề chính:

- "Cách mạng văn hoá muốn hoàn thành phải do đảng C.S.Đ.D. lãnh đạo",

- "Nền văn hoá mà cuộc cách mạng văn hoá Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hoá xã hội chủ nghiã".

Và phần năm, xác định "nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hoá mác xít Đ.D và nhất là những nhà văn hoá mác xít V.N", qua hai công việc chính phải làm:

a/ Tranh đấu về học thuật tư tưởng (đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á có ít nhiều ảnh hưởng tai hại ở ta: triết học Khổng, Mạnh, Đê-các-tơ (Descartes), Béc-son (Bergson), Căng (Kant), Nít-sờ (Nietzsche), v.v...; làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng.

b/ tranh đấu về tông phái văn nghệ (chống chủ nghiã cổ điển, chủ nghiã lãng mạn, chủ nghiã tự nhiên, chủ nghiã tượng trưng v.v... làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghiã thắng).

Đây là văn bản chính thức của đảng cộng sản, xác định đường lối văn hoá văn nghệ mác-xít. Văn bản này là đầu mối trách nhiệm tình trạng suy đồi của văn hoá văn nghệ Việt nam: bắt buộc sáng tác và phê bình phải theo con đường duy nhất là tuyên truyền và phục vụ sự lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản. Triệt hạ những đường hướng tư tưởng khác. Triệt hạ những tài năng có tư tưởng tự do.

Nguyễn Hữu Đang

Nguyễn Hữu Đang, ảnh chụp tháng 09/1997(Ảnh : DR)

Nguyễn Hữu Đang, ảnh chụp tháng 09/1997
(Ảnh : DR)

Qua hoạt động chính trị và ngòi bút, Nguyễn Hữu Đang (1913-2007) được xác định như một nhà chính trị và văn hoá: Theo cách mạng từ những buổi đầu, có óc tổ chức và tài hùng biện, Nguyễn Hữu Đang được coi là "cánh tay phải" của Hồ Chí Minh.

Năm 1929, Nguyễn Hữu Đang gia nhập Việt nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Hoạt động đắc lực trong Hội truyền bá quốc ngữ từ năm 1938. Từ 1937 đến 39, làm báo cùng với Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) và Trần Huy Liệu. 1943: Tham gia đảng Cộng sản Đông dương, liên lạc mật thiết với Trường Chinh (Tổng bí thư) và thành ủy Hà Nội, nhưng chưa được kết nạp. 1943-46: Cùng Trường Chinh sáng lập và lãnh đạo Hội Văn hóa cứu quốc. Tổ chức ngày tuyên ngôn độc lập 2/9/1945. Tham gia Chính phủ lâm thời, làm thứ trưởng Bộ truyên truyền, rồi Bộ thanh niên, Chủ tịch uỷ ban vận động mặt trận văn hoá. Tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội, "Khai mạc Đại hội văn hoá toàn quốc lần thứ nhất vào chiều 24/11/1946 có Bác Hồ đến nói chuyện" (Hà Xuân Trường, bđd, trang 40).

Vị trí và uy tín của Nguyễn Hữu Đang, được Nguyễn Huy Tưởng ghi lại trong nhật ký như sau:

"Anh Nguyễn Hữu Đang xuống làm việc cho Truyền bá quốc ngữ từ hơn hai tháng nay. Anh xin nghỉ ở sở Tài chính [Hà nội] xuống đây làm việc nghĩa. Đức hi sinh của anh thực không thể nào tả được. Nhờ anh mà phong trào quốc ngữ ở Hải phòng chết đi nay sống lại. Anh như một ông tướng khuyến khích được cả một đạo quân chiến bại". (Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng ngày 16/6/1942).

"Chuyện Tham Ý phục các cán bộ Việt Minh. (...) Phục Đang. Hỏi thầm một người: Có phải là cánh tay phải của Cụ Hồ không? Băn khoăn không biết bây giờ Đang về khu này thì phải vào chức gì cho xứng? Theo ý anh tham biện ấy, thì ở đây không có một chức gì cao hơn để Đang làm cả, vì Đang trên cả ủy ban kháng chiến". (Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, ngày 15/11/1947)

Năm 1947, Nguyễn Hữu Đang mới được chính thức kết nạp vào Đảng.

Năm 1948, ông rời mọi sinh hoạt của Đảng, lui về Thanh hoá.

Từ vị trí được coi là "cánh tay phải của cụ Hồ", "trên cả ủy ban kháng chiến", tại sao năm 1948, Nguyễn Hữu Đang rút lui về Thanh hoá?

Sự chia tay với cách mạng xẩy ra trong Đại hội văn hoá toàn quốc lần thứ hai (khai mạc ngày 15/7/48 ở Việt Bắc). Trong hội nghị này Trường Chinh đọc bản báo cáo nổi tiếng Chủ nghiã Mác và văn hoá Việt nam.

Hoàng Cầm kể về đại hội này: "Vào khoảng tháng 7 năm 48, có Đại hội văn hóa toàn quốc do ông Trường Chinh đề xướng và làm chủ tịch. Hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức để động viên và hướng dẫn trí thức và văn nghệ sĩ chuẩn bị đi sâu vào cuộc kháng chiến. (...) Tức là lúc bấy giờ hội nghị mới đề ra Văn nghệ kháng chiến. (...) Tôi cũng được mời, nhưng không đi dự vì bị ốm, trong hội nghị có mặt anh Nguyễn Hữu Đang. Sau hội nghị đó, không hiểu vì lý do gì thì anh Đang không làm công tác kháng chiến nữa, anh về Thanh hóa, ở nhà người bạn là anh Trần Thiếu Bảo, giám đốc nhà xuất bản Minh Đức(...) Anh Đang không làm công việc gì của nhà nước cả, tôi cũng không hiểu rõ nguyên nhân. Mãi sau này, hòa bình rồi, về Hà nội tôi cũng chỉ nghe phong phanh anh em bàn tán thôi chứ hỏi anh Đang thì anh ấy cũng không nói, là hình như trong Hội nghị văn hóa toàn quốc, anh Đang có mâu thuẫn về đường lối văn nghệ, văn hóa với ông Trường Chinh. Do mâu thuẫn không giải quyết được, cho nên anh Đang không làm việc nữa, anh nghỉ. Anh về Thanh hóa". (Hoàng Cầm trả lời phỏng vấn RFI)

[Xin nhắc lại: tháng 7/48 có hai đại hội: Đại hội Văn hoá toàn quốc lần thứ hai tại Việt Bắc, khai mạc ngày 15/8/48, do Trường Chinh chủ trì và đọc bản bán cáo Chủ nghiã Mác và văn hoá Việt nam, Nguyễn Hữu Đang có tham dự. Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất, cũng họp tại Việt Bắc, từ 23 đến 25/7/48, chính thức thành lập Hội Văn Nghệ Việt nam, Nguyễn Hữu Đang không tham dự].

Nguyễn Hữu Đang, vì không đồng ý với Trường Chinh trong Hội nghị Văn hoá toàn quốc, nên đã bỏ về Thanh hoá, không tham dự đời sống văn hoá chính trị nữa.

Mà không đồng ý thì chắc chắn là về bản báo cáo của Trường Chinh.

Vậy bản báo cáo mà Trường Chinh đọc tại hội nghị này nội dung ra sao?

Chủ nghiã Mác và văn hoá Việt nam

Bản báo cáo Chủ nghiã Mác và văn hoá Việt nam được nhà xuất bản Sự Thật in thành sách (Chúng tôi không có văn bản này). Nhưng Phần VII, được in trên báo Văn Nghệ số 6 tháng 11/48, dưới tiêu đề "Mấy vấn đề thắc mắc trong văn học nghệ thuật" và sau này in lại trong cuốn Cách Mạng kháng chiến và đời sống văn học, tập II, đổi tên thành "Mấy vấn đề cụ thể trong văn học và nghệ thuật".

Bài "Mấy vấn đề thắc mắc trong văn học nghệ thuật" đặt trọng tâm trả lời những thắc mắc của người làm văn học nghệ thuật, trên một số điểm:

1- Xác định nghệ thuật và tuyên truyền:

"Nghệ thuật phục vụ cho mục đích chính nghĩa là nghệ thuật hợp chân lý. Nghệ thuật phục vụ cho mục đích phi nghĩa là nghệ thuật phản chân lý".

"Tuyên truyền của phe xâm lược, phản động là tuyên truyền phản chân lý. Tuyên truyền của phe cách mạng là tuyên truyền chân thật, phù hợp với chân lý rõ ràng".

2- Khẳng định khuynh hướng sáng tác: Hiện thực xã hội chủ nghĩa.

3- Chỉ ra đường lối "phê bình đúng nguyên tắc", "chú trọng đả kích tư tưởng, văn học, nghệ thuật phản động của địch".

4- Cho rằng "Quần chúng là nhà phê bình nghệ thuật sành hơn ai hết, chính vì quần chúng gồm nhiều tai, mắt, óc khôn và có cảm giác chung đấu lại. Không một nhà phê bình nào sánh được với quần chúng về mặt đó".

5- Chỉ ra 4 điều cho nhà văn noi theo để "làm sao cho sáng tác văn nghệ được tốt".

6- Xác định: "Đối tượng sáng tác văn nghệ của ta là nhân dân". "Sáng tác văn nghệ có cả một nguồn cổ vũ mạnh mẽ là phong trào thi đua".

Tóm lại, Trường Chinh đã vạch sẵn con đường văn học nghệ thuật xã hội chủ nghiã.

Con đường này, gồm những yếu tố chính: Văn nghệ phục vụ cách mạng. Văn nghệ tuyên truyền. Văn nghệ thi đua. Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đả kích tư tưởng phản động của địch. Sáng tác cho nhân dân. Nhân dân làm chủ phê bình.

Đường lối văn nghệ tuyên truyền cách mạng này đã tạo ra nhiều lớp người viết với những sáng tác mà nhạc sĩ Tô Hải, trong cuốn Hồi ký của một thằng hèn (Tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia, Hoa Kỳ, 2009) đã gọi là thời kỳ "bồi bút, bồi nhạc". Cao điểm là cuốn Bọn Nhân văn giai phẩm trước toà án dư luận mà chúng ta đã biết. Và ảnh hưởng của nó còn kéo dài tới ngày nay.

Là người làm văn hoá, Nguyễn Hữu Đang bỏ đi từ năm 1948 là phải.

Sự rời đảng của Nguyễn Hữu Đang không chỉ vì bất đồng ý kiến về văn hoá mà còn cả những bất đồng về chính trị nữa.

Nhưng trong kháng chiến không chỉ có một Nguyễn Hữu Đang chống lại đường lối văn hoá văn nghệ của đảng Cộng sản, mà còn có những tiếng nói khác, như Nguyễn Mạnh Tường:

Hoàng Trung Thông kể: "Năm 1949, Đại hội văn nghệ Khu Bốn được tổ chức và Chi hội văn nghệ Liên khu Bốn được thành lập (...)

"Cuộc tranh đấu tư tưởng duy nhất ở Liên Khu Bốn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là cuộc đấu tranh với một số quan điểm của Nguyễn Mạnh Tường. Trong một cuộc nói chuyện Nguyễn Mạnh Tường cho rằng văn nghệ ta như một cái chuồng nhốt các văn nghệ sĩ trong đó". (Hoàng Trung Thông, bđd, trang 181)

Như Trương Tửu:

"Đồng chí Nguyễn Chí Thanh - bấy giờ là bí thư Đảng bộ Liên Khu Bốn, đã có ý kiến về những luận điểm tơ-rốt-kít của Trương Tửu trong buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng Cộng Sản Đông Dương. Trong cuộc đấu tranh chính trị năm 1952, Trương Tửu bị đưa ra phê phán gay gắt." (Hoàng Trung Thông, bđd, trang 187).

Như Tô Ngọc Vân:

"Anh Tô Ngọc Vân tỏ ý không đồng tình về sự phân tích của đồng chí Trường Chinh về chủ nghiã "quy-bít". Nhưng anh Trường Chinh không trực tiếp trả lời, và tờ Sự thật không lên tiếng, để tránh gây các mặc cảm không cần thiết đối với anh chị em văn nghệ đang đến với Đảng, và tự giác chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng. Bài viết của tôi thảo luận với anh Tô Ngọc Vân, ký tên Lê Trọng Lâm, lại đăng trên tạp chí Văn nghệ" (Hà Xuân Trường, bđd, trang 42-43).

Thái độ của Trường Chinh đối với những người chống đối rất khôn khéo: ông không ra mặt trả lời và khuyên cấp dưới "cần phải đấu tranh tư tưởng nhưng đừng nặng lời quá; vì lúc bấy giờ chúng ta đang cần phải đoàn kết để kháng chiến chống Pháp, mặc dầu đoàn kết không có nghiã là thủ tiêu đấu tranh" (Hà Xuân Trường, bđd, trang 42-43).

Tóm lại, đã có những người làm văn hoá văn nghệ bắt đầu thắc mắc về đường lối văn hoá văn nghệ của đảng Cộng sản ngay trong kháng chiến. Những thắc mắc này càng lớn mạnh khi hòa bình lập lại sau 1954, kết hợp thành sự phản kháng toàn bộ trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.

Sự trở lại của Nguyễn Hữu Đang

Nguyễn Hữu Đang, vì bất đồng ý kiến với Trường Chinh, bỏ về Thanh hoá, cộng tác với nhà xuất bản Minh Đức từ 1948.

Nhưng tại sao năm 1954, ông trở lại hoạt động? Việc gọi ông trở lại có thể từ lệnh của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hoàng Cầm kể: "Đến khi hòa bình lập lại, năm 1954, tôi cũng chỉ được nghe kể lại chứ không được chứng kiến, là như sau: Ông Trường Chinh có hỏi ông Tố Hữu: Anh Đang anh ấy đã không làm việc gì từ lâu rồi, từ mấy năm nay, thì bây giờ hòa bình thắng lợi rồi, ta phải mời anh ấy ra làm việc chứ. Thế là anh Tố Hữu cũng nghe theo và mời anh Đang ở Thanh hóa ra" (Hoàng Cầm trả lời phỏng vấn RFI).

Theo hồi ký Nguyễn Huy Tưởng, chính ông là người được cử vào Thanh hoá mời Nguyễn Hữu Đang. Và theo Hoàng Cầm: Khi Nguyễn Hữu Đang ra đến Hà nội, Tố Hữu đề nghị chức Giám đốc sở Văn hóa Thông tin Hà nội, nhưng Nguyễn Hữu Đang từ chối, ngỏ ý muốn làm báo Văn Nghệ, Tố Hữu đành phải bằng lòng.

Những thắc mắc

Hoàng Cầm kể:"Anh Đang về báo Văn Nghệ, nhưng anh Đang là người đặc biệt có tài tổ chức: trong kháng chiến anh ấy đã tổ chức thanh niên xung phong, tổ chức mặt trận bình dân học vụ, sau đó lại là tổ chức hội nghị văn hóa toàn quốc. (...) Vì anh ấy có tài tổ chức cho nên anh ấy tổ chức ngay hai cuộc phê bình trong văn học:

Thứ nhất là cuộc phê bình tác phẩm Vượt Côn Đảo của Phùng Quán (...) Và tổ chức một lớp học tập chính trị, đầu đề tài liệu học tập là "Những tài liệu của Mác, Lê-nin, Staline nói về vấn đề văn nghệ". (Hoàng Cầm trả lời phỏng vấn RFI).

Về không khí của lớp học này, Hoàng Cầm nhớ lại:

"Đầu đề tài liệu học tập là "Những tài liệu của Mác, Lê-nin, Staline nói về vấn đề văn nghệ". Buổi sáng học, buổi chiều làm việc cơ quan. Tôi nhớ học 18 ngày. Nhưng từ hôm mở lớp đến độ ngày thứ năm thì có cái mục gọi là liên hệ thực tế. Tất cả các văn nghệ sĩ ở các tỉnh hoặc đi tập kết về Hà nội, thì họ đều nêu lên những thắc mắc, mà phải nói là những thắc mắc ghê gớm về vấn đề văn nghệ và lãnh đạo văn nghệ. Nó gần như là một cuộc tố khổ: các văn nghệ sĩ đều nói ra những thắc mắc về việc lãnh đạo địa phương, cả lãnh đạo trung ương nữa, đối với văn nghệ (...) Toàn là những thắc mắc mà anh em lôi ra từ thực tế trong kháng chiến và thực tế trong hòa bình lập lại" (Hoàng Cầm trả lời phỏng vấn RFI).

Georges Boudarel, đặt trọng tâm trên hai chữ thắc mắc này, theo ông đây là một thứ mây mù của ý thức, một kỷ xảo nói mà như không nói, một nghệ thuật không gọi sự vật theo tên của nó.

Hai chữ thắc mắc không thể dịch sang tiếng Pháp, Boudarel cho là trung tâm của vấn đề: Trong một nước mà cuộc đấu tranh chống thực dân, giành độc lập, bảo vệ truyền thống dân tộc, được phất lên dưới ngọn cờ của chủ nghiã Mác-Lê-Mao, như một nghịch lý, thì thắc mắc là đứa con lai lạ lùng, sinh ra từ cuộc tình vừa nóng bỏng vừa tương phản vừa không thể thú nhận được giữa quốc tế vô sảnlòng ái quốc cực đoan.

Chủ nghiã cộng sản mà người ta du nhập vào đã thủ tiêu nhanh chóng mọi hình thức tự do phát biểu của xã hội dân sự kể cả những người ủng hộ nhiệt thành. Năm 1950, chủ nghiã Mao ào ạt tràn vào, với những đợt chỉnh huấn, phát hiện, tố giác, kiểm thảo, tự kiểm thảo... mang lại những hậu quả tai hại.

Nếu năm 1946, hầu hết mọi thành phần dân tộc đều đi theo kháng chiến chống Pháp, thì tới 1950, nhiều trí thức văn nghệ sĩ nổi tiếng trong đó có Phạm Duy, Vũ Hoàng Chương, hoặc sẽ nổi tiếng sau này như Doãn Quốc Sỹ... đã không thể chịu được, phải quay "về thành".

Sự phản kháng của họ mang tính chất bi đát, bởi phải chọn lựa giữa hai con đường: hoặc tiếp tục chống thực dân Pháp thì phải theo chủ nghiã cộng sản Mao; hoặc chống cộng sản Mao thì phải vào vùng Pháp đóng. Bị xâu xé giữa, một bên là lòng yêu nước thúc đẩy họ phải chấp nhận tất cả để chiếm lại tổ quốc đã mất và một bên là cái vốn văn hoá Tây phương thúc đẩy họ đòi hỏi một thứ tự do không thể nào có được với đảng Cộng sản. Người trí thức, những năm tháng ấy, vừa như sống một bản hùng ca, lại vừa chịu một bi kịch gậm nhấm từ bên trong.

Đại đa số thành phần dân tộc, trong đó có người trí thức, tìm cách hoà mình với đời sống mới, từ đó nẩy sinh những thắc mắc: Nền dân chủ cộng hoà, do Hồ Chí Minh tạo dựng, có mang lại độc lập thật sự cho nước Việt không? Những người mang thắc mắc trong lòng muốn tin vào lãnh đạo của họ nhưng trong thâm tâm vẫn không thể nào tin được. Chỉ biết mình có những thắc mắc không thể nói ra. Cái hình thức đối lập bị dồn nén, sự phản kháng bị chôn vùi, chỉ được nói thầm, nói một nửa, đọc giữa hai hàng chữ, đoán ngầm những ngụ ý... trở thành một phần của đời sống Việt nam dưới chế độ cộng sản. Và những vấn đề mở ra từ năm 1956, với Nhân Văn Giai Phẩm, vẫn còn đúng với hôm nay. (Theo phân tích của Boudarel, trong cuốn THĐNTĐVN, từ trang 9 đến 20).

Những thắc mắc ấy tạm ngủ yên trong thời chiến, nhưng bừng lên khi hoà bình lập lại.

Và trong lớp học 18 ngày, Nguyễn Hữu Đang là người đã thấy rõ tình thế, mạnh bạo đứng lên, đặt với lãnh đạo những câu hỏi cần thiết.

Lớp học 18 ngày

Về lớp học này, Người Quan Sát tường thuật trên Nhân Văn số 1 (20/9/56), như sau:

"Trong tháng Tám vừa qua, Hội Văn nghệ đã tổ chức tại thủ đô một đợt học tập mười tám ngày nhằm mục đích nâng cao trình độ lý luận văn nghệ của anh chị em công tác trong ngành. [...] Ý định của Thường vụ Hội là như vậy, nhưng trên ba trăm người tham gia học tập đã dần dần từ thảo luận nguyên tắc sáng tác chuyển sang kiểm điểm phong trào, đem lý luận đối chiếu với thực tế, liên hệ bản thân cũng có, nhưng chủ yếu là liên hệ lãnh đạo.

Mà phê bình lãnh đạo ngày nay, nhờ có ảnh hưởng của Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên xô, thường là rất mạnh bạo chứ không còn e dè, quanh co như cái thời phục tùng mù quáng hoặc có thắc mắc thì trước mặt cả nể, kể lể sau lưng nữa. Anh chị em đã phát huy tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, đem hết nhiệt tình cách mạng ra mà nói thẳng, nói thật, nói hết. Thế là việc học tập trở nên sôi nổi, nhất là ở bước cuối thì người ta có thể nói đến một không khí bừng bừng đấu tranh, làm cho chẳng những giới văn nghệ như cựa mình một cái thực mạnh mà nhiều ngành khác ở thủ đô cũng như thấy rung động lây.

Qua những sự việc mà anh chị em phát hiện cũng như qua những ý nghĩ, tình cảm mà anh chị em bộc lộ, chúng ta đã thấy phong trào văn nghệ trong sáu bảy năm nay đã có những sai lầm nghiêm trọng về mặt lãnh đạo. Quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do sáng tác đã bị vi phạm một cách có hệ thống". (Trích bài "Chuẩn bị Đại Hội Văn nghệ Toàn quốc - Một đợt học tập và đấu tranh của giới văn nghệ", Nhân Văn số 1, ra ngày 20/9/56).

Bài tham luận của Nguyễn Hữu Đang đọc ngày 26/8/56 chỉ trích đường lối văn nghệ của Đảng trên ba điểm chính:

- Đường lối lãnh đạo văn nghệ của Trung ương Đảng hẹp hòi, gò bó, do nhận thức không đúng về mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ.

- Trung ương Đảng chưa có một chính sách cụ thể về văn nghệ.

- Bộ phận lãnh đạo văn nghệ không hợp lý, không trong sạch, có tính bè phái, nguy hiểm.

Nguyễn Hữu Đang được "cử toạ hoan hô nhiệt liệt". Qua lời tổng kết của Nguyễn Đình Thi và lời tự kiểm thảo của Tố Hữu, bộ phận lãnh đạo văn nghệ đã phải "thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng và hứa hẹn sẽ sửa chữa".

Vai trò lãnh đạo phong trào Nhân Văn Giai Phẩm của Nguyễn Hữu Đang đã rõ: Dựa vào những biến động ở Liên xô và Trung quốc, vào sự đồng thuận của đông đảo trí thức văn nghệ sĩ, vào thế yếu của lãnh đạo sau thất bại Cải cách ruộng đất, Nguyễn Hữu Đang, với tài hùng biện nổi tiếng, đứng ra cổ động trí thức, hướng dẫn phong trào và chủ trương báo Nhân Văn, với ý định cải tổ lại nền chính trị của miền Bắc Việt nam.

Thực chất của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm là gì ?

Nguyễn Hữu Đang trả lời : Thực chất phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, nếu đứng về mặt chính trị, thì đó là một cuộc đấu tranh của một số người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đảng viên về chính trị nữa, là chống -không phải chống Đảng Cộng Sản đâu, mà đấy là chống- cái chủ nghĩa Staline và chống chủ nghĩa Mao Trạch Ðông. Sự thâm nhập của chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa Mao Trạch Đông đưa đến nhiều hiện tượng -nói là chuyên chính thì chưa đủ- phải nói là cực quyền toàn trị, nó gay gắt ghê lắm. Nó gay gắt ghê lắm! Ðảng Cộng Sản đã phạm sai lầm trong Cải cách ruộng đất, rồi thì Chỉnh huấn, Chấn chỉnh tổ chức, Ðăng ký hộ khẩu v.v... Tất cả những cái đó đều do những cái quá tả, từ phương Bắc nó xâm nhập vào, chứ không phải chờ đến bây giờ nó mới đem cái tả khuynh hữu trí vào nước Việt nam. Cái thời mà cụ Hồ chưa về nước và ông Trần Phú làm Tổng bí thư, thì làm cái cuộc gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh, đưa ra cái khẩu hiện rất quái gở tức là "Trí, phú, địa, hào đánh tận gốc, trốc tận rễ". Nó quá tả như thế thì còn làm sao giành được độc lập! Như thế là chia rẽ dân tộc. Lúc bấy giờ chúng tôi cũng cảnh giác, chúng tôi theo đảng Cộng sản nhưng chống chủ nghĩa Staline và chống chủ nghĩa Mao Trạch Ðông. Nhưng rất tiếc là lúc bấy giờ, thế lực của Liên Xô rất mạnh, áp lực của Trung Quốc cũng rất mạnh cho nên cuộc đối thoại ấy không có kết quả" (Nguyễn Hữu Đang, trả lời phỏng vấn RFI tháng 9/1995)

Hai tờ báo tham gia phong trào vào cuối năm 1956(Ảnh ghép : RFI)

Hai tờ báo tham gia phong trào vào cuối năm 1956
(Ảnh ghép : RFI)

Từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 11 năm 1956, không những Giai phẩm mùa xuân được in lại mà còn ra tiếp 4 số nữa, tổng cộng là 5 số Giai phẩm và 5 số Nhân Văn. Ngoài ra, còn có 1 số Đất Mới của sinh viên và 10 số Trăm Hoa của Nguyễn Bính (từ tháng 10 đến tháng 12/56), thêm báo Nói Thật của Hoàng Công Khanh và Tập san phê bình, xuất hiện tới cuối năm 1957. Cuối tháng 11/56, trên các báo Nhân Văn và Giai Phẩm, nhà xuất bản Minh Đức còn quảng cáo mời độc giả tìm đọc Tự do diễn đànSáng tạo (chuyên về điện ảnh kịch trường). Nhưng rút cục Tự do diễn đàn in xong bị cấm. Nhưng Văn, báo chính thức của Hội Nhà Văn, sang năm 57 vẫn còn in bài của những người trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, đến số 36 (10/1/58) Văn mới bị đình bản vì đăng bài Ông Năm Chuột của Phan Khôi.

Cuộc cách mạng mùa thu của tư tưởng đã xẩy ra.

(Hết phần thứ IV)


Share/Save/Bookmark
Related Posts with Thumbnails