Thứ Hai, 31 tháng 8, 2009

Một thời mù chữ

Nguồn : Talawas
Tác giả: Trần Ngọc Cư

Tôi cắp sách đến trường ở Huế từ cấp tiểu học cho đến hết bậc đại học, rất yên chí mình là một người biết chữ. Nhưng sự tự tin này đã bị thách đố ít nhiều trong những lần tôi đứng trước các bi văn, các câu đối, các cổng tam quan, thậm chí cả bia mộ viết toàn bằng chữ Hán, những di sản vẫn tồn tại rất nhiều trong và chung quanh Cố đô Huế. Nhan nhản trong hoàng thành và tại các thắng cảnh có nhiều tấm bia ghi laị các bài thơ, nghe nói là của các vị vua triều Nguyễn — những di tích văn hoá lẽ ra rất sống động và đáng tự hào của dân tộc nếu người dân bình thường có thể đọc được.

Tôi dùng từ “nghe nói” vì trước những văn bia vua chúa ấy tôi là thằng dân mù chữ một trăm phần trăm. Thật là lúng túng, “ốt dột” biết chừng nào nếu một cư dân địa phương tình cờ bị người nước ngoài nhờ giải thích những câu chữ hoặc những bài thơ trên các bia văn ấy. Nhất là trong bối cảnh cố đô Huế được UNESCO bầu chọn là di sản văn hoá thế giới. Mặc dù “Huế của ta ơi, ta có Huế tự hào”, nhưng tâm trạng của người mù chữ này biết đâu cũng là mặc cảm của rất nhiều người Việt khác khi đứng trước một di tích lịch sử mà ý nghĩa của nó mình không giải mã được.

Nếu văn chương của những bài thơ văn chữ Hán trên các di tích lịch sử không đến nỗi tệ quá, thiết tưởng các trung tâm du lịch cũng nên dịch những di sản văn hoá này ra chữ Quốc ngữ hay tiếng nước ngoài và phát cho nhân viên hướng dẫn (tour guides) để tiện bề ứng phó khi bị khách nước ngoài hỏi đến. Trong thâm tâm của kẻ mù chữ này có nỗi hoài nghi: Phải chăng những bài thơ ấy quá dở, dịch ra “sợ trẽn”, nên cứ giữ nguyên văn để cho được phần bí nhiệm (mystique), phảng phất ngụ ý của câu văn trong một bài tập đọc thời tiểu học của tôi: “… Đây Trung Việt với miếu môn lăng tẩm, chốn đế đô nghiêm mật mơ màng…”

Ước gì vua quan nhà Nguyễn có thể để lại những ghi chú trên các di tích lịch sử như Vua Lê Thánh Tôn đã viết về “Thiếu phụ Nam Xương” bằng một thứ văn chương quốc âm:

Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương,

Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.

Ngọn đèn dù tắt đừng nghe trẻ,

Dòng nước chi cho lụy đến nàng.

Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt,

Giải oan chi mượn đến đàn tràng.

Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,

Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.

Khổ thật! Vừa trích dẫn xong bài thơ là tôi thấy ngay mình tự mâu thuẫn, câu sau bắt đầu chửi câu trước. Vì mọi người đều biết, muốn viết được chữ Nôm (như vua Lê), trước hết là phải tinh thông chữ Hán, vì một từ Nôm được cấu tạo bằng cách thêm nét hay kết hợp chữ Hán để lấy ý hoặc thanh trên một từ Hán – nghĩa là chữ Nôm còn phức tạp hơn chữ Hán rất nhiều. Đã vậy, chữ Nôm lại còn bị giới trí thức (còn gọi “kẻ sĩ”) thời trước rất coi thường vì nó không phải là chữ của thánh hiền.

Thái độ phục tùng văn hoá Trung Hoa được biểu lộ trong câu dè bỉu “Nôm na là cha mách qué”, ý nói chữ Nôm là một ngôn ngữ thiếu đứng đắn, thậm chí là một loại chữ viết dùng để xỏ xiêng vì việc sử dụng chữ Nôm [Nam] ngụ ý một tinh thần độc lập với văn hóa chính thống, tức văn hoá phương Bắc, gây dị ứng không ít cho giới Nho học An Nam.

Tương phản với sự coi nhẹ chữ Nôm là thái độ thánh hoá chữ Hán không những trong giới Nho sĩ mà cả trong dân gian mù chữ nói chung. Tôi đã chứng kiến sự kiện này ngay trong cuộc đời tôi. Cha mẹ tôi không bao giờ cho phép con cái để những bao hương hay giấy gói trà có chữ Hán nằm ở những nơi bị chê là uế tạp. Tôi đã bị nhồi sọ đến nỗi có thể tưởng tượng khi chết tôi có thể về địa ngục ngay tức khắc nếu có lần đã lấy một mảnh giấy gì đó có chữ Nho để dùng sau khi đại tiện.

Kinh nghiệm mù chữ thứ hai mà tôi cảm nhận trên thành phố quê hương là kinh Phật chữ Hán. Phần lớn đồng bào Phật tử Huế theo Phật giáo Đại thừa (được truyền từ Trung Hoa) và kinh kệ thường được viết bằng chữ Hán. Tôi từng tham dự những buổi lễ cầu an, cầu siêu, và thú thật có rất nhiều bài kinh tôi không hiểu được bao nhiêu. Chỉ biết chắc một điều là giọng các nhà sư ở Huế đọc kinh nghe rất hay, nên cũng có nhiều người mê nghe kinh mặc dù không hiểu gì hết. Điều này chắc cũng giống như các cụ già bên Công giáo vẫn thích nghe kinh bằng tiếng La-tinh hơn nghe kinh tiếng Việt.

Như mọi người đều biết, chữ Hán Việt không phát âm giống hệt như tiếng nói của người Trung Hoa. Chẳng hạn, khi người Trung Hoa dùng chữ Hán để phiên âm Montesquieu thì họ đọc gần như người Pháp phát âm tên của nhà tư tưởng Montesquieu, nhưng qua tiếng Hán Việt các nhà Nho An Nam sẽ đọc thành Mạnh Đức Tư Cưu. Napoléon đọc thành Nã Phá Luân, Rousseau đọc thành Lư Thoa… Một cách tương tự khi các nhà sư Trung Hoa dùng chữ Hán để phiên âm tiếng Phạn thì họ phát âm gần giống tiếng Phạn, nhưng qua tiếng Hán Việt những bài chú tiếng Phạn sẽ không còn phát âm trung thực bao nhiêu.

Thời niên thiếu, sinh hoạt trong Gia đình Phật tử, mấy đứa con nít như chúng tôi phải dùng phương pháp liên hệ để nhớ những bài chú. Như bài chú “Thất Phật diệt tội chơn ngôn… Li bà li bà đế cầu ha cầu ha đế…”, chúng tôi tinh nghịch đổi thành “Li của bà thì bà [uống] đế, của cậu Hai cậu Hai đế…” cho dễ nhớ.

Nghi lễ Phật giáo Huế nặng nề hình thức và đầy bí ngữ. Nhất là trong các tang lễ, là lúc con cháu của người quá cố thường phải đội sớ và quì cả tiếng đồng hồ cho xong một biến kinh. Kinh nghiệm của tôi khi mẹ tôi qua đời là, trong khi quì đội sớ, một phần vì không hiểu kinh một phần vì cảm nhận cái đau từ hai đầu gối, tôi mất đi sự quán tưởng về hương linh của mẹ. Trong một biến kinh như thế, đến cả việc pha trà, thầy cũng trịnh trọng: “Tiến trà”. Đệ tử rót trà xong, thầy nhắc: “Lễ nhị bái.” Con cháu lạy hai lạy xong, thầy chủ lễ xướng: “Bình thân quì”. Thao tác cung kính này được lặp lại nhiều lần trong một biến kinh.

Trong các biến kinh đầy chữ Hán này, xin thú nhận, bài kinh tôi thích nhất là bài “Hồi hướng” (“Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh thề trọn thành Phật đạo.”) Vì đây là một bài kinh tiếng Việt dễ hiểu và nhất là vì nó báo hiệu sắp kết thúc buổi lễ.

Nói vậy, nhưng tôi tin các đạo hữu của tôi ở Huế sẽ không cho tôi là một tên phản đồ hay dị giáo, vì qua trao đổi tản mạn, nhiều người cũng chia sẻ kinh nghiệm mù chữ như tôi. Tôi vẫn thấy mình theo đạo Phật, hay chí ít, văn hoá Phật giáo vẫn là văn hoá gần gũi với tâm hồn và nhân sinh quan của tôi nhất.

Xin phân bua thêm điều này: vào những năm trưởng thành của tôi, trong thập niên đầy biến động 1960, tôi có cơ duyên đọc được nhiều sách của nhà sư Thích Nhất Hạnh, trong đó nổi bật nhất là những tác phẩm như Đạo Phật đi vào cuộc đời, Đạo Phật hiện đại hoá, Nói với tuổi hai mươi, Hoa sen trong biển lửa…Và cũng trong thời gian này, với sự hiện diện của trên nửa triệu lính Mĩ ở miền Nam, sách tiếng Anh từ các trại lính đồng minh của Việt Nam Cộng hoà cũng tràn ra các đống rác và được con buôn lượm về bày bán trên các vỉa hè, nhờ vậy mà không hề thông qua một chế độ kiểm duyệt nào cả. (Trong khi đó các báo chí công khai phải kinh qua chế độ “cắt, đục, bỏ”, còn mệnh danh là “tự kiểm duyệt” khá khắc khe, để lại trên mặt báo những khoảng trắng nom thật buồn cười.) Và, từ các đống rác ấy, không những tôi đọc được People’s War, People’s Army by Vo Nguyen Giap, Ho Chi Minh by Jean Lacouture, mà cả những tác phẩm thiền học của D.T. Suzuki.

Cái nghịch lí là, tôi lớn lên trong chiếc nôi Phật giáo là cố đô Huế nhưng tiếp cận tinh túy của đạo Phật không phải qua những kinh kệ Hán văn do “quí ôn, quí thầy” tụng đọc, nhưng chủ yếu xuyên qua những tác phẩm tiếng Việt của thầy Nhất Hạnh, các vị sư hay cư sĩ trước thầy và sách tiếng Anh.

Đạo Phật chờ đợi con người tự mình thắp đuốt lên mà đi và có hàng vạn Pháp môn để tu tập, nên tất nhiên có hàng triệu đạo hữu không chọn hoặc thậm chí phản bác đường lối hiện đại hoá của thầy Nhất Hạnh. “Đường [cái] quan và rộng, và dài”. Riêng phần mình và có liên quan đến sự trưởng thành của tiếng Việt, tôi ghi nhận công đức của những vị thầy như Thích Nhất Hạnh trong nỗ lực Việt hóa các nghi thức tụng niệm. Có hiểu kinh khi đó định lực và sự quán tưởng của người dự lễ mới tăng trưởng dễ dàng. Đương nhiên, người Phật tử cũng rất biết ơn những nhà sư và cư sĩ trước thầy Nhất Hạnh đã đóng góp cho việc dịch các kinh sách chữ Hán ra tiếng Việt, trong đó một trong những nỗ lực quan trọng phải kể đến là công đức của Cư sĩ Minh Tâm Lê Đình Thám và Tạp chí Viên Âm, mà vào thời tiểu học tôi còn mua được ở nhà sách Liễu Quán của Bác Mừng ở Huế (thập niên 1950).

Tôi tin vào sức mạnh tiềm thức (the power of the subconscious mind), một năng lực tinh thần có sức trị liệu và giúp con người vượt qua nhiều tai ách cũng như thực hiện những việc to lớn vượt quá kích thước của mình. Đức tin đặt vào Thượng Đế, Allah, hay một năng lực siêu nhiên nào đó sẽ tác động lên sức mạnh tiềm thức này xuyên qua các lời cầu nguyện – mà phải cầu nguyện với tất cả thành tâm (“nhất tâm kính lễ” hay “nhất tâm bất loạn”) mới có linh nghiệm.

Người Ki-Tô giáo tin rằng sức mạnh của lời cầu nguyện có thể di dời cả ngọn núi (mountain moving faith). Người theo Phật giáo Đại thừa tin rằng sức mạnh của lời kinh có thể đưa người tụng niệm đi qua được bảo lửa (và chắc cả tường lửa), “như nhập đại hoả, hoả bất năng thiêu” (Kinh Phổ Môn).

Tuy nhiên, cái chià khoá ở đây là “một lòng kính lễ”. Nhưng khi đọc kinh mà anh không hiểu gì cả (như trường hợp của tôi khi nghe kinh chữ Hán) thì làm sao có được cái định lực cần thiết, phát sinh từ “nhất tâm kính lễ”?

Trừ những tôn giáo hô hào thánh chiến để trừng phạt người ngoại đạo, tôi tôn trọng mọi đức tin vì đức tin là chiếc phao cuối cùng, không thể thiếu trong biển đời giông bão. Với người Việt Nam, đó là biển đời đầy những sunami, “sợ khi sóng gió bất kì, con ong cái kiến kêu gì được oan”, Kiều. Vì vậy, theo ngu ý, khi một nhà nước xã hội chủ nghĩa chưa xây đủ bệnh viện và chưa cung cấp đủ phương tiện y tế cho dân, các tôn giáo lẽ ra là đồng minh quí giá của chế độ vì đức tin là một nguồn trị liệu cơ bản của đại khối nông dân và dân nghèo thành thị.

“Tôn giáo là thuốc phiện”, nhưng thuốc phiện vẫn có thể làm giảm những cơn đau. Phương chi, càng ngày giới y khoa càng có nhiều bằng chứng xác nhận rằng đức tin có tác dụng rất tích cực trên sự phục hồi của bệnh nhân.

Những bi văn và kinh sách chữ Hán khiến tôi ý thức sâu sắc về nạn mù chữ của bản thân đồng thời nhắc nhở tôi sự lệ thuộc văn hoá dài hun hút của dân tộc Việt Nam.

Cứ gọi là người Việt Nam có hai ngàn năm lịch sử được ghi chép (tính từ thời Sĩ Nhiếp sang “khai hoá” dân ta), thì có đến trên 19 thế kỉ giới tinh hoa của ta phải dùng chữ viết của người Trung Hoa. Tuyệt đại đa số dân chúng đã sống trong đêm dài tăm tối của nạn mù chữ, vì không có chữ viết phản ảnh ngôn ngữ mà mình đang nói.

Nạn mù chữ tước đoạt khả năng truyền thông giữa người và người với nhau, giữa địa phương này và địa phương khác, tạo sự cách li xã hội giữa các làng xã, nếu không muốn nói là sự chia rẽ, nghi kị lẫn nhau. Các làng nghề thường giữ kín một số kĩ năng trong biên giới địa phương của mình vì sợ cạnh tranh, vì lòng ích kỉ, là lẽ đương nhiên. Nhưng nếu có phương tiện truyền thông (qua chữ viết) dễ dàng, những nghề bí truyền đó cũng có lúc lọt ra ngoài và được chia sẻ cho nhiều người và cho nhiều cộng đồng khác nhau, nhờ thế kinh nghiệm sẽ được bồi đắp tinh vi và mức sản xuất được gia tăng hơn trước.

Nạn mù chữ không những gây trở ngại cho việc trao đổi kinh nghiệm giữa những người đang sống với nhau mà còn cắt đứt kinh nghiệm giữa những người đang sống với các thế hệ tiền nhân. Lịch sử Việt Nam qua các thời đại được các quan của triều đình ghi lại bằng chữ Hán, không hề coi đại khối dân chúng mù chữ như những chứng nhân lịch sử. Lịch sử mất luôn tính khách quan của một khoa học, vì sử gia cũng chỉ là cái lưỡi gỗ mà sự an sinh của ông và thân thuộc ông nằm trên nỗ lực đánh bóng chế độ ông ta đang phục vụ.

Trong lịch sử, triều đại sau thường được sáng lập bởi kẻ cướp ngôi của triều đại trước, nên chắc chắn đã sai người viết sử phóng đại, bóp méo, hay bưng bít sự kiện lịch sử nhằm biện hộ cho sự nghiệp của mình và đương nhiên bôi bác triều đại trước. Sử quan (historian mandarins) của triều Nguyễn, chẳng hạn, đã gọi anh em nhà Tây Sơn là Ngụy Tây Sơn. Truyền thống viết sử một chiều này vẫn còn được kế tục cho đến ngày nay. (Trong nước cũng như ngoài nước.) Có người còn trân trọng tính chủ quan của người viết sử nữa chứ: Đem tâm tình viết lịch sử, một tự truyện của Nguyễn Mạnh Côn, là ví dụ.

Cho đến nay, lịch sử Việt Nam được viết ra, nếu không phải vì mục đích tuyên truyền cho một chế độ thì phần lớn cũng dựa vào cảm tính hơn lí tính, bất chấp cả phương pháp nghiên cứu sử học khách quan và khoa học (historiography). Vì chính trị phe phái can thiệp quá nhiều vào việc viết lịch sử, nên có nhiều vụ việc xảy ra cách đây chừng vài thập niên thôi, mà mỗi phe viết theo một cách nhìn khác nhau, người nghiên cứu phải mất nhiều công “gạn đục, khơi trong” mới tìm ra những hạt sự thật. Vì bên này Bến Hải là chân lí, bên kia là ngụy trá.

Người có đầu óc bình thường không thể không tự hỏi câu này: Vậy những điều các sử quan ghi lại bằng chữ Hán cách đây một vài thế kỉ có thể chứa đựng được bao nhiêu phần trăm sự thật? Nạn mù chữ cũng tướt đoạt quyền theo dõi thông tin về vận mệnh đất nước, và vì thế người dân không có ý kiến về việc điều hành đất nước của vua quan ở chốn cửu trùng. Nạn mù chữ không nằm chung một giường với chế độ dân chủ. Một trùng hợp tình cờ: nạn mù chữ có hệ quả nghiêm trọng tương đương với việc bưng bít thông tin của các chế độ toàn trị.

Nếu xã hội Việt Nam truyền thống là một tảng băng sơn, thì người mù chữ là khối lượng khổng lồ nằm chìm dưới mặt nước. Phần nổi nhỏ bé ở phía trên là giới Nho sĩ, những người trước là theo đuổi chữ nghĩa thánh hiền, sau nữa (phần quan trọng) thông qua con đường cử nghiệp nuôi mộng ra phò vua và hưởng ơn mưa móc. Nếu có thất bại trên đường hoạn lộ, kẻ sĩ cũng có thể trở về sinh quán, được ngồi chiếu trên ở chốn đình trung, được “ăn phần cảnh nọng” và được dân làng kính trọng.

Về lịch sử Việt Nam, nếu có ai hỏi những vị anh hùng nào là đáng kính nễ nhất, tôi sẽ không trả lời theo các sách giáo khoa mà tôi đã học, vì tôi nghi ngờ tính trung thực của những người viết chính sử (official history), là loại lịch sử viết theo mệnh lệnh của triều đình. Tôi cũng không có ấn tượng dữ dội về những vị tiến sĩ tên được khắc bia trong Văn Miếu, vì những người này chỉ là những học sĩ của một loại chữ viết mà bản thân họ thậm chí không nói được, đó là tiếng Trung Hoa.

Một điều chắc chắn là các sứ giả ta [kể cả nhà cách mạng Phan Bội Châu] khi sang Thiên Triều chỉ có thể bút đàm với các đối tác đàn anh Trung Quốc. Bút lông và giấy bổi không cho phép đối đáp thông minh, nhanh nhạy như thường được dân gian truyền tụng qua thiên tài Trạng Quỳnh, một nhân vật láu cá mà tôi nghĩ chỉ là phóng thể tâm lí của người phương Nam nhằm giải tỏa mặc cảm tự ti của mình. Vả lại, “thập niên đăng hoả”, mười năm đèn sách, thời gian người xưa phải bỏ ra chuẩn bị cho đủ trình độ để đi thi, đỗ đạt và ra làm quan, trong hoàn cảnh thiếu thốn phương tiện học tập, gợi ý cho tôi về một tri thức quanh quẩn ở lớp 10.

Hình như lịch sử cũng đang tự lặp lại chính nó. Nếu các quan xưa phải là ông nghè, ông cống, thì điều kiện khoa bảng của các quan chức đầu ngành hiện nay cũng phải là thạc sĩ hay tiến sĩ gì đó cho xứng mặt với một nền văn hiến chứ! Tuy vậy, nhiều trí giả trong nước cũng dám than phiền tệ trạng các quan chức nhà nước, với trình độ học vấn lớp 10, bon chen làm luận án tiến sĩ, kể cả thông qua con đường gian lận—mà mục đích nhiên hậu là để nắm giữ địa vị quan trọng trong guồng máy cai trị và để nhà nước khỏi mang tiếng là đi theo chính sách “hồng hơn chuyên”.

Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng khá trăn trở với quốc sách đào tạo cho bằng được 20 ngàn tiến sĩ trước năm 2020, việc này có thể khiến cho nhiều người có ảo tưởng rằng nếu kiếm đủ sỉ số tiến sĩ vừa nói thì chất lượng giáo dục, tiến trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá trong nước đương nhiên sẽ được cải thiện nhanh chóng. Tuy nhiên, người dân không thể không thắc mắc: nếu trong số 20 ngàn ông hay bà nghè đó, có đến 15 ngàn tốt nghiệp từ các học viện chính trị, hay có đến vài ngàn chuyên gia về văn minh Trung Quốc hay văn hoá Chăm thì sao?

Khi các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu than phiền công nhân Việt Nam không có đủ tay nghề, khi Vietnam Airlines phải nhập cảng các phụ tùng máy bay từ nước ngoài với giá cắt cổ, chắc người dân thích nghe nói đến việc đào tạo gấp 20 ngàn thợ tiện hơn là 20 ngàn tiến sĩ bàn giấy. Cũng trăn trở về thực trạng giáo dục và kinh tế của đất nước, nhưng Obama chỉ biết kêu gào là cần mở thêm thật nhiều community colleges (đại học cộng đồng, thời gian đào tạo là 2 năm tiếp theo bậc trung học), nhằm cải thiện sức cạnh tranh của thị trường lao động Mĩ, quyết tâm giành lại công ăn việc làm đã trót giao cho công nhân nước ngoài trong mấy thập niên qua.

Về vai trò của kẻ sĩ hay trí thức truyền thống Việt Nam, trong thời gian gần đây tôi có đọc hai bài viết rất ấn tượng, một của nhà văn hoá Nguyễn Gia Kiểng và một của nhà văn Phạm Thị Hoài. Cả hai cây viết này đều nhận định rằng kẻ sĩ hay “trí thức quan văn” tự bản chất đi theo lề thói phù chính thống—nghĩa là tự hiến mình làm tay sai cho kẻ thống trị. Trong văn cảnh này, chúng ta cũng thường nghe nói đến “trí thức trùm chăn” – trùm chăn cũng chỉ vì người trí thức chưa tìm ra một vị minh chuá để phục vụ.

Cũng nên nói thêm, một khi kẻ sĩ đốt đuốt đi tìm minh quân để phò, hắn không loại trừ được khả năng rơi vào vòng tay của một bạo chúa. Người trí thức truyền thống Việt Nam được đào tạo cho một chế độ nhân trị (rule of men), gặp vua tốt thì nhờ, gặp vua tồi dở thì ráng chịu. Gần đây, trên talawas blog, khi một vài tác giả áp dụng chuẩn mực trí thức phương Tây vào “kẻ sĩ” Việt Nam, muốn họ phải có một thái độ dứt khoát với chính quyền toàn trị, tôi thấy đây là một đòi hỏi khá gượng ép vì truyền thống trí thức của ta là phò vua, bây giờ có Đảng thì tự đặt mình dưới Đảng, là khứng chịu và thích nghi hơn là phản kháng.

Người ta có thể tìm thấy những tấm gương dũng cảm ở trong bất cứ tầng lớp xã hội nào, không nhất thiết phải ở trong lớp người được gọi là trí thức. Ngoài ra, khi một người đang sống ở nước ngoài, an ninh bản thân và gia đình được bảo đảm, vội vàng lên án những trí thức trong nước chỉ vì họ khuất phục trước bạo lực là nhục nhã, tôi thấy thái độ nghiêm khắc như thế là thiếu sòng phẳng, thậm chí có thể là ngụy tín (mauvaise foi).

Trong tình hình hiện nay, tôi nghiêng mình trước những tấm gương dũng cảm như Lê Thị Công Nhân, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Văn Ðài, Phạm Hồng Sơn và nhiều người nữa, bên cạnh đó tôi vẫn trân trọng ghi nhận những nỗ lực tuy âm thầm nhưng tích cực của nhiều trí thức khác, trong cũng như ngoài nước trên nhiều lãnh vực khác nhau.

Bằng thái độ tương tự, tôi nghiêng mình trước gương hi sinh của Nguyễn Thái Học và những đồng chí của ông, nhưng tôi vẫn biết ơn Phạm Quỳnh về những đóng góp của ông cho sự trưởng thành của văn chương quốc ngữ. Không thể đòi hỏi “mọi thứ hoa cúc phải nở ra cúc vạn thọ”, theo cách nói của nhà văn Phan Khôi thời Trăm hoa đua nở.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, với tất cả tâm thành và không một chút nghi ngờ như tôi đã nghi ngờ một số nhân vật lịch sử, tôi dành sự kính trọng cao nhất cho những ai đã đặt ra và phát huy loại chữ viết mà tôi đang dùng để viết bài này. Mặc dù Alexandre de Rhodes đã kết tập ra chữ Quốc ngữ vào thế kỉ 17 nhưng phải đợi đến thế kỉ 20 mới thấy được sự đại tập thành của nó nhờ những nỗ lực ráo riết để quảng bá nó trong đại chúng, qua Ðông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, qua Tự Lực Văn Đoàn, Tiểu thuyết Thứ bảy, qua các đóng góp của những người tâm huyết như Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Hữu Đang…

Và phải đợi đến Chính phủ Trần Trọng Kim, tiếng Việt (Quốc ngữ) mới trở thành chuyển ngữ chính trong học đường. Với tôi, đây là một quá trình lịch sử rất thật và rất cảm động. Ngay trong thời niên thiếu của tôi, giữa thập niên 1950, ở miền Nam phong trào chống nạn mù chữ vẫn còn rầm rộ, phản ảnh qua một bài hát điệu Đăng đàn cung ở Huế mà tôi còn nhớ: “Này trai gái thuộc phái lao cần, mỗi ngày sau khi rồi việc, nên vào học các lớp bình dân. Cùng đôi mắt rạng quắc như người, tội tình chi ta mà chịu tối tăm mịt mù. Ta càng học càng khôn, càng tiến lên càng nhanh…”

Chữ Quốc ngữ giải phóng chúng ta ra khỏi những bí nhiệm do từ vựng Hán Việt tạo ra. Ở Huế ngay trong thế kỉ 20, người ta vẫn trịnh trọng dùng chữ Hán trong sinh hoạt cung đình. Xin trích một đoạn trong bài “Vua Khải Định, hình ảnh và sự kiện” của Võ Hương An:

“Viên quan Bộ lễ phụ trách điều khiển chương trình bắt đầu xướng:

1 Bài ban 俳班 (chỉnh đốn hàng ngủ ngay thẳng)

2 Ban tề 班齊 (quay mặt về phía ngai vàng)

3 Cúc cung bái 鞠躬拜 (lạy năm lạy)

4 Hưng 興 (đứng lên)

5 Bình thân 平身(đứng thẳng người)

6 Hành tấn quang lễ 行晉光禮 (làm lễ đăng quang)

7 Bách quan giai quị 百官皆跪 ( Tất cả các quan đều quì xuống)”.

Hình ảnh một ông vua Việt Nam dùng chữ Hán để diễn tả ý tưởng bình thường của mình đã được nhà văn Phạm Quỳnh ghi lại thật dí dỏm như sau:

Khi dâng Hoàng thượng ta ngự phê thì thấy ngài cầm quản bút ra dáng nghĩ ngợi, các quan Tây có ý chờ đợi ngóng trông, bọn mình thì tưởng rằng chắc ngài nghĩ một bài thơ nôm hay thơ chữ Đường luật hay tứ tuyệt gì, nên mới lâu như thế. Lúc bấy giờ cử hội im phăng phắc, ai cũng để mắt vào nhìn, có cái vẻ oai nghiêm vô cùng. Tưởng chừng đức Chí tôn ta, đương khi mấy trăm con mắt ném ánh sáng vào bàn tay ngọc đó, – ngọc thật, vì ngài thường đeo nhẫn kim cương quý giá lắm, – thời:

Tay tiên gió táp mưa sa,

Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu

ngay tức thì.Nhưng mà không! Cứ thấy cái quản bút quằn quại trên tay, mà không thấy viết chữ gì. Năm phút, mười phút, mười lăm phút, người đứng chung quanh đã thấy thì thào động đậy, kẻ nói nhỏ, người đưa mắt, anh em đồng bang mình thì vừa nóng ruột, vừa động lòng. Sau mới thấy ngòi bút chuyển động; ai nấy thở dài! Hỏi ra thì không phải thơ ngũ ngôn tứ tuyệt gì, chỉ có một câu chữ Hán rằng: năm ấy, tháng ấy, đức Hoàng đế Việt Nam đến ngự nhà Hội, thế mà thôi – Ấy đức Chí tôn ngài viết một chữ một câu cũng thận trọng như thế…

(Trích từ “Hoàng đế Khải Định dưới con mắt thần dân Phạm Quỳnh”, Pham Ton’s Blog)

Phạm Quỳnh ghi lại sự kiện này trên trang nhật kí đề ngày 26 tháng 6 năm 1922. Việc Khải Định dùng chữ Nho để phát biểu một ý nghĩ bình thường chứng tỏ rằng trong hầu hết lịch sử của mình, người Việt Nam gần như không mấy quan tâm đến chữ viết để kí âm ngôn ngữ họ đang nói. Hay nói cách khác, dân tộc ta đã kinh qua một lịch sử mù chữ quá lâu dài.

Sự kiện này là một trong những nhân tố gây ra tình trạng chậm tiến của toàn dân tộc. Chúng ta đã có những trang sử hoành tráng (có khi huyênh hoang) về những chiến tích chống giặc ngoại xâm, nhưng chúng ta đã phớt lờ những cá nhân và phong trào đã nhiệt tình đi tiên phong trong việc chống giặc dốt (tức nạn mù chữ). Tượng Alexandre de Rhodes bị đập phá dưới “ngọn cờ vẻ vang” chống thực dân đế quốc, Nguyễn Hữu Đang bị vất qua một xó ở một làng quê xa xôi.

Trong trí tưởng của tôi, một anh lao động phổ thông Trung Quốc có lẽ sẽ nở mũi tự hào khi đứng trước miếu môn lăng tẩm ở Huế, mặc cảm tự tôn sô-vanh nước lớn của anh sẽ được căng phồng, chỉ vì anh nhận ra dấu ấn văn hoá của Tàu đã in sâu đậm như thế nào trên mảnh đất chữ S dễ thương này, anh đọc lưu loát các bia văn bằng tiếng mẹ đẻ cuả anh, trong khi người bản xứ là đám ngu ngơ mù chữ ngay trước di tích lịch sử của mình. Trong mắt anh, các hoàng đế của ta bất quá cũng chỉ là những con rồng bé so với những con rồng sừng sõ ở Thiên triều.

Sự khinh thị là mẹ đẻ của mọi hành vi bạo ngược, chẳng hạn như chế độ phân chủng Jim Crow, từng tồn tại ở Hoa Kì cho đến thời Kennedy, đặt cơ sở trên tín lí rằng người da đen là một chủng tộc hạ đẳng (inferior race) đối diện với tính ưu việt của người da trắng (White supremacy). Trước khi bị Hitler cho vào trại tập trung và phòng hơi ngạt, người Do Thái đã từng bị văn hóa phương Tây bôi bác, vùi dập, là “quân dữ” đã giết Đức Ki-Tô, là một giống dân bần tiện và sa đọa.

Việc “tàu lạ” ủi vào thuyền đánh cá của bà con ngư dân và cảnh đến cả trăm công nhân Trung Quốc cầm gậy gộc đến hành hung một gia đình hàng quán Việt Nam trên đất Việt Nam là dấu tỏ của một sự khinh thị có từ trong huyết quản của các “đồng chí Trung Quốc” đối với bọn “Nam man”, bọn đã mang ơn Trung Quốc từ chữ viết (mà giới tinh hoa bản xứ đã sử dụng trong gần hết lịch sử), đạo lí thánh hiền, cả sức người sức của trong các cuộc chiến tranh chống “thực dân, đế quốc” của Việt Nam trong thế kỉ 20.

Như trên đã thú nhận, người viết bài này chia sẻ kinh nghiệm mù chữ có tính lịch sử của đại khối dân tộc. Những điều vừa giải toả chỉ là ý nghĩ thành thật của một người bình dân, dựa vào tri thức thường nghiệm là chính, nên nhất định có những sai lầm đáng trách, rất mong được quí học giả có trình độ văn chương và sử học về xã hội Việt Nam truyền thống chỉ giáo.


Share/Save/Bookmark

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2009

Thêm một blogger bị bắt tại Việt Nam

Nguồn : RFI
Thanh Phương

Theo hãng tin Anh Reuters hôm 29/08/2009, ông Bùi Thanh Hiếu, bút danh trên mạng là '' Người Buôn Gió '' đã bị công an ở Hà Nội triệu tập lên và cho tới nay không có tin tức gì. Trang blog Người Buôn Gió đã đăng nhiều bài viết về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên, vụ tranh chấp đất đai ở giáo xứ Thái Hà, và gần đây, về tình hình tại nhà thờ Tam Tòa.


Ảnh chụp một bài viết đăng trang blog "Người buôn gió"

Ảnh chụp một bài viết đăng trang blog "Người buôn gió"

Reuters trích dẫn lời một người quen của ông Bùi Thanh Hiếu, kể lại rằng '' Ông ta gọi điện thoại cho tôi vào lúc 6 giờ chiều từ cơ quan công an và cho biết họ đang tra hỏi về những bài viết của ông. Nhưng khi tôi gọi điện lại thì không nghe trả lời. Nhiều người cũng đã không liên lạc được với ông.''

Theo Reuters, một linh mục Công giáo cũng đã xác nhận tin blogger Người Buôn Gió bị bắt. Vợ của ông cũng cho biết là từ thứ năm tới nay không còn nghe tin tức gì về ông, nhưng không dám bình luận gì thêm vì sợ gây thêm phức tạp cho chồng.

Các nguồn tin trên mạng cho biết là ông Bùi Thanh Hiếu bị cơ quan an ninh điều tra triệu tập lên làm việc vì những vấn đề '' an ninh quốc gia''. Nhà của ông đã bị khám xét và công an đã tịch thu hai máy tính của ông và một số tài liệu.

Blogger Người Buôn Gió là tác giả nhiều bài viết về những đề tài nhạy cảm như vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên hay vụ tranh chấp đất đai ở giáo xứ Thái Hà. Gần đây, ông còn viết một bài ký sự về tình hình tại nhà thờ Tam Tòa.

Vụ bắt giữ blogger NgườI Buôn Gió xảy ra chỉ vài ngày sau vụ nhà báo Huy Đức bị mất việc. Ban biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị đã ngừng hợp đồng làm việc sau khi nhà báo này đăng trên trang blog của anh mang tên Blog Osin, một bài viết về bức tường Berlin, trong đó tác giả lên án các tội ác của chủ nghĩa Stalin.


Share/Save/Bookmark

Chuyện ở phòng tôi (2)

Nguồn : Dân Luận
Viên Mẫn

Lần này thì chị bắt đầu câu chuyện khi vừa mới tới bước vào phòng:

- Em đọc báo sáng nay chưa, cái thằng Trung [Nguyễn Tiến Trung] vừa bị bắt, trước đây học ở trường Lê Hồng Phong, là học sinh giỏi, sau hắn sang Pháp học rồi ở bên đó luôn. Năm ngoái hắn vừa về đến Việt Nam là bị gọi lính. Chắc là mấy ông muốn cho nó vào lồng để dễ cai quản, ông này xem chừng cũng hăng hái lắm. Nghe đâu nó còn viết thư góp ý cho đại hội Đảng nữa kìa.

- Thế chị có biết nó bị bắt vì tội gì không? Tôi hỏi.

- Nghe đâu nó tham gia đảng Dân chủ mà ở ta thì đảng này chưa được phép họat động nhưng lý do mấy ông công an đưa ra là tiết lộ bí mật hành quân, không chịu hô khẩu hiệu.

Tôi cười: chị có nghĩ là khôi hài không khi những chuyện đó đối với mấy anh lính thời bình thì không là gì cả, còn hô khẩu hiệu thì do quân đội đã sửa lời Hồ Chủ Tịch là “trung với Nước” thành “trung với Đảng” nên NTT không hô là đúng thôi.

- Chắc là có tội gì lớn nữa nên công an mới bắt thôi chứ bắt người đâu phải chuyện chơi, chị nói tiếp: - Ví như ông Định [Lê Công Định], là luật sư giỏi, nắm luật trong tay mà người ta bắt thì chắc là phải có tội trạng rõ ràng, mà dại dột thật, đang yên đang lành lại rúc đầu vào tổ kiến lửa. Kể ông ấy cũng đẹp trai, phong độ thật, vợ lại là hoa hậu nữa, đúng không có cái ngu nào giống cái ngu nào. Nghe nói ông này còn định lập đảng Lao Động nữa.

- Thế em hỏi chị, chị đang đi xe trên đường tuy không phạm luật giao thông nhưng CSGT tuýt còi chị, chị dừng lại, ông công an nói chị đi lấn đường, chị có cãi được không?

Thấy chị im lặng tôi nói tiếp, - cái lý lẽ bao giờ cũng thuộc về kẻ mạnh, thế chị có tin là họ chống phá nhà nước không?

- Ai mà biết được, chị nói - chắc họ chỉ tuyên truyền thôi.

- Thế theo chị tuyên truyền có phải là tội không?

- Nếu tuyên truyền sai sự thật thì là tội, nhưng phải có chứng cứ.

- Chị có biết tuyên truyền là gì không? Tuyên truyền là thuyết phục những người khác tin và nghe theo mình, chị cũng biết nhà nước ta có được sự ủng hộ của dân chính là phải nhờ vào công cụ tuyên truyền chứ, nếu dân biết hết tỏng những thói hư tật xấu của mấy ông thì liệu họ có còn tin các ông nữa hay không. Cứ cho là mấy ông Định, Trung… tuyên truyền để thuyết phục người khác tin và nghe theo họ thì cũng chỉ là cách mà mấy ông cách mạng đã làm mà thôi. Thậm chí mấy ông Định, ông Trung không phải là những người tuyên truyền để vụ lợi hay là để che dấu những thói hư tật xấu của mình mà họ thấy bức xúc trước những tệ nạn của xã hội, họ thấy được sự bất cập của bộ máy công quyền nên đã lên tiếng thôi, còn chuyện lập đảng lao đông này khác thì luật có cấm đâu mà ông Định cũng chưa lập, mới chỉ có ý định thôi. Chị không nhớ có lần chị còn nói đảng CS nên đổi tên thành đảng Lao Động như ngày xưa thì hơn không.

- Đúng quá đi chứ, chị nói, đảng Lao Động nó gần gũi với người lao động, dù bản chất nó không thay đổi thì nghe cũng có cảm tình hơn.

- Em thì không nghĩ thế, bình mới rượu cũ thì cũng vậy, thậm chí còn có vẻ ngụy trang để che dấu bản chất, em nghĩ nếu các ông chỉ một mình một chợ thì họ không dại gì để mất đi quyền lợi của mình. Họ đang bán giá cao, nếu một kẻ nào chen vào thì hai bên đều phải hạ giá, có phải thiệt không?

- Nhưng thế người mua lại được lợi, như cái ông Mobifone, Vinaphone lúc mới ra còn độc quyền, giá cao trên trời, còn bắt người nghe phải trả tiền nữa chứ, thế sau mấy ông Việttel, S-Phone ra nữa thì giá hạ chỉ còn 1/3, chị nói.

- Thế chị cũng đồng ý với em là cạnh tranh chỉ đem đến điều tốt không?

- Một nửa thôi, cho người dùng, chị nói.

- Em không nghĩ vậy, cạnh tranh đưa tới cho người dùng hàng tốt và rẻ, như vậy sẽ nhiều người mua, người làm ra vật liệu đầu vào cũng bán được nhiều hàng hơn, người bán cũng bán được nhiều hàng, thế không phải tốt cho nhiều người hơn sao?

- Xã hội chỉ tốt lên chỉ khi mà mọi lĩnh vực đều được cạnh tranh bình đẳng, đó là quy luật của sự phát triển, tôi nói thêm.

- Không ngờ em cũng lý lẽ ra phết, chị cười nói, - mà xem chừng ủng hộ mấy ông bất đồng chính kiến lắm đấy, thế có nhận được tiền tài trợ từ nước ngoài như mấy ông kia không đấy?

- Chị bảo ông nào? Tôi vờ hỏi khi biết chị nói đùa.

- Ông Định, ông Trung chứ còn ai, nghe nói họ nhận tiền của nước ngòai.

- Chị lấy thông tin ấy ở đâu đấy? tôi hỏi.

- Chị đọc báo.

- Thế em hỏi chị, chị có tin không khi vì tiền mà mấy ông trên biết là nguy hiểm và phải chịu nhiều thiệt thòi cho mình và cả người thân vẫn cứ lao vào trong khi họ là những người giỏi giang trong chuyên môn và dễ dàng kiếm tiền ở trong nước cũng như ở nước ngoài, gia đình vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng? Đành rằng cũng có những người lợi dụng đấu tranh dân chủ để kiếm tiền nhưng đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh thôi. Chị có biết không khi báo chí mình phải biết nghe lệnh của các ông mặc dù họ biết nhiều thông tin không chính xác, chị đừng tin hòan tòan, chị phải biết phân tích và sàng lọc, đừng để người khác cho mình là những kẻ thiếu hiểu biết, nói gì nghe nấy.

Giờ thì chị im lặng không nói gì, tôi biết chị đuối lý nên cố làm cho chị vui vẻ lên: Em cũng như chị thôi, mình đã bị che mắt bịt tai nhiều rồi, bây giờ mình phải tìm thông tin để còn biết bên ngòai người ta đang làm gì để còn theo cho kịp xã hội. Thôi giờ em phải đi họp đây, nếu chị còn hứng thú thì hôm sau ta lại bàn tiếp nhé.

- Ừ, hôm sau đến quán chị đi, chị sẽ khao em một chầu bia đen Đức chính hiệu, hôm nay chị mở mang đầu óc là nhờ em đấy.

- Nhưng mà chị phải bí mật đấy, nhỡ ông an ninh nhà chị mà biết được thì toi, tôi nói đùa.

- Em nhầm to rồi, ông chồng nhà chị chỉ là con hổ giấy thôi, ông làm vì công việc chứ nhiều chuyện ông biết tường tận hơn em nhưng ông không chia sẻ với vợ con, chị làm vợ nên chị hiểu nỗi buồn của ông ấy, ông còn nói với chị là ông chán và con cháu ông không bao giờ muốn chúng làm nghề giống ông ấy nữa.

- Thế hả!, tôi bất ngờ à lên rõ to khi vội vàng quay đi cho kịp buổi họp sáng.


Share/Save/Bookmark

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2009

Tiếng Nói của Người Việt Thầm Lặng

Nguồn : RFA
2009-08-27

Trong vài tuần qua, một bản Tuyên Bố bằng Anh Ngữ và Việt Ngữ đã đuợc đăng tải trên nhiều trang mạng Internet, tố cáo âm mưu xâm lược Việt Nam của Trung Quốc qua các biện pháp quân sự cũng như kinh tế.

Photo: RFA

Ngư dân VN nay thường đi chung 2, 3 tàu và không dám đánh cá xa ngoài khơi sợ bị TQ thu tàu bắt đóng thuế

Bản Tuyên Bố nhằm kêu gọi người Việt cùng ký tên để gửi đến Liên Hiệp Quốc.

Được biết những lời kêu gọi thiết tha này xuất phát từ một số trong nhóm trí thức, chuyên gia, từng là cựu sinh viên du học tại Úc Châu trước 1975 và đang sống lưu vong tại hải ngoại.

Bản tuyên ngôn của“Người Việt Thầm Lặng”

Bản tuyên bố được ký tên là của một nhóm “Người Việt Thầm Lặng”, đã được nhiều người Việt trong cũng như ngoài nước ủng hộ. Được hỏi về lý do đưa ra bản Tuyên Bố này, ông Nguyễn Hùng, một thành viên của nhóm, hiện đang cư ngụ tại thành phố Sydney, thuộc nước Úc cho biết:

Chúng tôi là những người Việt Nam sống tại ngoại quốc, đọc báo biết được nhiều tin tức, thấy hành vi của Trung Quốc đối với người Việt Nam và đối với nước Việt Nam rất là ngang ngược và họ đang có những hành động muốn xâm chiếm Việt Nam.
Ô.Nguyễn Hùng

“Chúng tôi là những người Việt Nam sống tại ngoại quốc, đọc báo biết được nhiều tin tức, thấy hành vi của Trung Quốc đối với người Việt Nam và đối với nước Việt Nam rất là ngang ngược và họ đang có những hành động muốn xâm chiếm Việt Nam. Chúng tôi là người Việt nên thấy cần phải lên tiếng nói, do đó chúng tôi tập họp với nhau để viết lên một bản tố cáo Trung Quốc trước thế giới để hy vọng ngăn chận được hành vi của Trung Quốc”

Một thành viên khác là ông Ngô Khoa Bá, đang cư ngụ tại Houston, nói rằng họ không thuộc vào một đảng phái chính trị nào cả, nhưng trước nguy cơ Bắc Thuộc quá rõ ràng họ thấy cần phải lên tiếng báo động cùng cộng đồng quốc tế.

“Chính quyền Việt Nam hiện tại đã tỏ ra rất nhân nhượng với Trung Quốc về mọi vấn đề. Chúng tôi phải vạch trần mọi âm mưu thôn tính toàn diện ViệtNam của Trung Quốc. Không những Hoàng Sa, Trường Sa mà ở sông Mekong họ còn xây những đập thủy điện ở Vân Nam để bóp chẹt đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam để ViệtNam nghèo, không còn sức chống cự”

Chính quyền Việt Nam hiện tại đã tỏ ra rất nhân nhượng với Trung Quốc về mọi vấn đề. Chúng tôi phải vạch trần mọi âm mưu thôn tính toàn diện ViệtNam của Trung Quốc. Không những Hoàng Sa, Trường Sa mà ở sông Mekong họ còn xây những đập thủy điện ở Vân Nam để bóp chẹt đồng bằng sông Cửu Long
Ô.Ngô Khoa Bá

Hàng ngàn người Việt trên thế giới ủng hộ

Ông Nguyễn Hùng cho biết trong vòng khoảng 2 tuần lễ qua mà nhóm Người Việt Thầm Lặng đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của người Việt khắp nơi trên thế giới, và nhóm này sẽ chính thức gửi bản Tuyên Bố với danh sách người ủng hộ lên các cơ quan liên hệ đến lãnh hải, môi sinh, nhân quyền của Liên Hiệp Quốc:

“Cho đến nay chúng tôi đã thâu thập được trên dưới một ngàn người tham gia. Cuối tháng 8 này chúng tôi sẽ gửi đợt đầu. Trước hết là sẽ gửi đến ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc và các cơ quan trực thuộc trong LHQ để nói lên sự phản đối của tất cả người Việt trên khắp thế giới, sau đó chúng tôi sẽ lần lược gửi đến những vị nguyên thủ của các quốc gia và các vị thượng nghị sĩ, dân biểu để họ biết được tình trạng của đất nước Việt Nam chúng tôi …”

Ông Ngô Khoa Bá nhấn mạnh là mục đích của Bản Tuyên Bố là nhằm khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần độc lập bất khuất của người Việt trong và ngoài nước:

“Việc làm của chúng tôi là gợi lại lòng yêu nước của đồng bào, và cái tánh tự cường, tánh độc lập, tánh quật cường, tánh không muốn làm nô lệ của người Việt ở hải ngoại cũng như trong nước”.

Trong số những người Việt đã ký tên vào bản Tuyên Bố có anh Charlie Vương, cư ngụ tại Houston, nói rằng anh hoàn toàn ủng hộ việc làm này của nhóm NVTL và anh đã nói lên sự quan tâm của mình về Hoàng Sa và Trường Sa:

“Trước năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa đã khẳng định là Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc về lãnh thổ ViệtNam thì không biết tại sao sau năm 1975 thì hai đảo Hoàng Sa Trường Sa lại là của Trung Quốc”

Cho đến nay chúng tôi đã thâu thập được trên dưới một ngàn người tham gia. Cuối tháng 8 này chúng tôi sẽ gửi đợt đầu. Trước hết là sẽ gửi đến ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc và các cơ quan trực thuộc trong LHQ để nói lên sự phản đối của tất cả người Việt trên khắp thế giới, sau đó chúng tôi sẽ lần lược gửi đến những vị nguyên thủ của các quốc gia

Charlie Vương cũng tỏ ra quan ngại về việc Trung Quốc khai thác Bauxit tại Tây Nguyên:

“Nhà nước Việt Nam không nên để Trung Quốc đưa quân hay là đưa công nhân vào trong lãnh thổ ViệtNam để khai thác. Thứ nhất là liên quan đến vấn đề an ninh của quốc gia, thứ hai là vì ảnh hưởng tới vấn đề môi trường”

Cô Hoài Anh, một cư dân khác tại Houston, tỏ lời cảm ơn những người đã đứng ra làm việc này vì theo cô, rất nhiều ngươì muốn lên tiếng phản đối Trung Quốc nhưng không có cơ hội, thì bản Tuyên Bố này đã tạo cơ hội cho mọi người cùng lên tiếng:

“Em rất cám ơn những người đã đứng ra làm chuyện đó. Riêng về cá nhân em thì em có nghe nhiều tin về việc Trung Quốc có kế hoạch lâu dài muốn xâm lăng Việt Nam nhưng mà em không biết cách nào để làm được một cái gì. Khi mà em đọc được bản tuyên bố đó thì em cũng thấy vui vì biết là mình cũng có cách để làm”

Chỉ là hành động của người Việt Nam có cùng nguyện vọng

Theo Cô Hoài Anh, kết quả của cuộc vận động này còn tùy thuộc vào sự tham gia của nhiều người để có thể gây được sự quan tâm của những chính khách có khả năng gây được ảnh hưởng chính trị, ngoại giao quốc tế, để họ thông cảm được những ưu tư và nguyện vọng của dân Việt:

“Làm sao mà cho những dân biểu, thượng nghị sĩ,.. những người có thể làm thay đổi được sự việc, mà họ biết đây là mối quan tâm hàng đầu của người Việt Nam thì như vậy họ sẽ chú ý …”

Chúng tôi có lòng yêu nước. Chúng tôi theo dõi thời cuộc, chúng tôi thấy có bổn phận phải làm một Kháng Thư như vậy. Chúng tôi không thuộc một đảng phái nào cả, chúng tôi không có một tham vọng chính trị nào cả.
Ô.Ngô Khoa Bá

Ông Nguyễn Lương Bình, một cư dân tại Dallas, cũng lên tiếng tán thành việc làm của những người đưa ra bản Tuyên Bố,vì theo ông vấn đề này cần được đưa ra công luận quốc tế:

“Bảng Tuyên Ngôn như vậy nói lên tinh thần của dân tộc Việt, những ưu tư và phản khán của người Việt khắp nơi trước những lấn áp và những âm mưu đồ đen tối của đế quốc Trung Hoa. Phải nói cho thế giới biết những âm mưu của Trung Quốc, mình phải làm lớn, làm rùm beng lên … và Kháng Thư này là một thí dụ điển hình”

Đề cập đến diễn đàn Đặc Trưng, nơi có đăng tải kháng thư Tố Cáo Âm Mưu Xâm Lược của nhóm Người Việt Thầm Lặng, có nick Bò Kho viết rằng việc làm này là do Việc Cộng giật dây, và đây chỉ là chiêu bài kêu gọi đoàn kết yêu nước chống ngoại xâm của nhà nước Việt Nam, ông Ngô Khoa Bá cho biết:

“Chúng tôi là những người sinh viên ngày xưa đi du học ở Tân Tây Lan. Chúng tôi có lòng yêu nước. Chúng tôi theo dõi thời cuộc, chúng tôi thấy có bổn phận phải làm một Kháng Thư như vậy. Chúng tôi không thuộc một đảng phái nào cả, chúng tôi không có một tham vọng chính trị nào cả. Ông ấy có quyền phê bình, có quyền nghi ngờ nhưng tôi nghĩ là những lời phê bình của ông ấy không có dựa vào một bằng cớ nào cả.

Chúng tôi làm việc rất là minh bạch, trắng đen rõ ràng. Tôi tin là người Việt Nam rất thông minh, sáng suốt họ nhìn thấy công việc của chúng tôi làm sẽ biết rõ ràng không phải là do đảng cộng sản Việt Nam giật dây gì cả mà biết chúng tôi là những người độc lập chỉ là do lòng yêu nước mà làm thôi”.

Và ý kiến của ông Nguyễn Hùng là:

“Tôi thông cảm sự nghi ngờ của đồng bào mình, nhưng chúng tôi xin bảo đảm với mọi người, nhất là những người ở trong nước là hành động của chúng tôi chỉ hành động của người Việt, chúng tôi không trực thuộc một đảng phái hay một tổ chức chánh trị nào trong cũng như ngoài nước”.


Share/Save/Bookmark

Tại Việt Nam, nhà báo Huy Đức bị mất việc do một bài viết về bức tường Berlin

Nguồn : RFI
Thanh Phương
Nhà báo Huy Đức tên thật là Trương Huy San (DR)

Nhà báo Huy Đức tên thật là Trương Huy San (DR)

Trên trang Blog Osin, nhà báo Huy Đức đã từng đề cập đến nhiều chủ đề nhạy cảm ở Việt Nam, đặc biệt là cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Trung Quốc trên biển Đông hay vấn đề khai thác bauxite Tây Nguyên. Lần này, nhà báo bị mất việc khi bày tỏ quan điểm về bức tường chia cắt Tây và Đông Berlin

Theo lời ông Trần Công Khanh, tổng thư ký tòa soạn tờ Sài Gòn Tiếp Thị, lý do của quyết định nói trên là vì nhà báo Huy Đức đã viết một bài về bức tường Berlin đăng trên trang blog của anh, mang tên Blog Osin http://www.blogosin.org/

Trên trang blog của mình, Huy Đức cho biết kể từ ngày 25/8, ông không còn là nhà báo của Sài Gòn Tiếp Thị nữa, và nhấn mạnh là trong 21 năm làm nghề báo, anh đã nhiều lần bị mất việc, nhưng vẫn không muốn bỏ nghề này.

Nhà báo Huy Đức viết: ''Báo chí, cho dù của Nhà nước thì vẫn là một tài sản của xã hội. Báo chí phải là nơi chuyển tải những bài viết trung thực, những phân tích, phản biện, những bài viết mà người làm báo tin rằng nói phụng sự xã hội.''

Trong bài viết về bức tường chia cắt Tây và Đông Berlin, mà anh gọi là ''bức tường ô nhục'', nhà báo Huy Đức đã nhắc lại con số hơn 1.300 người dân Đông Đức bị bắn chết khi trèo qua bức tường Berlin và hàng chục binh lính Đông Đức đã tự sát thay vì chấp hành lệnh bắn vào nhân dân, những ngườI đi tìm tự do.

Tác giả bài viết cũng lên án những tội ác do chủ nghĩa Stalin gây ra, mà đặc biệt là chính quyền do người Nga dựng lên ở Đông Đức liên tục thanh trừng nội bộ, khủng bố những người bất đồng, còn Liên Xô, theo Huy Đức, thay vì được ghi nhớ như là một ''giải phóng quân'' đã trở thành một lực lượng chiếm đóng và áp đạt lên Đông Âu ''một chế độ tước đoạt hết của con người những quyền căn bản.''

Trong bài kết luận, nhà báo Huy Đức đã thẳng thừng viết rằng : ''Một cuộc chiến không còn được coi là ''giải phóng'', nếu những gì mà nhân dân được hưởng không phải là độc lập tự do.''

Trên trang Blog Osin, nhà báo Huy Đức đã từng đề cập đến nhiều chủ đề nhạy cảm ở Việt Nam, đặc biệt là cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Trung Quốc trên biển Đông hay vấn đề khai thác bauxite Tây Nguyên.

Khi nghe tin Huy Đức bị ngưng hợp đồng với tờ Sài Gòn Tiếp Thị, hàng trăm ngườI đã bày tỏ sự ủng hộ nhà báo này trên trang blog Osin, trong số đó có một đồng nghiệp không nêu tên viết rằng : ''Nhà báo Huy Đức không đơn độc, kể cả khi anh không phải là phóng viên chính thức của tờ Sài Gòn Tiếp Thị. Độc giả sẽ giúp Blog Osin tồn tại''

Việt Nam vẫn bị tổ chức Phóng viên không biên giới xếp vào danh sách các quốc gia kẻ thù của Internet. Năm ngoái, một blogger nổi tiếng khác là Điếu Cày cũng đã bị kết án hai năm rưỡi tù giam với tội danh gọi là '' trốn thuế ''.

Vụ đuổi việc nhà báo Huy Đức diễn chỉ hai ngày sau khi đại sứ Mỹ tại Hà Nội Michael Michalak, hôm thứ tư vừa qua, đã một lần nữa bày tỏ mối quan ngại của ông về quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.


Share/Save/Bookmark

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2009

Nhìn lại hai cuộc Cách Mạng Pháp 1789 và Việt Nam 1945

Nguồn : Dân Luận
Nguyễn Gia Kiểng
...Nhìn lại giai đoạn Cách Mạng Tháng 8, chúng ta không thấy một nhà tư tưởng nào và cũng không thấy một người nào chứng tỏ sự hiểu biết tạm được về những triển vọng và nguy cơ đang chờ đợi đất nước lúc đó. Chúng ta không hề thấy một dự án chính trị nào. Thanh niên hăm hở lên đường nhưng lên đường để đi đến đâu thì không biết, chỉ tin là "đi hiên ngang tới phương trời tươi sáng". Rất thơ mộng nhưng không phải giải đáp. Tnanh niên thế hệ 1945 thực không may. Sự thiếu sót này đến nay hình như vẫn chưa ý thức đầy đủ. Vẫn còn rất nhiều người nghĩ rằng không cần lý thuyết, chỉ cần hành động, không cần nói mà chỉ cần làm. Vẫn còn rất những người nghĩ rằng có thể tranh đấu mà không cần có tư tưởng. Vẫn có những người cho rằng họ có tư tưởng chỉ vì họ không hiểu thế nào là tư tưởng. Và quần chúng, kể cả quần chúng tốt nghiệp đại học, thì nhìn mọi người và mọi tổ chức như nhau....

Chúng ta ở trong thời điểm kỷ niệm hai cuộc cách mạng, Cách Mạng Pháp 1789 và Cách Mạng Việt Nam 1945. Lý do để nhắc tới cùng một lúc trong bài này hai biến cố đó không phải vì chúng cùng xảy ra trong mùa hè mà vì chúng diễn ra dưới tác động của cùng một phong trào: phong trào lãng mạn (the romantic movement, le mouvement romantique). Phong trào này phải được nói tới vì ảnh hưởng quan trọng của nó trong lịch sử thế giới và nước ta. Chúng ta còn đang gánh chịu những hậu quả của nó.

Phong trào lãng mạn, như một trào lưu tư tưởng đã bắt đầu tại Pháp trong thế kỷ 18, thế kỷ nở rộ của văn học, nghệ thuật và tư tưởng, và thường được gọi là Thế Kỷ Ánh Sáng.

Khuynh hướng lãng mạn thời nào cũng có ở mọi quốc gia đã đạt tới một mức độ văn minh nào đó. Nó là phản xạ tự nhiên của con người trước những gò bó của xã hội, là một cố gắng vượt thoát khỏi thực tại và cũng là một động cơ của tiến bộ. Mọi nghệ sĩ lớn không nhiều thì ít đều lãng mạn. Nhưng nói chung tư tưởng lãng mạn chỉ đột xuất, chợt đến và qua đi, ở từng người, trong một số ít người. Nó đã chỉ trở thành một trào lưu tư tưởng mạnh, hướng dẫn cách suy nghĩ và hành động vào thế kỷ 18 tại Pháp rồi từ đó lan ra các nước khác. Sang thế kỷ 19 trung tâm phong trào lãng mạn chuyển sang nước Đức vừa thống nhất và trở thành một luồng tư tưởng chính trị mãnh liệt. Luồng tư tưởng này, phối hợp với các điều kiện lịch sử và văn hóa của mỗi nước châu Âu đã đẻ ra các chủ nghĩa quốc gia quá khích, cộng sản, phát xít và nazi.

Người Pháp ngay từ thế kỷ 17 đã nâng niu một điều mà họ gọi là la sensibilité, tạm dịch là sự nhậy cảm, nhưng thực ra rất khó dịch vì là một đặc sản của tiếng Pháp. Nó có nghĩa là khả năng xúc động và cảm thương một cách dễ dàng và mãnh liệt không có sự can thiệp của lý trí. Một người lãng mạn có thể xúc động mạnh mẽ trước một cảnh đau lòng nhưng lại dửng dưng trước một kế hoạch tỉ mỉ để cải thiện xã hội, cải thiện dân sinh. Lý luận phải vắng mặt để sự nhậy cảm, la sensibilité, được chân chính và toàn vẹn. Trái tim là tất cả.

Con người đã đưa khuynh hướng lãng mạn lên thành một phong trào tư tưởng mãnh liệt tại Pháp, đồng thời biến nó từ một phong trào thơ văn thành một thái độ chính trị áp đảo là Jean-Jacques Rousseau (1712-1778). Ông sống bụi đời từ thời thơ ấu, đi bộ lang thang khắp đó đây, khi sống nhờ những gia đình giàu có, khi nhờ vả những người cũng nghèo khổ như ông và đáp lại một cách rất tệ bạc. Ông lấy một người vợ xấu xí, dốt nát, có được năm đứa con đem bỏ hết vào trại mồ côi và không bao giờ biết đến chúng nữa. Nói chung là một cuộc sống hoàn toàn thiếu cái thường được gọi là liêm sỉ và đạo đức. Nhưng điều này không làm Rousseau áy náy vì ông yên trí là đã có trái tim nhậy cảm. Rousseau cảm xúc thực tình và diễn tả cảm xúc của mình bằng những câu văn trác tuyệt. Rousseau là một nhà văn thiên tài. Văn chương của ông đã khiến người ta say mê, chấp nhận những ý kiến của ông và tạo ra cả một phong trào lãng mạn áp đảo mà ảnh hưởng kéo dài suốt hai thế kỷ, và ở một chừng mực nào đó còn kéo dài tới ngày nay.

Rousseau chống lại văn minh, ông cho rằng văn minh làm hư hỏng con người; ông chống lại giáo dục, ông cho rằng con người hoang dại suy nghĩ đúng nhất vì suy nghĩ một cách trong sạch. Ông chủ trương phải hủy bỏ quyền tư hữu, hủy bỏ mọi tổ chức sinh hoạt kinh tế, chấm dứt cuộc cách mạng kỹ nghệ vừa bắt đầu lúc đó để trở lại với cuộc sống giản dị và thơ mộng của nông thôn. Những người lãng mạn theo Rousseau đặt cái đẹp và cảm xúc mạnh lên trên hết. Họ yêu con cọp xé xác họ vì nó đẹp và dữ tợn hơn là con bò cho họ sữa uống và thịt ăn vì con bò hiền lành và tầm thường. Đập phá hứng thú hơn xây dựng vì đập phá cho cảm xúc mạnh trong khi xây dựng đòi hỏi mồ hôi và sự nhẫn nại, những cái mà trường phái lãng mạn ghét nhất. Cái chết đáng yêu hơn sự sống vì cái chết bi đát và gợi cảm hơn cuộc sống đều dặn và tẻ nhạt, chết trong tuổi thanh xuân là rất thơ mộng.

Không phải chỉ có người Pháp mà hầu như mọi nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng cuộc Cách Mạng Pháp 1789 đã chịu ảnh hưởng quyết định của trường phái lãng mạn mà Rousseau được coi là cha đẻ. Công bằng mà nói, cuộc cách mạng này là đứa con chung của hai người rất khác nhau, John Locke và Jean-Jacques Rousseau. John Locke (1632-1704), trước Rousseau gần một thế kỷ, là một con người thông thái, hiền hòa, cha đẻ của tư tưởng dân chủ và nhân quyền, bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ năm 1776 cũng như bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Pháp năm 1789 có nhiều câu gần như nguyên văn của ông. Lý trí của cuộc cách mạng này, thể hiện qua các văn bản và định chế, là của Locke nhưng tình cảm và động cơ của nó là của Rousseau. Nó đã là một cuộc cách mạng đẫm máu và kinh hoàng, trong đó người ta đập phá và chém giết thả cửa. Sau khi đã tiêu diệt giới quí tộc và hàng giáo phẩm, nó quay lại tàn sát chính người người đã hô hào chủ xướng nó như Danton, Condorcet, v.v. Sự tàn sát đã đạt tới cao điểm trong giai đoạn được gọi một cách chính xác là La Terreur (Kinh Hoàng) khi Robespierre và Saint Just cầm quyền. Quốc ca của nước Pháp ngày nay vẫn là bài La Marseillaise của Rouget de Lisle, nó kêu gọi:

Công dân ơi, hãy cầm khí giới ! Hãy thành lập những đạo quân ! Tiến lến ! Tiến lên ! Để máu tanh hôi tràn ngập ruộng đồng ! (Aux armes, citoyens ! Formez vos bataillons ! Marchons, marchons ! Qu’un sang impur abreuve nos sillons !).

Trong biển máu tanh hôi đó có cả máu của Rouget de Lisle vì sau đó chính ông cũng bị hành quyết.

Tiến lên vì Tự Do! (tranh Delacroix)
Nhưng ảnh hưởng của trường phái lãng mạn không dừng lại ở cuộc cách mạng này, tâm lý bạo lực và chém giết tiếp tục nuôi dưỡng các cuộc chiến tranh thảm khốc của Napoléon sau đó bởi vì giết chóc và chiến tranh không bị nguyền rủa mà còn được coi là hùng tráng. Trước 1789, Pháp là nước lớn nhất châu Âu, mạnh hơn tất cả phần còn lại của châu Âu cộng lại. Sau đó, nước Pháp kiệt quệ và không gượng dậy được. Pháp cho tới bây giờ vẫn còn là một bí ẩn: tại sao một nước có lãnh thổ lớn, khí hậu tốt, vị trí tuyệt vời, đất đai phì nhiêu, trí tuệ cao, văn hóa phong phú mà không vượt nổi các các nước châu Âu khác, không những thế còn thua sút? Vết thương của cuộc Cách Mạng 1789 vẫn chưa lành.

Chúng ta đã nói cuộc cách mạng này là sản phẩm của hai luồng tư tưởng rất trái ngược nhau, tiêu biểu bởi John Locke và Rousseau. Mới đầu sự trái ngược này không được ý thức, nhưng sau đó sự đối chọi của chúng trở thành rõ rệt không thể dung hòa. Chúng đã tách ra hai lối đi khác nhau. Hậu duệ của John Locke là những Washington, Jefferson, Churchill, de Tocqueville, v.v. và các chế độ dân chủ. Hậu duệ của Rousseau là những Karl Marx, Bakunin, Auguste Blanqui, Saint Simon, Nietzche, Schopenhauer, Hitler, Mussolini, Lenin, Stalin, v.v. và các chế độ cộng sản, phát xít, Nazi. Một đại lộ thênh thang và những ngõ cụt đẫm máu.

Tôi biết đến Jean-Jacques Rousseau lần đầu tiên khi học sử thế giới ở các trường trung học Việt Nam, các cuốn sách sử Việt Nam và các thầy giáo của tôi ca tụng cuộc Cách Mạng Pháp 1789 như là một cột mốc đánh dấu một bước tiến vĩ đại của nhân loại và Rousseau như là một ân nhân của nhân loại vì đã là người khai sáng ra cuộc cách mạng đó. Tôi ngưỡng mộ Rousseau như mọi thanh niên Việt Nam vì chúng tôi đã được dạy bảo để ngưỡng mộ ông. Tại Pháp tôi đọc các tác phẩm của Rousseau và rất thất vọng. Khi thấy Hegel và Karl Marx nằm trong luồng tư tưởng Rousseau, tôi cũng tìm đọc và cũng có cùng một thái độï. Cả Rousseau và Marx đều có đặc tính chung của trường phái lãng mạn: hời hợt, hồ đồ và mâu thuẫn trong lý luận nhưng lại quả quyết, tuyệt đối và quá khích trong các kết luận.

Rousseau ca tụng nông dân nhưng ông chưa bao giờ làm nghề nông hay chia sẻ nếp sống của nông dân, ông chỉ là một người lang thang. Marx đề cao giai cấp công nhân và đưa ra cả một lý thuyết kinh tế, nhưng ông là một nhà báo và một học giả, không biết gì về cuộc sống công nhân và mù tịt về kinh tế. Tôi chưa bao giờ bị cám dỗ vì những gì họ đã nói và viết, hơn thế nữa còn bác bỏ một cách không nể nang trong mọi phát biểu, dù thập niên 1960, lúc tôi là sinh viên, là thời điểm mà tại Pháp người ta cho rằng một người trí thức đương nhiên phải theo chủ nghĩa Marx.

Phải nhấn mạnh một điều: chính Rousseau chứ không phải Marx mới là cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản và các chế độ cộng sản. Rousseau hô hào một chế độ cộng sản nông dân, trong khi Marx coi giai cấp công nhân là nền tảng. Tất cả các chế độ cộng sản được thành lập - dù tại Nga, tại Trung Quốc, tại Cao Ly, tại Việt Nam, Cuba hay mọi nước khác - đều là chế độ cộng sản nông nghiệp lấy nông dân làm nền tảng. Cái ý kiến cho rằng chỉ những người nông dân mộc mạc vô học mới là những lãnh tụ tốt cũng là của Rousseau chứ không phải của Marx. Sở dĩ các chế độ cộng sản đề cao Marx thay vì Rousseau là vì Marx đưa ra cả một chủ nghĩa bề ngoài có vẻ hệ thống và mạch lạc, bao gồm cả lịch sử, triết học và kinh tế và do đó đem lại cho các chế độ cộng sản một hệ thống lý luận hào nhoáng trong cuộc tranh cãi ý thức hệ với phe dân chủ. Nhưng các chế độ cộng sản đã là con đẻ của Rousseau chứ không phải của Marx. Sự kiện các chế độ quốc gia chống cộng tại Việt Nam, với đầy rẫy những người có bằng cấp đại học, ái mộ Rousseau mà không có lấy một người nhận ra ông vừa bệnh hoạn vừa là cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản đang đe dọa tiêu diệt họ là một bằng chứng hùng hồn rằng người Việt Nam chỉ học để nhồi đầy đầu chứ không phải để biết suy nghĩ.

Trở lại với cuộc Cách Mạng Tháng 8-1945. Ảnh hưởng của trường phái lãng mạn rất rõ rệt. Quá rõ rệt. Có lẽ vì Pháp đô hộ Việt Nam mà những thảm họa đã xảy ra cho Pháp một thế kỷ rưỡi trước đã được lập lại một cách gần như trọn vẹn. Cũng như tại Pháp, phong trào lãng mạn Việt Nam đã khởi đầu, từ thập niên 1930, từ thơ văn với cùng một tinh thần : tìm cảm giác mạnh, say mê sự dữ dội, xa lạ, rùng rợn và cuồng nhiệt, hành động để thỏa mãn cảm xúc, bất chấp kết quả và hậu quả.

Thế Lữ có lẽ là người đại diện tiêu biểu nhất của trường phái lãng mạn tại Việt Nam trước Cách Mạng Tháng 8.

Anh dù bảo tính tình tôi thay đổi

Không chuyên tâm không chủ nghĩa nhưng cần chi

Tôi chỉ là một khách tình si

Ham vẻ đẹp của muôn hình muôn vẻ


Cảnh vĩ đại sóng nghiêng trời thác ngàn đổ

Nét mong manh thấp thoáng cánh hoa bay

Cảnh cơ hàn nơi nước đọng bùn lầy

Thu xán lạn mơ hồ trong ảo mộng

Cảnh nô nức ganh đua đời náo động

Tôi đều yêu, đều kiếm, đều say mê

Vẻ đẹp là tất cả, dù là "cảnh cơ hàn nơi nước đọng bùn lầy", miễn là tạo ra cảm xúc. Nên lưu ý là tác giả không hề bày tỏ một ý chí nào để chấm dứt cảnh cơ hàn đó, trái lại ông say mê nó. Lãng mạn, yêu cảm xúc mạnh và tự nhiên dẫn tới sự say mê bạo lực và sự dữ tợn ; Thế Lữ cũng yêu con cọp hung dữ hơn con trâu hiền lành, như ông diễn tả trong bài Nhớ rừng, nói về con cọp:

Với tiếng gió gào ngàn với giọng nguồn hét núi

Với khi thét khúc trường ca dữ dội

Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng

Luợn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng

Vờn bóng âm thầm lá gai cỏ sắc

Trong hang tối mắt thần khi đã quắc

Là khiến cho mọi vật đều im hơi

Ta biết ta chúa tể cả muôn loài.

Dù con cọp đây chỉ là con cọp trong cũi, đã bị con người nhỏ bé tầm thường bắt nhốt để "làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi".

Chắc chắn Thế Lữ chịu ảnh hưởng sâu đậm của Rousseau. Ông tự giới thiệu "tôi là người bộ hành phiêu lãng" như hình ảnh của Rousseau. Chỉ khác một điều Rousseau đích thực là một người bộ hành phiêu lãng, trong khi Thế Lữ chỉ là một khách bộ hành phiêu lãng trong trí tưởng tượng. Ông sống ở thành phố. Cảm hứng tuy vay mượn nhưng cũng rất mãnh liệt. Ảnh hưởng của Thế Lữ và trào lưu thi ca lãng mạn rất lớn. Nguyễn Ngọc Huy, một nhà cách mạng kiên trì phấn đấu cho tới hơi thở cuối cùng, cũng chịu ảnh hưởng lớn của Thế Lữ. Những bài thơ của Nguyễn Ngọc Huy, dưới bút hiệu Đằng Phương, mượn nhiều của Thế Lữ cả về cả âm điệu lẫn hình ảnh và cách dùng từ. Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), một nhà cách mạng nổi tiếng, cũng lãng mạn. Nhân vật Dũng trong Đôi bạn của ông, không cần biết đi làm cách mạng để làm gì và phải làm thế nào để thành công, chỉ thích cuộc đời gian lao, mưa gió. Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng không khác bao nhiêu, làm cách mạng một cách lãng mạn, say mê bạo lực dù không có phương tiện của bạo lực để rồi ngã gục trước bạo lực.

Cũng như Cách Mạng 1789 tại Pháp, Cách Mạng Tháng 8 tại Việt Nam đã xảy ra trong một bối cảnh mà phong trào lãng mạn đã đạt tới cao điểm. Phong trào này với bản chất phóng đãng không chuyên tâm, không chủ nghĩa, không tổ chức và không tham vọng không thể tự nó gây ra một cuộc cách mạng nào nhưng đã tạo ra một tâm lý. Và khi một cuộc cách mạng xảy ra vì những lý do khác thì chính tâm lý này sẽ trở thành động cơ chính, sẽ nhào nặn, sẽ quyết định cách mà nó sẽ diễn ra, cũng như các kết quả và hậu quả của nó.

Cũng như Cách Mạng Pháp 1789, Cách Mạng Tháng 8-1945 đã diễn ra trong sự suy sụp của quyền lực chính trị. Tại Pháp năm 1789, ngân sách nhà nước cạn kiệt, vua Louis 16 phải triệu tập hội đồng quốc dân (états généraux) để đòi hỏi nhân dân những hy sinh mới vào giữa lúc mà tư tưởng dân chủ đã chín muồi sau hơn một thế kỷ thai nghén. Hội đồng quốc dân đã nhanh chóng trở thành hội đồng cách mạng lật đổ chế độ quân chủ. Tại Việt Nam, chính quyền thuộc địa Pháp bị Nhật lật đổ, rồi Nhật cũng thua trận và phải đầu hàng trong khi nguyện vọng độc lập đã lên cao. Đảng cộng sản dù lực lượng nhỏ, chỉ vài trăm người với kiến thức thô sơ và rất ít vũ khí, đã nắm được chính quyền vì là lực lượng duy nhất có tổ chức vào lúc đó. Phong trào lãng mạn đã đóng góp một cách quyết định vào thắng lợi của đảng cộng sản và, quan trọng hơn nữa, đã biện minh cho chính sách khủng bố tàn bạo mà nó áp dụng lúc đó và sau này trong suốt hai cuộc chiến được gọi là chống Pháp và chống Mỹ nhưng chủ yếu là những cuộc nội chiến, bởi vì bạo lực, phá hoại và giết chóc không những không bị lên án mà còn được say mê. Những bài ca kháng chiến một thời làm nức lòng người nói lên rất rõ tâm lý này.

Phạm Duy:

Lúc phá hết phố phường biệt ly đời gấm hoa
Người vui đời áo nâu quên hết ưu sầu

Đúng là các thành phố đã bị phá hủy trong chính sách tiêu thổ kháng chiến, nhưng làm gì có "đời gấm hoa" ? Lúc đó Việt Nam còn nghèo lắm, nhất là trước đó chỉ vài tháng đã có hai triệu người chết đói. Lúc Phạm Duy viết những câu này vẫn còn nhiều người lang thang xin ăn, vẫn còn những người tiếp tục chết đói.

Văn Cao còn dữ dội hơn nữa, bài Tiến quân ca, được lấy làm quốc ca, trong lời nguyên thủy của nó thôi thúc: "thề phanh thây uống máu quân thù". Quân thù đây không nhất thiết phải là quân ngoại xâm mà có thể là những người bị coi là Việt gian phản động vì Văn Cao là đội trưởng đội ám sát, theo chỗ tôi biết, tất cả những người ông đã giết đều là người Việt.

Bài Chiến sĩ Việt Nam của Văn Cao có lẽ là bài hát tiêu biểu nhất cho tâm lý lãng mạn của thanh niên thời đó, nó là một trong những bài ca kháng chiến được coi là hay nhất và được hát nhiều nhất.

Là trang nam nhi quyết đến sa trường

Sống thác coi thường, mong xác da ngựa bọc thân thể trai.

Bừng nghe dư âm mênh mông khúc anh hùng ca reo nơi biên cương, bao chiến mã lên đường!

Không những không sợ chết mà còn mong được chết ! Nhưng cần lưu ý một đặc tính rất Việt Nam ở đây là sự ước lệ, vay mượn và giả tạo. "Trang nam nhi", "sa trường" là những khái niệm cổ điển từ một thời rất xa xưa. Vả lại làm gì còn có "da ngựa bọc thây" và "chiến mã" ?

Cuộc chiến cũng đâu có diễn ra ngoài biên cương! Giả tạo và ước lệ như thế nhưng cũng đủ để say máu. Chính sách khủng bố trong giai đoạn kế tiếp Cách Mạng Tháng 8 đã diễn ra trên cả nước một cách cực kỳ rùng rợn. Một người lạ mặt đi qua một làng có thể bị giết oan vì bị nghi là gián điệp. Không thể kể hết những nhân vật có tên tuổi bị sát hại. Các đảng viên, hoặc những người bị nghi ngờ là đảng viên, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Đệ Tứ, v.v. bị tàn sát thẳng tay. Và đại đa số thanh niên Việt Nam ủng hộ Việt Minh vừa vì sợ vừa vì mê bạo lực.

Phải ý thức rằng lãng mạn và bạo lực đi đôi với nhau như cặp tình nhân mới hiểu tại sao một người bạc nhược và ham vui như Xuân Diệu có thể viết trong đợt Cải Cách Ruộng Đất câu thơ kinh khủng "lôi cổ bọn chúng ra đây, bắt chúng quì xuống đọa đầy chết thôi". Giải thích thông thường là Xuân Diệu bợ đỡ và hèn nhát, nhưng người ta vẫn có thể bợ đỡ và hèn nhát một cách khác.

Về mặt tâm lý, những gì giả tạo và vay mượn thường có sức sống dai dẳng hơn những cảm xúc chân thật vì chúng không được thấu hiểu và do đó khó bị phê phán. Trong suốt hai cuộc chiến, phương pháp của đảng cộng sản là khủng bố, phá hủy, ám sát, thủ tiêu nhưng trí thức Việt Nam nói chung không lên án đảng cộng sản vì thế. Những người chống cộng thường chống vì những lý do khác. Tôi đã gặp nhiều trí thức, trong đó có những bạn tôi, có cha mẹ bị cộng sản giết oan nhưng vẫn ngưỡng mộ đảng cộng sản, có khi còn theo cả phe cộng sản. Họ bị thu hút vì sự lãng mạn của bạo lực và cũng vì dư luận thế giới cho đến giữa thập niên 1970 ủng hộ đảng cộng sản. Sau này nhiều người trong họ quay lại chống chế độ. Tôi nghĩ một phần cũng vì dư luận thế giới đã lên án chủ nghĩa và các chế độ cộng sản ; người trí thức Việt Nam không quen suy nghĩ bằng cái đầu của chính mình.

Nước Pháp không gượng dậy được sau Cách Mạng 1789; từ một cường quốc mạnh nhất thế giới họ trở thành một cường quốc trung bình, trước khi trở thành một nước trung bình. Bạo lực cách mạng xuất phát từ chủ nghĩa lãng mạn và được nuôi dưỡng bởi chủ nghĩa lãng mạn đã chiếm giữ tâm hồn người Pháp và khiến Cách Mạng 1789 và giai đoạn Kinh Hoàng được nối tiếp bởi những cuộc chiến tranh chinh phục thảm khốc của Napoléon. Cuối cùng nước Pháp bại trận, kiệt quệ, chia rẽ và liên tục suy thoái.

Cũng thế, Cách Mạng Tháng 8 đã được nối tiếp bằng 30 năm chiến tranh với kết quả là chế độ cộng sản. Và người Việt Nam cũng đã quá kiệt quệ đến nỗi không còn đủ nghị lực và ý chí để tự giải phóng.

Một điều khác biệt giữa Cách Mạng 1789 và Cách Mạng Tháng 8: nếu Cách Mạng 1789 chỉ lãng mạn một cách ngây thơ và bồng bột thì Cách Mạng Tháng 8 lại do một nhóm người chuyên nghiệp được huấn luyện theo kỹ thuật khủng bố của Nga, tổ quốc của đam mê, tàn bạo và khủng bố. Những người này lợi dụng phong trào lãng mạn cho tham vọng quyền lực và thống trị.

Đến đây cần trả lời một câu hỏi : tại sao chủ nghĩa lãng mạn - chủ nghĩa hiểu theo nghĩa rộng như là một cách sống - lại có thể sản sinh ra những chế độ toàn trị cộng sản, phát xít và Nazi ?

Cần hiểu rõ tiến trình của sự chuyển hóa này vì nó không giản dị. Về cội nguồn và bản chất của nó, chủ nghĩa lãng mạn là sự nổi loạn đối với các tiêu chuẩn đạo đức và thẩm mỹ sẵn có. Như vậy nó nằm trong chiều hướng giải phóng cá nhân, nghĩa là tự do và dân chủ. Nhưng nó đã thiếu sự kiểm soát của lý trí và đã lạc hướng. Một chiếc xe mạnh có thể đưa tới nhanh điểm hẹn nhưng cũng có thể lao xuống vực thẳm. Phong trào lãng mạn đã có ít nhất hai tật nguyền khiến nó đã sản sinh ra những đứa con hung bạo.

Một là vì không đặt lại những vấn đề triết học, nó vẫn nằm trong triết lý cố hữu của loài người kể từ khi nền văn minh ló dạng: triết lý nhất nguyên. Phải hiểu rằng từ thời thượng cổ cho đến thế kỷ 20 triết lý duy nhất của thế giới là nhất nguyên, và ngay cả bây giờ tư tưởng nhất nguyên vẫn còn rất mạnh. Đó là niềm tin rằng với mọi câu hỏi đích thực luôn luôn có một và chỉ có một giải đáp đúng. Giải đáp có thể chưa tìm ra nhưng vẫn có và chỉ có một, trừ khi chính câu hỏi được đặt sai. Nếu ta không tìm ra là vì ta kém, hay không đúng phương pháp. Ta không tìm ra thì sẽ có những vĩ nhân được trí tuệ soi sáng, những thánh nhân được sự mạc khải Thượng đế tìm ra, và nếu chính họ cũng chưa biết thì Thượng đế cũng biết. Nhưng giải đáp đích thực luôn luôn có và chỉ có một. Có Chân, Thiện, Mỹ. Và khi mọi giải đáp đúng cho mọi vấn đề lớn của nhân loại đã tìm thấy thì xã hội lý tưởng đã tìm được và kỷ nguyên của hạnh phúc toàn diện bắt đầu. Có thiên đường.

Triết lý nhất nguyên đã là cội nguồn của mọi tôn giáo lớn. Nó cũng là lý do khiến cho đến giữa thế kỷ 20 người ta đã vật vã tìm kiếm những ý thức hệ giải quyết tất cả mọi vấn đề của loài người. Các tôn giáo khiêm tốn hơn, cho rằng thiên đường chỉ có ở đời sau, nhưng các nhà tư tưởng chính trị lại lạc quan hơn cho rằng có thể thực hiện ngay trên mặt đất này. Hegel và Marx tin rằng có một qui luật lịch sử khách quan, qui luật biện chứng, dẫn đến xã hội toàn hảo, dù mỗi người một cách, Hegel qua sự xung đột giữa các quốc gia, Marx qua đấu tranh giai cấp. Trước đó Rousseau tin rằng chỉ có tâm hồn trong sáng của người nông dân mới tìm ra được chân lý. Người Do Thái và tín đồ Thiên Chúa giáo cho rằng phải tìm chân lý trong kinh thánh. Plato cho rằng toán là con đường, các "vua hiền triết" (philosopher king) là người dẫn đường. Phương pháp khác nhau nhưng triết lý vẫn chỉ là một : triết lý nhất nguyên với niềm tin là có và chỉ có một giải đáp cho mỗi vấn đề. Có chân lý và chân lý chỉ có một.

Và nếu chân lý đã chỉ có một thì sự hy sinh chỉ có ý nghĩa khi nó đúng hướng. Kẻ hy sinh tính mạng để chống lại cách mạng vô sản, hay để chống lại quyền lãnh đạo tất yếu của dân tộc Aryen, v.v. tùy theo cách nhìn của mỗi người chỉ là hy sinh một cách ngu xuẩn. Hơn nữa khi đường đi tới chân lý đã tìm được - và nhiều người nghĩ là họ đã tìm được dù những giải đáp của họ rất khác nhau - thì kẻ nào chống lại chỉ là kẻ cản trở đà tiến phải có của nhân loại và do đó phải bị tiêu diệt, hoặc ít là vô hiệu hóa. Triết lý nhất nguyên tự nó đã bất dung, nó còn bất dung hơn ở phương pháp lý luận nhị nguyên (dualism) của nó. Cái gì cũng chỉ phân biệt hai khả năng, thẩm mỹ có đẹp và xấu, đạo đức có thiện và ác, lý luận có đúng và sai, chính trị có ta và địch, bạn và thù.

Chủ nghĩa lãng mạn vẫn nằm trong tinh thần nhất nguyên, nhưng nó làm gia tăng sự bất dung do bản chất ưa cảm xúc mạnh, bạo lực và sự đập phá của nó.

Lý do thứ hai nằm ngay trong bản chất của phong trào lãng mạn. Lập trường của những người lãng mạn là phủ nhận mọi giá trị phổ cập hiện có. Họ nói: tôi hoàn toàn tự do, tôi tự tìm lấy và sống các giá trị của riêng tôi, tôi tự quyết định lấy tất cả. Nhưng Tôi là ai? Và tôi có thể hoàn toàn tự do được không? Trong thâm tâm con người tự biết mình ngu dốt, yếu kém, hèn nhát, thèm muốn, nhỏ mọn không thể đảm nhận được cái tự do tuyệt đối đó, càng không thể chịu hậu quả. Trừ khi chấp nhận làm kẻ phiêu lưu điên dại sống ngoài lề xã hội, ngoài vòng pháp luật và sau cùng bị đào thải như Byron, con người mau chóng tìm chỗ trú ẩn trong một cái tôi siêu hình và tập thể. Cái tôi lớn đó là một dân tộc, một giai cấp, một giáo hội, một đảng, v.v., trong đó cái tôi nhỏ - cá nhân - chỉ là một phần tử trong một tổng thể, một viên gạch trong một lâu đài, một tế bào trong một cơ thể, nghĩa là không đáng kể.

Rousseau, vẫn ông này, đã minh họa một cách rõ rệt tiến trình tha hóa này. Thúc đẩy bởi danh tiếng đã nổi như cồn vào lúc đó, ông cũng đua đòi muốn đưa ra một học thuyết chính trị và đã viết cuốn Du Contrat Social (Về Khế ước xã hội). Kết luận của Rousseau, sau một hồi lý luận, là muốn được hoàn toàn tự do, con người phải từ bỏ tất cả mọi tự do, phải chấp nhận tha hóa một cách tuyệt đối, tuân phục một cách tuyệt đối Ý chí chung (La Volonté générale). Nhưng ý chí chung là gì nếu không phải là ý chí của kẻ cầm quyền ? Khởi hành từ sự tìm kiếm tự do cá nhân, Rousseau đã đi đến kết luận là phải hủy bỏ toàn bộ tự do cá nhân. Quả là một sự phá sản trí thức toàn diện. Chỉ có người Pháp mới coi Rousseau là một nhà tư tưởng chính trị lớn. (Họ nói Rousseau đã khởi xướng ra khái niệm khế ước xã hội. Điều này hoàn toàn sai, khái niệm khế ước xã hội đã được đưa ra một thế kỷ trước đó một cách hùng hồn bởi Thomas Hobbes và John Locke).

Khi đã chấp nhận hội nhập và đánh mất mình trong cái tôi tập thể đó, cá nhân mất mọi ý chí, chỉ còn tổ quốc, đảng, giai cấp và lãnh tụ. Tổ quốc trên hết, nước tôi đúng hay sai vẫn là nước tôi, tôi vẫn phải tuân hành mệnh lệnh của tổ quốc. Tôi làm như vậy không phải vì tôi thấy là đúng hay vì tôi thích mà vì đảng muốn, vì đó là quyền lợi của giai cấp, đảng và giai cấp nghĩ thay cho tôi. Còn những người lãnh đạo ? Họ thể hiện chủ nghĩa lãng mạn của kẻ cầm quyền. Họ lãng mạn theo cách của kẻ cầm quyền. Họ tự cho phép hủy bỏ những giá trị phổ cập và đặt ra những giá trị và chuẩn mực. Và để những giá trị và chuẩn mực này không bị phản bác, tốt hơn hết những người khác không được có ý kiến.

Sự từ chối các giá trị phổ cập của loài người đã là một sự điên dại với hậu quả cực kỳ tai hại. Nó đã thả lỏng những bản năng, gây ra những thảm kịch chưa từng thấy và cuối cùng loại bỏ chính con người. Các giá trị phổ cập : sự sống, gia đình, tình bạn, tình yêu, sự nhường nhịn, thỏa hiệp, lòng bác ái, giữ lời hứa, không nói dối, không cướp của, không giết người, v.v. là thành quả của hàng triệu năm tiến hóa của loài người. Chúng định nghĩa giống người và cho phép loài người sống chung hòa bình với nhau. Chúng có thể được cảm nhận khác nhau theo từng nơi và từng thời đại nhưng trong chiều sâu chúng vẫn có cùng ý nghĩa và cho phép người nước này hiểu người nước khác, người hôm nay giải thích được những việc làm của người ngày xưa. Quả là một sự ngông cuồng khi những người lãng mạn nghĩ rằng họ có thể gạt bỏ tất cả để tự tạo ra trong chốc lát những giá trị cho riêng mình. Cái giá mà thế giới, và Việt Nam, phải trả cho sự cuồng dại này đã quá đắt.

Tóm lại, triết lý nhất nguyên và sự phủ nhận các giá trị phổ cập của loài người đã phối hợp với nhau để biến phong trào lãng mạn từ một phong trào khai phóng lúc ban đầu thành lò sản xuất ra những chủ nghĩa độc hại và chế độ toàn trị hung bạo. Các chủ nghĩa cộng sản, phát xít và Nazi là những anh em ruột.

Cuộc Cách Mạng Tháng 8-1945 tại Việt Nam, cũng như cuộc Cách Mạng Pháp 1789 đã xảy ra với cùng một não trạng. Phong trào lãng mạn không khởi động ra hai cuộc cách mạng này, nhưng nó đã nhào nặn và uốn nắn hai cuộc cách mạng này và khiến chúng đã xảy ra như thế.

Chúng ta đã không may bị mất chủ quyền vào tay người phương Tây và chúng ta càng không may bị người Pháp đô hộ. Họ đem đến cho chúng ta những tật nguyền tâm lý của họ. Ở một mức độ nào đó, Cách Mạng Tháng 8 là một sản phẩm của Pháp.

Trong lịch sử, điều quan trọng nhất không phải là biết những biến cố đã xảy ra mà là hiểu được tại sao chúng đã xảy ra và đã xảy ra như thế. Phải hiểu lịch sử để những thảm kịch đừng tái diễn.

Thời điểm tháng 8-1945 đã là một cơ may lớn cho nước ta, đã có thể giúp ta giành lại độc lập ở một mức độ phát triển và phồn vinh cao hơn mức trung bình thế giới và với một tiềm năng địa lý và nhân văn lớn. Giờ này chúng ta đã có thể là một trong những nước văn minh và giàu mạnh hàng đầu của thế giới. Nhưng cơ may đã biến thành thảm kịch bởi vì Cách Mạng Tháng 8 đã diễn ra như thế và đã là khởi điểm của 30 năm chiến tranh kết thúc bằng cái ách cộng sản mà chúng ta vì quá kiệt quệ vẫn chưa đủ sức để tháo gỡ. Thiếu trí tuệ và sự sáng suốt thì một cơ may cũng có thể trở thành một họa lớn. Đó đã là trường hợp của Cách Mạng Tháng 8.

Nhìn lại giai đoạn Cách Mạng Tháng 8, chúng ta không thấy một nhà tư tưởng nào và cũng không thấy một người nào chứng tỏ sự hiểu biết tạm được về những triển vọng và nguy cơ đang chờ đợi đất nước lúc đó. Chúng ta không hề thấy một dự án chính trị nào. Thanh niên hăm hở lên đường nhưng lên đường để đi đến đâu thì không biết, chỉ tin là "đi hiên ngang tới phương trời tươi sáng". Rất thơ mộng nhưng không phải giải đáp. Tnanh niên thế hệ 1945 thực không may. Sự thiếu sót này đến nay hình như vẫn chưa ý thức đầy đủ. Vẫn còn rất nhiều người nghĩ rằng không cần lý thuyết, chỉ cần hành động, không cần nói mà chỉ cần làm. Vẫn còn rất những người nghĩ rằng có thể tranh đấu mà không cần có tư tưởng. Vẫn có những người cho rằng họ có tư tưởng chỉ vì họ không hiểu thế nào là tư tưởng. Và quần chúng, kể cả quần chúng tốt nghiệp đại học, thì nhìn mọi người và mọi tổ chức như nhau.

Cách Mạng Tháng 8 đã là một thời điểm hừng hực khí thế. Chưa bao giờ mà dân tộc Việt Nam được động viên tới mức độ đó. Cuộc cách mạng dân chủ sắp tới sẽ là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam và cũng sẽ là cuộc cách mạng thông minh nhất và đáng có nhất, nhưng chắc chắn nó sẽ không sôi động như Cách Mạng Tháng 8 vì nó sẽ diễn ra dưới sự kiểm soát của lý trí. Nhưng muốn có cuộc cách mạng này thì trí thức Việt Nam phải đầu tư hơn nữa vào tư tưởng. Họ phải ý thức ít nhất hai điều. Một là trí thức bao giờ cũng phải là người phát ngôn của đất nước, tư tưởng của trí thức cũng là tư tưởng của quần chúng. Hai là không có dân tộc nào không có triết lý cả, dân tộc nào cũng có triết lý của mình và hành động theo triết lý đó. Khi không có một triết lý đúng và lành mạnh là người ta có một triết lý sai và bệnh hoạn, và bị dẫn dắt vào thảm kịch.

Nguyễn Gia Kiểng


Share/Save/Bookmark

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2009

Một Góc Nhìn Nhân Vật Trí Thức Trong Tập Truyện Ngắn " Thuyền Viễn Xứ" Của Nguyễn Mộng Giác.

Nguồn : Hợp Lưu
BAN MAI Thứ Bảy, Ngày 15 tháng 8-2009

"...Tôi phải xa lìa quê hương và phải tự mình chịu trách nhiệm đời mình, chịu trách nhiệm cái tự do của mình. Không còn ai bảo bọc tôi, không còn ai cấm đoán tôi. Thành công, tôi không biết khoe với ai. Thất bại, tôi không thể đổ thừa cho ai. Tôi trơ trọi, không mang trên người nhãn hiệu "nhân danh," "đại diện," "phát ngôn viên" để hưởng những ưu quyền (và ưu phiền) dành cho một đám đông, một cộng đồng xã hội.

Với ai khác không biết, với tôi, tôi thích được là mình, và không thích làm đại diện của bất cứ ai, không khoái nhân danh bất cứ ai, không muốn nợ nần bất cứ ai."

("Sống và viết tại hải ngoại" - Nguyễn Mộng Giác)

Sau tháng 4 năm 1975, xã hội miền Nam bị xáo trộn dữ dội. Sau khi thống nhất bằng quân sự, thể chế Xã hội Chủ nghĩa được áp dụng trên toàn quốc. Chính sách tập thể hóa nông nghiệp, ngăn sông cấm chợ, cùng với những khó khăn tất yếu sau chiến tranh làm cho cả nước thiếu ăn. Tiếp theo đó chiến dịch cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản, làm tiêu hủy ngành thương nghiệp tư nhân dẫn đến tình trạng kinh tế kiệt quệ.(1) Trên phương diện dân sinh, phần lớn người miền Nam làm việc cho chính phủ Cộng Hòa đều bị tập trung cải tạo. Từ người lính chiến, đến anh nhà văn, từ chị công chức, đến anh nhà giáo... đều bị nghi ngờ, tình nghi "thành phần nợ máu", "gián điệp CIA" cài đặt. Cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn. Vì sau khi đổi đời, họ bị thất nghiệp, nhiều người lâm vào cùng quẫn. Một số bị tịch thu nhà cửa, một số phải về quê sinh sống, một số phải đi "kinh tế mới" trên những vùng rừng hoang vu. Cảnh quan thành phố tiêu điều xơ xác, thiếu lúa gạo khiến dân phải ăn độn bo bo và mì sợi. Trầm trọng hơn nữa: Sự xơ xác tinh thần của trí thức miền Nam không còn được tự do trình bày suy nghĩ, không còn được tự do hấp thu tri thức nhân loại. Thay vào đó là những đợt học tập chính trị triền miên, theo một định hướng duy nhất: Chủ nghĩa Marx.

Năm 1979, khi Việt Nam tiến quân vào Campuchia chấm dứt chế độ diệt chủng Pol Pot và chiếm đóng xứ này, Trung Quốc liền tấn công biên giới phía Bắc để "dạy cho Việt Nam một bài học". Những người Việt gốc Hoa từ bao đời sinh sống trên đất Việt đột nhiên lâm vào cảnh khó xử. Nhà nước đề phòng "nội ứng", cho phép người Hoa nộp tiền, đóng thuyền, tự do ra khỏi nước. Phong trào vượt biên bán chính thức của Hoa kiều bột phát ồ ạt, cùng lúc với cao trào vượt biên của người dân miền Nam. Họ lũ lượt ra đi, không hẳn vì kinh tế, mà rất nhiều người vì khao khát tự do muốn thoát khỏi những áp đặt ràng buộc vô lý, mà kẻ chiến bại phải gánh chịu hậu quả sau cuộc chiến. Hy vọng tìm lấy cho mình, cho gia đình và con cái mình một tương lai tươi sáng, được đối xử bình đẳng, đầy đủ cơm áo và thụ hưởng tự do tinh thần trên những xứ sở bình yên trở thành giấc mơ lớn của trí thức, văn sĩ và cả dân lao động.

Trong bối cảnh lịch sử đó, cuộc đời của nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng không thoát khỏi những biến động chung của đất nước, trên cái nền lịch sử đã phân ly, vừa sang trang. Từng giữ chức vụ Hiệu trưởng trường trung học nam sinh Cường Để Quy Nhơn, Chánh sự vụ Sở Học chánh Bình Định, rồi chuyên viên nghiên cứu của Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, sau 30-4-1975 Nguyễn Mộng Giác thất nghiệp. Nhà văn đi bán sách cũ, đi làm công nhân cho một tổ hợp gia công mì sợi. Bị bắt đi tù 3 lần. Lần cuối, năm 1980 ông bị bắt ở tù bốn tháng vì làm việc "trong một tổ hợp mì sợi của người Hoa, Công an Sài Gòn nghi ngờ tổ hợp làm gián điệp cho Trung Cộng".(2) Từ trí thức bị tước quyền phát biểu, từ nhà văn bị tước quyền xuất bản, đến nhà giáo bị tước quyền dạy học, Nguyễn Mộng Giác rớt xuống đáy tuyệt vọng. Như rất nhiều người dân miền Nam khác, như hầu hết các nhà văn miền Nam thời kỳ này, Nguyễn Mộng Giác quyết định tìm tự do.(3)

Ngày 29-11-1981, Nguyễn Mộng Giác vượt biên, sau năm ngày sáu đêm trôi lênh đênh trên mặt biển mênh mông, giữa sống và chết, chiếc thuyền mong manh của ông may mắn được tàu giàn khoan của Công ty liên hiệp Tây Đức – Nam Dương vớt lên đưa vào đảo KuKu, Indonesia. Hơn hai tháng ở lại đảo KuKu, một nơi biệt lập với thế giới bên ngoài, không có gì làm ngoài việc chờ tàu đến đón chuyển về trại chính, Nguyễn Mộng Giác trở lại với công việc cầm bút. Tập truyện "Ngựa nản chân bon" gồm 13 truyện ngắn của Nguyễn Mộng Giác ra đời trong hoàn cảnh này. (4; tr7-8 )

Ngày 23-11-1982, Nguyễn Mộng Giác đặt chân đến nước Mỹ. Với một cảm giác "trống vắng, vô cảm" ghê hồn, như ông thổ lộ sau này. Sau hai năm làm việc cật lực, nhà văn để dành tiền tự xuất bản tập truyện "Ngựa nản chân bon".(4; tr18-22)

Ngay khi mới ra đời tập truyện ngắn đã được bạn đọc hải ngoại đón nhận trìu mến, bởi vì thế giới nhân vật mà nhà văn xây dựng chính là những cảnh đời mà hầu hết thuyền nhân Việt nào cũng từng nếm trải.

Do vậy, tìm hiểu thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Mộng Giác, cũng có nghĩa là tìm hiểu tâm tình của một số đông những con người lưu lạc, bên cạnh triết lý nhân sinh mà nhà văn muốn gửi gắm qua từng nhân vật.

Thế giới nhân vật trong tập "Thuyền viễn xứ"(5) của Nguyễn Mộng Giác rất phong phú, đa dạng. Trong giới hạn của một bài viết ngắn, tôi chỉ tìm hiểu "một góc nhìn nhân vật trí thức", qua đó đối chiếu với các nhân vật trí thức của một số tác giả khác, từ đó đưa ra một cái nhìn khái quát về quan niệm nghệ thuật con người của nhà văn.

***

Nếu ai đã từng đọc tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác, sẽ dễ dàng nhận ra một trong những nhân vật mà ông thường thể hiện là hình ảnh người trí thức thành thị. Có lẽ xuất thân từ nhà giáo, rồi nhà văn, nên tầng lớp mà ông tiếp xúc hàng ngày cũng thường là giới giáo chức, văn nghệ sĩ, công chức vì vậy ông am tường và thấu hiểu tâm tình, cuộc sống của họ.

Thái độ của người trí thức trước thời cuộc.

Vào những năm 50 thuộc thế kỷ trước, triết học phương Tây, đặc biệt triết học hiện sinh du nhập vào miền Nam gây ảnh hưởng sâu rộng đến suy nghĩ của tầng lớp thanh niên trí thức. Họ là những người luôn có ý thức tự tra vấn về ý nghĩa cuộc đời: Sống để làm gì? Chết rồi sẽ về đâu? Vấn đề tự sát có ý nghĩa gì, đời là hư vô, đâu là thực chất và huyền thoại của vấn đề, sống là vong thân hay phải ngụy tín, thỏa hiệp với tha nhân hay dấn thân vào đại cuộc, thiên chức của nghệ sĩ là gì, ta hợp tác hay đứng ngoài lề xã hội?... Ý nghĩa của bao nhiêu bất công đau khổ trên quãng đời ngắn ngủi. Những tra vấn ấy, theo họ cho đến suốt đời.

Trong truyện ngắn "Ngựa nản chân bon" Nguyễn Mộng Giác đưa ra những cái chết khác nhau của các nhân vật:

Cái chết thứ nhất là cái chết của một nhà văn già, không chấp nhận a dua theo thời cuộc để mưu tìm danh lợi đời thường, muốn tìm cứu cánh cuộc đời trong những niềm tin lớn lao, cuối cùng bế tắc về tư tưởng đành chọn cách đứng trên chồng sách cao treo cổ tự tử.

"Những cuốn sách quý tìm thấy ngay dưới chân xác chết là bộ Tứ thư bằng chữ Hán, Kinh Viên Giác và Lăng nghiêm do Viện Phật học Nam Việt xuất bản, bản Đạo Đức kinh xuất bản tại Hồng Kông, nam Hoa Kinh do Nhượng Tống dịch, bản dịch Kinh Coran bằng tiếng Pháp, bộ tư bản luận của Karl Marx, bộ Luận về Lịch sử của Toynbee, cuốn sách mỏng: Bài học lịch sử của Ariel& Will Durant, cuối cùng là bộ Kinh Cựu và tân ước." (6; tr 237)

Một người đã bỏ cả đời đọc đi đọc lại bao nhiêu kinh sách, bao nhiêu suy nghiệm nhân sinh nhằm cố gắng trả lời cho những câu hỏi lớn của tồn tại kiếp người: "Ta từ đâu đến? Sống để làm gì? Chết sẽ về đâu?...", kết quả thu hoạch, suy nghiệm của cả cuộc đời để lại trong bản thảo cuối là: "Một dấu hỏi, và một dấu than" - Bao nhiêu tinh hoa trí tuệ, đạo đức, niềm tin của loài người cũng không giúp ích được con người - đến chết ông vẫn còn thảng thốt giận dữ và chới với vì không tìm ra câu trả lời.

Cái chết thứ hai là hình ảnh người sĩ quan cảnh sát, mặc quân phục đứng trước tòa nhà quốc hội bắn vào đầu, không chịu nộp mình trưa 30/4/1975:

"…Viên trung tá ngã ngửa ra, nằm thẳng, đầu hướng về phía quốc hội. Thân ông oằn lên một chút, rồi nằm trở lại thế ngửa, hai chân dãn ra. Hình ảnh cuối cùng tôi thấy được là hai chân người hấp hối cố gắng... cố gắng hết sức để khép lại cho đúng thế nghiêm". (6; tr 247). Chính hình ảnh cho đến lúc chết vẫn cố gắng khép đôi chân lại giữ cho đúng tư thế nghiêm của người lính, mặt ngửa lên trời, đã nói lên phẩm tiết của vị sĩ quan này.

Cho dù là người chiến thắng hay người chiến bại, ở bên này hay bên kia, họ thật đáng kính khi vẫn giữ niềm tin vào lý tưởng mình phụng sự.

Cái chết thứ ba là "chết" mà vẫn sống.

Đó là hình ảnh một nhà văn từng có bài đăng trong sách giáo khoa: "Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nô nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường...(...)... Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp." Tôi tin rằng bất cứ ai đã từng cắp sách đến trường đều không quên đoạn văn mở đầu trích trong bài "Tôi đi học" của Thanh Tịnh, viết năm 1941. Bài văn thấm đẫm chất nhân văn này, đã nuôi dưỡng bao tâm hồn trong sáng của bao tuổi hoa niên.

Thế nhưng, điều gì đã khiến cho nhà văn Thanh Tịnh, sau bao dâu bể của đất nước trở thành một "xác ướp không đầu". Sau này, Trung tá Thanh Tịnh chuyên đi làm báo cáo viên ca tụng chủ tịch Hồ Chí Minh. "Đi đâu, lúc nào, bao nhiêu năm nay, Thanh Tịnh chỉ nói về đề tài ấy, gọt dũa luyện tập từng câu từng chữ, để ý đến cả cách nhíu mày, cách đứng nghiêm, mắt nhìn lên chiêm ngưỡng khi nhắc đến Bác. Nghe Thanh Tịnh báo cáo một lần, lần sau đến nghe nữa có thể đoán trước trung tá sắp khóc ở đoạn đó, sắp cúi đầu im lặng ở đoạn kia, sắp ưỡn ngực hô hào ở đoạn khác... Đúng là một cái xác ướp biết đi biết nói, quan trọng nhất là ca tụng không biết chán. So sánh với các cung phi bị giam kín nơi lăng tẩm các vua chúa đã chết thời xưa, Thanh Tịnh còn may hơn nhiều. Nhưng một nàng cung phi mới bị ông hoàng si mê bỏ quên, đã dám nghĩ:

"Dang tay muốn dứt tơ hồng

Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra."

Nhưng Thanh Tịnh có bao giờ dám nghĩ thế không!

(6; tr 264-271)

Qua ba cái chết tiêu biểu trên, Nguyễn Mộng Giác muốn lý giải về vấn đề chọn lựa thái độ sống của người trí thức trước hoàn cảnh xã hội.

Nhà tư tưởng sau khi đã bỏ cả đời nghiên cứu những tinh hoa trí tuệ loài người, cuối đời bế tắc, không chấp nhận, quyết định tìm cho mình cái chết. Có người không đồng tình. Có người cho đáng kính. Thà chết không thỏa hiệp. Để lại cho đời một lô sứ điệp.

Ông trung tá cảnh sát bắn vào đầu, không chịu nộp mình, để giữ niềm tin về một lý tưởng tự do, dân chủ mà ông phụng sự. Ông chết nhưng khí tiết ấy thật đáng kính trọng. Có không ít những sĩ quan ở thời điểm khốc liệt đó, quyết chiến đấu bảo vệ lý tưởng dù biết rằng sẽ chết, thì cũng không ít những tướng tá, kẻ buôn bán chính trị, sẵn sàng trốn chạy, vứt bỏ binh sĩ của mình bơ vơ trước làn đạn đối phương.

Thế nhưng, nhà văn Thanh Tịnh, một người ở tư thế chiến thắng - vì sao lại biến thành một "diễn viên kịch", tại sao không chọn hành xử đúng với lương tâm mình, chọn làm chính mình?

Chính thái độ chọn lựa cách sống thể hiện rõ nhân cách của một con người.

Cuộc sống quanh ta ngày nay còn có bao người trí thức đang tự nguyện làm cái xác ướp ấy, còn có bao người dám sống với lương tâm mình?

Hơn nửa thế kỷ trước, trong tác phẩm "Con ngựa già của Chúa Trịnh" sáng tác năm 1956, Phùng Cung kể về một con thiên lý mã được chúa Trịnh yêu dấu đem vào cung. Rồi nó được đóng cương, gắn hàm, đeo hai cái lá đa bằng da che ngang hai bên mắt. Từ đó, con thiên lý mã được ăn ngon ngủ yên, nhưng không còn thấy được trời xanh, mây trắng bao la nữa. Nó chỉ được nhìn về một hướng và trở thành con ngựa kéo xe mang kiếp động vật của nhà Chúa. Phùng Cung viết: "Tất cả những cảnh vật trước mắt nó đều nhỏ lại, và thẳng tắp. Nó nhìn cánh đồng, cánh đồng cũng chỉ là một đường thẳng. Rồi cây cỏ, núi đồi cho đến bầu giời xanh cũng chỉ thu lại là một đường thẳng. Nó không ngờ hai chiếc lá đa che hai bên mắt chỉ cho nó nhìn được một chiều." Nhưng con ngựa già không chấp nhận nhìn một chiều. Kết thúc câu chuyện "con ngựa già lấy hết sức tàn, ngốc đầu lên cao, co co hai chân trước, thẳng thẳng hai chân sau, chừng như cố để giữ lấy cái thế cao đầu phong vĩ." (7)

Hình ảnh con ngựa già mà Phùng Cung muốn phản ảnh, chính là thái độ phản kháng của người trí thức, không chịu sự "uốn nắn" của quyền lực, không chấp nhận cái nhìn một chiều. Nếu có loại trí thức khuất phục trước hoàn cảnh, không dám là chính mình để hưởng bổng lộc thì cũng có người trí thức dám làm người, sống đúng với chính mình, chấp nhận tù đày như Phùng Cung, Trần Dần, hay sống một đời khổ cực, đắng cay như Văn Cao.

Bi kịch của người trí thức Việt Nam

Không phải đến Nguyễn Mộng Giác nhân vật trí thức mới được nhà văn khai thác, trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam, týp nhân vật này đã được nhiều nhà văn khai phá, nhưng mỗi nhà văn mổ xẻ những khía cạnh khác nhau, tùy theo nhận thức của từng nhà văn về quan niệm nghệ thuật con người.

Trong bối cảnh lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc những năm 40, nhân vật người trí thức của Nam Cao cũng từng khắc khoải như vậy. Đó là những nhân vật trí thức rơi vào bi kịch vỡ mộng, chế độ Pháp thuộc thời đó đã chặt đứt đôi cánh ước mơ của họ. "Còn gì buồn hơn chính mình lại chán mình? Còn gì đau hơn một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì đó nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt?" (Nam Cao); Điền (Trăng sáng), Thứ (Sống Mòn), Hộ (Đời thừa) đều vật vã, đau đớn trong dằn vặt mâu thuẫn giữa ước mơ và hiện thực. Hộ có tài, lúc đầu, anh viết rất thận trọng. Mang một hoài bão lớn: "hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm cùng ra một thời", "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có"(Đời thừa). Thế nhưng, từ khi phải lo kiếm tiền nuôi vợ con, Hộ "cho in nhiều cuốn văn viết vội", hắn xấu hổ khi đọc lại văn mình, tự xỉ vả mình "là một thằng khốn nạn", "là một kẻ bất lương!". Trước kia tin tưởng bao nhiêu thì nay đau đớn thất vọng bấy nhiêu! Và khi dồn vào nghèo túng nhân vật Hộ có những phản ứng nông nổi, bạo hành gây tổn thương cho người thân: Hộ có tấm lòng nhân ái cứu vớt cả gia đình Từ; nhưng cũng nhiều lần đánh đuổi nguyền rủa mẹ con Từ, làm Từ đau khổ vì cho rằng Từ là nguyên nhân gây ra nỗi khổ.

Khác với Nam Cao, người trí thức của Nguyễn Mộng Giác không rơi vào dằn vặt vì vật chất "cơm áo gạo tiền". Ông ý thức sự quan trọng của vật chất nhưng không bao giờ cho đó là vấn đề lớn đối với trí thức. Sau chiến tranh, ông hiểu khó khăn, thiếu thốn là đương nhiên. Điều ông khắc khoải là bị đứng bên lề cuộc sống.

Với người trí thức, làm người phải dấn thân.

Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Chí làm trai nam bắc đông tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể

(Chí làm trai – Nguyễn Công Trứ)

Nhưng sau đổi đời, người trí thức miền Nam rơi vào tuyệt vọng. Chính sách đối xử sai lầm đã gây không ít tổn hại đến tinh thần và sự phát triển chung của đất nước. Đất nước cần trí thức, nhưng "chất xám" quý báu của họ trở thành "đồ phế thải"! "tàn dư chế độ Ngụy", không được sử dụng. Họ đứng bên lề cuộc sống nhìn kinh tế đất nước suy sụp (1), mà không thể lên tiếng. Những năm tháng đó, ai cho phép họ lên tiếng, ai cho phép họ làm việc để góp phần xây dựng một đất nước chung.

Im lặng chịu đựng, những nhà trí thức vứt bỏ "sĩ diện", "quân tử tàu"... ra đường bán sách cũ, bán cà phê vỉa hè, đạp xe thồ để mưu sinh. Những anh trí thức càng hiền lành, tự trọng, thì càng thê thảm: "...Giống như phần lớn bạn bè, tôi chẳng còn biết phải làm gì nữa. Vốn liếng không! Mưu chước bán buôn không! Những gì tôi có như lòng thành thực, tính yêu mến trẻ con, khát vọng được sống lương thiện... trở nên lẩm cẩm cồng kềnh vào buổi giao thời. Những kẽ hở của thứ luật pháp mù mờ trong lúc tranh tối tranh sáng, không phải ai cũng chui qua được. Ông biết đấy, phải khinh bỉ con người đến cùng cực (con người nói chung trong đó có cả mình) người ta mới dám mở miệng đề nghị hối lộ để khoan thai lọt qua các ngõ ngách. Thật vậy, phải biết đích xác không lầm lẫn kẻ ngồi đó là cái túi tham mới dám bắn tiếng. Tôi thì có thói quen xem mọi người đều đáng trọng. Thành thử đi đâu tôi cũng gặp những bộ mặt nghiêm nghị, xin làm gì cũng va đầu vào các bức tường nguyên tắc. Tôi thành thật nhận rằng mình không hợp với thời loạn, nên mỗi ngày mỗi thêm lúng túng. Vài người bạn có hảo tâm chỉ vẽ cho tôi một số nghề hái ra tiền. Tôi thử một vài lần, lần nào cũng thất bại. Những nghề quái ác ấy đòi hỏi cái lưng thật mềm, cái lưỡi lém lỉnh lật lọng và đôi chân dẻo chạy không biết mệt.

Nghề gì bây giờ? Tôi có những điều thừa thãi và thiếu điều cần thiết, nên tìm mãi không ra được nghề gì sống lương thiện được! Chỉ còn có nghề bán bong bóng cho trẻ con" (8; tr 124).

Nhân vật nhà văn ("Một ngày như mọi ngày") của Nguyễn Mộng Giác cũng có lúc suy nghĩ: "- Hay là ta nên viết cái gì đăng được?- Phải đấy. Viết không đăng được thì viết làm gì. Viết rồi đốt là điên, viết rồi giữ đó như giữ bom nổ chậm là khùng. Kẻ khôn ngoan thức thời chỉ nên viết cái gì đăng được. Chàng tìm cuốn lịch bỏ túi xem các ngày lễ. Ðây là kinh nghiệm xương máu do các bạn văn nghệ miền Bắc ưu ái truyền lại cho chàng. Cứ giở cuốn lịch ra, tìm các ngày lễ và viết sẵn một số truyện, thơ "lương khô dự trữ". Lễ nhỏ viết vài ba cái, lễ lớn phải chín, mười. Các loại sáng tác "nhân dịp" này năm nào cũng đắt hàng"… nhưng rồi tự xấu hổ vì những sáng tác giả dối: "Chàng khựng lại. Ðọc từ đầu, chàng ngượng chín người. Thiếu sáng suốt, chàng vò nhàu hai tờ bản thảo vứt đi. Sau nghĩ lại. Chàng bưng đèn cúi xuống nhặt lên, vuốt cho thẳng, xếp vào xấp giấy cùng số phận các đêm trước. Xấp bản thảo nhàu nhò vô tội đã khá dày. Có thể được đến vài trăm grams. Với giá 14 đồng một ký giấy học trò viết hai mặt, chàng có thể bán được khoảng 3,4 đồng". (9; tr 107-110).

Sau những dằn vặt, đấu tranh vì "cơm áo", nhân vật nhà văn quyết định đem xấp bản thảo cân giấy vụn... thà đói nghèo nhưng giữ "phẩm giá" của nhà văn. Đối với nghệ thuật họ không thỏa hiệp viết những áng văn vội, những tác phẩm theo đơn đặt hàng như nhân vật Hộ (Đời Thừa). Trong khó khăn, bế tắc nhân vật trí thức của Nguyễn Mộng Giác cũng không gây tổn hại cho người thân. Thất nghiệp, họ ở nhà lo việc nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn cho vợ con, tìm niềm vui bên mâm cơm độn mì đạm bạc. Nếu cần tiền vì nhu cầu cà phê, thuốc lá cho riêng mình, họ cũng chỉ dám nghĩ đến những thứ vặt vãnh xứng với giá tiền cà phê, thuốc lá dỏm. Bán Bột ngọt? – Không, của nàng. Bao ni lông chăng? Không, của con gái làm kế hoạch nhỏ. Gạo chăng? Phức tạp quá, trong lu chỉ còn một ít. Cuối cùng "...Chỉ còn lũ sách. Chàng đau nhói cả lòng... Loại sách từng bị chàng rẻ rúng như truyện kiếm hiệp, bói toán, ái tình lâm ly đã bỏ chàng ra đi từ mấy năm trước vì đắt hàng. Mấy cuốn kinh Phật chàng đã "cúng dường" cho chợ sách một năm trước đây. Sách Mỹ bìa dầy giấy khổ rộng nặng cân nên đã theo các chị ve chai. Trong tủ sách hiện giờ chỉ còn loại sách mỏng, khổ nhỏ và có giá trị theo cách đánh giá của chàng... Chàng rút ra một cuốn khá dầy: "Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay" của Tạ Tỵ do Lá Bối xuất bản. Chàng tính nhẩm: Ít ra phải được 10 đồng. Mỗi khuôn mặt văn nghệ lớn chỉ đáng 1 đồng, rẻ quá. chàng lấy thêm hai cuốn nữa theo lối nhắm mắt may rủi: Sử ký của Tư Mã Thiên bản dịch tuyệt vời của Nhượng Tống và Sonate à Kreutzer của Tolstoi. Chàng ghé một sạp sách cũ chuyên nghiệp trước từng bán sách ở đường Lê Lợi. Người mua sách mau mắn chận chàng lại hỏi:

- Có gì bán không chú?

Tội nghiệp, đến nước này mà chàng còn ngượng. Chàng không dám cho khách qua đường thấy chàng nỡ phản bội ông bạn già Tạ Tỵ, đại văn hào Nga và nhà viết sử Trung Hoa. Chàng chìa ba quyển sách ra, cẩn thận úp sấp lại."(9; tr 91)

Họ là những người trí thức trong cùng quẫn vẫn giữ tự trọng.

Quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Mộng Giác.

Tính cách người trí thức của Nguyễn Mộng Giác luôn nhất quán, nhân vật của ông là mẫu nhân vật lý tưởng. Họ không phải là nhân vật phức hợp có tính cách lưỡng phân hai mặt như Hộ (Đời thừa), Thứ (Sống mòn) của nhà văn Nam Cao.

Tôi tin người trí thức phải hơn những loại người khác ở khả năng phê phán giúp tự ý thức và tự vượt thắng của mình, nhân cách của họ được đánh giá chính vào những thời điểm gay gắt của lịch sử. Tôi không đồng ý cách đánh giá của những nhà nghiên cứu khi nhân vật sa ngã, đổ lỗi cho hoàn cảnh lịch sử. Hà Minh Đức cho rằng: "Bi kịch vỡ mộng đó chủ yếu là do những căn nguyên xã hội... . Nhân vật trí thức của Nam Cao đang trượt trên con đường dốc do một sức đẩy vô hình rất mạnh mẽ của cảnh ngộ xã hội." (11, tr 280). Với tôi, cái chính là do ý thức con người.

Đọc tập truyện "Thuyền viễn xứ" của Nguyễn Mộng Giác, hình ảnh nhân vật trí thức của thế hệ ông biểu hiện rõ quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người lý tưởng dấn thân. Trong hoàn cảnh bế tắc vẫn điềm tĩnh lạc quan, tìm cho mình một lối thoát khả dĩ thông minh nhất.

Nguyễn Mộng Giác là nhà văn có lối viết cổ điển, kết cấu tác phẩm thường đơn giản, thời gian tuyến tính, ngôn ngữ mang tính triết luận. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà tác phẩm của ông khô khan, buồn tẻ. Trái lại, các sáng tác của Nguyễn Mộng Giác luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ, nhà văn thường chinh phục bạn đọc ở tầm tư tưởng của tác phẩm, đến sự tinh tế trong cách quan sát rồi miêu tả tâm lý nhân vật. Những chi tiết bình thường tưởng như không có gì nhưng thật ra lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa, mỗi chi tiết đều có dụng ý tạo sự liên tưởng bất ngờ thú vị, làm người đọc say mê.(14) Tôi tin, chính vẻ tưởng chừng như "bình thường" trong ngôn ngữ bình dị của Nguyễn Mộng Giác, làm nên tuyệt chiêu của cây bút lão luyện này.

Theo dõi quá trình sáng tác của Nguyễn Mộng Giác từ các tập truyện ngắn đến tiểu thuyết lịch sử như "Sông Côn Mùa Lũ", "Mùa biển động", chúng ta có thể nhận ra ngay mối ưu tư lớn nhất của ông là thái độ sống của người trí thức trước thời cuộc. Qua đó, phản ảnh con người nhà văn luôn băn khoăn về đất nước. Cho dù ở trong nước hay ra nước ngoài, ông vẫn là một người đáng kính, dám sống theo suy nghĩ của riêng mình.

Thế kỷ 20, Lịch sử Việt Nam chưa bao giờ biến động như vậy, trong một thời gian ngắn mà đất nước đã thay đổi đến 6 chính thể: Pháp thuộc, Nhật thuộc, Tàu ô chiếm đóng, Cộng sản thời kháng chiến, Chế độ quốc gia từ thời Bảo Đại đến tổng thổng Thiệu, cuối cùng là Cộng sản toàn quốc sau 1975.

Gần như chưa có một chính thể nào trong suốt thế kỷ 20 tạo được niềm tin và sự đồng thuận trong toàn dân. Người trí thức luôn băn khoăn, day dứt về một thể chế mà mình đang phụng sự. Vấn đề thái độ sống của con người trước thời cuộc, đặt giới trí thức vào những chọn lựa gay gắt không khoan nhượng. Bên này hay bên kia? Sống hay là chết, thỏa hiệp hay vượt thoát, ở lại hay trở về, bản lĩnh của người trí thức được thử thách từng giờ.

Có những chủ thuyết hôm qua là chân lý, nhưng ngày mai là "tội ác". Lịch sử nhân loại trong thế kỷ 20 không thiếu những tội ác chân lý như vậy, và đã được chứng minh. Vì vậy, bi kịch của người trí thức vẫn là nỗi nhức nhối trong mọi thời đại.

Đến khi nào đất nước Việt Nam mới có được một chính thể đủ sức thuyết phục, tạo ra được sự đồng thuận dân tộc?

Đến khi nào người trí thức Việt Nam phụng sự đất nước mình mà không băn khoăn, hối tiếc?

Đến bao giờ? Là câu hỏi của bây giờ.

Ban Mai

06.12.2008

----------------

Tài liệu tham khảo:

(1) Theo tài liệu L’État du Monde 2000, Ed La Découverte et Boréal. Số liệu thống kê tính trên cơ sở số của PNUD và ONU. Tỷ lệ lạm phát kinh tế của Việt Nam từ sau năm 1975 đến 1985 trong vòng 10 năm tăng 18 lần.

% lạm phát Năm 1975 Năm 1985

Việt Nam 5 91,6

Thái Lan 5,3 2,4

( Trích trong phần Tài liệu tham khảo: " Việt Nam, con người từ những bóng ma" của Nam Dao)

(2) Nguyễn Mộng Giác trò chuyện với sinh viên lớp Việt văn 1.11.2005, tại trường Đại học Berkeley. (Nguồn Talawas 14.3.2006)

(3) Theo số liệu của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc, trong khoảng từ năm 1975-1995 đã có 849.228 người Việt Nam vượt biên bằng đường biển và đường bộ.

Xem tài liệu về thuyền nhân Việt Nam: http://vi.wikipedia.org/wiki/Thuy%E1%BB%81n_nh%C3%A2n#Sau_30_th.C3.A1ng_4_n.C4.83m_1975

(4) Nguyễn Mộng Giác, Sống và viết tại hải ngoại, Thuyền viễn xứ, nxb damau.org@. 2008

(5) Tập truyện ngắn "Thuyền viễn xứ" của Nguyễn Mộng Giác do damau.org xuất bản năm 2008 là tuyển tập gồm 13 truyện ngắn chọn từ tập "Ngựa nản chân bon" nxb Người Việt ấn hành năm 1984 và một số truyện trong tập "Xuôi dòng" nxb Văn Nghệ ấn hành năm 1987.

(6) Nguyễn Mộng Giác, Ngựa nản chân bon, sđd

(7) Lữ, Cây cau của Phùng Cung, talawas.11.9.2007

(8) Nguyễn Mộng Giác, Lẽ sống, sđd

(9) Nguyễn Mộng Giác, Một ngày như mọi ngày, sđd

(10) Tuyển tập Nam Cao tập1, tập 2; nxb Văn học, 1997

(11) Hà Minh Đức, Khảo luận văn chương, nxb Khoa học xã hội,2003

(12) Dr.Wynn wilcox, Vài nhận định về trí thức miền Nam thời chiến, Nguồn: BBC Ngày 21.10.2008

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/story/2008/10/081021_south_vietnam_intellectuals.shtml

(13) Mặc Lâm phỏng vấn, Nguyễn Mộng Giác và "Sông Côn mùa lũ". Nguồn: RFA,

ngày 16.11.2008.

(14) Đánh giá tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác, nhà văn Trần Vũ từng thổ lộ : "Ðã hai thập niên mà ở hải ngoại chưa có cuốn tiểu thuyết nào làm tôi say mê nhiều hơn vậy. Ði làm ôm theo, ngồi trong xe lửa đọc miên man, vào công ty gấp sách lại chỉ mong chóng mau đến giờ hết việc, xuống xe điện, mở tập 2 Bảo Nổi, các nhân vật lại sống trở lại, cười nói, yêu khóc giận hờn, từng màu áo, sắc son môi, khoé mắt, tưng bừng trên trang giấy, làm như mình chưa hề rời xa họ một giây phút nào, đã thân thiết với họ tột bực, đã sống chung, chia sẻ tận cùng đời sống thầm kín của từng người" trả lời phỏng vấn Lê Quỳnh Mai.

Nguồn : http://tranvu.free.fr/baiviet/phvanTV-LQM.html


Share/Save/Bookmark
Related Posts with Thumbnails