Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

KÍNH BÁO

Nguồn : Diễn đàn

Sau khi giả mạo thư nhà giáo Phạm Toàn, bọn tin tặc đã cướp hẳn địa chỉ chi.nguyenhue@gmail.com của giáo sư Nguyễn Huệ Chi để gửi một lá thư giả mạo, nhân danh Nguyễn Huệ Chi. Như vậy là song song với việc phá mạng bauxitevietnam, "kẻ lạ" (hay chỉ là bộ hạ của "kẻ lạ") đã gỉa danh những người chủ xướng để khoét sâu mâu thuẫn nội bộ và gây nghi ngờ chán nản trong dư luận. Dưới đây, chúng tôi xin đăng toàn văn lá thư của giáo sư Nguyễn Huệ Chi (cập nhật lúc 19g40 -- giờ Paris -- ngày 30.12.2009)



KÍNH BÁO



Kinh thưa quý độc giả của Diễn Đàn, trannhuong.comquechoablog.wordpress.com cùng các Anh Chị bạn bè mà tôi quen biết,


Sáng nay, tôi đang say giấc thì bỗng nghe tiếng chuông điện thoại của anh Phạm Toàn. Anh cho biết anh Nguyễn Ngọc Giao có gửi email khẩn hỏi xem lá thư anh mới nhận của tôi "bày tỏ tâm sự về thực chất con người Phạm Toàn" có phải là do tôi viết hay không. Tôi vô cùng sửng sốt ngay trong máy, và qua sự sửng sốt của tôi, anh Toàn hiểu ra sự thật: lại một sự giả mạo kiểu phamtoankhjemton nữa của những kẻ nào đó, lần này mượn địa chỉ email của tôi để bôi xấu quan hệ gắn bó giữa tôi và anh Phạm Toàn nhằm qua đó đánh phá tiếp trang mạng Bauxite Việt Nam.

Xin độc giả cùng bè bạn hiểu cho tình cảnh của tôi: Từ mấy hôm nay tôi đã không vào được mạng, không hiểu vì lý do gì, nên ngày ngày phải đi ra quán net để đọc một ít thư từ gửi tới, và viết đôi ba dòng trả lời trong những trường hợp thật cần thiết, vì ở quán các máy không cài font chữ Việt và đánh thường nhảy chữ. Chiều hôm qua 29-12-2009 thì tôi nối được mạng, liền ngồi một mạch đến tận 1 giờ rưỡi sáng phúc đáp hầu hết các lá thư, trong đó có gửi một thư chung cho 135 Anh Chị đã ký vào Kiến nghị đợt 1, nhằm nói rõ hơn về lá thư giả mạo anh Phạm Toàn tố cáo tôi được loan tải rộng rãi trên mạng, kẻo sợ có người chưa ghé qua các trang quechoa, anhbasam, trannhuong vẫn còn chưa hết phân vân. Lá thư chỉ vắn tắt có thế. Điều lạ là sau khi gửi xong, vì mất điện một lúc, chờ đèn sáng, tôi bật lại máy, vào lại địa chỉ email của mình thì dù đánh mật khẩu đến hàng chục lần vẫn không vào được nữa. Biết là có "sự cố" đã xẩy ra nhưng vì khuya quá nên tôi đành lên giường đi ngủ. Ngay sáng nay thì xảy ra cơ sự như đã nói.

Vậy tôi xin mượn các trang diendan, trannhuong và quechoa để chuyển đến quý bạn đọc cùng bạn bè thân thiết lời kính báo khẩn như sau: địa chỉ email chi.nguyenhue@gmail.com tôi dùng từ mấy năm nay đã bị những kẻ xấu chiếm đoạt. Tất cả những thư từ gửi từ địa chỉ đó đều tuyệt nhiên không phải là những lời lẽ do tôi viết ra. Từ nay xin mọi người hãy xóa bỏ địa chỉ này mà dùng địa chỉ mới do tôi thông báo sau đến quý bạn.

Về anh PHẠM TOÀN, tôi xin khẳng định, anh trước sau là một người bạn, một đàn anh, một nhân cách để chúng tôi noi theo, và là một trong 3 người sáng lập thủy chung của trang mạng Bauxite Việt Nam, hiện vẫn là cố vấn hết sức quan trọng cho trang mạng, tuy rằng do sức khỏe của anh không còn như trước nên anh đã trao đổi cùng tôi để gánh đỡ cho anh một số việc nào đấy, giúp anh có điều kiện tĩnh dưỡng tốt hơn. Mọi sự bôi bác về nhân phẩm của anh nhân danh tôi đều là sự bịa đặt trắng trợn khiến tôi ghê tởm.

Trong ngày đầu năm mới tôi rất không muốn nói những lời làm mọi chúng ta đều mất vui, vì thế chỉ xin vắn tắt vài lời, cũng là chuyện chẳng đặng đừng. Rất mong quý độc giả và bạn bè miễn thứ.

Hà Nội ngày 30-12-2009

Nguyễn Huệ Chi


Sau những lá thư giả mạo danh nghĩa các ông Phạm Toàn, Nguyễn Huệ Chi, một lá thư đề tên ông Phùng Liên Đoàn đã được phổ biến đêm qua trên mạng. Lá thư tất nhiên nhằm gây chia rẽ những người chủ xướng bản kiến nghị và mạng Bauxite Việt Nam với những người ủng hộ. 7g sáng ngày 30.12.2009 ông Đoàn đã cải chính là quyết định không dùng địa chỉ cũ để tránh mọi ngộ nhận.

Chiều nay 30.12 (giờ Paris) chúng tôi nhận được "thông báo thêm" của giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Vì mạng bauxitevietnam chưa hoạt động bình thường trở lại, Diễn Đàn xin đăng toàn văn thông báo này để rộng đường dư luận.


Kính báo tiếp


Thưa quý độc giả trang mạng diendan.org, quechoablog.wordpress.com, trannhuong.com và các Anh Chị bạn bè thân quen,

Sáng nay, vừa mắt nhắm mắt mở nghe điện thoại anh Phạm Toàn, tôi liền đi ra bàn làm việc viết liền một mạch những lời thông báo cấp tốc, nhờ các trang mạng trên đây chuyển kịp thời đến quý bạn để giải tỏa ngay những lời lẽ bất lương của Nguyễn Huệ Chi giả đã bôi nhọ anh Phạm Toàn mà tôi thấy trong lòng áy náy không sao chịu được. Nhưng chiều nay, sau khi đi dự một cuộc họp trở về, được một bạn thông báo kỹ cho nội dung lá thư bịa đặt ấy thì mới biết, việc bôi nhọ Anh Phạm Toàn chỉ mới là một phần. Phần còn quan trọng hơn nữa là kẻ mạo xưng Nguyễn Huệ Chi còn giở một thủ đoạn cực kỳ nham hiểm để đẩy chúng tôi đến chỗ tự thừa nhận mình đã lập trang mạng chỉ cốt kiếm chút tiền chi tiêu, bởi ai cũng đều thuộc loại già lão, nhận đồng lương hưu không sao đủ sống (!). Không chỉ có thế. Nếu trong lá thư của một Phạm Toàn giả, những kẻ vu khống đã cả gan bôi nhọ danh dự TS Phùng Liên Đoàn thì trong lá thư này, bọn chúng còn vô sỉ đến mức muốn lôi thêm cả những vị Giáo sư đáng kính như Phạm Xuân Yêm, Đỗ Đăng Giu vào cuộc, những tấm gương trí thức suốt đời dành tấm lòng hướng về đất nước và chưa một lần nào ngỏ ý muốn tài trợ chút gì cho chúng tôi. Thế thì tất cả những lời lẽ độc địa kia cốt nhắm vào cái gì ?

Nếu bạn đọc thân mến hiểu cho rằng có một lực lượng nào đấy đang liên tiếp hết bước này đến bước khác dấn tới đánh phá tàn bạo trang Bauxite Việt Nam không từ một thủ đoạn nào cả, cốt làm sao tiếng nói nghiêm túc của trí thức và nhân dân phải tắt lịm không thấu được đến tai Nhà nước mới hả, được như thế thì tôi, anh Phạm Toàn và toàn bộ Nhóm biên tập trang mạng thật sự yên lòng. Xin được nói lời cảm ơn tới vô vàn độc giả và các Anh Chị bạn bè đã nhiệt tình chia sẻ cùng chúng tôi trong những ngày khó khăn này. Bản thân tôi đã bị vô hiệu hóa địa chỉ email đến lần thứ hai ngay sau khi vừa thảo xong bản kính báo tiếp theo này, đó mới là một chút trục trặc nhỏ báo hiệu cho những trục trặc chắc sẽ còn lớn hơn trong những ngày tới.

21 giờ rưỡi 30-12-2009

Nguyễn Huệ Chi


Share/Save/Bookmark

Lời kính báo của Phạm Toàn

Nguồn : Diễn đàn

Lời kính báo của Phạm Toàn
nhờ đăng trên một số trang mạng bạn bè


Kính thưa bạn đọc trang mạng Bauxite Việt Nam ở trong và ngoài nước,


Trang mạng Bauxite Việt Nam hiện đang bị bọn lưu manh Tin học phá hoại bằng hai hình thức :


+ hình thức thứ nhất là dùng kỹ thuật để đánh sập trang thông tin dân sự này, và
+ hình thức thứ hai là mạo danh một người của trang này (cụ thể là mạo danh ông Phạm Toàn) để chia rẽ nội bộ (cụ thể là viết bài ký tên Phạm Toàn có nội dung bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ giáo sư Nguyễn Huệ Chi).


Về vụ việc này, tôi Phạm Toàn, xin trân trọng kính báo cùng bạn đọc trong và ngoài nước như sau :


Bài viết "Nguyễn Huệ Chi - con người hai mặt" ký tên Phạm Toàn và một số tư liệu đính kèm được gửi tới mọi người là hoàn toàn giả mạo.


Cách thức kẻ xấu tạo địa chỉ điện tử viết sai một chữ i thành chữ j là một âm mưu vô cùng nham hiểm : những thư từ của bạn đọc gửi cho ông Phạm Toàn để hỏi thực hư hoặc để phản đối đã không tới được người nhận, dẫn đến những giận dữ và hiểu lầm chết người.


Tài liệu giả mạo đặc biệt xúc phạm tiến sĩ Phùng Liên Đoàn, mà chỉ nhờ sự điềm đạm của ông nên mới giúp tìm ra điều thật giả.


Tài liệu giả mạo cũng gây nghi ngờ về chuyện tiền nong là điều ngay từ đầu những người chủ trương trang mạng đã vô cùng cảnh giác để không bao giờ có thể xảy ra bất kỳ sự lạm dụng nào.


Tài liệu giả mạo cho thấy kẻ xấu đã chiếm dụng một số thư từ trao đổi nội bộ và dùng cách cắt xén để tạo ra tác dụng xấu, có khả năng tạo ra những hệ quả khó lường.


Trang mạng dân sự Bauxite Việt Nam ra đời từ giữa tháng 4-2009 nhưng được rất đông đảo bạn đọc quan tâm.


Những kẻ nào thấy sợ hãi trước ảnh hưởng của trang mạng phải tìm mọi cách để triệt phá nó, đó là lẽ thường tình.


Chúng tôi cũng nhận được nhiều thư của bạn đọc, căn cứ vào địa chỉ viết sai một ký tự, đã kịp thông báo cho mọi người biết đó là tài liệu giả mạo ; chúng tôi vô cùng cảm ơn.


Thông báo này xin được gửi đăng trên nhiều diễn đàn mạng của bè bạn. Xin kính báo để bạn đọc trong và ngoài nước được rõ.


Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2009, hồi 9 giờ tối

Xin cám ơn

Phạm Toàn




Sự bỉ ổi có phương pháp


Theo yêu cầu của tác giả, Diễn Đàn đăng trên đây toàn văn bản thông báo của nhà giáo Phạm Toàn. Trước khi liên lạc được với tác giả, chúng tôi đã đọc thấy trên blog QUÊ CHOA của nhà văn Nguyễn Quang Lập bài viết Sự bỉ ổi có phương pháp kể lại sự việc, xin chép lại để bạn đọc dễ theo dõi :

Hôm nay, 14h ngày 28/12/2009, tôi nhận được email từ địa chỉ email anh Phạm Toàn, một trong ba thành viên sáng lập và quản trị Bauxite Việt nam, email có đính kèm 2 file : 1 file có tên thư rút tên, 1 file có tên Nguyễn Huệ Chi : con người hai mặt” Đây là hai file PDF nên không cách sao copy đưa lên mạng được, đành lược kể như sau :

File “thư rút tên” : có hai thư, một thư thông báo xin rút tên của anh Phạm Toàn vì lý do sức khoẻ (anh vửa mổ tim) và bận rộn công việc (do phải nhận công trình soạn sách giáo khoa bậc tiểu học) ; một thư khác nói chuyện quan hệ của anh với nhóm biên tập với lẽ khó chịu và bực dọc, người ngoài ít ai hiểu thực chất là vấn đề gì, chỉ toát lên ý tứ anh Phạm Toàn coi thường nhóm Biên tập mà anh Huệ Chi đứng đầu- Tôi giống ông Pavlov, chỉ làm việc được với chó không làm việc được với người.

File thứ 2 : liệt kê một số email trao đổi giữa Nguyễn Huệ Chi và các cộng tác viên nói chuyện tiền nong để chứng tỏ Nguyễn Huệ Chi mở trang Bauxite chỉ vì tiền, khác với những tuyên bố của ông trong các cuộc phỏng vấn.

Tôi lập tức gọi điện cho anh Nguyễn Huệ Chi, anh rất ngạc nhiên, nói chỉ duy nhất cái thông báo xin rút tên của anh Phạm Toàn là có thật. Nhưng anh Phạm Toàn chỉ gửi cho một số anh em thân thiết, điều này anh Phạm Toàn cũng đã tâm sự với anh Huệ Chi và anh Huệ Chi hết sức thông cảm. Không hiểu tại sao cái thư này được tung lên mạng dưới dạng email của Phạm Toàn gửi cho rất nhiều người. Còn lại tất cả các thư email khác đều bịa đặt. Nguyễn Huệ Chi còn nói thêm: anh tin anh Phạm Toàn không bao giờ có những lời lẽ như thế đối với anh cũng như nhóm biên tập.

Chiều nay đi dự đám cưới con trai nhà văn Bảo Ninh, tôi gặp anh Phạm Toàn. Tôi có kể về nội dung hai bức thư email đó. Anh Phạm Toàn hết sức sửng sốt, anh bỏ cả đám cưới chạy về nhà ngay.

Một giờ sau anh gọi điện cho tôi nhiều lần, nói bọn chúng đã giả mạo email của anh, chỉ thay mỗi chữ i và chữ j. Đến 22h30 tôi nhận được cái thư của Phạm Toàn nhờ công bố cho mọi người.

Đọc cái thư của Phạm Toàn bà con sẽ hiểu phần nào sự bỉ ổi có phương pháp của bọn người có tên là tin tặc

Cuối cùng, để bạn đọc có đầy đủ thông tin, và với sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin đăng lại Thông báo ngày 12.12.2009 của Phạm Toàn :

Tôi tên là Phạm Toàn, người được ghi dưới trang chủ mạng Bauxite Việt Nam là nhà văn Phạm Toàn, và cũng ghi thêm là đã cùng hai người cùng sáng lập trang mạng này.

Năm nay tôi 78 tuổi, năm ngoái lại mổ tim, nên sức khoẻ không còn bao nhiêu. Trong hoàn cảnh đó, lại là người tham việc, nên từ ít lâu nay vẫn cùng vài người bạn lập ra một đề án soạn sách giáo khoa cho trẻ em tiểu học.

Nhóm biên soạn tư nhân làm việc ngoài biên chế lấy mất rât nhiều thời giờ hàng ngày của tôi. Vì nhóm tôi dự định vào năm 2012 sẽ trình ra trước xã hội một bộ sách 36 cuốn soạn cho 6 lớp của bậc Giáo dục Phổ thông cơ sở (cái tên chúng đề nghị sẽ thay thế tên bậc tiểu học) theo một dự án cải cách giáo dục phổ thông rút xuống còn 10 năm học, do chúng tôi hình dung và bàn bạc rồi cùng nhau soạn thảo.

Quĩ thời gian eo hẹp khiến tôi ba bốn tháng nay trên thực tế đã hoàn toàn không tham gia gì hết vào công việc biên tập bài vở của trang Bauxite Việt Nam.

Việc tôi xin rút tên là để công khai về trách nhiệm, hoàn toàn không vì bất cứ áp lực nào của bất cứ ai.

Xin tạm biệt bạn đọc trang Bauxite Việt Nam

Nay kính báo

Phạm Toàn


Share/Save/Bookmark

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

Mắt Thuyền

Nguồn : Hợp Lưu
NGUYỄN XUÂN TƯỜNG VY

LTS: Sau các truyện ngắn gây nhiều chú ý, Nguyễn Xuân Tường Vy trở lại với thể ký mà bút ký đầu tay Puerto Princesa City đã kể về trại tỵ nạn Palawan. Trong bút ký tiếp theo, vẫn bằng giọng văn tự nhiên và truyền cảm, tác giả ghi lại rõ hơn kinh nghiệm chung của trên một triệu thuyền nhân đã vượt thoát qua đại dương, trong giông tố, trong nỗi lo âu thường trực trước một lòng biển sâu. Nếu ký là thể loại của chân thật và của hiện thực quá khứ, Nguyễn Xuân Tường Vy thành công khi gửi trao đôi mắt ván thuyền của quê hương mình.

Tạp Chí Hợp Lưu

Biển lặng những ngày sau. Tôi vẫn không đủ can đảm nhìn xuống lòng đại dương sâu hút. Đôi mắt thuyền vẫn ở đó. Trong thâm tâm tôi biết đôi mắt ấy vẫn dõi theo tôi từ khi rời khỏi mặt nước. Biển trong lòng tôi đã lặng. Cả những lượn sóng sôi. Nhưng đôi mắt vẫn ở đó trong sâu tận đáy lòng. Đôi mắt làm bằng ván của quê tôi, của Tam Kỳ tuổi thơ, của những gốc phi lao rì rào. Những gốc cây trơ gầy vậy mà chúng cũng ghép lại được để chở mang tôi ra xa, vượt những ngọn sóng, vượt những lượn triều, vượt trời nước mênh mông để khi tôi quay nhìn lại thì Tam Kỳ đã biến mất. Quê tôi không biến mất, Tam Kỳ chưa biến mất. Tam Kỳ gửi theo tôi đôi mắt ván thuyền.

Đó là năm 83, khi tôi bước chân xuống chiếc thuyền chòng chành ở mấp mé bờ nước.




Share/Save/Bookmark

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Kẻ bị mất phép thông công, Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức (Nguyễn Mạnh Tường)[11]

Nguồn : e-ThongLuan

Kẻ bị mất phép thông công
Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức
Nguyễn Mạnh Tường

“…Tôi là một loài cỏ dại. Người ta có thể bước lên nó, đạp bẹp nó nhưng một khi có một giọt sương mai, giọt nước mưa hay một dòng nước mắt rớt xuống, nó lại bừng dậy mỉm cười trước ánh sáng mặt trời…”

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 Phụ lục


5
Bi kịch bị mất phép thông công, bị cô lập và cô đơn

Từ xưa con người đã sống quay quần trong một cộng đồng. Một khi các nhu cầu đòi hỏi đã vượt quá sức lực và khả năng của cá nhân và gia đình thì chúng chỉ được thoả mãn thông qua sự giúp đỡ hổ tương và hợp tác trong cộng đồng, nhất là trong lãnh vực quốc phòng, canh nông cây lương thực, chỗ ở, quần áo, giáo dục… Cái sinh hoạt muôn mặt chung góp cho việc duy trì cuộc sống vật chất của mỗi cá nhân, chú trọng đến sự phát triển về thể chất con người, từ đó bảo vệ sự toàn vẹn của con người và sự tiếp diễn của cuộc sống.

Nhưng ra ngoài những giới hạn của thể chất và cuộc sống vật chất là cái không gian vô giới hạn và vô cùng của cảm xúc và con tim. Xã hội không muốn và không thể can thiệp vào hai lãnh vực này. Cái bên trong đó chính là phòng xét nghiệm, là nơi cấu thành những quyết định của nội tâm, dẫn tới những hành động thể hiện nhân cách và biểu hiện ước vọng của con người. Có một sự hỗ tương qua lại giữa hai thế giới, thế giới bên ngoài tạo ra những điều kiện buộc con người phải phản ứng, thế giới bên trong phản ứng lại làm cho ngoại cảnh lại trở lại tác động trên con người. Cái cơ chế với hai chuyển động qua lại này giúp bảo đảm một sự quân bình cho cá nhân, những trao đổi giữa hai thế giới, bên ngoài và nội tâm, giúp định vị và duy trì con người giữa một hệ thống phức tạp gồm những tác động, phản tác động giúp cho con người cảm nhận sự sống.

Bởi vì, cộng sản đã ngăn cản những tiếp xúc và trao đổi giữa hai thế giới, ngoại cảnh và nội tâm, cắt đứt cái quan hệ giữa chúng và bộ máy ngưng không chạy hết công sức mà chỉ chạy cầm chừng, làm chậm đi một cách đáng kể chuyển động của các bánh quay và mắc xích. Trong những trường hợp quá nặng, cá nhân bị cắt đứt khỏi thế giới bên ngoài, họ sẽ mất đi những cảm xúc rồi dần mất luôn cả những khả năng của lý trí và tâm lý sẽ rơi vào sự tê liệt càng ngày càng lớn. Cá nhân có thể trở thành khùng điên và tổ tiên sẽ không mất công chờ đợi lâu để đón họ ở bên kia thế giới. Đó là thứ hình phạt nặng nề nhất dành cho con người. Bên kia chuyện đó chỉ là án tử hình.


Share/Save/Bookmark

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

Kẻ bị mất phép thông công, Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức (Nguyễn Mạnh Tường)[10]

Nguồn : e-ThongLuan

Kẻ bị mất phép thông công
Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức
Nguyễn Mạnh Tường

“…Đảng có tai mắt khắp nơi, không để cái gì vuột khỏi tầm mắt. Nhưng tôi nghĩ là những báo cáo của công an cũng đã cung cấp đầy đủ tin tức về con người khiêm tốn của tôi. Không, vẫn chưa đăng cáo phó tôi chết, cũng chưa phải lúc, nhưng cũng sắp thôi…”

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 Phụ lục


4
Bi hài kịch của một cuộc trả giá (tiếp theo)

Bất chợt, tôi lại nhớ vào năm 1936, khi tôi trở về Việt Nam luôn, tôi học tiếng Trung, tham gia phác hoạ văn phạm Việt Nam với nhóm Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ, và hợp tác làm cuốn tự điển với Khai Trí Tiến Đức. Cái gì đã khiến tôi luôn giữ thái độ sinh hoạt đó? Tôi, một người là chưa bao giờ ngưng tán dương đề cao những tác dụng lợi ích của nền văn hoá Pháp, một nền văn hoá đã tôi luyện thành một người như tôi ngày hôm nay? Tôi chỉ có thể trả lời câu hỏi như thế này: “Tôi trở về với truyền thống và dân tộc, không phải với cái giá của một cuộc đấu tranh cam khó và với những cố gắng bền bỉ, nhưng bằng cách để mình trôi theo một con đường dốc không thể thiếu một cách dễ dàng và tự nhiên. Những kẻ dù có trang bị một kiến thức khoa học rộng lớn, những người chống văn hoá Pháp mà tôi đã tiếp đón ở trường, và hay những kẻ chống văn hoá Việt, văn hoá mà tôi thấm nhuần suốt cuộc sống, tất cả bọn họ đều không có những cái nhìn lành mạnh và đúng đắn về văn hoá là gì. Một nền văn hoá xứng đáng với tên gọi của nó không bao giờ có chuyện tự phân biệt mình qua sự duy nhất, không bao giờ kiếm cách biến mình thành độc tôn, không bao giờ tự mình đóng khung trong tường kín. Ngược lại, văn hoá là khoảng không gian ngự trị ở tầng cao vi vu muôn ngàn ngọn gió, nơi đến của tất cả những tâm hồn tốt lành không có bất cứ thứ phân biệt đối xử nào, như là một con suối trong dành cho mọi sự khát. Mỗi người có một nền văn hoá riêng, nhưng tất cả cùng hoá chung trong nền Văn Hoá lớn của nhân loại, mục đích duy nhất và sau cùng là nhằm tạo nên một con người toàn diện, tinh hoa, với những đức hạnh không thể thay hình đổi dạng được, có những giá trị riêng của con người, đưa họ lên tầng cao nhất của nhân tính. Khi tất cả những nền văn hoá của từng quốc gia quyện chung thành Văn Hoá của nhân loại, như những giòng sông cùng đổ vào biển cả, thì làm sao lại có chuyện có thể hình dung ra những đối kháng, mâu thuẫn hay xung đột giữa các văn hoá riêng và nền Văn Hoá lớn?


Share/Save/Bookmark

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2009

Nhân Văn Giai Phẩm phần X : Lê Đạt

Nguồn : RFI
Thụy Khuê
Nhà thơ Lê Đạt, từ Nhân Văn Giai Phẩm đến ''Đường chữ''

Nhà thơ Lê Đạt, từ Nhân Văn Giai Phẩm đến ''Đường chữ''

Đời chữ của Lê Đạt chia hai thời kỳ, dưới hai ngòi bút: Nhà thơ cách tân, theo truyền thống Mallarmé, mở một kỷ nguyên mới cho đường chữ. Nhà thơ thời thế, theo truyền thống Đỗ Phủ, ghi lại bộ mặt của xã hội toàn trị trên đất nước Việt Nam, xác định tính chất cơ bản của lịch sử : "Lịch sử muôn đời duyệt lại / Không ai lừa được cuộc đời".

Trong ba người bạn thân cùng hoạt động NVGP, Trần Dần viết nhật ký, Hoàng Cầm thuật lại dĩ vãng trong các bài ký, hồi ký. Duy có Lê Đạt là không có tiểu sử rõ ràng. Tại sao? Một phần, dường như ông không coi tiểu sử nhà văn là vấn đề quan trọng, nhưng có lẽ còn một lý do nữa, vì tiểu sử của ông, nếu viết rõ ra, chỉ "có hại" cho gia đình. Ông không muốn các con biết về hoạt động của cha để đỡ bị liên lụy. Đào Phương Liên, con gái ông, hỏi: Bố là ai? Các con không biết cha đã từng làm thơ, vì trong nhà "không có một quyển truyện một quyển thơ nào".




Share/Save/Bookmark

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009

Kẻ bị mất phép thông công, Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức (Nguyễn Mạnh Tường)[9]

Nguồn : e-ThongLuan

Kẻ bị mất phép thông công
Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức
Nguyễn Mạnh Tường

“…mỗi người đều phải sống hai mặt trong kiếp sống người máy. Bề ngoài, họ chơi trò xưng tụng giáo điều để tránh không bị tập thể trừng phạt, khẳng định cái tính láu cá ranh mãnh của một kịch sĩ. Bên trong họ cố dồn ép những đòi hỏi của hy vọng vào bóng tối và im lặng…”

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 Phụ lục


4
Bi hài kịch của một cuộc trả giá

Nếu cái bi kịch đói chỉ có một kịch sĩ duy nhất và chỉ là màn độc thoại đang ngang qua những câm nín đầy bi thương, thì những cuộc mặc cả mà tôi kèn cựa để bán những tài sản riêng có thể bán được đã xảy ra như một màn bi hài kịch mà nụ cười cứ xen lẫn cùng nước mắt. Người bán, kẻ đang cố nuốt giòng nước mắt, khóc thầm cho nỗi khổ đau và niềm tủi nhục mà cái đói là nguyên do chính, lại phải nở nụ cười cho cái dối trá và điệu bộ của người mua đang cố cò kè cắt xén bớt số tiền phải trả để mua một món hàng thật sự quí và có giá trị với cái giá thấp tột cùng.

Những gì chúng tôi bán trước tiên là những bộ trang phục mà vợ chồng tôi hay mặc lúc còn thời vàng son để dự những buổi chiêu đãi hay lễ lộc được mời, trước khi Cách Mạng về làm đảo lộn mọi trật tự của xã hội, kéo người dân ra khỏi những truyền thống và thói quen đã có từ hàng ngàn năm mà cái thần thánh của các lãnh đạo và cái phong cách sống trong sáng của họ phải là mẫu mực mới cho xã hội! Tất cả nữ trang bằng vàng chúng tôi đã bán hết trong thời Kháng Chiến để giúp gia đình cầm cự qua ngày và trụ lại trong hàng ngũ kháng chiến. Nhưng sau khi về lại Hà Nội, cha mẹ tôi và bạn bè đã cho chúng tôi vô số quần áo đắt tiền: áo lụa, sa tanh, gấm thêu, vải nhung từ Trung Quốc, những bộ quần áo mà vợ tôi từ nay không còn dịp để mặc. Về phần tôi, tôi đã mang về, sau những chuyến công tác ở Bắc Kinh, Vienna, Lục Xâm Bảo những bộ âu phục may đo bởi những người thợ may bậc thầy chuyên cung cấp quần áo cho nhân viên các sứ quán.


Share/Save/Bookmark

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2009

Kẻ bị mất phép thông công, Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức (Nguyễn Mạnh Tường)[8]

Nguồn : e-ThongLuan

Kẻ bị mất phép thông công
Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức
Nguyễn Mạnh Tường

“…cuối cùng tôi cũng hiểu là chuyện tiêu diệt tôi không xảy ra bằng con đường tù nhốt ở một nhà lao nào đó. Nó sẽ tiến hành trong dài hạn bằng nỗi đau quằn quại của những cơn đói. Sự tra tấn trở nên tinh vi, nó sẽ xảy ra trong một thời gian dài, không biết lúc nào dứt, giống y như một cuộc hành trình trong sa mạc…”

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 Phụ lục


2
Sửa soạn cho chuyến đi không có ngày về

Điểm đặc trưng dễ phân biệt của chính quyền Việt Nam là họ không bao giờ cho người trong cuộc thanh trừng biết những biện pháp dành cho họ. Họ có nhiều cách để thực hiện ý muốn của mình. Mặt Trận không còn mời tôi dự những phiên họp của họ. Đại Học lấy lại chiếc xe đạp công vụ mà họ đã cấp cho tôi để đi đến lớp giảng. Các Toà Án gửi trả lại cho tôi những lá thư uỷ nhiệm luật sư. Tôi hiểu là tôi đã bị loại khỏi mọi chức việc, đã trở thành một thứ cùi hủi, một người hạ đẳng, một kẻ bị mất phép thông công! Vì thế, tôi đành phải tìm quên trong triết học để trám đầy những giờ khắc bị buộc phải nhàn cư rỗi rảnh, để tránh phải trùm kín đầu, đeo cái chuông lúc lắc kêu vang báo cho người trên đường phải tránh không đụng tôi.

Tôi bắt đầu suy niệm bằng một câu khá nổi tiếng “mens agitate molem” (Tinh thần làm chuyển động vật chất). Khi còn trẻ, tôi nghĩ ngược lại và cho rằng thành ngữ ấy là do một anh trí thức hoặc quá cuồng nhiệt kiêu căng tự đại cho rằng mình là trên hết mọi sự dù rằng hắn chẳng phải như thế, hoặc là hắn đang trải qua một cuộc khủng hoảng mất niềm tin và đang cố vượt qua một tự ti mặc cảm đang lớn dậy trong bản thân. Tư tưởng hay trí tuệ, vì bản chất là phi vật chất thì không thể tác động trực tiếp lên quần chúng vì quần chúng là một dạng vật chất với một sức mạnh toàn diện và nó chỉ có thể là đối tượng bị tác động và chịu ảnh hưởng từ một khối quần chúng khác. Trong mọi xung đột giữa tư tưởng và vật chất, sự đối kháng của bên này đối với bên kia sẽ được giải quyết bằng sự chiến thắng của vật chất. Chính trong nghĩa này mà chủ nghĩa Marx xác tín rằng quần chúng nhờ sức mạnh vật chất của mình là người làm nên lịch sử. Nhưng quần chúng không làm nên lịch sử nếu chỉ biết sử dụng những phương tiện bạo lực của vật chất. Trong chuyện tàn phá, hay ngay cả trong xây dựng, quần chúng luôn phải nhờ đến những khả năng của trí tuệ để hướng dẫn mình cho cả hai lúc: huỷ diệt và xây dựng. Từ đó tư tưởng xen vào ảnh hưởng lên sự vận động của quần chúng. Chỉ có lúc đó, tư tưởng mới thật sự làm chuyển động quần chúng.


Share/Save/Bookmark

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2009

Kẻ bị mất phép thông công, Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức (Nguyễn Mạnh Tường)[7]

Nguồn : e-ThongLuan

Kẻ bị mất phép thông công
Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức
Nguyễn Mạnh Tường

“…khi bạo lực cải trang sau cái logic nguỵ biện, giấu mình sau những lý luận có vẻ đúng, nói tóm lại, là chỉ để tự bào chữa, không phải với công luận mà với chính cái sâu thẳm của một lương tâm chưa chết hẳn, cái đó mới là điều bệnh hoạn đáng ghê tởm và kinh hoàng…”

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 Phụ lục


8
Trận đấu lần thứ ba
tại Đảng Xã Hội Việt Nam

Nếu những người tổ chức cuộc đấu tố ở Đại Học hy vọng là tôi sẽ bị sỉ nhục, mất thanh danh thì họ đã lầm. Ngoại trừ một ít gián điệp, chỉ điểm đang lẫn lộn trong đám đông, cũng như thường lệ trong những cuộc họp quần chúng khác, đại đa số đều đứng về phía tôi, dành cho tôi những cái nhìn đầy thiện cảm, những cái nhìn thật làm tôi ấm lòng. Không ai dám biểu lộ tâm tình của họ một cách nào khác, dù là vài cử chỉ hay lời nói, vì họ sợ bị công an điểm mặt và sẽ bị phiền phức. Chủ nghĩa chính trị cực đoan đã thất bại cay đắng và lãnh đạo đã rút một bài học.

Chính vì thế mà trận đấu ở Trụ Sở Trung Ương của Đảng Xã Hội được xảy ra, nếu tôi nghĩ đúng, là trong vòng riêng tư. Chẳng có gì bất thường đến cuối ngày. Chuyện khác thường trong cảnh riêng tư này là nó không giống như lần ở Đại Học, hôm mà những con rối đã được nhận chỉ thị và những thông tin nhằm để đấu đá tôi, được có ghế ngồi và tung những lời buộc tội. Trong phòng họp, chỉ có tôi và ba người xử ngồi sau một chiếc bàn phủ khăn xanh. Tôi ngồi đối diện với họ trên một cái ghế. Tôi có cảm tưởng là đang trở về với lúc đang bảo vệ luận án Tiến Sĩ, hay đang là thí sinh của một lần thi nào đó. Trong thực tế, tôi sớm nhận ra là tôi đang đứng trước một phiên toà của Đảng được triệu tập để bí mật xét xử một đồng chí đã phạm một tội trọng, một chuyện tai tiếng đã làm nhơ bẩn Đảng, và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.


Share/Save/Bookmark

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2009

Yêu nước mình: trọng tội ở đất nước chỉ có thơ một vần: Việt Nam

Nguồn : Talawas
Tác giả: Mặc Lê

Đọc 2 ấn phẩm mới nhất của nhà xuất bản Giấy Vụn: Bài thơ Một Vần của Bùi Chát, và Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao.

1. Niềm chung riêng của hai thế hệ lịch sử

Chỉ trong tháng 11, mà đọc liên tục hai tập thơ đều… có trọng lượng tương đối khá, thì quả tình hơi bị mệt!

Tuy nhiên, một sự mệt có ý nghĩa và cần thiết! Giống như được làm tình với hai người phụ nữ đẹp… liền tù tì!

Tôi cam đoan một số quí vị “đạo đức” lỡ đọc bài này đang chau mày và mắng thầm là thằng cha viết về thơ, về một thứ “linh thiêng” lại bằng giọng điệu gì đâu, không nghiêm túc!

Xin quý vị “đạo đức” này vui lòng… ngưng đọc! Và đừng đọc nữa!

Ở một đất nước như thế này, đất nước Việt Nam… luôn kiên cường chống giặc (đủ thứ giặc! Trong đó thứ giặc gian manh và ngu dốt là… kinh khủng nhất!), mà cứ luôn nghiêm túc, chắc chết và chết chắc!




Share/Save/Bookmark

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

Chế độ dân chủ và vấn đề tôn giáo

Nguồn : Diễn đàn

Tuần vừa qua tại châu Âu và đặc biệt ở Thuỵ Sĩ có cuộc bàn luận bàn rất sôi nổi, trên việc các "Khiếu bái lâu" (Lầu gọi lễ, Minaret, sản phẩm kiến trúc tôn giáo của đạo Hồi) bị cấm xây dựng tại Thuỵ Sĩ qua cuộc bầu cử trực tiếp ngày 28/11/2009, với 57% phiếu chống. Về vấn đề văn hoá - chính trị phức tạp này giữa châu Âu và Hồi giáo, xin mời bạn đọc đọc lại bài của Nguyễn Quang trong số Diễn Đàn 137, tháng 02.2003.


Khi chiếc khăn trùm Hồi giáo làm náo động nước Pháp


Chế độ dân chủ
và vấn đề tôn giáo


NGUYỄN QUANG



Đời sống chính trị nước Pháp đương náo loạn vì hai chữ : voilelaïcité. Voile đây không phải là cái « voan » bình thường của phụ nữ mà là chiếc khăn trùm kín tóc tai cổ gáy của một số nữ sinh Hồi giáo. Laïcité là danh từ mà các từ điển Pháp-Việt thường dịch là tính (hoặc sự) thế tục, ở đây nói tới những nguyên tắc tổ chức một Nhà nước « phi tôn giáo » (chữ này thường dùng trong các từ điển Pháp-Hán), theo đó, Nhà nước tách bạch với các giáo hội và tôn giáo. Cuộc tranh luận nổ ra gần đúng 100 năm sau đạo luật 1905 về « sự phân li giữa Nhà nước và các Giáo hội », khi báo cáo của uỷ ban Stasi được công bố, xoáy quanh dự án luật nhằm bổ sung đạo luật 1905 nói trên. Nếu chỉ đơn thuần là một cuộc tranh luận chính trị và những cuộc biểu tình của công dân (tán thành hay phản đối dự luật), thì chẳng có gì để nói : đó là những biểu hiện bình thường của đời sống dân chủ. Nhưng lần này, đường « phân thuỷ » tách biệt phe « ủng hộ » và phe « chống » lại chạy xuyên suốt các tổ chức chính trị, công đoàn, hội đoàn, tình trạng ông nói gà bà hiểu vịt xảy ra như cơm bữa, những khái niệm như « toàn thống » (fondamen-talistes), « toàn thủ » (intégristes), « ố Hồi » (islamophobes), « thế tục » (laïcards), trong cửa miệng những người tranh luận, bị nhoà nghĩa, thậm chí đảo nghĩa.

Thêm vào đó, nước ngoài lại đổ dầu vô lửa trong cuộc tranh luận nội bộ này. Trong các nước Hồi giáo và tại một số nước di dân, tín đồ đạo Hồi tụ tập trước các lãnh sự quán Pháp để phản đối một đạo luật mà họ đánh giá (đúng hoặc sai) là chống Islam. Đáng ngạc nhiên hơn là những nước như Hoa Kì và Vương quốc Anh cùng biểu lộ sự quan ngại trước cái gọi là « vi phạm quyền tự do tôn giáo », thông qua phát biểu của những nhân vật thẩm quyền như T. MacTaggard, phụ trách chính sách các cộng đồng thuộc Bộ nội vụ Anh, hay John V. Hanford, đại sứ lưu động Mĩ đặc trách về tự do cúng bái. Và cuối cùng, điều này không làm ai ngạc nhiên, cả Giáo hoàng cũng xía vào, tố cáo « chủ nghĩa thế tục » Pháp.




Share/Save/Bookmark

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2009

Khi thanh niên Việt lên tiếng

Nguồn : Dân Luận
Vũ Quý Hạo Nhiên

Kỷ niệm 2 năm ngày biểu tình Trường Sa-Hoàng Sa
Xuống đường ở Hà Nội, Sài Gòn, ngày 9 tháng 12 năm 2007

SÀI GÒN (NV) - Ðúng ngày này, hai năm trước, hàng ngàn sinh viên ở cả hai đầu nước Việt Nam nườm nượp xuống đường biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, và phản đối việc Trung Quốc dự định lập huyện đảo Tam Sa. Cuộc biểu tình tự phát có một không hai gây tiếng vang to lớn và vẫn còn ảnh hưởng tới ngày hôm nay. Nhiều người từng trực tiếp tham gia cho rằng cuộc biểu tình này dẫn đến sự thay đổi trong suy nghĩ của giới trẻ, trong nhận thức của người dân, và cả trong hành động của nhà cầm quyền.




Share/Save/Bookmark

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2009

Kẻ bị mất phép thông công, Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức (Nguyễn Mạnh Tường) [6]

Nguồn : e-ThongLuan

Kẻ bị mất phép thông công
Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức
Nguyễn Mạnh Tường

“…Độc tài chính trị đã đóng cửa đất nước và khoá mồm cho tất cả dư luận. Quyền tự nhiên của con người mà mọi người trong thế giới văn minh đều được hưởng thì hoàn toàn không có ở đây, và lại còn bị cấm không được quyền đòi hỏi, thậm chí là chỉ bàn bạc về nó…”

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 Phụ lục

6
Hai loại người

Tôi và những đồng nghiệp hay gọi anh sinh viên này là một con chó Nhật vì anh ta có một làn da sáng, mũi tẹt và có mái tóc hơi dợn sóng. Chúng tôi không mất nhiều thì giờ để tìm thấy hắn giữa đám đông. Bất cứ những gì chúng tôi nói trong lúc thuyết trình, bên cạnh những bài học, những câu chuyện trao đổi ở hành lang trong lúc chờ giờ trở vào bục giảng, tất cả những chuyện đó đều được ghi chú cẩn thận và được báo cáo đầy đủ cho giới chức trách nhiệm. Chúng tôi đã biết chuyện kẻ làm do thám gián điệp đã gây ô uế cho giới sinh viên. Nhưng con chó Nhật này là kẻ nguy hiểm nhất vì nó làm chuyện này hết dạ hết lòng, cần mẫn chăm chỉ và, nếu cần, hắn có thể bịa ra những câu chuyện để làm tăng thêm việc hiểu lầm giữa chúng tôi và uỷ viên chính trị chịu trách nhiệm ở Đại Học. Vì thế tôi lắng nghe hắn nói.


Share/Save/Bookmark

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

Kẻ bị mất phép thông công, Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức (Nguyễn Mạnh Tường) [5]

Nguồn : e-ThongLuan

Kẻ bị mất phép thông công
Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức
Nguyễn Mạnh Tường

“…Những người trọng danh dự chân chính khác, thuộc thành phần kháng chiến hay không, quay ra ghê tởm cái chất thâm hiểm của những kẻ đầy tớ của nhân dân đang hình thành áp đặt một loại bóc lột mới, đó là sự bóc lột của cộng sản…”

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11


4
Trận đấu bò đầu tiên trong Mặt Trận Tổ Quốc

Tôi nằm trong mẻ đầu tiên. Mỗi người bị kết án đều phải trình diện trước một toà án gồm những thành viên trong tổ chức mà người ấy sinh hoạt. Trong khi đạp xe từ nhà đến cơ quan trung ương của Mặt Trận Tổ Quốc, theo lời mời của Đảng, tôi cố gắng suy nghĩ xem buổi xử án tôi sẽ xảy ra như thế nào. Dường như đây là buổi tự phê bình mà tôi phải tự trình bày. Thật vậy, đây là một vụ xét xử chính trị mà tôi phải đối phó. Đảng đã chỉ định một số người ngồi sau cái bàn phủ khăn xanh và giữ vai trò công tố tuy không đưa ra bản cáo trạng nào nhưng chỉ đưa ra những câu hỏi nhằm chứng minh là tôi là kẻ có tội. Buổi thẩm vấn diễn ra công cộng, và nội dung là những lời buộc tội chính mà “hội đồng bồi thẩm” đã thiết lập nên. Kịch bản đã được nghiên cứu đến từng chi tiết nhỏ nhất. Phán quyết vụ án không được đưa ra vào phần chót của buổi xử án. Chính Đảng, sau đó sẽ trở lại quyết định nội dung của phán quyết. Mục tiêu được nhắm đến là “giáo dục” lại kẻ phạm tội sao cho kẻ này có thể chuộc lại những lầm lỡ, và đồng thời giáo dục quần chúng để cho họ tránh không mắc phải những lỗi lầm như những người kia.


Share/Save/Bookmark

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Kẻ bị mất phép thông công, Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức (Nguyễn Mạnh Tường) [4]

Nguồn : e-ThongLuan

Kẻ bị mất phép thông công
Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức
Nguyễn Mạnh Tường

“…Những người trọng danh dự chân chính khác, thuộc thành phần kháng chiến hay không, quay ra ghê tởm cái chất thâm hiểm của những kẻ đầy tớ của nhân dân đang hình thành áp đặt một loại bóc lột mới, đó là sự bóc lột của cộng sản…”

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11


3
Sấm sét báo hiệu cho cơn bão tố

Trên đường từ Toà Án về và nhiều đêm mất ngủ sau buổi xử án, tôi tập trung suy nghĩ về chuyện xảy ra mà điểm chính là vấn đề công luận. Được sống nhiều năm dài trong xã hội cộng sản và đã có nhiều cơ hội gặp gỡ giới lãnh đạo, tôi biết rõ là không bao giờ tha thứ những sơ suất hay thiếu tiên liệu trong khi thi hành nhiệm vụ hay khi thực hiện hành động. Mọi chuyện đều phải thảo luận, phân tích, nhồi xét nhuần nhuyễn đủ mọi khía cạnh để biết rằng việc làm này có thể mang lợi ích gì cho quyền lợi của Đảng. Sự tuỳ hứng và cá nhân chủ nghĩa được xem là điều kinh khiếp, vì vậy tinh thần trách nhiệm sâu sắc là được thừa nhận. Rủi thay, trách nhiệm tập thể lại biến thành vô trách nhiệm, không ai chịu trách nhiệm cả. Trên tất cả mọi chuyện, cần phải mang ra ánh sáng cái sâu thẳm nhất của vụ xử án này, vụ đầu tiên trong những vụ xử án kiểu này; trái với những lời tuyên bố của nhà cầm quyền mới là không có trả thù, có thái độ thù nghịch hay ganh ghét đối với những người trước đây không tham gia kháng chiến, họ đã kết án một giáo viên là đã đầu độc thanh niên với một triết lý chán chường, vô vọng và bi quan. Cái quan trọng nhất là những tội danh liệt kê bởi chính phủ thì lại không phải là những tội công cộng được định trong bộ Luật Hình Sự mà đó chỉ là những vi phạm về đạo đức hay chính trị là những điều hoàn toàn nằm ngoài vòng thẩm quyền của nhà nước. Có phải chăng lãnh đạo Việt Nam đã tự nhạo báng chính đường lối của mình ban hành và đồng thời nhạo báng luôn dư luận quốc tế! Xem thường cả quốc tế, có phải chăng họ đang muốn khẳng định nguyên tắc là họ có quyền trên mọi chuyện với sự có mặt của họ ở mọi nơi, có quyền trốn tránh những lời trọng thể mà chính họ đã tuyên bố, khinh thường những thông lệ quốc tế về công lý và giới hạn thẩm quyền của Toà Án? Hay, vì niềm tim mù quáng với vai trò tối cao của mình, và với tự tin cùng chung một sự dốt nát đáng thương, họ đã quyết định giáng một cú lớn để qui phục giới trí thức, làm lạnh bớt nhiệt tình đấu tranh của họ, giảm thấp đòi hỏi của họ và bắt họ im tiếng hay giam mình vào cảnh lưỡi gỗ (nói không đâu vào đâu) để làm dễ dàng cho công việc cho những người nắm quyền, thoả mãn niềm kiêu hãnh và mùi vị của chủ nghĩa hình thức, cống hiến cho dân địa phương và du khách một màn sân khấu có đám người trí thức rớt xuống cùng tầng lớp với họ và cùng hô to trung thành với Đảng.


Share/Save/Bookmark

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

Kẻ bị mất phép thông công, Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức (Nguyễn Mạnh Tường)[3]

Nguồn : e-ThongLuan

Kẻ bị mất phép thông công
Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức
Nguyễn Mạnh Tường

“…Chưa bao giờ nhân dân lại bị đẩy vào một thế im lặng đê hèn và tai hại; không một gợi ý, đề xuất, nhận xét hay ý kiến tư vấn nào mà nhân dân có thể đưa ra cho nhà cầm quyền để cải thiện việc điều hành của Nhà Nước và làm cải thiện tốt hơn cho con dân trong nước…”

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11


PHẦN HAI
MỎM ĐÁ TARPEIENNE


1
Vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm

Về đến Hà Nội, tôi tràn ngập trong “vinh dự”. Khoa Trưởng của trường Luật, một trường đang chết, Phó Chủ Tịch Hội Luật Gia, Thủ Lãnh Luật Sư Đoàn, phó Khoa Trưởng Sư Phạm, giáo sư phụ trách việc giảng dạy về Văn Chương Pháp, thành viên ban chấp hành Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam đồng thời cũng nằm trong ban bí thư của Mặt Trận Tổ Quốc Hà Nội, thành viên của Hội Huynh Đệ Việt – Pháp, Hội Huynh Đệ Liên Xô - Việt Nam, thành viên của Uỷ Ban Bảo Vệ Hoà Bình Thế Giới, chủ tịch sáng lập Câu Lạc Bộ Đoàn Kết Trí Thức… Đó là những “vinh dự” mà tôi mang, đủ để in đầy hai mặt của tấm danh thiếp.


Share/Save/Bookmark

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

Kẻ bị mất phép thông công, Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức (Nguyễn Mạnh Tường) [2]

Nguồn : e-ThongLuan

Kẻ bị mất phép thông công
Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức
Nguyễn Mạnh Tường

“…đây là một chế độ chuyên chế ở ba chiều không gian, một chế độ chuyên quyền gần như tuyệt đối, gian xảo nhất, cứng rắn nhất trên thế giới và trong lịch sử nhân loại. Dưới một chế độ như thế, quyền tự do là một lầm lẫn, một loại bệnh hoạn cần phải loại bỏ trong dân chúng…”

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11

Đối thoại với Luật Sư người Séc

Tiếng Pháp được dùng trong buổi thảo luận với Luật Sư đoàn, và vấn đề được bàn là một quan tâm rất lớn của giới Luật gia ở các nước Cộng Sản. Các bạn chủ nhà bắt đầu cuộc thảo luận.

- Trong một nước mà sự phân quyền được áp dụng, thông qua tổ chức các Toà Án, quyền Tư Pháp thi hành Luật và chế tài những kẻ phạm pháp. Nhưng muốn những sinh hoạt Tư Pháp được vận hành tốt và Luật Pháp được áp dụng, giới Luật gia phải hành nghề với tất cả lương tâm và trách nhiệm, vì thế bản thân họ không thể tự đứng ra bảo vệ quyền lợi riêng của mình mà phải nhờ đến sự can thiệp của Hiệp Hội Luật Sư, nhất là vào những khi họ bị chính quyền tăng cường áp bức trong một bối cảnh xã hội phức tạp, hay những khi xảy ra xung đột giữa các hội viên với nhau. Vấn đề nêu ra là để thấy là: chúng ta có cần một sự cho phép của những giới chức chính trị để được hành nghề Luật Sư hay không?


Share/Save/Bookmark
Related Posts with Thumbnails