Thứ Ba, 20 tháng 4, 2010

Xin hãy giữ vững cây gậy mục tử

Nguồn : DCVOnline

Nguyễn Văn Lục

Nguồn: lifesitenews.com
Mới đây, tôi có dịp đọc lại một bài báo trên tờ La Presse, Montréal, ngày thứ sáu tháng tư, 2009 của linh mục Raymond Gravel thuộc giáo xứ Épiphanie, giáo phận Joliette với một nhan đề khá gay gắt: Messieurs les évêques: taisez-vous! (Các vị giám mục, xin các ngài im miệng lại.)

Linh mục Raymond Gravel muốn nhắc đến thảm trạng trẻ em bị sách nhiễu tình dục bởi một số chức sắc thiên chúa giáo trong các địa phận như ở Boston, Hoa Kỳ hay ở Ái Nhĩ Lan (Ireland) mới đây.

Đây là một thứ scandal mà hầu hết các trường hợp xảy ra đều bị giáo hội che dấu. Rất ít thủ phạm bị trừng phạt. Và nó đã gây ra một phản ứng dây chuyền nơi các nhà thờ ở Ireland. Giáo Hoàng Benedict đành gửi thư bày tỏ sự xin lỗi công khai và xám hối. Thư sám hối đã được đọc ở tất cả các nhà thờ ở Ireland.

Nhưng mặc dầu có những lời sám hối chính thức như thế, nó cũng không đủ làm nguội và dập tắt được dư luận. Bởi vì hơn ai hết đáng lẽ Giáo Hôi phải chứng tỏ họ là chứng nhân của công lý, là lương tri của nhân loại đi trước và đứng trên cả pháp luật mới phải.

Giáo hội nói chung đã không làm nổi điều đó.

Nay Vatican trở thành tâm điểm cho những khủng hoảng niềm tin và quyền lực. Rất có thể nó đánh dấu một thời kỳ đen tối của giáo quyền La Mã!

Trong khi đó tại Việt Nam, giám mục Nguyễn Văn Khảm của tổng giáo phận Sài Gòn cũng như Hội đồng Giám mục lại bày tỏ một thái độ tiêu cực, bài bác các dư luận chống đối và tự coi Giáo hội mẹ là nạn nhân của dư luận bất công.

Được hỏi về vấn đề này trong dịp sang Mỹ tháng 3 vừa qua, giám mục Nguyễn Văn Khải đã trả lời một cách rất thiếu ý thức trách nhiệm đạo đức cũng như khôn ngoan, giám mục nói,

“Ở đây tôi chỉ muốn nói đến một điều là sức sống của giáo hội. Hình như các phương tiện truyền thông thích nói đến chuyện tiêu cực trong giáo hội Hoa Kỳ như vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em...và hình như phải làm rùm beng những chuyện đó thì mới thu hút người xem và người nghe. Nhưng có bao điều tích cực khác mà chúng ta không để ý đến”.
Thế nào là thích nói thế nào là rùm beng? Thế nào là dư luận bất công? Thích nói hay phải nói? Đọc lời tuyên bố trên, người viết đâm nghi ngờ những bài giảng của giám mục Khảm lúc còn là linh mục.

Tiếp đến khi được phỏng vấn về sự hiện diện của Hồng Y Phạm Minh Mẫn tại buổi lễ ở LA, Gíám mục Khảm vận dụng thánh kinh nhắc lại lời Chúa trong câu: Nước của tôi không thuộc thế gian này. Vì thế Chúa có đến trần gian này để làm chính trị đâu.

Đồng ý Chúa có thể không làm chính trị. Nhưng phần các lãnh đạo thiên chúa giáo ở Việt Nam thì chẳng những làm chính trị mà còn làm thứ chinh trị dấu mặt. Thứ chính trị theo đuôi và bợ đỡ.

Giám mục Nguyễn Văn Khảm viết Hồng Y Phạm Minh Mẫn sang Mỹ để “chủ sự một buổi lễ tôn giáo, để bày tỏ và củng cố sự hiệp thông giữa hai tổng giáo phận LA và Sàigòn cũng như mối hiệp thông giữa cộng đồng thiên chúa giáo Việt Nam Hải ngoại và giáo hội tại quê nhà.”

Nhìn thực tế thì tôi không thấy Hồng Y có khả năng để tạo dựng bất cứ một mối Hiệp Thông nào? Sự hiện diện của ngài gây rối ren và khó chịu tạo thành một dư luận phản kháng của nhiều người.

Nhiều hội đoàn trong thiên chúa giáo đến ngoài thiên chúa giáo đã lập ra ỦY Ban Phản kháng sự hiện diện của Hồng Y Phạm Minh Mẫn. Thêm vào đó là những thông cáo mập mờ của ban tổ chức buổi lễ để đánh lừa dư luận.

Người ta có cảm tưởng bằng mọi cách làm thế nào để Hồng y giáo chủ phải có mặt.

Giáo dân sẽ không dàn chào áp lực phản đối kiểu Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Minh Triết. Tuy nhiên điều dó không có nghĩa là Hồng y giáo chủ có đủ lý do để có mặt.

Đối với đa số những giáo dân cho rằng sự có mặt hay không có mặt của vị Hồng y không mấy quan trọng cho bằng sự phủ nhận vai trò chủ chiên ở trong ý thức của mỗi người.

Hồng y giáo chủ không còn có trong mắt của giáo dân hải ngoại nữa.

Sự phủ nhận ấy cho thấy vai trò chủ chiên không có chỗ đứng trong cộng đồng tín hữu hải ngoại nữa. Và sau buổi lễ, vị Hồng Y biến mất không biết đi đâu, làm gì. Cung cách hành xử như thế đã hẳn không phải cung cách của một người chủ chiên nữa.

Rõ ràng chỗ của ông không phải ở California, nhưng ở giữa những cộng đồng giáo dân đang gặp những cơn thử thách với nhà cầm quyền cộng sản.

Chỗ cần có mặt, cần đến thì lại không đến, chỗ không cần thì lại có mặt. Vai trò mục tử đối với đoàn chiên đã không làm trọn vẹn.

Ước gì tôi thấy được ngài Hồng Y giáo chủ, chống gậy mục tử đi hàng đầu, đứng giữa đám đông người thiên chúa giáo ở Thái Hà, ở Đồng Chiêm thay vì ở LA.

Tôi cũng ước gì giám mục Nguyễn Văn Khảm, thay vì chỉ thuyết giảng xuông, hãy nói lên tiếng nói của giáo dân Thái Hà, Đồng Chiêm.

Chỗ của các Hồng y, GIám mục - chỗ của mục tử - không phải ở Mỹ mà ở giữa đoàn chiên giáo dân đang bị sách nhiễu trong nước.

Phần Hội Đồng giám mục trong nước tạo ra những xôn xao, những tin đồn đủ loại. Ông Giám mục này từ Mỹ Tho sẽ về Sai Gòn, ông giám mục ở Sài Gòn kia sẽ thay thế chỗ của Tổng Giám mục Kiệt. Có sự trao đổi, mặc cả. Mặc cả thế nào không ai biết. Hư thật bao nhiêu cũng không rõ.

Rồi đùng một cái, Giám mục Kiệt từ giã Roma về lại Hà Nội trước sự ngạc nhiên của mọi người, vượt ra khỏi những tiên đoán, tin đồn.

Mong là từ nay, những việc bổ nhiệm giữ được tính cách trang nghiêm, thuần túy tôn giáo và không phải một cuộc đổi chác , mặc cả, đi đêm với chính quyền cộng sản.

Họ đã tha hóa quyền bính giáo hội thành những chức tước đầy tính cách trần thế và vật chất. Cho ai thì người đó được.

Và nếu không giữ được sự thuần khiết tôn giáo để rơi vào những manh múng cá nhân, những toan tính thế tục với danh vọng quyền lợi thì đó là dấu hiệu bi đát nhất của Hội Đồng Giám mục Việt Nam.

Đã có một số linh mục quốc doanh và còn lại 26 giám mục ai sẽ là giám mục quốc doanh?

Tình trạng ấy đã từng xảy ra, đã từng có những vị phá rào, đã từng có vị ra sách mà tiêu biểu là cuốn Bước Đường hành hương, hai tập, dày 710 trang mà ai đọc cũng phải sượng sùng.

Viết như thế là tự hạ thấp mình, tự bôi tro chát chấu vào mặt nhau để họ coi thường tất cả.

Phần người viết bài này, đã quá thấu hiểu những thứ ngôn ngữ hai mặt, ngôn ngữ dấu mặt che đậy hay ngôn ngữ úp úp mở mở trong các Thư Chung.

Đó là những lá thư chung nội dung kêu, rỗng tuếch và vô nghĩa. Nó không phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người thiên chúa giáo. Nó cũng không hỗ trợ cho những đòi hỏi nhân danh quyền tự do tín ngưỡng hay quyền lợi của giáo dân thiên chúa giáo.

Họa hiếm tôi mới đọc đọc được lá thư của Hội đồng giám mục gửi đến lãnh đạo chính quyền ngày 14-06-1991 trong đó có một vài điểm lên tiếng tích cực như: không được đồng hóa tổ quốc với xã hội chủ nghĩavà quyền tự do tôn giáo. Nhà nước không trả lời.

Thế là xong, đâu lại vào đấy.

Cho nên tôi rất lấy làm ái ngại cho những ai cứ dùng Thánh Kinh, lời Chúa để biện hộ cho những hành vi của mình.

Chúa có thể không làm chính trị, nhưng việc làm của Hồng Y và thái độ của một số giám mục hiện nay thì không giống Chúa.

Đã đến lúc cần một sự thẳng thắn và minh bạch. Đừng mang Chúa ra làm tấm bình phong che đậy nữa. Các hàng giám mục vẫn núp sau những lá chắn như các thư Mục Vụ, Thư Chung, Ngỏ lời với Giáo Dân. Như mới đây Thư Chung HĐGMVN kỳ 1/2010 gửi Cộng Đồng dân Chúa. Nhưng tôi có cảm tưởng Hội Đồng Giám Mục chọn lựa, cân nhắc từng câu từng chữ mà mục đích chính không phải để gửi cho giáo dân đọc mà để cho cấp lãnh đạo đọc.

Nội dung lá thư chung của Hội đồng giám mục viết được một câu ám chỉ xa xôi thế này:

“Giáo Hội của Chúa ở khắp nơi cũng như trên quê hương đất nước chúng ta vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn thử thách xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.”

Viết như thế là viết huề cả làng, năm nào cũng có thể sẽ viết lại như thế và tái diễn những câu chung chung vô tội vạ ấy. Năm sau lại tiếp tục còn những khó khăn, lại còn thử thách. Nhưng không một ai biết đó là khó khăn gì, thử thách gì.

Viết mà né, viết mà ngại úp úp mở mở. Nó thể hiện cái điều tệ hại nhất của con người sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa là sự sợ hãi.

Tôi tố cáo lên ở đây những thái độ ngụy tín [mauvaise foi] của những lá thư ấy và thấy thà không có chúng còn hơn.

Thà quý vị im lặng. Có cần tôi nhắc lại câu nói của linh mục Raymond Gravel trích dẫn ở đầu bài viết không?

Phải xóa đi cái đạo đức giả nhân danh những ngôn từ vốn không thực, vốn chỉ là bánh vẽ.

Cái tồi tệ nhất là sau mấy ngày họp hành, nghỉ ngơi của hội đồng giám mục, 26 vị tin tưởng và hân hoan thơi thới ra về vì tưởng rằng đã chu toàn trách nhiệm chủ chiên, đã nói lên được những “bức xúc” của Hội Đồng.

Ai trong số 26 vị lúc ký vào Thư Chung khi ra về còn nhớ được nội dung Lá thư chung ấy viết gì? Tác dụng của những lá thư chung đó đi đến đâu?

Quý vị đã quá ngây thơ khi xử dụng cái double language, ngôn ngữ hai mặt, thứ ngôn ngữ chung chung, ngoại giao, không chết ai cả.

Tôi gọi chúng là thứ “poisonous writing”, tự đánh lừa mình và đánh lừa người khác.

Và lúc nào cũng tự tạo cho mình một ảo tưởng là đã làm trọn sứ mệnh thiên chức được giao phó.

Và nếu chỉ nói giới hạn trong vòng hơn 30 năm qua, Hội đồng Giám mục đã không làm trọn nhiệm vụ chủ chiên của mình. Cây gậy chủ chiên nhiều lúc biến thành cây gậy ăn mày.

Chẳng hạn khi Hồng Y Phạm Minh Mẫn kêu gọi đối thoại và hòa giải với chính quyền cộng sản thì quả thực là tự lừa dối chính mình.

Trong hơn 30 năm qua, bất cứ cá nhân nào, đoàn thể nào hay tôn giáo nào còn hy vọng hão huyền là có thể đối thoại với chính quyền cộng sản là tham gia vào quá trình tự hủy hoại, tự lệ thuộc chính mình và tôn giáo mình.

Tự nó chế độ cộng sản là một điều xấu tự thân mà cố giám mục Phao lồ Lê Đắc Trọng để lại như sau, Communis-mus est intrinsere malus. (Cộng sản bản chất của nó là xấu.)

Câu này và câu nói của TT Nguyễn Văn Thiệu, xin tạc vào bia đá. Không xin ghi tạc vào đầu mỗi người để nhớ. Và tôi xin được phép ghi thêm câu nói của Lm Paul Deslierres, giáo sư linh hướng của 15 vị giám mục hiện nay khi các vị còn ngồi ghế nhà trường Giáo Hoàng Học Viện Piô 10, Đà Lạt mà tôi có nhiều dịp thảo luận với ngài về cộng sản. Tôi đã có lần hỏi ngài điều gì tồi tệ nhất trong một chế độ cộng sản?

Ngài nói văn tắt, đơn sơ và buồn bã là:

“Điều tồi tệ nhất của người cộng sản là họ đã đánh mất cái hồn của một dân tộc.”

Tôi nghĩ trong ba câu kể trên, câu nhận xét của Lm Paul Deslierres là thấm thía và sâu xa nhất. Xin gửi đến Gm Nhơn, Gm Oanh mà cha Paul Deslierres thường nhắc đến các học trò của ngài trong sự hân hoan, hãnh diện và quý mến.

Cho nên ta đừng hy vọng bất cứ điều gì nơi họ (cộng sản). Thưa Hồng y giáo chủ. Thưa các giám mục, thưa 15 vị học trò cha Paul Deslierres.

Hồng Y Mẫn hãy chứng minh là từ hơn 30 năm nay, chỉ kể từ sau 1975, giáo hội đã hòa giải được gì, đã đối thoại được gì với cộng sản, đã đạt được những thỏa thuận gì với cộng sản? Tất cả những thứ mà quý vị nhận được thật sự chỉ là những thứ mà quý vị đã đánh mất vào tay họ nay đòi lại cũng không xong.

Sự mất còn ấy nói sao cho vừa, cho đủ.

Phần tôi chỉ thấy sau 1975, giáo hội thiên chúa giáo như một số tôn giáo khác cũng đã gẫy thành nhiều mảnh, phân tán, chia lìa, và tự mỗi cá nhân tìm cho mình một con đường sống.

Xin ghi lại câu nhận xét phũ phàng ngay từ những ngày đầu tháng 7 năm 1975:
“Thiên chúa giáo Việt Nam trong lòng chế độ cho thấy: Giáo hội miền Nam là giáo hội tư sản, nặng tinh thần thế tục, lòng đạo từ giám mục trở xuống thiếu chuẩn bị trở thành sa sút nên không có lập trường vững chắc như miền Bắc. Khi cộng sản vô đã vội vàng chấp nhận hoan hô, không phải để bảo vệ đức tin hay tinh thần cộng đồng Vatican cho bằng vì sợ khó khăn, sợ mất của, sợ tù đầy và sợ chết.”

Nhận xét này không phải từ cố giám mục Lê Đắc Trọng mà của một giáo dân, một trí thức miền Nam viết cách đây hơn 30 năm.

Đã có một lá thư chung nào bày tỏ công khai, cụ thể về từng trường hợp, hay lên tiếng bênh vực những bất hạnh mà thiên chúa giáo đã phải lãnh chịu từ năm 1975 chưa?

Hay là sự im lặng chịu đựng, nếu không nói là đồng lõa. Một sự im lặng đồng nghĩa với sự “khôn ngoan” của con cái thế gian. Hãy nghe Mai Chí Thọ dằn mặt các giáo sĩ:

“Nếu các quý vị không đi với chúng tôi thì có nghĩa là các vị không thể đoàn kết với chúng tôi, mà cũng có nghĩa là chống chúng tôi, không thể có nghĩa nào khác.”

Thế là quý vị “rét” co rúm lại.

Cái quan hệ giữa hàng giáo phẩm với chính quyền trồi sụt, đôi khi là thứ quan hệ đóng băng bất đắc dĩ và phải qua trung gian bọn tay sai của cộng sản là Ủy Ban Đoàn Kết như Huỳnh Công Minh.

Mỗi lần cái quan hệ đóng băng ấy trở thành bi kịch thì lại chỉ có tiếng nói đơn độc, tiếng nói cá nhân của một tu sĩ lên tiếng.

Đó là những tiếng kêu giữa sa mạc?

Thoạt kỳ thủy là tiếng nói bất khuất của Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền.


TGM Nguyễn Kim Điền (1921-1988)
Nguồn: vietcatholic.net
Đó là tiếng nói của lương tri, bất khoan nhượng. Ngày 3-7-1986, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền đã gửi thư cho nhà nước cộng sản Hà Nội như sau:

“Tôi sử dụng quyền làm người khi viết thư, đưa bản tin. Tôi thi hành nhiệm vụ tôn giáo giám mục khi gửi thư thăm Giáo Hoàng và cho Ngài một số tin tức tôn giáo trong phạm vi trách nhiệm. Và tôi rất lấy làm vinh dự nhận lãnh tất cả biện pháp xử lý vì tôn giáo, vì nhân quyền. (…) Tù ngục và chết chóc, chủ chăn của anh chị em hôm nay sẵn sàng và vui lòng đón nhận như phần thưởng Chúa ban sau 25 năm làm giám mục và 22 năm được phục vụ giáo phận Huế.” (Thư viết ngày 19-10-1985).

Và căn dặn giáo dân:
“Khi tôi bị bắt rồi thì anh chị em đừng ai tin lời khai nào, dù có kèm tjeo chữ ký mà người ta kể là của chính tôi.”
Không ai bắt các quý vị phải lên tiếng, nhưng đã có một ai có đủ can đảm đứng chung hàng ngũ với Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền.

Phải nghĩ lại điều này để tự xét mình.

Chỉ khi nào quý vị không sợ tù ngục, không sợ mất quyền lợi, chỉ khi nào quý vị vị can đảm chấp nhận hy sinh thì tiếng nói của qúy vị mới là tiếng nói của một mục tử tốt lành vì con chiên của mình.

Sau 1975, xin quý vị đừng mau quên. Hãy nhớ lại giáo Hội nói chung của miền Nam gặp biết bao kiếp nạn mặc dầu với một tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cởi mở và chấp nhận hợp tác với chính quyền mới.

Bọn họ chỉ lợi dụng tổng giám mục Bình và tiến hành triệt đề xiết chặt, bóp nghẹt thiên chúa giáo.

Chưa đầy một tuần sau 30 tháng tư, 1975, TGM Nguyễn Văn Bình gửi tâm thư kêu gọi giáo dân phải hòa mình vào nhịp sống mới cũng trong tinh thần hòa hợp hòa giải:

“Một trang sử mới đã mở ra cho dân tộc Việt Nam. Đây là một niềm vui chung của cả dân tôc. (…) Hơn mọi lúc, giờ đây người thiên chúa giáo phải hòa mình vào nhịp sống của toàn dân, đi sâu vào lòng dân tộc.”
Gaudium et Spes. Anh em ơi. Hãy vui mừng.

Vui mừng đâu chưa thấy, chỉ thấy tai ương đổ xuống cho giáo hội miền Nam.

• Ngày 1-6-1975 : Trục xuất khâm sứ tòa thánh

• Ngày 15-8-1975, trục xuất giám mục Nguyễn Văn Thuận ra khỏi Saì Gòn, sau đó biệt giam và chuyển ra Bắc, bị tù 13 năm trong đó có 9 năm biệt giam, được thả ngày 23-11-1988.

• Các chủng viện bị đóng cửa đồng loạt, bị giải tán và cơ sở thì bị trưng dụng.

• Cũng ngày thứ sáu 15-8-1975, trục xuất giám mục Paul Seitz, tác giả cuốn Le temps des chiens muets. (Thời của những con chó câm), địa phận Kon Tum ra khỏi Việt Nam. Ai là những con chó câm đây? Có quý vị nào trong Hội đồng giám mục viết được một cuốn sách có tính cách phản kháng?

• Ngày 7-7-1976, trục xuất các linh mục Dòng Tên ra khỏi Việt Nam, đóng cửa Giáo Hoàng Học viện Piô X, trong đó có Lm Paul Delierres, hiện nay 90 tuổi, ở Montréal, Canada. Giáo Hoàng Học viện là nơi đã đào tạo cho Việt Nam 16 giám mục hiện nay (một đã qua đời) đã xuất thân từ đấy.

• Ngày 7-10-1975, tất cả các trường thiên chúa giáo đồng loạt bị tịch thu hoặc “tự hiến” cho nhà nước.

• Ngày 12-2-1976 vụ nhà thờ Vinh Sơn với linh mục Nguyễn Quang Minh.

• Ngày 20-5-1987 đến lượt dòng Đồng Công ở Tam Hà, Thủ Đức.

• Toàn bộ các tuyên úy quân đội bị đi học tập cải tạo và khi được thả về nhiều vị sống vất vả, vất vưởng. Giám mục nào là người trách nhiệm lo cho họ?

• Toàn bộ các dòng nữ tu bị giải thể hoặc không có điều kiện vật chất để tồn tại.

• Nhiều linh mục đã chết trong tù như quý Lm Hoàng Quỳnh, Trần Phương Phi, Nguyễn Văn Vàng, Vũ Khánh Tường.


mạnh dạn chỉ ra những kẻ phản bội đàn chiên
Nguồn: mondes-normands.fr
Mất mát quá nhiều. Nào ai đã lên tiếng, mà nay đòi đối thoại? Đối thoại kiểu gì?

Trong các năm từ 1980-1990 là tiếng nói bất khuất của Nguyễn Ngọc Lan và Chân Tín.

Cuối tháng 11, năm 2000, đến lượt các linh mục Nguyễn Văn Lý, Phạm Văn Lợi vào cuộc với bản Tuyên ngôn về thực trạng thiên chúa giáo tại giáo phận Huế.

Chưa bao giờ có tiếng nói can đảm và quyết liệt của Hội Đồng Giám Mục. Đừng biến Hội đồng giám mục là một hội đồng chuột nói bằng thứ ngôn ngữ poisonous writing.

Hiện nay còn cho thấy chiều hường HĐGM ngày càng trở nên khiếp nhược, mềm yếu và bất lực.

Giáo hội Việt Nam nay bị thử thách không hẳn vì do cộng sản chèn ép, đè nén mà còn do các vị mục tử đã không làm trọn vai trò chủ chiên của mình.

Chỉ sợ họ sẽ không đại diện cho tiếng nói giáo dân mà đại diện cho chính quyền bạo lực cộng sản.

Cầu mong chúng ta có được những mục tử giữ được xứng đáng cây gậy mục tử của mình. Muốn thế, cần nhất loạt lên tiếng, cần mạnh dạn chỉ ra những kẻ phản bội đàn chiên.


© DCVOnline


Share/Save/Bookmark

Thứ Hai, 12 tháng 4, 2010

Tìm hiểu Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm Phần XIII: Văn Cao

Nguồn : Thụy Khuê
Thụy Khuê

Cuộc đời Văn Cao gắn bó với toàn bộ sinh hoạt văn nghệ Việt Nam trước kháng chiến, trong kháng chiến và sau kháng chiến. Văn Cao ở trong cả ba bộ môn: thơ, nhạc, họa, cho nên được giới nghệ thuật ba ngành kính phục. Là tác giả quốc ca, nhưng Văn Cao suốt đời bị chính quyền cộng sản nghi ngờ, tác phẩm bị trù dập, phân biệt đối xử.

Tìm hiểu cuộc đời của Văn Cao cũng là tìm hiểu giai đoạn lịch sử 45-46, mà các văn nghệ sĩ xuất thân từ nhiều ngành nghệ thuật khác nhau, nhiều thành phần chính trị và phi chính trị khác nhau đã theo Việt Minh để tranh đấu cho một lý tưởng: chống Pháp. Những Văn Cao, Phạm Duy, Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Đình Thi, Lưu Hữu Phước,... đã có một thời hoạt động chung vai sát cánh, nhưng rồi chính trị sẽ phân lìa mỗi người một con đường, một chiến tuyến...

Tìm hiểu Văn Cao, tức là tìm hiểu tại sao có sự chia cắt tinh thần và thể xác Việt Nam. Tìm đến nguồn cội phát xuất hận thù: Sự tranh bá đồ vương giữa các đảng phái chính trị trên con đường giành độc lập. Để giải toả cho nhiều thế hệ, thoát khỏi cái nhìn một chiều về lịch sử: lịch sử phân biệt ta-địch.

Tìm hiểu Văn Cao là để tìm đến nguồn cội của vấn đề: Văn hoá Việt nam là một toàn khối, không thể chia đôi. Tâm hồn Việt Nam là một toàn khối, không thể phân liệt.

Toàn khối ấy đã thể hiện trong cuộc kháng chiến từ 1945 đến 1950: Hầu hết các văn nghệ sĩ ở mọi khuynh hướng đều cùng nhau "chung lòng cứu quốc".




Share/Save/Bookmark
Related Posts with Thumbnails