Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

Sống

Nguồn : Talawas
Tác giả: Lê Thị Thấm Vân

LTTVTheo Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, tội lỗi – và tội lỗi nghiêm trọng nhất – là khao khát tri thức, tất cả đều phát sinh từ quyết định của một người đàn bà, Eve.

Con người bị cấm không được tìm kiếm tri thức, hắn phải hài lòng với tín niệm và khuất phục. Hắn phải chọn đức tin trên kiến thức, dồn nén tất cả những hiếu kỳ khoa học, chỉ tôn sùng sự khuất phục và vâng lời.

Ghét đàn bà là một hình thức ghét trí thông minh.

Ghét tất cả những gì người đàn bà tượng trưng: khát vọng, hoan lạc, đời sống. Kể cả lòng hiếu kỳ.

Lên án Eve là biểu tượng của tội lỗi.

Nhiều từ điển xác nhận rằng những người đàn bà có đầu óc tìm hiểu đều bị gạt đi và gán cho nhãn hiệu “con gái của Eve”.

*

Eve cứng lòng tự chọn hạnh phúc đời thường. Bà tìm tòi học hỏi, thắc mắc hoài nghi. Sống theo ý muốn, bà bất chấp lời răn dạy của Chúa để ăn thử “trái cấm” từ cây nhận thức. Nhờ ăn trái cấm, bà có được tiếng nói và trí khôn được mở ra, phân biệt thiện ác, sướng khổ, vui buồn, hoan lạc, đớn đau. Bà khước từ hạnh phúc vĩnh cửu do Chúa ban. Bà có ý chí tự do của một con người. Tự do tư tưởng, ý thức bản ngã, tình cảm, độc lập, không chấp nhận bị chỉ huy, khống chế bởi quyền năng hay quyền lực. Bà là người lữ hành dám tự thắp đuốc đi – chối bỏ bóng tối của tín niệm. Không sợ bị đày ải, lưu vong, và sẵn sàng đón nhận mọi thử thách.

Trái lại, Adam là một tên khờ khạo vô tội. Hắn hài lòng sống với sự vâng lời và khuất phục. Hắn cúi đầu bước đi trong lời Chúa phán. Phục tòng để được sống với niềm tin mù quáng. Thỏa mãn trong sự ngu dốt. Ám ảnh sợ phạm phép. Những từ như chống đối, phản kháng, động não, phân tích, kích thích… không hiện hữu trong từ điển đời hắn.

Thử hình dung, nếu không vì tội lỗi của Eve thì loài người giờ đây vẫn còn ăn lông ở lỗ, hú hét thay vì hát hò, lạy lục thay vì nhảy múa. Tê liệt thoải mái đời đời trong Vườn Địa Đàng. Suốt ngày không quỳ thì cúi, cùng nắm tay nhau đọc kinh cầu nguyện, thờ phụng, tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ân sủng lớn nhất: sự ngu dốt.

© 2009 Lê Thị Thấm Vân

© 2009 talawas blog


Share/Save/Bookmark

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2009

Công an Lâm Đồng dùng vũ lực trục xuất tu sĩ ra khỏi tu viện Bát Nhã

Công an Lâm Đồng dùng vũ lực trục xuất tu sĩ ra khỏi tu viện Bát Nhã

Nguồn : RFI
Tú Anh
Quang cảnh khu tu viện Bát Nhã ngày 28/06/2009Ảnh : http://phusaonline.free.fr

Quang cảnh khu tu viện Bát Nhã ngày 28/06/2009
Ảnh : http://phusaonline.free.fr

Từ sáng chủ nhật hôm nay, 27/09/2009, qua mạng thông tin Phusa.net hoặc bằng điện thoại, các tu sĩ ở tu viện Bát Nhã không ngừng kêu cứu.

Các nguồn tin này nói rằng, hàng trăm côn đồ và công an đã tấn công vào cư xá tu viện, đập phá và đánh các nhà sư. Họ truy tìm và bắt hai tu sĩ trưởng là thày Pháp Hội và Pháp Sĩ.

Hành vi bạo lực này đã gây xúc động cho nhiều người bất kể là tu sĩ, phật tử hay cán bộ.

Được tin bất tường, một ni cô nhỏ tuổi báo động với RFI Việt Ngữ như sau :

Phật tử_20090927

27/09/2009

Các nhân chứng tại hiện trường cho biết thêm, công an và « côn đồ » tập trung lực lượng lúc 9 giờ 30 sáng và kỳ hẹn cho tăng thân, khoảng 400 người phải rời tu viện chậm lắm là trong hai ngày.

Trước đe dọa bạo lực, các tăng sĩ ngồi thiền và cầu nguyện cho những người chuẩn bị tấn công họ.

Các ngõ vào tu viện đều bị chặn lại. Khi các toán côn đồ tấn công, đập phá thì công an đi theo, tìm bắt hai thày Pháp Hội và Pháp Sĩ.


Tăng ni phật tử tu viện Bát Nhã kêu cứu

Nguồn : RFI

Tú Anh

Tu viện Bát Nhã ( Lâm Đồng )Photo: Thư Viện Hoa Sen

Tu viện Bát Nhã ( Lâm Đồng )
Photo: Thư Viện Hoa Sen

Trước khi bị công an bắt, tu sĩ Pháp Hội cho biết tình hình tại tu viện Bát Nhã ngày hôm nay, 27/09/2009 và một ni cô ở tu viện tường trình về vụ công an hành hung, xua đuổi các tu sĩ.

Phỏng vấn_20090927


Quý Thầy và Sư Cô ở làng tu Bát Nhã bị hành hung

Công an và xã hội đen với dân làng xông vào làng tu Bát Nhã đánh đập và lôi người đi…

Courtesy ThuVienHoaSen.org

Tu Viện Bát Nhã, xã Dambri, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng

Trước hết Thanh Trúc hỏi thăm một người Phật tử là cô Khanh mà tuần trước đã bị đánh phải nằm nhà thương.

Cô Khanh: Nó đang đánh mấy thầy, mấy cô. Nó núm (nắm) cổ mấy thầy, nó kéo ra, nó dộng cổ mấy thầy, nó kéo ra mấy xe.

Em đang xuống xe. Em đang xuống xe.

Nó đang đánh mấy thầy mấy cô, tội lắm, chảy máu chảy me đầy. Còn Ban Giáo Thọ, quý thầy Pháp Trụ, thầy Pháp Danh, thầy Pháp Trị thì bị nó bắt đi đâu rồi, không biết nữa. Còn mấy thầy nhỏ thì nó bắt, nó đánh, nó dẫn ra ngoài đường đó. Nó bỏ cho một đám côn đồ đánh mấy thầy, rồi nó chở xe taxi đi một khúc, 5 người nó bỏ một khúc, 5 người nó bỏ một khúc, nó không bỏ dồn người một chỗ đâu.

Thanh Trúc: Chuyện xảy ra vào lúc mấy giờ và những người mà kêu là "nó" đó là ai?

Còn mấy thầy nhỏ thì nó bắt, nó đánh, nó dẫn ra ngoài đường đó. Nó bỏ cho một đám côn đồ đánh mấy thầy, rồi nó chở xe taxi đi một khúc, 5 người nó bỏ một khúc, 5 người nó bỏ một khúc, nó không bỏ dồn người một chỗ đâu.

Cô Khanh

Cô Khanh: Nó là công an. Nó là mấy ông thầy đồng hợp tác với phật tử kêu xã hội đen. Một là xã hội đen, hai là công an, công an tỉnh, công an thị xã, rồi công an xã Đam Ri. Rồi nó mướn côn đồ ở ngoài chợ đó, chị ơi.

Thanh Trúc: Chị ơi! Thanh Trúc hỏi lại chị, chị bình tĩnh trả lời Thanh Trúc. Cái chuyện xảy ra từ lúc mấy giờ, lúc nào?

Cô Khanh Dạ 9 giờ sáng hồi nay đó. Các thầy Pháp Trụ, thầy Pháp Hội đang ngồi thiền thì nó nắm cổ nó kéo như kéo chó, nó kéo xuống. Trời nắng có hơi mưa từ sáng tới 2 giờ là bắt đầu kéo xe taxi 5 chỗ, 5 chỗ người nó nhét vô. Nó nắm cổ mấy thầy nó tống vô xe rồi nó đem ra ngoài chỗ một đám du côn ở ngoài. Nó bắt mấy thầy nó bỏ ra chỗ đám đó để mấy thằng du côn đánh mấy thầy.

Thanh Trúc: Chuyện họ lôi mấy thầy ra họ đập như vậy mà chung quanh đó không ai vô can thiệp được hay sao?

Cô Khanh: Dạ đâu có. Tụi nó không à. Người mình đâu có dám vô.

Sau khi hỏi chuyện được cô Khanh thì Thanh Trúc liên lạc được với thầy Pháp Lợi cũng là một tăng thân ở trong khu tu tập Bát Nhã, và câu chuyện đã diễn biến như sau:

Thanh Trúc: Dạ, cái Bát Nhã, Thầy kể cho Thanh Trúc nghe!

Thầy Pháp Lợi: Công an với lại giang hồ, với lại dân mới đầu vô mới đầu nó kiếm chuyện, rồi nó đánh quý thầy, nó đập, nó đá, nó quánh. Xong rồi nó khiêng lên xe taxi, có công an xúc lên xe taxi, xong rồi quánh nữa. Quý thầy hổng đi thì nó quánh. Quánh xong rồi chở ra ngoài cổng (xóm) Mây Đầu Núi thì quý thầy mới nhảy xe xuống thì có những chiếc trước thì thắng lại rồi (mấy thầy) nhảy xuống. Nhảy xuống xong rồi chặn mấy xe taxi kia lại đặng không có cho chở người đi, thì nó xô vô nó quánh, nó kêu dân ra (đánh) luôn. Hồi lúc đó nó bắt thầy Pháp Hội, nó bóp cổ quánh thầy, quánh sưng mỏ. Rồi nó cầm cây nó quánh luôn sư cô ở trên (xóm) Mây Đầu núi luôn. Rồi nó đập, nó đập mấy cái nhà của quý thầy ở. Dạ lúc đó 8 giờ 40 phút. Dạ ngày hôm nay luôn.

Công an với lại giang hồ, với lại dân mới đầu vô mới đầu nó kiếm chuyện, rồi nó đánh quý thầy, nó đập, nó đá, nó quánh. Xong rồi nó khiêng lên xe taxi, có công an xúc lên xe taxi, xong rồi quánh nữa.

Thầy Pháp Lợi

Thanh Trúc: Là Chủ Nhật đó phải không?

Thầy Pháp Lợi: Dạ. Dạ. Đúng rồi.

Thanh Trúc: Khi đó không có ai vô để mà giúp đỡ hay là tiếp cứu mấy thầy, mấy cô trong đó hay sao?

Thầy Pháp Lợi: Dạ không. Không ai dám vô hết. Mà dân ở đó người ta cũng vô người ta đập mình luôn và người ta đuổi mình nữa. Người ta chữi mình dữ lắm.

Và sau khi hỏi thăm tăng thân Pháp Lợi thì phóng viên Thanh Trúc của Đài Á Châu Tự Do cũng gọi được viên trưởng công an xã Đam Ri là ông Thuật:

Ông Thuật: Không nghe rõ chị ơi. Khó, khó nghe quá. Không nghe được.

Thanh Trúc: Tôi nghe anh rõ lắm mà.

Ông Thuật: Nhưng tôi nghe không được. Chút chị gọi lại nhé. Tôi đang làm việc với anh em tí.

Quý thính giả vừa nghe Thanh Trúc tường trình về vụ biến động xảy ra tại làng tu Bát Nhã tại Lâm Đồng vào sáng hôm nay.


Share/Save/Bookmark

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009

Cuốn sách bị cộng sản nguyền rủa

Nguồn : DCVOnline
Felix


Cách đây không lâu, qua sự giới thiệu của một người bà con đang sống tại Pháp, tôi đã đặt mua cuốn sách Le Livre Noir Du Communisme từ Pháp.

Sau khi đọc cuốn sách này, ý nghĩ đầu tiên của tôi là dịch nó ra tiếng Việt để gọi là góp phần đánh đổ cái “rác rưởi” được mệnh danh là chủ nghĩa cộng sản, đang hàng ngày hàng giờ gây ô nhiễm và tàn phá trên quê hương tôi. Nhưng sau cùng, khi cân nhắc đến quỹ thời gian và cả đến khả năng của mình, tôi đã phải từ bỏ ý định đó, cuốn sách quá dày! Nhưng khi có thể được tôi vẫn không quên giới thiệu cho những người quen, bạn bè về cuốn sách này, chỉ tiếc là những người mà tôi giới thiệu đều hạn chế về tiếng Pháp mà lúc đó lại chưa có bản dịch tiếng Anh. Nhưng nay thì ấn bản tiếng Anh, do 2 dịch giả Jonathan Murphy và Mark Kramer thực hiện, đã được ấn hành, nên đã đến lúc tôi xin được trân trọng giới thiệu đến quý vị cuốn sách rất hay này dựa theo lời giới thiệu trên trang web của Đại học Havard (The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression, Harvard University Press, 1999, hardcover, 858 pages, ISBN 0-674-07608-7).

Cuốn sách cung cấp nhiều tài liệu quý và các nhân chứng sống, đã là một sự tố cáo không thể chối cãi về sự tàn ác và phi nhân của cái gọi là chủ nghĩa cộng sản. Những tài liệu được tham khảo để xây dựng nên cuốn sách là của chính các “tác giả” cộng sản, do đó không thể cho rằng đó là sự “bịa đặt với dụng ý xấu” mà các chế độ cộng sản (nhất là tập đoàn cộng sản Vietnam) thường hay chối cãi! Đây là cuốn sách xứng đáng chiếm một chỗ trang trọng trong tủ sách của quý vị!

Vào cuối năm 1997, nhà xuất bản danh tiếng của Pháp, Robert Laffont, đã ấn hành cuốn sách Le Livre Noir Du Communisme (Sách Đen Về Chủ Nghĩa Cộng Sản), một cuốn sách khảo cứu dày 850 trang bao quát toàn bộ về chủ nghĩa Cộng Sản trong thế kỷ 20. Đóng góp vào cuốn sách này là những học giả nổi tiếng nhất của Đông và Tây Âu, những người đã dày công nghiên cứu trong các tài liệu vừa mới phát hiện được.

The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression
Nguồn: Harvard University Press,
Những quốc gia đã từng sống (hoặc vẫn đang còn sống) dưới chủ nghĩa Cộng sản ‒ Liên Sô, các nước Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cambodia, Lào, Cuba, Mông Cổ, v.v... ‒ đều được nhắc đến trong cuốn sách này. Cuốn sách cũng đề cập đến rất nhiều chi tiết rợn người được trích từ những tài liệu chưa hề được công bố trong các nước cựu cộng sản.

Le Livre Noir Du Communisme mở đầu bằng bài viết giới thiệu dài 38 trang, Les Crimes Du Communisme (Tội Ác Của Chủ Nghĩa Cộng Sản), của biên tập viên Stephane Courtois. Bài giới thiệu này và kết luận của nó (cũng của Stephane Courtois) đã là nguyên nhân của nhiều cuộc bút chiến dữ dội tại Pháp. Một vài nhà trí thức và chính trị gia hàng đầu của Pháp, đặc biệt với những người có mối quan hệ hoặc có cảm tình với đảng Cộng Sản Pháp, đã cho rằng Courtois đã đi quá xa khi khẳng định chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Nazi là những hệ thống quyền lực dựa trên sự khủng bố bạo lực. Một số người khác lại cho rằng Courtois đã phóng đại quá lố những sự kiện trấn áp bằng bạo lực với người dân trong các chế độ cộng sản. Courtois và nhiều nhà trí thức khác đã trả lời bằng nhiều loạt bài bút chiến nảy lửa trên báo chí Pháp và các tập san nghiên cứu hàn lâm.

800 trang sách còn lại được chia thành 5 chương.

Chương đầu tiên gồm 250 trang được viết bởi sử gia danh tiếng của Pháp Nicolas Werth, Un Etat Contre Son Peuple: Violences, Repressions, Terreurs En Union Sovietique (Một Quốc Gia Chống Lại Chính Nhân Dân Của Mình: Bạo Lực, Đàn Áp Và Khủng Bố Tại Liên Bang Soviet), dựa vào rất nhiều những dữ kiện mới được bạch hóa gần đây. Chương này được chia thành 15 phần mở đầu với bài viết Paradoxes Et Malentendus D’Octobre (Những Nghịch Lý Và Ngộ Nhận Về Tháng Mười) tường thuật toàn bộ mọi giai đoạn khủng bố khốc liệt của người Bolshevik, các đao phủ của Stalin và cả các biến cố xảy ra sau cái chết của Josef Stalin.

Chương thứ hai dày 100 trang đã đào sâu nghiên cứu về khối Komintern và vai trò của Liên Sô trong các phong trào cộng sản thế giới, Revolution Mondiale, Guerre Civile Et Terreur (Cuộc Cách Mạng Thế Giới, Nội Chiến Và Khủng Bố), do Stephane Courtois, Jean Louis Panne và Remi Kauffer cùng viết. Chương này được chia làm 3 phần, Le Komintern De L’Action (Những Hoạt Động Của Khối Komintern) của Courtois và Panne, L’Ombre Portee Du NKVD En L’Espagne (Cái Bóng Của NKVD Tại Tây Ban Nha) của Courtois và Panne và Communisme Et Terrorisme (Chủ Nghĩa Cộng Sản Và Chủ Nghĩa Khủng Bố) của Kauffer.

Chương thứ 3, L’Autre Europe: Victime Du Communisme (Một Châu Âu khác: Nạn Nhân Của Chủ Nghĩa Cộng Sản), dày 100 trang cung cấp một cái nhìn về chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu. Tác giả phần thứ nhất chuyên khảo về Ba Lan, là một sử gia nổi tiếng nhất của Ba Lan, Andrzej Paczkowski, người đã giúp rất nhiều cho các học giả Tây Phương tiếp cận được với kho lưu trữ tài liệu của Ba Lan. Phần thứ hai, dày gần 70 trang do một sử gia danh tiếng khác của Tiệp Khắc, Karel Bartooek, viết về phần còn lại của các nước cựu cộng sản ở Trung Âu và vùng Balkans. Hai phần này đã cung cấp cho độc giả một lượng định phong phú và đa dạng về phong trào tập thể hóa và Soviet hóa tại các nước Đông Âu, dựa trên những tài liệu mới được bạch hóa.

Chương thứ tư, Communismes D’Asie: Entre Reeducation Et Masacre (Chủ Nghĩa Cộng Sản Tại Châu Á: Giữa Sự Cải Tạo Và Tàn Sát), tập trung vào các nước Đông Á (Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, Lào và Cambodia). Chương này được chia thành 3 phần. Phần đầu dày khoảng 100 trang, tác giả là một sử gia danh tiếng của Pháp, Jean-Louis Margolin, khảo cứu về Trung Quốc dưới triều đại Mao Trạch Đông. Phần này cũng đề cập đến cuộc nội chiến ở Trung Quốc cũng như các sự kiện quan trọng trong lịch sử Trung Quốc diễn ra sau năm 1949 (Cuộc Đại Nhảy Vọt, cuộc Cách Mạng Văn Hóa, v.v...) và sự xâm lăng Tây Tạng. 30 trang kế tiếp, cũng do Margolin viết, tập trung vào Bắc Hàn, Việt Nam và Lào. Phần thứ 3, tác giả là nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về Cambodia, Pierre Rigoulot, giới thiệu một toàn cảnh về Cambodia dưới ách Khmer Đỏ.

Chương cuối cùng, Le Tiers Monde (Thế Giới Thứ Ba), bàn về các chế độ cộng sản ở các vùng lãnh thổ khác thuộc thế giới thứ 3. Chương này cũng được chia thành 3 phần. Phần đầu, do Pascal Fontaine viết, dày 35 trang khảo sát về Cuba, Nicaragua (dưới chế độ Sandinista) và phong trào Sendero Luminoso (Con Đường Sáng) tại Peru. Phần thứ 2, dày 30 trang viết về các nước cộng sản (hoặc cựu cộng sản) tại Châu Phi ‒ Ethiopia, Angola và Mozambique ‒ do nhà nghiên cứu hàng đầu về Châu Phi của Pháp, Yves Santamariabe, viết. Phần thứ 3, dày 25 trang phân tích về Afghanistan từ cuối thập niên 70 đến đầu thập niên 90; tác giả là Sylvain Boulouque.

Cuốn sách chấm dứt bằng 30 trang kết luận của Stephane Courtois với tựa đề Pourquoi? (Tại Sao?), là một cố gắng để thấu hiểu về những tàn phá và khủng bố được hệ thống hóa trong 800 trang trước đó. Courtois cho rằng mặc dù được giải tỏa rất nhiều do sự phanh phui các tài liệu mật dưới thời cộng sản (vốn vẫn giữ bí mật mãi cho đến gần đây) đã dẫn đến sự hiểu biết tốt hơn về các sự kiện phức tạp... Câu hỏi căn bản của vấn đề vẫn còn y nguyên: Tại Sao? Tại sao chủ nghĩa cộng sản hiện đại, khi xuất hiện vào năm 1917, lại ngay tức khắc trở thành một ách độc tài khát máu và một thể chế của tội phạm? Phải chăng các cứu cánh mà chủ nghĩa này hướng tới chỉ có thể đạt được thông qua bạo lực tối đa?

Với sự phân tích chi tiết về vấn đề làm thế nào các phương cách khủng bố bạo lực lại trở thành một lối sống dưới thời Lenin và Stalin, Courtois kết luận rằng “động cơ thực sự của sự khủng bố cực độ này chính là tư tưởng của Lenin, và ý chí ngông cuồng của một thiểu số cầm quyền muốn áp đặt cho dân chúng một học thuyết hoàn toàn xa lạ với thực tiễn.” Tư tưởng toàn trị này, Courtois khẳng định, đã gây nên sự tàn sát không thương tiếc tất cả những ai được cho là sự cản trở cho sự hình thành chế độ mới “... Những người đối địch đầu tiên được dán cái nhãn kẻ thù của nhân dân, sau đó là cái nhãn tội phạm, và phải được loại bỏ khỏi xã hội. Sự loại bỏ nhanh chóng được hiểu là sự thủ tiêu.” Quan điểm căn bản này, ông viết, đã hiện diện “dưới những múc độ khác nhau, trong tất cả các chế độ tự xung là cộng sản.”

Ngoài bài giới thiệu, 5 chương sách và bài kết luận, cuốn sách còn cung cấp các bản văn hoặc các tài liệu mới được bạch hóa (và, đặc biệt có vài tài liệu chưa hề được ấn hành) như là nguồn tham khảo. Những tài liệu được trích dẫn đều dưới dạng bản dịch qua tiếng Pháp, nhưng nhà xuất bản Pháp cũng cung cấp các bản copy bằng ngôn ngữ nguyên bản để cho phép dịch chúng ra tiếng Anh.

The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression
Nguồn: Harvard University Press,
Những tài liệu này bao gồm như chỉ thị về cuộc đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy của Tambov năm 1921, thư từ trao đổi giữa Stalin và nhà văn Mikhail Sholokhov, biên bản về các cuộc hỏi cung trong thời Đại Thanh Trừng của Liên Sô, bảo cáo về vài cuộc xử án tiêu biểu tại Liên Sô và các nước Đông Âu, chỉ thị về sự xử tử các sĩ quan Ba Lan tại khu rừng Katyn năm 1940, nghị quyết về sự trục xuất các chủng tộc thiểu số tại Liên Sô, báo cáo từ các trưởng trại tù khổ sai ở Siberia, nhiều tài liệu về các hoạt động của đảng Cộng Sản Pháp, tài liệu về sự đối xử với các tù binh tại Liên Sô, các báo cáo về các hoạt động của du kích cộng sản trong cuộc nội chiến tại Hy Lạp, tài liệu về sự dính líu của cơ quan an ninh Đông Đức với tên trùm khủng bố Carlos, các báo cáo về sự áp chế cưỡng bức đối với các tín đồ tôn giáo, các chỉ thị được cơ quan mật vụ các nước Đông Âu ban hành, báo cáo về sự đàn áp chính trị tại Romania và Trung Quốc, các tài liệu về các nhà tù và trại lao động khổ sai ở Trung Quốc, báo cáo và chỉ thị trong cuộc Đại Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa ở Trung Quốc, và còn nhiều nữa.



© DCVOnline

Share/Save/Bookmark

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009

Tướng Sĩ Tượng

Nguồn : Everywhere Land


Tin 1: trước phiên tòa

“Khác với thường lệ, trước khi phiên xử bắt đầu, tòa đã yêu cầu tất cả mọi người rời khỏi phòng xử trước khi các bị cáo được dẫn giải đến vành móng ngựa. Phóng viên trong và ngoài nước phải tác nghiệp ngoài, thông qua 2 màn hình lớn. Lý do được chủ tọa đưa ra là để giữ sự nghiêm trang và không làm ảnh hưởng đến Hội đồng xét xử cũng như các bị cáo.”


Tin 2: sau phiên tòa

“…chủ tọa Nguyễn Đức Sáu cũng cho biết, trước khi vụ án được đưa ra xét xử, tòa ánTP HCM đã nhận được rất nhiều đơn từ, công văn của các ban ngành, tập thể "tha thiết" đề nghị tòa công minh xem xét giữa công và tội, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.


Tòa án TP HCM đuổi người dự phiên xử, trong đó có cả các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, ra ngoài với lý do “không làm ảnh hưởng đến Hội đồng xét xử”. Nhưng cũng chính chủ tọa phiên tòa lại thừa nhận rằng trước khi xử ông ta đã “đã nhận được rất nhiều đơn từ, công văn của các ban ngành, tập thể "tha thiết" đề nghị tòa công minh xem xét giữa công và tội, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.” Và một phần nhờ đó mà án phạt ông Sĩ chỉ còn là 3 năm tù giam, thấp hơn nhiều so với khung hình phạt 10-20 năm tù giam theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự.


Thật buồn cười. Ông Tòa đuổi người dự xử một phiên tòa công khai vì sợ ảnh hưởng tới Hội đồng xét xử. Nhưng ông lại gián tiếp thừa nhận rằng Hội đồng xét xử đã chịu ảnh hưởng của những “công văn của các ban ngành, tập thể” (?)… đề nghị tòa “giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo”. Đó là điều buồn cười thứ nhất.


Cơ quan tư pháp không độc lập, xét xử căn cứ vào tội trạng và bằng chứng mà lại thừa nhận ảnh hưởng của các ban ngành, tập thể trong quyết định xét xử. Đó là điều buồn cười thứ hai.


Bị cáo Sĩ bị phía Nhật cáo buộc là nhận 820.000 USD tiền hối lộ nhưng như những gì báo chí tường thuật về phiên tòa thì sự việc này không hề được Viện kiểm sát nhắc đến. Từ vụ án 820.000 USD xuống còn vụ án 52 triệu VND (là số tiền ông Sĩ nhận từ những người thuê nhà hữu hảo). Đó là điều buồn cười thứ ba.


Phiên tòa “gửi giấy triệu tập tới 87 người có liên quan trong vụ án nhưng chỉ có hơn chục người có mặt”. Và việc vắng mặt tới 60-70 người liên quan đó cũng chẳng hề ảnh hưởng gì tới việc xét xử chóng vánh trong 2 ngày của phiên tòa. Đó là điều buồn cười thứ tư.


Một vụ án được đích thân “Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo”, với sự tham gia hợp tác của cơ quant ư pháp hai nước mà hậu quả của nó khiến Nhật Bản tạm ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam mà cuối cùng thành ra một thứ đầu voi đuôi chuột, liên quan vỏn vẹn tới số tiền hơn 1 tỷ đồng cho thuê nhà sai nguyên tắc. Đó là điều buồn cười thứ năm.


Bị cáo Sĩ chắc hẳn sẽ chỉ phải ngồi tù chừng 1 năm, rồi sẽ được “đặc xá” sớm còn kịp đi ăn cưới con gái (bị hoãn do vụ án). Cũng là sui gia nhưng sui gia Tổng thống Indonesia thật xui xẻo, đường đường là sui gia Tổng thống đương nhiệm mà bị bốn năm rưỡi tù vì tội “tham nhũng”. Đúng là một quốc gia không có tình. Ở Việt Nam “đất nước tình yêu” chúng ta thì chỉ là sui gia (dù chưa chính thức) của ai đó thì tòa án đã có thể nhận được rất nhiều đơn từ, công văn (sao không thấy ông Tòa nhắc tới thư tay hay điện thoại) xin giảm tội rồi. Và theo đó mức án cũng giảm chóng mặt, từ 10-20 năm tù (khung hình phạt) xuống còn 5-6 năm tù (đề nghị của VKS) xuống nữa còn 3 năm tù (án tuyên) và chắc sẽ xuống nữa còn…xxx (đặc xá).


Giá các lô-cốt đang gây tắc nghẽn, kẹt xe, lãng phí không biết bao nhiêu của cải, tài nguyên ở TP HCM cũng giảm đi với cùng tốc độ!.


Share/Save/Bookmark

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2009

Giới thiệu sách: Sam Harris - Tận cùng của Ðức tin

Nguồn : X-Cafe

Lê Quốc Tuấn, X-cafe
Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải của Sam Harris, xuất bản lần đầu tiên vào tháng Tám năm 2004. Ngay năm sau, 2005, tác phẩm này đoạt giải PEN/Martha Albrand của Hội Văn Bút Mỹ (thuộc Hội Văn Bút Quốc tế ) dành cho một tác phẩm Non-Fiction đầu tay và lập tức đứng hạng 4 trên danh mục sách bán chạy nhất của báo New York Time trong 33 tuần lễ liên tục.

Sam Harris đã khởi sự chấp bút tác phẩm này trong môt giai đoạn đặc biệt của lịch sử nước Mỹ nói riêng và nhân loại nói chung, một giai đoạn mà ông diễn tả như “một thời điểm của sửng sốt và đau buồn" ngay sau biến cố 11/9/2001. Với một căn bản vững chắc về triết học và thần kinh học, ông đã nghiên cứu sâu xa về tâm thức con người để tìm ra các vấn nạn đương thời của nhân loại vốn bắt rễ sâu từ các đức tin tôn giáo. Ông mạnh mẽ phê phán sự bùng nổ của các chủ thuyết cực đoan tôn giáo hiện nay trên căn bản thực tế của việc các tổ chức mang danh nghĩa thế tục đang tiếp tục chiều đãi các tôn giáo như thể các tín lý từ đức tin của họ đã được thực tạo từ căn bản sự thật; trong khi chỉ là những niềm tin chủ quan được lót đường bởi sức nặng của các truyền thống khác nhau, khiến tôn giáo trở thành một điểm tựa quan yếu trong đời sống tinh thần của công chúng gây ra một sức cản đáng kể đến phát triển của văn minh nhân loại.

Không ít người vẫn cho rằng niềm tin tôn giáo của mình là một chuyện riêng tư. Mỗi con người tự tìm lấy cho mình một phương cách giải thoát tùy vào niềm tin, tôn giáo khác nhau của mình. Và, họ thường nghĩ rằng chính các niềm tin tôn giáo của mình cũng là căn bản cho đạo đức, thương yêu và các giềng mối tốt lành khác trong xã hội. Nhưng, Sam Harris, qua tác phẩm luận thuyết sắc bén này, đã vạch ra căn bản sai lầm của một quan niệm như thế. Ông cho rằng đã đến lúc mỗi con người phải tự tỉnh thức về những niềm tin tôn giáo của chính mình, nhìn ra được mối nguy hại liên đới của tôn giáo trong các bất ổn của xã hội, đặc biệt là trong một hoàn cảnh sôi bỏng như hiện nay của thế giới, khi chúng ta đang gần kề thảm họa của một cuộc chiến tranh hạt nhân vốn bắt rễ từ những nguyên nhân tôn giáo.

Bằng ngòi bút có lúc khôi hài, châm biếm nhưng không quá gay gắt, đầy tính thuyết phục với rất nhiều thông tin và các trích dẫn trực tiếp từ Kinh Thánh và kinh Koran. Trong Tận cùng của Ðức tin, sau khi lưu tâm độc giả đến thực tế của việc đại đa số nhân loại vẫn còn tin tưởng vào các đấng tạo hóa khác nhau, Sam Harris cho độc giả thấy các tôn giáo đã hứa hẹn thiên đàng cho những ai tin đạo và nguyền rủa người vô đạo như thế nào. Từ Sách Đệ nhị luật dạy tín đồ không được thương xót kẻ quấy đạo mà phải giết đi ( “Con phải ném đá cho chúng chết đi, vì chúng đã lôi kéo khuyến dụ con ra khỏi Thiên Chúa”. Deut 2) cho đến “Những ai dám chối bỏ các Khải huyền của ta sẽ phải bị trừng phạt cho hành vi xấu xa của y “ như trong kinh Koran. Tác giả thẳng thắn tố cáo tôn giáo không phải là một cội nguồn tốt đẹp, vì thực đã gây ra quá nhiều tổn hại đến an bình và hạnh phúc của nhân loại. Sam Harris đã quan sát không chỉ từ Osama bin Laden cùng những tuỳ tòng của y mà còn đến cả Tổng thống George.W. Bush cùng những mục sư truyền giảng phúc âm trong xã hội Mỹ đương đại. Ðể qua đó, điểm mặt những loài quỷ dữ phạm trọng tội với nhân loại trong suốt bề dày lịch sử trong chính những con người sùng bái các đạo giáo khác nhau, đồng thời chỉ ra mối hiểm nguy mà tôn giáo đang đe dọa đến đời sống tiến bộ của con người. Ông dẫn ra các mối xung đột trong đó "tôn giáo đã là nguyên nhân duy nhất của hàng triệu cái chết trong thập niên qua”. Theo ông, các tôn giáo lớn của thế giới đã không còn thích hợp với đời sống, vì thế các tôn giáo lớn đã không tránh khỏi xung đột và đã thực sự ngăn cản đến ổn định của toàn cầu.

Ðặc biệt, song song với những khi phê bình gay gắt đến những kẻ cực đoan, tín điều, cuồng tín, bảo thủ … Sam Harris còn không nương tay với tập thể của những con người ôn hòa tôn giáo. Những con người mà theo ông, chỉ là những kẻ tự giam mình trong các ảo tưởng của các bí ẩn hoang đường thời cổ đại. Những bí ẩn hoang đường mà một con người ít học nhất của xã hội ngày nay cũng có thể hiểu biết tốt hơn về những kiến thức thô thiển của một ai từ hơn 2000 năm trước. Và hầu hết những hiểu biết hiện đại này hiển nhiên không còn tương thích với các kinh sách nữa. Do đó, theo ông, những người ôn hòa tôn giáo (vốn là tuyệt đại đa số những ngưòi tin vào đạo giáo ngày nay) đang buộc phải sửa chữa, tái giải thích không ngừng các căn bản chứng tín quá tồi tệ của họ trong hệ thống kinh sách cũ, sao cho hòa hợp được với những phát hiện mới của khoa học kỹ thuật hiện đại, và những giá trị mới của xã hội đương đại trong tuyệt vọng.

Ðối với tác giả, “Cái vấn nạn lớn nhất mà văn minh nhân loại đang đương đầu không phải chỉ từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo…mà chính phần lớn những người ôn hòa tôn giáo phải chịu trách nhiệm về những xung đột tôn giáo trên thế giới của chúng ta, bởi vì các niềm tin của họ đã mang lại cái ngữ cảnh mà ở đó, chủ nghĩa kinh sách nghĩa đen cùng bạo hành tôn giáo chưa từng bao giờ được phô bày đúng nghĩa”. Ông mạnh dạn chỉ trích chính trường phái ôn hòa tôn giáo đã tạo nên mội trường thích hợp nuôi dưỡng cho sự cực đoan. Ông biện giải rằng, chỉ kêu gọi chính phủ điều tiết tự do tín ngưỡng của cá nhân thôi như các nhà ôn hòa tôn giáo đã làm , thực là chưa đủ. Bởi vì niềm tin là trách nhiệm trực tiếp của hành động. “Những người ôn hòa không muốn giết hại một ai nhân danh Thiên Chúa, nhưng họ muốn chúng ta tiếp tục dùng từ “Thiên Chúa” như thể chúng ta chúng ta phải biết mình đang nói về cái gì”. Trong nhiều trường hợp khác, Sam Harris còn chỉ rõ, những người ôn hòa chỉ đến với vị trí ôn hòa của họ bằng cách biến cải đi các chi tiết không tương thích của kinh sách và tìm cách tiêu hóa các phát triển của xã hội hiện đại.

Sam Harris
Xuyên qua các khẳng định, cáo giác và phân giải kèm theo các chứng liệu từ kinh sách và lịch sử, Sam Harris kêu gọi sự hợp tác của mọi người để tự cứu lấy chính thế giới của mình khỏi thảm họa diệt vong. Ông cho rằng, chừng nào nhân loại còn bám vào những đức tin tôn giáo, vốn đầy những chấp nhặt, phân rẽ tự trong căn nguyên, chừng đó nhân loại còn chìm trong chia rẽ, đối nghịch. Sam Harris khẳng định dứt khoát chúng ta phải dứt bỏ mọi đức tin tôn giáo phi lý, mù quáng và lỗi thời nếu chúng ta thực sự muốn cải thiện tình trạng hiểm nghèo của thế giới hiện nay. Đó cũng chính là tiêu đề của tác phẩm và cũng chính là lý do khiến tác phẩm này trở thành nghiêm chỉnh và đáng sợ đối với nhiều ngưòi.

Tận cùng của Ðức tin còn là một tác phẩm của lòng can đảm. Can đảm trong cáo trạng đầy thách thức của nó với các tôn giáo và hệ thống giáo quyền. Can đảm trong ý muốn đánh bật lòng thức tỉnh của mấy tỉ con ngưòi đang đắm chìm trong các niềm tin vào các tôn giáo ở nhiều mức độ khác nhau. Và, đặc biệt can đảm khi tác giả dám gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh này giữa một giai đoạn sôi bỏng nhất của xung đột tôn giáo toàn cầu vốn vừa dẫn đến thảm họa kinh hoàng tại Trung Tâm Thương mại Quốc tế ở Nữu Ước năm 2001. Xuất bản tác phẩm này, tác giả Sam Harris chắc chắn đã và sẽ phải chịu đựng vô số cơn tức giận từ những ngưòi tin đạo ở khắp mọi ngõ ngách của cuộc sống. Tuy nhiên, đối với những ai tìm được hữu ích, dù nhỏ nhất, từ tác phẩm này cũng phải biết ơn tác giả đã dám đứng dậy cất lên lời cảnh tỉnh cần thiết này.

Tận cùng của Ðức tin là một trong nhiều tác phẩm ấn hành gần đây trong chủ đề phê phán các tôn giáo và tệ nạn cuồng tín trên thế giới. Sam Harris rất xuất sắc trong việc vạch ra những sự kiện có thực về sự dã man, mất nhân tính và các hậu quả tàn hại mà các tổ chức tôn giáo cụ thể là các con cái của Abraham (Do thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo) đã gây ra trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, kiến thức và nhất là đời sống sau (cái chết) của nhân loại. Mặc dù Richard Dawkins trong The God Dellusion, Chris Hitchens trong God is not Great và các tác giả khác đã đem đến công chúng những lời cảnh báo tương tự nhưng thật sự vẫn chưa đủ. Công chúng nói chung vẫn kém thông tin về các mặt trái đen tối của các tôn giáo và giáo quyền. Sẽ khó có thể tiến tới một nghiên cứu khách quan và tường tận về vai trò tương lai của tôn giáo trong đời sống nhân loại nếu vẫn tồn tại những quan điểm chủ quan, thiên vị như những nguyên tắc căn bản trong các chính sách giáo dục, chính trị, xã hội. Tác phẩm này của Sam Harris đã đi một bước dài hơn nữa trên con đường tìm ra một chân dung đích thực của tôn giáo cho hôm nay và ngày mai.

Ðây là một một tác phẩm “cần phải đọc của tất cả những người có ý thức” (theo Giáo sư Alan Dershowitz, Giáo sư Luật khoa, đại học Harvard).

Share/Save/Bookmark

Sam Harris - Tận cùng của Ðức tin: Vấn nạn đối với Hồi Giáo

Nguồn : X-Cafe

Sam Harris
Lê Quốc Tuấn, X-cafe chuyển ngữ
Chương 4: Vấn nạn đối với Hồi Giáo

Mặc dù lập luận của tôi trong tập sách này nhắm vào bản thân của đức tin, sự khác biệt giữa các đức tin cũng thích đáng vì chúng không thể lầm lẫn được. Sau cùng, có một lý do tại sao hiện nay chúng ta phải đối đầu với Hồi Giáo, hơn là với khủng bố Jain, trong mọi ngõ ngách của thế giới. Jain không tin vào điều gì có thể đúng ở mức rất nhỏ mà khiến có thể khêu gợi họ phạm vào các hành vi của bạo lực tự sát đối với những người không theo đạo. Bằng bất cứ thước đo tiêu chuẩn nào mà chúng ta muốn theo đuổi (đạo đức, thực dụng, nhận thức luận, kinh tế. v.v…), có những niềm tin tốt lành và có những niềm tin xấu xa-và hiện nay thật rõ ràng với tất cả mọi người rằng Hồi giáo có nhiều phần chung với các loại niềm tin thứ hai.(1)

Dĩ nhiên, giống như mọi tôn giáo, Hồi giáo cũng đã có những thời điểm vinh quang của họ.Các học giả Hồi giáo đã sáng tạo toán đại số, dịch các danh tác của Plato và Aristotle, và đã đóng góp quan trọng cho nhiều nền khoa học khi mới khai sinh vào thời gian mà Kitô giáo Âu Châu đang đắm mình trong ngu dốt sâu thẳm nhất. Chính chỉ nhờ vào cuộc chinh phục Tây ban Nha của Hồi giáo mà các văn bản Hy Lạp cổ điển mới tìm được đường vào các phiên dịch Latin làm nẩy mầm phong trào Phục Hưng ở tây Âu. Có thể được hang ngàn trang sách để liệt kê danh mục các sự thực như thế này cho mọi tôn giáo, nhưng cho mục đích gì ? Có cho thấy được đức tin tôn giáo là tốt lành, hay ngay cả nhân từ ? Có phải là một hiển nhiên rõ ràng khi cho rằng đức tin tôn giáo đã tạo nên hầu hết các giá trị trong thế giới của chúng ta, bởi vì gần như mỗi một người khi dương cao chiếc búa hay chỉnh một cánh buồm để ra khơi từng là một thành viên tận tụy của một văn hoá đạo giáo này hay một văn hóa đạo giáo khác. Có lẽ đã không có ai khác để làm việc. Chúng ta cũng có thể nói rằng những thành quả của nhân loại trước thế kỷ hai mươi được hình thành bởi những người đàn ông, đàn bà từng hoàn toàn dốt đặc về các căn bản phân tử của đời sống. Ðiều này có cho thấy rằng quan điểm sinh học của thế kỷ mười chín có đáng để giữ gìn hay không ? Không hề có ai nói thế giới của chúng ta sẽ ra sao như hiện nay nếu không có các vương quốc vĩ đại của Lý lẽ nổi lên vào thời của Thập tự chinh và đã bình định được đám đông nhẹ dạ của châu Âu và Trung Ðông. Chúng ta đã có thể có nền dân chủ hiện đại và internet từ năm 1600. Sự thật rằng đức tin tôn giáo đã để lại dấu ấn của mình trên tất cả khía cạnh của nền văn minh chúng ta không phải là một lập luận có lợi cho điều ấy, cũng không một đức tin riêng biệt nào được miễn nhiễm vì một số những người ủng hộ đã tạo được những đóng góp có tính căn bản cho bền văn hóa của nhân loại.

Tuy nhiên, cứ nhìn vào những thăng trầm của lịch sử Hồi Giáo, tôi ngờ rằng ở khởi điểm mà tôi đã chọn cho cuốn sách này - về một kẻ đánh bom tự sát đơn độc vốn có hậu quả từ các niềm tin tôn giáo của y - chắc sẽ làm giật mình cáu tiết nhiều độc giả, vì đã bỏ mặc hầu hết các phê bình về vùng Trung đông của các nhà bình luận về các cội rễ của những bạo lực Hồi giáo. Ðã bỏ mặc lịch sử đau thương của của sự chiếm giữ vùng Tây ngạn sông Jordan và dải Gaza của người Do Thái. Bỏ mặc sự thông đồng của các quyền lực Tây phương với các chế độ độc tài tham nhũng. Bỏ mặc đi cái nghèo đói địa phương và sự thiếu thốn các cơ hội kinh tế giờ đang quấy nhiễu trong thế giới Ả Rập. Nhưng tôi muốn tranh luận rằng chúng ta có thể bỏ mặc đi tất cả những điều này-hoặc chỉ xem xét giải quyết chúng ngõ hầu để chúng được nằm yên an toàn trên kệ sách- bởi vì thế giới đang bị tràn ngập bởi những kẻ nghèo, thất học, và những kẻ bị bóc lột không hề phạm tội ác khủng bố, thực ra là không bao giờ phạm vào các tội ác đại loại như thế đã trở nên quá sáo rỗng tầm thường giữa những người Hồi Giáo; và thế giới Hồi Giáo đã không thiếu những quý đàn ông, đàn bà có học thức, giàu có, ít nhiều đang chịu đựng sự cuồng dại của họ với học thuyết mạt thế trong kinh Koran, những người khao khát muốn giết người ngoại giáo vì Thượng đế.(2)

Chúng ta đang lâm chiến với Hồi Giáo. Công khai nhin nhận sự thật này không đem lại lợi ích gì cho các mục tiêu chính sách đối ngoại của chúng ta, nhưng đó là một sự thực không mơ hồ chút nào cả. Không phải chúng ta chỉ lâm chiến với một tôn giáo hòa bình khác đã bị “không tặc” bởi những kẻ cực đoan. Chúng ta đang ở trong cuộc chiến tranh với đúng cái cảnh tượng sống vốn được diễn đạt đế tất cả những người Hồi giáo trong kinh Koran, được chi tiết hoá rõ ràng trong sử thánh, thuật lại các lời dạy và hành vi của Nhà tiên tri. Một tương lai mà Hồi giáo và Tây phương không phải đứng cạnh bờ vực của hủy diệt là một tương lai trong đó người Hồi giáo phải học để bác bỏ đi hầu hết các kinh sách của mình, cũng như người Kitô giáo phải hành xử tương tự như thế với kinh sách của họ. Một chuyển biến như thế không cách chi có thể xảy ra nếu như nhìn vào các tín lý của Ðạo Hồi.

Một cái bản lề không có chốt giữa

Nhiều tác giả đã vạch ra rằng nói về “chủ nghĩa chính thống” Hồi giáo là mơ hồ bởi vì nó đem lại cho thấy rằng có một khác biệt lớn về học thuyết giữa Hồi giáo chính thống và Hồi giáo dòng chính. Tuy nhiên, sự thật là hầu hết người Hồi Giáo biểu hiện như là “chính thống” trong ý nghĩa Tây phương của từ ngữ này – trong ý nghĩa mà ngay cả “người ôn hòa” tiếp cận với Hồi Giáo thường xem kinh Koran như lời đúng và không thể sai lầm của một Thượng đế duy nhất có thực. Khác biệt giữa người chính thống và ôn hòa – và chắc chắn cũng là khác biệt giữa tất cả “những người cực đoan” và ôn hoà – là mức độ mà họ thừa nhận các hành động chính trị và quân sự trở thành thực chất cho việc thực hành đức tin của họ. Trong bất cứ trường hợp nào, những ai tin rằng Hồi giáo phải thông báo mọi chiều kích của hiện hữu con người, gồm cả chính trị và luật pháp, thì hiện nay thường được gọi –không phải là “những người chính thống” hay “những người cực đoan”, mà nên gọi là “những người Hồi giáo”.

Thế giới, trong quan niệm của Hồi giáo, được chia thành “Thế giới của Hồi giáo” và “Thế giới của chiến tranh”, và chính sự chỉ định thứ hai đã chứng tỏ có bao nhiêu người Hồi Giáo tin những khác biệt của mình với những ai không chia xẻ niềm tin với họ sẽ dứt khoát phải được giải quyết. Dù không nghi ngờ gì rằng có nhiều người Hồi giáo “ôn hòa” đã quyết xem xét lại tính chiến đấu khó xóa bỏ được của tôn giáo mình, Ðạo hồi thực không thể chối cãi, là một tôn giáo của sự xâm lược. Tương lai duy nhất mà một con người Hồi giáo sùng đạo có thể hình dung ra –như một người Hồi Giáo – là một tương lai trong đó tất cả những kẻ ngoại đạo từng cải qua Hồi giáo đều phải bị khuất phục hoặc giết bỏ.Các tín lý của Hồi giáo đơn giản không chấp nhận bất cứ thứ gì trừ một sự tạm thời chia xẻ quyền lực với “các kẻ thù của Thượng đế”.

Như hầu hết các tôn giáo khác, Hồi giáo đã chịu đựng nhiều sự chia cắt khác nhau. Kể từ thế kỷ thứ bảy, người Sunni (thành phần đại đa số) đã xem người Shia như không chính thống, và người Shia đã từng đáp lễ lại. Các chi nhánh cũng đã nổi lên giữa mỗi giáo phái này, ngay cả giữa hàng ngũ những người rõ ràng là Hồi giáo với nhau. Chúng ta không cần phải đi sâu vào các trong môn đại số học bè phái này, trừ sự lưu ý rằng những chia phân rẽ nhánh này đã có ảnh hưởng tốt đến việc chia rẽ đến chính thế giới của Hồi Giáo. Dù điều này làm giảm đi mối đe dọa Hồi giáo đang đối mặt với các nước phương Tây, Hồi giáo và chủ nghĩa tự do Tây phương vẫn không thể hòa hợp. Hồi giáo ôn hòa, thực sự ôn hoà, thực sự chỉ trích các phi lý của Hồi giáo-chắc chắn không hiện hữu. Nếu có, chắc chắn họ đã trốn lánh rất giỏi như những người ôn hoà Kitô giáo từng trốn trong thế kỷ thứ mười bốn (và vì chung một nguyên nhân).

Các đặc trưng của Hồi giáo khiến gây rắc rối nhất cho người không-Hồi giáo, và cái biện hộ cho những việc làm ngu muội của Hồi giáo, là những nguyên tắc của thánh chiến-jihad . Theo sát nghĩa, từ này có thể dịch là “chiến đấu” hay “đấu tranh”, nhưng thường được hiểu thành ý nghĩa “thánh chiến” trong Anh ngữ, và điều này không phải là không có nguyên nhân. Trong khi Hồi giáo nhanh chóng nhận xét rằng có một thánh chiến trong nội tâm (hoặc “vĩ đại hơn”), nghĩa là một thứ thánh chiến liên quan đến cuộc chiến đấu chống lại tội lỗi của chính mình, nhưng không có số lượng ngụy biện nào che dấu được sự kiện là cuộc thánh chiến ngoại tại (hoặc “nhỏ bé hơn”)- cuộc chiến tranh chống lại bọn ngoại giao và bội giáo – là đặc diểm chính của cái đức tin Hồi giáo. Xung khắc có vũ trang trong sự “bảo vệ Hồi giáo” là một nghĩa vụ tôn giáo đối với tất cả đàn ông Hồi giáo. Chúng ta sẽ bị dối gạt nếu tin câu “nhằm mục đích để bảo vệ Hồi Giáo” có nghĩa là tất cả các cuộc chiến đấu của Hồi giáo đều thực hiện trong tinh thần “tự bảo vệ”. Ngược lại, nhiệm vụ của thánh chiến là một lời hô hào không mập mờ cho một cuộc chinh phục toàn cầu. Như Bernard Lewis đã viết “điều phỏng đoán chính là nhiệm vụ của cuộc thánh chiến sẽ còn tiếp tục, chỉ bị gián đoạn bởi các sự ngừng bắn, cho đến khi toàn thể thế giới hoặc chấp nhận đức tin của Hồi giáo hoặc chịu khuất phục dưới giới luật của Hồi giáo”(3). Hoàn toàn không từ chối được sự thể là Hồi giáo mong muốn một chiến thắng ở thế giới này, cũng như ở thế giới bên kia. Như Malise Ruthven vạch ra, “Ðấng tiên tri đã là chính Caesar … Nếu Theo chân Chúa nghĩa là từ bỏ các tham vọng trần thế để tìm kiếm cứu rỗi từ hành động và đức hạnh riêng tư, thì theo chân Muhammad nghĩa là sớm muộn gì cũng cầm vũ khí lên chống lại những thế lực đe dọa đến Hồi giáo từ bên trong hay bên ngoài mình”(4). Trong khi kinh Koran đã đủ để thiết lập nên những chủ đế này, tài liệu của sử thánh còn hòa điệu thêm như sau:
Thánh chiến là bổn phận của ngươi dưới bất cứ kẻ cai trị nào, hoặc là thần thánh hoặc là kẻ hèn của y. Chỉ cần một nỗ lực (để chiến đấu) vì đức Allah vào trước buổi trưa hay buổi chiều còn tốt đẹp hơn cả thế gian và tất cả những gì trong đó. Một ngày, một đêm chiến đấu ở tiền tuyến còn tốt hơn cả tháng trời ăn chay và cầu nguyện. Không có ai chết và tìm được các điều lành từ Allah (trong đời sau) mà muốn trở lại thế giới này ngay cả kẻ đó có đưọc cả thế gian và bất cứ thứ gì trong đấy, trừ những kẻ tử đạo, khi đã thấy được cái ưu việt của sự tử vì đạo, muốn trở lại thế gian để được giết một lần nữa (vì đấng Allah). Kẻ nào chết mà không vì dự phần vào một chiến dịch là một cái chết như kẻ không tin đạo. Thiên đàng ở ngay dưới bóng mát của rừng gươm giáo. (5)
Dễ tìm thấy nhiều thánh thi kiểu này, và chủ thuyết Hồi giáo thường viện dẫn chúng như một biện giải cho các loại tấn công vào những người phản đạo và không theo đạo.

Những ai muốn tìm kiếm các phương cách làm thẩm thấu và thay đổi bản chất quân sự của Hồi giáo đã nhận thấy có một số dòng trong kinh Koran có vẻ như trực tiếp chống lại các bạo hành bừa bãi. Những kẻ tiến hành thánh chiến buộc không được tấn công trước (Koran 2:190) bởi vì “Thượng đế không thích những kẻ hung hăng”. Nhưng lời huấn thị này chẳng trói buộc được ai. Theo như pho sử dài của mối xung khắc giữa Hồi giáo và phương Tây, hầu như mọi hành vi bạo lực chống lại những người không theo đạo nay có thể được giải thích một cách đáng tin cậy là một hành động bảo vệ tôn giáo. Cuộc mạo hiểm gần đây của chúng ta vào Iraq cung cấp tất cả các ý nghĩa mà những kẻ tử vì đạo cần đến để tiến hành cuộc thánh chiến “chống bọn thân thích của satan” cho nhiều thế hệ sắp tới. Lewis ghi nhận rằng một người chiến đấu vì Thượng đế cũng buộc không được giết hại đàn bà, trẻ em, hay người già cả, trừ trường hợp tự vệ, nhưng chỉ một chút ngụy biện về ý niệm tự vệ đã cho phép những kẻ vũ trang Hồi giáo tránh né được điểm kẹt này. Chung cuộc là người Hồi giáo mộ đạo không thể nghi ngờ hiện thực của thiên đàng hay hiệu quả của sự tử đạo như một phương cách để đạt đến cõi trời. Họ cũng không thắc mắc gì về sự khôn ngoan và phi lý trong việc giết người cho những gì vốn chỉ quy về những bất bình của thần học. Trong đạo Hồi, người “ôn hòa” là những người bị bỏ lại để chẻ sợi tóc ra làm tư, bởi vì sức ép căn bản của học thuyết không thể chối bỏ được là: thay đổi, khuất phục, hay giết những kẻ không tin đạo; giết luôn những kẻ bội giáo; và chinh phục thế giới.

Mệnh lệnh chinh phục thế giới là một mệnh lệnh đáng chú ý, khi “chủ nghĩa đế quốc” là một trong những tội lỗi chính mà Hồi giáo quy tội cho phương Tây:
Ðế quốc chủ nghĩa là một chủ đề đặc biệt quan trọng ở vùng Trung đông và đặc biệt trong trường hợp đối đầu của Hồi giáo và phương Tây. Ðối với họ, chữ chủ nghĩa đế quốc có một ý nghĩa đặc biệt. Chẳng hạn như, chữ này không bao giờ được xử dụng bởi những người Hồi giáo trong những vương quốc Hồi giáo vĩ đại – vương quốc đầu tiên hình thành bởi người Ả Rập, vương quốc sau đó bởi người Thổ nhĩ kỳ, những dân tộc đã chinh phục các dân tộc và các đất đai rộng lớn để tổ chức thành Thế giới Hồi giáo. Việc người Hồi giáo chinh phục, cai trị Âu châu và dân Âu châu và do đó cho phép họ - nhưng không thúc ép họ - phải theo đức tin đúng là hoàn toàn hợp pháp. Việc người Âu châu xâm lăng và cai trị người Hồi giáo, tệ hơn nữa là cố dẫn người Hồi giáo vào đường lầm lạc, là một hình tội và tội lỗi. Trong nhận thức của người Hồi giáo, cải đạo qua Hồi giáo là một quyền lợi cho người muốn cải đạo và một công trạng cho người nào thực hiện sự cải đạo cho ai. Trong luật đạo Hồi, bỏ Hồi giáo để cải sang đạo khác là một sự bội giáo – là trọng tội cho cả hai, kẻ bõ đạo và kẻ lửa dối người kia bỏ đạo. Luật pháp rất rõ ràng và dứt khoát về vấn đề này. Nếu một người Hồi giáo từ bỏ đạo Hồi, ngay cả nếu một kẻ đã cải đạo qua Hồi giáo muốn trở lại đức tin trước đó, hình phạt là tử hình.(6)
Chúng ta sẽ trở lại chủ đề bội giáo sau. Tuy nhiên, trước hết, chúng ta nên ghi nhận rằng các bình luận của Lewis về sự không cưỡng ép người xâm lược phải tin theo đức tin đúng là một sự đánh lạc hướng trong nội dung này. Sự thực là kinh Koran đã cung cấp một cái thắng tay, cho những người Hồi giáo “ôn hòa” – “Sẽ không có một sự cưỡng ép nào trong tôn giáo” (Koran 2:256) – nhưng với một cái nhìn thoáng nhanh vào hầu hết nội dung của Koran, và lịch sử Hồi giáo, cho thấy rằng chúng ta không nên mong đợi gì nhiều vào việc ứng dụng này. Như giá trị của nó, các dòng (kinh) này đem đến một căn bản rất mỏng manh cho sự khoan dung của người Hồi giáo. Trước tiên, quan niệm về dung thứ của Hồi giáo chỉ áp dụng cho người Kitô giáo và Do Thái giáo – “Những dân tộc của kinh sách” – trong khi những sự hành đạo của Phật giáo, Ấn độ giáo và những tôn giáo sùng bái ảnh tượng khác bị xem như các loại quá suy đồi về tâm linh không thể chấp nhận được (7). Ngay cả những Dân tộc của Kinh sách cũng phải giữ (đạo) cho riêng mình thôi và phải “khiêm nhượng” đóng thuế ( thuế jizya) cho người Hồi giáo cai trị mình. Fareed Zakaria cũng như nhiều người khác đã nhận xét là người Do Thái đã phải sống hàng nhiều thế kỷ dưới ách cai trị của Hồi giáo và đã có một thời gian tương đối dễ thở - những sự thật này chỉ để so sánh với các nỗi kinh hoàng của cuộc sống dưới ách các vương quốc của thế quyền Kitô giáo. Sự thật là cuộc sống của người Do thái trong khuôn khổ thế giới Hồi giáo đã được đặc điểm hóa bởi sự liên tục bị làm nhục và tàn sát. Tình trạng phân biệt chủng tộc đã từng là một tiêu chuẩn, theo đó người Do Thái bị cấm không được mang vũ khí, không được làm chứng ở pháp đình, và không được cỡi ngựa. Họ bị bắt buộc phải phục sức riêng (dấu hiệu màu vàng có nguồn gốc từ thành Baghdad chứ không phải từ Ðức quốc Xã), và phải tránh xa một số thành phố, dinh thự. Họ có bổn phận, chỉ được đi ngang qua mặt người Hồi giáo ở bên trái (nghĩa là bên dơ bẩn) và mắt phải nhìn xuống, ai vi phạm sẽ bị xử phạt bằng vũ lực, thậm chí tử hình. Ở một số nơi trong thế giới Ả Rập đã từng có một tập tục đặc biệt cho phép trẻ con Hồi giáo được ném đá và nhổ nước bọt vào người Do Thái. Những sỉ nhục này và những điều khác đã thường xuyên được nhấn mạnh bởi các cuộc tàn sát và giết chóc có tổ chức: Ở Morocco (trong những năm 1728,1790,1875,1884,1890,1912,1948,1952 và 1955), ở Algeria ((1805 và 1934), ở Tunisia (1864,1869,1932 và 1967), ở Persia (1839, 1867 và 1910), ở Iraq (1828,1936,1937,1941,1946,1948,1967 và 1969), ở Ai Cập (1882, 1919, 1921, 1924,1938-39,1945,19481956 và 1967), ở Palestin (1929 và 1936), ở Syria ( 1840, 1945, 1947, 1948, 1949 và 1967), ở Yemen (1947), v.v… (10) Thành thử, đời sống của người Kitô giáo dưới ách Hồi giáo chắc chắn là không phấn khởi tí nào.

Nhận thức của Hồi giáo về sự tha thứ, vì là một tầm quan trọng của học thuyết mà những người không theo đạo Hồi đã phải cố làm nhẹ bớt, thay đổi hoặc là giết bỏ đi. Cái sự thực mà thế giới Hồi giáo đã không thống nhất được dưới một chính phủ duy nhất trong suốt lịch sử của họ, và chắc cũng sẽ không bao giờ được như thế, khát vọng bá chủ này, dù được quan tâm đến ở đâu cũng không quan trọng. Bởi vì đối với mỗi cộng đồng chính trị trong nội tình của Hồi giáo “chính là đất nước Hồi giáo phải có nhiệm vụ hiện thực hóa sự vâng phục luật đạo”.(11)

---------------------------------

Chú thích: (1) Như chúng ta đã thấy trong chương 2, đây là hệ quả trực tiếp-một cách logic,tâm lý và cung cách ứng xử- của các ý nghĩa trong chương này để thấy rằng những niềm tin của chúng ta thực sự biểu thị cái phương cách của thế gian. Chính ngay lúc bạn tin vào một tiền đề tôn giáo (hay đạo đức, tâm linh) vốn nói lên tất cả ý nghĩa gì về tính tin chắc, bạn sẽ có nghĩa vụ chấp nhận là tiền đề ấy ít nhiều đúng, bao quát và hữu ích. Những tôn ti trật tự loại này hòa nhập vào trong chính cấu trúc của thế gian. Chúng ta sẽ quan sát kỹ hơn về luân lý đạo đức trong chương 6.

(2) Theo R. A. Pape, “The Strategic Logic of Suicide Terrorism” American Political Science Review 97, no. 3 (2003): 20-32, đã lập luận rằng những kẻ khủng bố tự sát nên được hiểu đúng nhất như là những phương tiện để đạt được một số mục tiêu dân tộc rõ ràng và không nên được xem như hậu quả của tư tưởng tôn giáo. Ðể hỗ trợ cho tiền đề này, ông đã thuật lại tính cách mà Hamas và những người jihad Hồi giáo đã xử dụng một cách có hệ thống trong những vụ đánh bom tự sát nhằm khai thác sự nhượng bộ từ chính phủ Do Thái. Pape lập luận rằng, nếu xem những tổ chức này là thuần “phi lý” hay “cuồng tín” ta sẽ không nhìn ra được các toan tính được xử dụng cho các bạo lực ấy. Do đó, động lực của chúng chủ yếu phải là vì dân tộc. Giống như hầu hết các phê bình về sự phí phạm mạng sống con người đầy quỷ quái này, Pape dường như không thể tưởng tượng được sự thể ra sao để thực tin tưởng vào những điều mà hàng triệu người Hồi giáo thú nhận họ đã tin tưởng vào. Với thực tế mà các nhóm khủng bố đã có thể minh chứng, thì những mục tiêu ngắn hạn tối thiểu đã không thể đưa ra được lời giải thích là họ đã manh động từ chính cái học thuyết tôn giáo của mình. Pape khẳng định rằng “mục tiêu quan trọng nhất mà một cộng đồng có thể theo đuổi chính là nền độc lập cho tổ quốc của họ (dân tộc,tài sản và phong cách sống) từ các ảnh hưởng hay khống chế của ngoại bang. Nhưng ông xem nhẹ cái thực tế của những cộng đồng này đã xác định mình trong các ý nghĩa của tôn giáo. Các phân tích của Pape đối với Al Qaeda thật là đặc biệt lạc lõng. Để đem các động cơ “lãnh thổ” và “dân tộc” ứng dụng vào Osama bin laden dường như một thứ ngu đần ngoan cố, bởi vì quan tâm rõ ràng duy nhất của bin Laden là phát tán rộng rãi đạo Hồi và sự linh thiêng của các thánh địa Hồi giáo. Đánh bom tự sát, trong thế giới của Hồi giáo, tối thiểu là một hiện tượng tôn giáo rõ ràng vốn không thể thoát ra khỏi các ý định tử đạo và thánh chiến vốn có thể đoán biết được trên căn bản của chúng và sự biện bạch từ lý luận của họ.

(3) Theo B. Lewis, The Crisis of Islam:Holy War and Unholy Terror (New York: Modern Library, 2003),32.

(4) Theo M.Ruthven,Islam in The World, 2d ed. (Oxford: Oxford Univ. Press, 2000) 7.

(5) Một số thánh thi này đã được trích từ Crisis of Islam của Lewis, 32. Những đoạn khác trích từ nguồn dữ liệu trên internet: www.usc.edu/dept/MSA/reference/searchhadith.html.

(6) Lewis, Crisis of Islam, 55.

(7) “Idolatry is worst than carnage” (Koran 2:190). Luật lệ của hoàng đế Mông cổ Akbar (1556-1605) cho thấy có một ngoại lệ ở đây, nhưng rõ ràng lòng khoan dung của Akbar thuộc Ấn độ giáo là một sự vi phạm rõ rệt với giới luật của Hồi giáo.

(8) F. Zakaria, The Future of Freedom: Illiberal Democracy at Home and Abroad (New York: W. W. Norton, 2003), 126.

(9) Ðọc A. Derschowitz, The case for Israel (Hoboken, N. J. :John Wiley, 2003). 61.

(10) Những sự kiện và niên đại này trích từ R. S. Wistrich, Anti-Semitism: The Longest Hatred (New York: Schoken Books, 1991) và Dershowitz, Case for Israel.

(11) L. Binder, Islamic Liberalism: A Critique of Development Ideologies (Chicago: Univ. of Chicago Press, 1998), 129.

Share/Save/Bookmark

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

90 năm lời chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguồn : blog Người Buôn Gió

P1010013

90 năm lời chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhà tù nhiều hơn trường học và lúc nào cũng chật ních người. Bất kỳ người nào có tư tưởng về chế độ khác đều bị bắt mà không cần xét xử. Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có. Việc những tờ báo hoặc tạp chí có tư tưởng tiến bộ được coi là một tội nặng. Rượu cồn và thuốc phiện cùng với báo chí phản động của bọn cầm quyền bổ sung cho công cuộc làm ngu dân của chính phủ. Nhà tù làm nốt phần còn lại…

Đối ngoại chúng cúi đầu uốn gối, cam chịu cắt đất đai của đất nước, ngậm hơi nuốt nhục dâng quyền lợi của nhân dân cho ngoại bang…

Chúng vụng về trong việc phát triển kinh tế đất nước , nhưng chúng lão luyện trong nghề đàn áp dã man và trong việc chế tạo ra lòng trung thành bắt buộc. Nếu các ông Ganh Di, de Valera sinh ra ở đây có lẽ đã bị chúng cho lên thiên đàng từ lâu rồi. Bị tất cả những thủ đoạn thâm hiểm của tòa án vây quanh, một chiến sĩ ở bản xứ khó lòng tiến hành giáo dục cho đồng bào mình hiểu bị áp bức, bóc lột thế nào mà không bị sa vào nanh vuốt của chúng…..

Yêu cầu

- Ân xá toàn thể chính trị phạm ở Việt Nam

- Tự do báo chí và tự do tư tưởng

- Tự do lập hội và tự do hội họp

- Thay đổi sắc lệnh bằng đạo luật.

Đoạn văn trên trích từ cuốn Lên Án Chủ Nghĩa Thực Dân, xuất bản năm 1959 tác giả Nguyễn Ái Quốc. Cuốn Vì Độc Lập Tự Do, Vì Chủ Nghĩa Xã Hội xuất bản năm 1970 của Hồ Chí Minh. Hai cuốn đều do nhà xuất bản Sự Thật phát hành.

Trong những ngày ở trại giam can tội có dấu hiệu lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước. Hàng ngày nghe đài tiếng nói Việt Nam và đọc báo Nhân Dân do trại giam cấp. Gần ngày 2-9 là ngày kỷ niệm quốc khánh và 40 năm thực hiện di chúc Hồ Chí Minh đài báo liên tục đưa những tấm gương sáng đã phấn đấu học tập di chúc của vị lãnh tụ vĩ đại này. Trở về nhà đi mua hết những cuốn sách liên quan đến chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm hiểu và học tập.

Trong quá trình tìm hiểu và học tập tấm gương chủ tịch Hồ Chí Minh thấy có những điều sau:

90 năm đã qua từ khi Nguyễn Ái Quốc đọc lời lên án chế độ thực dân Pháp, 40 năm từ giã đồng bào để lại bản di chúc cho đời, lãnh tụ Hồ Chí Minh anh linh, sáng suốt giờ ở đâu xin chứng kiến những ước mong của mình đã thành hiện thực.

Đất nước ta ngày nay đang có những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật. Chúng ta đã sản xuất gần như hoàn toàn được một cái xe đạp và đang nỗ lực 40% hàng Việt Nam sản xuất trong một chiếc xe máy hoàn chỉnh. Về điện cơ đã hoàn thành tự túc % làm được chiếc quạt điện.

Chúng ta có thêm nhiều trường học đồng thời cũng có thêm nhiều nhà tù. 90 năm trước ở Hà Nội chỉ có duy nhất một nhà tù Hỏa Lò chật hẹp, thiếu thốn thì đến nay chúng ta đã có trại giam Cầu Diễn rộng lớn, khang trang rộng gấp 10 lần trại giam của bọn thực dân Pháp, có thêm trại giam không khí trong lành ở ngoại ô và nhiều trại lẻ tẻ như Văn Hòa, Thịnh Liệt, Mễ Trì…ở Hà Nội. Đặc biệt như lời của chủ tịch đương nhiệm Nguyễn Minh Triết thì Việt Nam ta không có tù nhân chính trị, mà chỉ có những người vi phạm pháp luật hình sự. Năm vừa qua riêng đặc xá đã tha 5000 phạm nhân, đủ biết số phạm nhân còn lại là bao nhiêu.

Về tự do báo chí, tư tưởng ,chúng ta hiện nay có hơn 700 tờ báo, tạp chí các loại. Dưới sự quản lý của bộ TT-TT và những nghị định ban hành. 700 tờ báo và nhiều đài truyền hình này tha hồ tự do thoải mái ca ngợi công lao của Đảng và nhà nước trên mọi lĩnh vực. Ngoài một số báo phổ biến kiến thức khoa học còn rất nhiều báo có nhiều món ăn tinh thần bổ ích cho đời sống văn hóa như phim Trung Quốc, thi hoa hậu, các ngón ăn chơi, hưởng thụ xa hoa..hay những tin hấp dẫn như giết người, cướp của, hiếp dâm….tất cả những đề tài , nội dung như trên đều được khai thác tự do tối đa mà không bị sự kiểm soát nào .

Hiện nay rượu cồn không còn được dùng nữa vì đời sống nhân dân đã lên cao, rượu ngoại tràn ngập thị trường từ Mac ten, Xo, Henessy, Camus…trong hàng nhà hàng, quán bar đầy ắp người uống. Bét nhất thì bia hơi Hà Nội phố nào cũng có dăm quán đông nghẹt người.

Thuốc phiện thì đã đi vào dĩ vãng vì cách dùng lôi thôi, phức tạp mất thời gian. Ngày nay người ta dùng dùng heroin, thuốc lắc. Chưa cần biết số lượng người dùng là bao nhiêu những nhìn vào con số mà công an bắt được hàng trăm bánh heroin mỗi năm, hàng chục kg thuốc lắc có thể dễ dàng hình dung sức tiêu thụ của thị trường để so sánh với thời thực dân Pháp.

Đất nước ta đã có quyền cho người dân tự do hội họp các loại hội như hội Dancing, hội yêu xe véc- pa, hội ‘’phượt’’ , hội hâm mộ Mai Cơn Giăc Sơn, Đan Trường, Lam Trường, Đàm Vĩnh Hưng, hội đồng hương, đồng môn, hội độc thân, hội các ông bố và bà mẹ đã ly dị..nói chung bất cứ hội nào mà không bàn đến chính sách, đường lối của Đảng và nhà nước đều tự do thoải mái mà lập.

Về luật pháp thì tuyệt nhiên đã không còn sắc lệnh nữa. Giờ chỉ có nghị định, nghị quyết, văn bản hướng dẫn, chế tài, thông tư… giúp điều chỉnh kịp thời diễn biến của xã hội mà luật pháp chưa theo kịp để xử lý.

Trong đối ngoại chúng ta không phải ươn hèn dâng đất và quyền lợi đất nước nhân dân như cách đây 90 năm. Mà chúng ta đàng hoàng chủ trương đối thoại hòa bình, vận dụng ngoại giao khéo léo để đàm phán về chủ quyền và quyền lợi đất nước. Trên tinh thần hữu nghị hai bên tôn trọng nhau, chúng ta sẵn sàng bày tỏ thiện chí một cách công khai cho nước bạn thấy. Những vấn đề về biên giới, hải đảo hay khai thác tài nguyên, đấu thầu đều được minh bạch và được sự đồng thuận cao của một số người.

90 năm đã qua đi, lời lên án của chủ tịch Hồ Chí Minh về chế độ tàn bạo, thủ đoạn nham hiểm của bọn thực dân đã khiến người dân Việt Nam sục sôi, dẫn tới tinh thần cách mạng 2-9-1945 toàn dân đứng lên lật đổ bọn chính quyền độc tài, bán nước, hại dân, bọn tay sai của đế quốc. Để dành lại quyền độc lập cho đất nước, toàn vẹn lãnh thổ, quyền lợi cho dân tộc và những phát triển vượt bậc như ngày nay. Điều ấy hiển nhiên là sự thật không có kẻ nào, thế lực nào có thể xuyên tạc được những nhân tố rõ ràng và thành quả tất yếu ấy.

Những lời phát biểu, những tham luận của cố chủ tịch Hồ Chí Minh thật là những bài học quý báu, hữu ích. Càng đọc và càng liên hệ mới thấy sự anh minh , tầm nhận thức sâu rộng của cố chủ tịch vĩ đại. Qua đó mới thấy sự ưu việt của chế độ hiện nay, một nhà nước, một chế độ do dân, vì dân, vì đất nước.

Share/Save/Bookmark

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

Về tác giả bài viết “Đổi mới Đảng để tránh sụp đổ!”

Nguồn : Talawas
Tác giả: Hoàng Hưng

Tôi lấy làm vinh dự được tác giả Thiện Ý gửi gắm việc giới thiệu công khai danh tính thật cũng như nhân thân của anh sau khi bài “Đổi mới Đảng để tránh sụp đổ!” được công bố trên talawas blog. Việc công khai này đánh dấu một bước ngoặt lớn của anh trên con đường phản biện với những người lãnh đạo Đảng của mình, tổ chức mà anh gắn bó suốt 50 năm nay, đến nay anh vẫn “giận mà thương” và thực lòng hy vọng vào sự thay đổi của nó để nó tự cứu vãn và cứu vãn cả tương lai dân tộc.

Thiện Ý chính là Tống Văn Công, nguyên Tổng Biên tập một số tờ báo của hệ thống công đoàn: báo Lao động Mới (Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam Việt Nam), báo Công nhân Giải phóng (tiền thân của báo Người Lao động, Liên đoàn Lao động TPHCM) báo Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cũng là ngòi bút bình luận sắc bén một thời của báo này với bút danh Thuận Lý. Xuất thân từ một gia đình cách mạng, cha là Tống Văn Thêm bút hiệu Tăng Ích, tham gia Đảng Cộng sản từ 1929, dịch giả của Tạp chí Tân Trung Hoa thời kháng chiến chống Pháp (chi tiết rất thú vị: vậy thì anh có trong người dòng máu Minh Hương, tức có thể nói anh là một “người cựu-Tàu yêu nước Việt”, trái ngược với những kẻ “người Việt yêu nước… Tàu” hiện nay).

Tống Văn Công sinh năm 1932, tham gia Vệ quốc Đoàn chống Pháp (1950-1959), được giải Ba cuộc thi viết truyện ngắn về miền Nam 1959, làm báo Lao động từ 1960, huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Con đường phản biện với Đảng của đảng viên kỳ cựu Tống Văn Công bắt đầu từ thời gian sau “Đổi mới”, chủ yếu với công việc lãnh đạo báo Công nhân Giải phóng và sau đó báo Lao động trong những cuộc đấu tranh dũng cảm chống quan liêu tham nhũng, bênh vực quyền lợi công nhân và nhân dân lao động, đặc biệt là trong mấy năm huy hoàng của tờ Lao động Chủ nhật mà lịch sử báo chí Việt Nam sẽ phải ghi nhận như người xung kích của báo chí “cách mạng” (đúng nghĩa là báo chí trong vòng kim cô của đường lối tuyên giáo cộng sản) đã phá rào để nói lên những tiếng nói trung thực với đời sống và “khác” với ý của lãnh đạo Đảng. Và tất nhiên anh phải trả giá, may mà cái giá cũng không quá đắt: bị cho về hưu (Xem bài “Xa lộ thông tin chỉ còn lề phải” của Thiện Ý trên talawas blog). Điều đáng ghi nhận là chính ở tờ báo này, Tống Văn Công đã thể hiện “tư tưởng Hồ Chí Minh” đúng như anh trình bày trong bài viết “Đổi mới Đảng…”: không “ngu trung” với ý thức hệ, thực lòng đoàn kết mọi lực lượng của dân tộc để xây dựng một nước Việt Nam mới – ở đây là một tờ báo mới (bao gồm những nhà báo đảng viên trung thực, những nhà báo tay nghề cao của Sài Gòn cũ, những cựu-tù-chính-trị của chế độ, những người trẻ có tâm huyết…). Và quả nhiên là tất cả mọi người trong tờ báo cũng thực lòng đoàn kết dưới sự lãnh đạo của những đảng viên cấp tiến và có trình độ như anh, mong được dùng ngòi bút phục vụ công cuộc Đổi mới. Chính đó là sức mạnh khiến mọi người chấp nhận san sẻ thu nhập ít ỏi như nhau (80.000 VND/tháng vào năm 1990) say sưa làm báo như đi “làm cách mạng”. Tình cảm giữa anh Công và tôi nảy nở trong những ngày tháng không quên ấy. Tôi là một người vừa đi cải tạo vì thơ văn “phản động” về chưa bao lâu, lại được giao toàn quyền nắm trang Văn hoá-Văn nghệ của một tờ báo lớn, đó là chuyện chưa từng có và không thể hình dung (ngày hôm nay thì lại càng không thể!). Nhờ sự kiên quyết của anh, báo Lao động đã là tờ báo đầu tiên giới thiệu các nhân vật Nhân văn-Giai phẩm (Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng…), ủng hộ những khuynh hướng sáng tác mới, hiện đại còn bị kỳ thị của giới chính thống (đặc biệt trong mỹ thuật và văn học). Qua nhiều thử thách, tình đồng nghiệp giữa chúng tôi đã biến thành tình bạn, tình đồng chí.

Một thời gian dài sau khi nghỉ hưu, Tống Văn Công hầu như không xuất hiện trong đời sống báo chí, hoặc chỉ xuất hiện dưới bút danh nào đó với những bài vô thưởng vô phạt, dường như anh đã an phận thủ thường. Nhưng anh lại vẫn luôn luôn theo dõi, trao đổi bàn bạc với bạn bè thân hữu về mọi tình hình đang diễn ra trên đất nước. Những ai quan biết anh đều nghĩ sẽ đến lúc Tống Văn Công tái xuất giang hồ, không thể khác.

Không phải vì anh là anh hùng hảo hớn gì, mà đơn giản là tình hình đất nước dần dần đi đến chỗ hiểm nguy mà nếu không quá hèn nhát, quá giá áo túi cơm hay nhất quyết mũ ni che tai thì những người có hiểu biết, có lương tri, có tâm huyết buộc phải bước ra khỏi nơi trú ẩn an toàn để bày tỏ thái độ. Với những người đã trót mang nghiệp “ngôn luận”, im lặng trước cái sai, cái xấu, cái lỗi thời lúc này là mang tội đồng lõa không thể biện minh.

Và bắt đầu xuất hiện bút danh Thiện Ý trên talablog, với những bài viết rất được chú ý vì sự thẳng thắn, cái nhìn mang tính tổng quát, lập trường triệt để nhưng tỉnh táo và chân thành xây dựng của một người trong cuộc. Từ bài viết đầu tiên về khủng hoảng văn hóa đạo đức, tác giả đã nêu rõ nguyên nhân sâu xa, nền tảng của nó là khủng hoảng ý thức hệ; đến bài mới nhất, anh vẫn triển khai lập luận ấy đến cùng, và mở nó ra thành cái nhìn toàn diện về thể chế. Cuối cùng việc phải đến đã đến: anh đặt thẳng vấn đề về hệ thống chính trị và tính chính đáng của đảng cầm quyền. Chính ở bài này, anh quyết định công bố tên thật đằng sau cái bút danh mà anh muốn giữ vì đã quen với bạn đọc và có thể chuyển tải “thiện ý” của mình.

Anh đã giải phẫu vào cái đệ nhất yếu huyệt, gót chân Achille của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, nếu như với việc công bố bài này cùng tên thật, mặc dù đầy “thiện ý”, Tống Văn Công có bị những thành phần cứng rắn trong Đảng của mình làm khó thì cũng là chuyện dễ hiểu.

Tôi là một công dân Việt Nam ngoài Đảng, nhưng nhận thức rõ rằng trong một thời gian còn dài, tương lai của đất nước, của dân tộc phụ thuộc chủ yếu vào những biến chuyển trong nội bộ đảng cầm quyền. Từ lâu tôi đã đặt câu hỏi: Ngoài những kẻ thoái hóa biến chất, đặc quyền đặc lợi đang múa tay trong bị trước tình trạng hỗn loạn của xã hội hiện nay, Đảng CSVN còn được bao nhiêu đảng viên chân chính, không bám quyền bám lợi mà thật sự nghĩ đến dân đến nước? Tại sao họ im lặng thế? Vì sợ hãi kỷ luật Đảng? Vì luyến tiếc một quá khứ oai hùng? Vì chưa tìm được lối ra? Vì lo lắng một sự sụp đổ nguy hiểm?

Bài viết mới nhất của Thiện Ý – Tống Văn Công là một câu trả lời cho tôi. Vẫn có không ít đảng viên mang trong đáy sâu lòng mình phẩm chất của người yêu nước thực sự, và không phải không có những người nghĩ được “lối ra” khá an toàn cho cuộc “khủng hoảng” (“Khủng hoảng và lối ra” là tên một luận văn của Nguyễn Kiến Giang). Và họ đã lên tiếng, ngày càng đông, ngày càng thẳng thắn. Tôi tin rằng những ý kiến của Tống Văn Công hôm nay về căn bản đã nói đúng suy nghĩ của đa số người dân Việt Nam hôm nay, cả đảng viên lẫn không đảng viên, kể cả những quan chức đang hưởng lợi từ cơ chế hiện hành nhưng có tầm nhìn xa về tương lai của con cháu họ. Và tôi vẫn chưa hết hy vọng ở sự biết lắng nghe của những người có quyền trong Đảng Cộng sản Việt Nam, ít ra là một số và con số này sẽ ngày càng tăng. Nếu không, thì thảm họa cho đất nước này không xa!

© 2009 Hoàng Hưng

© 2009 talawas blog


Share/Save/Bookmark

Đổi mới Đảng để tránh nguy cơ sụp đổ! Góp ý với Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguồn : Talawas

Đổi mới Đảng để tránh nguy cơ sụp đổ! Góp ý với Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam

talawas – Mấy ngày gần đây, trên một số trang mạng lưu hành một bài viết nhan đề “Đổi mới Đảng để tránh nguy cơ sụp đổ!” của Thiện Ý, lấy nguồn từ Viet-studies ngày 17/9/2009, với lời giới thiệu: “Vì bài có ghi là “Góp ý với Đại hội XI ĐCSVN”, không có tính tư riêng, Viet-studies xin mạn phép tác giả (không biết là ai) đăng lại đây để mọi người được đọc”. Thiện Ý chính là tác giả của một số bài đã đăng trên talawas blog do tác giả trực tiếp gửi với tư cách “Khách mời”. Trong lời nhắn gửi đến Ban điều hành talawas blog, tác giả cho biết rằng bản thảo đã được đưa lên Viet-studies là bản chưa hoàn chỉnh, và đây là bản chính thức do ông chịu trách nhiệm.

___________

I. Tổ quốc trước hai hiểm họa

Tổ quốc Việt Nam đang đứng trước hai hiểm họa: giặc ngoại xâm và giặc nội xâm. Mọi người Việt Nam yêu nước có trách nhiệm tìm đường đưa dân tộc thoát khỏi hai hiểm họa đó.

Chúng ta đã từng gọi một cách chính xác “bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh là kẻ thù trực tiếp nguy hiểm”. Những hành động lấn lướt khiêu khích gần đây ở Biển Đông chứng tỏ bản chất của chúng không hề thay đổi. Ngày 2-7-2009 trả lời ký giả Mạc Lâm của Đài Phát thanh RFA, nhà ngoại giao Dương Danh Dy từng làm việc nhiều năm ở Trung Quốc nhận định: Trung Quốc là anh láng giềng to, khỏe, tham, lại xấu tính và “sau thời điểm 2010 trở đi chưa biết họ làm cái gì đâu. Họ kinh khủng lắm…”

Hai mươi năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết sức cố gắng xây dựng với Bắc Kinh mối quan hệ “đồng chí” kèm theo “16 chữ vàng” (do Giang Trạch Dân đặt ra, Lê Khả Phiêu tán thành đưa vào Tuyên bố chung tháng 2-1999): “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Mấy năm sau lại bổ sung “tinh thần 4 tốt”: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Để tỏ lòng trung thành với mối quan hệ đó, Nhà nước Việt Nam đã bắt bớ những công dân của mình xuống đường biểu tình với khẩu hiệu “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam”. Đó là thủ đoạn ngoại giao khôn khéo hay chỉ là sự đớn hèn? Tình trạng này còn kéo dài bao lâu? Rồi bằng cách nào để có thể thực hiện được di chúc thiêng liêng của Đức Trần Nhân Tôn: “Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác!”? Không làm được điều đó, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thoát khỏi trách nhiệm trước lịch sử là đã để đất đai thấm máu cha ông lọt vào tay giặc.

Giặc nội xâm là cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh để chỉ thói tham ô, lãng phí, quan liêu. Từ năm 1948 khi ông viết những điều này trong cuốn Sửa đổi lề lối làm việc, 60 năm đã trôi qua, tham nhũng hồi ấy chỉ như ruồi muỗi, ngày nay đã trở thành hùm beo, mặc dù ở mọi cấp mọi ngành đều có cơ quan chống tham nhũng! Cứ xem chế độ tiền lương, Chủ tịch Nước cũng chưa đạt mức phải đóng thuế thu nhập, thế mà cán bộ nào cũng nhà cao cửa rộng tiêu xài hoang phí thì có thể biết tham nhũng là bệnh của cả hệ thống! Nguyên nhân nào đẻ ra tình trạng đó? Biện pháp nào để ngăn chặn đây?

Có người có thể nêu thêm hiểm họa về môi trường, nhưng thực tế cho thấy vụ Vedan và nhiều vụ khác đều là con đẻ của quan liêu tham nhũng.

Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử 80 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam để đánh giá chỗ mạnh, chỗ yếu của Đảng và tìm lại sức sống cho Đảng, hòng cứu dân tộc thoát khỏi hai hiểm họa nói trên.

II. Ba thế mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam

1. Mọi đảng viên cộng sản kể cả Chủ tịch Hồ Chí Minh đều bắt đầu từ chủ nghĩa yêu nước mà đến với chủ nghĩa cộng sản. Bây giờ nhiều người cho đó là chọn nhầm đường, lạc đường, hoặc nặng lời hơn, có người lên án Đảng Cộng sản lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, rằng nhân dân theo Việt Minh, theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng, chớ không phải theo cộng sản. Có người cho rằng con đường cộng sản không phải là một tất yếu lịch sử để giải phóng dân tộc, rằng nếu…

Tiếc rằng lịch sử không cho chúng ta chữ “nếu”! Tôi thích câu nói của cựu Bí thư Đảng Cộng sản Nam Tư Milovan Djilas: “20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim, đến 40 tuổi mà không từ bỏ cộng sản là không có cái đầu.” Và cũng ông ấy đã nói: “Không thể nói rằng họ (người cộng sản) đã cố tình lừa dối, rồi sau đó không chịu thực hiện. Sự thật là họ không thể thực hiện được những điều mà họ đã nhiệt liệt tin tưởng”. Dù gì thì lịch sử cũng phải ghi nhận việc Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng tháng Tám và đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến ”Điện Biên chấn động địa cầu”. Những người “quốc gia” nên nhận sự kém cỏi của mình là không làm được gì có sức thuyết phục dân tộc. Chế độ Việt Nam Cộng hòa được dựng lên nhờ bàn tay của người Mỹ, mà người Mỹ thì đã đài thọ hơn 80% chiến phí cho người Pháp. Do đó Việt Nam Cộng hòa không tìm được niềm tin từ nhân dân. Rồi để cứu Việt Nam Cộng hòa và danh dự nước Mỹ, hằng triệu tấn bom đạn và chất độc hóa học đã dội lên đầu nhân dân Việt Nam!

Tất cả những điều ấy làm cho số đông người Việt Nam tin theo Đảng Cộng sản, từng thật lòng khi nói “ơn Bác, ơn Đảng”, thật lòng gọi hai tiếng “Đảng ta”! Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi răn dạy đảng viên đã nói một câu mà ngày nay nghe cứ tưởng như chuyện đùa: “Đừng tưởng rằng cứ dán lên ngực hai chữ cộng sản là sẽ được nhân dân yêu mến, nếu như không rèn luyện đạo đức…”

Tuy nhiên, vào đầu những năm 50 trở đi đã nảy mầm tai họa:

- Nhầm đồng minh thể chế, đồng minh giai đoạn, là đồng minh chiến lược, lâu dài; trong khi Bắc Kinh từ đầu đã có ý đồ bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán.

- Đường lối cách mạng uốn dần theo ý thức hệ cộng sản.

Hậu quả là niềm tin của nhân dân đối với Đảng nhiều lần bị hẫng hụt. Dù vậy đến nay vẫn chưa phải như đánh giá của nhà văn Đào Hiếu: “Trừ một số tư sản mại bản, tư sản đỏ,… thì đại đa số nhân dân Việt Nam đều căm ghét chế độ hiện nay”. Nếu nhận định đó là đúng thì sự sụp đổ của chế độ đã không thể cưỡng được. Đó có thể là tình trạng những năm 80, khi khủng hoảng kinh tế, xã hội chưa có lối ra.

2. Chính Đổi mới đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam gượng dậy, mạnh lên, lấy lại niềm tin của nhân dân.

Mấy bài nói của ông Lê Hồng Hà, nguyên cán bộ cao cấp Bộ Công an, về tình hình đất nước 20 năm qua, tôi rất đồng tình ở nhiều nhận định sâu sắc và những ý kiến về phương hướng sắp tới. Tuy nhiên, tôi không nghĩ như ông khi cho rằng: “20 năm qua, cuộc đấu tranh giữa một bên là Đảng Cộng sản và một bên là toàn dân Việt Nam, kết quả là dân thắng Đảng trên hai mặt trận kinh tế và tư tưởng, nhưng dân chưa thắng về chính trị, vì hệ thống chuyên chính vô sản vẫn còn nguyên”. Tôi nghĩ, nói như vậy là phủ nhận sự chuyển biến bên trong của Đảng Cộng sản. Do đặc điểm hình thành và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn đề cao hai ngọn cờ Dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội. Ý thức hệ cộng sản không được đặt cao tuyệt đối mà có thể du di. Cách xử lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước và sau Cách mạng tháng Tám là như thế. Cách xử lý của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản trước cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội những năm 80 cũng là như thế. Nếu không có những đảng viên như Kim Ngọc, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch, có lẽ phải kể cả ông Trường Chinh nữa, thì không có Đổi mới. Chúng ta có thể lấy Bắc Triều Tiên, Cuba làm đối chứng cho nhận định này! Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng Đảng đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, điều ấy không ngoa. Nhưng dùng hai chữ Đổi mới là thủ đoạn đánh tráo khái niệm, thực ra phải nói là “trở lại như cũ trên con đường văn minh của nhân loại”.

Chính vì chỉ “đổi mới” chứ không chịu “trở lại như cũ” cho nên những người lãnh đạo Đảng Cộng sản luôn luôn ngập ngừng, cứ hai bước tiến lại một bước lùi, chỉ vì sợ bị mất độc quyền lãnh đạo. Ở đây xẩy ra cuộc đấu tranh giữa những người muốn Đổi mới toàn diện mạnh mẽ như Trần Xuân Bách, Trần Độ với lực lượng bảo thủ muốn ghìm lại, nhất là ở lĩnh vực chính trị. Dù gì thì Đổi mới đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược. Hệ thống chuyên chính vô sản cũng mềm đi chứ không cứng rắn được như trước. Ví dụ, trong vụ giới trí thức kiến nghị dừng dự án Bauxite Tây Nguyên, ban đầu đã có ý đe dọa, gán cho tội chịu ảnh hưởng của bọn phản động, nhưng rồi đã phải lùi lại. Một trang Web Bauxite Việt Nam có danh sách gần 3000 người ký tên trong 8 đợt kiến nghị, có hằng trăm ý kiến phản biện sắc bén, được hằng triệu người truy cập, quả là một hiện tượng chưa từng có.

Tự do kinh tế đem lại nhiều công ăn việc làm, cuộc sống vật chất của người dân dễ chịu hơn, bộ mặt đất nước cũng thay đổi. Các biện pháp quản lý xã hội có mềm hơn. Cán bộ, công chức nói chung gắn bó với Nhà nước. Doanh nhân được ưu đãi, chăm sóc. Do đó số đông tầng lớp trung lưu và trí thức chưa quá bức xúc đòi hỏi tự do dân chủ. Công nhân đình công, nông dân biểu tình đều vì quyền lợi vật chất cụ thể chứ chưa phải đòi được tự do lập Hội, lập Công đoàn. Có tài liệu cho rằng trung bình mỗi người dân Việt Nam có chân trong 2,33 tổ chức Hội, Đoàn, làm cho họ cứ tưởng rằng mình đã được nhiều tổ chức của một xã hội dân sự bảo vệ lợi ích khi cần thiết.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam nắm chắc lực lượng quân đội và công an bằng một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trên xuống tận cơ sở và buộc họ đồng nhất Đảng với Tổ quốc. Nhận định của ông Lê Hồng Hà rất đúng khi cho rằng không thể dùng bạo lực để lật đổ chế độ này.

Tuy nhiên ba thế mạnh kể trên đang bị “ba điểm yếu” bào mòn từng ngày. Nếu không kịp thời có giải pháp sáng suốt và mạnh mẽ để Đổi mới Đảng thì về lâu dài nguy cơ sụp đổ khó tránh khỏi.

III. Ba điểm yếu của Đảng Cộng sản

1. Do ”ngu trung” với ý thức hệ, Đảng Cộng sản Việt Nam không rút được bài học nhầm lẫn chọn bạn đồng minh, đã tiếp tục phạm sai lầm lớn hơn ở cuộc gặp Thành Đô năm 1990, cầu hòa với Bắc Kinh trong thế yếu. Từ đó, hai kẻ thù mang mặt nạ “đồng chí”, giả vờ kết giao trên “16 chữ vàng”. (Do quá phẫn nộ trước hành động ngang ngược gần đây của nhà cầm quyền Bắc Kinh, nhân dân đã nhại lại thành 16 chữ đen là “Láng giềng khốn nạn, cướp đất toàn diện, cướp biển lâu dài, thôn tính tương lai”.) Nhầm lẫn trước năm 1954 còn có thể thông cảm, nhưng từ khi Bắc Kinh liên tục gây chiến tranh biên giới với tất cả quốc gia láng giềng Ấn Độ, Liên Xô, Việt Nam mà vẫn còn cho rằng “từng là xã hội chủ nghĩa với nhau vẫn tốt hơn” thì thật là mù quáng. Năm 1974 chúng đã chiếm Hoàng Sa, năm 1984 chúng bất ngờ tập kích Lão Sơn giết chết 3700 chiến sĩ Việt Nam, năm 1988 chúng chiếm đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa, giết chết 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam. Chúng liên tục lấn tới, lập cơ quan hành chính Tam Sa gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, liên tiếp bắn giết, cướp thuyền, bắt ngư dân chúng ta đánh cá trên vùng biển của mình. Những ai có trái tim yêu nước đều cảm nhận chúng chỉ chực chờ thời cơ để đánh úp chiếm đoạt cả Trường Sa của chúng ta!

Từ tháng 3 năm 2009 đến nay, cả nước sôi sục một phong trào đòi hủy bỏ dự án Bauxite mở đường cho hùm dữ vào nhà. Các bậc đại công thần của chế độ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, các Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Lê Văn Cương và hằng ngàn trí thức đã lên tiếng cảnh báo những người có trách nhiệm lãnh đạo đất nước phải thức tỉnh. Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng, trong “Bài học bất ngờ từ Trung Quốc” đã viết: “Năm 2008, tập đoàn Tân Tạo đưa Trung Quốc vào quần đảo Nam Du xây dựng cảng than. Cũng năm 2008, Đài Loan thành công với dự án xây dựng khu luyện thép bên vịnh Sơn Dương. Cuối năm 2008, việc xây dựng nhà máy luyện nhôm Tân Rai, Nhân Cơ giúp Trung Quốc gài quả bom bùn độc trên thượng nguồn sông Đồng Nai. Nếu một ngày nào đó thực hiện kịch bản chiến tranh bất ngờ như năm 1979, họ sẽ nổ quả bom bùn đã gài sẵn ở Tân Rai làm các tỉnh miền Đông và thành phố Hồ Chí Minh chết khát. Họ chiếm Sơn Dương-Hà Tĩnh, chặn cả đường biển lẫn đường bộ từ Nam ra Bắc. Họ chiếm quần đảo Nam Du cắt đường biển quốc tế đến Việt Nam. Một tình huống vô cùng nguy khốn đang hiện ra trước mắt ta đó!”

Báo chí và người phát ngôn Việt Nam không dám nêu tên tàu Trung Quốc mà gọi là “tàu lạ”. Trong khi đó, báo mạng Hoàn cầu thuộc Tân hoa Xã bình luận rằng: Trung Quốc nên giải quyết tranh chấp biển đảo bằng biện pháp quân sự! Vậy mà Nhà nước Việt Nam vẫn sợ mất lòng Trung Quốc, không dám đưa vụ bắt ngư dân của mình ra Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Dư luận trong và ngoài nước đều chê trách những người lãnh đạo Việt Nam quá ngờ nghệch đã tự chui vào thế kẹt rồi đâm ra hèn nhát trước sức ép của Bắc Kinh. Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hưng Quốc có bài viết tựa đề “Sao bỗng dưng họ lại hèn vậy?” trong đó ông nhắc lại nhiều hành xử anh hùng của người cộng sản Việt Nam trước đây, nhưng không lý giải câu hỏi mới đặt ra.

Ở những cuộc chiến tranh cứu nước trước đây, chúng ta luôn luôn có đồng minh thân thiết và được nhiều quốc gia khác ủng hộ. Trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc 1979, chúng ta còn có đồng minh Liên Xô. Trái lại trong cuộc đối đầu với bọn bành trướng Bắc Kinh hiện nay, Việt Nam hoàn toàn không có đồng minh chiến lược! Tiến sĩ Storey chủ biên tạp chí Đông Nam Á Đương đại cho rằng: “Vấn đề Biển Đông là chủ đề nan giải” (ý nói đối với Việt Nam) và nhận định: “Các nhà lãnh đạo Ba Đình không thể dựa vào một quốc gia nào khác ngoài bản thân mình trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Không thể dựa vào Mỹ, không thể dựa vào Nga và càng không thể dựa vào khối ASEAN”. Tại sao ông nhận định như vậy? Bởi vì chúng ta đã tự xếp mình là đồng minh thân thiết nhất của Trung Quốc. Khi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp Lý Nguyên Triều, Trưởng ban Tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc, cám ơn họ đào tạo cán bộ cho Việt Nam thì cơ quan an ninh Việt Nam bắt luật sư Lê Công Định. Khi Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đến Hà Nội thì Đài Truyền hình Việt Nam phát lời thú tội của bốn nhà hoạt động dân chủ, trong đó lời khai bổ sung của Lê Công Định là có gặp nhiều quan chức Mỹ, đại sứ Mỹ cho rằng tổ chức tư pháp cần tách khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều tờ báo và đài truyền hình bình luận rằng, những người hoạt động dân chủ bị bắt đều có liên hệ với các thế lực thù địch chống phá Việt Nam. Các động thái kể trên đã cho thế giới hiểu rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang đứng về phía nào trên bàn cờ khu vực và toàn cầu!

Ông Lê Tuấn Huy trong bài “Bài ngửa ở Biển Đông và bài bản về tư duy”, đã nhận xét rất đúng rằng: “Trong tương quan Biển Đông đã bị đặt vào thế phải tranh chấp, Việt Nam lại không có đồng minh cơ hữu lẫn đồng minh thể chế, khi mà đồng minh lớn nhất về chính trị lẫn văn hóa chính là chủ thể muốn tước đoạt biển đảo. Việt Nam cũng hầu như không có được sự hậu thuẫn cuả công luận thế giới trong vấn đề này và đó cũng là một phần hậu quả từ việc thiếu vắng tương tác đồng minh”. Ông nhận định: “Chần chừ, với Việt Nam lúc này đồng nghĩa với việc tiếp tục đẩy mình vào cảnh thân cô thế cô!”.

Tổ quốc cấp thiết đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải lựa chọn giữa hai con đường: Tìm đồng minh cho dân tộc hay là giữ “đồng chí” cho Đảng. Thật ra thì bọn bành trướng Bắc Kinh đâu có xem Đảng Cộng sản Việt Nam là đồng chí. Cách hành xử trịch thượng của họ đối với ta giống như minh chủ đối với chư hầu! Nếu không mau chóng trả lời dứt khoát câu hỏi trên, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ càng ngày càng bị mất niềm tin của dân tộc và càng lâm vào thế kẹt.

2. Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa chỉ thích hợp cho một xã hội có nền kinh tế công hữu và tập thể, phân phối bao cấp từ hạt gạo đến bó rau và đóng cửa với thế giới bên ngoài. Đổi mới kinh tế đã làm cho hệ thống chính trị không còn tương hợp, trở thành chiếc áo cũ rách. Các giá trị hôm qua đặt vào thực tế hôm nay hóa ra khôi hài.

Suốt 20 năm đổi mới, các kỳ Đại hội Đảng cứ khất lần khất lữa việc định nghĩa ”Cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” có nội dung gì? Và “Vai trò vị trí của giai cấp công nhân, giai cấp tiên phong lãnh đạo cách mạng” có gì thay đổi? Nếu chỉ nêu mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thì không có gì khác các quốc gia dân chủ, nhưng so ra họ còn làm tốt hơn mình! Đến khóa 10 này, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam thấy không thể kéo dài mãi, đã tìm cách giải đáp ở Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 từ ngày 14 đến 22 tháng 1 năm 2008 như sau:

“Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một nền kinh tế vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường vừa chịu sự chi phối bởi các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội” (Tài liệu học tập các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa 10, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia năm 2008, trang 33). Các nhà lý luận của Đảng quên rằng: “Quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội ra đời và bắt đầu phát sinh tác dụng cùng với việc xây dựng thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa; phạm vi hoạt động của nó được mở rộng theo đà củng cố và phát triển thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa. Tư liệu sản xuất trở thành sở hữu công cộng làm cho nền sản xuất không phải để phục vụ cho việc phát tài và làm giàu của cá nhân hay một giai cấp…” (Từ điển kinh tế, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội 1976, trang 455). Trong nền kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân phát triển, xung khắc với quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội như nước với lửa, làm sao chịu được sự chi phối của nó?

Giai cấp công nhân đang nơm nớp lo bị mất việc làm. Nghe nói mình có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam, họ bảo nhau: “Mấy ông này hay thiệt, vừa đại diện cho công nhân lại vừa là tư bản đỏ!” Hơn 2500 cuộc đình công (chỉ tính đến giữa năm 2008) của công nhân không có sự chỉ đạo của tổ chức công đoàn do Đảng lãnh đạo, đã nói lên niềm tin của họ đang đặt vào đâu.

Nói về chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhà nghiên cứu chủ nghĩa Marx Kornai János người Hungary cho rằng: “Đảng Cộng sản Trung Quốc trình bày ý thức hệ giả mạo khi dẫn chiếu đến chủ nghĩa Marx. Cái hệ thống mà Đảng Cộng sản ngự trị về cơ bản mang tính tư bản chủ nghĩa, vì sở hữu tư nhân đã trở thành hình thức sở hữu áp đảo, và bởi vì cơ chế điều phối chính là cơ chế thị trường”. Nhận định đó hoàn toàn đúng đối với đường lối kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do không chịu công nhận Đổi mới là vứt bỏ những nguyên lý về kinh tế của chủ nghĩa xã hội và do tiếp tục duy trì hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa theo mô hình Stalin, Đảng đã làm cho xã hội đầy dẫy những hiện tượng thực giả lẫn lộn, nói một đằng hiểu một nẻo, đạo đức xuống cấp trầm trọng!

Nói “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, người dân thắc mắc: ”Trong lịch sử chưa có ai làm chủ mà không được lãnh đạo, lại còn bị người khác lãnh đạo!”

Nói “thông qua dân chủ bầu cử Quốc hội”, người dân bảo: “Lâu nay vẫn là Đảng cử, Dân bầu!”

Nói “Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”, người dân bảo: “Quốc hội bao giờ cũng họp sau khi Đảng đã họp và đề ra nghị quyết chỉ đạo cho Quốc hội phải làm gì. Vừa qua Bộ Chính trị quyết định đại dự án Bauxite đâu có cần thông qua Quốc hội!”

Nói đảng viên cán bộ là đày tớ của nhân dân, mấy ông hai lúa cười: “Cả đời mình làm chủ mệt mỏi quá rồi, cầu mong mấy đứa nhỏ sau này có đứa được làm đày tớ cho cả dòng họ được nhờ!”

Nói “Sống và làm việc theo pháp luật”, “Mọi người bình đẳng trước pháp luật”, người dân bảo: “Pháp chế xã hội chủ nghĩa, tư pháp do Đảng lãnh đạo. Người có chức có quyền mới tham nhũng, mà có chức có quyền thì phải là đảng viên, vậy tư pháp làm sao dám xét xử tham nhũng? Hãy coi Tòa án Hà Nội, rồi Tòa án Tối cao cứ như gà mắc tóc trước vụ luật sư Cù Huy Hà Vũ khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì biết tư pháp Việt Nam được độc lập cỡ nào!”

Nói chúng ta đã thực hiện tốt quyền tự do báo chí, người dân hỏi: “Không nghe ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông bảo: ‘Phải đi đúng lề phải mới có tự do báo chí’ đó sao?”. Mới đây ông Nguyễn Mạnh Cầm cho rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Đảng giao cho nhiệm vụ vận động nhân dân phản biện các chính sách của Đảng, nhưng suốt mấy năm, Mặt trận vẫn chưa làm tốt. Xin hỏi, có cách nào để làm tốt được đây, khi mà phản biện chỉ được phép nói trong cái “vòng kim cô” của nghị quyết Đảng? Ai chẳng sợ lỡ miệng ra ngoài vòng sẽ bị thiệt thân? Các ông Nguyễn Mạnh Tường luật sư Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kim Ngọc Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, Trần Xuân Bách Ủy viên Bộ Chính trị, là những nhà phản biện dũng cảm đã bị trừng phạt như thế nào ai chẳng biết!

Mới đây, Viện Nghiên cứu Phát triển IDS do giáo sư Hoàng Tụy làm Chủ tịch Hội đồng, Tiến sĩ Nguyễn Quang A làm Viện trưởng, đã phải tuyên bố tự giải thể để phản đối Quyết định 97 của Thủ tướng Chính phủ hạn chế quyền được nghiên cứu và phản biện. Ngày 15 tháng 9 năm 2009, Mặt trận Tổ quốc họp báo về Đại hội lần thứ 7, có nội dung “tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng đại đoàn kết toàn dân”. Làm sao đồng thuận được khi không có phản biện dân chủ mà chỉ có quyết định từ trên dội xuống?

Các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền của nhân loại tiến bộ khi vào Việt Nam đều phải co lại cho vừa cái khung xã hội chủ nghĩa. Cách hiểu, cách làm của Việt Nam trái với các văn kiện quốc tế về quyền con người mà Nhà nước Việt Nam đã cam kết thực hiện. Năm nào Việt Nam cũng bị lên án vi phạm tự do dân chủ, nhân quyền và bị xếp hạng vào cuối bảng của các nước trên thế giới. Phản ứng của Nhà nước Việt Nam luôn luôn là “Nhận thông tin sai lạc với thực tế Việt Nam”, hoặc “can thiệp vào nội bộ Việt Nam”, nặng nề hơn nữa là “âm mưu của các thế lực thù địch hòng chống phá Việt Nam”. Chúng ta chấp nhận hội nhập với cộng đồng nhân loại, làm bạn với tất cả các nước, nhưng lại không đồng ý với người ta về những giá trị phổ biến của nền văn minh nhân loại là: xã hội công dân, sở hữu tư nhân, nhà nước pháp quyền và chế độ dân chủ đại nghị. Chủ nghĩa xã hội thế giới đã thất bại vì phủ định những giá trị phổ biến đó, cố tìm những giá trị khác (xã hội toàn trị, công hữu, kế hoạch hóa quan liêu bao cấp, chuyên chính vô sản, dân chủ tập trung xã hội chủ nghĩa) hòng thay thế, rồi lâm vào ngõ cụt và bị sụp đổ!

Trong bài phát biểu với Hội đồng Lý luận Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 30-6-2009) ông Đặng Quốc Bảo cho rằng: “Quá trình cầm quyền với hình thức quản lý chuyên chính vô sản, với nguyên tắc tập trung dân chủ, xã hội chưa bao giờ được hưởng quyền tự do dân chủ đích thực”. Và ông xin phép lưu ý: “Nếu xã hội… họ cảm thấy áp lực chuyên chế nặng nề lắm thì không thể tránh được những biến động xấu, rất xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào”. Chính hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa theo mô hình Stalin đã làm suy yếu các khả năng chống tham nhũng, hiểm họa nội xâm của đất nước.

3. Nhiều người già ở Sài Gòn cho rằng tham nhũng hiện nay đã vượt xa chế độ Sài Gòn cũ. Có thể bào chữa rằng tham nhũng là vấn đề toàn cầu chứ có riêng gì mình. Vâng, nhưng tham nhũng ở các quốc gia dân chủ có nhiều thứ thuốc trị mà ta không có. Khi báo chí đưa tin Hoa Kỳ vừa bắt 44 người tham nhũng thì các ông già thạo tin bảo: “Nếu nước ta có cơ quan tư pháp độc lập như họ thì chỉ riêng quận mình thôi, số tên tham nhũng bị bắt cũng vượt xa con số của cả nước Mỹ!”

Có lẽ trên thế giới không nước nào có nhiều cơ quan có chức năng chống tham nhũng bằng nước ta. Đảng có Ủy ban Kiểm tra, Nhà nước có Tổng Thanh tra, các Bộ, các ngành, các đoàn thể, ở từng cấp đều có tổ chức thanh tra, kiểm tra. Có rất nhiều nghị quyết chỉ đạo chống tham nhũng. Một ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng làm Trưởng ban Chống Tham nhũng Trung ương. Các Đảng ủy được nhắc nhở phải coi chống tham nhũng là trách nhiệm lớn. Thế nhưng, tham nhũng đã xảy ra ở ngay các Đảng bộ đạt tiêu chuẩn “4 tốt”, danh hiệu “Đảng bộ trong sạch vững mạnh” như: Văn phòng Chính phủ, Đảng ủy Bộ Giao thông Vận tải, Đảng ủy PM18, Đảng ủy dự án Đại lộ Đông-Tây… Vì sao tham nhũng ở Việt Nam “kháng thuốc” ghê gớm vậy?

Có 3 nguyên nhân:

(a) Ở các quốc gia dân chủ họ có nền tư pháp độc lập, có thể buộc tội cả Tổng thống, còn pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Tay này sao nỡ chặt tay kia!

Trả lời sao đây khi bao nhiêu vụ án lớn không nhúc nhích:

- Vụ PMU 18 còn đó mà các nhà báo viết về nó đã phải đi tù;

- Vụ PCI dù người Nhật đã khai hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ, nhưng sau nửa năm, Sĩ chỉ bị khởi tố về tội cho thuê nhà! Dư luận tin rằng Sĩ không thể nuốt trôi khối đô la khổng lồ nếu không chia cho các vị thượng cấp có liên quan trách nhiệm đối với công trình này;

-Năm 2006, cảnh sát Đức phát hiện Siemens chuyển hơn 241.000 Euro vào tài khoản ở Singapore của một quan chức Việt Nam. Đến nay cảnh sát Việt Nam chưa động đậy;

- Năm 2008, một Việt kiều bị truy tố “hối lộ 150 nghìn đô la để bán được thiết bị cho một dự án ở Vũng Tàu”. Đến nay phía Việt Nam chưa có ý kiến gì;

- v.v…

(b) Ở các nước dân chủ có hệ thống báo chí được gọi là “quyền lực thứ tư”. Báo chí “lề phải” của chúng ta luôn luôn phải chờ được phép mới dám đưa tin. Trước đây các phóng viên viết bài chống tham nhũng cứ chờ cơ quan điều tra của Bộ Công an cung cấp tài liệu. Từ khi hai phóng viên của báo Tuổi trẻ và báo Thanh niên dùng tài liệu của công an để viết bài mà vẫn bị xử tù thì những cây bút chống tham nhũng của báo chí Việt Nam càng co lại giữ mình.

(c) Các quốc gia dân chủ đều có các đảng đối lập luôn luôn săm soi mọi hành vi sai trái của đảng cầm quyền. Do đó các đảng cầm quyền phải có nhiều biện pháp quản lý đảng viên giúp họ tránh các cạm bẫy. Còn ở nước ta, Đảng một mình một chợ, đảng viên chẳng cần giữ ý, không sợ bất cứ ai!

Tại Hội nghị Trung ương 3, tháng 7 năm 2006, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có nhận định rất đúng rằng: “Tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ”. Từ đó đến nay, ba năm đã trôi qua, tham nhũng không hề nao núng bởi nhận xét của ông. Vậy thì liệu rằng sẽ có lúc chính chế độ phải nao núng bởi tham nhũng?

IV. Nêu bốn câu hỏi, trước khi trình giải pháp

1. Ông Lý Quang Diệu cho rằng năm 1975, Sài Gòn có tiềm lực kinh tế ngang với Băng Cốc, nhưng 20 năm sau Sài Gòn tụt hậu so với Băng Cốc 20 năm. Vì sao? Có phải chỉ vì Băng Cốc có nhiều chính sách khuyến khích phát triển công thương nghiệp tư bản, trong khi đó Sài Gòn ra sức cải tạo công thương nghiệp tư bản? Nhìn rộng ra, tại sao tất cả các nước theo chủ nghĩa xã hội đều nghèo đói so với các nước phát triển tư bản? Nhiều nhà lý luận Mác-Lê sang các nước tư bản phát triển thừa nhận rằng ở các nước này ”có nhiều xã hội chủ nghĩa” hơn Liên Xô, Đông Âu! Cứ xem hai quốc gia bị chia cắt là Đức và Triều Tiên, bên theo chủ nghĩa xã hội thì nghèo đói, bên phát triển tư bản chủ nghĩa thì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, văn minh. Nước ta từ khi Đổi mới, tức là từ bỏ những nguyên lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, thực hiện chủ nghĩa tự do kinh tế thì sức sản xuất được giải phóng, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Như vậy làm sao có thể nói đường lối kinh tế xã hội chủ nghĩa là ưu việt? Lenin từng cho rằng trong cuộc cạnh tranh “ai thắng ai”, chiến thắng sẽ thuộc về bên nào có năng suất lao động cao hơn. Nếu chủ nghĩa xã hội có năng suất cao hơn thì đâu đã bị “hạ gục” (chữ của Tổng thống Mỹ Obama)? Có phải chế độ công hữu triệt tiêu động lực cá nhân trong lao động sáng tạo làm cho năng suất lao động xã hội sa sút?

2. Ngày nay, toàn thế giới đều biết trước đây ở Liên Xô, chính quyền Xô-viết đã thủ tiêu hằng vạn cán bộ cao cấp, hằng triệu dân lành, cấm phát hành nhiều tác phẩm tiến bộ và đày ải các tác giả của nó, kể cả những người đoạt giải Nobel. Ở Trung Quốc, Đại Cách mạng Văn hóa vô sản đã giết hằng triệu người, trong đó có cả Chủ tịch Nước, nhiều ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng và các nhà văn hóa lớn. Ở Campuchia, Đảng Cộng sản (từng là đồng minh của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời chống Mỹ) đã gây ra họa diệt chủng chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Tất cả các đảng cộng sản ở Đông Âu, Cuba, Bắc Triều Tiên đều có những trang sử đen về nhân quyền. Có lẽ chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam mềm hơn tất cả? Nhưng dù vậy, chúng ta cũng đâu có thiếu những ngày tháng nhắc tới không khỏi đau lòng: Cải cách Ruộng đất, chống Nhân văn – Giai phẩm, Cải tạo Công Thương nghiệp ở miền Bắc, Chỉnh đốn Tổ chức, Thanh trừ bọn xét lại chống Đảng, Cải tạo Tư sản miền Nam và những cán binh của chính quyền Sài Gòn, gây ra cảnh hàng triệu người vượt biển, một thảm họa “thuyền nhân”!

Có phải vì ý thức hệ cộng sản, độc quyền tư tưởng, triệt tiêu tư duy độc lập tự do sáng tác, phát minh, lấy đấu tranh giai cấp làm động lực tiến bộ, coi lập trường giai cấp, một khái niệm rất mơ hồ là nền tảng đạo đức, từ đó đẻ ra tình trạng tay phải chặt tay trái, đồng chí giết nhau, lương giáo nghi kỵ, con tố cha, vợ tố chồng?

3. Qua hơn 20 năm đổi mới, một lớp doanh nhân (Đảng muốn gọi tránh, chứ đúng ra phải gọi đúng tên là giai cấp tư sản) đã hình thành, trong đó có khá đông đảng viên cộng sản và con em họ.

Dù cho rằng phải đổi mới nội dung cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng đổi mới thế nào cũng không thể vượt khỏi các nguyên lý của nó. Trước Đổi mới, chỉ cần diễn đạt khác các với các nguyên lý giáo điều chút xíu đã bị lên án là xét lại, chống Đảng, đã phải đi tù. Đó là tội của các đồng chí Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Kiến Giang… Đổi mới đến mức không còn các nguyên lý cũng tức là từ bỏ chủ nghĩa xã hội! Đường lối kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu từ Đại hội 6 đến nay thực sự đã từ bỏ hết các nguyên lý về kinh tế của chủ nghĩa xã hội. Bởi vì Marx và Engels đã viết: “Chủ nghĩa cộng sản phải xóa bỏ buôn bán, xóa bỏ chế độ sản xuất tư sản, xóa bỏ ngay cả giai cấp tư sản nữa” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nhà xuất bản Sự Thật năm 1974, trang 70) và “Giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị của mình để từng bước một đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước” (Sách trên, trang 78).

Vậy nếu không phải là từ bỏ vĩnh viễn chủ nghĩa xã hội mà chỉ là sách lược, cho phép giai cấp tư sản tồn tại trong “giai đoạn quá độ” thì có nghĩa là rồi đây Đảng sẽ có chính sách “từng bước một đoạt lấy” như đã từng làm trong quá khứ? Nhưng lần này liệu những đảng viên cộng sản (số rất đông) và con em họ, những “tư sản đỏ” có chấp nhận chính sách đó hay chống lại? Và toàn dân Việt Nam liệu có đồng ý thực hiện cái chính sách từng kéo lùi Sài Gòn tụt hậu 20 năm so với Băng Cốc? Nếu tính chung cả nước ta thì sự tụt hậu và nỗi đau đớn do chủ nghĩa xã hội theo mô hình Stalin gây ra còn ghê gớm hơn nhiều!

4. Vậy thì vì lý do gì Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam quyết kiên trì chủ nghĩa xã hội?

Rốt lại, chỉ vì hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa bảo vệ quyền lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản! Nhưng giữ nó thì phải gánh chịu “3 điểm yếu” từng ngày bào mòn “3 thế mạnh” của Đảng, còn bỏ nó liệu có phiêu lưu như Chủ tịch Nguyễn Minh Triết từng cảnh báo: “Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát”?

Không! Tôi cho rằng trái lại, bỏ hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa sẽ đem lại rất nhiều điều thần kỳ cho Đảng và cho Đất nước.

Tháng 7 năm 2009, ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội, có 4 bài viết và trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam, nêu những tiêu đề: “Giờ là lúc phải đổi mới toàn diện”; “Tôi mong lãnh đạo quốc gia có tầm nhìn Lý Quang Diệu” (Ông Lý Quang Diệu từng có ý kiến cho rằng việc hoạch định chính sách phát triển đất nước đừng để ảnh hưởng của ý thức hệ); “Dân là gốc, pháp luật là tối thượng”; “Dân là gốc thuộc phạm trù vĩnh viễn, Đảng và Nhà nước thuộc phạm trù lịch sử”; “Không ai độc quyền chân lý”, “Qua tranh luận, thử thách trong cuộc sống… có khi phải thay đổi nhận thức tới 180 độ”. Những ý kiến trên đây của ông Nguyễn Văn An gợi ra nhiều điều quan trọng cho nội dung Đổi mới toàn diện.

Trong bài phát biểu nhân Kỷ niệm Quốc khánh 2-9-2009, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tuyên bố “Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”. Chúng ta đã đổi mới ngoạn mục về kinh tế, nay “Đổi mới toàn diện” như Tổng Bí thư tuyên bố chính là yêu cầu cấp thiết của toàn dân tộc. Tiếc rằng, Tổng Bí thư chưa nói rõ thế nào là Đổi mới toàn diện.

Chúng tôi nghĩ rằng Đổi mới toàn diện cần theo những nguyên tắc sau đây:

“Đổi mới phải phù hợp với trào lưu thời đại của nhân loại ở thế kỷ 21; phải có tác dụng tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phải Đổi mới tất cả các mặt: kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội và chính trị”.

V. Bỏ hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa: Một mũi tên trúng nhiều đích

1. Từ đây, Đảng và dân tộc ta thực sự trở lại với tư tưởng Dân chủ Cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh (như giáo sư người Nhật Yoshiharu Tsuboi nhận định) đã được thực thi sau Cách mạng tháng Tám: Một chính phủ liên hiệp thể hiện quyền làm chủ rộng rãi của toàn dân Việt Nam đoàn kết; một bản Hiến pháp 1946 tiến bộ, quy định rõ tổ chức quyền lực Nhà nước và các quyền tự do dân chủ của nhân dân trong xã hội dân sự.

Nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng Hồ Chí Minh là một người không giáo điều, ý tưởng nào có thể áp dụng để đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng dân tộc thì người chấp nhận. Người chịu theo Quốc tế 3 chỉ vì bản Cương lĩnh của Lenin ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Năm 1930, “Chánh cương đoàn kết dân tộc” do người soạn thảo cho Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm Stalin nổi giận: đó là chủ nghĩa dân tộc, không phải cộng sản! Năm 1945, người tuyên bố tự giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương để có thể tranh thủ sự ủng hộ của Hoa Kỳ và các nước đồng minh, tránh cho dân tộc không phải gánh chịu cuộc chiến tranh tái xâm lược của thực dân Pháp. Chính các thế lực đế quốc của Pháp và Mỹ đã buộc cụ Hồ phải dựa hẳn vào phe cộng sản.

Tư tưởng chủ yếu của Hồ Chí Minh là:

“Tôi chỉ có một Đảng: Đảng Việt Nam!”

“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi.”

“Không có gì quý hơn Độc lập Tự do!”

“Nếu nước đã được độc lập mà nhân dân không có tự do hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì.”

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.”

Chính vì thế mà một nhà sử học Anh cho rằng, từ những ứng xử của người trong lịch sử có thể tin chắc, nếu còn sống Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là người khởi xướng đổi mới một cách sớm sủa và mạnh mẽ.

Trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta là “Đảng Việt Nam” sẽ được toàn dân tộc vui mừng, tin tưởng. Một chính quyền thực sự là của Dân, do Dân, vì Dân, rũ bỏ được các khuyết tật đã kể ở trên. Một xã hội dân sự, người dân có đầy đủ tự do, dân chủ, nhân quyền như các nước tiên tiến. Nước ta thực sự hội nhập với thế giới trong mọi giá trị văn minh của nhân loại. Từ nay không còn mang nỗi lo quái gở là sợ bị “diễn biến hòa bình”! (Gọi là quái gở bởi vì toàn nhân loại tiến bộ không có ai lo như thế. Trái lại ở nước Singapore, người ta còn cho rằng “Thế giới đã thay đổi, nếu chúng ta không thay đổi là chết!”). Từ nay không còn nơm nớp lo “Các thế lực thù địch phương Tây can thiệp vào nội bộ”. Và quan trọng hơn là từ nay ở vị thế mới trong cộng đồng các quốc gia tiến bộ văn minh của nhân loại, chúng ta mặc nhiên có những đồng minh chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Có đồng minh chiến lược không phải để gây chiến với bọn bành trướng mà là để có đủ sức mạnh nói chuyện hòa bình, buộc chúng thực thi công lý, đòi lại biển đảo bị chúng chiếm đoạt bất hợp pháp.

Với Nhà nước pháp quyền, với lực lượng truyền thông “đệ tứ quyền”, có sự phản biện của xã hội dân sự, “giặc nội xâm” cũng sẽ bị đẩy lùi.

2. Đổi mới Đảng, từ bỏ ý thức hệ cộng sản sẽ là phép màu san bằng rào cản, hòa giải hòa hợp với 3 triệu đồng bào ở nước ngoài, những người yêu nước, có tri thức, có tấm lòng, nhưng không tán thành chủ nghĩa cộng sản và bị ám ảnh rất nặng nề bởi nỗi oán hận từ quá khứ. Từ đây sẽ không còn những cuộc biểu tình chống đối chính quyền trong nước, ngăn cản bà con muốn về xây dựng quê hương. Từ đây các em sinh viên ưu tú du học ở các nước tiên tiến, tiếp thụ các lý tưởng dân chủ không còn nỗi bức xúc, quay ra hoạt động chính trị đối lập với Nhà nước rồi lâm vào cảnh tù tội oan uổng.

Sức mạnh toàn dân tộc sẽ tăng lên gấp bội giúp cho sự nghiệp canh tân đất nước có hiệu quả hơn bao giờ hết. Lịch sử sẽ ghi nhận hành động dũng cảm triệt để đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là mở ra con đường đại phúc cho dân tộc!

3. Đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên, liệu sự chọn lựa này có làm mất quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (sau khi đã là Đảng của dân tộc) hay không? Đã đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên thì không nên tính toán hơn thiệt. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thấy rằng không có một đảng nào có thế mạnh từ lịch sử như Đảng Cộng sản Việt Nam (tiền thân của một Đảng dân tộc được kế thừa Đảng Cộng sản Việt Nam). Là một Đảng lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc, rồi chủ xướng đổi mới, cuối cùng dám từ bỏ ý thức hệ lỗi thời để tự biến mình hoàn toàn thành Đảng của Dân tộc. Vậy thì trong tâm tưởng người Việt Nam yêu nước còn có thế lực nào đáng gửi gắm niềm tin là có đủ tài, đủ đức lãnh đạo đất nước hơn một Đảng như thế?

4. Khi đã có Cương lĩnh đề ra mục tiêu và nội dung đổi mới, Đảng sẽ định một lộ trình thật khoa học để từng bước thực hiện sự nghiệp trọng đại này một cách chắc chắn.

(a) Nhà thơ Thanh Thảo cho rằng: Nên trở về với Hiến pháp 1946, đó là Hiến pháp tiến bộ và dân chủ nhất từ trước tới nay ở Việt Nam; nên trở về với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, là đảng của người lao động cũng là của nhân dân Việt Nam. Như vậy không phải tạo ra đảng mới nào cả mà vẫn là mới so với hiện nay. Nên khôi phục lại hai Đảng Xã hội và Dân chủ đã từng có, để tập hợp những người trí thức yêu nước và giữ vai trò phản biện dân chủ (Thư gửi Thiện Ý).

(b) Tuy nhiên, có nhiều người cho rằng nên từ thực tế hôm nay mà tìm lối ra thích hợp hơn là quay lại cái cũ. Ví dụ, bắt đầu luật hóa Điều 4 để sự lãnh đạo của Đảng không là đảng trị. Xây dựng luật bầu cử đảm bảo quyền tự do ứng cử bầu cử của nhân dân, để Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, hệ thống chính quyền thực sự là của dân, do dân, vì dân. Xây dựng một hệ thống tư pháp độc lập để Chính phủ điều hành việc nước bằng pháp luật và chịu sự giám sát của nhân dân theo pháp luật. Cuối cùng khi đến lúc đủ điều kiện sẽ soạn lại Hiến pháp theo đúng tinh thần Dân chủ Cộng hòa, đáp ứng nguyện vọng của toàn dân và phù hợp với lương tri của đa số các dân tộc trong thời đại ngày nay.

Đảng Cộng sản Việt Nam có thể theo cách của Đảng Xã hội Pháp hồi 1920: Những người muốn đảng trở thành Đảng của dân tộc và những người muốn giữ nguyên Đảng Cộng sản tách nhau ra thành hai đảng. Sau đó, tổ chức trưng cầu ý dân bằng một cuộc bỏ phiếu kín chọn đảng lãnh đạo từ hai đảng này. Đảng không được nhân dân chọn làm lãnh đạo sẽ trở thành đảng đối lập.

Tôi muốn nhắc lại bài học của Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia trước đây để càng thêm tin tưởng việc triệt để Đổi mới Đảng:

Khi chấp nhận hình thức Chính phủ Liên hiệp, Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia đã mở Đại hội đề ra Cương lĩnh mới, tuyên bố từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, đổi tên đảng thành Đảng Nhân dân Campuchia (bỏ từ Cách mạng với ngụ ý trở thành Đảng của dân tộc). Đại diện Đảng Cộng sản Việt Nam dự Đại hội này là ông Lê Đức Anh, nguyên cố vấn cho đảng bạn, đã tức giận cho rằng “Chưa thua mà đã cuốn cờ!” (ý nói cờ cộng sản). Lúc ấy thế và lực của Đảng Nhân dân Campuchia rất yếu so với Đảng Bảo hoàng của Ranariddh được uy tín của Sihanouk và Nhà nước Vương quốc yểm trợ. Vậy mà từ vị thế phải chia đôi quyền lực Nhà nước (2 ông Thủ tướng, 2 ông Bộ trưởng, cho tới các cấp dưới…) Đảng Nhân dân Campuchia đã vượt lên sau mỗi nhiệm kỳ và ngày nay hoàn toàn ở thế thượng phong so với các đảng đối lập.

Đảng Cộng sản Việt Nam có những ưu thế tuyệt đối mà Đảng Nhân dân Campuchia ngày ấy không thể sánh. Do đó giải pháp triệt để đổi mới Đảng, từ bỏ chủ nghĩa xã hội, trở thành Đảng của dân tộc, không hề là phiêu lưu mà là một hành động sáng suốt, bắt đúng nhịp của thời đại, đáp ứng đúng nguyện vọng của dân tộc, nhất định Đảng sẽ cùng Dân tộc đồng hành tới tương lai vô cùng xán lạn!

© 2009 Thiện Ý

© 2009 talawas blog


Share/Save/Bookmark
Related Posts with Thumbnails