Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2009

Viết cho ngày 30.4

Nguồn : x-Cafe

Hoàng Tuấn, Hoàng Tuấn's Blog

Những ngày tháng lịch sử năm nào đang dội về. Nhiều người sẽ vẫn ca ngợi đó là những tháng năm “hào hùng” của dân tộc. Tôi không phủ nhận mà có thể tự hào rằng, người Việt Nam vẫn luôn dành lại đất nước bằng bất cứ giá nào. Nhưng tôi không ca ngợi hành động giết chóc, dù là giết ai.

Có lẽ, thời của chúng tôi đã khác nhiều với thời của ông cha. Chúng tôi sinh ra khi máu và lửa ngừng đày đọa kiếp người dân Việt. Những vết đau rỉ máu, quằn quại trên thân thể đất nước bị chiến tranh tàn phá sau đó cứ liên tiếp trôi qua cùng tuổi thơ của chúng tôi. Từ những buổi làm ca liên miên của mẹ, nỗi vất vả tràn đầy trên khuôn mặt không kịp thấm tay áo mồ hôi. Nỗi vất vả cuốn bố tôi đi biền biệt nhiều tháng mới về nhà được vài ngày vì những công trình lớn đang cần xây dựng. Tất cả xung quanh tôi lúc đó đều lao vào guồng máy xây dựng lại đất nước.
left
Chúng tôi không còn là thế hệ ít học và ít giao tiếp, không còn là thế hệ mà trí tuệ không đủ để hiểu chuyện quốc gia đại sự nên thế này hay thế khác. Thế hệ chúng tôi và sau này càng ngày càng đầy đủ và nhanh nhẹn hơn để hiểu rằng nước cờ nào là nước cờ nhục nhã, nước cờ nào đáng cao ngợi là cao siêu. Vì thế, câu chuyện ai đó làm hôm nay, không phải chỉ là chờ lịch sử mới phán xét mà người dân hôm nay cũng đủ trí tuệ để phán xét rồi.


Trong ngôi nhà của tôi, không có vết tích của chiến tranh. Bố tôi may mắn không phải ra chiến trường. Mẹ tôi cũng vậy. Nhưng bố tôi không ra chiến trường vì sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng. Từ ông nội, bà nội đều là những cán bộ một thời giáp lán cụ Hồ trong kháng chiến. Gia đình ông bà nội tôi có tới 11 người con thì có 4 người con trai gồm cả bố tôi, 3 người đã nhập quân ngũ. Hai bác đi chiến trường, một người bị thương mức nặng nhất đến cuối đời vẫn cần phải có người chăm nuôi, chú tôi thì cắt máu viết thư tình nguyện xả thân đi chiến đấu bảo vệ tổ quốc, sau đó chú trốn nhà nhập quân ngũ. Vì một gia đình như thế nên bố tôi được người ta ưu ái cho đi học nước ngoài. Bên nhà ngoại tôi có khác. Ông ngoại tôi là bộ đội giải ngũ về làm giáo viên, nhà ông không có con trai nên chúng tôi không phải chứng kiến thêm những vết đau của cuộc chiến.

Từ bé, tôi đã hỏi bố, tại sao bố không đi bộ đội. Bố tôi bảo vì nhà đã có quá nhiều người đi bộ đội và ông là cán bộ, gia đình truyền thống nên họ bảo ưu tiên bố. Tôi lại hỏi, nếu bố ra chiến trường, bố có cầm súng bắn vào kẻ thù không. Bố tôi nghĩ rất lâu. Ông bảo, có thể phải bắn nhau để sinh tồn… nhưng đó chính là hành động giết người. Từ bé, tôi đã đồng ý với bố rằng, dù cầm súng bắn vào ai đi nữa thì đó cũng là hành động giết người.

Đã có, đang có và sẽ có rất nhiều người không đồng tình suy nghĩ này.

Họ coi giết kẻ thù là đương nhiên, là vô tội, là hành động “đẹp”, “anh hùng”, không được ví với giết người. Tôi thì nào có tư cách gì để kết tội hay định đoạt hành động của ai. Tôi chỉ nghĩ là như thế thôi.

Thực tế, đến giờ tôi mới biết, nhiều người trong số họ đang tự dối lòng mình. Cũng có nhiều người vẫn không nhận ra hành động dối lòng của mình. Tôi không chỉ nghĩ thế với những người tham chiến của bên cộng sản Việt Nam. Tôi nghĩ chung cả những người cùng là con Rồng cháu Tiên ở phía bên kia chiến tuyến. Tôi cũng nghĩ thế với lính Mỹ, lính Pháp, lính Tàu. Mọi người luôn cố gắng xua đuổi những hành động giết chóc của mình như thể người ta đang cố gắng tránh cho bước chân không bị sa xuống vực thẳm phán xét của lương tâm. Tôi biết rằng, dù những người đang rao giảng về cái lí lẽ để hành động là cao cả, thì phần đông các quân nhân giải ngũ của cả hai phía địch và ta vẫn luôn bị ám ảnh trong giấc mơ, bị ám ảnh đến tâm thần phân liệt hoặc như không ít người vẫn còn bị điên cho tới ngày hôm nay, mỗi lần ngày 30 tháng 4 đến gần, họ lại hoang tâm mà la hét, tay cầm những khẩu súng tưởng tượng xông xông chạy quanh xóm, miệng bật ra những tiếng súng bắn, tiếng hô giết. Trong cơn cuồng loạn của cuộc dành giật sống chết hôm nào, họ không thể trở về với con người bình thường được nữa. Tôi không biết trong số những người điên này, có ai đã bắn chết kẻ thù hay chưa, cũng có thể là chưa nhưng rõ ràng, họ đã phải trải qua trạng thái vô cùng khủng khiếp về hành động tàn sát nhau để dành sự sống cho mình và cho người khác. Không chỉ có lính Việt Cộng, lính Cộng hòa hay lính Mỹ, Ngụy, Pháp mới bị điên, bị hội chứng chiến tranh hành hạ trong phần thời gian còn phải làm người sau đó mà ở bất cứ thời kỳ nào, nơi nào cũng thế thôi. Có lẽ, nhiều người Việt may mắn vì họ còn duy trì được một xã hội mà sự nương dựa và chia sẻ tinh thần trong cộng đồng còn rất tốt, không chỉ chính sách của nhà nước mà ở mỗi gia đình, mỗi làng xóm, người lính được nhân dân đón nhận trở về, giúp đỡ cuộc sống. Ở một xã hội hiện đại hơn, ít chia sẻ giữa cá nhân với cộng đồng hơn như Mỹ, Pháp… chẳng hạn, chính quyền của họ luôn phải đối mặt với những cơn đau đớn, vật vã, tâm thần của binh lính giải ngũ bởi hội chứng hậu chiến tranh.
Vì lẽ gì mà truyền thông đang làm cho sự kiện trao trả cuốn nhật ký của chị Trâm, trao trả những bức hình của một nhà quay phim, phóng viên chiến trường Nguyễn Văn Giá thành những phong trào yêu nước mà sự kiện biên giới, đảo xa lại im lìm. Vì lẽ gì mà lòng yêu nước với kẻ thù khác thì được ca ngợi còn lòng yêu nước với kẻ thù liền kề lại không được phép. Cái cách hành xử này phải chăng muốn dạy cho nhân dân ta rằng, kẻ bên cạnh không phải là kẻ thù, rằng chiến tranh biên giới khi xưa đổ biết bao xương máu, biết bao chàng trai cắt máu xin nhập ngũ năm nào lại không đáng để nêu gương. Rằng đảo xa nếu có mất, có ai đó bị đổ máu cũng phải im lìm.



Giết chóc, dù là hình thức nào, với lý lẽ gì cũng để lại cho chính lòng mình, lương tâm mình một vết đau không bao giờ có thể bôi xóa dù ngoài miệng chúng ta có lảm nhảm những lí lẽ tốt đẹp đi chăng nữa. Nhưng dối lòng mình lại là một nhu cầu không thể cưỡng lại của con người để tạm thời bước qua vết đau bên trong. Bạn chỉ có thể không dối lòng nếu dám đối mặt với vết thương, đối mặt với nỗi đau bằng trí tuệ nhưng xin đừng nhầm rằng trí tuệ từ sách vở nhà trường mà đó là trí tuệ có được từ lòng bác ái giữa con người với nhau.

Năm nay, truyền thông trong nước may mắn có được bộ phim “Đừng đốt” về cuộc đời của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cùng hành trình của người lính Mỹ tên Frederic Whitehurst mang trả lại cuốn số nhật ký của chị Trâm. Tôi đã không cầm được nước mắt khi xem bộ phim này. Cùng sự kiện này, còn có những bài viết về tâm sự của Fred sau khi trao trả lại những bức hình mà anh Nguyễn Văn Giá, nhà quay phim, phóng viên chiến trường cố gắng chụp lại trong một cuộc tập kích bất ngờ của phía bên kia chiến tuyến. Chị Hiên vợ của liệt sĩ này đã tâm sự, chia sẻ với Fred thật cảm động: “Fred ạ, đã có một thời Hiên rất buồn, mặc toàn đồ đen, dùng toàn đồ đen, nhưng rồi sáng sáng mở cửa ra thấy ánh mặt trời vẫn chiếu, chim vẫn hót, hoa vẫn nở ngoài ban công, dần dần và dần dần, những sắc màu ấm áp lại đến với cuộc sống bình thường của Hiên. Thế đấy Fred ạ. Tuổi của chúng ta giờ đây đã được quyền sống thanh thản, gánh nặng đã được loại bỏ rồi. Hiên đi lễ chùa chỉ cầu xin được sống mạnh khỏe và thanh thản đến cuối đời. Vậy Fred ơi, hãy thanh thản đi nhé”. Tôi càng thấm thía hơn khi nghe và xem Fred tâm sự về những dằn vặt, đau khổ của một người lính như ông trên truyền hình lần sang Việt Nam thứ 3 vừa rồi, những lời tâm sự thẳng thắn, trách nhiệm và hành xử bằng trái tim dù rằng, Fred chỉ là một quân nhân, ông không đại diện cho Bộ quốc phòng Mỹ. Sau chiến tranh Việt Nam, Fred đã giành ít thời gian để chữa trị căn bệnh tâm thần, nhưng Fred không trốn chạy vào những lý lẽ thông thường rằng đấy là mệnh lệnh của tổ quốc và ông là quân binh buộc phải chấp hành. Nếu trốn vào cả mớ lí lẽ phổ thông đó, người ta đã không thấy một cá nhân Fred trưởng thành hơn, trí tuệ vượt ra khỏi những hạn hẹp thường thấy, trái tim của Fred không chỉ biết khóc cho mình, cho đồng đội mà đã biết khóc vì lỗi lầm thực sự của con người với con người – đó là giết chóc. Tôi còn cảm kích hơn vì không chỉ Fred đã lớn hơn, trưởng thành hơn sau chiến tranh và có trái tim biết đập đúng nhịp con người mà cả mẹ của chị Trâm, vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Giá đều đã tự trưởng thành nhân cách cao cả trong con người mình. Họ cảm thông được nỗi đau của Fred, tha thứ và chia sẻ được với kẻ thù của chính lòng mình, của gia đình mình, của tổ quốc mình. Tôi thấy, chúng ta phải tự học cách để trưởng thành cả trí tuệ và trái tim, vượt ra những gì sẵn có còn hạn hẹp, đó là điều mà nhóm những người quân binh và nhân dân dù ở hai chiến tuyến đã tự mình làm được. Họ tự mình làm được điều vĩ đại đó.

Bạn ạ. Bạn đừng hi vọng có thể học được điều lớn lao này trong sách giáo khoa nhà trường, dù là bậc tiểu học, trung học, đại học và sau đó. Nền giáo dục này không dạy bạn được những điều lớn lao thế đâu. Đó cũng chính là giới hạn của sách vở một thời kỳ, giới hạn của một nền giáo dục, giới hạn sự đào tạo và bạn nên biết sợ với những ai đang tự mãn bởi là sản phẩm của nền giáo dục này, những ai đang ăn nên làm ra và rất tự tin vào mớ bằng cấp họ được trao. Họ nếu phải ra chiến trường, sẽ có thể tận dụng kiến thức chuyên biệt để bắn giết được nhiều hơn, nếu phải ra thương trường sẽ tận dụng để chiếm đoạt được nhiều hơn và sau cùng, họ khác với những người trưởng thành cả trí tuệ và trái tim ở chỗ, nếu phải đối mặt với hậu quả, với vết đau, họ sẽ lẩn trốn tốt hơn, nhiều lí lẽ để bao biện hơn.

Bộ phim này sẽ làm mềm lòng những người vốn giữa cái đầu nóng, tư duy một chiều về chiến tranh vệ quốc. Bộ phim sẽ làm thắm hơn màu cờ đỏ sao vàng, bởi trong màu máu của người hi sinh còn có biết bao nhiêu giọt nước mắt làm cho màu máu đỏ đó thắm lại.

Xem xong bộ phim, tôi lại thấy day dứt vì những giá trị cao đẹp có trong mỗi con người lại chẳng dễ nhận ra. Khi mới bước ra khỏi cuộc chiến Fred cũng như người khác, như mẹ chị Trâm, chị Hiên vợ anh Giá chắc cũng không dễ dàng gì có được sự thông hiểu đến đồng cảm với kẻ thù. Nhưng họ khác với nhiều người là dám đối mặt, dám nhìn thẳng vào mắt kẻ thù xưa không phải bằng sự huyễn hoặc rằng mình có tư cách cao cấp hơn kẻ thù, không phải là bằng cái nhìn ban lơn của sự vĩ đại bên trong đang được tưởng tượng ra như một đấng cứu rỗi. Họ nhìn thẳng vào nhau bằng tấm lòng của con người thuần túy. Bằng trí tuệ của những người hiểu rằng, cái cao đẹp có trong chúng ta dễ dàng bị cuốn vào dòng chảy khó cưỡng lại của lịch sử, của mệnh lệnh, của những ràng buộc trót mang. Và vì thế những rắm rối đó mới tạo nên biết bao nhiêu thân phận con người, dang dở, đau thương, gượng gạo và cả ăn năn, dù chỉ là một câu ăn năn: giá như… đừng có chiến tranh.

Khi Fred đem sự chân thành đến nơi anh từng tham chiến - mà ở Việt Nam, sự chân thành luôn được đón nhận, dù là đón nhận để tha thứ cho lỗi lầm - thì tôi thấy đau xót cho một hiện tượng khác. Đó là những điều đang phải câm lặng đến tuyệt đối từ cuộc chiến biên giới với Tàu, cuộc chiến ngoài đảo xa thân yêu. Vì lẽ gì mà truyền thông đang làm cho sự kiện trao trả cuốn nhật ký của chị Trâm, trao trả những bức hình của một nhà quay phim, phóng viên chiến trường Nguyễn Văn Giá thành những phong trào yêu nước mà sự kiện biên giới, đảo xa lại im lìm. Vì lẽ gì mà lòng yêu nước với kẻ thù khác thì được ca ngợi còn lòng yêu nước với kẻ thù liền kề lại không được phép. Cái cách hành xử này phải chăng muốn dạy cho nhân dân ta rằng, kẻ bên cạnh không phải là kẻ thù, rằng chiến tranh biên giới khi xưa đổ biết bao xương máu, biết bao chàng trai cắt máu xin nhập ngũ năm nào lại không đáng để nêu gương. Rằng đảo xa nếu có mất, có ai đó bị đổ máu cũng phải im lìm. Vì lẽ gì vậy??? Tôi nghĩ, vấn đề của nền ngoại giao chúng ta thời gian qua đang ngày càng bị xơ cứng, phản ứng chậm chạp và ngờ nghệch với chính phản ứng của nhân dân mình chứ chưa nói đến hiệu quả với quốc gia khác. Chúng tôi hiểu cái lý “dĩ bất biến ứng vạn biến” nhưng đừng lấy sự xơ cứng về trí tuệ ra để ứng với cái “bất biến”.

Đừng mang những lí lẽ ngoại giao chiến lược với sách lược ra dọa chúng tôi. Chúng tôi hiểu rõ lúc nào ngoại giao đang trở nên yếu hèn và lúc nào sáng sủa chúng tôi đủ trí tuệ và kiến thức để ca ngợi ngay. Dù ngoại giao có phải cân lên đặt xuống như người ta đánh một ván cờ lợi – hại thì không chỉ có các vị mới biết đánh cờ mà toàn dân này đang nhìn các vị đánh cờ và phẫn nộ hay sung sướng. Chúng tôi không còn là thế hệ ít học và ít giao tiếp, không còn là thế hệ mà trí tuệ không đủ để hiểu chuyện quốc gia đại sự nên thế này hay thế khác. Thế hệ chúng tôi và sau này càng ngày càng đầy đủ và nhanh nhẹn hơn để hiểu rằng nước cờ nào là nước cờ nhục nhã, nước cờ nào đáng cao ngợi là cao siêu. Vì thế, câu chuyện ai đó làm hôm nay, không phải chỉ là chờ lịch sử mới phán xét mà người dân hôm nay cũng đủ trí tuệ để phán xét rồi. Tôi thường tự nói với lòng mình rằng, muốn vươn lên khỏi cái vốn hiểu biết tầm thường, với người trẻ như tôi, có lẽ phải biết dẹp sang một bên những bằng cấp, kiến thức, cả mớ định kiến vô lối được hun đúc sẵn, để mà mở mắt, mở tim ra mà học mà hiểu hơn nữa. Như thế mới làm con người trưởng thành hơn, tự chủ hơn được.
Nguồn: Hoàng's Site

Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails