Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2010

Một đất nước khốn cùng! (Lữ Giang)

Nguồn : e-ThongLuan

Photobucket - Video and Image Hosting

Một đất nước khốn cùng!
Lữ Giang

“… cũng như bao lần trước đây tại nước này, vào đúng lúc tình hình có vẻ đang tiến triển tốt hơn thì một thảm hoạ mới lại giáng xuống …”

Nhân vụ động đất xẩy ra ở Haiti hôm 12.1.2010 gây ra thảm hoạ lớn cho đất nước này, bình luận gia Nick Caistor có viết một bài dưới nhan đề “Haiti's history of misery” (Lịch sử khốn khổ của Haiti) được đài BBC phổ biến hôm 14.1.2010.

Nick Castor là một nhà nghiên cứu về lịch sử và những vấn đề của Mỹ Châu Latin, do đó ông có nhiều nhận định khá sâu sắc về Haiti. Mở đầu bài nói trên, ông viết:

“Haiti có vẻ là nơi phải hứng chịu quá nhiều hậu quả của các đợt hỗn loạn, nghèo khổ và thiên tai. Và cũng như bao lần trước đây tại nước này, vào đúng lúc tình hình có vẻ đang tiến triển tốt hơn thì một thảm hoạ mới lại giáng xuống”.

Trước khi trở lại những nhận định của Nick Castor, chúng ta thử nhìn qua đât nước và con nguời của Haiti.

Sống bằng bánh đất

Trong bài “Rising food costs force haiti’s poor to resort to eating dirt” (Gia tăng giá thực phẩm bắt buộc người nghèo ở Haiti phải ăn đất) phổ biến ngày 29.1.2008, ký giả Jonathan M. Katz của hãng thông tấn AP cho biết trong giờ ăn trưa ở một trong những khu ổ chuột tồi tàn nhất Haiti, Charlene Dumas đang ngồi gặm những mẩu bánh đất. Với giá thực phẩm gia tăng, những người nghèo nhất ở Haiti không đủ tiền mua gạo ăn hằng ngày, một số phải dùng những biện pháp khác để lấp đầy dạ dày của họ.

Một nơi làm bábh đất


Bà mẹ 16 tuổi Charlene cùng với đứa con trai mới 1 tháng tuổi đã phải sử dụng biện pháp chữa đói của cha ông để lại: ăn bánh làm từ đất sét khô lấy từ vùng cao nguyên miền trung của Haiti. Đó là thứ đất sét (mud) từ lâu được phụ nữ có thai và trẻ em coi trọng bởi theo họ chúng chống axít và có nhiều calcium!

Nhưng ở những nơi như Cité Soleil chẳng hạn, một khu ổ chuột bên bờ biển mà Charlene đang sống cùng đứa con nhỏ của mình, 5 đứa trẻ khác, và hai cha mẹ đều thất nghiệp, bánh được làm bằng đất bình thường (dirt), muối, và dầu thực vật đã trở thành bữa ăn hàng ngày của họ.

Charlene nói: “Khi mẹ tôi không nấu gì cả, tôi phải ăn chúng ba bữa một ngày”. Woodson, con trai của cô, nằm im trên tay cô, trông thậm chí còn nhỏ hơn cả lúc cậu bé mới ra chào đời.

Mặc dù thích vị béo cũng như vị mặn của chiếc bánh đất, nhưng Charlene cho biết những chiếc bánh đó làm cô thấy đau dạ dày. Cô nói: “Khi tôi cho con bú, thằng bé dường như thỉnh thoảng cũng bị đau bụng vậy”.

Những người đi buôn chở đất từ thị trấn Hinche ở miền trung đến chợ La Saline, để chúng giữa những bàn rau, thịt ruồi nhặng bâu đầy. Những người phụ nữ mua đất về sau đó nhào nặn chúng thành bánh đất ở những nơi như Fort Dimanche, một khu ổ chuột gần đó.

Mang những rổ đất và nước leo từng bậc thang lên mái của một nhà tù cũ, họ nhặt nhạnh đá, sỏi trong đất trên một tấm khăn, rồi sau đó quấy chúng trong mỡ và muối. Rồi họ nhào nặn hợp chất đó thành bánh đất, phơi khô chúng dưới ánh nắng mặt trời. Khi bánh đã "chín", chúng được cho vào rổ mang ra chợ hoặc ra ngoài đường phố bán.

Khi một phóng viên ăn thử loại bánh đó, anh ta đã phải nhổ ra ngay lập tức khi miếng bánh vừa chạm vào đầu lưỡi. Vài giờ sau, mùi vị khó chịu của đất vẫn còn nhờ nhợ trong miệng.

Theo một số chuyên gia nghiên cứu tục ăn đất, bánh đất vừa có tác hại vừa có tác dụng đối với sức khoẻ. Đất có thể có động thực vật ký sinh hoặc chất độc gây chết người. Tuy nhiên, nó cũng có thể củng cố thêm hệ miễn dịch của bào thai ở trong tử cung đối với một số bệnh. Nhưng bác sĩ Gabriel Thimothee, người đứng đầu bộ Y tế Haiti cho biết: "Hãy tin tôi, nếu tôi thấy ai ăn thứ bánh đó tôi sẽ ngăn họ ngay"!

Bà Marie Noel, 40 tuổi, là người bán bánh đất trong chợ để kiếm tiền nuôi 7 đứa con. Gia đình bà cũng ăn thứ bánh đó. Bà nói: "Tôi hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ có đủ thức ăn để chúng tôi không phải ăn những thứ này nữa. Tôi biết loại bánh đó không tốt".

Trên tờ The Guardian của Anh ngày 29.7.2008, ký giả Rory Carroll cũng đã viết bài “Haiti: Bánh đất đã trở thành bữa ăn ổn định khi giá thực phẩm vượt lên trên tầm với của gia đình” để nói lên tình trạng tương tự. Ký giả này kể lại, bà Marie-Carmelle Baptiste, 35 tuổi, một người sản xuất bánh đất, đã nói với ông ta: “Bánh này làm cho khỏi đói. Các ông phải ăn những bánh đó thôi khi chẳn gcó gì chung quanh”!

Haiti khốn khổ


Haiti là một quốc gia ở Tây bán cầu, trong vùng biển Caribé, Trung Mỹ, gần sát với Cuba, gồm một phần phía tây của đảo Hispaniola. Phía đông của hòn đảo này là Cộng Hoà Dominican (Dominican Republic). Haiti có những dãy núi cao khoảng 2.800 mét chạy dài từ đông sang tây, xen kẻ với những thung lũng và đồng bằng đông dân. Chữ Haiti phát xuất từ thổ ngữ AYITI của người Taino trong vùng có nghĩa là “đất của những núi cao” (land of high mountains). Diện tích Haiti chỉ có 27.750 cây số vuông (tương đương với tiểu bang Maryland) nhưng dân số nay đã lên khoảng 8.700.000 người, gồm có 95% là người Phi Châu da đen, 80% theo Thiên Chúa Giáo La Mã và 16% theo Tin Lành. Ngôn ngữ chính là tiếng Pháp và tiếng Créole.

Tài nguyên thiên nhiên là bauxite và tôm cá. Nông phẩm gồm cà phê, mía, gạo và bắp. Sản phẩm kỹ nghệ là đường biến chế, gạo, hàng vãi và xi-măng. 66% làm nghề nông, 25% làm ngành dịch vụ và 9% làm kỹ nghệ hay thương mại. Tài nguyên ít, con người lại thường ỷ lại, lười biếng, hay xâu xé nhau và không có khả năng vươn lên, nên Haiti được coi là nước nghèo nhất ở Tây bán cầu.

Hiện nay khoảng 80% người dân Haiti phải sống dưới 2 đô la một ngày, trong khi chỉ một phần rất nhỏ những người giàu có đang nắm giữ toàn bộ nền kinh tế.

Một lịch sử bi thảm

Christopher Columbus đã cập bến Môle Saint-Nicolas ngày 3.12.1492 và tuyên bố đảo này thuộc Tây Ban Nha và đặt tên cho nó là La Espanola. Đây là vùng đất mà những người thuộc sắc tộc da đỏ Carib và Arawak đang sinh sống. Các thống đốc Tây Ban Nha bắt đầu nhập cảng những người nô lệ Phi Châu vào để khai thác. Năm 1697 vùng đất này trở thành thuộc địa của Pháp và được đổi tên thành Saint Domingue. Năm 1791, một nửa triệu người nô lệ đã nổi loạn và năm 1801, Pierre Dominique Toussaint l’Ouverture tuyên bố độc lập. Hoàng Đế Napoleon đã đưa quân đến dẹp loạn, nhưng người da đen đã thắng và năm 1804, nước này tuyên bố độc lập trên toàn đảo Hispaliona và lấy tên là Haiti, tức đất của những núi cao.

Tuy nhiên, năm 1843, nhóm dân theo Tây Ban Nha ở phần phía đông đảo Hispaliona nổi loạn và thành lập một quốc gia khác lấy tên là Cộng Hoà Dominican. Nước này rộng đến 48.442 cây số vuông, nói tiếng Tây Ban Nha và có nền văn minh cao hơn.

Trong thế kỷ 19, Haiti bị cai trị bởi một chuỗi các chế độ độc tài làm nền kinh tế kiệt quệ. Năm 1915, Hoa Kỳ đem quân xâm chiếm nước này. Sau Đại Chiến II, Haiti được trao trả độc lập, Dumarsais Estimé được chọn làm Tổng Thống. Nhưng năm 1949, Tướng Paul Magloire làm đảo chánh và đưa Haiti trở lại chế độ độc tài. Năm 1957, François Duvalier được bầu làm Tổng Thống và trở thành một nhà độc tài khét tiếng. Ông bị ám sát năm 1971 và người con của ông là Jean-Claude, thường được gọi là “Baby Doc”, lên kế vị. Năm 1986 “Baby Doc” phải bỏ nước ra đi sau những cuộc rối loạn liên tiếp. Tháng 1 năm 1988 quân đội tổ chức bầu cử và Leslie Manigat được bầu làm Tổng Thống. Nhưng đến tháng 8 Tướng Prosper Avril lại làm đảo chánh. Ông tổ chức bầu cử Tổng Thống ngày 6.12.1990 và Linh mục Jean-Bertrand Aristide được bầu làm Tổng Thống. Aristide nhận chức ngày 7.2.1991 và được hoan hô như là một anh hùng dân chủ. Nhưng đến tháng 9, Tổng Thống Aristide bị đảo chánh phải đi lưu vong. Hoa Kỳ và các nước trong tổ chức các quốc gia Mỹ Châu đã áp dụng cấm vận và phong toả hải cảng Port-au-Prince, nên ngày 15.10.1994 quân đội Haiti đồng ý trao quyền lại cho Aristide. Quân đội Hoa Kỳ đem quân vào gìn giữ an ninh cho việc chuyển quyền và kể từ ngày 31.3.1995 lực lượng gìn giữ Hoà Bình của LHQ đến thay quân đội Hoa Kỳ.

Chính quyền Haiti quyết định tổ chức bầu cử lại, nhưng Linh mục Aristide không tái tranh cử nữa và chỉ định René Préval thay thế ông. Trong cuộc bầu cử ngày 27.12.1995, René Préval thắng cử và trở thành Tổng Thống.

Năm 2000 Linh mục Aristide tái ứng cử và đắc cử, nhưng chế độ Aristide trong nhiệm kỳ thứ hai này bị tố cáo là tham nhũng. Báo cáo của Uỷ ban Công lý và Hoà bình Haiti công bố vào tháng 4 năm 2003 cho biết rằng giết người, bạo hành, bắt cóc: một chuỗi các tội ác xảy ra hằng ngày ở Haiti. Có 117 người chết trong 4 tháng đầu năm. Hội Đồng Giám Mục Haiti đã lên tiếng: “Chúng tôi nhận thấy rằng tình đoàn kết giữa con người với nhau đã tan biến. Chúng tôi lo lắng về sự cẩu thả của một số người nắm giữ vận mệnh của những người khác”.

Năm 2004 quân đội lại làm đảo chánh. Boniface Alexandre lên lãnh đạo chính phủ lâm thời. Phái Bộ Ổn Định cuả LHQ (The United Nations Stabilization Mission) liền đến Haiti. Trong cuộc bầu cử vào tháng 2 năm 2006, René Préval, người thân tín của Aristide, lại tái đắc cử lần thứ hai.

Đội quân LHQ đến gìn giữ hoà bình


Chúng ta hãy nghe một số đoạn trong bài “Lịch sử khốn khổ của Haiti” do ký giả Nick Caistor tường thuật lại:

1. Thiên tai: Rất nhiều cư dân trong khu ổ chuột bị buộc phải tới Port-au-Prince vì điều kiện tại các vùng nông thôn còn khổ hơn. Tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng, Aids và các bệnh kinh niên khác đang lan tràn.

Haiti chiếm 1/3 khu núi phía tây của đảo Hispaniola. Khi những người châu Âu lần đầu đặt chân tới đây cách đây hơn 500 năm, họ ngạc nhiên là đất nước này lại có nhiều rừng đến như vậy. Giờ đây, chỉ còn 3% rừng nguyên sinh còn sót lại. Phần lớn các khu rừng đã bị chặt để lấy gỗ hoặc làm than củi, vốn là nhiên liệu phổ biến nhất tại nước này. Chính việc chặt phá rừng đã làm gia tăng các hậu quả của một loạt trận bão đổ vào nước này năm 2008, khiến gần một ngàn người thiệt mạng và một triệu người bị mất nhà cửa sau khi bốn cơn bão ập vào thành phố quan trọng là Gonaives trong vài tuần...

2. Bão tố chính trị: Bên cạnh thiên tai, Haiti còn phải gánh chịu nhiều hậu quả trong suốt lịch sử đầy biến động chính trị và các chế độ cai trị tồi.

Khi ‘Baby Doc’ Duvalier bị truất quyền năm 1986, có vẻ như nước này cuối cùng cũng được hưởng một giai đoạn dân chủ. Sau vài năm bất ổn, hi vọng mới được hình thành và gắn với cuộc bầu cử năm 1990, khi cựu tu sĩ Công giáo Jean-Bertrand Aristide đắc cử.

Tuy nhiên, giai đoạn cầm quyền của ông ta chấm dứt chỉ sau vài tháng, khi các tướng tá quân đội lên tước quyền. Kinh nghiệm dân chủ tại Haiti bị cắt ngắn, hàng ngàn người trở thành nạn nhân của chế độ mới và hàng người người khác phải bỏ chạy khỏi nước này trên các xuồng bè tự tạo.

Lượng thuyền nhân di tản quá lớn vào Mỹ năm 1994 đã thuyết phục Tổng thống Bill Clinton rằng đã đến lúc phải dẹp bỏ các sĩ quan quân đội ở Haiti. Một lần nữa, ông Jean-Bertrand Aristide được phục hồi quyền lực, và một kỷ nguyên chính trị mới có vẻ bắt đầu.

Dưới sự cầm quyền của ông Aristide và người kế nhiệm là René Préval, cùng với sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc cũng như các tổ chức viện trợ quốc tế khác, đời sống đã cải thiện đôi chút, mặc dù Haiti vẫn là quốc gia nghèo nhất tại Tây bán cầu, với thu nhập bình quân chưa đầy hai đô la/ngày.

Khi ông Aristide tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ hai vào năm 2001, tình hình chính trị lại thụt lùi, với nhiều biến động và bạo lực gia tăng. Tổng thống Aristide bị buộc phải từ chức vào đầu năm 2004, sau vài tháng biến động chính trị leo thang tại nước này. Một lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ với 9000 lính được gởi tới Haiti từ đó nhằm mang lại ổn định và giúp xây đường sá cũng như các cơ sở hạ tầng quan trọng khác.

3. Dập tắt hi vọng: Dưới thời của Tổng thống René Préval, vốn đắc cử nhiệm kỳ hai vào năm 2006, tình trạng tại Haiti đã có những cải thiện quan trọng: công ăn việc làm được tạo ra, các khu ổ chuột trở nên đỡ bạo lực và bắt đầu có dấu hiệu gia tăng về du lịch.

Nhưng giờ đây, cũng như bao lần đã xảy ra trong quá khứ của Haiti, những hi vọng mới này lại bị dập tắt. Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế phải đưa ra những nỗ lực khổng lồ đơn giản chỉ để cứu hộ cho hàng ngàn nạn nhân cũng như dọn dẹp sau động đất.

Nói chuyện sau những thảm hoạ năm 2008, Tổng thống Préval nói Haiti cần sự giúp đỡ lâu dài chứ không nên để “luôn bị bỏ rơi một mình để đối phó với những thảm hoạ mới”.

Đối diện với khu dinh Tổng thống tại Champ de Mars ở Port-au-Prince là một bức tượng lớn mô tả những người bị bỏ rơi trên hoang đảo, là các nô lệ bỏ trốn, vốn là biểu tượng của cuộc đấu tranh giành độc lập của Haiti vào cuối thế kỷ 18.

Người dân Haiti giờ đây cần có tinh thần tương tự nếu họ muốn vượt qua thảm hoạ mới đây nhất giáng xuống nước này.

Nén hương lòng

Trong bài “Nén hương lòng” đăng trong mục “Chuyện có thật” trên website hayyeuthuongnhau.org ngày 24.11.2008, Linh mục Martino Nguyễn Bá Thông ở Saint Teresa of Avila Catholic Church, Grovetown, GA, có kể lại câu chuyện sau đây sau một chuyến viếng thăm Haiti (những tiểu đề do chúng tôi thêm vào):

1. Lâm cảnh cùng khốn: Người Haiti mang dòng máu da đen. Tổ tiên của họ là những nô lệ đến từ Phi Châu nên một phần nào tính “thụ động” vẫn còn trong họ, chính vì thế đất nước họ rất nghèo và chậm phát triển.

Miền nam của Haiti có những mảnh đất màu mỡ trồng rất nhiều xoài, chuối và lúa gạo, nhưng vẫn với những công cụ thô sơ và sản xuất bằng tay nên không thể nào cạnh tranh nổi với thế giới công nghệ tiên tiến của ngày hôm nay. Chẳng hạn như xoài của họ ăn rất ngon và rất thơm (như xoài thanh ca của VN vậy đó) nhưng họ lại không biết bảo quản nên khi ăn trái nào cũng bị nhão từ bên trong – và chuối thì cũng như thế. Khi tôi đi qua các ruộng lúa đang khoe sắc vàng, thì vẫn nhìn thấy các người còm lưng gặt lúa và đập lúa bằng chính đôi tay của mình. Thế mới biết được, Việt Nam chúng ta vẫn còn hơn họ nhiều lắm!...

Nhắc đến nhà thương thì tôi nghĩ cũng nên nói để quý vị rõ là cả nước Haiti vừa mới có nhà thương phục vụ 24 giờ một ngày đầu tiên cách đây khoảng một năm. Tuy vậy khi vào nhà thương, gia đình người bệnh cần phải ra trước cửa bệnh viện mua cho bác sĩ đôi găng tay khám bệnh vì bệnh viện không có găng tay...

Haiti có 3 không: không đường, không điện, không nước, nên tỉ lệ bị nhiễm HIV ở đây rất cao.

Đói triền miên


Tôi là kẻ đã lang thang với trẻ bụi đời khắp năm châu trên 10 năm nay. Đã nhìn thấy những cảnh đời bất hạnh và cuộc sống nghèo khổ đến độ tôi nghĩ không thể nào nghèo hơn được nữa. Tôi không dám nói những gì tôi nhìn thấy ở Haiti là nghèo nhất, nhưng có thể nói là một trong những nước nghèo nhất. Cái khổ nhất mà tôi đã chứng kiến tận mắt là ở Zaire và Rwanda (hai nước ở Phi Châu) khi mà con người phải ăn “đất” để sống...

2. Tên của em là Matthew!: Lần đầu tiên, tôi gặp nó cũng là một đêm tối trời. Tôi vẫn còn nhớ hôm ấy đang lang thang đạp xe vòng quanh nhà thờ Saint Mark ở nước Haiti, nhân chuyến tôi đi thăm giáo xứ “kết nghĩa” với giáo xứ của tôi, thì cái xe đứt sên. Đang loay hoay chưa biết thế nào thì nó xuất hiện. Với những ngón tay thoăn thoắt và hai viên đá trên tay, nó đã có thể nối lại sợi dây sên cho xe và rồi nó lại biến nhanh vào bóng đêm như lúc nó xuất hiện.

Và thế là tôi cũng chẳng còn nhớ đến nó. Và rồi sáng Chủ Nhật khi tôi đồng tế trong Thánh Lễ thì nó lại xuất hiện. Đứng trên Cung Thánh tôi thấy nó cứ thập thò ngoài cửa nhà thờ không vào. Và cuối lễ qua một người thông dịch tôi đã biết được tên và cuộc đời của nó!

Tên của em là Matthew! Cả ông bà nội ngoại của em đã mất vì bệnh Siđa (do vi khuẩn HIV). Bố mẹ em cũng đã mất vì căn bệnh này cách đây gần 5 năm. Không ai biết là em có họ hàng thân thích hay không. Cũng chẳng ai biết là em có còn anh chị em ruột thịt hay không. Những người dân ở khu này chỉ biết đến em là một đứa trẻ “có thể” cũng bị mang vi khuẩn HIV, mồ côi và lang thang. Tuy vậy, theo lời của họ thì em là một đứa bé rất ngoan, luôn giúp đỡ người khác khi cần và chưa bao giờ ăn cắp của ai cái gì! Mỗi khi em đói mà không có gì ăn thì em lại ra cây xăng gần đó xin người qua lại bố thí, mà nếu cuối ngày chẳng được gì thì em lại gõ cửa nhà cha xứ!

Thế là không biết vì sao, tôi tự mình phá lệ do chính tôi đặt ra – đó là nhận một đứa trẻ làm con nuôi. Tôi không nuôi em trong nhà xứ, và em cũng không ở nhà bố mẹ tôi. Nhưng tôi nuôi em bằng tình thương và dĩ nhiên là cả vật chất nữa. Cuộc sống Linh Mục của tôi “không nên” nhận con nuôi, vì điều đó có thể sẽ làm tôi phải lo lắng thêm về vật chất – vì mỗi tháng tôi sẽ phải gởi cho em 50 USD, đó là chưa kể đến những lúc “trái gió trở trời”, nhưng em là một ngoại lệ. Với lại không biết em sẽ còn sống được bao lâu nữa...

Mỗi tháng tôi gởi tiền “tiếp tế” cho em! Và cứ mỗi khi em nhận được tiền em lại viết cho tôi một lá thư bằng tiếng Pháp! Cũng may, tôi có vài giáo dân biết tiếng Pháp nên cũng không đến nỗi nào!

Noel vừa qua, tôi “thặng dư” cho em một chút, coi như đó là món quà Chúa Giáng Sinh tặng em và tôi nhận được một lá thư của em rất dài, xin được trích một đoạn như sau:
“Bố Thông yêu quý,
“... Đã gần 5 năm nay con “tủi thân” một mình vì không có cha mẹ. Nhưng hôm nay con đã dám ngẩng cao đầu nhìn mọi người vì con đã... có một người cha! Con đã bắt đầu dám vào bên trong nhà thờ để đi lễ, không còn phải lén lút đứng ở bên ngoài nữa. Con đã khoe với mọi người là con đã có một người cha! Là bố đó!

“Bố còn nhớ tấm hình mà con với bố chụp chung mà bố gởi cho con không? Lúc nào con cũng mang nó bên người! Đi đâu con cùng khoe là con không còn “cô đơn”, không những con đã có một người cha, mà cha của con lại là một Linh Mục nữa đó! Từ ngày mọi người biết con là “con nuôi” của bố, họ đối xử với con tốt hơn – và bố tin con đi, con cũng đã và đang làm cho bố hãnh diện đó!

“Dành dụm từ những đồng tiền bố cho con, con đã “xây” được một cái nhà bằng “vách đất” 4 mét vuông và giờ đây con không còn phải “lang thang” nữa. Con đã có chỗ “nương thân”. Và chỗ nương thân của con cũng là chỗ mà những người bị nhiễm vi khuẩn HIV như con có thể đến tá túc! Con vẫn đang chia sẻ tình thương của bố dành cho con đến với mọi người đó!

“À bố ơi, đã có hai người chết trong nhà của mình (em gọi căn nhà của em đang ở là nhà của em và tôi). Con ước gì có bố ở đây để bố Xức Dầu và Cầu Nguyện cho họ! Nhưng bây giờ bố vẫn có thể xin Chúa được mà phải không bố?...”
Thật tôi không thể tin đó là lá thư của đứa bé chỉ khoảng 18 tuổi với trình độ văn hoá lớp 3.

Hôm nay cũng là một đêm tối trời – sau bữa ăn tối tôi hay đi bộ qua nhà thờ để chầu thánh thể thì chuông điện thoại cầm tay của tôi reo - đầu dây bên kia là giọng nói của ông thầy xứ gọi từ Haiti...

Cúp điện thoại, tôi thẫn thờ bước vào nhà chầu. Không ngờ, mới gần em đó mà giờ đã quá xa, xa khỏi tầm với của con người. Cầu xin cho em được bình an nơi đó! Tôi sẽ dâng lễ cầu nguyện cho Linh Hồn của em! À, mà quên nữa chứ, ngày mai tôi sẽ gởi tiền để trả chi phí an táng cho em. Vì em là đứa con mà tôi đã nhận! Tí nữa thì bố quên – con tha lỗi cho bố nhé!

Bố của con,
LM Martinô Nguyễn Bá Thông
Misere Mei Deus

Tổ chức Y tế liên châu Mỹ nói số người chết ở Haiti là từ 50.000 tới 100.000, trong khi Thủ tướng Haiti Jean-Max Bellerive nói ít nhất là 100.000. Ông nói 25.000 xác chết đã được thu gom và chôn cất. Nhân viên cứu trợ đang nỗ lực tìm người sống sót còn mắc kẹt dưới đống đổ nát. Phóng viên Chris Barria cho biết: "Tình trạng thật là vô trật tự, hỗn loạn, và cảnh sát lại không có mặt ở đây. Người ta đánh nhau, ném đá vào nhau". Uỷ Ban Hồng Thập Tự Quốc Tế ước tính có khoảng 3 triệu người Haiti – tương đương 1/3 dân số - có thể cần cứu trợ khẩn cấp!

Chúng tôi thường đọc website www.hayyeuthuongnhau.org và theo dõi những việc LM Nguyễn Bá Thông đã làm trong nhiều năm qua, một đôi khi có tường thuật lại. Nay đọc câu chuyện trên, rồi nghe tuyên cáo đòi “giải phóng quê hương” [1], tôi chỉ biết đọc lời nguyện: “Misere mei, Deus, secundum magnam misericordiam tuam...” (Lạy Chúa, xin đoái thương quê hương chúng con theo lượng khoan dung của ngài!).

Ngày 18.1.2010
Lữ Giang

[1] Thỉnh thoảng một số người Việt chống cộng lại ra một tuyên cáo, tuyên ngôn “giải phóng quê hương”, cho đỡ buồn...

© Thông Luận 2010

Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails