Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

Về mối quan hệ giữa Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường (phần I)

Nguồn : Dân Luận
Mai Thái Lĩnh

Gần đây, sau một loạt bài viết rất có giá trị về chủ đề “Nhân văn Giai phẩm” phổ biến trên trang mạng của đài RFI (Pháp), nhà phê bình văn học Thụy Khuê đã mở rộng đề tài, trong đó có phần đề cập đến những hoạt động của nhóm Ngũ Long tại Pháp vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Nhóm Ngũ Long (năm con rồng) bao gồm 5 người: Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành (sau này trở thành Hồ Chí Minh). Riêng danh xưng Nguyễn Ái Quốc – một cái tên lúc đầu được dùng chung cho cả nhóm nhằm để đánh lạc hướng thực dân Pháp, về sau lại trở thành tên riêng của Nguyễn Tất Thành. Điều này đã gây ra sự lẫn lộn cho việc nghiên cứu các hoạt động của nhóm Ngũ Long (nhất là các tác phẩm ký tên Nguyễn Ái Quốc), khiến nhiều điều tồn nghi mãi đến nay vẫn chưa thể xác minh rõ ràng.

Trong phạm vi của bài viết này, tôi chỉ tập trung vào một số chi tiết có liên quan đến cuộc đời hoạt động của Phan Châu Trinh - nhất là mối quan hệ giữa nhà dân chủ yêu nước này với nhà yêu nước Phan Văn Trường nhằm giúp cho độc giả có được cái nhìn khách quan, đúng đắn hơn về một trào lưu đã có ảnh hưởng nhất định đến lịch sử của nước ta trong thế kỷ 20, nhưng những di sản để lại vẫn còn có ảnh hưởng kéo dài qua thế kỷ 21.

I) Về việc thành lập Hội Đồng Bào Thân Ái (La Fraternité des Compatriotes):

Tiến sĩ Thu Trang viết về việc thành lập Hội này như sau:

“Trong khi thực dân yên chí về Phan Châu Trinh trong quan hệ với vị luật sư mang quốc tịch Pháp, có tác phong và ngôn ngữ rất Tây, thì hai vị cùng họ Phan này đã bàn bạc và thực hiện nhiều việc quan trọng: - Họ chuẩn bị thành lập tổ chức Người Việt yêu nước đầu tiên tại Pháp. Hội lấy một tên rất dung dị dễ hiểu nói lên tình nghĩa giữa những người xa xứ: “Hội Đồng Bào Thân Ái” do chính Phan Văn Trường làm chủ tịch. Hội đã ra mắt ngày 18.1.1912 tại trường Parangon nơi có đông sinh viên Việt Nam học. Phát biểu tại buổi Hội ra mắt có Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Jules Roux. (…) Hội không khai báo với sở cảnh sát. Các buổi họp thường tiến hành ở các tiệm cà phê hay ở tiệm ăn Tàu. Phan Châu Trinh không chính thức tham gia Hội nhưng cuộc họp nào ông cũng có mặt, có phát biểu và được lắng nghe một cách “thành kính”. Các cuộc họp đều có biên bản được đánh máy ra và phân phát.” (Thu Trang, tr. 48)

Trong bài viết của Thụy Khuê, bà đã trích lại từ hồi ký của ông Phan Văn Trường các đoạn văn như sau:

"Một ngày trong năm 1912, sau khi đưa đám một thiếu niên An Nam, học sinh trường Parangon [trường Nguyễn Thế Truyền học], một số đồng bào đưa ra ý kiến lập hội Ái hữu Sinh viên An Nam tại Pháp (Association amicale des étudiants annamites en France). Họ đề nghị tôi nghiên cứu dự trình để thực hiện càng sớm càng tốt. Tôi trả lời ngay: "Làm thì dễ, Pháp có luật 1/7/1901, tự do lập hội. Nhưng luật không chưa đủ, còn phải tính đến chính sách thuộc địa nữa. Các bạn nên biết, nếu ta lập hội mà không có phép, chính quyền thuộc địa sẽ tìm cách dẹp ngay." (Phan Văn Trường, trang 87). Tuy nói vậy, nhưng ông cũng làm: "Tôi bắt tay vào việc. Viết bản nội quy và thảo một chương trình [hành động] dài. Hội được thành lập trong sự hoan hỉ của đồng bào đã giao phó trách nhiệm cho tôi. Tôi yêu mến đặt tên nó là Thân Ái (La Fraternité). Hội có mục đích:

1- Giúp sinh viên Đông Dương xa gia đình có cơ hội gặp gỡ, kết bạn, đến chơi và giúp đỡ nhau trong trường hợp rủi ro, bệnh hoạn.

2- Học chung với nhau để trao đổi kiến thức khoa học và văn chương.
Hội Thân Ái mỗi tháng tổ chức nhiều cuộc hội họp, và diễn thuyết."
(Hồi ký Phan Văn Trường, chương 13, trang 87-88).

Dựa vào những đoạn hồi ký trên đây, bà Thụy Khuê đã đưa ra kết luận: “Qua sinh hoạt của hội, Phan Văn Trường gặp Phan Châu Trinh năm 1912. Sau này, người ta thường viết Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường lập hội là không đúng. Người lập hội là Phan Văn Trường.” (Thụy Khuê, XV, Phan Khôi, ch. 1b)

Nhiều tài liệu được tìm thấy trong văn khố của Pháp có thể giúp chúng ta làm rõ sự kiện này:

- Trong một tài liệu lưu trữ tại Pháp (CAOM-SLOTFOM XV/3), có bản báo cáo của một người Việt làm chỉ điểm cho thực dân Pháp, với nội dung tường trình lại cuộc họp thành lập Hội Đồng bào Thân ái vào ngày 18.1.1912 ở trường Parangon. Chúng ta đọc được đoạn văn đây: “Sau đám tang của Dang, ông Trinh và những người cùng đi đã mời tất cả người Đông Dương đến họp nghe nói chuyện tại Parangon. Đó là một cuộc mời họp đột xuất. Ông Trinh cùng một người tôi không biết rõ tên đã nói trước tiên.” Cuối bản báo cáo, kẻ chỉ điểm này viết: “Ông Trường và ông Trinh không căn dặn chúng tôi đừng nói lộ việc trên ra. Nhưng tôi mong Ngài đừng nói việc đó với ai vì sẽ gây cho bản thân tôi một sự trở ngại nghiêm trọng mà Ngài chưa thể nhận thấy được.” (Lê Thị Kinh, I, 3, tr. 134-136)

Như vậy là Phan Châu Trinh có mặt ngay tại cuộc họp thành lập Hội và còn là người phát biểu trước tiên để giới thiệu Hội với đồng bào của mình. Phải chăng đây là một trong những căn cứ khiến cho nhiều người tin rằng Phan Châu Trinh là người đồng sáng lập Hội chứ không phải chỉ là người tham gia về sau?

- Bà Thụy Khuê đã viết: “Qua sinh hoạt của hội, Phan Văn Trường gặp Phan Châu Trinh năm 1912.” Thật ra, không phải đợi đến năm 1912, sau khi thành lập Hội Đồng Bào Thân Ái, hai người mới gặp nhau, mà hai người đã gặp nhau từ những tháng cuối năm 1911. Báo cáo của J. Fourès gửi Toàn quyền Đông Dương đề ngày 30.12.1911 viết: “Tôi xin báo Ngài là người Annam Phan Châu Trinh được mạnh khỏe, có một cuộc sống bình thản và biệt lập trong nhà trọ ông ta đã ở từ 4 tháng nay tại đường Assas số 78. Ông ta rất ít ra ngoài và chỉ tiếp rất ít đồng bào ông ta đang sống ở Paris. Người Annam Phan Văn Trường, cử nhân luật, phụ giảng tiếng Annam ở trường Ngôn ngữ Phương Đông hay đến thăm ông ta nhiều hơn các người khác và Phan Châu Trinh thỉnh thoảng có đến thăm ông ta. Thỉnh thoảng cả hai đến tiệm ăn Tàu để có dịp ăn một bữa cơm để nhớ quê hương. Không có gì đặc biệt được báo cho tôi.” (CAOM-SPCE 372, Lê Thị Kinh, I, q.3, tr.72)

- Điều khiến ta ngạc nhiên là qua các đoạn văn mà bà Thụy Khuê vừa trích, dường như Phan Văn Trường không chủ động lập hội, mà chỉ lập hội do yêu cầu của người khác. Nhưng ai là người gợi ý lập hội? Ông Trường không nói rõ, chỉ nói một cách mơ hồ: lập hội là do “một số đồng bào đưa ra ý kiến”. Hơn nữa, theo ông, ý kiến được đưa ra “sau khi đưa đám một thiếu niên An Nam, học sinh trường Parangon”, có nghĩa là sau ngày đưa tang đó ông mới chuẩn bị việc thành lập hội. Trong thực tế, việc thành lập hội đã được công bố đúng vào ngày đưa tang (nghĩa là vào ngày 18.1.1912), điều đó có nghĩa việc bàn bạc, chuẩn bị phải diễn ra từ trước.

Hơn thế nữa, việc lập hội lại liên quan đến trường Parangon. Tiến sĩ Thu Trang giới thiệu trường này như sau: “Người Việt Nam sống ở Pháp lúc Phan Châu Trinh mới qua không quá 100 người, ngoài số bồi bếp được chủ đưa về và một số quan chức nhỏ, còn có khoảng 40 sinh viên phần lớn là con cháu các gia đình có thế lực được học bổng sang học ở trường Parangon do Nhóm giáo dục Đông Dương quản lý với mục đích không dấu diếm là để “Pháp hóa tối đa” tạo ra những người tuyệt đối trung thành với “mẫu quốc”. Nhưng các sinh viên này đã cùng các trí thức Việt Nam khác rủ nhau đến với Phan Châu Trinh.” (Thu Trang, tr. 45-46).

Qua tài liệu lưu trữ tìm thấy, chúng ta được biết theo đề nghị của Toàn quyền Pháp Albert Sarraut, lúc đầu J. Fourès (Giám đốc Nhóm giáo dục Đông Dương) đã có ý định đưa Phan Châu Trinh và con trai là Phan Châu Dật vào trường Parangon, nhưng đề nghị này đã vấp phải sự chống đối của Salles – Phó Tổng thư ký của Alliance française [1] đồng thời cũng là tổng thư ký Ủy ban Paul Bert. Lá thư của Fourès gửi Toàn quyền đề ngày 18.10.1911 có đoạn: “Ngài đã bảo tôi đưa Phan Châu Trinh và con trai ông ta vào trường Parangon, nhưng mặc dầu tôi đã hết sức vận động nhưng ông Hiệu trưởng Rousseau vẫn khăng khăng không chịu nhận vì ông Salles - Tổng thư ký Ủy ban Paul Bert, đã phản đối; ông này cho rằng y sẽ biến học trò An nam đang học ở đây thành đồ đệ các tư tưởng cải cách của y. Sự phản đối của ông Salles khá bất ngờ vì ta nhớ chính ông Salles đã là người đầu tiên muốn bảo vệ Phan Châu Trinh khi ông này mới tới. Và chỉ cách đây 3 tháng chính ông ta đã đưa Phan Châu Trinh đến Parangon như là khách danh dự của trường này và trong suốt một buổi chiều đã đưa ông ấy đi xem khắp lượt cho thấy tất cả tiện nghi của trường.” (CAOM - SPCE 372, Lê Thị Kinh, I, 3, tr. 68-69) Như vậy là Phan Châu Trinh đã từng có dịp tham quan ngôi trường này vào lúc ông đặt chân đến Paris - khoảng tháng 7 năm 1911.

- Sự chống đối của Salles bắt nguồn từ sự lo ngại của ông ta về việc Phan Châu Trinh có thể gây ảnh hưởng đến những du học sinh này. Salles đã viết trong lá thư đề ngày 3.10.1911 gửi cho một quan chức của Bộ Thuộc địa: “Tôi suy nghĩ về thông tin của Ngài báo tôi sáng nay là Phan Châu Trinh sẽ được đến ở Parangon và tôi rất lo ngại về điều đó. (…) Tôi không tin là những kẻ lãnh đạo, những tên cầm đầu ấy đã từ bỏ kế hoạch của họ. Trong những điều kiện ấy tôi cho rằng sẽ rất phi chính trị, rất nguy hiểm nếu để Phan Châu Trinh tiếp xúc hàng ngày trực tiếp với nhóm học sinh An nam khá đông mà chúng ta đã bố trí ở Parangon.” (CAOM-SPCE, Lê Thị Kinh, I, 3, tr. 66-67). Do sự phản đối của Salles mà Phan Châu Trinh và con trai đã không thể đến ở tại Parangon. Cuối cùng thì hai cha con phải chuyển đến trọ tại số 78 đường Assas. Phan Châu Dật tiếp tục việc học tại trường làng trong quận Montparnasse.

Bà Thu Trang có trích một văn bản của Salles trong đó có đoạn: “Không nên để Phan Châu Trinh gặp các sinh viên An Nam khá đông (40 người) ở Parangon. Chúng ta đang cố gắng Pháp hóa tư tưởng chúng, Phan Châu Trinh sẽ cản trở, thậm chí còn lôi kéo họ bằng những cuộc nói chuyện. Bà quản lý ký túc xá nơi Phan Châu Trinh ở rất ngạc nhiên khi thấy đám sinh viên quý trọng ông như thế nào… Ông ta nói một giờ rưỡi, hai giờ và họ há hốc mồm nghe một cách say mê. Ông ta hoạt bát và năng động, mới đến mà đã quen biết và quan hệ với nhiều người châu Á tại tiệm ăn Tàu đường Cardinal Lemoine. Đã có lệnh tránh các cuộc tiếp xúc báo chí nhưng ông ta phớt lờ vì vậy đã có bài phỏng vấn ngày 17.7.1911 trên báo Le Temps.” (Thu Trang, tr. 46)

Nhưng mặc dù đã tìm cách tách Phan Châu Trinh ra khỏi số học sinh của trường Parangon, Bộ Thuộc địa Pháp và những người chủ trương chính sách thực dân vẫn không thể ngăn cản việc họ đến với Hội Đồng bào Thân ái. Sáu tháng sau khi Hội Đồng Bào Thân Ái được thành lập, trong lá thư gửi Capus (Phái viên của Toàn quyền Đông Dương tại Bộ Thuộc địa) đề ngày 30.6.1912, Salles viết:

“Hôm qua sau khi Ngài rời đi, tôi đã có suy nghĩ thêm: Ông Fourès hay có thói quen tập trung các học trò của ông ta về trường Parangon vào cuối tháng 7 rồi từ đó đưa chúng đi với nhau về những nơi chúng sẽ nghỉ hè tập thể. Như vậy nếu Ngài cũng thực hiện cùng cách đó thì sẽ tạo cho Trinh một cơ hội để tác động vào các trẻ hiện nay ở xa Paris bằng cách hoặc là gọi chúng đến hội Đồng Bào, hoặc y đến nghỉ hè cùng với chúng nó dù được Ngài cho phép hay không. Ngài có thấy tốt hơn nên phân tán các trẻ ra và cho chúng ở các gia đình ở gần hoặc xa các trường chúng đang học để tránh lây nhiễm? Gì thì gì, tốt hơn là đưa Trinh đi xa sau ngày 14.7 và trước khi các trẻ được tập trung về Parangon. Tuy nhiên tôi lo y không chịu vậy đâu. Ngài nghĩ thế nào?” (CAOM-SPCE 373, Lê Thị Kinh, I, 3, tr.89).

Như vậy là nửa năm sau khi Hội Đồng Bào Thân Ái được thành lập, những người Pháp thực dân vẫn tìm mọi cách ngăn cản Phan Châu Trinh lôi kéo các học sinh của trường vào sinh hoạt của Hội. Và điều đáng ngạc nhiên là người mà họ lo sợ lại là Phan Châu Trinh chứ không phải là ông Chủ tịch Hội Phan Văn Trường.

Những chi tiết nêu trên khiến cho ta phải đặt giả thuyết rằng chính Phan Châu Trinh mới là người chủ động lập Hội, còn Phan Văn Trường chỉ là người chăm lo các thủ tục pháp lý và đứng tên làm Chủ tịch. Điều này lại càng hợp lý khi ta so sánh quá trình hoạt động của hai người: Phan Văn Trường vào lúc này chỉ là một trí thức dấn thân chưa có kinh nghiệm gì trong khi Phan Châu Trinh đã là một nhà hoạt động chính trị có nhiều kinh nghiệm trong việc tập hợp và giáo dục quần chúng. Trong bản thảo “Pháp-Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam”, ông có kể ra những hội mà ông đã thành lập trong Phong trào Duy Tân. Những hội đã lập: hội buôn, trường tiểu học phổ thông ở hương thôn, hội tân học, hội diễn thuyết, hội trồng cây, hội cắt tóc, mặc áo ngắn; những hội lập mà chưa thành: hội cải lương tơ tằm, hội cải lương vải Nam. (Tuyển tập PCT, tr. 592) Việc thành lập hội trở thành chủ trương suốt cả cuộc đời của PCT. Trong những năm ở Pháp, ông lập hết hội này đến hội khác. Vào năm 1922, ông đã dự định thành lập Hội xã hội chủ nghĩa Đông Dương tại Pháp (Association Socialiste Indochinoise en France) tại Marseille. Hội cuối cùng mà ông thành lập là Hội Liên hiệp Pháp – Đông Dương tại Paris vào đầu năm 1925, do đích thân ông làm Chủ tịch.

- Ngày 13.11.1912, Salles đã gửi thư cho một quan chức ở Bộ Thuộc địa trong đó có đoạn: “Như tôi đã hứa với bạn mấy hôm trước đây, nay tôi xin cung cấp cho bạn các thông tin tôi đã thu lượm gần đây về Hội Đồng Bào do Phan Châu Trinh thành lập với Phan Văn Trường làm chủ tịch. Anh này làm phụ giảng ở trường Ngôn ngữ Phương Đông. (…) Người ta cũng thông báo với tôi là Hội Đồng Bào có 3000 frs trong quỹ, riêng Phan Châu Trinh đã đóng 500 f tiền túi của y. (…) Hội Đồng Bào năm 1912 có vẻ muốn nối tiếp truyền thống của Hội Đồng Bào năm 1908 ở Trung Kỳ. Ngày trước họ muốn học đòi các cuộc biểu tình hòa bình của dân trồng nho phía nam nước Pháp. Ngày nay họ chỉ đòi quyền tự do lấy trong chương trình giáo dục của chúng ta những gì thích hợp cho họ, và thêm vào đó họ xin được nhập quốc tịch Pháp. Chủ trương mới này mang tính lâu dài hơn nhưng còn khôn khéo hơn nhiều, có thể tóm tắt như sau: “nấp dưới luật pháp của Pháp để chống chính sách của Pháp ở Đông Dương.” (CAOM-SPCE 371, Lê Thị Kinh, I, 3, tr. 153-157)

Trong đoạn văn trên đây, Salles nhận định rằng: “Hội Đồng Bào do Phan Châu Trinh thành lập với Phan Văn Trường làm chủ tịch”. Ý kiến này rõ ràng là một nhận định dựa vào thực tế, căn cứ vào cả một quá trình theo dõi suốt gần một năm trời, không phải chỉ là một nhận xét vu vơ.

II) Ai là tác giả của bản Thỉnh nguyện thư của Nhân dân An Nam gửi Hội nghị Versailles năm 1919?

Trong lời tựa viết cho cuốn sách Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925 của Tiến sĩ Thu Trang, học giả Hoàng Xuân Hãn nhận xét về bản văn này như sau: “Hình như ta còn thấy dấu vết sự phân công: Phan Châu Trinh soạn Hán văn, Phan Văn Trường dịch ra Pháp văn, Nguyễn Tất Thành dịch ra Việt văn bằng bài ca lục bát đề là Việt nam yêu cầu ca. (Thu Trang, trang 8). Trong bài viết của mình, bà Thụy Khuê đã bác bỏ ý kiến này. Bà viết: “Nhưng qua văn bản, chúng tôi có thể xác định: Phan Văn Trường viết thẳng phần tiếng Pháp, vì đây là chủ đề một buổi diễn thuyết của ông năm 1913 (Les revendications indigènes - Những thỉnh nguyện của người bản xứ), như đã nói ở trên. Lời văn trong bài phù hợp với lối viết của Phan Văn Trường: Kín đáo, kiêu kỳ, mỉa mai, thâm thuý. Phan Châu Trinh dịch sang Hán Văn. Nguyễn Tất Thành làm bài thơ (đúng hơn là vè).” (Thụy Khuê, XV, Phan Khôi, 1b)

Như vậy là theo Thụy Khuê, không phải Phan Văn Trường dịch sang Pháp văn mà ngược lại, chính Phan Châu Trinh mới là người dịch sang Hán văn. Bà đã dựa trên chứng cứ sau đây: “Ngày 13/3/1914[2], Phan Văn Trường diễn thuyết về đề tài Les revendications indigènes (Những thỉnh nguyện của người bản xứ) tại trường Cao Đẳng Xã Hội (Ecole des Hautes Études Sociales), bài nói chuyện này là nguồn cội của bản Thỉnh nguyện của Dân tộc An Nam (Revendications du Peuple Annamite) gửi Hội nghị hoà bình thế giới ở Versailles, năm 1919.”[3]

Khi cho rằng “Phan Văn Trường viết thẳng phần tiếng Pháp vì đây là chủ đề của một buổi diễn thuyết của ông năm 1913” (hay 1914?), còn Phan Châu Trinh chỉ là người “dịch sang Hán văn”, có lẽ bà Thụy Khuê cho rằng toàn bộ tư tưởng chứa đựng trong bản văn nói trên là của Phan Văn Trường, còn Phan Châu Trinh chỉ là người dịch - nghĩa là không có tư tưởng gì của riêng mình?

Nhiều tư liệu thu thập được cho chúng ta thấy: ngay khi đặt chân đến Pháp, trước khi gặp Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh đã gửi cho Bộ trưởng thuộc địa và Toàn quyền A. Sarraut 5 bản kiến nghị, tất cả đều do Roux dịch sang tiếng Pháp (Lê Thị Kinh, I, q.3, tr.34-40).

Năm kiến nghị vắn tắt đó có nội dung như sau:

1)Yêu cầu xét lại các bản án xử các nho sĩ Trung Kỳ (31.5.1911)

2) Về báo chí và diễn thuyết (tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do hội họp) (2.6.1911)

3) Về các điều luật và về việc thành lập tòa án bổ sung (4.6.1911)

4) Bãi bỏ các biện pháp cấm sách Trung Hoa (lập hội dịch các sách Pháp và Trung Hoa sang chữ quốc ngữ và mở các phòng đọc sách) (5.6.1911)

5) Về việc đóng cửa các trường học (sự trừng phạt đối với những người lập trường học và việc họ bỏ trốn ra nước ngoài) (5.6.1911)

Cả 5 lá thư này đều được soạn từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 năm 1911 và được gửi cho Albert Sarraut trước ngày 20.7.1911 (ngày Roux viết thư báo tin cho Phan Châu Trinh).

Hãy so sánh nội dung của 5 kiến nghị nói trên với 8 yêu cầu ghi trong Bản thỉnh nguyện của Nhân dân An Nam (Revendications du Peuple Annamite), gửi Hội nghị Versailles năm 1919:

1- Ân xá toàn diện tất cả những chính trị phạm người bản xứ.

2- Cải tổ ngành tư pháp Đông dương bằng cách bảo đảm cho người bản xứ những điều kiện về luật pháp như người Âu châu. Bãi bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt - những công cụ khủng bố và đàn áp chống lại bộ phận lương thiện nhất của dân tộc An Nam.

3- Tự do báo chí và tự do tư tưởng.

4- Tự do lập hội và hội họp.

5-Tự do di dân và du lịch ở nước ngoài.

6-Tự do giáo dục và thiết lập những trường kỹ thuật và chuyên nghiệp dành cho người bản xứ.

7- Thay thế chế độ pháp luật.

8- Phái đoàn đại diện thường trực của người bản xứ được bầu hoạt động bên cạnh Nghị viện Pháp để thông báo những nguyện vọng của người dân bản xứ.

Chúng ta có thể thấy 7 điểm đầu tiên trong bản thỉnh nguyện thư chính là sự phát triển của các ý kiến nằm trong 5 bản kiến nghị, tức là các ý tưởng mà Phan Châu Trinh đã tích lũy trong đầu trước khi gặp Phan Văn Trường.

Ba yêu cầu (1), (2) và (7) liên quan đến việc ân xá cho các tù chính trị, cải tổ hệ thống pháp lý ở Đông Dương, chính là các vấn đề mà Phan Châu Trinh đặc biệt quan tâm. Vào tháng 7 năm 1911, khi trả lời phỏng vấn báo Le Temps, Phan Châu Trinh tập trung vào 3 vấn đề:

(1) tổ chức tòa án,

(2) tuyển chọn quan lại và

(3) thu thuế.

Về vấn đề (1), ông nói: “Chúng tôi mong muốn có sự phân quyền để một viên quan không đồng thời cai trị và xử án. Sự phân quyền này đã có ở Nam Kỳ và mặc dầu chưa phải việc xét xử luôn được công minh nhưng tổ chức tòa án nhìn chung khả dĩ được dân chúng chấp nhận. Tiếc thay, ở Bắc kỳ và Trung kỳ thì không được như vậy. Các viên chức Chính phủ tự quyền xét xử hay ra lệnh cho các tòa án xét xử mọi vụ án.” (Lê Thị Kinh, I, q. 3, tr. 42-43)

Việc gặp gỡ Phan Văn Trường trên đất Pháp đã giúp ích cho Phan Châu Trinh rất nhiều. Qua trao đổi, thảo luận, vị luật sư này chắc chắn đã giúp cho Phan Châu Trinh phát triển, hệ thống hóa và cô đúc các yêu cầu đó một cách sắc bén hơn, logic hơn. Nhưng điều ta có thể khẳng định là trước khi gặp Phan Văn Trường, trong đầu của Phan Châu Trinh đã hình thành phần lớn các ý tưởng này.

Riêng điểm thứ 8, chúng ta thấy yêu cầu đó chỉ có thể xuất phát từ một người không chỉ quan tâm đến các quyền tự do mà còn nghĩ đến dân chủ - tức là xây dựng một chế độ đại nghị. Ý kiến này chính là của Phan Châu Trinh. Sáu năm sau khi bản thỉnh nguyện thư ra đời, ông đã trình bày lại ý kiến đó một cách rõ ràng hơn trong một cuộc họp của Hội Liên hiệp Pháp – Đông Dương vào chiều ngày 22.2.1925. Cuộc họp này với khoảng 200 người tham dự đã diễn ra tại số 8 đường Danton – Paris, dưới sự chủ tọa của Phan Châu Trinh. Bản mật báo của Désiré có ghi như sau: “Trước mắt, Phan Châu Trinh muốn có càng đông càng tốt người An nam nhập Pháp tịch để có đại diện ở Hạ viện, vì Đông Dương có 20 triệu dân, từ đó có thể có số Hạ nghị sĩ khá lớn. Số này có thể thành một nhóm đông và với sự ủng hộ của những người Pháp bênh vực dân bản xứ thì có thể đạt được đa số… và với cách đó, chúng ta có thể được giải thoát.” (CAOM-SLOTFOM 15/2, Lê Thị Kinh, II, tr. 492)

Trong bản báo cáo của Vụ chính trị Bộ thuộc địa gửi Bộ trưởng Daladier đề ngày 11.5.1925, cũng có ghi: “Hồi tháng 2 năm 1925, ông (tức Phan Châu Trinh) nêu ý kiến trong một cuộc họp do ông chủ tọa là cần có thật đông người An Nam vào Pháp tịch để được cử ra nhiều hạ nghị sĩ nhằm giải phóng dân Nam. Tháng 4-1925, ông ta khẳng định ý đồ về Đông Dương sau khi nhập Pháp tịch để khỏi bị “khuấy rầy”. (CAOM, SLOTFOM 15/2, Lê Thị Kinh, II, tr. 500).

Rõ ràng “đưa người Việt Nam vào Hạ viện Pháp” là chủ trương của Phan Châu Trinh, và giải pháp này hoàn toàn phù hợp với đường lối đấu tranh chính trị một cách ôn hòa để đòi tự trị, vừa kết hợp sức mạnh của dân tộc vừa tận dụng sức mạnh của những người Pháp cấp tiến tại chính quốc. Mặc dù đối với người Việt Nam và đối với hệ thống thuộc địa của Pháp, đây là một sáng kiến rất mới lạ; nhưng điều này lại không hề xa lạ đối với hệ thống thuộc địa của Anh. Ngay từ năm 1892, người Ấn đã có đại diện tại Hạ viện Anh. Vị dân biểu Hạ viện (MP) đó là chính là Dadabhai Naoroji (1825-1917), một trong những người có công trong việc hình thành tổ chức Đại hội Quốc dân Ấn Độ (Indian National Congress - tiền thân của Đảng Quốc Đại ngày nay). Ông là một lãnh tụ thuộc phái ôn hòa ba lần được bầu làm Chủ tịch INC (1886, 1893 và 1906).

Tóm lại, chúng ta có thể xác định: các yêu cầu nêu trong thỉnh nguyện thư 1919 xuất phát từ quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh, gắn bó với đường lối đấu tranh chính trị ôn hòa để đòi các quyền tự do căn bản và thiết lập một chế độ dân chủ đại nghị.

Riêng về mặt văn bản, giữa nhận xét của giáo sư Hoàng Xuân Hãn (Phan Châu Trinh soạn Hán văn, Phan Văn Trường dịch ra Pháp văn) và nhận xét của bà Thụy Khuê (Phan Văn Trường viết thẳng phần tiếng Pháp, Phan Châu Trinh dịch sang Hán Văn), ý kiến nào gần với sự thật hơn, xin nhường lại sự phán xét cho các nhà ngôn ngữ học và phê bình văn học.

Về vai trò của Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường, không phải ngẫu nhiên mà Hồ Hữu Tường đã viết những dòng như sau: "Khi ra tù, hai cụ được Nguyễn Thế Truyền, học xong ở Toulouse lên hiệp tác. Đầu tháng bẩy cụ Tây Hồ móc nối được với Nguyễn Tất Thành, lúc đó ở London, nên viết thơ gọi về Paris. (...), Đến 1918, nhóm nầy lại được Nguyễn An Ninh ở Sài gòn sang nhập bọn. Người ngoài cho đó là năm con Rồng, bởi người Việt xưng mình là "con Rồng". Linh hồn của nhóm "Ngũ long" nầy là cụ Phan Châu Trinh.” (Hồ Hữu Tường, 41 năm làm báo, Đông Nam Á, Paris, 1984, trang 18-19; trích theo Thụy Khuê).

“Phan Châu Trinh là linh hồn của nhóm Ngũ Long”. Nhận xét đó của Hồ Hữu Tường có thể được coi là một nhận xét mang tính khách quan, vô tư, bởi vì xét về mặt tư tưởng và khuynh hướng chính trị, Hồ Hữu Tường gần gũi và có thiện cảm với Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường hơn là với Phan Châu Trinh. Cho nên, nếu không tìm được những chứng cứ nào khác để bác bỏ điều này, chúng ta có thể khẳng định: ít nhất là cho đến đầu thập niên 1920, Phan Châu Trinh vẫn là linh hồn của nhóm Ngũ Long.

(Còn tiếp)
__________________________________________

Ghi chú:

[1] Alliance française (Liên minh Pháp) là một tổ chức do một số nhân vật nổi tiếng của nước Pháp thành lập vào năm 1883 với nhiệm vụ truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Pháp trên toàn thế giới. Tổ chức này tự gây quỹ nhưng cũng nhận được trợ cấp hàng năm của chính phủ Pháp. Theo bà Thu Trang, Salles là Tổng thư ký của Alliance française. Nhưng theo Wikipédia tiếng Pháp, Tổng thư ký của tổ chức này trong những năm 1909-1914 là Émile Salone. Phó Tổng thư ký là chức vụ ghi ở cuối lá thư của Salles gửi một quan chức ở Bộ Thuộc địa đề ngày 3.10.1911 (LTK, I, 3, tr. 68).

[2] Ở đoạn trích phía trên ghi là 1913.

[3]Thụy Khuê, Phụ Lục : Nguyễn Ái Quốc, lai lịch và văn bản (phần 1)


Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails