Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2009

Tuyên bố nhân 70 năm Hiệp ước Hitler-Stalin

Nguồn : Talawas

Phạm Thị Hoài dịch

Lời người dịch – Hiệp ước bất tương xâm giữa Đức Quốc xã của Hitler và Cộng hòa Liên bang Xô-viết của Stalin ngày 23 tháng Tám 1939 là một cú sốc lớn với nhiều trí thức cánh tả châu Âu thời ấy, trong đó có Walter Benjamin. Đối với tôi, nhà tư tưởng và nghiên cứu văn học này là một tác giả bắt buộc.

Tất cả những gì diễn ra cho đến trước đó tại nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới: công cuộc tập thể hóa nông nghiệp với hàng triệu người chết đói, Đại Khủng bố, thanh trừng và những phiên tòa giả hiệu xử đối thủ chính trị và những người bất đồng chính kiến…, và ngay cả chuỗi thất vọng triền miên của cá nhân Walter Benjamin trong việc thử cộng tác với giới nghiên cứu văn học Xô-viết không làm cho ông từ bỏ cảm tình và hi vọng vào chủ nghĩa cộng sản như lời đáp khả dĩ nhất cho những câu hỏi then chốt của thời đại mình. Nhưng cú bắt tay giữa Hitler và Stalin đã khiến trục tọa độ định hướng của ông sụp đổ. Tác phẩm cuối cùng của ông, “Về khái niệm ‘Lịch sử’” (Über den Begriff der Geschichte) được viết trong tình trạng suy sụp niềm tin này, như một kinh cầu hồn cho một ước mơ không còn nữa. Ông tự sát ngày 27 tháng Chín 1940, ở tuổi 48.

Sau 70 năm, sự rối loạn tọa độ chính trị phát sinh từ Hiệp ước Hitler-Stalin khiến một bộ óc như Walter Benjamin phải đầu hàng đã có thể được cắt nghĩa từ nhiều thông tin và nhận thức mới. Lịch sử, ít nhất là của giai đoạn này, đã có thể được viết lại, không phải chỉ từ tâm thế của những người chiến thắng, như ông chỉ ra trong Luận điểm VII của tiểu luận nêu trên. Nhưng lịch sử vẫn tiếp tục là bàn xoay của hiện tại. Nghị quyết của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE về việc lấy ngày 23 tháng Tám làm ngày tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Stalin bị phía Nga phẫn nộ phản đối. Nước Nga chính thống của Putin ngày nay vẫn chăm lo cho vinh quang chống phát xít của Stalin và phản đối mọi đánh giá mang tính “xét lại” ý nghĩa của Hiệp ước Molotov-Ribbentrop. Một Ủy ban với 28 ủy viên vừa được thành lập, gồm đại diện cơ quan mật vụ FSB, Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp… và cả vị Tổng Tư lệnh Quân đội, nhằm “ngăn chặn những hành động xuyên tạc lịch sử, tổn hại lợi ích của Liên bang Nga”. Và sắp tới sẽ có một điều luật cho phép đem công dân nước ngoài ra xét xử trước một tòa án Nga vì tội “bớt xén thành tích của Nga trong chiến thắng chủ nghĩa phát xít”.

Tuyên bố dưới đây của 140 nhà chính trị, nhà sử học, nhà báo, nhà văn và nhà hoạt động xã hội Đức cho thấy một cái nhìn khác. Sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ 1989 được đặt trong chuỗi sự kiện khởi đi từ 1939. Nhiều người trong số những người đồng kí tên trong bản tuyên bố này còn chưa sinh, khi tàu Schleswig-Holstein khạc đạn vào bán đảo Ba Lan Westerplatte lúc 4 giờ 45 phút ngày 1 tháng Chín 1939. Dịch tuyên bố này, tôi đồng thời chia sẻ nhãn quan lịch sử của họ.

Phạm Thị Hoài

______________

Mừng 1989, đừng quên 1939!

Những tuần này, tháng này, khắp châu Âu nhớ lại sự kiện chiến thắng các chế độ độc tài cộng sản tại Đông Âu và Trung Âu 20 năm trước. Các chương trình kỷ niệm và hội nghị, các triển lãm và phim ảnh làm sống dậy ký ức về tinh thần dũng cảm dân sự của biết bao người đã bằng sự phản kháng hòa bình của mình vượt qua các chế độ độc tài, tạo cơ sở cho việc thiết lập chế độ dân chủ và khắc phục sự chia cắt châu Âu và nước Đức.

Hiệp ước Hitler-Stalin chia vùng thôn tính

Hiệp ước Hitler-Stalin chia vùng thôn tính

Khởi điểm của sự chia cắt đó và của sự thống trị cộng sản kéo dài hơn bốn thập kỉ tại Đông Âu và Trung Âu là Chiến thanh Thế giới II. Vì vậy, chúng tôi đau buồn và hổ thẹn hồi tưởng ngày 1 tháng Chín tròn 70 năm trước, ngày nước Đức Quốc xã tấn công Ba Lan. Tám ngày trước đó, Đức và Liên Xô đã ký bản Hiệp ước Hitler-Stalin bất hạnh, cho phép hai chính quyền độc tài toàn trị này chia nhau các nước Cộng hòa Baltic, Ba Lan, Phần Lan và Rumani. Vụ tấn công Ba Lan do Đức và Liên Xô tiến hành tháng Chín 1939 mở màn cho một cuộc chiến tranh xâm lăng và hủy diệt chưa từng thấy trong lịch sử. Với cuộc chiến tranh ấy, Đức đã giáng đau thương vô hạn lên các nước láng giềng châu Âu, đặc biệt là Ba Lan và cuối cùng không chừa cả Liên Xô.

Sau khi châu Âu và Đức được giải phóng khỏi chủ nghĩa Quốc xã, toàn châu Âu đã hy vọng vào một tương lai tự do và dân chủ. Nhưng hy vọng này đã trở thành thất vọng cay đắng cho rất nhiều người. Tại một phần nước Đức và tại các nước Đông Âu và Trung Âu vừa suy yếu do chiến tranh và sự thống trị Quốc xã, Liên Xô đã áp đặt những chế độ độc tài mới: với những hậu quả khủng khiếp cho xã hội, cho kinh tế và văn hóa, và cho vô số những người bị đàn áp như những kẻ thù chính trị hoặc phải bỏ mạng vì đã dám đương đầu với nhà cầm quyền. Như vậy, người Đức không chỉ chịu trách nhiệm nặng nề trong việc hủy diệt những người Do Thái châu Âu, trong việc truy bức và giết hại những người dân tộc Sinti và Romani, những người đồng tính luyến ái, những người khuyết tật, những người bị quy là thành phần nhơ nhuốc xã hội và những người bất đồng chính trị, cũng như hàng triệu nạn nhân chiến tranh. Chúng tôi còn đau lòng nhận thức rõ rằng nếu không có cuộc Chiến tranh Thế giới II do Đức châm ngòi thì ở các nước Đông Âu và Trung Âu vừa không có các chế độ độc tài cộng sản, mà nước Đức và châu Âu lục địa vừa không bị chia cắt.

Hôm nay, năm 2009, nhìn lại lịch sử châu Âu và lịch sử Đức thế kỉ 20, chúng tôi ghi nhớ tai họa Quốc xã và vui mừng rằng nước Đức ngày nay là một thành viên bình đẳng và được mến trọng trong gia đình các dân tộc châu Âu.

Chúng tôi cũng tưởng nhớ với lòng biết ơn và kính trọng những con người suốt bốn thập kỉ sau 1945 đã chấp nhận mạo hiểm lớn cho bản thân, không ngừng dũng cảm thách thức các nhà cầm quyền cộng sản độc tài để đấu tranh cho tự do và dân chủ. Không ít người đã phải trả giá cho lòng dũng cảm này bằng sinh mệnh. Những cuộc nổi dậy và các phong trào đòi tự do tại Cộng hòa Dân chủ Đức, Hungary, Tiệp, và đặc biệt thường xuyên ở Ba Lan, đã nuôi sống hi vọng về tự do và dân chủ qua hàng chục năm trời.

Chúng tôi sẽ không quên rằng Ba Lan đã đi đầu trong việc chọc thủng pháo đài của hệ thống quyền lực cộng sản, vì tự do của Ba Lan và vì tự do của chúng tôi. Đồng thời chúng tôi cảm ơn những người ủng hộ Hiến chương 77 của Tiệp Khắc, họ đã khích lệ chúng tôi sống với sự thật. Chúng tôi cũng nhớ ơn tất cả những người ở Hungary đã dọn đường đến dân chủ và mở Bức màn Sắt vào mùa hè 1989. Trước Glasnost và Perestroika từ lâu, các nhà li khai Xô-viết đã dấn thân bảo vệ nhân quyền. Và cuối cùng chúng tôi cảm ơn tất cả những người ở phương Tây chưa bao giờ chịu chấp nhận Bức màn Sắt và các chế độ độc tài cộng sản, đã kiên định lên tiếng về nhân quyền và ủng hộ phong trào đối lập chống chế độ độc tài.

Bằng cách mạng hòa bình, các dân tộc ở Đông Âu và Trung Âu đã giành lại quyền tự do, độc lập quốc gia và quyền tự quyết bị mất 50 năm trước. Những cuộc cách mạng hòa bình đó là nền tảng quyết định để vượt qua sự chia cắt châu Âu và chia cắt nước Đức. Sau khi khắc phục chế độ độc tài của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức và chọn con đường thống nhất nước Đức, sự tin cậy của các nước láng giềng châu Âu dành cho chúng tôi là một món quà quý báu. Từ thành quả của cuộc cách mạng hòa bình, lần đầu tiên trong lịch sử của chúng tôi, nay mọi người Đức đều có điều kiện để sống trong tự do và dân chủ, trong no ấm, trong một lãnh thổ có biên cương phân định rõ ràng và trong tình tương kính, hữu nghị với các dân tộc láng giềng.

1989 cũng là một năm định mệnh của châu Âu như 1939, tuy theo hướng ngược lại. Một châu Âu tự do và dân chủ phải ý thức rõ lịch sử của mình. Châu Âu cần giữ gìn ký ức về thời cộng sản và công cuộc vượt qua thời cộng sản. Bước đi đầu tiên đã được thực hiện: Tháng Tư vừa qua, Hội đồng châu Âu đã lên tiếng về trách nhiệm này. Con đường phải đi còn dài: Châu Âu cần một văn hóa ký ức chủ động và mang tính trách nhiệm cao, để giúp những thế hệ sau cẩn trọng trước những trào lưu chuyên chế và độc tài mới có thể nổi lên.

Nguồn:Das Jahr 1989 feiern, heißt auch, sich an 1939 zu erinnern! Eine Eklärung zum 70. Jahrestag des Hitler-Stalin-Paktes

Bản tiếng Việt © 2009 Phạm Thị Hoài

Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog


Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails