Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Chảy đi… Bô-xít ơi!

Nguồn : Talawas
Tác giả: Gia Cát Dự

talaCu: Trung thành với tôn chỉ “Sát cánh cùng Nhân Dân” trong thời kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (market-Leninism), talaCu đặc phái phóng viên Gia Cát Dự đi tìm hiểu thực tế, lắng nghe ý kiến của giới văn nghệ sĩ sau tuyên bố giải thể sáng suốt, dũng cảm, táo bạo của Hội Nhà văn nói riêng và tình hình đất nước hiện nay nói chung. Bất chấp mọi khó khăn, gian khổ và hiểm nguy chốn trường văn trận bút, từ nơi đầu sóng ngọn gió, phóng viên Gia Cát Dự gửi về cho bạn đọc của talaCu bài đầu tiên trong loạt phỏng vấn hứa hẹn sẽ đầy kịch tính này.

_________



Bỏ qua hàng loạt nhà báo đang chầu chực bên ngoài, ông cho người gọi tôi vào hầu chuyện vì biết tôi là đặc phái viên của Toà soạn talaCu uy tín đến xin phỏng vấn ông về việc Hội Nhà văn Việt Nam mới tự giải thể. Từ dạo đổ bệnh tim mạch, tiểu đường và một cơ số bệnh của người về già, ông rất ngại giao tiếp vì sợ hao tổn chân khí. Cảm giác đầu tiên là trông ông yếu và xanh xao đi nhiều. Duy có ánh mắt là vẫn tinh anh và như nhìn thấu tâm can người khác.

Câu chuyện của chúng tôi thoạt đầu xoay quanh chuyện văn chương chữ nghĩa, nhưng về sau lái hẳn sang các đề tài nóng bỏng của thời cuộc Việt Nam. Ông nói chậm, nói ngắn và nói rất ít. Nhưng ẩn chứa đằng sau mỗi câu chữ giản dị là tầng tầng lớp lớp ý nghĩa cao thâm của một người tu Thiền Mật tông đã đạt đến tầm mức vô lượng quang. Tiếc rằng do thời lượng cuộc trò chuyện quá eo hẹp vì cần giữ sức cho ông, trong khi lại có quá nhiều câu hỏi trong xã hội Việt Nam cần được làm rõ, nên tôi phải chuyển chủ đề liên tục mà không thể cùng ông đi vào tận ngõ ngách của mỗi vấn đề.

Vâng, ông chính là nhà văn lừng danh Nguyễn Huy Thiệp, người mà hơn 10 năm trước đây đã từng có phát biểu gây sốc nặng khi cho rằng đại đa số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là những người “ít học, bất tài và háo danh”… Giờ đây trước mắt tôi là một Nguyễn Huy Thiệp trầm tĩnh, sâu lắng, và đầy nhân bản, giác tha. Từ khoảng dăm năm trở lại đây, bỏ hết thú vui nặn tượng, vẽ tranh, viết lách, ông tìm đến Thiền và quyết định hiến dâng toàn bộ phần đời còn lại của mình cho Thiền, cho Tam bảo. Và với ông, lẽ ra cuộc sống này đã trở nên vô thường rồi nếu như không đột nhiên nổ ra đại án bô-xít…

Phóng viên (PV): talaCu chúng tôi hôm nay rất vui mừng được hầu chuyện nhà văn, Thiền sư Nguyễn Huy Thiệp về chủ đề Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) tự giải thể. Thưa Thiền sư, có người ví von rằng HNVVN và Hội Nhạc sĩ Việt Nam như là một đôi do trời đất sinh ra, hai anh thay phiên nhau làm nhiệm vụ ca ngợi Đảng, ca ngợi chế độ và ca hát cho đại đồng thế giới; anh này thức thì anh kia ngủ, anh này hét, anh kia nghỉ. Thậm chí trên măng-sét của báo Văn nghệ còn kẹp trì câu khẩu hiệu “Vì Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa” để nhắc nhở “các đồng chí” không được xa rời “tính Đảng”, xa rời lập trường giai cấp. Vậy để bắt đầu câu chuyện, xin được hỏi Thiền sư là: mỗi khi nghĩ đến HNVVN, Hội Nhạc sĩ VN, cũng như một loạt các hội đoàn quốc doanh khác thì câu hỏi (nếu có) đầu tiên xuất hiện trong đầu ông là gì?

Thiền sư Nguyễn Huy Thiệp: Bao giờ thì chúng giải tán? Bao giờ thì chúng giải tán?

PV: Vậy Thiền sư đánh giá sao về quyết định tổ chức Lễ sám hối và ra tuyên bố tự giải tán vừa rồi của HNVVN, đặc biệt là về mặt thời điểm?

Thiền sư NHT: Muộn quá, muộn quá!

PV: Vâng, vâng! Quả thật là muộn, ít nhất là khoảng 10 năm. Và việc giải tán này có liên quan rất nhiều đến vấn đề bô-xít Tây Nguyên. Thiền sư nghĩ sao về con số gần 3000 người ký tên vào Kiến nghị phản đối khai thác bô-xít, trong đó có 50 người là hội viên HNVVN; nhất là khi so sánh con số này với 86 triệu người dân trong nước và khoảng hơn 3 triệu kiều bào?

Thiền sư NHT: Ít quá, ít quá. Dân trí và dân khí còn thấp lắm!

PV: Dạ, dạ, cái thấp đó là thành quả cơ bản, và cũng là chiến lược của Đảng ta đấy ạ. Xin bàn đến một chủ đề liên quan. Thưa Thiền sư, trong tình hình chính trị Việt Nam hiện nay có cái nguy cơ được gọi là Tổng cục II – cơ quan Tình báo Quân đội được xem là có liên quan đến bàn tay của Trung Quốc, Thiền sư có nghĩ đây là nguy cơ có thật hay chỉ là thủ đoạn được giới thân Bắc Kinh thổi phồng nhằm dọa ma dư luận, nhất là những người trong chính quyền, công an, quân đội có tâm huyết với vận mệnh đất nước; những người thuộc giới trí thức có tư tưởng đổi mới, muốn có cải tổ chính trị?

Thiền sư NHT: Vừa thật, vừa phồng! Vừa thật, vừa phồng!

PV: Chúng tôi hỏi vậy là vì gần đây trong khi Đảng ta đang bết bát hết vụ nọ đến vụ kia thì Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có những phát biểu rất khó hiểu như: “Chúng ta là có chính nghĩa sáng ngời”, hay “Việt Nam, Cu Ba như là trời đất sinh ra (…) thay nhau canh gác cho hoà bình thế giới”. Có dư luận cho rằng từ sau vụ án Lê Công Định (có tung tin ông Chủ tịch phản đối gay gắt khai thác bô-xít), ông vì sợ hãi quá mà phải thốt ra những lời như vậy; bởi trước đó, vào năm 2007, ông Triết cũng đã tiết lộ rằng “trời ơi tôi mà là tôi thì chúng nó đập tôi chết”. Vậy Thiền sư nghĩ sao về ông Chủ tịch này?

Thiền sư NHT: Người tốt đấy, người tốt đấy. Phẫn uất quá mà “tự diến biến”.

PV: Thì ra là vậy ạ! Hèn chi mà mấy lời ông Triết nói khó nghe đến thế, dân tình trên mạng là cứ cười bò. Thiệt là một hình thức “đánh” từ bên trong cực kỳ kín đáo, tinh vi và minh triết, đúng như cái tên của ông ấy.

Thiền sư NHT: Ừ ừ…

PV: Dạ, nhân nói đến ông Triết thì không thể không nhắc đến ông Nguyễn Tấn Dũng, vì hai người miền Nam này được cho là thuộc phe đổi mới, cấp tiến. Ông Dũng từ hồi mới nhận chức Thủ tướng đến nay như thể là hai con người với những lời nói và hành động hoàn toàn khác. Và việc ông mới ký Quyết định 97 ngăn cấm trí thức phản biện được coi là đòn ép buộc của các đối thủ chính trị nhằm triệt hạ uy tín của ông, từ đó khống chế ông này vào quỹ đạo của họ. Vậy xin Thiền sư cho biết con người đã từng nói “yêu nhất sự thật, giận nhất giả dối” bây giờ là người như thế nào?

Thiền sư NHT: Là… năng lực hạn chế, ham ghế làm càn. Ông ấy bây giờ là hồn anh Trung Hoa xác anh Ba Dũng rồi. Tội nghiệp, tội nghiệp!

PV: Than ôi, sự tha hóa của quyền lực… Xin hỏi thêm Thiền sư là tương lai của “anh Trung Hoa” này tại Đại hội Đảng tới đây, tháng 1 năm 2011, sẽ như thế nào? Ý chúng tôi là xác suất ông Dũng giữ được ghế Thủ tướng là ra sao ạ?

Thiền sư NHT: Cũng giống như làm bô-xít, cũng giống như làm bô-xít.

PV: Có nghĩa là sao ạ?

Thiền sư NHT: Năm mươi/năm mươi.

PV: Dạ, dạ. Vẫn còn cao thía cơ ạ. Chúng tôi xin cảm ơn tỉ lệ mà Thiền sư đưa ra và có thể tới đây sẽ gom tiền đặt cược vào “cửa” ông Dũng tại vị… Cũng là chuyện Đại hội Đảng, theo Thiền sư thì từ nay tới đó, công tác nào được cho là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất đối với Đảng ta, thưa Thiền sư?

Thiền sư NHT: Bịt miệng báo chí, dư luận, các trang mạng, các blogger.

PV: Cái này thì tôi nhất trí ngay với Thiền sư, và Đảng ta cũng đã được các anh ở Trung Nam Hải chỉ thị hành động rồi đấy ạ… Bây giờ xin phép được cùng Thiền sư bàn tới lĩnh vực giáo dục.

Thiền sư NHT: Giáo dục à? Sẵn sàng thôi, ta đã từng là nhà giáo mà!

PV: Như Thiền sư đã biết, nền giáo dục Việt Nam đang ở trong một trạng thái cực kỳ bết bát và hầu như không có thuốc chữa. Nguyên nhân của tình trạng này theo giáo sư Hoàng Tuỵ – với bài viết “Giáo dục, xin cho tôi nói thẳng” đăng trên website Tia Sáng – là do “lãnh đạo, quản lý [ngành giáo dục] bất cập, bất cập cả tâm lẫn tầm và từ trên xuống dưới”. Trang web này sau đó đã bị đóng cửa và hiện giáo sư Hoàng Tuỵ đang phải chịu rất nhiều áp lực vì bài nói thẳng, mà theo đó ta có thể hiểu là ông muốn nói đến cái thể chế bất cập là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Là người đã từng trong ngành giáo dục, Thiền sư đánh giá sao về quan điểm của giáo sư Hoàng Tuỵ?

Thiền sư NHT: (lấy một hơi dài) Trước hết ta thông cảm rất nhiều với “bài toán một nghiệm số” của ông Hoàng Tuỵ. Nhưng lý tính mách bảo ta hãy thông cảm cho vị nào đã ra lệnh đóng cửa website Tia Sáng. Một nhà giáo dục lớn mà đổ lỗi cho lãnh đạo chính trị, ta e rằng hơi cực đoan, phiến diện. Hãy nhớ rằng những bài toán xã hội phức tạp thường đa nghiệm và tồn tại nhiều cách giải. Trong trường hợp này, ta hãy nghĩ đến yếu tố văn hoá đặc thù đã có những tác động tiêu cực lên con người, thể chế và giáo dục Việt Nam thay vì đổ lỗi cho những người lãnh đạo. Đừng bao giờ ảo tưởng rằng vấn đề này [giáo dục] chỉ có thể được giải quyết nếu như toàn bộ hệ thống kinh tế và chính trị được thay đổi bằng một mô hình nào đó theo mô hình tư bản phương Tây. Trong tiếng Anh, có một câu nói là: “Hãy coi chừng những ước muốn của mình. Lý do là bởi vì có ngày anh sẽ lĩnh đủ nó”.

PV: Eureka, tôi ngộ ra rồi…! Thưa Thiền sư, không, thưa Thầy mới đúng, có câu nửa chữ cũng là thầy, nhưng từ đầu tới giờ tôi đã nhận được của Thầy không biết bao nhiêu bồ chữ. Nay nhân ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20.11.2009, tôi trân trọng gửi đến Thầy nói riêng, và tất cả các bậc giáo thụ Việt Nam nói chung, lời chúc mừng chân thành nhất. Tôi cầu mong Thầy luôn luôn khỏe mạnh và tiếp tục cống hiến nhiều thành tựu cho nền giáo dục Việt Nam hiện đại, cũng như cho sự nghiệp xiển dương phật pháp. Mong lắm thay được Thầy cho phép vấn an.

Thiền sư NHT: Thôi bỏ đi, cứ xưng là ông tôi hay mày tao cũng được. Nhưng hãy ghi nhớ: Hãy coi chừng những ước muốn của mình nếu không anh sẽ lĩnh đủ nó!

PV: Vâng vâng. Chúng tôi xin khắc cốt điều này, và xin được cùng Thiền sư chuyển sang một chủ đề mới: vận động dân chủ. Thưa Thiền sư, hiện nay có một xu hướng mà chúng tôi tạm gọi là “xoá bỏ thần tượng”, cụ thể ở đây là ông Hồ Chí Minh. Việc này được một số các nhân và tổ chức vận động ráo riết với mục đích là đưa ông Hồ trở về với đúng giá trị của mình: một người trần mắt thịt, một lãnh đạo có thành tựu nhưng cũng mắc phải không ít sai lầm, đặc biệt là tầm viễn kiến. Việc làm này nhằm chống lại các chiêu bài huyền thoại hoá hay “ăn mày dĩ vãng” của các hậu duệ ông Hồ; lợi dụng công trạng và hình ảnh “cha già dân tộc” làm bình phong để cố duy trì tính chính danh của một chế độ đã đầy khuyết tật. Thiền sư đánh giá sao về động thái này?

Thiền sư NHT: Tín đồ của ông Hồ còn đông lắm, động vào ông ấy là tự sát. Nếu được thì hãy cố gạn lọc và sử dụng những ý tưởng về dân tộc, dân chủ, nhân dân của ông ấy cho đại cuộc, còn không thì thôi. Giải mã để sau, giải mã để sau!

PV: Dạ, dạ, nhưng mà (tỏ vẻ băn khoăn)… Cũng liên hệ đến chủ đề này, thưa Thiền sư, có một số ý kiến cho rằng điều kiện Việt Nam hiện nay, nhất là vấn đề dân trí, là chưa đủ để phù hợp với một mô hình đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập theo cách thế giới đã và đang làm, rằng hãy sửa chữa và cải cách những yếu kém của cơ chế hiện nay thay vì một cuộc đại phẫu đầy rủi ro; trong khi có ý kiến khác thì khẳng định Đảng Cộng sản chỉ có thể thay thế, chứ nó sẽ không bao giờ tự thay đổi, nó chỉ biến đổi màu như con kỳ nhông bằng thủ thuật kiểu “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” hay “dân chủ tiệm tiến” để che mắt dư luận. Vậy Thiền sư nghĩ sao về các ý kiến này ạ?

Thiền sư NHT: Đa nguyên tất loạn, đa nguyên tất loạn. Hãy giữ nguyên tất cả để… làm thơ!

PV: Giữ nguyên để làm thơ…? Dạ, dạ… chúng tôi hiểu rồi: những bài ca tuyệt vọng là bài ca tuyệt vời nhất. Và bài ca tuyệt vời này chỉ có thể thăng hoa được trong những thời kỳ “cố đoạ” lên chủ nghĩa xã hội – đây chính là vườn ươm cho những tuyệt tác thi ca nói lên những khổ nạn của kiếp người. Ý kiến của Thiền sư khiến chúng tôi liên tưởng đến Giải Nobel Văn học 2009 mới được trao cho nữ nhà văn đấu tranh với chế độ cộng sản toàn trị, Herta Müller…

Thiền sư NHT: Đúng đấy, đúng đấy!

PV: Xin thống nhất với Thiền sư về việc giữ nguyên thể chế hiện nay để làm thơ và… xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vậy xin hỏi Thiền sư là bao lâu nữa thì “nhân loại tiến bộ” sẽ xây dựng thành công CNXH để hướng tới một đời sống cảnh giới, tức là cõi cực lạc Cộng sản – nơi của cải dư thừa, một thế giới đại đồng đầy hoan lạc?

Thiền sư NHT: (lảy ca trù) Một ngàn năm, một vạn năm… ư hự… ư hự… ư hự…

PV: Trời! Một ngàn năm nữa mới với đến được “cõi Niết Bàn chốn nhân gian”. Thế thì đã qua bao kiếp đoạ đầy vì “trốn thuế”, “mở miệng”, bao nhiêu chướng nghiệp đã được gieo rắc, bao nhiêu linh hồn tội lỗi bị thiêu đốt trong vạc dầu quả báo, và biết bao nhiêu kiếp luân hồi phải chịu trừng phạt Ngạ quỷ, Súc sinh. Thật khủng khiếp!

Thiền sư NHT: Nam mô a di đà Phật!

PV: Tội lỗi, tội lỗi…Bauxitanic

Nguy cơ ẩn chứa thời cơ

PV: Thôi, xin cùng Thiền sư quay trở lại với thực tại để nói tiếp về vấn đề bô-xít. Thưa Thiền sư, hiện nay chính quyền Việt Nam, dưới sức ép của Trung Quốc, vẫn liều thân theo đuổi dự án đầy phiêu lưu với vận mệnh dân tộc này. Vậy Thiền sư tiên đoán ra sao về tương lai của dự án bô-xít, cũng như tương lai chính trị của những người quyết tâm theo đuổi nó bằng mọi giá?

Thiền sư NHT: (mắt nhìn xa xăm) Chảy đi bô-xít ơi/Băn khoăn làm gì/ Rồi mai bùn đỏ đãi hết/ Đỉnh cao trí tuệ chạy đâu… Đỉnh cao trí tuệ chạy đâu…

PV: Dạ, đúng là mắt của thánh nhân.

Thiền sư NHT: Mô Phật. Thiện tai, thiện tai!

PV: Vâng. Đúng! Tất cả là… tại Thiên. Ý chúng tôi là tại “Thiên triều” Bắc Kinh tất cả. Hiện nay có một thực tế rất đáng ngại là: giới lãnh đạo Trung Nam Hải đang sử dụng những chiêu rất thâm độc, trong đó họ vừa thực hiện, vừa gây sức ép với giới lãnh đạo Hà Nội làm những việc khiến cho người dân trong và ngoài nước cực kỳ bức bối với chính quyền, đến nỗi “cậu đánh máy” Đào Duy Thoát phải hét lên: Báo Đảng ngang nhiên bán đảo, ngang ngược quá! Hệ quả của những bức bối này là nó sẽ khiến cho đối kháng giữa nhân dân và chính quyền ngày càng trầm trọng, đến mức không thể hoá giải. Và để duy trì quyền lực của mình, giới lãnh đạo chỉ còn một cách là tiếp tục ngả vào lòng Bắc Kinh để đối phó với chính “ông chủ” của mình. Thảm kịch này khiến cho đất nước cứ mãi lay lắt trong vòng kiềm toả của một nước Trung Hoa ngày càng hùng mạnh và hung bạo… Này này, Thiền sư đang nghe tôi nói hay là đang ngủ gật đấy?

Thiền sư NHT: Đang nghe, đang nghe. Cậu nổ tiếp đi!

PV: Vâng, tôi xin nói tiếp… Thậm chí ta có thể hình dung ra một kịch bản là trong khoảng mươi mười lăm năm nữa, sau khi đã thiết lập xong các điều kiện cần như: lũng đoạn thông tin gây nhiễu loạn, nghi ngờ, và chia rẽ; cài người vào các vị trí trọng yếu trong hệ thống chính trị của Việt Nam; thúc đẩy các quyết sách kiểu “siêu dự án và cái bẫy nợ” gây kiệt quệ về kinh tế; nô dịch toàn diện về văn hoá; “ăn” dần hết các vị trí chiến lược như Biển Đông – Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Tây Nguyên… (thông qua việc trúng thầu hàng loạt các dự án ma quỷ), người Tàu sẽ tác động để cho chính trị Việt Nam đạt đến một đỉnh điểm, tức là một cuộc nổi dậy của người dân, giới trí thức và một số tướng lĩnh quân đội. Khi đó người Tàu với các chiêu bài “tinh thần quốc tế vô sản” và “giúp Đảng bạn dẹp loạn” sẽ tràn vào. Đảng ta với một đội ngũ rệu rã, tê liệt đành thúc thủ chịu chết, phó mặc cho số phận. Tới đó thì thôi rồi Việt Nam ơi… Ông Putin đưa quân vào Nam Osetia, ông có đi ra bao giờ!

Thiền sư NHT: Đáng ngại thật đấy, đáng ngại thật đấy!

PV: Nếu kịch bản này là có thật, những người lãnh đạo Việt Nam sẽ trở thành những tội đồ vĩ đại lưu danh thiên cổ. Vậy với tầm thấu suốt của mình, theo Thiền sư, đâu là lối thoát cho những người cầm quyền hiện nay để tránh kịch bản mà chúng tôi vừa nêu?

Thiền sư NHT: Bỏ chỗ tối, tìm chỗ sáng. Bỏ chỗ tối, tìm chỗ sáng, ngay từ bây giờ, ngay từ bây giờ.

PV: Chỗ sáng của họ là ở đâu, khi mà tình cảnh hiện nay của họ được cho là: theo Mỹ và phương Tây thì mất Đảng, theo Trung Quốc thì mất nước, còn theo dân thì… mất hết; vậy thì họ phải theo ai, thưa Thiền sư?

Thiền sư NHT: Theo ta lên chùa, theo ta lên chùa! “Chuyên chính rồi cũng ra ma/Đô la rồi cũng tha ra ngoài đồng”. Đời là bể khổ quyền là dây oan, tất cả chỉ là sắc sắc không không, cát bụi lại trở về cát bụi. Ham hố mà làm gì!

PV: Dạ, lên chùa thì nhớ ghế, nhớ đô la, nhớ rượu, nhớ thịt lắm ạ. Thế mới biết làm người (quan) xã hội chủ nghĩa thật là khó… Câu chuyện đến đây cũng đã dài. Xin hỏi Thiền sư một câu hỏi chót. Thưa Thiền sư, hiện chúng tôi được biết sức khoẻ của Thầy không được tốt, với bệnh tình khá nặng, việc “thăng” hay ở thật khó để nói trước điều gì… Vậy với quỹ thời gian còn lại không lấy gì làm nhiều, với tất cả những nguy cơ của xã hội Việt Nam hiện nay, bằng vào danh tiếng và trí tuệ của mình, Thiền sư có dự định trong thời gian tới sẽ gióng lên một tiếng chuông cảnh báo bằng các phát ngôn ra công luận, nhất là về các ẩn hoạ: bô-xít, điện hạt nhân, mở bể than và chiến lược “tằm ăn rỗi”; hay đơn giản hơn Thiền sư sẽ kêu gọi những bạn hữu văn chương cùng mình ký tên vào Kiến nghị bô-xít để mọi người không bao giờ được phép lơ là với mối nguy thường trực trên đầu không? Hay ông sẽ ngồi yên như núi, tích tụ năng lượng đặng rồi phát tâm Bồ Đề, dùng lẽ hiểu-thương hoá giải mọi sân hận, khổ đau ạ?

Thiền sư NHT: Ngồi yên như núi phát tâm Bồ Đề, ngồi yên như núi phát tâm Bồ Đề… Mà này, nghe ta nói đây: cái nguy cơ nếu biết hoá giải - ấy là thời cơ vậy!

PV: Dạ, chúng tôi xin chúc Thiền sư “ngồi yên như núi” thành công, và mong cho thời cơ sẽ đến với dân tộc Việt Nam. Xin kính chào Thiền sư.

Thiền sư NHT: Chào bạn phóng viên. Chào bạn phóng viên.

PV: Ấy chết quên, xin Thiền sư khuyến mãi nốt cho câu này. Hiện dư luận đang rất muốn biết vụ án PCI với hai bị cáo Huỳnh Ngục Sỹ và Lê Lại Quả, cũng như vụ “hối lộ in tiền polymer” sẽ đi đến đâu ạ?

Thiền sư NHT: Đi đến Nhà hát Tuồng Trung ương, đi đến Nhà hát Tuồng Trung ương…

PV: Sao lại đến Nhà hát Tuồng? Khó hiểu quá, Thưa Thiền sư!

Thiền sư NHT: Đến nhà hát để dựng hai vở “Ngâm cứu tài liệu” và “Để lâu cứt trâu hoá bùn”.

PV: Té ra là vậy. Đúng là pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa – bài ca tuyệt vọng là bài ca tuyệt vời…

Thiền sư NHT: Mô phật! Chảy nhanh lên bô-xít ơi… (tay lần tràng hạt).

© 2009 Gia Cát Dự

© 2009 talaCu


Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails