Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2009

Ls. Lê Trần Luật: Thư gửi tám Giáo dân Thái Hà


Nguồn : x-Cafe
Luật sư Lê Trần Luật
Thành phố Hồ Chí Minh, chiều ngày 25/03/2009

Thưa các giáo dân thân mến!

Chỉ còn hai ngày nữa là phiên tòa phúc thẩm sẽ được mở ra, cho tôi được gửi lời chia sẻ sâu sắc nhất từ đáy lòng mình mà tôi có thể viết được thành lời đến với các vị.

Những ngày chuẩn bị xét xử sơ thẩm và thời gian diễn ra phiên tòa sơ thẩm, tôi cảm nhận được tình cảm trong sáng và chân thành mà các vị cũng như toàn thể giáo dân đã dành cho tôi, đặc biệt là tình cảm của Quý Cha, Quý Thầy Dòng Chúa Cứu Thế. Nhận được những tình cảm thiêng liêng đó, tôi tự nhủ rằng: Mình không thể phụ lại lòng tin yêu của mọi người. Vâng, tôi đã cố gắng bằng tất cả những gì mình có thể để cùng các vị tham gia phiên tòa phúc thẩm sắp tới, nhưng điều đó giờ đây không thể xảy ra, vì mọi nỗ lực của tôi đã trở nên vô nghĩa trước "sức mạnh" của sự cường quyền.

Thưa các giáo dân!


LS Lê Trần Luật (phải) - nguồn: RFA
Giờ đây ngồi trong Văn phòng Luật sư Pháp Quyền, tôi lại nghĩ đến những chặng đường mà tôi đã đồng hành cùng các vị đi tìm công lý và sự thật. Những kỷ niệm buồn vui với các vị đã trở về trong tâm trí tôi một cách rõ ràng hơn.

Từ những phút giây e dè mà tôi đã gọi điện cho Cha Nguyễn Ngọc Nam Phong để đề nghị được bào chữa cho các vị, cho đến ngày hôm nay là một cuộc hành trình đầy gian khó. Máu đã đổ, nước mắt đã rơi, những nụ cười rạng rỡ, những bó hoa, những vòng tay ôm thắm thiết... đã làm cho tôi nhớ quay quắt khi nghĩ đến Thái Hà.

Còn nhớ, hôm đưa chị Ngô Thị Dung từ Thái Bình về Hà Nội, suốt chặng đường từ đêm khuya cho đến gần sáng, tôi đã nói chuyện với chị rất nhiều về những khái niệm pháp luật. Tôi đã cố gắng phân tích cho chị nghe sự khác biệt giữa việc chị có hành vi cầu nguyện và đập bỏ bức tường với việc hành vi đó có phải là tội phạm hay không. Chị đã đồng ý với tôi rằng chị có hành vi cầu nguyện và đập bỏ bức tường nhưng trong nhận thức sâu xa của mình, chị tin rằng điều đó là không sai trái, điều đó là không hề vi phạm pháp luật.

Sáng hôm sau, tôi đưa chị đến Công an Quận Đống Đa trước sự "chào đón" của rất nhiều vị Công an. Tuy nhiên, sau đó họ lại lập biên bản nhận "người đầu thú", tôi phản đối biên bản này vì tôi cho rằng việc tôi đưa chị Ngô thị Dung về là để hỏi xem tại sao Cơ quan Công an lại ra lệnh truy nã chị, chớ không phải là đầu thú. Trở về Sài Gòn, 4 ngày sau tôi nhận được "hung tin" chị có lệnh tạm giam, một lần nữa tôi lại gọi điện phản đối với Đội trưởng đội điều tra Công an quận Đống Đa. Trong sự thỏa thuận giữa tôi và Công an, nếu tôi đưa thân chủ của mình đến Công an thì Công an quận Đống Đa sẽ để cho thân chủ của tôi được tự do. Họ đã bội tín. Họ nói rằng phải tạm giam chị Dung vì chị Dung không "nhận thức" được hành vi của mình là phạm tội.

Các buổi làm việc tiếp, tôi có mặt cùng bà Nguyễn Thị Việt với cơ quan điều tran, thì đó là những cuộc đấu lý dằng co giữa bà Việt với cán bộ điều tra về hành vi cầu nguyện và đập bỏ bức tường có phạm tội hay không. Bà Việt nói: "Các anh thấy đó là phạm tội, nhưng tôi thấy đó là tốt đẹp". Tôi bất ngờ vì bà Việt đã phản biện như sau: "Nếu tôi đem gạch đá vào Công an quận Đống Đa xây bức tường, anh yêu cầu tôi đập bỏ nhưng tôi không đập bỏ, sau đó anh tự ý đập bỏ thì anh có phạm tội hay không?". Công an trả lời: "Ô hay, bà này nói chuyện kỳ nhỉ". Khoảng hơn một tháng sau, nghe tin Công an có lệnh phải khởi tố bổ sung về tội hủy hoại tài sản. Trong buổi điều tra, tôi lại bất ngờ khi nghe bà Việt phản biện: "Anh bảo Công ty May Chiến Thắng thiệt hai trên một tỷ tư do hành vi cầu nguyện của chúng tôi mà công ty không yêu cầu bồi thường, vậy công ty ấy dư tiền à? Lấy tiền đâu mà bù vào những khoản thiệt hại này?". Rồi bà quay lại hỏi: "Thưa ông Luật sư, ông thấy thiệt hại này như thế nào?". Tôi trả lời: "Tôi chưa đọc tài liệu giám định thiệt hại nên chưa biết". Sau này, tôi nói với bà "đó là tài liệu bậy bạ nhất mà trong đời Luật sư tôi chưa từng đọc". Bà nở một nụ cười rất hiền để chia sẻ với cách diễn đạt của tôi.

Hôm làm việc với cơ quan điều tra cùng cháu Thái Thanh Hải, suốt một ngày điều tra, Công an chỉ có đi phân tích cho cháu Hải thấy rằng cầu nguyện và đập phá bức tường như thế là phạm tội và phạm tội rất nặng; nhưng cháu Hãi vẫn một mực tin rằng đó không phải là hành vi phạm tội. Cuối cùng, cán bộ điều tra đập bàn quát rằng: "Nếu không nhận đó là hành vi phạm tội thì ngày mai sẽ ra lệnh tạm giam". Thoáng một chút ngại ngùng, cháu Hải lại khẳng định: "Cháu thấy như thế không có gì gọi là phạm tội". Trong giây phút đó, chính tôi là người thực sự lo lắng. Rời khỏi Công an Đống Đa, tôi tức tốc tìm gặp các Cha và cha mẹ cháu Hải để nói chuyện. Chúng tôi tính toán mọi chuyện để đảm bảo cho sự tự do của cháu vì cháu vẫn còn đang đi học. Cuối cùng, mọi chuyện cũng diễn ra tốt đẹp.

Còn nhớ tôi có ý định đi Cao Bằng để đưa anh Nguyễn Đắc Hùng về Hà Nội, nhưng anh Hùng bảo rằng không cần, anh tự đi về. Suốt buổi nói chuyện với anh Hùng, tôi tìm mọi phương pháp diễn giải pháp luật một cách đơn giản nhất để anh dễ hiểu vấn đề. Cuối cùng, anh bảo anh chỉ nghĩ đơn giản rằng việc cầu nguyện và phá bỏ bức tường là việc làm tốt cho nhà thờ Thái Hà.

Hôm diễn ra phiên tòa sơ thẩm, tôi chỉ hỏi các vị mỗi một câu duy nhất: "Ông (bà) thấy việc cầu nguyện và đập bỏ bức tường như thế có phạm tội không?". Các vị còn nhớ các vị đã trả lời thế nào không? Lúc đó tôi rất hồi hộp nhưng cuối cùng tất cả đều trả lời "Không". Thấy "tình thế" không ổn, Viện Kiểm Sát yêu cầu Tòa chiếu lại hình ảnh các vị cầu nguyện và đập bỏ bức tường cho các vị "nhận thức lại một lần nữa", nhưng thay vì "nhận thức lại" thì trước vành móng ngựa, các vị lại nhẩm hát theo lời Kinh Hòa Bình được phát ra từ đoạn video trong phiên tòa. Tôi thầm cười trong bụng và rồi cũng nhịp nhịp chân theo điệu nhạc... Ngoài kia âm thanh "Vô tội", "Vô tội", "Vô tội"... vang vọng rền rền vào tận trong phiên tòa, vào tận sâu trong lương tâm của những người đang cầm cân nảy mực.

Buổi chiều, tôi rời phiên tòa giữa rừng người với cành thiên tuế trên tay. Tôi rùng mình khi nghe lời bài hát Kinh Hòa Bình: "Lạy Chúa từ nhân... Để con đem yêu thương vào nơi oán thù / Đem thứ tha vào nơi lăng nhục / Đem an hòa vào nơi tranh chấp / Đem chân lý vào chốn lỗi lầm".

Những dòng máu, những giọt nước mắt, những cành thiên tuế, những âm thanh của tiếng cồng chiêng, những nhịp điệu bài hát Kinh Hòa Bình đã nói lên hết tất cả sự khát vọng về sự thật và công lý của cả dân tộc Việt Nam.

Thưa các giáo dân thân mến!

Đang viết thư này cho các vị, tôi cũng vừa mới nhận được Quyết định tước quyền sử dụng không thời hạn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của VPLS Pháp Quyền. Điều đó cũng có nghĩa rằng cái tên gọi VPLS Pháp Quyền chỉ còn lại trong ký ức của các vị. Có thể mai kia, tôi chỉ là một Luật sư đi làm thuê cho Văn phòng Luật sư khác, nhưng khát vọng về công lý và sự thật vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Tôi thật sự kiêu hãnh và tự hào vì đã từng là Luật sư của các vị.

Hai ngày nữa, dù phiên tòa có mặt tôi hay không thì các vị cũng nên tin rằng công lý và sự thật sẽ chiến thắng vì chúng ta đã phó thác sinh mạng mình trong đôi tay của Chúa.

Cho tôi được kính chúc các vị, Quý Cha, Quý Thầy và toàn thể cộng đoàn giáo dân con Chúa nhiều sức khỏe, niềm tin và sự kiên cường.

Chào thân ái,
Lê Trần Luật
Nguồn: Đông A Thị's Blog
click to comment
click to comment
click to comment

Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails