Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009

Vì sao Việt Nam phải ghi nhớ ngày 17 Tháng Hai? Quên cuộc chiến tàn khốc ấy thì nguy!

Nguồn : Thông Luận

Phạm Hồng Sơn

“...Dân chủ đã tỏ ra là một giải pháp tốt đẹp nhất để giải quyết những tranh chấp hay những vấn nạn mà cần đến bạo lực và cũng là động lực tối ưu để xây dựng hoà hợp dân tộc và sự phồn vinh quốc gia trong hoà bình ổn vững...”

Ngày 17 Tháng Hai này đánh dấu 30 năm ngày nổ ra Chiến Tranh Trung- Việt. Cuộc chiến ngắn thôi, chỉ khoảng một tháng, nhưng đẫm máu và tàn khốc, làm thiệt mạng hàng chục nghìn người. Nhiều phụ nữ Việt bị hãm hiếp, nhiều phụ nữ và trẻ thơ bị chết thảm bằng rìu và dao rựa, và hầu như toàn bộ hạ tầng cơ sởtại sáu tỉnh biên giới Việt Nam bị phá huỷ.

Khi tôi viết những dòng này thì chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến ngày kỉ niệm 30 năm, thế mà tuyệt nhiên không có bài báo nào nói về biến cố này trên báo chí nhà nước. Suốt mấy năm gần đây, truyền thông chính thức tại Việt Nam hoàn toàn lờ đi không nói gì về những vấn đề liên quan đến Trung Quốc, chẳng hạn như thoả thuận biên giới 1999, và lãnh thổ và lãnh hải bị mất về tay Trung Quốc.

chiến tranh biên giới Việt - Trung


Nhiều nhà hoạt động cũng như người viết nhật kí cá nhân từng cố gắng nói lên sự thâm độc của Trung Quốc thì bị bỏ tù hay bị truy bức. Rõ ràng là giới chức đương quyền tại Việt Nam không muốn nhắc đến biến cố này; họ cố tình câm nín và bịt miệng những ai muốn đối đầu với quyền bá chủ của Trung Quốc.

Mối nguy của sự câm nín

Sự nín lặng này có ba mối nguy.

Trước tiên, mối nguy nằm ngay tại Việt Nam. Cơ bản là trong suốt năm thập niên vừa qua Đảng cộng sản Việt Nam làm đủ cách để tạo hình ảnh về tính chính đáng cho mình là họ đã đấu tranh giành độc lập cho nước nhà.

Có thể có nhiều khác biệt ý kiến về hai cuộc chiến tranh lớn của Việt Nam thế kỉ XX, một là kháng chiến chống Pháp và sau đó là chống chế độ do Mỹ ủng hộ, Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo và chiến thắng. .

Suốt quá trình lịch sử của Việt Nam, tự hào quốc gia là ở chỗ đất nước chưa hề khuất phục trước kẻ gây hấn và xâm lược, nhất là kẻ xâm lược phương bắc. Trong lịch sử từng có đôi ba nhà lãnh đạo đã sang cầu viện phương Bắc để chống lại các đối kháng của quần chúng thì đều bị lên án nghiêm khắc.

Lại nữa, sách lược của Đảng cộng sản Việt Nam trong việc giành quyền lực là không bỏ lỡ cơ hội đổ tội cho đối thủ là hợp tác với kẻ thù ngoại quốc. Nực cười thay, bây giờ thì chính Đảng CSVN lại để mất nhiều phần lãnh thổ, lãnh hải và hải đảo về tay Trung Quốc trong suốt năm mươi năm qua.

Hẳn là Đảng CSVN đã thấy rõ lòng căm phẫn sôi sục của công chúng khi biết về những nhượng bộ vừa kể. Một cựu chiến binh từng chiến đấu tại mặt trận biên giới Trung - Việt 1979 vừa viết trên trang blog Osin của anh thế này: “Cái mà ta gọi là chiến thắng đã phải trả bằng máu chảy đầu rơi... và 30 năm qua rồi kể từ ngày quân ta hiên ngang tiến về biên giới phía bắc, mà nay hải đảo bị mất nhưng chúng ta phải nín lặng!”

Đảng CSVN đang cố che giấu những nhượng bộ đối với kẻ xâm lấn phương Bắc. Đảng CSVN có thể thành công trong việc bịt miệng nhân dân trong chừng mực nào đấy, nhưng với thời gian, nhờ phương tiện hỗ trợ tuyệt vời của internet, sự thật sẽ hiện bày cho mọi người thấy. Và sự câm nín hôm nay sẽ trở nên nguy hiểm y như cái vung đậy nồi hơi. .

Tham vọng của chế độ tại Trung Quốc

Nguy hiểm thứ hai là đã khuyến khích tham vọng bá quyền Trung Quốc. Trung Hoa là quốc gia bát ngát về địa lí và có bề dày về văn hoá và lịch sử. Từ xa xưa, Trung Quốc từng là một siêu cường trải dài qua hằng thế kỉ. Vì thế tham vọng muốn phục hồi hình ảnh siêu cường cho thời hiện đại là điều có thể hiểu được và cũng tự nhiên thôi.

Quân dân Lạng Sơn ra trận


Tuy nhiên, vì tham vọng này mà Đảng CSTQ đã cầm quyền từ năm 1949 đến giờ, từng đề ra những chủ trương chính sách sai lầm và gây đại hoạ. Dưới thời Mao (1949-1976), Trung Hoa từng có những đường lối hoang tưởng như là “chống tả khuynh” (1957), “Đại nhảy vọt” (1958-1960), và “cách mạng văn hoá” (1966-1969). Những cuộc phát động vừa kể đã kéo theo hàng chục triệu người chết và sự huỷ hoại di sản văn hoá và môi trường thiên nhiên từ cổ đại.

Đặng Tiểu Bình trở thành người kế vị Mao từ năm 1978, và đã mở cửa kinh tế Trung Quốc và hiện đại hoá. Tuy vậy, Trung Hoa tự thân đã nuôi mầm tự hoại, như từng thấy ở triều Minh Trị ở Nhật hoặc Đức sau Thế Chiến I. Đức và Nhật từng phát triển kinh tế hùng mạnh nhờ áp dụng khoa học kĩ thuật, đều đã bị chính quyền độc tài đẩy đến chế độ chính trị độc đoán gây ra thảm hoạ của tham vọng bá chủ - Thế Chiến II.

Vì thế sự câm nín hay thái độ thần phục của Đảng CSVN đối với tham vọng của Trung Hoa muốn lấn chiếm xuống phía Nam đã mời gọi Đảng CSTQ tiến sâu thêm vào con đường sai lầm tai hại. .

Gây bất ổn

Nguy hiểm thứ ba là tạo sự bất ổn khu vực và cho hoà bình thế giới. Trong quá trình lịch sử lâu dài từ xa xưa, chiến tranh giữa hai nước Việt Nam và nước láng giềng phương Bắc chẳng phải là sự kiện hiếm hoi gì. Hầu như triều đại nào ở Trung Hoa cũng tiến hành ít nhất là một cuộc xâm lược đối với láng giềng phía nam là Việt Nam.

Nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam đã cùng nhân dân, luôn quyết tâm bảo vệ chủ quyền và danh dự, cho dẫu giới lãnh đạo phải sử dụng đường lối ngoại giao khôn khéo đối với nước láng giềng phía bắc sau mỗi lần ta chiến thắng. Vì thế, qua vài thế kỉ, ý chí đối kháng của dân tộc Việtđã làm nên thành trì vững chắc cho các nước Đông Nam Á chống lại nạn xâm lược từ phương Bắc. Nhưng nay, giới lãnh đạo Việt Nam thời hiện đại, đảng CSVN, đã không theo đường lối khôn khéo của tiền nhân, và tấm lá chắn mà Việt Nam từng đảm nhiệm trong lịch sử cho ổn định khu vực và hoà bình thế giới nay đang bị phá đổ.

Lối thoát

Trong một thời kì khủng hoảng kinh tế hiện nay, người ta có thể xao nhãng mọi chuyện để chỉ lo làm tiền. Ho nên cuộc chiến Trung – Việt bùng nổ 30 năm trước đây có thể không được chú ý nhiều nữa. Tuy nhiên, tham vọng bá chủ của kẻ xâm lấn vẫn còn nguyên vẹn và có vẻ càng mạnh thêm lên.

Nghiêm trọng hơn nữa là kẻ xâm lăng hiện rất ngang ngược không chỉ đối với bên ngoài mà còn ngay cả đối với trong nước, thể hiện qua các cuộc đàn áp dân chủ tại chính Trung Quốc. Tương tự như tiếng kêu đòi dân chủ tại Trung Quốc, tại Việt Nam cũng đang có nhiều người như thế. Dân chủ đã tỏ ra là một giải pháp tốt đẹp nhất để giải quyết những tranh chấp hay những vấn nạn mà không cần dùng đến bạo lực và cũng là động lực tối ưu để xây dựng hoà hợp dân tộc và sự phồn vinh quốc gia trong hoà bình ổn vững.

Nói to lên ý nghĩa của ngày 17 Tháng Hai cũng chính là một bước tiến nhỏ bé để mang lại dân chủ cho Việt Nam và cho Trung Quốc.

Hà Nội, ngày 15/02/2009
Phạm Hồng Sơn
Nguồn: báo Đại Kỷ Nguyên (The Epoch Times), ngày 15/02/2009.
Xuyến Như chuyển ngữ

Photobucket - Video and Image HostingBác sĩ Phạm Hồng Sơn từng dịch ra tiếng Việt bài “Thế nào là dân chủ?” từ trang mạng của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ông bị kết án 13 năm tù, và đã phải chịu án 4.5 năm trước khi được thả vào Tháng Tám 2006, hiện vẫn còn bị quản chế tại gia ở Hà Nội. Là tác giả của nhiều bài viết phổ biến trên mạng về các vấn đề chính trị xã hội mà xã hội Việt Nam đang quan tâm, ông đã hai lần được giải thưởng nhân quyền Hellmann-Hammet do tổ chức Human Rights Watch trao tặng cho những nhà văn đang chịu cảnh truy bức chính trị.

Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails