Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009

Thực Trạng Giáo Hội Thiên Chúa Giáo miền Bắc từ 1945-1975 (Kết)

Nguồn : DCVOnline
Nguyễn Văn Lục



Bức màn tre sau 1954

Trần Thị Liên, tiến sĩ sử học tại Pháp có phổ biến một tập tài liệu của phái đoàn tôn giáo BaLan, vào năm 1954. Tài liệu có tựa đề: “Vấn đề công giáo miền Bắc Việt Nam qua tư liệu lưu trữ Ba Lan (1954-1956) được phổ biến trên Thời Đại Mới, số 4, tháng 3/2005.

Nhà thờ ở miền Bắc
Nguồn: culturalcatholic.com
Phái đoàn tôn giáo Ba Lan sang Việt Nam do lời mời của chính phủ Hồ Chí Minh để cố vấn chính phủ về các vấn đề liên quan đến tôn giáo trong đó khuyến cáo các địa phận công giáo nên ở lại và hợp tác với chính quyền cộng sản như ở Ba Lan. Tài liệu Ba Lan cho biết vào những năm 1945-1947, có sự liên minh, hợp tác giữa người Thiên Chúa giáo và Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh có cả một chính sách “công giáo vận” mà tài liệu còn cất giữ được tại thư khố quân đội ở Vincennes bên Pháp. Thật vậy, khi thành lập chính phủ, ông Hồ đã chọn Nguyễn Mạnh Hà, một trí thức ở Pháp về làm bộ trưởng bộ kinh tế. Trong phái đoàn tham dư hội nghị Fontainebleau, ông Hồ đề cử Nguyễn Đệ tham gia phái đoàn. Ông Đệ có nhiều liên hệ tốt với Pháp và giới ngân hàng Đông Dương. Trong buổi lễ tấn phong giám mục Lê Hữu Từ, cùng một lúc có buổi lễ thành lập Liên đoàn công giáo (liên đoàn công giáo không nằm trong hệ thống Liên đoàn của Việt Minh) vào tháng 10-1945. Trong dịp này có phái đoàn cao cấp chính phủ gồm Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp về dự, đồng thời cũng cử tân giám mục Lê Hữu Từ làm cố vấn tối cao của chính phủ Hồ Chí Minh.

Chính sách công giáo vận có đạt được điều gì cụ thể? Ung Văn Khiêm đã nghiêm cấm “mọi hành động phẫn nộ hay khiêu khích với người Thiên Chúa giáo”. Hồ Chí Minh đã ra lệnh không giới nghiêm trong đêm Giáng sinh v.v...

Thật ra chính sách tôn giáo đó chỉ có cái bề mặt của một chủ trương chiến lược, nhưng thực tế, người Thiên Chúa giáo vẫn là đối tượng nghi ngờ số một. Nhưng sang đến năm 1950-1951, mối liên hệ giữa hai bên kể như chấm dứt. Khu tự trị Phát Diệm dần trở thành một thứ tiền đồn chống Cộng Sản.

Không lạ gì, khi có cuộc di cư, khu Bùi Chu, Phát Diệm có tỉ số người di cư cao nhất trên toàn miền Bắc. Khoảng 50% dân theo đạo Thiên Chúa giáo.

Việt Minh và cả Pháp cũng không tiên liệu được số người di cư lên cao đến như thế. Tài liệu của phái đoàn tôn giáo Ba Lan đã cắt nghĩa tìm hiểu tại sao có số đông người di cư như thế và cố tình bóp méo một số sự việc. Theo họ, yếu tố chính thúc đẩy người ta di cư là vấn đề tôn giáo.

Yếu tố tôn giáo: trong bài báo cáo của đại sứ Ba Lan Tomasz Pietka, ông đã xếp yếu tố tôn giáo lên hàng đầu. Ông viết: “Vấn đề di cư của người công giáo vẫn tiếp diễn. Chính phủ và đảng đã làm đã làm tất cả những gì có thể để giảm bớt, nhưng vẫn gặp những khó khăn to lớn... Vấn đề giáo dân sẽ còn đè nặng lên chính sách nội trị của Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (VNDCCH) trong thời gian tới đây…


Giáo phận Hà Nội với chính quyền cộng sản

Năm 1954, Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê đã quyết định ở lại Hà Nội không di cư vào Nam. Quyết định này ảnh hưởng tới một số giáo dân cũng đã chọn ở lại. Vì thế, nếu Bùi Chu, Phát Diệm có 50% giáo hữu di cư vào Nam, Hà Nội chỉ có khoảng 30%. Tuy nhiên, số linh mục chọn ở lại chưa đầy 60 linh mục mà phần lớn đã lớn tuổi. Chỉ có khoảng hơn 10 người ở lứa tuổi từ 35-40.

Số linh mục còn lại này phải phục vụ cho 135 giáo xứ và gần 500 nhà thờ. Nghĩa là mỗi linh mục phải trông coi ba giáo xứ một lúc. Piero Gheddo cũng cho rằng:

“Le problème des vocations ecclésiatiques fut et reste encore aujourd’hui le point faible de l’ Église au Nord VietNam: Ce n’est pas que manquent les jeunes prêts à se consacrer au sacerdoce, ce sont les possibilités d’une formation adéquate qui n’existent plus. De 1955-1960, Il y eut 20 ordinations sacerdotales dans tout le Nord-VietNam et elles ont certainement diminue après cette date”(Trích Catholiques et Bouddhistes au Viet Nam, Piero Gheddo, trang 124).

(Vấn đề ơn gọi trong giáo hội trước đây và bây giờ là điểm yếu của giáo hội miền Bắc. Không phải là không có những người trẻ sẵn sàng đi tu làm linh mục, vấn đề là không có phương tiện cho việc đào luyện đến nơi đến chốn nữa. Từ 1955-1960, chỉ có 20 vụ truyền chức linh mục trong toàn miền Bắc và chắc chắn nó sẽ còn giảm nữa sau này).

Tình trạng thiếu hụt linh mục này bắt buộc Gm. Khuê phải mở chủng viện thánh Gioan do cha già Lợi phụ trách. Sau đó đến lượt Lm. Phao Lô Phạm Đình Tụng, 36 tuổi được chọn làm Giám đốc. (Lm. Tụng sau này được phong lên Hồng y, vừa mới qua đời) Theo Gm. Laurensô Chu Văn Minh, giám mục phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội hiện nay trong bài phỏng vấn của WHĐ (Website của Hội Đồng Giám mục Việt Nam) cho biết: Tiểu chủng viện gồm có Lm. chính Nguyễn Văn Vinh, Lm. Nguyễn Trọng Oánh, Lm. Nguyễn Văn Thông, thầy Sang (Sau này là Gm. Nguyễn Văn Sang, coi sóc giáo phận Nam Định) và một số các Lm. thừa sai còn ở lại.

Tháng 10, 1958, các vị thừa sai bị trục xuất ra khỏi Việt Nam. Việc trục xuất này chỉ vì chính quyền cộng sản sợ tai mắt của các người ngoại quốc. Cho nên họ phải loại bỏ bất cứ ai, nhất là người ngoại quốc nhòm ngó vào sân nhà họ.

Sau 1975, họ cũng đã làm y như vậy.

Thật ra, trước đó, họ đã không được phép đi đâu cả ngoài truyện cho phép cử hành thánh lễ. Nhưng sau đó 21 thừa sai Pháp, gồm cả các bà sơ đã bị trục xuất, mặc dầu có sự can thiệp mạnh mẽ và nhiều lần của đại sứ Pháp. Chỉ trừ có hai Lm. dòng Chúa Cứu Thế, ở Thái Hà ấp còn được ở lại, vì mang quốc tịch Canada. (Vì Canada là một trong 3 thành viên của Ủy Hội Quốc tế kiểm soát đình chiến nên cộng sản còn phải nể)

Về phía tòa khâm sứ thì khâm sứ Dooley bệnh nặng phải được chở sang Cam Bốt chữa trị. Thư ký tòa Khâm sứ là Lm. O’Driscoll đã bị gọi lên ty công an và được dẫn độ chở sang biên giới Trung Hoa với tội danh hoạt động khuynh đảo. (activités subversives) (Xem thêm T. O. Driscoll, Eight Years in Viet Nam, Far East, février, 1960, trang 7-9)


Những khó khăn trong việc truyền chức linh mục và việc bổ nhiệm Giám Mục

Bức tranh tôn giáo miền Bắc là bức tranh vân cẩu nhiều tiết mục, nhiều chiêu thức, nhiều tấn tuồng bi hài kịch, nhiều tuồng thương khó, nhiều chặng đường thánh giá, nhiều con đường Ê-Mau với tiếng thở dài chán nản, thất vọng như sau:

* Trục xuất khâm sứ 1959. Bang giao chính thức với Vatican gián đọan hẳn
* Trục xuất các thừa sai để tránh tai mắt ngoại quốc dòm ngó. Trong suốt 20 năm miền Bắc, chỉ có cơ quan từ thiện của Đức là có mặt người ngoại quốc.
* Hạn chế tối đa việc di chuyển của linh mục, tu sĩ. Quản chế Giám mục Trịnh Như Khuê. Hạn chế di chuyển của TGM Trịnh Văn Căn Hà Nội. Trong 7 năm, giám mục Hải Phòng chỉ được về Bắc Ninh hai lần, năm 56 và 57.
* Xiết chặt và kiểm soát việc đào tạo như đóng cửa Tiểu và Đại chủng viện như sẽ nói sau này.
* Đưa ra đấu tố giám mục Trần Hữu Đức và tịch thu tài sản, ruộng đất của địa phận Vinh.
* Giám Mục Chu Văn Minh, giám mục phó Hà Nội, trong một bài phỏng vấn cho biết mãi đến năm 50 tuổi mới được thụ phong linh mục. Nghĩa là phải chờ hơn 25 năm. Cả cuộc đời đi tu của giám mục tóm tắt trong chữ Chờ.Trong khi chờ đợi, để kiếm sống, giám mục phải làm ngề hớt tóc sống qua ngày. Giám Mục Chu Văn Minh viết: “ Thời kỳ này ở các giáo phận chung quanh như Hưng Hóa, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình, các giám mục thường truyền chức linh mục cách kín đáo. ChỈ trừ Hà Nội, vì Hồng Y Trịnh Như Khuê và Trịnh Văn Căn không muốn thế. Vì thế, chúng tôi đành phải âm thầm sống ơn gọi của mình (Trích bài phỏng vấn của phóng viên WHĐ (Hội đồng Giám Mục)
*Giám mục được sắc phong phải chịu phong chức “Chui”. Đó là trường hợp cha Đinh Đức Trụ được chỉ định làm Giám mục Thái Bình. Cha Trụ phải bí mật lên Hà Nội để được Đức Cha Khuê tấn phong bí mật trong nhà nguyện riêng bên phòng ngủ


Những nạn nhân tiêu biểu của cộng sản miền Bắc: Hồng y Trịnh Như Khuê

Thoạt đầu, Gm. Khuê còn có thể đi thăm các xứ đạo, ngay cả các xứ hẻo lánh như Trình Xuyên, Vĩnh Trị, Kẻ Đại, Kẻ Chanh. Nhưng vào ngày 16-7-1957, khi đức cha Khuê đi từ Kẻ Sở về Hà Nội, đi qua Phủ Lý đến Ngã Tư Vọng thì bị chặn lại và xét giấy tờ. Họ tịch thu mọi giấy tờ. Kể từ đó, giám mục Khuê bị giam lỏng “quản chế” trong suốt 20 năm còn lại và không đi ra khỏi Hà Nội nữa.

Xin dẫn chứng từ về hoàn cảnh giam lỏng của Gm. Khuê:

“Sau bữa ăn, tôi theo đức Hồng Y lên sân thượng của tòa nhà lớn. Sân thượng này rất rộng, lát bằng gạch tàu, có lẽ to hơn sân quần vợt. Trời mùa hè nên giờ đó còn sáng, Đức Hồng Y và tôi sánh vai đi bộ. Trong lúc đi, ngài kể cho tôi hoàn cảnh giáo hội miền Bắc và hỏi thăm về gia đình, cha mẹ anh chị em tôi… Đang đi bất chợt ngài quay lại hỏi:

- Cha có để ý thấy cái gì khác lạ trên sân thượng này không?
- Tôi ngạc nhiên trước câu hỏi đó, và nhìn quanh chẳng thấy gì nên nói:
- Con chẳng thấy gì lạ cả! Ngài mỉm cười:
- Cha phải nhìn ra xa tới cuối sân mới nhận ra được. Nhìn xuống chân không thấy đâu! Theo sự gợi ý của ngài, tôi nhìn ra xa tới cuối sân. Chợt tôi để ý thấy một đường vòng hình quả trám khổng lồ nằm giáp bề mặt sân thượng. Con đường này có màu vàng nhạt khác với mầu gạch lát trên sân như có mài rửa chà xát lên đó. Tôi nheo mắt đáp:
- Con thấy hình như có vòng tròn ai vẽ trên sân gạch. Đức Hồng y cười:
- Như thế là cha đã nhận ra rồi. Đó không phải là đường vẽ, nhưng là đường mòn trên gạch. Đó cũng là dấu tích của Đức cố Hồng y Trịnh Như Khuê. Trong hơn 20 năm bị quản chế, ngài đã đi bách bộ trên sân thượng này. Vì đi bộ nhiều năm nên những bước đi của ngài đã tạo thành đường mòn hình quả trám như cha thấy. Nghe câu chuyện này tôi quá thương cho hoàn cảnh Đức Hồng y tiên khởi của Việt Nam và cho Giáo hội công giáo miền Bắc bây giờ.
(Trích bút ký Tôi phải sống, Lm Nguyễn Hữu Lễ, trang 19)

Hoàn cảnh bị giam lỏng của Gm. Khuê là một bi kịch sống trong sợ hãi và nghi kỵ tất cả. Cô đơn trăm bề. Trách nhiệm như núi. Nào ai thấu hiểu hết được Không đi tù mà hơn đi tù. Cộng sản là như thế.

Hơn 10 năm sau XHCN, cảnh sợ hãi cô đơn vẫn còn. Năm 1967, giám mục Huessler, giám đốc Caritas của Đức có dịp viếng thăm Hà Nội 15 ngày. Nhưng chính quyền Hà Nội đã không cho phép giám mục người Đức đến thăm chính thức Tổng Giám Mục Hà Nội. Chúng ta hãy đọc đoạn sau đây về câu truyện của giám mục Huessler:

“Il demanda avec insistance à voir l’archevêque, mais avec un prétexte ou un autre, on ne lui permit pas cette visite. Un matin, très tôt, Monseigneur Huessler sortit de l’hôtel et se dirrige vers la cathédrale. Il entra, et demana ou se trouvait l’archevêque; on lui indiqua un confessionnal au fond de l’église. Écartant les rideaux du confessionnal, Monseigneur Huessler se présenta et demana des nouvelles à Monseigneur Khuê Celui-ci ne voulut pas parler à un étranger, craignant peut-être quelque piège de la police et sa méfiance s’atténua à peine quand Monseigneur Huessler lui présenta son passeport et dit à l’archevêque qu’il était envoyé par le Pape. Monseigneur Khue lui dit simplement: “Saluez le Pape de ma part et dites-lui qu’il prie pour nous”, puis il ferma les rideaux. La pression et la surveillance doivent être bien rigides, pour que des faits de ce genre puissent se passer à Hà Nội”. (Trích Catholiques et Bouđhistes au Viet Nam, Chương Persécutions anti-Chrétiennes au Viet Nam, Pierre Gheddo, trang 131)
(Giám mục Huessler đã cố nài nỉ cho gặp tổng giám mục Hà Nội, nhưng lấy cớ này cớ nọ, họ đã không cho phép gặp. Một buổi sáng sớm Giám mục Huessler ra khỏi khách sạn và tiến về phía nhà thờ lớn. Ông vào nhà thờ và hỏi Đức Tổng Giám Mục ở đâu; Người ta đã chỉ cho ông một “tòa giải tội” ở phía cuối nhà thờ. Giám mục đã mở bức màn tòa giải tội, Giám mục Huessler đã gặp được Đức Cha Khuê ở trong tòa giải tội và hỏi thăm đức cha. Nhưng Gm. Khuê đã không muốn nói chuyện với một người ngoại quốc vì sợ bị gài bẫy của công an. Nhưng sự nghi ngờ giảm đi khi Giám Mục Huessley đưa cho coi thẻ thông hành và nói rằng ông được Đức giáo hoàng phái sang Việt Nam. Giám mục Khuê chỉ trả lời vắn gọn: “Xin đức cha cho nhắn gửi lời chào Đức giáo hoàng và xin ngài cầu nguyện cho chúng tôi”. Nói xong, giám mục Khuê đã kéo bức màn che tòa giải tội. Sự canh chừng kiểm soát phải chặt chẽ lắm, một điều như vậy chỉ có thể xảy ra ở Hà Nội).



(Bị cắt đứt bởi không gian và thời gian về những vận động chung của giáo hội. Một giáo hội bị phân tán, nhất là nơi những vùng quê, nhưng cũng chưa đến nỗi bị nghẹt thở như ở bên Trung Hoa. Một giáo hội không còn bất cứ tiếp xúc nào. Họ là chứng tá của những ngườ có đạo mà một ngày nào đó, nó sẽ đem lại kết quả).


Lm. Nguyễn Văn Vinh (1912-1971)



Lm. Nguyễn Văn Vinh (1912-1971)
Nguồn: NVL
Năm 1930, thầy Nguyễn Văn Vinh, du học năm 1930 và ghi tên học Triết đại học Sorbonne, Pháp. Về nước cùng với các Lm. khác như Đinh Lưu Nhân, Trần Trinh Khiết, Nguyễn Huy Mai, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Quốc Bồng vào năm 1947. Lm. Vinh về làm chính xứ Nhà thờ lớn Hà Nội thì xảy ra biến cố xếp chỗ ngồi “không đúng ý” của đại tướng De Lattre de Tassigny nhân dịp tang lễ cầu hồn cho con trai đại tướng là Trung Úy Bernard De Lattre de Tassigny tử trận ở Ninh Bình. Sau đó buộc lòng Lm. Vinh quay về làm giáo sư Tiểu chủng viện Piô 12, số 35 đường Hoàng Hoa Thám, đồng thời dạy thêm ở trường Chu Văn An và Đại học ở Hà Nội. Sau 1954, Lm. Vinh được cử làm Lm. chính địa phận Hà Nội. Trong dịp Noel, chính quyền Hà Nội tự động cho người đến treo đèn, kết hoa, từ đó gây ra sô sát giữa hai bên. Lm. Vinh can thiệp.

Sự việc chỉ có thế thôi mà ngày 31/01/1959, tòa án nhân dân Hà Nội kết án Lm. Vinh và Lm. Trịnh Văn Căn cùng 3 giáo dân như sau: Lm. Trịnh Văn Căn (sau lên Hồng Y), 12 tháng tù treo để dằn mặt. 3 giáo dân là các ông Đáng, Chính và Nhiều, bị phạt cảnh cáo. Riêng Lm. Vinh, tổng đại diện Hà Nội, 18 tháng tù ngồi với tội danh: “Vô cớ tập hợp quần chúng trái phép, phá rối trị an, có tính vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân”.

Chỉ có 18 tháng tù ngồi mà thật ra cha Vinh đã bị giam ở Hỏa Lò, rồi chuyển lên trại tù Yên Bái kiên giam và biệt giam tại trại tù Cổng Trời, thuộc xã Quyết Tiến, huyện Quan Ba, tỉnh Hà Giang-Tuyên Quang. Sau 12 năm bị giam tù, Lm. Vinh đã kết thúc cuộc đời tại trại Cổng Trời.

Lm Vinh còn là một nhạc sĩ tài ba, tốt nghiệp Conservatoire National de Paris ‒ người đã đem bài Stille Nacht, Heilige Nacth (phổ biến 24/12/1818) và được Hùng Lân dịch ra thành “Đêm Thánh vô cùng”.

Viết lại để cho thấy gớm thay chế độ cộng sản Hà Nội! (Trích lại từ tài liệu Nhân vật công giáo Việt Nam thế kỷ 18-19-20 của Lê Ngọc Bích, xb Sàigòn 2006, 710 trang, tài liệu do Đỗ Hữu Nghiêm cung cấp).

18 tháng tù ngồi trở thành 12 năm tù biệt giam, kiên giam và chết rũ tù. Chế độ đó nó hận ghét, hành hạ con người đến thế thì thôi.


Lm. Nguyễn Trọng Oánh

Lm. Nguyễn Trọng Oánh (1919-2007)
Nguồn: NVL
Lm. Oánh sinh 10/04/1919. Học trường Hoàng Nguyên rồi Louis Pasteur, Hà Nội. Tháng 8, 1944, đỗ tú tài 1, Pháp. Học 5 năm triết học và thần học tại đại chủng viện Xuân Bích St. Sulpice, Hà Nội. Du học Mỹ tháng 8, 1951, học đại học Loyola, Chicago. Trang đầu luận án có ghi như sau: “A thesis submitted to the Faculty of the Institute of social and Industrial Relations of Loyola University in Partial Fulfillment of the Requirements for the DEGREE OF MASTER OF SOCIAL AND INDUSTRIAL RELATIONS. Tháng 6, 1954.”

Tôi đã về Việt Nam, đã ra Hà Nội, cuối 2005 để tìm hiểu giáo hội miền Bắc những năm 1954-1975, để nhìn lại những nơi mà tôi đã sống như nhà thờ Cửa Bắc, dinh Hoàng Cao Khải, khu Thái Hà Ấp, nơi những biến động đòi đất mới xảy ra gần đây. Tôi đã thất vọng không ít vì chỗ nào bây giờ cũng xây cất chật ních cả lối đi, che chắn tầm nhìn. Đó là bệnh xây cất ở Việt Nam. Nó lớn lên, phình ra, nhô cao, chiếm đoạt cùng với bệnh tham nhũng.

Tham nhũng càng lớn, xây cất càng nhiều. Nhìn xây cất biết bộ dạng của tham nhũng.

Nhưng quan trọng hơn, mong gặp các linh mục J.A. Nguyễn Ngọc Oánh, Phạm Hân Quynh, những người còn sống sót sau những năm tháng trong ngục tù cộng sản, để nghe những nhân chứng sống ấy kể lại. Đồng thời muốn biết thêm về cuộc sống tù đầy của các linh mục Vinh và Thông là những người đã không còn nữa.

Thất vọng không ít. Vì ai cũng sợ nên ngại nói. Lm. Oánh về Bắc lúc phong trào di cư sắp dứt điểm. Kết quả du học ở Mỹ về “đúng lúc” Việt Nam chia đôi đất nước. Về ngày 29/04/1955. Thế là có vấn đề đấy. Lm. là một trong những cột trụ của giáo phận Hà Nội cùng với các Lm. Nguyễn Văn Vinh, Phạm Hân Quynh, Nguyễn Văn Thông, Đinh Lưu Nhân v.v... Lm. Oánh bị quản thúc tại giáo xứ Truôn Thượng từ 1961 đến 1982.

Tội gì thì tôi không biết vì chưa kịp hỏi hay không dám hỏi. Có hỏi cha cũng không dám nói tội gì mãi cho đến năm 1985 cha mới được giải quản và đi lại tự do khi về giáo xứ Hà Thao và qua đời tại đây ngày 11 tháng Tám, 2007.

Phần Lm. Oánh, tuổi đã trên 80 mà “nhát như cáy” mỗi khi tôi hỏi về truyện đi tù và quản thúc. Vừa mới hỏi là Lm. Oánh sửng cồ to tiếng, rồi đứng phắt dậy không nói nữa. Vậy mà nghe cô “mụ” nói lại, nghe nói được tin em người bạn Lm. Mai về thăm là không ngủ được. Nằm nhớ bạn cũ nay đã ra người thiên cổ là rưng rưng khóc. Tôi cũng to tiếng lại. Sợ gì. Rồi cuối cùng cũng ngồi xuống làm hòa. Buổi chiều khi ra về, con đường cách Hà Nội khoảng 45 cây số, tôi bùi ngùi thương cảm cho một nhân tài của giáo hội mà tuổi đời đã chồng chất, sắp xuống lỗ (chỉ hơn một năm sau khi tôi gặp thì Đức ông Oánh qua đời) mà còn sợ nỗi gì.

Tôi đang để trước mặt tôi đây cuốn luận án lấy bằng MA của Lm. Oánh về Xã Hội Học tại Hoa Kỳ vào tháng 6, 1954 mà cha giúi cho tôi trước khi tôi ra về.

Nhớ về hình ảnh của Lm., cả một quá khứ trước 1954 hiện trở về làm nhòe mắt.


Lm. Phạm Hân Quynh

Lm. Phạm Hân Quynh
Nguồn: NVL
Lm. Quynh sinh năm 1926, gốc người Phát Diệm, nhưng nhập giáo phận Hà Nội Đi Pháp năm 1949, học ở Institut Catholiques de Paris, cùng lớp với người mà sau này là Hồng y Lustinger, Tổng Giám Mục Paris. Lm. Quynh hoạt động xã hội khuynh tả ở Pháp, thời kỳ các phong trào linh mục thợ với những nhà thần học nổi tiếng như Chenu. Giám mục Hà Nội có lẽ vì đó gọi cha về nước sớm hơn đự định vào năm 1953. Lm. Quynh về làm thư ký cho giám mục Hà Nội. Và theo lời chính Lm. kể lại, năm 1954, chính ông đã đề nghị với giám mục Hà Nội hai người bạn là Lm. Oánh và Lm. Thông về lại Hà Nội, thay vì ở trong Nam. Lm. Quynh là người cùng với giám mục đi gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong lần gặp gỡ này Thủ tướng Phạm Văn Đồng có đề nghị thành lập một Ủy ban làm sợi dây liên lạc giữa nhà nước và giáo hội và Thủ tướng đã chỉ định ông luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, một người Nam tập kết làm đại diện cho phía chính quyền. Giám mục Khuê không đồng ý, muốn một người đại diện không phải là Thiên Chúa giáo.

Cuối cùng, nhà nước tự tổ chức một mình thành lập UBLLNNCGYTQYHB (Ủy ban liên lạc những người công giáo yêu tổ quốc yêu hòa bình) gồm các linh mục Vũ Xuân Kỷ, Nguyễn Tất Tiến và hai linh mục tập kết ra Bắc là Hồ Thành Biên và Võ Thành Trinh.

Chẳng ai tin tưởng vào cái ủy ban này. Lm. Quynh cũng từ chối không cộng tác. Nó cũng chẳng khác gì bọn bốn tên trong nhóm Công giáo và dân tộc ở trong Nam mà mục đích là tay sai cho chính quyền. Vũ Sinh Hiên đã nhận xét cái Ủy ban này như một vật dị ứng được cấy vào cơ thể giáo hội miền Bắc, bị nghi ngờ và trở thành lạc lõng đối với cộng đồng người Thiên Chúa giáo.

Sau đó thì Lm. Phạm Hân Quynh bị quản thúc tại một giáo xứ ở nhà quê trong 28 năm (1960-1988).

Lm. Quynh sau đó do sự vận động của người bạn là Tổng giám mục Paris, Hồng y Lustiger, ông được sang Pháp và đi Rôme, người viết xin trích dẫn vài câu trả lời phỏng vấn của cha Quynh của tờ báo La Croix, đồng thời ông cũng viết cho tờ báo này, ký tên Pháp.

- Vous sortez, Père Phạm Hân Quynh, de vingt huit ans de résidence surveillée au Viet Nam. Pourquoi, cette action? Cha Quynh, cha bị quản chế 28 năm tại Việt Nam. Vì sao có chuyện đó?
- Abbé Phạm Hân Quynh: Mes ennuis étaient lies au problème des rapports entre “Église et le régime. En 1955, Je m’efforcais- avec des amis comme Nguyên Manh Ha- de jeter un pont direct entre l’église et le gouvernement. Sans doute n’était-il mur ni d’un côté, ni de l’autre. Le régime préfera créer, avec une quarantaine de prêtes, un “Comité des catholiques patriotes aimant la paix à travers lequel tout devait passer”. L’église y vit le germe d’une dissidence dangereuse pour son unité. Ce que l’expérience Chinoise a confirmé... Après avoir tenté, en vain, d’arranger les choses, il me fallut combattre le comité, pour limiter son influence parmi nos chrétiens. Avec succès. D’òu mes ennuis.

Cha Quynh: Vấn đề gây cho tôi bị phiền toái là do mối tương quan giữa giáo hội và chế độ. Từ 1955, tôi cùng với những người bạn như Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng kinh tế của chính phủ Hồ Chí Minh, đã cố gắng thiết lập một đầu cầu trực tiếp giữa Giáo hội và chính quyền. Chắc hẳn, bên này, bên kia chưa đủ trưởng thành. Chế độ thì muốn tạo ra một ủy ban những người Thiên Chúa giáo yêu tổ quốc, yêu hòa bình gồm 40 linh mục và mọi vấn đề phải thông qua ủy ban này. Giáo hội thì nhìn thấy mầm mống bất đồng rất là nguy hiểm cho sự thống nhất của giáo hội. Điều mà kinh nghiệm bên Tàu đã cho thấy rõ. Sau khi đã tìm cách dàn xếp mà không xong, tôi chỉ còn có cách tranh đấu chống lại ủy ban để giới hạn ảnh hưởng của ủy ban trên các giáo dân của chúng tôi. Và Thành công. Phải chăng điều đó gây ra những phiền toái cho tôi?

- La résidence forcée, qu’est-ce-que cela voulait dire, concrètement? Cụ thể, thế nào là quản chế?
- Le 12 octobre 1960, on m’a emmené à une douzaine de kilomètres d’Haiphong dans une pìece mètres carrées, gardée en permanence. C’était pire que la prison: Je n’ai pas subi de sévices, mais j’étais complètement isolé. Ngày 12/10/1960, tôi bị họ dẫn đi cách xa Hải Phòng trong một căn phòng… (mất số mét vuông) mét vuông bị canh chừng thường trực. Còn tệ hơn nhà tù nữa. Tôi đã không bị ngược đãi gì. Nhưng tôi hoàn toàn bị cô lập.

Bài báo trên của cha Quynh đã bị ông Nguyễn Thành Vĩnh, trong Đoàn Chủ tịch Ủy Ban đoàn kết công giáo yêu nước Việt Nam đã gửi đăng một bài Nhận định, đăng trên báo Người công giáo Việt Nam. (Cơ quan của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước Việt Nam) số 17, 27/08/1989


Lm. Nguyễn Văn Thông

Lm. Nguyễn Văn Thông (1922-1991)
Nguồn: NVL
Trong số các Lm. giáo sư địa phận Hà Nội, có hai người bị giam cần nặng nhất bị đưa lên trại Cổng Trời là Lm. Vinh và Lm. Thông. Lm. Thông sinh 21/11/1922. Du học đại học Louvain, Bỉ. 1950-1953. 1954-1955, học Đông Phương học và Việt Nam học ở Écoles des hautes études và Collège de France. 1955, về Sài Gòn cùng lượt với cha Oánh.

29/04/1955, cả hai Lm Oánh và Lm. Thông đã về Hà Nội.

1957, chủng viện thánh Gioan mở cửa để nhận chủng sinh và đại chủng sinh. Lm. Thông được chỉ định làm giáo sư đại chủng viện.

1960, chủng viện bị đóng cửa Lm. Thông được cử làm phó xứ nhà thờ lớn Hà Nội.


Phần đọc thêm

Trong thời gian ở Hà Nội, Lm. Thông có quen cụ Cao Xuân Huy trong đó có một giai thoại nên viết ra đây cho mọi người như gia đình con trai, con gái cụ, đặc biệt gia đình cố giáo sư Cao Xuân Hạo, gia đình bà Tôn Nữ Thị Cơ, học trò Văn Khoa Hà Nội và văn giới biết như ông Nguyễn Huệ Chi, các ông Đỗ Xuân Vượng, Chu Quang Tòng, Nguyễn Sĩ An (Học trò Lm. Thông ở ngoài Bắc)...

Cụ Cao Xuân Huy là cháu ruột cụ Cao Xuân Dục, tác giả bộ sách quý hiếm Quốc Triều Hương Khoa Lục. Cao Xuân Huy, giáo sư triết học Đông Phương Hà Nội, là tác giả bộ sách: Tư Tưởng Phương Đông, Gợi những điểm nhìn tham chiếu... Trong sách của cụ phần giới thiệu có viết như sau: “Ngày ngày, ông đến nhà thờ Lớn đàm đạo với cha cố và đọc sách rất chăm chỉ. Ông đang cần bổ túc nốt phần trí thức Thiên Chúa giáo mà mình còn thiếu. Ông tuyệt nhiên không quan tâm đến những điều Phiền Phức có thể xảy đến với mình, kể cả cái thái độ có vẻ kỳ quặc là ngày ngày lững thững đến nhà thờ. (Trích Tư Tưởng Phương Đông. Gợi những điểm nhìn tham chiếu, Cao Xuân Huy, trang 65)

Chúng ta nên suy nghĩ về đoạn văn trên, để thấy cái kỳ quặc không phải của cụ Huy mà trong phán đoán của người Hà Nội để thấy cộng sản ghét và nghi kỵ tôn giáo như thế nào? Nếu việc làm của cụ Cao Xuân Huy xảy ra ở trong Nam thì có cần phải viết như thế không?

Cũng trong tinh thần tìm hiểu, người viết trích dẫn tâm sự của con trai cụ, giáo sư Cao Xuân Hạo nghĩ về cha mình như sau:

“Cha tôi trong những ngày gần chết chỉ đọc “Imitation de Jésus Christ” (Sống theo gương Chúa) Trong suốt đời cụ theo Lão Trang, chê Mác... Có lúc tôi đã đâm hoảng ông cụ mà mời cha cố đến rửa tội cho thì mình cũng phải chiếu cố chứ biết sao. Nhưng thiên hạ sẽ hiểu thế nào chưa biết, ông cụ tôi qua đời, bà cô sư bà Diệu Không vào đây hạ lệnh không ai dám cãi là phải chôn ông cụ theo nghi thức Phật Giáo.
(Trích Nhật ký Nguyễn Ngọc Lan, Tin Paris, 1995, trang 18)

Cũng mời đọc đoạn văn trên để suy nghĩ thêm.

Cả ông Nguyễn Huệ Chi và ngay con cụ là Cao Xuân Hạo đã không nắm rõ về cụ Cao Xuân Huy. Người mà cụ Cao Xuân Huy hay vào thăm ở nhà thờ Lớn Hà Nội, không ai khác, chính là Lm. Nguyễn Văn Thông. Vào đấy, không hẳn là để tìm học đạo như ông Nguyễn Huệ Chi viết. Nhưng là để đàm đạo Triết học Lão Trang mà cụ Cao Xuân Huy và Lm. Nguyễn Văn Thông đều mê thích. Theo lời kể lại của Lm. Thông hai tháng cuối trước khi chết. Cụ Cao Xuân Huy và Lm. là những người bạn đi trên những đoạn đường khác nhau, nhưng lại hội tụ về một điểm Oméga: Một người theo Lão Trang suốt đời thì lại trên hành trình đi tìm đạo Chúa và một người hiến thân cho Chúa đến ngay cả đời sống, chịu tù đầy thì lại đi tìm lẽ hòa đồng trong đạo Lão.

Hai tâm hồn lớn gặp nhau.

Và tôi xin khẳng định một điều là: mối lo “tôi đã đâm hoảng” của ông Cao Xuân Hạo là có căn cơ, mối lo đó đã không xảy ra vì cụ đã làm rồi chỉ không nói ra thôi. Ở thời điểm ấy, Cụ phải dấu.

Theo Lm. Thông kể lại, không phải chỉ có cụ Huy đến thăm Lm. Thông để đàm đạo mà chính Lm. Thông cũng đến thăm cụ Huy, ở đường Hàng Chiếu. Lm. Thông coi cụ Huy là bậc thánh nhân. Còn cụ Huy thì nhận xét Lm. Thông là: Beaucoup de hauteurs d’âme. Một tâm hồn cao thượng.

Và cuối cùng thì cụ Huy đã xin được rửa tội do Gm. Khuê chủ lễ với sự chứng giám của Lm. Thông.

Dĩ nhiên một cách kín đáo. Lúc ấy chỉ có ba người biết: Lm. Thông, Gm. Khuê và cụ Huy. Tôi không hiểu còn có ai biết chuyện cụ Huy theo đạo dấu kín cho đến lúc chết?

Ngày 12/10/1964: Hồi 7 giờ sáng, Lm. Thông bị đưa ra tòa án thành phố nghe lệnh bắt giữ, rồi bị tống giam vào Hỏa Lò, được yêu cầu trao chìa khóa để khám xét phòng từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Phiên tòa được xử công khai, có loa phóng thanh ra ngoài. Trong phiên xử, họ đưa ra một số người dùng để tố cáo với nhiều tội danh, trong số đó có một số sinh viên, gốc Vinh, Nghệ Tĩnh theo học Giáo lý Lm. Thông vào các tối Thứ hai. Họ bị bắt trước ngày xử Lm. và họ sẽ có bổn phận tố cáo Lm. Thông trước tòa. Sau này, có một vài sinh viên trên đã vượt tuyến và kể lại như vậy. Tội trạng của Lm. Thông là tàng trữ sách khiêu dâm (Chắc là Playboy), tài liệu sách báo ngoại quốc v.v... Nhưng tội nặng nhất là làm gián điệp cho Mỹ.

Lm. bị tuyên án 13 năm tù ở và 3 năm quản chế.

Họ cũng có đưa một cô mụ (dì phước) tên Hương ra làm chứng. (Năm 2005, tôi ra Hà Nội có gặp cô Hương), cô cũng bị bắt giam với vụ Lm. Thông vì tội liên quan hoạt động gián điệp. Kể ra CIA Mỹ gài người hay thiệt. Sau đó Lm. Thông bị giam ở Hỏa Lò 4 năm rồi bị đưa lên trại Cổng Trời, Hà Giang, rồi lại bị chuyển về Lào Cai. Sau đó lại quay về Cổng Trời một lần nữa. Tôi có hỏi thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, cũng bị giam trên Cổng Trời, nhưng rất tiếc họ đã không biết nhau. Cuối cùng bị đưa về Hỏa Lò giam 12 tháng nữa.

Sau đó, Lm. Thông mãn hạn tù và bị đem về quản chế ở làng Thọ Cách, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định từ lễ Noel năm 1976 đến tháng Tư 1987. Lm. ở trong một túp lều nhỏ, xa làng mạc bà con trong làng.

Cộng chung tất cả là 23 năm tù. Cộng chung một phần ba đời người. Lm. Thông cho biết trong những năm tháng ấy, có ba bốn lần hấp hối tưởng chết, rồi lại sống, chết đi sống lại mà không lần nào chết hẳn.

Lần thử thách cuối cùng là khi bị đưa về quản chế, họ đã bố trí một người đàn bà để săn sóc ông trong thời gian bị quản thúc. Ông đã vượt qua thử thách ấy.

Ngày 04/09/1987, Lm. về đến Nhà Chung Hà Nội. Xin nhớ cho, thời điểm này là thời điểm cởi trói của TBT Nguyễn Văn Linh.

Một làn gió mới thổi qua làm nhẹ bớt bầu khí ngột ngạt của những năm sau 1975.

Năm 1990 được phép vào thăm gia đình tại Sàigòn. Được mấy tháng sau thì qua đời ngày 23/02/1991.

Vừa hết trọn một đời người. Cho đến khi chết, linh mục Thông chỉ có một tâm niệm: “Con chỉ muốn làm linh mục của Chúa”.

Điều đó đã không thực hiện trọn vẹn khi còn ở trong tù và ngay cả khi ra tù của mấy năm còn lại cuộc đời. Khi về 40 Nhà Chung Hà Nội, ông bị cấm không được cử hành thánh lễ? Lệnh ở đâu không biết?

Viết những dòng này, tôi cũng nhìn lại một vài hình ảnh của Lm. Thông lúc còn đi du học - chững chạc, trí thức, dấu hiệu tài hoa và đạo hạnh. Nét chữ viết như chữ in lúc viết lúc 30 tuổi và lúc sắp chết. Gần như vẫn là một. Chỉ có thân xác là tàn tạ.

Ôi cả một cuộc đời tuổi trẻ vạch rõ nét những chữ Lý tưởng, Hy sinh và Phục vụ.

Tôi nghi ngờ cuộc đàm phán ngoại giao sẽ đi về đâu? Với một quá khứ lịch sử giáo hội đen tối, một chữ ký có hy vọng giải quyết được gì?


Đôi lời kết

Những nạn nhân của cộng sản nêu trên gồm các linh mục ưu tú của Giáo phận Hà Nội mà hầu hết đã qua đời và không còn có dịp gì để nói nữa. Và không biết bao nhiêu những người giáo dân vô danh, vô tội đã chết một cách oan ức trong các nhà tù của Cộng Sản ở ngoài Bắc như các ông Trùm, ông Quản bị đưa lên Trại Cổng Trời. Trong cái tinh thần đó, tôi nghĩ rằng có những lúc trong đời sống, có những thời kỳ oan nghiệt mà im lặng trở thành một điều tội lỗi, đáng xấu hổ. Và lên tiếng trở thành một bó buộc đạo đức (Obligation morale).

Một bó buộc tinh thần hay một thách thức, một thử thách? Đó là sức mạnh của lương tri. Đó là sức mạnh của tư tưởng.

Trong trường hợp này, tôi muốn cất lên tiếng nói cho những người phải làm thinh. Đất nước này còn cần biết bao tiếng nói cất lên cho những người vì cách này cách kia đã phải làm thinh.

Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails