Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009

Sự phẫn nộ của công luận về tiểu thuyết dịch Ma chiến hữu Trang Hạ, Linh & Tuấn Khanh

Nguồn : e-ThongLuan

“…Tôi muốn nói thẳng rằng: các ngài, kể cả những ai còn giấu mặt, có tham vọng bịt mắt dân tộc này, tất cả các ngài, nếu có thể, thì cứ tự do bán đi tất cả thuộc về các ngài, nhưng hãy giữ lại lương tri của tổ tiên truyền lại, để cứu chuộc cho chính bản thân mình…”

1
Ma chiến hữu
Linh

Trên blog đang ồn ào bàn tán về cuốn Ma chiến hữu của Mạc Ngôn do dịch giả Trần Trung Hỷ dịch, công ty Phương Nam và Nhà xuất bản Văn học xuất bản. Có thể đọc ở trên blog Người buôn gió và blog Hoang Linh. Cũng xem thêm nhận xét của Trương Thái Du trên BBCVietnamese:

Tôi đã đọc cuốn này sau khi được biết (qua blog Trương Thái Du) rằng cuốn này đề cập tới số phận những người lính Trung Quốc trong chiến tranh Việt-Trung 1979. Tôi nghĩ một cuốn sách đề cập tới một cuộc chiến tranh với góc nhìn từ phía bên kia sẽ gợi mở nhiều điều thú vị. Tôi tìm đọc cuốn này cũng như trước kia từng tìm đọc các cuốn The Quiet American của Graham Greene, The Things They Carried của Tim O'Brien hay Tree of Smoke của Denis Johnson, hoặc xem các phim Trung Đội, Trời và Đất, Rambo, Apocalyse Now, Full Metal Jacket...

Tôi chưa đọc bản tiếng Hoa của cuốn sách (và cũng không biết tiếng Hoa để đọc) nên không thể nói về nguyên bản mà chỉ có thể nói về bản dịch của Trần Trung Hỷ. Cũng không rõ bản dịch tiếng Việt có cắt xén gì so với bản tiếng Hoa không. Nhìn chung, tôi nghĩ Ma Chiến Hữu là một cuốn sách hay. Cuốn sách đề cập tới thân phận của những người lính Trung Quốc tham chiến tại Việt Nam. Họ đều là những thanh niên nông thôn nghèo thất học. Họ tham chiến mà không biết rõ lý do tại sao lại tham chiến, chỉ đơn giản là bị bắt lính và đi lính thì đỡ miệng cơm ở nhà, nếu chết trận thì gia đình ở nhà cũng được một khoản tử tuất còm. Đến khi kết thúc chiến tranh thì kẻ còn, người mất, những kẻ sống sót cũng có số phận mạt rệp, nghèo khổ, cùng quẫn, chịu ảnh hưởng bởi di chứng chiến tranh. Không những thế, họ còn bị chính quyền và nhân dân lãng quên. Trong truyện có đoạn các hồn ma tử sĩ Trung Quốc khóc than đau đớn khi biết tin Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ và họ cảm thấy rằng cái chết của họ là vô nghĩa.
Photobucket - Video and Image Hosting
Tôi nghĩ chủ đề cơ bản của cuốn sách này mà tác giả của nó là một nhà văn quân đội rất nổi tiếng của Trung Quốc là phản chiến. Đứng trên phương diện người Trung Quốc, tác giả cho rằng cuộc chiến Việt-Trung vô nghĩa và người mất mát và hy sinh, rốt cục, lại cũng chỉ là những người lính thường nghèo khổ. Trong bản dịch tiếng Việt, tôi cũng không thấy có những chi tiết nhạo báng, chửi bới, nhục mạ người Việt hay quân đội Việt Nam. Đúng là có những chi tiết những người lính Tàu chúc tụng nhau lập nhiều chiến công, giết nhiều quân địch (như trong trích dẫn trên blog Người buôn gió)...nhưng đó là những việc xảy ra ở bất cứ quân đội nào, trong bất cứ cuộc chiến nào. Tiểu thuyết này còn có sự mỉa mai châm biếm khi nhân vật được coi là anh hùng, tài giỏi nhất truyện, thượng sĩ Tiền Anh Hào- người được bạn đồng ngũ kỳ vọng sẽ lên làm Tư lệnh trong tương lai- lại chết lãng nhách, khi chưa giết được một người Việt nào chỉ bởi cái mông nhô quá cao của viên Tiểu đội trưởng khiến cả tiểu đội lính Tàu hứng trọn trận pháo Việt. Và cũng không có dòng nào mô tả ai trong các cựu chiến binh ấy đã giết được người Việt như thế nào.

Tôi có thể hiểu sự phẫn nộ của nhiều người đọc với những người chịu trách nhiệm trong việc dịch và in cuốn Ma Chiến Hữu ra tiếng Việt. Tuy nhiên, tôi không cho rằng cuốn sách này là một cuốn ca ngợi chủ nghĩa anh hùng như lời PR ngu xuẩn của nhà xuất bản Văn học ở bìa 4. Không phải là ca ngợi mà đó là sự nhạo báng, lên án của một nhà văn quân đội Trung Quốc đối với một cuộc chiến tranh vô nghĩa, vô lý và không cần thiết. Với những người lính Tàu sống hay chết tại cuộc chiến thì Mạc Ngôn có một sự cảm thông sâu sắc, nhưng cái khiến tác phẩm sống động cũng không phải là ở "chủ nghĩa anh hùng" mà là ở tình đồng đội. Đó chính là lý do khiến cuốn sách này có tên là Chiến hữu trùng phùng trong bản tiếng Hoa. Nhưng chính điều đó lại càng khiến lời PR trên bìa 4 của tác phẩm ("Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng") thêm phần ngu xuẩn và phản cảm. Bởi lẽ khi tán tụng chủ nghĩa anh hùng của các quân nhân Trung Quốc trong cuộc chiến chống Việt Nam thì NXB Văn học đã xúc phạm tới những người Việt đã hy sinh trong cuộc chiến đó dưới bàn tay của các "anh hùng" Trung Quốc. Hơn thế, như tôi đã nói, nó còn sai lệch so với chủ đề tác phẩm.

Dù sao, tôi nghĩ nên đón đọc cuốn sách này một cách bình tĩnh. Chúng ta có thể xem phim, đọc sách của người Mỹ về chiến tranh Việt Nam đứng trên phương diện của người Mỹ thì việc đọc sách của người Tàu viết về chiến tranh Việt Trung trên quan điểm của người Tàu cũng là chuyện bình thường, để có thể hiểu thêm những góc độ khác của chiến tranh (miễn là những tác phẩm đó không xuyên tạc, bôi nhọ một cách có dụng ý).

Như vậy, tự thân nó thì việc dịch, xuất bản và đọc cuốn sách này ở Việt Nam thực ra không có vấn đề gì cả. Nó cũng tương tự với việc ở Mỹ người ta xuất bản Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Nhưng nó chỉ là bình thường với một điều kiện: đó là sách vở, báo chí Việt Nam được tự do bàn luận tới chiến tranh biên giới, được tri ân những liệt sĩ hy sinh, được bình luận, phê phán những góc độ khác nhau của chiến tranh... Nếu điều kiện đó không được đáp ứng thì việc xuất bản cuốn sách này lại là một việc rất bất thường và phản cảm.

Nó cho chúng ta thấy sự méo mó, dị hợm, nhược tiểu, hèn nhát của chúng ta. Trong khi người Trung Quốc có thể viết sách về chiến tranh Việt-Trung, xuất bản chúng thì người Việt Nam không thể: từ tiểu thuyết của Trần Thu Trang bị yêu cầu cắt xén vài câu liên quan tới chiến tranh Việt Trung cho tới tập truyện ngắn của Vũ Ngọc Tiến bị thu hồi và nhà xuất bản Đà Nẵng bị đóng cửa bởi lý do trên. Trong khi người Việt không thể đọc được những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam viết về chiến tranh Việt-Trung thì lại có thể dễ dàng mua được sách của người Trung Quốc viết về chiến tranh này. Trong khi báo chí Việt Nam không được đề cập tới chiến tranh Việt Trung thì lại vẫn có thể đọc thông tin từ các trang mạng bán chính thức của Trung Quốc về vấn đề này [*].

Đó quả là nghịch lý. Và đáng buồn là cái nghịch lý ấy lại phổ biến đến mức thành chân lý, cứ như tằm ăn rỗi, nuốt trọn dần tâm thức người Việt, khi mà phim ảnh, sách báo Trung Quốc tràn ngập thị trường văn hóa Việt Nam. Rồi cứ đà này, người Việt sẽ chỉ biết Càn Long là vị minh quân thánh chúa chứ không biết y là kẻ xâm lược Việt Nam năm 1789. Sẽ chỉ biết Đặng Tiểu Bình là vị lãnh tụ xuất chúng siêu quần chứ không biết y là kẻ xua quân đánh Việt Nam năm 1979. Sẽ chỉ biết Hứa Thế Hữu là lão tướng tài năng được Mao Chủ tịch yêu dấu chứ không biết y là kẻ đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, Lạng Sơn và Cao Bằng 1979 (cho dù vị "tướng tài" mà báo Hà Nội Mới ca ngợi đó đã bị quân địa phương Việt Nam gây thiệt hại nặng nề đến mức bị Đặng tước quyền Tổng tư lệnh cuộc chiến xâm lược Việt Nam năm 1979). Sẽ chỉ biết tới những anh hùng quân đội Trung Quốc như "liệt sĩ" Tiền Anh Hào trong cuộc chiến Việt-Trung chứ không thể thuộc tên một anh hùng quân đội, một liệt sĩ Việt Nam nào trong cuộc chiến này.

Và rồi cuối cùng, chúng ta sẽ nhìn lịch sử Việt Nam bằng mắt của người Trung Quốc.

Linh
Nguồn: Blog Linh, 22/022/2009.


[*] Gọi là "bán chính thức" theo nghĩa các trang này được chính phủ Trung Quốc cho phép thành lập hay trực thuộc một cơ quan của chính phủ, chịu sự kiểm duyệt về nội dung của chính quyền tuy nội dung là do các thành viên đưa lên. Có thể lấy ví dụ về sự kiện trang sina.com đưa "kế hoạch" tiến chiếm Việt Nam (mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối) hay gần đây hơn, việc một số trang web Trung Quốc đưa tin, bình luận về cuộc chiến "tự vệ" của Trung Quốc trước Việt Nam (gọi là "tự vệ" theo cách gọi chính thức của Trung Quốc với chiến tranh biên giới Việt-Trung)

2
"Ma chiến hữu" và lỗ đen trong xuất bản
Trang Hạ

Tuần lễ cuối cùng của tháng Hai trôi qua không êm ả, bởi những tranh luận sôi sục của cư dân mạng được khơi mào từ bài viết ngày 22/2 của blogger Người Buôn Gió: "Sự khốn nạn trong nền văn hoá Việt Nam hiện nay" chỉ trích cuốn sách văn học "Ma chiến hữu" - tác giả Mạc Ngôn (TQ) do Trần Trung Hỷ dịch.

Thực chất, "Ma Chiến Hữu" đã được Mạc Ngôn viết xong từ 17 năm trước và được NXB Văn Học xuất bản cách đây tròn một năm, nó chưa hẳn đã là "món quà cho kỷ niệm ba mươi năm Chiến tranh biên giới 1979" như nhiều bạn đọc đồn đại.

Tuy nhiên "Ma chiến hữu" chứa đựng những thông điệp đã vượt quá khuôn khổ của văn học, khiến nhiều bạn đọc, trong đó có tôi, bất bình với tác phẩm này. Sau khi đọc và so sánh với nguyên tác tiếng Hoa "Chiến hữu trùng phùng", tôi nhận thấy lỗi nghiêm trọng không đến từ cuốn sách này mà lại đến từ đơn vị xuất bản, cụ thể là từ người dịch, người tổ chức bản thảo và biên tập của Công ty văn hoá Phương Nam (PNC).

1. Đầu tiên, về hình thức, cuốn sách "Ma chiến hữu" không được ghi rõ thể loại là tiểu thuyết hay truyện dài, không có lời giới thiệu, không có lời dịch giả, không có cứ liệu nào chỉ dẫn cho bạn đọc ngoài ba câu dẫn đề đưa ra trang bìa cộng với những hình ảnh phản cảm minh hoạ những người lính Trung Quốc mặc quân phục đã tham gia đánh Việt Nam. Ba câu dẫn đề làm bạn đọc hiểu rằng "Ma chiến hữu" đang "ca tụng" thứ gọi là "chủ nghĩa anh hùng" (mà đọc vào nội dung bên trong mới hiểu là ca tụng chủ nghĩa anh hùng của chính những kẻ mang quân sang bắn giết người Việt Nam). Và những hình minh hoạ làm xốn xang con mắt khi hình dung nó được đặt trong bối cảnh của truyện, tức là trong những trận đánh mà đầu súng hòn đạn chĩa thẳng sang Việt Nam.

Nếu người dịch và PNC chịu khó google năm phút thì sẽ thấy, ngay chính tác giả Mạc Ngôn cũng nhiều lần lên tiếng rằng, truyện dài "Chiến hữu trùng phùng" của ông không phải là tác phẩm ca ngợi chủ nghĩa anh hùng trong chiến tranh như đại đa số tiểu thuyết chiến tranh, nhất là tiểu thuyết chiến tranh của Nga rất chuộng những hình tượng anh hùng, ca ngợi anh hùng. Ông chỉ muốn đưa ra thông điệp rằng, người lính ra trận cũng chỉ là con em nông dân, cũng là con người. Và ông muốn nhấn mạnh rằng ông rất đau đớn khi thấy Trung Quốc và Việt Nam giờ đây bắt tay hữu nghị trở lại.

Ba câu dẫn đề của PNC đi ngược lại nội dung của tác phẩm và tinh thần của tác giả, lại gây phản cảm sâu sắc trong người đọc - là những người Việt Nam bình thường và đều ít nhiều cảm thấy đau đớn mỗi khi nhắc tới cuộc chiến tranh năm 1979. Ít nhất nó làm bạn đọc hiểu lầm tinh thần của sách. Nếu PNC có một người biên tập tốt hơn, người tổ chức bản thảo sâu sát và nắm rõ tác phẩm hơn, để ý hơn đôi chút về lịch sử và chính trị, hẳn đã tránh được điều này.

2. Về nội dung, nhiều bạn đọc cho rằng "Ma chiến hữu" chỉ đơn thuần là một tác phẩm phản chiến. Mạc Ngôn căm ghét cuộc chiến tranh phi nghĩa, và Mạc Ngôn cho rằng người hy sinh là vô ích, chính Mạc Ngôn cũng phản đối cuộc chiến 1979. Tuy nhiên, nhiều bạn không biết rằng trong lời giới thiệu của Mạc Ngôn và Nhà xuất bản khi in tại Trung Quốc, cuốn sách này lại được giới thiệu là một tác phẩm về Cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc của TQ (Có thể google để tìm tên sách + Mạc Ngôn trên các trang bán sách online, giới thiệu ebook, giới thiệu tác phẩm để đọc lời giới thiệu sách ghi rõ như thế. Hoặc theo dõi video clips Mạc Ngôn trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Công Cộng Đài Loan 2008).

Biến cố Ma chiến hữu
qua góc nhìn của BaBui


Cho đến nay, Mạc Ngôn cũng như Nhà xuất bản của TQ và hàng triệu người TQ khác đều cho rằng cuộc chiến tranh 1979 là Trung Quốc buộc phải tự vệ, bởi Việt Nam xâm lấn và gây hấn. Và tất nhiên, đã gọi là cuộc chiến Vệ Quốc tức là mặc nhiên họ (lính Tàu) phải đứng lên cầm súng, là tất phải nổ ra chiến tranh, nên nếu nói Mạc Ngôn phản đối cuộc chiến tranh Trung-Việt 1979 thì e là bạn đọc Việt Nam quá ưu ái mà thanh minh hộ cho người lính và người viết Trung Quốc.

Mạc Ngôn hy vọng tác phẩm "Chiến hữu trùng phùng" là phản chiến, nhưng đồng thời cũng không hề có căn cứ nào để nói Mạc Ngôn lên án cuộc chiến năm 1979. Trong truyện chỉ đọc được chi tiết Mạc Ngôn cho nhân vật thất vọng khi thấy quan hệ Trung- Việt bình thường hoá trở lại. Ngay cả Mạc Ngôn khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài cũng nói, ông ta buồn vì điều đó.

Dường như nỗi niềm của Mạc Ngôn tại thời điểm chiến tranh 1979 và thời điểm viết sách 1992 đều đi ngược lại mong ước của hàng chục triệu người Việt Nam.

3. Trong cuốn sách này, hình ảnh người lính (hoặc ma lính) Việt Nam đặt cạnh người lính (hoặc ma lính) Trung Quốc được miêu tả như: người Việt Nam dùng vũ khí của TQ để đánh lại chính TQ, gặp gái giữa đường bèn bỏ rượt đuổi kẻ thù mà dừng lại xúm vào véo mông sờ vú con gái, gặp hàng quán sà vào đánh chén và uống bia Tàu v.v.

Những chi tiết đâu đó thực chất có thể xử lý khéo léo trong quá trình dịch và biên tập. Không thể đổ lỗi rằng bởi vì cuộc chiến ba mươi năm trước vẫn quá gần, và không phải người dịch hoặc người biên tập nào cũng tinh ý trước những yếu tố lịch sử và chính trị trong các tác phẩm văn học.

4. Tôi vẫn cho rằng người dịch không nên chỉ là người chuyển ngữ, tốt nhất nên là người dẫn dắt tác phẩm tới người đọc một cách toàn diện, bao gồm cả đề xuất ý kiến trong lĩnh vực quảng bá, thiết kế, in ấn phát hành, bởi hơn ai hết người dịch cho dù chưa đọc tác phẩm thì cũng buộc phải nắm rõ những vấn đề về tác phẩm trước khi dịch. Trong trường hợp này, bỏ qua một vài lỗi dịch thuật (ví dụ hoa xương rồng thì dịch là hoa Bàn Tay Tiên, có trời mà biết cây Bàn Tay Tiên có phải là họ nhà cây Bàn Chân Tiên thuộc dòng thực vật Bàn Tọa Ông Tiên chăng?) thì người dịch chưa làm tốt việc của mình.

Vậy làm tốt là gì?

Là người Việt, biết chiến trận 1979, biết tinh thần của tác phẩm có tiền đề là gì, thì nên góp ý với PNC rằng, huỷ cuốn này đi, đừng thành cớ khơi dậy nỗi phẫn nộ của người dân VN. Ai cũng cần kiếm tiền, cả người dịch lẫn người làm sách và NXB, nhưng món tiền này, cầm không ấm tay đâu. Vả chăng đây cũng là một cuốn của Mạc Ngôn không được bạn đọc Trung Quốc đánh giá cao, cho là viết xuống tay so với các tác phẩm trước.

Hoặc đơn giản hơn nhiều, chỉ cần có một lời đầu sách nghiêm túc và khoa học, viết rõ những vấn đề của cuốn sách, nói rõ rằng đây là một tham chiếu thú vị để biết phía bên kia chiến tuyến viết gì về cuộc chiến 1979, để bạn đọc khỏi tưởng lầm rằng PNC và NXB Văn Học đang ra sách ngợi ca những tên lính Trung Quốc tham gia vào những ngày bắn giết đẫm máu dân và quân Việt Nam.

Khi sách được xuất bản dưới hình thức liên kết, toàn bộ nội dung và chất lượng của cuốn sách phụ thuộc vào đơn vị liên kết xuất bản chứ không phụ thuộc vào Nhà xuất bản, thì những "Ma chiến hữu" thực sự là một "lỗ đen" dễ dàng hút vào đó tất cả những yếu kém hoặc thiếu sót trong quá trình thực hiện để cho ra đời một cuốn sách. Và bày ra trước bạn đọc như một sự thật sững sờ, rằng, bạn đọc cứ phẫn nộ đi, đằng nào thì sự cũng đã rồi.

5. Mạc Ngôn có thể chưa biết phản ứng của độc giả Việt Nam, có ý kiến cho rằng thậm chí ông cũng còn chưa biết "Chiến hữu trùng phùng" được phát hành tại Việt Nam.

Trang Hạ
Nguồn: Blog Trang Hạ, 22/022/2009.


3
Thư ngỏ
Hãy cứ bán đi tất cả phần mình,
nhưng xin giữ lại lương tri
Tuấn Khanh


Về tác phẩm Ma Chiến Hữu của Mạc Ngôn
NXB Văn học liên kết với Công ty văn hóa Phương Nam ấn hành 2008.

Kính gửi: Các ông Triệu Xuân và Ông Mạc Nguyên, biên tập
Ông Trần Trung Hỷ, dịch giả
Ông Nguyễn Cừ, chịu trách nhiệm xuất bản


Nội dung của lá thư ngỏ này liên quan đến cuốn sách mang tên Ma Chiến Hữu của nhà văn Mạc Ngôn (Trung Quốc) được các ngài thực hiện và hoàn chỉnh ấn hành cho người đọc Việt Nam, qua hệ thống phát hành của nhà sách Phương Nam.
Photobucket - Video and Image Hosting
Với tư cách của một người dân, tôi luôn ý thức rằng các hệ thống cầm quyền từ ngàn xưa cho đến hiện nay ở phương Bắc luôn coi Việt Nam như một đất nước phải thu hồi, và lớp lớp các thế hệ người Việt đều ý thức được đâu là kẻ thù xâm lược.

Tôi thật sự ngạc nhiên khi biết quyển sách của các ngài thực hiện, lại là một tác phẩm ngợi ca các binh lính xâm lược Trung Quốc năm 1979 đã tiến đánh Việt Nam, mà nơi đó được họ mô tả như một vùng đất hoang sơ và man rợ.

Là một công dân Việt, gìn giữ trong mình huyết thống trải ngàn đời của hàng triệu anh linh đã hy sinh những dưới tay lính Trung Quốc xâm lược, tôi tin mình có đủ tư cách là chứng nhân của phần lịch sử đẫm máu đó của dân tộc để lên tiếng với các ngài, và tôi cũng muốn nhắc rằng chính phần lịch sử bi hùng đó cũng đã bảo đảm sự an bình cho chính dòng tộc gia đình và cá nhân của các ngài.

Tôi thật sự căm phẫn khi đọc dòng quảng cáo “một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng” trên bìa sách. Một bìa sách được trau chuốt công phu và số phận được nâng đỡ đầy may mắn, so với những tác phẩm trong nước như tập Thơ Trần Dần hay Rồng Đá của Vũ Ngọc Tiến.

Mạc Ngôn có quyền ca ngợi dân tộc mình, có quyền phủ nhận chủ quyền của các quốc gia khác. Đó là sứ mệnh của một nhà văn quốc tịch Trung Quốc, ông ta xứng đáng được kính trọng với tài năng và chủ kiến của mình. Tiến Anh Hào, nhân vật trong quyền tiếu thuyết cũng có thể là một siêu anh hùng khi giết người Việt Nam, tàn phá đất nước Việt Nam để xứng đáng với thế giới sống và suy nghĩ của một nước Trung Quốc Cộng Sản.

Nhưng chắc chắn, một người Việt Nam phải có chủ kiến của mình và biết phân định lẽ phải theo lịch sử và lòng kiêu hãnh của dân tộc mình. Phân định điều đó có thể không cần bằng học thức, mà chỉ cần bắt đầu bằng chút lương tri của người ít học ở ngoài hè phố.

Tôi tin là các ngài đã nhận được ít nhiều những phản ứng từ cộng đồng đọc. Và tôi cũng hy vọng các ngài sẽ dành chút thời gian suy nghĩ về những điều mình đã làm.

Một vài người bạn kể với tôi rằng, để trả lời với bên ngoài, ai đó trong số các ngài đã biện minh rằng quả có chút sai sót, và thật lòng chỉ sai sót trên tình thần của những người làm cái việc chạy theo đồng tiền trong ngành buôn bán sách vở.

Thật lòng, tôi cảm thấy tuyệt vọng cho một lớp trí thức của Việt Nam mỗi ngày càng cơ hội - con buôn và đang phát rồ vì lợi nhuận, một lớp người tự vẽ mặt trí thức để vượt qua mọi ngưỡng tự trọng và lương tri.

Đâu đó, có những kẻ bệnh hoạn học đòi tính nguyên tắc yêu nước theo chỉ đạo, hùa nhau dồn đuổi việc dựng tượng nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản ở Bến Tre, phỉ nhổ vào tổ tiên của mình, còn ở nơi khác thì rước những thần tượng xâm lược Trung Quốc vào để bái lạy qua văn chương, chữ nghĩa.

Những lời phỉ nhổ vào Phan Thanh Giản hay ca ngợi Tiến Anh Hào, rốt cuộc cũng chỉ là chuyện buôn bán: buôn bán anh linh hy sinh ngàn đời của tổ tiên mình phải chăng là con đường nhanh nhất để kiếm được địa vị hoặc được dự phần thái thú trong hệ thống thuộc địa kiểu mới mang nhãn hàng made in China.

Các ngài đang là kẻ chỉ đường cho bọn xâm lược dồn đuổi dân tộc mình đến chỗ khốn cùng. Vì tôi, các ngài và cùng sống chung trên một mảnh đất thấm máu cha ông. Tôi muốn nói thẳng rằng: các ngài, kể cả những ai còn giấu mặt, có tham vọng bịt mắt dân tộc này, tất cả các ngài, nếu có thể, thì cứ tự do bán đi tất cả thuộc về các ngài, nhưng hãy giữ lại lương tri của tổ tiên truyền lại, để cứu chuộc cho chính bản thân mình.

Tuấn Khanh


Bài liên quan

• Người Buôn Gió, “Sự khốn nạn trong nền văn hóa Việt Nam hiện nay”. Blog Người Buôn Gió, ngày 22/02/2009.

• Hoàng Linh, “Anh hùng”. Blog Hoàng Linh, ngày 22/02/2009.

• Linh, “Ma chiến hữu”. Blog Linh, ngày 22/02/2009.

• Lê Phú Khải, “Nhà xuất bản Văn Học muốn gì?”. Web Đào Hiếu.

• Thiện Giao, Ma Chiến Hữu trong cuộc chiến biên giới 1979”. Đài Á Châu Tự Do, ngày 25/02/2009.

• Tuấn Khanh, “Thư ngỏ: Hãy cứ bán đi tất cả phần mình, nhưng xin giữ lại lương tri”. Web Đào Hiếu.

© Thông Luận 2009

Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails