Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2009

Ronald Inglehart và Christian Welzel: Con đường từ phát triển kinh tế đến chế độ dân chủ — những quan niệm về hiện đại hóa (I)

Nguồn : talawas blog
Trần Ngọc Cư

Foreign Affairs, tháng Ba/tháng Tư 2009

Lời dịch giả: Tương quan nhân quả giữa phát triển kinh tế và dân chủ hóa cũng ví như tương quan giữa quả trứng và con gà: con gà đẻ ra quả trứng hay quả trứng nở ra con gà? Không ít nhà lí luận cho rằng một chế độ dân chủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, vì chế độ dân chủ sẽ huy động được nhiều nguồn lực xã hội vào sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hóa. Nhưng khảo sát những diễn biến chính trị, xã hội và kinh tế trong mấy thập niên qua tại một số quốc gia bao gồm 90% nhân loại, xuyên qua các cuộc thăm dò về các hệ thống giá trị xã hội, Ronald Inglehart và Christan Welzel đã đi kết luận “chiều nhân quả đã đi từ phát triển kinh tế đến chế độ dân chủ”. Nói cách khác, việc phát triển kinh tế sẽ tạo ra một khối dân trung lưu đủ lớn mạnh, có nhu cầu phát biểu ý kiến và tham dự vào việc làm các quyết định xã hội. “Phù thế giáo một vài câu thanh nghị,” xin mượn thơ Nguyễn Công Trứ. Đây là điều mà hai tác giả lặp lại nhiều lần bằng cụm từ self-expression values, tôi xin tạm dịch là “các giá trị lập ngôn”. RONALD INGLEHART là Giáo sư khoa chính trị tại Đại học Michigan, Hoa Kì, và là Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Giá trị Thế giới. CHRISTIAN WELZEL là Giáo sư khoa chính trị tại Đại học Jacobs University Bremen, tại Đức. Cả hai là đồng tác giả cuốn Modernization, Cultural Change, and Democracy (Hiện đại hóa, Chuyển biến văn hóa, và Dân chủ).

Trong những năm vừa qua, cuộc bùng nổ dân chủ đã nhường bước cho cơn suy thoái dân chủ. Vào giai đoạn từ 1985 đến 1995, hàng chục quốc gia đã thực hiện thời kì quá độ tiến tới chế độ dân chủ, tạo ra một không khí hồ hởi khắp nơi về tương lai của thể chế này. Nhưng gần đây hơn, chế độ dân chủ đã thoái bộ tại Bangladesh, Nigeria, Philippines, Nga, Thái Lan, và Venezuela. Đồng thời, những nỗ lực của Chính quyền Bush nhằm thiết lập dân chủ tại Afghanistan và Iraq có vẻ như đã đưa hai quốc gia này đến tình trạng hỗn loạn. Những diễn biến này, cùng với thế lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc và Nga, đã khiến nhiều nhà quan sát thời sự cho rằng ngọn triều dân chủ đã lên đến cao điểm và không còn dâng cao hơn nữa.

Nhưng kết luận như thế là sai lầm. Những điều kiện cơ bản của nhiều xã hội trên thế giới cho thấy một thực tế phức tạp hơn nhiều. Đứng về mặt tiêu cực mà xét, thật là không tưởng (unrealistic) khi cho rằng các cơ chế dân chủ có thể được thiết lập dễ dàng, ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ thời điểm nào. Mặc dù viễn ảnh dân chủ không đến nỗi vô vọng, nhưng thể chế này chỉ có khả năng xuất hiện và tồn tại cao nhất ở các quốc gia đã có sẵn một số điều kiện văn hóa và xã hội nhất định. Chính quyền Bush đã không đếm xỉa thực tế này trong toan tính dàn dựng chế độ dân chủ tại Iraq trong khi chưa thiết lập được an ninh nội bộ của nước này, đồng thời bỏ qua những điều kiện văn hóa có khả năng đe dọa nỗ lực dân chủ hóa.

Tuy nhiên, đứng về mặt tích cực mà xét, các điều kiện dẫn đến chế độ dân chủ có khả năng xuất hiện và thực sự xuất hiện – dựa trên kinh nghiệm thực tế, có rất nhiều bằng chứng cho thấy tiến trình “hiện đại hóa” đã thúc đẩy các điều kiện ấy. Hiện đại hoá là hội chứng của những chuyển biến xã hội gắn liền với công nghiệp hóa. Một khi được khởi động, việc hiện đại hóa sẽ thẩm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống, mang lại chuyên nghiệp hóa, đô thị hóa, dân trí ngày càng tiến bộ, tuổi thọ con người dài thêm, và tốc độ tăng trưởng kinh tế gia tăng. Những thành tựu này sẽ tạo ra một tiến trình có khả năng tự củng cố chính nó (self-reinforcing process), một tiến trình chuyển hóa đời sống xã hội và các định chế chính trị, mang lại sự tham dự ngày càng đông đảo quần chúng vào sinh hoạt chính trị và - về lâu về dài - khiến việc thiết lập các định chế dân chủ ngày càng dễ trở thành hiện thực hơn. Ngày nay, hơn bao giờ cả, chúng ta có ý niệm rất rõ ràng vì sao tiến trình dân chủ hoá có thể xảy ra và sẽ xảy ra như thế nào.

Xu thế trường kì hướng về dân chủ luôn luôn có lúc tiến lúc thoái. Vào đầu thế kỉ 20 chỉ có một nhóm nhỏ các chế độ dân chủ và thậm chí chúng chưa hoàn toàn dân chủ nếu dựa vào chuẩn mực ngày nay. Số quốc gia dân chủ đã tăng vọt lên sau Thế chiến I, một đợt gia tăng khác xảy ra tiếp theo sau Thế chiến II, và đợt gia tăng thứ ba diễn ra sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt. Cứ mỗi đợt tăng tiến thì liền sau đó là giai đoạn thoái trào, mặc dù tổng số các nước dân chủ không bao giờ lùi lại con số ban đầu trong mỗi đợt. Vào đầu thế kỉ 21 trên thế giới có khoảng 90 quốc gia được coi là dân chủ.

Mặc dù nhiều thể chế dân chủ vẫn còn khuyết tật, nhưng xu thế chung là rất ấn tượng: về lâu về dài, tiến trình hiện đại hóa sẽ mang lại dân chủ. Điều này có nghĩa là sự trỗi dậy của các nền kinh tế Trung Quốc và Liên bang Nga có khía cạnh tích cực của nó: những chuyển biến cơ bản đang diễn ra sẽ làm cho sự xuất hiện các hệ thống dân chủ và tự do ngày càng có khả năng trở thành hiện thực trong những năm sắp tới. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta không có lí do gì để phải hoảng hốt về sự thể chế độ dân chủ hiện đang bị đẩy vào thế phòng ngự. Các tính năng động của tiến trình hiện đại hoá và dân chủ hóa đang ngày càng xuất hiện rõ nét và có khả năng tiếp tục tác động.

Cuộc tranh luận vĩ đại

Quan niệm hiện đại hoá có một lịch sử lâu dài. Vào thế kỉ 19 và 20, một học thuyết Mác-xít về hiện đại hóa cho rằng việc bãi bỏ quyền tư hữu sẽ chấm dứt tình trạng bóc lột, bất công, và chiến tranh. Một học thuyết tư bản chủ nghĩa đối nghịch lại thì khẳng định rằng phát triển kinh tế sẽ đưa đến mức sống ngày càng cao đồng thời đưa đến chế độ dân chủ. Hai viễn kiến về hiện đại hóa này đã cạnh tranh nhau khốc liệt trong suốt phần lớn Cuộc Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên khoảng thập niên 1970, chủ nghĩa cộng sản bắt đầu bế tắc trong khi cả việc phát triển kinh tế lẫn dân chủ hóa [của phe tư bản] đã không xuất hiện tại các nước nghèo. Khi cả hai viễn kiến về xã hội lí tưởng không có dấu hiệu trở thành hiện thực, các nhà phê bình đành tuyên bố thuyết hiện đại hóa đã cáo chung.

Tuy nhiên, từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, quan niệm hiện đại hóa đã hồi sinh, và một phiên bản mới của thuyết hiện đại hoá xuất hiện, với nội dung rõ ràng cho chúng ta biết phát triển kinh tế toàn cầu sẽ dẫn đến đâu. Không còn quá giản lược như các phiên bản trước đây, quan niệm mới về hiện đại hóa đã soi rọi lên những chuyển biến văn hóa đang xảy ra, như sự vươn dậy của quyền bình đẳng giới; đợt dân chủ hóa vừa qua; và lý thuyết hoà bình trong dân chủ (the democratic peace theory).

Trong một thời gian dài bao gồm hầu hết lịch sử nhân loại, tiến bộ kĩ thuật đã diễn ra cực kì chậm chạp và những phát triển mới mẻ trong ngành sản xuất lương thực cũng chỉ vừa đủ để đắp đổi những thiếu hụt do đà dân số gia tăng - sự thể này đã kìm hãm các nền kinh tế nông nghiệp trong một trạng thái quân bình đều đặn, không cho phép mức sống được nâng cao. Người xưa thấy lịch sử chuyển động hoặc là theo chu kì hoặc là về lâu về dài sẽ thua sút một thời hoàng kim trong dĩ vãng. Tình trạng này bắt đầu thay đổi với Cuộc cách mạng Công nghiệp (the Industrial Revolution) và sự xuất hiện của hình thái phát triển kinh tế bền vững – những yếu tố đã dẫn đến hai triết lí, tư bản và cộng sản, về hiện đại hoá. Mặc dù hai ý thức hệ đã cạnh tranh nhau ráo riết, cả hai đều đặt quyết tâm vào phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội đồng thời tạo điều kiện cho quần chúng tham gia sinh hoạt chính trị. Và mỗi phe đã tin tưởng rằng các nước đang phát triển trong Thế giới Thứ ba sẽ đi theo đường lối của mình để hiện đại hoá.

Vào thời cao điểm của Chiến tranh lạnh, một phiên bản của thuyết hiện đại hóa đã xuất hiện tại Hoa Kì, mô tả tình trạng chậm chiến như là một hậu quả trực tiếp của những đặc tính tâm lí và văn hóa cố hữu của một quốc gia. Theo luận cứ này, hiện tượng chậm tiến phản ánh những giá trị cộng đồng và tôn giáo truyền thống phi lí, những giá trị đã cản trở tiến hóa. Lí thuyết này cho rằng các chế độ dân chủ Phương Tây có thể gieo rắc các giá trị hiện đại và mang tiến bộ lại cho các quốc gia “lạc hậu” xuyên qua viện trợ kinh tế, văn hóa và quân sự. Tuy nhiên, vào đầu thập niên 1970, người ta thấy rõ rằng các chương trình viện trợ không mang lại tiến bộ cho việc phát triển kinh tế hay dân chủ hoá — một bế tắc đã làm mất lòng tin ở phiên bản này của lí thuyết hiện đại hóa, một phiên bản ngày càng bị chỉ trích là có tính vị chủng (ethnocentric) và trịch thượng. Các “nhà khảo sát tính lệ thuộc” (dependency theorists) đã chỉ trích nặng nề đường lối hiện đại hóa bằng viện trợ. Họ cho rằng chính sách mậu dịch của nước giàu sẽ đưa đến việc bóc lột các nước nghèo, khóa chặt những nước này vào tình trạng lệ thuộc có tính cơ cấu. Giới chóp bu tại các quốc gia đang phát triển hoan nghênh lối lí giải này, bởi vì nó ngụ ý rằng tình trạng đói nghèo của đất nước họ không liên quan gì đến các vấn đề nội bộ hay tệ nạn tham nhũng do lãnh đạo địa phương gây ra; nạn nghèo đói của đất nước họ là lỗi của chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Khoảng thập niên 1980, lí thuyết về tính lệ thuộc (dependency theory) rất được thịnh hành. Lí thuyết này cho rằng, các nước trong Thế giới Thứ ba chỉ có thể thoát khỏi sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản toàn cầu bằng cách rút ra khỏi các thị trường toàn cầu và chấp nhận chính sách dùng công nghiệp nội địa để cắt giảm hàng nhập khẩu (import-substitution policies).

Nhưng gần đây hơn, chiến lược dùng sản phẩm nội địa thay thế hàng nhập khẩu tỏ ra thất bại rõ rệt: các nước tham gia mậu dịch toàn cầu ít nhất, như Cuba, Miến Điện, và Bắc Hàn, không phải là những quốc gia thành công nhất – mà trái lại, đây là những nước có mức tăng trưởng thấp nhất. Những chiến lược có định hướng xuất khẩu (export-oriented strategies) đã tỏ ra hữu hiệu hơn nhiều trong việc thúc đẩy mức tăng trưởng kinh tế bền vững và nhiên hậu đưa tới dân chủ hóa. Do đó con lắc lại đổi chiều, và một phiên bản mới của thuyết hiện đại hóa đã lấy được uy tín. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng tại Đông Á và tiếp theo đó việc dân chủ hóa Nam Hàn và Đài Loan đã chứng minh được những luận điểm cơ bản của thuyết này: sản xuất nhằm đáp ứng thị trường thế giới sẽ thúc đẩy mức phát triển kinh tế trong nước; việc đầu tư lợi nhuận trở lại vào vốn quí con người (human capital) đồng thời nâng cấp lực lượng lao động nhằm sản xuất những mặt hàng có kĩ thuật cao, sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn nữa và nới rộng giai cấp trung lưu có trình độ; một khi giai cấp trung lưu phát triển đủ lớn mạnh và có tiếng nói rõ ràng, nó sẽ đòi hỏi một thể chế dân chủ tự do — chế độ chính trị hữu hiệu nhất đối với các xã hội công nghiệp tiên tiến. Tuy nhiên, thậm chí cho đến ngày nay, nếu bạn nhắc đến tiến trình hiện đại hóa trong một cuộc hội luận về phát triển kinh tế, rất có thể bạn còn nghe lặp lại những phê phán của thuyết lệ thuộc (the dependency theory) nhắm vào phiên bản “các nước lạc hậu” (the “backward nations” version) của thuyết hiện đại hóa, như thể ngoài thuyết lệ thuộc không còn lí thuyết nào khác khi nói đến hiện đại hóa, như thể từ thập niên 1970 không còn chứng liệu mới mẻ nào xuất hiện nữa.

Lí thuyết hiện đại hóa mới

Nhìn lại, rõ ràng là những phiên bản đầu tiên của lí thuyết hiện đại hóa sai lầm ở nhiều điểm. Ngày nay, không một ai còn dự kiến một cuộc cách mạng của giai cấp vô sản sẽ bãi bỏ quyền tư hữu, đưa vào một kỉ nguyên mới không còn cảnh người bóc lột người và xung đột xã hội. Cũng không ai còn dự kiến tiến trình công nghiệp hóa sẽ tự động dẫn tới các cơ chế dân chủ; chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít cũng thoát thai từ thời kì công nghiệp hóa. Tuy nhiên một lượng chứng liệu đồ sộ đã gợi ý rằng tiền đề chủ yếu của thuyết hiện đại hóa là đúng đắn: phát triển kinh tế có khynh hướng mang lại những thay đổi quan trọng, gần như có thể tiên đoán được, trong các lãnh vực xã hội, văn hóa, và chính trị. Nhưng những phiên bản trước của lí thuyết hiện đại hóa cần phải được chỉnh sửa ở nhiều mặt.

Một là, tiến trình hiện đại hoá không đi theo đường thẳng. Nó không chuyển động mãi miết theo một hướng nhất định; thay vì vậy, nó tiến tới những điểm chuyển biến. Bằng chứng nghiệm sinh cho thấy rằng mỗi thời kì trong tiến trình hiện đại hóa thường đi liền với những chuyển biến đặc biệt trong thế giới quan (worldviews) của đại chúng. Công nghiệp hóa dẫn đến một tiến trình đổi mới quan trọng, mang lại chế độ thư lại, tôn ti xã hội mới, việc tập trung quyền hành và thế tục hóa hệ thống chính trị, đồng thời biến đổi những giá trị truyền thống thành những giá trị thế tục thuần lí. Xã hội hậu công nghiệp ra đời cũng mang lại một loạt chuyển biến văn hóa, những chuyển biến này lại đi theo một chiều hướng khác: thay vì duy trì chế độ thư lại và trung ương tập quyền, khuynh hướng mới này nhắm tới tầm quan trọng của vai trò tự trị cá nhân (individual autonomy) và những giá trị tăng cường khả năng phát biểu ý kiến cá nhân trong đời sống cộng đồng [từ đây, xin đọc là “giá trị lập ngôn”, self-expression values]; đây là những nhân tố đưa đến việc giải phóng con người ra khỏi quyền lực áp đặt từ trên.

Như vậy, cứ lẽ thường, mức phát triển kinh tế của một nước càng tăng cao thì công dân nước đó càng trở nên độ lượng và tin người, vì thế họ càng có khả năng lập ngôn (self-expression) và tham gia vào việc quyết định các dự án công ích. Nhưng tiến trình này không có tính tất định (deterministic), không nhất thiết phải xảy ra đúng như thế, và do đó những dự đoán tương lai chỉ có tính xác suất (probabilistic), vì những yếu tố kinh tế không phải là lực tác động duy nhất. Lãnh đạo của một quốc gia và những sự biến đặc thù của quốc gia đó cũng giúp định hình những gì sẽ xảy đến cho vận mệnh đất nước. Hơn nữa, hiện đại hóa không phải là một tiến trình không thể đảo ngược. Một nạn suy sụp kinh tế nghiêm trọng cũng có thể đảo ngược nó, như đã từng xảy ra trong thời Đại Khủng hoảng tại Đức, Ý, Nhật bản, và Tây Ban Nha và trong thập niên 1990 tại các nước thuộc khối Xô-viết cũ. Một cách tương tự, nếu cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trở thành cuộc Đại Khủng hoảng của thế kỉ 21, thế giới có thể sẽ phải dấn thân vào một cuộc chiến đấu mới nhằm chống lại sự ngóc đầu dậy của óc bài ngoại và chủ nghĩa độc tài.

Hai là, những biến chuyển xã hội và văn hóa vẫn nương theo lối mòn sẵn có: ở đây, lịch sử sẽ đóng một vai trò. Mặc dù phát triển kinh tế thường mang lại những chuyển biến có thể tiên liệu trong thế giới quan của đại chúng, nhưng di sản văn hóa của một xã hội – dù di sản đó được hình thành do các tôn giáo như Tin Lành, Công giáo, Hồi giáo, Khổng giáo, hay do chế độ cộng sản — đều để lại dấu ấn lâu bền trong thế giới quan (worldviews) của nó. Hệ thống giá trị của một xã hội phản ánh sự tương tác giữa các lực tác động của tiến trình hiện đại hóa và ảnh hưởng dai dẳng của truyền thống. Mặc dù các lí thuyết gia hiện đại hóa cổ điển cả Đông lẫn Tây cho rằng tôn giáo và truyền thống dân tộc sẽ dần dần mai một, nhưng thực tế cho thấy chúng vẫn tồn tại rất ngoan cường. Mặc dù dân chúng trong các xã hội đang công nghiệp hóa trở nên giàu có hơn và có trình độ cao hơn, nhưng sự kiện này hầu như không tạo ra được một văn hóa đồng phục toàn cầu. Các di sản văn hóa tồn tại cực kì bền vững.

Ba là, hiện đại hóa không có nghĩa là tây phương hóa (westernization), quan niệm này trái với phiên bản vị chủng (ethnocentric) trước đây của lí thuyết hiện đại hóa, [một phiên bản cho rằng văn hóa phương tây là ưu việt]. Tiến trình công nghiệp hóa bắt đầu ở Phương Tây, nhưng trong vài thập niên vừa qua, Đông Á đã đạt được tốc độ phát triển kinh tế cao nhất thế giới, trong đó Nhật Bản hiện dẫn đầu nhân loại về tuổi thọ con người và một vài phương diện khác của tiến trình hiện đại hóa. Hoa Kì không phải là khuôn mẫu cho việc thay đổi văn hóa toàn cầu. Chung chung, các xã hội đang công nghiệp hóa sẽ không giống xã hội Mĩ, như một phiên bản rất phổ biến của thuyết hiện đại hóa đã giả định (assume). Thật ra, xã hội Hoa Kì vẫn còn giữ nhiều giá trị truyền thống hơn hầu hết các xã hội giàu có khác.

Bốn là, hiện đại hóa không tự động đưa đến dân chủ. Nói đúng ra, phải về lâu về dài, sự nghiệp hiện đại hóa mới mang lại được những thay đổi văn hóa và xã hội cần thiết, khả dĩ giúp việc dân chủ hóa dần dần trở nên hiện thực. Bản thân việc đạt được một mức lợi tức đầu người cao không tạo ra dân chủ: nếu chỉ căn cứ trên GDP đầu người, Kuwait và Tiểu vương quốc Á rập Thống nhất đã trở thành những quốc gia dân chủ gương mẫu. (Những nước này không kinh qua tiến trình dân chủ hoá như được mô tả ở trên.) Nhưng sự xuất hiện của xã hội hậu công nghiệp sẽ mang lại một số thay đổi xã hội và văn hóa nhất định, chính những thay đổi này sẽ dẫn đến dân chủ hóa. Những xã hội tri thức (knowledge societies) sẽ không hoạt động hữu hiệu nếu không có những khối quần chúng có trình độ cao, những khối quần chúng có thói quen tư duy bằng cái đầu của chính mình. Ngoài ra, mức độ an toàn kinh tế ngày càng cao cho phép người ta quan tâm nhiều hơn về một hội chứng gồm những giá trị lập ngôn (a syndome of self-expression values) – một tập hợp các giá trị xã hội coi trọng quyền tự do lựa chọn và thúc đẩy việc tham gia sinh hoạt chính trị. Do đó, khi những yêu cầu này vượt một ngưỡng nhất định, nhà cầm quyền sẽ khó tránh né việc dân chủ hóa, bởi vì việc đàn áp những đòi hỏi của quần chúng về một xã hội thông thoáng hơn sẽ gây ra nhiều tốn kém và làm tổn thất hiệu năng kinh tế. Như vậy, ở giai đoạn triển khai cao, sự nghiệp hiện đại hóa sẽ mang lại những chuyển biến xã hội và văn hóa có khả năng làm xuất hiện và triển khai những định chế dân chủ.

Ý tưởng nòng cốt của lí thuyết hiện đại hóa là, sự phát triển kinh tế và kĩ thuật sẽ mang lại một tập hợp chặt chẽ bao gồm những đổi mới xã hội, văn hóa và chính trị. Một lượng to lớn những chứng liệu thực tế đã hỗ trợ cho luận cứ này. Thật vậy, phát triển kinh tế gắn liền với những chuyển biến sâu sắc trong tư duy và động lực của quần chúng, để rồi những chuyển biến này lại ảnh hưởng đến vai trò của tôn giáo, đến động cơ nghề nghiệp, đến sinh suất, đến vai trò nam nữ và các dạng thức luyến ái. Những chuyển biến này cũng kích thích quần chúng đòi hỏi các định chế dân chủ và những đáp ứng tích cực hơn từ giới chóp bu nắm quyền. Những chuyển biến này kết hợp lại sẽ làm cho chế độ dân chủ ngày càng dễ trở thành hiện thực hơn, đồng thời khiến quần chúng càng dị ứng với chiến tranh và bạo động.

Những trị số dùng để đánh giá tiến trình hiện đại hóa

Các nguồn chứng liệu nghiệm sinh mới mẻ đã cung cấp những tri kiến quí báu để chúng ta hiểu được tiến trình hiện đại hóa thay đổi tư duy và động lực của con người như thế nào. Một nguồn tư liệu quan trọng là các cuộc thăm dò toàn cầu về các giá trị xã hội và thái độ của quần chúng. Khoảng giữa các năm 1981 và 2007, tổ chức Thăm dò Giá trị Văn hóa Thế giới (the World Values Survey) và Cơ quan Nghiên cứu Giá trị Văn hóa Châu Âu (the European Values Study) đã thực hiện năm đợt thăm dò tại hàng chục quốc gia tiêu biểu, bao gồm 90% dân số thế giới. (Xin tham khảo dữ liệu của các cuộc thăm dò ở website: www.worldvaluessurvey.org.) Kết quả thăm dò cho thấy có sự khác biệt giữa các quốc gia về những gì dân chúng tin tưởng và trân quí. Tại một số quốc gia, có đến 90% số người được thăm dò cho biết rằng Thượng Đế là rất quan trọng trong đời họ; nhưng tại một số quốc gia khác, chỉ có 3% tin tưởng như thế. Tại một số xã hội, có đến 90% những người được thăm dò tin rằng nam giới phải có quyền ưu tiên hơn nữ giới trong việc đảm trách một công việc; nhưng tại một số xã hội khác, chỉ có 8% nói rằng họ tin tưởng như thế. Những dị biệt này giữa các quốc gia là sâu đậm và bền bĩ, đồng thời có tương quan với trình độ phát triển kinh tế của một xã hội: dân chúng tại các nước có mức thu nhập thấp thường coi trọng tôn giáo và đặt nặng vai trò giới tính hơn dân chúng tại các nước giàu.

Những cuộc thăm dò về giá trị xã hội cho thấy rằng thế giới quan của dân chúng sống trong những xã hội giàu khác biệt một cách có hệ thống với thế giới quan của dân chúng sống trong những xã hội có lợi tức thấp, trên một phạm vi rộng lớn dựa vào những chuẩn mực chính trị, xã hội và tôn giáo. Những dị biệt này biến thiên theo hai chiều cơ bản: giá trị truyền thống đối chọi với giá trị thế tục-hợp lí và giá trị sinh tồn đối chọi với giá trị lập ngôn, self-expression values. (Mỗi chiều phản ánh những câu trả lời cho hàng chục câu hỏi được đặt ra trong cuộc thăm dò về giá trị xã hội.)

Sự chuyển biến từ giá trị truyền thống (traditional values) sang giá trị thế tục-hợp lí (secular-rational values) tương ứng với sự chuyển biến từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp. Các xã hội truyền thống coi trọng tôn giáo, nhấn mạnh sự kính trọng và phục tùng quyền lực, tôn trọng quốc thể (national pride). Những đặc tính này thay đổi khi xã hội trở nên thế tục và hợp lí hơn. Sự chuyển biến từ các giá trị sinh tồn (survival values) sang các giá trị lập ngôn (self-expression values) tương ứng với sự xuất hiện của xã hội hậu công nghiệp. Nó phản ánh một chuyển biến văn hóa diễn ra vào thời điểm các thế hệ trẻ trung hơn bắt đầu xuất hiện, tức là những thế hệ lớn lên không còn quá bận tâm về vấn đề mưu sinh. Những giá trị sinh tồn (survival values) dành ưu hàng đầu cho an ninh mạng sống và an toàn kinh tế, coi trọng những qui phạm xã hội có tính đồng phục (conformist social norms). Còn những giá trị lập ngôn (self-expression values) thì dành ưu tiên cao cho quyền tự do phát biểu, cho việc tham gia làm quyết định xã hội, hoạt động chính trị, bảo vệ sinh môi, cổ vũ bình đẳng giới, khoan dung với các dân tộc thiểu số, với người nước ngoài, và các người đồng tính luyến ái. Các giá trị lập ngôn ngày càng trở nên quan trọng, tạo ra một văn hóa tràn đầy tin tưởng và bao dung, trong đó dân chúng trân quí tự do cá nhân và khả năng diễn đạt chính mình, đồng thời có khuynh hướng tham gia sinh hoạt chính trị. Những thuộc tính này là rất quan trọng cho chế độ dân chủ và do đó giải thích được vì sao phát triển kinh tế, một tiến trình đưa xã hội từ nông nghiệp sang công nghiệp rồi từ công nghiệp sang hậu công nghiệp, có thể dẫn đến dân chủ. Sự phát triển kinh tế chưa từng thấy của nửa thế kỉ qua đã cho phép một bộ phận ngày càng đông đảo của dân số thế giới không còn quá bận tâm với vấn đề sinh tồn như trước. Những dữ liệu căn cứ trên trục thời gian (time-series data) từ những cuộc khảo sát giá trị xã hội cho thấy rằng các ưu tiên của mảng nhân loại này đã chuyển từ lo âu kinh tế và an ninh mạng sống sang những quan tâm về hạnh phúc cá nhân (subjective well-being), về việc lập ngôn (self-expression), tham gia vào việc làm quyết định cộng đồng, và có một thái độ tương đối tin người và bao dung hơn.

Cả hai chiều cơ bản trong bản nghiên cứu có quan hệ mật thiết với mức phát triển kinh tế: các hệ thống giá trị của những nước giàu khác biệt rõ nét với các hệ thống giá trị của những nước nghèo. Mọi quốc gia mà Ngân hàng Thế giới định nghĩa là có mức thu nhập cao thì cũng đứng ở một vị trí cao tương ứng trong cả hai chiều cơ bản ấy – nghĩa là những xã hội này coi trọng cả giá trị thế tục-hợp lí lẫn giá trị lập ngôn (secular-rational and self-expression values). Tất cả các quốc gia có mức thu nhập thấp hoặc ở phần dưới của thế giới trung lưu đứng ở vị trí thấp tương ứng trên cả hai chiều cơ bản ấy. Còn các quốc gia nằm phần trên của thế giới trung lưu (the upper-middle-imcome countries) thì rơi vào khoảng giữa của hai nhóm quốc gia giàu, nghèo vừa nói. Điều đáng cho chúng ta lưu ý là, hệ thống giá trị và tín lí của một xã hội phản ánh trình độ phát triển kinh tế của nó – đấy chính là dự đoán của thuyết hiện đại hóa.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa hệ thống giá trị của một xã hội và GDP đầu người gợi ý rằng phát triển kinh tế thường dẫn đến những thay đổi khả dĩ tiên liệu trong các tín lí và giá trị của một xã hội. Các chứng liệu dựa vào trục thời gian trong bản nghiên cứu đã chứng minh giả thuyết này. Khi đối chiếu vị trí của một số quốc gia trong những đợt nghiên cứu liên tiếp về các hệ giá trị, người ta nhận thấy rằng hầu như tất cả các quốc gia có GDP đầu người tăng trưởng đều kinh qua những chuyển biến có thể đoán trước của các giá trị xã hội.

Tuy nhiên, chứng liệu của các nghiên cứu về hệ giá trị còn cho thấy rằng việc thay đổi văn hóa sẽ triển khai theo lối mòn; di sản văn hóa của một xã hội cũng xác định vị trí của nó trên bản đồ văn hóa toàn cầu. Bản đồ này biểu thị những cụm đặc biệt, mỗi cụm gồm một số quốc gia có văn hóa tương đồng: cụm Tin Lành châu Âu, cụm Công giáo châu Âu, cụm châu Âu thuộc khối Xô viết cũ, cụm các nước nói tiếng Anh, cụm châu Mĩ La tinh, cụm Nam Á, cụm thế giới Hồi giáo, và cụm châu Phi. Những giá trị được một số xã hội coi trọng sẽ rơi vào một mô hình khá chặt chẽ, mô hình này phản ánh cả mức phát triển kinh tế của những xã hội ấy lẫn di sản văn hóa và di sản thời thuộc địa của chúng. Tuy nhiên, dù cho di sản văn hóa của một xã hội tiếp tục ảnh hưởng lên những giá trị đang thịnh hành, việc phát triển kinh tế vẫn mang lại những thay đổi có hệ quả quan trọng. Qua thời gian, phát triển kinh tế sẽ khuôn nắn lại mọi tín lí và giá trị văn hóa, đồng thời mang lại những đòi hỏi của khối quần chúng ngày càng đông đảo về các định chế dân chủ và thái độ lắng nghe của giới lãnh đạo. Trong hơn một phần tư thế kỉ được xét đến trong các bản nghiên cứu hệ giá trị, dân chúng của hầu hết mọi quốc gia đã ngày càng coi trọng những giá trị lập ngôn (self-expression values). Chuyển biến văn hóa này làm cho chế độ dân chủ càng có khả năng xuất hiện ở những nước chế độ này chưa hiện hữu và ở những nước đã theo chế độ này rồi thì chuyển biến văn hóa này sẽ làm cho chế độ dân chủ trở nên hữu hiệu và trực tiếp hơn.

(Xin xem tiếp phần 2)


Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails