Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

Trường Tây, Trường Ta

Nguồn : DCVOnline
Tôi 15 tôi muốn thay đổi việt nam bằng khoa học
Tôi 16 tôi nhận ra phải thay đổi việt nam bằng giáo dục
Tôi 17 tôi nhận ra không còn cách nào khác để thay đổi việt nam trừ thay đổi nền chính trị này.

Một học sinh 17 tuổi trong nước qua diễn đàn x-cafevn

Lê Văn


Một mùa hè êm ả…

Thủa đó, vào những ngày hè, trời oi ả, cái thú lớn nhất của tôi thường là đạp xe đi trên những con đường của Sài Gòn phủ bóng mát những hàng cây me. Một buổi trưa hè như thế, tôi được chứng kiến một chuyện đã để lại ấn tượng rất lâu trong tôi.


... cái thú lớn nhất của tôi thường là đạp xe đi trên những con đường của Sài Gòn...
Nguồn: my.opera.com
Khi tôi vừa đạp xe đến phía sau trường Lê Quý Đôn, lúc ấy vẫn còn mang tên J.J. Rousseau, chợt thấy một đám thiếu niên đang “biểu tình”. Thời điểm đó, chiến tranh đang leo thanh gần tới đỉnh, đồng thời là giai đoạn cuối của phong trào “Chống Ngụy Hòa” ‒ thực chất là chống lại “âm mưu” của Pháp, đưa ra giải pháp “trung lập hóa” Việt Nam Cộng Hòa, để giải quyết chiến tranh. Khí thế của đoàn biểu tình này có vẻ uể oải, thỉnh thoảng lại có đứa cầm cục đá chọi qua hàng rào, nhưng chỉ đủ tạo nên những âm thanh lạc lõng... Phía xa xa, bên kia đường, có hai thanh niên đứng nhìn, như đang “giám thị” cho đoàn thiếu niên ‘hành động’. Tôi nhận ra một người, đó là một “lãnh tụ” sinh viên tôi đã từng hân hạnh được trò chuyện đôi câu - anh bây giờ là giám đốc điều hành một tờ báo tiếng Việt lớn nhất nhì bên Hoa Kỳ.


“Mày là người gì…?”

Từ phía xa xuất hiện hai cậu bé, tuổi chừng 12, 13 đang đi lại phía chúng tôi, vừa đi vừa say sưa trò chuyện. Khi hai cậu bé đến gần hơn, tôi nghe chừng hai cậu đang nói tiếng Tây. Hai anh thanh niên chờ khi hai cậu bé đến gần, đứng ra cản đường. Một anh quát lớn, “Chúng mày người gì, nói tiếng gì đấy!”

Hai cậu bé sợ hãi, trố mắt ra nhìn một hồi lâu, rồi một cậu mới lí nhí trả lời. Ở xa tôi không nghe rõ là cậu ta nói gì, cả bằng tiếng gì, tiếng Tây hay tiếng Ta. Chỉ biết, một trong hai anh sinh viên lớn, giơ tay tát cho cậu ta một cái thật mạnh, cái kiếng cận cậu đeo rơi xuống đường…

Những gì xẩy ra sau đó, tôi không nhớ rõ, vì chỉ còn là một màn kịch câm, thiếu kịch bản sẵn, các diễn viên, sau khi đột xuất, không biết mình phải làm gì nữa… Tôi cũng lẳng lặng đạp xe đi tiếp. Đâu còn gì để xem!

Thương hay ghét?

Tôi phải thú nhận là hồi bé hơi “bị” mê tiếng Tây, ngay hồi tiểu học đã tự lấy sách vở ra lò mò tự học. Nhờ thế lên đến trung học, khi bắt đầu chính thức học tiếng Pháp, tôi đã đọc sách báo được sơ sơ rồi. Về văn phạm thì khỏi nói, “8000 động từ” ‒ tựa một cuốn sách dạy “chia” động từ tiếng Pháp ‒ tôi thuộc như cháo. Tuy nhiên, với thời gian, dần dần tôi không chăm chú học tiếng Tây nữa, vì có nhiều chuyện khác vui hơn, kiến thức tiếng Tây chỉ còn đủ để đi thi.

Đối với hệ thống “trường Tây” ở Việt Nam hồi đó thì lại khác, phải nói là tôi cũng không ưa, nhưng không hẳn chỉ vì nó gợi nhớ đến quá khứ ‘thuộc địa’ mà thôi. Tôi cho rằng, vô tình hay cố ý, trường Tây đào tạo ra ra một lớp người, chưa chắc là vong bản nhưng ít ra cũng khó hòa hợp với toàn khối dân tộc. Đó là nói về số đông. Tôi cũng hiểu, đa số học sinh trường Tây, cũng yêu nước, yêu tiếng Việt chẳng kém gì dân trường Ta, có khi còn hơn, nhưng hình như nó có cái gì không hoàn toàn tự nhiên.

Nhưng trên hết, lòng tự hào dân tộc không cho phép tôi chấp nhận có nguyên một hệ thống trường Tây, cạnh tranh với trường Việt ngay trên đất nước của người Việt, Nhất là các trường này dạy trẻ em Việt bằng chương trình dạy trẻ em Pháp.


Đợi đến bao giờ?

Năm đệ Nhất đến, một số bạn thân đều tham gia ban đại diện trường. Một hôm, tôi tình cờ đọc được một mẩu tin, cho biết thỏa thuận giữa chính phủ Pháp và chính phủ Việt Nam về viêc Pháp, ký kết vài chục năm trước đã đáo hạn và chính phủ hai nước sắp sửa đàm phán để gia hạn. Tôi đi tìm hiểu thêm từ các ‘công báo’ cũ, ở thư viện Quốc gia, đường Gia Long, rồi gặp các bạn trong ban đại diện để “làm cái gì”. Sau buổi họp ngắn, chúng tôi đồng ý là phải mời các ban Đại Diện các trường trung học công khác để có tiếng nói mạnh.

Buổi họp các trường diễn ra vào một buổi sánh Chủ Nhật tai trường học của tôi, có đầy đủ ban Đại Diện các trường công ở Sài Gòn và Gia Định. Mọi chuyện diễn ra êm đẹp, ngoại trừ có hai anh công an đứng ngoài hàng lang “giữ gìn trật tự”, dù chúng tôi không mời họ.

Trong buổi họp, một ban đại diện chất vấn, “nếu đòi đóng cửa trường Tây, thì sao không đòi đóng cửa trường Tàu?”

Câu trả lời của chúng tôi là, thứ nhất, trường Tây đa số người Việt học, trong khi trường Tàu là để cho con cái người Tàu, không có trẻ em Việt học; không bắt buộc phải đòi đóng cửa trường Tây ‒ trường học thì bao nhiêu cũng thiếu ‒ mà chủ yếu là yêu cầu chính phủ Việt Nam phải đòi hỏi các trường Tây phải sửa đổi bằng cách thêm giờ Việt Văn và chủ yếu dạy lịch sử Việt Nam, những thứ khác không cần thay đổi.

Tuy không có thắc mắc khác, những bạn đó vẫn không đồng ý và bỏ về sớm. Các trường còn lại đều đồng ý về nội dung của bản đúc kết, do chúng tôi soạn thảo và phổ biến tới báo chí. Riêng ban đại diện một trường nữ, trường TV, hứa sẽ làm thêm một chiến dịch cụ thể để nhấn mạnh ý chí của mọi người…


Con cháu Hai Bà…


Tranh Tú Ân
Nguồn: trungvuong.us
Một buổi tối chỉ vài ngày sau đó, vừa cơm nưóc xong và đang đứng hóng gió trước cửa nhà, một chiếc xich-lô bỗng xuất hiện ngững ngay trước mặt tôi. Trên xe có hai cô gái, mặc áo dài trắng, bước xuống. Định thần lại, thì hóa ra là hai nàng đại diện của trường TV. Tôi chưa kip hỏi lý do tại sao lại biết địa chỉ nhà của tôi ‒ sau này mới biết “địch” còn biết nhiều thứ nữa mà tôi không thể ngờ ‒ hai nàng đã kể chuyện gì đã xảy ra. Sáng hôm đó, hai nàng đã “ra lịnh” bãi khóa để ủng hộ “cuộc tranh đấu chống trường Tây”, tất cả học sinh ra trước cửa trường ngồi cho hết buối học. Ban giám đốc trường phản đối bắt hai nàng phải yêu cầu tất cả học sinh vô lớp lại, nhưng hai nàng không chịu nhượng bộ. Kết quả, bà hiệu trưởng đã tuyên bố đuổi cả hai ngay tức khắc.

Bây giờ chỉ có chúng tôi, những kẻ “đầu têu”, là có thể và có bổn phận cứu hai nàng! Tôi chỉ còn biết hứa hẹn là “sẽ làm tất cả trong khả năng”. Nhưng hai nàng có vẻ tin tưởng và đã đi về nhà. Ngay tối hôm đó, bọn tôi mấy đứa họp lại để bàn định mưu kế và sau cùng quyết định là sẽ bãi khóa ba ngày!

Ngày sau đó là chuẩn bị: vẽ một biểu ngữ lớn công bố việc bãi khóa, in một số truyền đơn giải thích lý do, để phát cho học sinh và giáo sư, và mua hai sợi giây lòi tói sắt với ổ khóa để khóa hai công trường chính lại. Đến ngày hành động, chúng tôi cũng hơi run, nhưng may sao đa số học sinh và giáo sư đều đồng ý tham gia. Chỉ có một lớp được thầy TĐA, giáo sư Triết, hướng dẫn vẫn tiếp tục học. Ban Đại Diện cũng cử người vào tận lớp để tranh luận với thầy A., cũng như học sinh trong lớp thầy. Mọi chuyện đểu tốt đẹp.


Dân chủ muôn năm…

Một ngày sau đó, khi cuộc bãi khóa còn đang tiếp diễn, chúng tôi và ban đại diện trường nữ được mời đến bộ Giáo Dục để họp với ngài Đổng Lý Văn Phòng – lúc đó là giáo sư LCT. Không có mặt trong phái đoàn, nhưng sau đó tôi nghe kể lại là giáo sư LCT đã lắng nghe ý kiến, và sau cùng hứa sẽ thực hiện nguyện vọng. Nhưng có lẽ quan trọng ngay lúc đó, là lệnh đuổi học “con cháu Hai Bà” được bãi bỏ. Khoảng một tuần sau, bộ Giáo Dục tự động tổ chức một cuộc mít-tinh tại sân vận động Hoa Lư, với sự tham dự của các trưòng công lập, để “chống” trường Tây!

Không có mặt trong buổi mít-tinh này, nhưng tôi vẫn theo dõi vụ việc, được biết chính phủ đã thành công trong việc duy trì hệ thống trường Tây, vốn do chính phủ Pháp tài trợ hoàn toàn; đồng thời đưa việc giảng dạy văn chương và lịch sử Việt lên hàng đầu, như chúng tôi mong mỏi. Chính phủ còn quyết định đổi tên đa số các trường Tây, thành ra tên Việt, như J.J. Rousseau thành Lê Quý Đôn, Yersin thành Hùng Vương, v.v... chỉ có Marie Curie vẫn giữ nguyên tên (các trường tư như Saint Ex., Couvent, Saint Paul, v.v... vốn ‘tự trị’, không kể). Chuyện đổi tên trường nằm ngoài dự tính của chúng tôi, nhưng sau này tôi có hỏi những người bạn đang học các trường Tây khi bị đổi tên, không thấy ai phản đối mà còn ủng hộ là khác.


Kết từ…

Trên đây chỉ là một câu chuyện rất vụn vặt, nhưng tôi hy vọng mang lại ít niềm vui cho bạn đọc. Có thể có bạn cũng sống ở Sài Gòn vào cùng thời điểm, nhưng không hề nghe qua “vụ trường Tây”, cũng không biết tại sao các trường Tây lại đồng loạt đổi tên, hoặc do đâu mà các trường Tây có thêm giờ học tiếng Việt, lịch sử Việt, v.v...


...đôi môi hồng nũng nịu, nhưng cái đầu thì cứng như đá tảng!
Nguồn: my.opera.com
Thế nhưng quan trong hơn, tôi hy vọng các bạn trẻ đang ở cái tuổi như chúng tôi thời đó, nếu đọc bài này, nhận ra rằng: vai trò của các bạn quan trọng, đúng ra là có tính quyết định. Các bạn làm được nhiều điều, có thể nói có thể thực hiện được tất cả những điều mong muốn. Ngoài các bạn ra, sẽ không ai làm đâu!

Hãy nghĩ và làm như những cô bạn TV của tôi ngày nào! Các bạn đừng tưởng là các cô lên đến văn phòng Đổng Lý Văn Phòng bộ Giáo Dục mà co ro khúm núm đâu nhé. Tôi nghe kể, ở đó các cô còn “tố” mạnh hơn nữa, chắc chắn nhờ thế mà bộ Giáo Dục đã “hăng” thêm vài nấc…

Riêng tôi, tôi càng có lý do để nể phục cô bạn TV, với đôi môi hồng nũng nịu, nhưng cái đầu thì cứng như đá tảng!

Ngay khi tôi quyết định đi nước ngoài, nàng gửi lời nhắn qua một người bạn gần nhà, “…bộ ở Việt Nam không có trường đủ trình độ cho anh học hay sao mà anh phải đi du học?!”

Cô bạn kia chuyển nguyên văn lại cho tôi nghe như thế. Lúc đó tôi cứ tưởng, nàng chỉ nói thế chỉ vì thất vọng thấy tôi “bỏ đi”. Sau này tôi mới biết, chính nàng đã từ chối học bổng đi Mỹ ‒ nàng học rất giỏi ‒ chọn ở lại quê nhà thật.

Tôi đã tin những câu tuyên bố của cô Lê Thị Công Nhân. Có lẽ do một lý do thầm kín, cách nhau một hai thế hệ, hai nàng lại giống nhau như hai giọt nước!


© DCVOnline

Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails