Thứ Năm, 2 tháng 4, 2009

Tính “chính / nguỵ” của quyền lực nhà nước (2)

Nguồn : talawas blog
Tác giả: La Thành

Chế độ đương cuộc ở Việt Nam: cội nguồn nào cho chính nghĩa?

.oOo.

“Tất yếu lịch sử” hay học thuyết thiên mệnh mới?

Vào thời điểm đánh máy những dòng này, người viết bài đã vào trang liên mạng www.dangcongsan.vn, gõ vào cửa sổ tìm kiếm cụm từ tất yếu lịch sử, nhấn nút sưu tra và được trình duyệt trả lại trên tám mươi kết nối. Sau đây là một trích đoạn điển hình từ một trang kết quả:

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một tất yếu lịch sử, phản ánh điều kiện khách quan và chủ quan đã chín muồi trong dòng vận động lịch sử của dân tộc cũng như trào lưu chung của cách mạng thế giới. Sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội là tất yếu khách quan. Không phải ngẫu nhiên mà lịch sử trao cho Đảng sứ mệnh thiêng liêng đó. Trước năm 1930, ở Việt Nam có nhiều Đảng và phong trào yêu nước ra đời và đã từng thử nghiệm là vai trò của quần chúng.[1] Các tổ chức này và lãnh tụ của họ không thiếu gì đức tính dũng cảm, hy sinh quên mình, nhưng do có hạn chế về thế giới quan và hệ tư tưởng cho nên rút cuộc bị thất bại và tan rã.


Từ năm 1930 trở đi, trên vũ đài chính trị nước ta cũng xuất hiện một số đảng phái khác như Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt… Song những đảng này đã phản bội lại lợi ích dân tộc, cam tâm làm tay sai cho đế quốc thống trị nước ta.[2] Như vậy, khác với tình hình nhiều nước trên thế giới, ở nước ta ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản đã là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng. Đó hoàn toàn không phải là sự áp đặt ý muốn chủ quan của Đảng mà là sự giao phó của lịch sử thông qua quá trình sàng lọc hết sức nghiêm khắc. Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy Đảng Cộng sản đã rất xứng đáng với sự tin cậy, sự giao phó của lịch sử, của nhân dân, của dân tộc. Trên thực tế, từ ngày có Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, cách mạng nước ta đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ 20. Đó là thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 lật đổ ách thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp và triều đình phong kiến, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, chọc thủng hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc; là thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, giải phóng miền Bắc, chôn vùi chủ nghĩa thực dân cũ; là thắng lợi của cuộc kháng chiến 22 năm chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đánh sập chủ nghĩa thực dân mới; là thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước trong gần 20 năm gần đây, vượt mọi khó khăn bao vây cấm vận, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đứng vững và tiếp tục đi lên trong cơn động đất chính trị dữ dội trên thế giới (năm l989-1991) và cơn bão táp khủng hoảng tài chính - kinh tế ở khu vực (năm 1997-1998).

~ Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam 75 năm qua, Báo điện tử ĐCSVN, 15-2-2005.

Tính tất yếu (necessity) như một phạm trù triết học, trong sự đối lập với tính khả năng (possibility/probability) hoặc tính ngẫu nhiên (contingency/accidentality), vốn được đề cập từ rất sớm bởi triết học phân tích tính phương Tây[3]. Tất yếu lịch sử (historical necessity) là khái niệm dẫn xuất của “tính tất yếu” trong triết học về lịch sử, được Marx, Engels và các môn đồ sử dụng chủ yếu như một công cụ tu từ trong các nhận định về sự tất định, không tránh khỏi của cách mạng vô sản và của chủ nghĩa xã hội. Đến Việt Nam, cụm từ này đã được các tuyên truyền viên của Đảng Cộng sản sử dụng một cách lạm phát, tạo nên những câu văn sáo rỗng, tối nghĩa và vô nghĩa như dẫn ngữ đã nêu ở trên.

Vậy thế nào là “tất yếu lịch sử”? Khi nói rằng trong một hoàn cảnh lịch sử A, một sự kiện / biến cố B là một “tất yếu lịch sử”, người ta ngụ ý — và chỉ ngụ ý — rằng trong bộ điều kiện A đã xác định, B luôn luôn là kết cục duy nhất, không thể khác. Trường hợp trong hoàn cảnh lịch sử A, biến cố kéo theo không nhất thiết là B, mà có thể là C, là D… khác với B, thì sự xảy ra của B trong hiện thực không phải là tất yếu, mà chỉ là ngẫu nhiên, tình cờ; bởi lẽ khi đó, trong cùng hoàn cảnh A, nếu B không xảy ra thì hoặc C, hoặc D… sẽ xảy ra, và sự xảy ra — loại trừ nhau — của B, C, D… là đồng khả năng, đồng cơ hội, đồng xác suất.

Về nguyên tắc, người ta hoàn toàn có thể kiểm nghiệm được tính tất yếu / không tất yếu của một sự kiện lịch sử bằng phép khảo chứng sau đây: hãy xét xem trên thế giới, trong những điều kiện tương đồng với hoàn cảnh A thì B có phải là biến cố kéo theo duy nhất hay không. Nếu tính duy nhất của B được khẳng định, nó rất có thể là một tất yếu lịch sử. Ngược lại, nếu trong những bộ điều kiện tương đồng với A mà khi thì B, khi thì C, lúc lại D… diễn hiện, ta có thể nói rằng B (hoặc C, hoặc D…) hoàn toàn không phải là một tất yếu lịch sử, mà chỉ là một trong những kênh tiến hoá khả dĩ của lịch sử mà thôi.

Liên quan đến việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào nửa đầu thế kỷ trước và, sau đó, trở thành lực lượng chính trị độc tôn trên toàn lãnh thổ Việt Nam như hiện nay, các sử liệu xác thực và phổ cập đã cho thấy: trong những điều kiện lịch sử tương đồng với bối cảnh chính trị - xã hội của Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, tuyệt đại đa số các cựu thuộc địa của chủ nghĩa thực dân đã giành được độc lập chính trị và chấn hưng đất nước mà không có sự can dự hay cầm trịch của các đảng theo chủ nghĩa Marx-Lenin. Nói riêng, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam không chỉ thuộc về thiểu số, mà còn là lệ cử hoàn toàn đơn độc về một công cuộc phi thực dân hoá dưới tán ô của một đảng cộng sản.

Ở châu Á, châu Phi, châu Đại Dương và khu vực Mỹ Latin, trong số trên 100 quốc gia từng là thuộc địa và/hoặc kém phát triển cho đến trước Chiến tranh Thế giới II và lần lượt tuyên bố độc lập sau chiến tranh, chỉ Việt Nam Bắc Triều Tiên là hai trường hợp có đảng cộng sản giành được chính quyền. (Tuy nhiên, chính quyền cộng sản Bắc Triều Tiên đã được thành lập có nhiều phần giống như chính quyền Cộng hoà Dân chủ Đức trước đây, tức là do quân đội Liên Xô dựng nên.) Cộng hoà Cuba thì đã là quốc gia độc lập từ 1902, nửa thế kỷ trước khi Fidel Castro đoạt chính quyền bằng bạo lực (1959). Ở Đông Nam Á, Lào và Cambodia đã tuyên bố độc lập vào các năm 1949 và 1953 như những quốc gia không cộng sản, và chỉ bị cộng sản hoá vào năm 1975, khi Chiến tranh Việt Nam sắp/đã kết thúc; từ 1993, Cambodia đã trở lại là quốc gia dân chủ đa đảng dưới hình thức quân chủ lập hiến. Ở châu Phi, hai nước Angola và Mozambique sau một thời gian nội chiến giữa chính phủ theo chủ nghĩa xã hội và các lực lượng đối lập, nay cũng đã trở thành các quốc gia dân chủ. Châu Đại Dương (Oceania) thì không có bất cứ quốc gia [mới] độc lập nào tuyên bố theo chủ nghĩa xã hội.


Hiện nay, tính riêng trong số khoảng 40 quốc gia có chủ quyền từng là thuộc địa cũ của Pháp ở các châu lục, chỉ Việt NamLào còn chế độ cộng sản, và có GDP trên đầu người thuộc nhóm thấp nhất, thậm chí thấp hơn một số thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi và châu Đại Dương.[4]

(Theo WikipediaEncarta)

Đấy là chưa kể nếu đi sâu vào tình tiết, người ta hiện đã có đủ cơ sở để khẳng định rằng các lãnh tụ và đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam — trong suốt lịch sử tồn tại của mình — đã từng bước triệt loại đối thủ cạnh tranh, thâu tóm quyền lực và toàn trị hoá sân khấu chính trị của đất nước bằng những phương pháp bất chính, những thủ đoạn vô nhân đạo[5]. Còn nếu xét đến những hệ luỵ thê thảm mà quốc gia và dân tộc đã và đang phải hứng chịu dưới ách cai trị bấy lâu của Đảng Cộng sản thì có thể nói: sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930 không những hoàn toàn không phải một tất yếu lịch sử, mà còn là một tai nạn lịch sửa historical accident.

Hiện nay ở Việt Nam, trong các sách giáo khoa lịch sử từ bậc phổ thông đến bậc đại học, lịch sử cận - hiện đại của đất nước đang được trình bày gần như chỉ là lịch sử của sự ra đời, phát triển và cuối cùng, chế ngự hoàn toàn chính trường Việt Nam của Đảng Cộng sản. Các phong trào và tổ chức yêu nước, chống thực dân theo các đường lối dân tộc chủ nghĩa, phi cộng sản trong thế kỷ XX chỉ được kiểm điểm một cách sơ sài, thiếu hụt, phiến diện và cả xuyên tạc. Những thất bại tạm thời của các phong trào / tổ chức này thường được nhấn mạnh như là sự bất thành tất yếu của những đường lối chính trị phi marxist-leninist.

Lời khẳng định rằng “Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt… đã phản bội lại lợi ích dân tộc, cam tâm làm tay sai cho đế quốc thống trị nước ta” như trong bài viết của Bùi Thế Đức đăng trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam là một sự xuyên tạc lịch sử.


Thực tế, Việt Quốc (= Việt-nam Quốc-dân-đảng), Đại Việt (= Đại-Việt Quốc-dân-đảng) và Việt Cách (= Việt-nam Cách-mạng Đồng-minh-hội) đều là những tổ chức hoặc liên tổ chức có chủ trương chống thực dân, chấn hưng đất nước nhưng không theo chủ nghĩa cộng sản và là đối thủ cạnh tranh chính trị với đảng Cộng sản. Bản thân Hồ Chí Minh đã từng tham gia Việt Cách. Sau Cách mạng tháng Tám, từ tháng 11-1945 đến tháng 7-1946, Việt Quốc và Việt Cách đã từng tham gia Chính-phủ Liên-hiệp của Việt-nam Dân-chủ Cộng-hoà. Tháng 7-1946, sau sự kiện “Vụ án phố Ôn Như Hầu” — được cho là do công an Việt Minh dàn dựng để loại bỏ các đối thủ chính trị –, các thành viên Việt Quốc và Việt Cách trong Chính-phủ Liên-hiệp bị truy bắt và truy sát, một số trốn thoát ra nước ngoài.

Riêng Đại-Việt Quốc-dân-đảng thì bất hợp tác với Chính-phủ Liên-hiệp — thực tế do Việt Minh khống chế — ngay từ đầu. Đảng này từng thành lập một số chiến khu ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, xây dựng lực lượng vũ trang riêng (gọi là Quốc-dân Quân) với một trung tâm huấn luyện quân sự và hai trường võ bị đào tạo sỹ quan. Với đường lối chính trị chống cả chủ nghĩa thực dân lẫn chủ nghĩa cộng sản, Đại Việt trở thành một trong những kẻ thù trực tiếp đe doạ Việt Minh và đảng Cộng sản. Vào tháng 12-1946, trong khi đang hoạt động bí mật tại Hà Nội, đảng trưởng Trương Tử Anh của Đại Việt đột ngột mất tích. Giới quan sát cho rằng ông có thể đã bị bắt cóc và thủ tiêu.

(Theo nhiều nguồn tư liệu)

Sự thật thì vào những thời khắc lịch sử cần huy động sức mạnh của toàn dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn luôn khôn khéo nấp bóng đằng sau những tên gọi và/hoặc tổ chức ngoại vi do nó thiết đặt, có hình thức và chương trình hành động phi cộng sản. Để thí dụ, danh xưng chính thức của Mặt trận Việt Minh — “Việt-nam Độc-lập Đồng-minh-hội” –, do Nguyễn Ái Quốc / Hồ Chí Minh thành lập vào tháng 5-1941, là sự nhái lại tên gọi của một tổ chức yêu nước của người Việt do Hồ Học Lãm sáng lập từ 1936 và chưa bao giờ tuyên bố tự giải tán. Bản thân những người cộng sản như Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đã từng gia nhập Việt-Minh-của-Hồ-Học-Lãm và tìm cách thôn tính tổ chức này. Để phủ dụ quần chúng, Việt-Minh-của-Hồ-Chí-Minh đã tổ chức ra các đoàn thể quần chúng của các giới xã hội, đoàn thể nào cũng có tên là “Hội … Cứu-quốc” — Hội Công-nhân Cứu-quốc, Hội Nông-dân Cứu-quốc, Hội Phụ-nữ Cứu-quốc, Hội Quân-nhân Cứu-quốc v.v. — đồng thời tóm tắt chương trình hành động của mình trong hai điểm: 1) Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; 2) Làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do.

Aristotle từng phân biệt tính tất yếu với tính ngẫu nhiên như là sự khác biệt giữa cái bản chất (the substance/essence) và cái thứ yếu / phi bản chất (the accidental). Nói cách khác, cái tất yếu phải luôn luôn là cái phản ánh mối liên hệ bản chất của sự vật. Bản chất của việc nhiều tầng lớp dân chúng Việt Nam — vào những năm 1940 — đã hưởng ứng Việt Minh, dẫn đến thành công của Cách mạng tháng Tám không phải là nhân dân đã “lựa chọn” Đảng Cộng sản, mà là nhân dân đã lựa chọn chương trình hành động của Việt Minh. Lưu ý rằng trong suốt thời gian từ trước khi Mặt trận Việt Minh (của Hồ Chí Minh) được thành lập cho đến tháng 2-1951, Đảng Cộng sản đã rút vào hoạt động bí mật; đồng thời, thời điểm thành lập (đúng ra là tái lập) Việt Minh cũng chính là thời điểm Nguyễn Ái Quốc mới cải danh thành Hồ Chí Minh, và ở Việt Nam lúc đó nhiều người không biết ông chính là agent của Quốc tế Cộng sản. Bản thân Hồ Chí Minh, vào những ngày tháng đầu tiên của Việt-nam Dân-chủ Cộng-hoà, khi ngôn luận thường lập lờ, không xác nhận mình là cộng sản — “Tôi chỉ có một đảng, đó là đảng Việt Nam” — hoặc cam kết trước báo giới ngoại quốc “sẽ không đưa chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam”.[6] Việc tuyên truyền rằng “vai trò lãnh đạo của Đảng là tất yếu khách quan”, hay “Đảng đã được lịch sử trao cho sứ mệnh thiêng liêng” là sự nhập nhằng đánh lận con đen, tráo cái bản chất với cái phi bản chất.

Thời kỳ 1960-1976, bộ phận Việt Minh tại miền Nam Việt Nam được biến báo thành Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ — một đảng viên cộng sản, vào đảng từ 1948 — làm chủ tịch; đứng đằng sau và nắm quyền chi phối là Trung ương Cục miền Nam của đảng Cộng sản (thời kỳ đó lấy danh xưng công khai là đảng Lao động). Bằng bài bản “làm mờ đi lý lịch cộng sản” của Việt Minh trước đây, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam — trong giai đoạn hai của Chiến tranh Đông Dương — đã tập hợp được vào đội ngũ của nó một nhân lực đông đảo, đa dạng về thành phần, đặc biệt là những nhân sỹ, trí thức có danh vọng mà sự góp mặt của họ dường như đã biểu kiến chính nghĩa chính trị của phía “bên này chiến tuyến”.

Trên một khía cạnh khác, trong số các nguyên nhân đã góp phần đưa đến thắng lợi quân sự cuối cùng vào tháng Tư năm 1975 của Đảng Cộng sản, không thể không kể đến những điều kiện thuận lợi — mang tính quyết định — ở bên ngoài chiến trường Nam Việt Nam, những điều kiện hoàn toàn không tất yếu đối với phe chiến thắng. Một mặt, đó là nỗ lực viện trợ to lớn về kinh tế và quân khí của Trung Quốc và khối Liên Xô - Đông Âu cho đồng minh của họ ở Việt Nam trong khí hậu của Chiến tranh Lạnh. Mặt khác, đó là chính trường Hoa Kỳ với sự vận hành theo những nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, là nền truyền thông đại chúng tương đối tự do và khách quan của các xã hội phương Tây — đối lập với mô hình nhà nước - đảng toàn trị cùng chính sách bưng bít và kiểm soát thông tin của các chế độ cộng sản.

Trong khi các phóng viên phương Tây được hoàn toàn tự do ra vào miền Nam Việt Nam, thì cánh cửa truyền thông mà chế độ miền Bắc mở ra cho thế giới là trận địa độc quyền của các phương tiện truyền thông Xô-viết, Đông Âu và bộ phận báo giới phương Tây thân cộng sản. Vì vậy, trong lúc dư luận Mỹ và phương Tây thường xuyên được thông tin đầy đủ về những khiếm khuyết của chế độ Việt-nam Cộng-hoà, những tội ác vô nhân đạo cũng như những thiệt hại về nhân lực / vật lực của quân đội Hoa Kỳ, thì nó dường như không hay biết gì nhiều về những mâu thuẫn nội bộ của chế độ miền Bắc, về sự hà khắc và những vi phạm nhân quyền thô bạo của chế độ này, cũng như về cuộc sống đầy cơ cực, những hy sinh mất mát nặng nề[7] và cả thái độ phản chiến ngấm ngầm của nhân dân và binh sỹ Bắc Việt. Sự bất đối xứng về truyền thông này đã góp phần quan trọng vào việc dấy lên phong trào hoà bình vào cuối thập niên 1960 - đầu thập niên 1970 ở Mỹ, một phong trào đã gây nên những thay đổi mạnh mẽ về thái độ và chính sách đối với Việt Nam của Hoa Kỳ trong thời gian này: Richard Nixon — người của đảng Cộng hoà — đã thắng cử tổng thống hai nhiệm kỳ liên tiếp nhờ lời hứa về một nền “hoà bình trong danh dự” (tức sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Việt Nam một cách chính đáng); Quốc hội Mỹ — do đảng Dân chủ chiếm đa số — đã biểu quyết thông qua (năm 1973) một đạo luật hạn chế quyền tự do điều động quân đội trở lại chiến trường Đông Dương của tổng thống, đồng thời đưa ra lộ trình cắt giảm (từ 1974) và tiến tới cắt bỏ toàn bộ viện trợ cho chế độ Việt-nam Cộng-hoà vào năm 1976; trong nhân dân và chính giới Mỹ, tâm lý muốn thực sự khép lại và quên đi cuộc chiến ngày càng trở nên phổ biến…

(Theo William Colby & James McCargar, Lost Victory: A Firsthand Account of America’s Sixteen-Year Involvement in Vietnam và các nguồn tư liệu khác)

Chính điều kiện sau cùng đã khiến chi viện tài lực của Hoa Kỳ cho chế độ Việt-nam Cộng-hoà giảm đi đáng kể, đồng thời cản trở việc quân đội Mỹ tái tham chiến trong giai đoạn 1973-75, khiến cho cán cân lực lượng vào giai đoạn cuối này của chiến cuộc nghiêng hẳn sang phía quân đội cộng sản.

Giả sử, do tính ngẫu nhiên của lịch sử, một tổng bí thư Liên Xô có chủ trương hoà hoãn toàn diện và kết thúc Chiến tranh Lạnh với phương Tây như Mikhail Gorbachëv chấp chính sớm hơn khoảng 15 năm; hoặc sự sụp đổ dây chuyền của khối Liên Xô - Đông Âu cũng đến sớm hơn chừng ấy năm; hoặc các chính quyền Nixon và Ford (Đảng Cộng hoà) trong nhiệm kỳ 1972-76 không phải đối mặt với những nan đề kinh tế và một “Quốc hội phản chiến” do những người Dân chủ thống lĩnh; hoặc, ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông — người ủng hộ quyết liệt cuộc kháng chiến vũ trang của Bắc Việt — chết sớm lên vài năm, nhường vai trò lãnh tụ cho Đặng Tiểu Bình v.v. thì chiến thắng vào ngày 30 tháng Tư năm 1975 của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam liệu có tất yếu, do “sự lãnh đạo của Đảng” quyết định?

Có điều này thì không hề ngẫu nhiên: sự tương đồng giữa học thuyết thiên mệnh về quyền lực của các lãnh chúa phong kiến Đông Á trong quá khứ và huyền thoại về tính tất yếu lịch sử của nền thống trị đương đại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặc dù các thế kỷ XX và XXI không còn là thời đại của những câu chuyện thần thoại, phương pháp chủ yếu — nếu không phải duy nhất — mà Đảng Cộng sản liên tục sử dụng để đắp điếm cho chính nghĩa huyền thoại của mình là hư cấu lịch sử, kết hợp với kỹ thuật tuyên truyền nhồi sọ kiểu Goebbels. Một thí dụ có tố chất hài hước mà tác giả Nguyễn Minh Cần, một cựu đảng viên cộng sản, đã chỉ ra cũng chính là về biến cố “ra đời” của đảng này. Theo Nguyễn Minh Cần, cho đến tận trước thập kỷ 80, các tài liệu chính thức của Đảng Cộng sản vẫn vô tư thuật lại rằng “Đảng” đã lọt lòng trên một sân bóng đá, và đây là sự thật.

Ngày 6 tháng 1 năm 1930, Nguyễn Ái Quốc lấy danh nghĩa phái viên của QTCS (= Quốc tế Cộng sản — L.T.) mời đại biểu ba đảng đến Hồng Kông họp để thống nhất. Cuộc họp diễn ra trên sân bóng, các đại biểu giả vờ là khán giả xem bóng đá để họp. Có ba người đến họp: Trịnh Ðình Cửu, đại biểu cho Ðông Dương Cộng sản Đảng, Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm, đại biểu cho An Nam Cộng sản Đảng. (Xem: Trần Văn Giàu, “Giai cấp công nhân Việt Nam”, Hà Nội, 1958, tr. 487 — lời chú của N.M. Cần) Như vậy là không có mặt Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn.

[...]

Cuộc họp diễn ra trên sân bóng ở Hồng Kông được nói đi nói lại nhiều lần trong ba bốn thập niên ròng cứ mỗi dịp kỷ niệm thành lập Đảng. Thế nhưng, đến những năm 80, chắc thấy cuộc họp trên sân bóng có vẻ lén lút như cuộc gặp mặt của những kẻ âm mưu, nên người ta đã “viết lại” sử đảng: “Sau 5 ngày làm việc hết sức khẩn trương (từ 3 đến 7 tháng 2)[8] trong hoàn cảnh bí mật, hội nghị đã nhất trí tán thành thống nhất các đảng cộng sản…” (Xem: Lịch sử Ðảng Cộng sản Việt Nam, NXB Sự thật, 1985, tr.27 — lời chú của N.M. Cần)

~ Nguyễn Minh Cần, Đảng Cộng sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế, mạng Ý Kiến.

Lô-gích là ở chỗ: muốn được coi là chính nghĩa thì phải đàng hoàng. “Đảng” được cắt rốn trên sân bóng thì đàng hoàng sao được!

Đó chỉ là một trong nhiều thí dụ về việc ngành tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã [và đang] biên tập, nhào nặn lịch sử như thế nào. Người viết bài hy vọng sẽ có dịp quay trở lại chủ đề này.

Nhà khoa học chính trị Joseph Nye có lần nói rằng: “Kẻ nào hay cường điệu về quá khứ, ấy là hắn đang xấu hổ với hiện tại.” Quả là Đảng Cộng sản Việt Nam đang có quá nhiều lý do để phải nhào nặn lại quá khứ của nó.

(Còn nữa)

© 2009 La Thành


[1] Một câu vô nghĩa. Nói chung, trên website Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có thể tìm thấy nhiều bài viết thiếu tính chuyên nghiệp như vậy. Các đánh dấu nhấn mạnh trong các trích dẫn là của L.T.

[2] Đây là một nhận định xuyên tạc lịch sử.

[3] Nói thêm, tất yếu vs. khả năng / ngẫu nhiên là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của các phân môn lô-gích học và triết học như lô-gích học tình thái (modal logic), siêu hình học tình thái (metaphysics of modality), hay nhận thức luận tình thái (epistemology of modality). Aristotle có lẽ là [một trong những] người đầu tiên nghiên cứu về các phạm trù này.

[4] Trong số các cựu thuộc địa của Pháp, Việt Nam đứng dưới Algeria, Tunisia, Morocco, Côte d’Ivoire (Bờ Biển Ngà), Cameroon, Djibouti, Senegal, Mauritania, Vanuatu trong bảng tổng sắp các quốc gia theo GDP danh toán (nominal GDP) trên đầu người; và đứng dưới Algeria, Tunisia, Morocco, Vanuatu trong bảng tổng sắp các quốc gia theo GDP sau cân đối sức mua (PPP GDP) trên đầu người. Đặc biệt, trong cả hai bảng tổng sắp, Việt Nam đều thua xa Nouvelle Calédonie (Tân Đảo), một đương kim thuộc địa của Pháp. Dữ liệu được cung cấp bởi IMF, WBCIA, năm 2008-2009.

[5] Những minh chứng điển hình có thể lấy là sự hạ sát các lãnh tụ cộng sản phái Trotskyist (cuối năm 1945), và cuộc dàn dựng Vụ án phố Ôn Như Hầu (tháng Bảy năm 1946, nhằm chống lại và thủ tiêu vai trò chính trị của đảng Quốc dân).

[6] Người viết bài không có ý phủ nhận một nồng độ nào đó của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa (một số người gọi là tư tưởng quốc gia) ở ông Hồ. Là một người thực tiễn và dày dạn kinh nghiệm, vào những năm 40, có vẻ như Hồ đã chuẩn bị kỹ lưỡng hành trang chính trị cho sự thâu tóm quyền lực của mình, sau khi quyết định “đi dây” giữa một bên là những phần tử Stalinist thuần thành trong đảng Cộng sản, và một bên là những lực lượng xã hội đầy năng lượng nhưng hiểu biết / mặn mà ở những mức độ rất khác nhau đối với chủ nghĩa cộng sản.

[7] Theo các nguồn dữ liệu, trong Chiến tranh Việt Nam, ~3,0 triệu thường dân miền Bắc và ~1,1 triệu binh sỹ cộng sản (Quân đội Nhân dân VN và Quân Giải phóng MNVN) đã thiệt mạng; ~0,6-1,0 triệu đồng ngũ của họ đã trở nên tàn phế. Phía Hoa Kỳ và đồng minh Việt-nam Cộng-hoà: ~1,6 triệu thường dân miên Nam VN, ~60 nghìn binh sỹ Mỹ, 220 nghìn binh sỹ VNCH chết hoặc mất tích; 304 nghìn binh sỹ Mỹ và 1,2 triệu binh sỹ VNCH thương phế. Các con số đối với phía cộng sản có thể có độ chính xác thấp hơn, một phần vì chính quyền cộng sản Việt Nam chưa bao giờ chính thức công bố những số liệu loại này. Bất luận thế nào, tổn thất về người trong cuộc chiến của toàn bộ dân tộc Việt Nam nói chung, của phe chiến thắng nói riêng là vô cùng đắt giá!

[8] Về ngày “thành lập” đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), Nguyễn Minh Cần (căn cứ theo tài liệu đã dẫn của Trần Văn Giàu) khẳng định đó là ngày mồng 6 tháng 1 năm 1930; và thoả thuận hợp nhất các tổ chức cộng sản tiền thân của nó chỉ diễn ra trong thời gian của một trận bóng đá. Việc đổi từ ngày 6 tháng 1 sang ngày 3 tháng 2 được quyết định bởi một nghị quyết của Đại hội III của đảng (họp tháng 9-1960), với một lý do đáng để ngạc nhiên là “theo ý kiến của Liên Xô” (!). Dữ liệu gần đây nhất về sự kiện ra đời của ĐCSVN có lẽ là trong cuốn Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam — Dùng trong các trường đại học, cao đẳng (ấn bản 2005) do Bộ Giáo dục - Đào tạo biên soạn và Nxb Chính trị Quốc gia ấn hành: “hội nghị” thành lập đảng họp từ 6-1 đến 7-2-1930 tại thị trấn Cửu Long, bên cạnh Hồng Kông, và ngày thành lập đảng (3-2) được lấy là một trong những ngày diễn ra “hội nghị”. Dữ liệu này dở ở chỗ nó làm cho sự kiện “thành lập” đảng trở thành cuộc tụ tập cấp cao dài ngày nhất trong lịch sử của đảng (hơn 1 tháng!).


Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails