Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2009

CUỘC THI QUỐC SỬ CỦA BÁO THẦN CHUNG

Nguồn : Lại Nguyên Ân

Lại Nguyên Ân

CUỘC THI QUỐC SỬ CỦA BÁO THẦN CHUNG


LỜI DẪN CỦA NGƯỜI SƯU TẦM

Cuộc thi quốc sử được báo Thần chung mở ra từ đầu tháng 7/1929, theo thời hạn thì kéo dài đến đầu tháng 12/1929, song không biết vì một lý do nào đó, của cuộc thi này hình như đã không có việc chấm và trao giải thưởng. Tuy nhiên trong việc tổ chức cuộc thi này, các phần việc như đề xuất ý tưởng, viết các bài thông báo, soạn các bản sự tích 30 nhân vật Việt sử,… chắc hẳn phải do những người am tường sử học trong và ngoài toà soạn như Bùi Thế Mỹ, Phan Khôi, Ngô Tất Tố, v.v… thực hiện.

Tuy không có căn cứ thật xác thực, tôi vẫn ngờ Phan Khôi có vai trò chính trong cuộc thi này. Vì vậy tôi xếp các bài nhân danh toà soạn Thần chung xung quanh cuộc thi này vào loại bài tồn nghi, tức là tôi ngờ những bài vở này là thuộc ngòi bút Phan Khôi. Bài hưởng ứng cuộc thi này của báo Công luận mà báo Thần chung lục đăng, tôi cũng xếp vào đây, với tính chất là tư liệu liên quan đến cuộc thi này.

Trừ bài “Tuyển cử người đời nay với tuyển cử người đời xưa”, các tư liệu khác đều chưa đưa vào sưu tập: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1929 (bản in 2005) và chỉ mới được đưa vào file tư liệu sưu tập này từ tháng 01/2008. − L.N.A.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

PHỔ THÔNG SỬ HỌC

Cuộc thi lịch sử của Thần chung nay mai quan hệ là thế nào?

Phàm làm người ở đời, làm dân ở một nước, bất luận già trẻ, trai gái, sang hèn, nghèo giàu, đều phải có biết về sử học.

Bởi vì, sử là thứ sách thuật chuyện đã qua, ghi các dấu tấn hoá của loài người, mà người ta sanh ra không phải bắt đầu từ mình, ai nấy đều đã đi sau bao nhiêu lớp tiền dân, từ trước, nếu mình không đọc sử, không biết những sự tấn hoá của các bực tiền dân ấy, thì sự sống ở đời của mình hoá ra trên không chằng dưới không cột, mà bơ vơ ngơ ngác là dường nào.

Thật vậy, cuộc đời là một cuộc tấn hoá. Ngày nay chúng ta ở vào cái thời đại văn minh nầy, ấy là nhờ ơn bao nhiêu người ở các thời đại trải qua từ xưa. Họ đã phí bao nhiêu sức vóc và trí khôn rồi mới lần lần tạo ra cái văn minh thời nay vậy. Như vậy mà sao chúng ta lại mần ngơ đi mà không biết cho đành.

Nói trong một nước. Dân tộc Việt Nam chúng ta ngày nay ở khắp cả cõi bán đảo Đông Dương như vầy, có phải là tự chúng ta muốn ở thì ở đâu. Không phải vậy, mà là bởi tổ tiên chúng ta ngày xưa đã mất công khó nhọc trải bao nhiêu đời mới có chỗ chôn nhau cắt rún cho chúng ta ngày nay. Thế thì làm dân An Nam mà nói rằng tôi không biết sử An Nam làm sao đặng?

Người ta bất kỳ là ai, phải có biết về sử học, là do cái lẽ đó.

Nói rằng sử học thì nó bao hàm khí rộng quá, nên phải tách ra làm hai, là: sử học chuyên môn và sử học phổ thông.

Sử học chuyên môn là phần việc của những học giả nào chuyên về khoa ấy. Họ phải dùng cái phương pháp khoa học mà xét nét từng lời, so sánh từng việc, ấy là cái công việc khó khăn và tỉ mỉ không phải ai ai cũng làm được đâu. Thứ sử học mà chúng tôi nói mọi người đều phải biết đây, là thứ sử học phổ thông.

Sử học phổ thông lại chia ra làm hai phương diện: Sử của thế giới và sử của bổn quốc.

Đã nói rằng phổ thông, nghĩa là học theo một cái trình độ thông thường, ai ai cũng có thể học được, chớ không phải cao xa mầu nhiệm gì.

Thế giới sử hay là vạn quốc sử thì chỉ học cho biết trong thế giới có mấy giống người, có bao nhiêu dân tộc, có những nước nào và mạnh yếu ra sao, có những tôn giáo gì, có mấy thứ văn hoá, văn hoá nào phát nguyên từ đâu và tánh chất của nó thế nào, cùng là những điều đại khái khác mà mình nên biết. Nhứt là cái dấu tấn hoá của lịch sử thế giới thì mình cần phải chú ý đến.

Bổn quốc sử thì mình học cho kỹ hơn một chút, mình biết phải cho tường tận hơn một chút mới được, vì nó có quan hệ với mình chiều hơn là vạn quốc sử.

Đọc sử một nước cốt phải chia ra từng thời đại. [1] Mỗi một thời đại đều có một cái hoàn cảnh riêng. Rồi mỗi một thời đợi nào lại có nhân vật của thời đại ấy. Do hoàn cảnh sản xuất nhân vật, hoặc do nhân vật chế tạo ra hoàn cảnh, mà rồi trong thời đại ấy có sự biến động, thay đổi, làm cho một nước được bước lên đường tấn hoá. Ấy có thể gọi là cái công lệ của sử học.

Vậy, về phổ thông sử học, và về bổn quốc sử, chúng ta nên nhận rằng “thời đại” và “nhân vật” là hai cái cốt yếu cho sự biết của chúng ta. Chúng ta biết hai điều ấy rồi, có thể biết các điều quan hệ khác trong một thứ lịch sử.

Ấy cái lối phổ thông sử học là như thế.

Bởi vậy, Thần chung nay mai sắp mở một cuộc thi về lịch sử mà chuyên trọng về nhân vật và thời đại.

Ai muốn dự cuộc thi nầy phải lấy sử Việt mà đọc lại một bận đi, nghiên cứu về thời đại và nhân vật cho đích xác, rồi sẽ cứ theo chương trình của thí cuộc mà làm bài trả lời.

Ai dự cuộc thi nầy sẽ có hai điều lợi ích cầm chắc trong tay:

Một là giúp cho mình một dịp đặng học sử;

Hai là nếu trúng thức thì được một món tiền to.

THẦN CHUNG

Thần chung, Sài Gòn, s. 133 (thứ sáu, 28 Juin 1929)

[1] Từ này trong bài có chỗ viết “thời đại”, có chỗ viết “thời đợi” (NST)

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

THỂ LỆ CUỘC THI QUỐC SỬ

Bây giờ tưởng chư độc giả ai cũng biết ý nghĩa cuộc thi nầy.

Bổn báo xin nói về thể lệ.

Tài liệu cuộc thi − Kể từ thứ năm tới đây thì Thần chung sẽ cứ mỗi một ngày ấn hành một bài vắn vắn chép sự tích một ông danh nhơn ở quốc sử. Chúng tôi sẽ lựa chừng 30 vị mà phô bày tánh danh sự tích lên trên mặt báo. Chừng đăng đủ rồi thì để cho chư độc giả dự thi.

Hạng người được dự vào hội thi nầy Tôn chỉ cuộc thi nầy là cốt để phổ thông sử học. Vậy nên bất kỳ là ai cũng được dự vào. Miễn là có đủ mấy số có hình vẽ và sự tích mấy vị danh nhơn của Thần chung đã ấn hành và mấy cái “Bon pour concours” là đủ.

Cách thi Chừng bổn báo ấn hành đủ mấy vị danh nhơn trong quốc sử rồi thì độc giả coi theo sự tích trong đó và phải xem thêm mấy bản quốc sử cho rành hơn mà sắp thành thứ tự từ 1 cho tới 10. Chúng tôi dặn rằng phải đọc thêm quốc sử là bởi vì mấy bài đăng trong Thần chung là chỉ nói về đại lược, cốt để nhượng quyền tuyển trạch lại cho chư độc giả. Nhưng đã sắp rồi thì mỗi người dự thi phải viết một bài dài lắm là độ hai trương giấy cắt nghĩa tại sao mà sắp ba ông từ thứ 1 đến thứ 3.

Cách gởi bài đến thi

1/ Phải cắt đủ mấy cái hình [1] của báo Thần chung có đăng sự tích mấy vị danh nhơn đó.

2/ Phải đính theo mấy cái “bon pour concours” mà bổn báo sẽ đăng vào trong báo.

3/ Một cái biên bản sắp theo thứ tự mình lựa từ số 1 cho đến số 10.

4/ Phải đính theo biên bản trên đây một bài cắt nghĩa tại sao mình lại lựa ba người 1,2,3 như thế.

5/ Phải nhớ đề ngoài phong bì mấy chữ: “Cuộc thi quốc sử”

Cách lựa người trúng tuyển Cái bổn ý của chúng tôi là trọng về sự phổ thông và công chúng, nên cuộc thi nầy chúng tôi muốn làm như một cuộc tuyển sử để cho phần đông lựa lấy người trúng tuyển. Vậy nên hễ bao thơ nào gởi đến, thì bổn báo cứ để nguyên hiện, chờ đến ngày khai thăm mới mời đủ mặt các nhà báo cùng một ít người dự thi rồi mới dở ra. Cứ theo số thăm của người dự thi mà sắp thành ra một cái sổ. Giả tỷ như ông X. được 3000 người để đứng thứ nhứt mà số thăm ba ngàn là nhiều hơn hết thì biên vào sổ đứng thứ nhứt; ông Y. được nhiều thăm chịu để thứ nhì thì biên vào sổ thứ nhì, vân vân. Chừng khui thăm ra hết và chiếu theo số thăm mỗi người nhiều ít tuỳ theo thứ tự của phần đông đã định mà sắp thành một cái sổ đủ 10 tên gọi là cái “sổ công chúng”. Rồi coi lại trong mấy cái sổ gởi đến thi, sổ ai trúng y như sổ đó hay trúng gần sổ đó hơn là chấm đậu thứ nhứt; thứ nhì, thứ ba cũng vậy. Còn nếu như có nhiều sổ giống nhau thì sẽ do bài cắt nghĩa hay dở mà định thứ tự.

Phần thưởng riêng cho những bài hay − Ngoài các phần thưởng để cho mấy người sắp trúng theo sổ công chúng, thì bổn báo lại còn đặt riêng mấy phần thưởng long trọng để cho những bài gởi đến, tuy sai ý với phần đông, mà đúng theo sử học. Làm như vậy là có lòng muốn chẳng phụ bên nào hết, dư luận vậy, học thức vậy.

*

Điều lệ như vậy, nếu như còn có chỗ nào khuyết điểm thì kính xin chư độc giả chỉ giáo giùm làm sao cho được minh chánh, cho có cái kết quả mỹ mãn, thì chúng tôi sẽ vâng theo mà sửa lại.

Tiện đây chúng tôi cúi xin chư độc giả hiểu cho rằng Thần chung mà mở cuộc thi nầy là có ý muốn cho quốc sử đặng phổ thông, vậy xin hãy lấy cái ý nghĩa đó mà dự vào cho đông.

Còn như số bạc thưởng là một vật hèn mọn, chúng tôi xuất ra là cốt để thêm vui cho việc hữu ích, chớ chẳng có ý gì khác, xin độc giả lượng cho.

THẦN CHUNG kính khải

Thần chung, Sài Gòn, s. 135 (chủ nhật, 1 er Juillet 1929)

[1] Chỗ này bản gốc là “mấy cái đăng”, có lẽ có lỗi in sai, ở đây sửa là “mấy cái hình”, trỏ các hình vẽ đăng kèm theo mỗi bài kể sự tích nhân vật sử Việt. Thể lệ dự thi nêu yêu cầu cắt hình đính kèm bài dự thi cũng hàm nghĩa là yêu cầu người dự thi phải mua báo để đọc và cắt lấy hình đưa vào hồ sơ dự thi.

-------------------------------------------------------------------------------------------

PHẦN THƯỞNG CUỘC THI QUỐC SỬ

Phần thưởng mấy sổ trúng:

Hạng nhứt: 300 đồng

Hạng nhì: 200 đồng

Hạng ba: 100 đồng

Phần thưởng bài hay:

Hạng nhứt: 200 đồng

Hạng nhì: 150 đồng

Hạng ba: 50 đồng

Còn những đồ tặng hảo của các nhà buôn, rồi sẽ lục thục đăng lên báo Thần chung và chia ra làm nhiều phần thưởng khác.

Chúng tôi xin nhắc lại là sáng thứ năm [1] thì bổn báo sẽ bắt đầu đăng sự tích mấy vị danh nhơn trong quốc sử.

[1] Sáng thứ năm nói ở đây tức là ngày 4/7/1929.

Thần chung, Sài Gòn, s. 136 (thứ ba, 2 Juillet 1929)

--------------------------------------------------------------------------------------------

THỂ LỆ CUỘC THI QUỐC SỬ CỦA THẦN CHUNG

Vì theo ý muốn của phần đông trong các vị độc giả đã gởi thư đến cho bổn báo hay, nên nay xin sửa thể lệ cuộc thi nầy cho đặng giản tiện thêm một chút.

Cuộc thi chia ra làm hai giải:

1/ Giải thưởng sắp sổ

2/ Giải thưởng về luận thuyết

1/ Giải thưởng sắp sổ

Ai muốn dự thi thì cứ lựa trong ba chục cái biên bản có hình chép sự tích các danh nhơn nước Việt của Thần chung đương đăng mà cắt ra 10 tấm, sắp thành một cái sổ từ 1 đến 10 theo ý mình lựa.

Sắp rồi, xin biên rõ tên họ đính theo sổ sắp và mười tấm biên bản nói trên kia mà gởi cho bổn báo. Và nhớ đề ngoài bao thơ: “Cuộc thi Quốc sử”.

Phần thưởng:

Hạng nhứt: 300 đồng

Hạng nhì: 200 đồng

Hạng ba: 100 đồng

2/ Giải thưởng luận thuyết

Ai muốn dự thi về giải thưởng nầy thì chỉ lựa 1 người trong số 30 người của bổn báo đã đăng rồi làm một bài luận thuyết đừng dài quá 3 trương mà cắt nghiã tại sao, vì ý gì mà mình lại lựa người ấy cho là bực nhứt trong sử Việt.

Phần thưởng:

Hạng nhứt: 200 đồng

Hạng nhì: 150 đồng

Hạng ba: 50 đồng

Điều nên chú ý

Theo như thể lệ mới nầy về phần thưởng sắp sổ, ai dự thi cũng được, cứ lựa 10 tên là đủ.

Còn những kẻ nào, bấy lâu nay hoặc không đọc Thần chung, hoặc quên giữ đủ mấy tờ biên bản, thì ngay bây giờ cứ khỉ sự giữ đủ mấy cái biên bản kể từ ngày mai. Vì chừng đủ rồi bổn báo sẽ đăng lại vào phụ trương mấy cái biên bản đã xuất bản rồi.

THẦN CHUNG

Bản thể lệ sửa đổi này đăng Thần chung từ số 158 (30 Juillet 1929) và đăng liên tục đến các số trong đầu tháng 8/1929.

-----------------------------------------------------------------------------------

CUỘC THI QUỐC SỬ CỦA THẦN CHUNG

[sự tích các nhân vật sử Việt được đưa ra cho độc giả lựa chọn] (*)

1. Đinh Tiên Hoàng

Tiên Hoàng họ Đinh, tên Hoàn, người ở động Huê Lư, nay thuộc về tỉnh Ninh Bình, con của Đinh Công Trứ, ông nầy nguyên là nha tướng của Dương Đình Nghệ.

Tiên Hoàng thuở nhỏ thông minh lanh lẹ, võ nghệ hơn người. Vì mồ côi và nhà nghèo phải ở giữ trâu cho chủ mình. Trong đám trẻ chăn trâu thấy người hùng dõng khác thường, chúng thì đều phục tùng, tôn làm đàn anh. Chúng rủ nhau bẻ hoa lau làm cờ, chặt tre làm khí giới, bầu người làm tướng đi đánh nhau với trẻ chăn trâu làng khác, thì đến đâu các trẻ đều khiếp phục cả. Càng ngày càng lớn lên thì danh tiếng người càng lừng lẫy; gặp buổi loạn ly, các hào kiệt trong nước đều để ý trông mong về người.

Bấy giờ trong nước ta có 12 ông Sứ quân cai trị, mỗi người cát cứ một nơi, trong sử quen gọi là “Thời đại thập nhị sứ quân”.

Tiên Hoàng bèn nhơn dịp ấy, theo về với Trần Minh Công, là một trong 12 sứ quân, Minh Công thấy người con nhà tướng võ và có tài cán, mới dùng cho làm tướng cai quản binh lính. Được ít lâu, Trần Minh Công chết, người lên thay chức, thống lĩnh cả binh quyền, tự xưng là Đinh Bộ Lãnh.

Đinh Bộ Lãnh đem quân đi dánh dẹp các nơi, đi đến đâu thắng trận đến đó, bèn đổi hiệu là Vạn Thắng Vương. Trong mấy năm, người dẹp yên mười một sứ quân kia, họ không còn xưng hùng xưng bá nữa, người bèn lên ngôi hoàng đế, nhứt thống cả nước Nam, đóng đô tại Huê Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt.

Đinh Tiên Hoàng có công lớn đối với nước ta, vì người đã dẹp yên cái loạn 12 sứ quân, cứu dân ra khỏi vòng đồ thán, và đã nhứt thống nước Nam, đựng cờ độc lập, mở đường cho Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau nầy. (**)

(*) dòng chữ trong ngoặc vuông là do người sưu tầm (LNA) ghi thêm.

(**) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh Đinh Tiên Hoàng khi còn nhỏ, tập đánh trận giả với trẻ chăn trâu.

● Bản sự tích này đăng lần đầu ở Thần chung số 138 (4 Juillet 1929)

2. Lê Thái Tổ

Thái Tổ họ Lê, tên Lợi, người làng Lam Sơn, thuộc tỉnh Thanh Hoá bây giờ.

Cuối đời nhà Trần, Hồ Quý Ly cướp ngôi vua, người Minh mượn cớ ấy đem binh sang đánh, bắt cha con họ Hồ về Tàu rồi chiếm lấy nước ta, đặt quan cai trị, làm ra nhiều sự tàn ác. Như vậy hơn 20 năm, dân sự khốn khổ quá thì đâu đó đều ta thán.

Thái Tổ vốn có chí lớn, thấy thời thế làm vậy thì có ý muốn ra dẹp loạn để yên dân. Người Minh biết ý người thì dụ cho làm quan. Song người không chịu, nói rằng: Đại trượng phu nên yên nạn lớn, lập công lớn, há lại đi làm đầy tớ người ta ư?

Năm mậu tuất (1418) người nhờ có các tay hào kiệt phù giúp, dấy binh tại Lam Sơn, chống lại với quân nhà Minh.

Ban đầu Thái Tổ thua luôn mấy trận, nhiều lần suýt chết về tay quân Minh, song thế nào người cũng không núng, dốc một lòng lấy lại được nước cứu được dân mới nghe.

Chịu gian nan hiểm trở trong mười năm, về sau thế binh của người mạnh lên, trở thua làm được. Bấy giờ người đánh đuổi các quan tướng nhà Minh, chém Liễu Thăng ở núi Mã Yên, bắt sống được bọn Thôi Tụ, Hoàng Phước, thâu lại bờ cõi nước Nam. Người bèn lên ngôi hoàng đế, cơ nghiệp nhà Lê mở ra từ đó.

Các vua nhà Lê trị vì gần bốn trăm năm, võ công văn trị còn truyền lại trong sử xanh, làm vẻ vang cho dân Nam Việt, mà người là ông vua thứ nhứt vậy.

Giả sử lúc bấy giờ không có Lê Thái Tổ thì người Minh sẽ chiếm lãnh nước ta làm thuộc địa đời đời mà Việt Nam đã vong quốc từ đó rồi. Càng suy nghĩ đến chỗ ấy thì lại càng thấy cái công nghiệp của người đối với nước ta lớn lao là dường nào.

Có lẽ nhân vật nước Nam ta, từ xưa đến nay, Lê Thái Tổ là bực nhứt. (*)

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh nghĩa quân Lam Sơn giáp chiến với quân Minh.

● Bản sự tích này đăng lần đầu ở Thần chung số 139 (5 Juillet 1929)

3. Châu Văn An

Châu Văn An, tự là Linh Triệt, người làng Quảng Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc tỉnh Hà Đông, Thái học sanh về đời nhà Trần.

Tiên sanh có tánh điềm đạm không ham danh lợi, và ngay thẳng không sợ kẻ quyền quý; học rộng biết nhiều, bình sanh lấy sự dạy học truyền đạo làm trách nhiệm mình.

Tiên sanh có mở một trường dạy học tại làng mình. Học trò rất đông, có nhiều người về sau hiển đạt, như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát đều làm đến Tể tướng. Tiên sanh dạy rất nghiêm, dầu học trò làm nên quan lớn rồi, đối với tiên sanh cũng phải giữ lễ phép như hồi còn đi học. Trò nào có điều không phải, tiên sanh rầy la cho chừa đi mới nghe, không hề khoan thứ.

Vào đời vua Minh Tôn nhà Trần, tiên sanh có làm chức Tư nghiệp dạy trường Quốc Tử Giám.

Đời vua Dụ Tôn, việc chánh trị chốn triều đình bậy bạ, bọn gian nịnh chuyên quyền, tiên sanh dâng sớ xin chém bảy người quyền thần. Vua không nghe, tiên sanh bèn treo ấn từ quan, trở về làng cũ.

Bấy giờ tiên sanh dời ở làng Ái Kiệt thuộc tỉnh Hải Dương bây giờ, tự hiệu là Tiều Ẩn tiên sanh. Vua lại vời ra, song tiên sanh không đến. Bà Hiếu Từ thái hậu có lời khen tiên sanh rằng: Người ấy là bậc cao hiền, thiên tử không có quyền bắt làm tôi!

Thiên hạ bấy giờ ai cũng phục tiên sanh là cao. Còn sĩ phu thì coi tiên sanh như sao Bắc Đẩu, như núi Thái Sơn, danh vọng vô cùng.

Sau tiên sanh mất ở nhà, vua sai quan đến tế, và cho tùng tự ở miếu đức Khổng Tử, ngang với các bậc tiên nho.

Có lẽ nhân vật nước ta, từ xưa đến nay, Châu Văn An tiên sanh là bậc nhứt. (*)

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh các học trò là quan chức cung kính trước thầy Chu Văn An.

● Bản sự tích này đăng lần đầu ở Thần chung số 140 (6 Juillet 1929)

4. Quang Trung Đế

Vua Quang Trung tên là Nguyễn Văn Huệ, người làng Tây Sơn, tỉnh Bình Định, em chúa Tây Sơn là Nguyễn Văn Nhạc.

Người có tiếng vang như chuông, mắt sáng như chớp, sức mạnh tuyệt vời, lại có trí mưu quyền biến, mẹo mực như thần.

Ban đầu nhơn trong xứ có loạn, cùng anh là Nhạc dấy binh tại Tây Sơn; về sau đánh lan ra đến Thuận Hoá nhẫn bắc, tự xưng là Bắc Bình Vương.

Năm bính ngọ đời Cảnh Hưng (1786), người đem quân ra Bắc Hà, trừ họ Trịnh để giúp nhà Lê, rồi kéo quân trở về đóng đô tại Phú Xuân, và sai Văn Nhậm ra đánh Hữu Chỉnh, bắt được và giết chết, rồi lập Sùng Nhượng công làm giám quốc nhưng quyền bính thì người nắm vào tay mình.

Vua Chiêu Thống chạy sang Tàu cầu cứu. Nhà Thanh sai Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn quân qua đánh. Bắc Bình Vương được tin giận lắm, bèn lên ngôi hoàng đế, hiệu là Quang Trung. Rồi khởi hết thảy binh Đàng Trong kéo ra Bắc. Ngày 20 tháng chạp năm mậu thân kéo đến đèo Tam Điệp, truyền cho ba quân làm lễ nguyên đán, hẹn đến ngày mồng bảy tháng giêng năm sau, lấy lại thành Thăng Long rồi sẽ ăn Tết. Quả nhiên khi quân kéo đến vây đồn Hạ Hồi thì quân Tàu tan chạy. Vua Quang Trung thừa thắng đuổi đánh, giết tướng Tàu Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long, Thượng Huy Thăng và Sầm Nghi Đống. Còn Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy qua sông Nhị Hà, quân Tàu đổ theo xô nhau chết đắm dưới sông hàng mấy vạn người. Hôm ấy là mồng 5 tháng giêng, thành Thăng Long được khôi phục.

Người lại sai quân đuổi theo Sĩ Nghị đến Nam Quan mà phao ngôn lên rằng: Quân An Nam sẽ đuổi bắt cho được vua Chiêu Thống. Dân Tàu ở bên kia nghe vậy sợ hãi bồng trống nhau mà chạy, suốt vài trăm dặm không có người ở.

Từ đó vua Tàu tỏ ý muốn chiêu an. Người bèn sai sứ sang hoà với Tàu. Tuy vậy, người muốn thừa cơ lấy lại Lưỡng Quảng là đất nước Nam ngày trước, bèn đóng tàu mộ binh, định trong mấy năm nữa thì khai hấn mà đánh Tàu, song chẳng may lâm bịnh mà chết, mới có bốn chục tuổi.

Xưa nay người An Nam ta đối với Tàu chưa có ai oanh liệt bằng vua Quang Trung.

Có lẽ nhân vật nước Nam ta từ xưa đến nay, Quang Trung đế là bậc nhứt. (*)

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh vua Quang Trung trên ngựa cùng quân sĩ trên đường hành quân.

● Bản sự tích này đăng lần đầu ở Thần chung số 141 (7 và 8 Juillet 1929)

5. Trưng Nữ Vương

Xưa về thời nước ta thuộc vào nhà Đông Hán, ở huyện Mê Linh, thuộc tỉnh Phúc Yên bây giờ, có quan Lạc tướng sanh ra hai người con gái, nổi tiếng là nữ anh hùng. Người chị tên là Trưng Trắc, lấy chồng là Thi Sách, làm quan châu ở Chu Diên.

Quan Thái thú của Tàu bấy giờ là Tô Định, người rất tham tàn, nhơn có việc gì đó, kéo quân vây thành Chu Diên, giết mất Thi Sách.

Bà Trưng Trắc tức giận lắm, mới cùng em là Trưng Nhị chiêu binh mãi mã mà đánh trả thù cho chồng. Các hào kiệt trong nước nghe tin đều rủ nhau theo bà, cử binh đánh Tô Định. Tô Định cự không lại, lén chạy về Tàu.

Bà thừa thế đánh tràn, lấy được 56 thành về cõi Lãnh Nam, bèn tự lập làm vua, gọi là Trưng Vương. Bấy giờ ngang đời Hán Quang Võ, sau Thiên Chúa giáng sanh 40 năm.

Được ba năm, vua Quang Võ sai Mã Viện đem binh sang đánh. Bà Trưng Vương chống lại với Mã Viện, đánh nhau tại Lãng Bạc, tức là Tây Hồ gần Hà Nội bây giờ.

Đánh mấy trận, Trưng Vương đều thua cả, mới đem quân về giữ đất Cấm Khê; sau nữa, lại rút quân về Hát Môn.

Bà nghĩ rằng quân của mình là quân ô hợp, không tài nào chống lại Mã Viện được, mà hàng thì bà cũng không chịu hàng, bèn nhảy xuống sông Hát mà chết.

Em là Trưng Nhị thấy chị đã vì nước liều mình thì cũng nhảy xuống sông chết theo chị.

Kể nước ta từ hồi thuộc Tàu về đời Tây Hán cho đến bấy giờ hơn hai trăm năm mà chưa hề có người nào cử binh phục quốc hết, đàn ông còn không ai thay, huống chi đàn bà. Thế mà bà Trưng Vương đem thân bồ liễu gánh vác nước non, tuy thành công không trọn mà lưu danh đến muôn đời, khiến người sau [……](*) biết cái nền tự chủ là cần [……………………………….](*) thì cái công đề xướng của bà thật là lớn hơn hết thảy vậy.

Có lẽ nhân vật nước Nam, từ xưa đến nay, Trưng Nữ Vương là bậc nhứt. (**)

(*) Hai chỗ này, bản gốc để chấm lửng mỗi chỗ một đoạn dài, có lẽ là bị toà soạn bỏ.

(**) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh Trưng Vương cưỡi voi đánh giặc.

● Bản sự tích này đăng lần đầu ở Thần chung số 142 (9 Juillet 1929)

6. Trần Hưng Đạo

Trần Hưng Đạo, tên là Quốc Tuấn, người làng Tức Mặc, tỉnh Nam Định bây giờ, con của An Sinh vương Liễu, tức là tôn thất nhà Trần, được phong là Hưng Đạo vương.

Vương, người khôi ngô và thông minh sớm lắm; học rộng các sách, thông làu lục thao tam lược, thật là tài gồm văn võ.

Trong năm Nguyên Phong thứ 7 đời vua Thái Tôn nhà Trần (1257) có giặc Mông Cổ lấn vào địa phận Hưng Hoá, vua sai người cầm quân đuổi được giặc.

Đến đời vua Nhân Tôn, Mông Cổ lại sai bọn Thoát Hoan, Toa Đô, Ô Mã Nhi sang đánh nước ta. Vua bèn sai người tổng lãnh các đạo binh ra chống lại.

Bấy giờ thanh thế giặc đương lừng lẫy lắm, vua nhà Trần phải tạm lánh về Thanh Hoá. Vua thấy sự thế nguy cấp, muốn đầu giặc cho rồi, Hưng Đạo Vương không nghe, nói rằng: “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin chặt đầu tôi đi trước đã!” vua thấy nói cứng làm vậy, trong bụng mới yên.

Quả nhiên người cầm quân ra đánh thì phá được quân giặc ở Hàm Tử quan, lại chém được đại tướng là Toa Đô ở đất Tây Kết, còn Thoát Hoan phải kéo quân mà chạy.

Năm Trung Hưng thứ ba, Thoát Hoan lại cùng Ô Mã Nhi sang đánh nước Nam, Hưng Đạo Vương đem quân chống lại, phá quân Mông Cổ tại sông Bạch Đằng, giết Ô Mã Nhi. Quân giặc lại phải kéo chạy về Tàu.

Bấy giờ quân Mông Cổ sợ uy danh của người, không dám gọi tên mà gọi “Hưng Đạo Vương”, và từ đó về sau cũng không dám qua khuấy nhiễu nữa.

Ba lần chống nhau với quân Mông Cổ, người đã trải lắm nỗi gian nan, song vẫn một lòng không núng, nên cơ nghiệp nhà Trần nhờ đó mà bền vững, nước ta nhờ đó mà khỏi mất về tay giặc Nguyên.

Người lại có làm ra sách “Binh pháp yếu lược” để ban cho các tướng sĩ, và một bài hịch dạy dỗ các tướng sĩ rất hay.

Sau người về trí sĩ ở tại Vạn Kiếp, thọ ngoài 70 tuổi rồi mất, thì trên từ vua quan, dưới đến trăm họ thảy đều thương tiếc.

Vạn Kiếp bây giờ kêu là Kiếp Bạc, ở đó có nhà thờ Hưng Đạo Vương. Đến nay, mỗi năm gặp ngày 20 tháng 8 thì thiên hạ đi lễ bái rất đông, kêu bằng “ngày hội Kiếp Bạc”.

Có lẽ nhân vật nước ta, từ xưa đến nay, Hưng Đạo Vương là bậc nhứt. (*)

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh Hưng Đạo Vương chỉ huy quân ta đánh giặc.

● Bản sự tích này đăng lần đầu ở Thần chung số 143 (10 Juillet 1929)

7. Lý Thường Kiệt

Lý Thường Kiệt tự là Hy Liệt, người huyện Thọ Xương (tức là thành phố Hà Nội bây giờ). Người có tài, gồm cả văn võ. Lúc đầu, xuất thân làm thái giám. Đến đời vua Nhân Tôn nhà Lý, lên đến chức Thái uý.

Bấy giờ nước Chiêm Thành đến khuấy phá đất Nghệ An, vua sai Thường Kiệt cầm quân đi đánh. Thường Kiệt đánh quân Chàm lui về mãi, lấy được ba châu là Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh. Người bèn sai vẽ lấy địa đồ ba châu ấy, đổi tên Địa Lý làm phủ Tân Bình, Ma Linh làm Minh Linh, và đem dân đàng ngoài vô lập nghiệp ở đó. Ba châu ấy tức là đất Quảng bình , Quảng Trị bây giờ.

Sau đó, vua Thần Tôn nhà Tống sai Thần Khởi, Lưu Lộng ra coi Quý Châu, có ý dòm ngó nước ta. Vua Nhân Tôn bèn sai Thường Kiệt đánh thẳng sang nước Tàu, lấy được châu Khâm, châu Liêm, và vây châu Ung giết hại binh lính nhà Tống đến 10 vạn người.

Năm sau, vua Tống sai Quách Quỳ làm Chiêu Thảo sứ, đem 9 viên tướng, chia đường đi sang hội với nước Chiêm Thành, nước Chơn Lạp để khuấy nhiễu nước ta. Vua lại sai Thường Kiệt đi đánh, đánh trận nào thắng trận ấy, quân Tống phải bỏ mà chạy về.

Khi ấy, người xứ Nghệ An là Lý Giác nổi loạn. Giác có yêu thuật, làm cho cỏ cây biến thành binh mã, quan quân đánh mãi không trừ được, Thường Kiệt bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, tình nguyện xin đi đánh, thì dẹp tan được đám giặc ấy.

Nhân có những công to ấy, Thường Kiệt mới được phong là Đại vương và sau khi chết được phong làm phước thần. Mà nghĩ xứng đáng lắm, vì Thường Kiệt trước đã mở rộng đất đai cho nước nhà, sau lại đánh đuổi quân của ba nước một lần, thì thật là xưa nay ít có vậy.

Có lẽ nhân vật nước ta, từ xưa đến nay, Lý Thường Kiệt là bậc nhứt. (*)

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh Lý Thường Kiệt trên ngựa vung gươm dẫn đầu đoàn quân.

● Bản sự tích này đăng lần đầu ở Thần chung số 144 (11 Juillet 1929)

8. Gia Long Đế

Đức Gia Long là con thứ ba đức Hưng tổ, và là cháu đức Dệ Tôn.(*) Buổi ấy đức Dệ Tôn đương nối nghiệp chúa ở Thuận Hoá, trong có quyền thần là Trương Phước Loan, ngoài có bọn Tây Sơn nổi loạn ở phía Nam, tướng Trịnh là Hoàng Ngũ Phước xâm lấn ở phía Bắc, cơ nghiệp nhà Nguyễn coi ra nguy ngập lắm. Khi Thuận Hoá bị thất thủ thì người theo đức Dệ Tôn ra chạy. Sau đức Dệ Tôn bị nạn, người phải trốn tránh mãi, cho đến năm 1779 thì người lên nối nghiệp chúa ở Sài Gòn.

Bấy giờ thế giặc Tây Sơn lừng lẫy lắm, người đánh nhau với chúng mà bị thua hoài, rồi thành Sài Gòn bị mất về tay Tây Sơn. Sau khôi phục được, nhưng lại mất lần nữa, người phải chạy ra Phú Quốc đảo để lánh nạn.

Bấy giờ người nghe có cố đạo Bá Đa Lộc là tay có tài, bèn mời tới cùng bàn việc nước, rồi gởi con trai là Đông cung Cảnh nhờ ông ấy đem sang Tây cầu viện binh. Còn chính mình đức Gia Long thì chạy qua Xiêm.

Ở Xiêm, người có giúp vua Xiêm đánh tan được giặc Miến Điện. Vua Xiêm có đem quân viện người đánh với Tây Sơn, song bị thua.

Độ hơn ba năm, Bá Đa Lộc đưa Đông cung Cảnh về nước, tuy bên Tây không viện binh sang, nhưng nhờ đó người biết đường mua tàu mua súng mà đánh lại Tây Sơn và thắng luôn mấy trận.

Năm tân dậu, người kéo quân ra khôi phục được Thuận Hoá. Từ đó đánh tràn ra đàng ngoài, diệt Tây Sơn định Bắc Hà, rồi nhứt thống cả Nam Bắc.

Năm sau người lên ngôi thiên tử, đặt hiệu là Gia Long, hiệu nước là Việt Nam.

Đức Gia Long có công rất lớn đối với nước ta. Vì người chẳng những dẹp yên loạn lạc, làm cho dân được làm ăn yên ổn, mà lại mở thêm được sáu tỉnh Nam Kỳ, khiến cho bờ cõi nước Nam mình thêm rộng ra.

Có lẽ nhân vật nước Nam ta từ xưa đến nay, Gia Long đế là bậc nhứt. (**)

(*) Dệ Tôn nói ở đây có lẽ là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (ở ngôi chúa: 1765-75), về sau được triều Nguyễn truy phong là Nguyễn Duệ Tông.

(**) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh Gia Long cùng Bá Đa Lộc và tướng lĩnh đứng cạnh khẩu thần công quan sát trận địa.

● Bản sự tích này đăng lần đầu ở Thần chung số 145 (12 Juillet 1929)

9. Tô Hiến Thành

Tô Hiến Thành làm quan đời vua Anh Tôn nhà Lý, có tài gồm cả văn võ, có công đánh phá Ai Lao và Mọi Ngưu Hống, lại nã bắt được đảng giặc Thân Lợi nên thăng đến chức Thái uý.

Bấy giờ quân Chiêm Thành thường vượt biển ra làm giặc ở miền duyên hải, Hiến Thành vâng mạng đi đánh, kéo quân vào đến nước Chiêm, nhưng chưa vội đánh, chỉ đưa một bức thơ thiết trách vua Chiêm, thì vua Chiêm sợ, sai sứ đem lễ xin hoà, Hiến Thành bèn kéo quân về.

Nguyên vua Anh Tôn có hai con trai là Long Xưởng và Long Cán. Long Xưởng tuy lớn song bị tội, nên vua truất đi mà lập Long Cán hầu để sau nối ngôi mình. Nhưng Long Cán tuổi mới lên ba, vua bèn nấy [*] cho Hiến Thành làm cố mạng đại thần để một mai vua băng rồi thì phò Long Cán tức vị.

Khi Anh Tôn mất, bà Thái hậu muốn lập lại Long Xưởng, song sợ Hiến Thành không nghe, bèn sai đem vàng hối lộ cho vợ Hiến Thành mà xin nói giùm. Hiến Thành biết được, nói rằng: “Ta là đại thần, nhận lời di chiếu giúp vì ấu chúa, nếu lấy của hối lộ, bỏ vua nầy lập vua khác, thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới đất ư?”

Thái hậu lại vời Hiến Thành đến, khuyên dỗ đủ điều, nhưng người nhứt định không nghe, nói rằng: “Làm điều bất nghĩa mà được giàu sang, người trung thần nghĩa sĩ không thèm làm đâu!” Thế là cái kế của Thái hậu không thi hành được.

Khi Long Cán lên ngôi rồi, Thái hậu còn họp triều thần mưu việc phế lập. Nhưng bầy tôi không ai dám theo Thái hậu hết vì sợ Hiến Thành. Bởi chưng Hiến Thành phò vua giúp nước theo đường trung trực và lẽ công bình nên ai cũng phục tùng mà không dám có hai lòng vậy.

Tuy rằng [**] Hiến Thành chỉ có công với nhà Lý, nhưng là một người có tài cán hơn người, và nhứt là có đạo đức rất đúng đắn, có phẩm hạnh rất cao siêu, cái nhân cách ấy tưởng cũng đủ làm tiêu biểu cho sĩ phu đến muôn đời vậy. Mà một dân tộc sở dĩ được vẻ vang là chỉ nhờ có đạo đức.

Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, Tô Hiến Thành là bực nhứt. [***]

[*] Nấy: phú cho, giao cho (H. T. Paulus Của: Đại Nam quấc âm tự vị, 1895-96)

[**] Chỗ này bản gốc là “Tuy vẫn”, ngò có in sai, ở đây tạm sửa là “Tuy rằng”

[***] Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh vua Anh Tông gửi Long Cán cho Tô Hiến Thành.

Bản sự tích này đăng lần đầu ở Thần chung số 146 (16 Juillet 1929)

10. Lý Nam Đế

Sau Trưng Nữ Vương chừng 500 năm, nước ta cũng còn thuộc về nước Tàu; bấy giờ vua nhà Lương bên Tàu sai Tiêu Tư sang làm Thứ sử, cai trị nước ta. Tiêu Tư là người hung ác, dân ta oán hận nhiều lắm, ai cũng sẵn lòng muốn đánh đuổi người Tàu về.

Khi ấy ở Thái Bình có một người tên là Lý Bôn, tổ tiên người vốn ở bên Tàu mà qua ở bên ta đã bảy đời, thành ra người An Nam, tài kiêm văn võ, thấy nước mình, trong thì bị người Tàu làm khổ, ngoài thì có quân Lâm Ấp cướp phá, mới cùng hào kiệt nổi binh đánh đuổi Tiêu Tư về Tàu.

Đánh đuổi Tiêu Tư về Tàu vừa xong thì quân Lâm Ấp lại vào khuấy phá, Lý Bôn sai tướng là Phạm Tư ra đánh một trận ở Cửu Đức, quân Lâm Ấp phải thua chạy về nước.

Đến năm giáp tý đời nhà Lương (544), Lý Bôn tự xưng làm Hoàng đế, quốc hiệu là Vạn Xuân, niên hiệu là Thiên Đức.

Sau đó Tàu sai Trần Bá Tiên qua đánh dẹp nước ta. Lý Nam Đế đánh với Bá Tiên mấy trận đều bị thua, bèn giao binh quyền lại cho tướng mình là Triệu Quang Phục mà rút về đóng trong động Khuất Liêu, tính ở đó nuôi thế lực để chờ cơ hội khác, song không được bao lâu thì thác.

Lý Nam Đế làm vua kể được bốn năm mà thôi, song nối dấu Trưng Vương mà mở nền tự chủ cho nước ta tức là ông ấy. Huống chi, người lại bắt đầu xưng Hoàng đế, đặt niên hiệu, thật đã gây ra cái quy mô lập quốc cho nước ta.

Nam Đế tuy mất rồi mà tướng của người là Triệu Quang Phục nổi lên xưng là Triệu Việt Vương; sau đó con trai của người là Lý Phật Tử còn kế nghiệp cha mà xưng đế lần nữa; kể cả ba triều ấy giành nước Nam lại trong tay người Tàu mà tự chủ được 60 năm, thật là công của Lý Bôn khai sáng ra vậy.

Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, Lý Nam Đế là bậc nhứt. [*]

[*] Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh quân của Lý Nam Đế giáp chiến với quân nhà Lương.

● Bản sự tích này đăng lần đầu ở Thần chung số 147 (17 Juillet 1929)

11. Ngô Vương Quyền

Vào khoảng 400 năm sau Lý Nam Đế, Dương Đình Nghệ nổi lên đánh đuổi quân Tàu, chiếm nước được 6 năm thì bị tướng mình là Kiều Công Tiễn giết đi.

Bấy giờ, Ngô Quyền, người Ái Châu, tức Nghệ An bây giờ, cũng là tướng của họ Dương, bèn cử binh đánh Kiều Công Tiễn trả thù cho chúa.

Kiều Công Tiễn sai sang cầu cứu bên Tàu. Vua nhà Nam Hán bèn sai Thái tử Hoàng Thao sang cứu viện, còn chính mình vua đóng quân ở Hát Môn để tiếp ứng.

Khi quân Hoàng Thao vào gần đến sông Bạch Đằng thì bên nầy Ngô Quyền đã giết được Kiều Công Tiễn rồi bèn sai người dùng cây nhọn có bịt đốt sắt mà cắm trước dưới lòng sông để chờ quân Tàu sang. Vừa khi nước lên, đem quân ra khiêu chiến thì quân Nam Hán đuổi theo, đến lúc nước ròng, Ngô Quyền hồi quân đánh áp lại, quân Nam Hán thua chạy, bao nhiêu thuyền mắc vào cọc sắt thủng nát hết cả. Và chìm mà chết quá nửa quân lính. Hoàng Thao bị Ngô Quyền bắt được và giết. Vua Nam Hán nghe tin ấy, phần thương con, phần sợ chết, liền kéo quân về, không dám sang nữa.

Ngô Quyền đánh được quân Tàu rồi, tự xưng làm vua, đóng đô ở Cổ Loa. Khi trong nước yên rồi, Ngô Vương đặt quan chức, chế triều nghi, định phục sắc và chỉnh đốn mọi việc chánh trị trong nước. Chẳng may làm vua được sáu năm thì mất.

Sách An Nam sử lược phê bình rằng: “Ngô Vương trong thì giết được nịnh thần, báo thù cho chúa, ngoài thì phá được cường địch giữ vững nước nhà; thậy là một người trung nghĩa danh lưu thiên cổ.” Mà cũng nhờ có tay Ngô Quyền nước Nam ta mới rửa được cái nhục nô lệ hơn một ngàn năm, mà mở đường cho Đinh, Lê, Lý, Trần về sau nầy được tự chủ ở cõi An Nam!

Có lẽ nhân vật nước Nam ta từ xưa đến nay, Ngô Vương Quyền là bậc nhất.(*)

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh quân dân chuyển gỗ đóng cọc xuống lòng sông Bạch Đằng.

● Bản sự tích này đăng lần đầu ở Thần chung số 149 (19 Juillet 1929)

12. Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiệu là Bạch Vân Am cư sĩ, người làng Trung Am tỉnh Hải Dương, lúc mới sanh ra có tướng lạ, chưa giáp năm đã biết nói. Lớn lên, theo học với ông Bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở Thanh Hoá. Lương Đắc Bằng chuyên trị sách Thái ất thần kinh, tinh nghề lý số, việc gì cũng biết trước. Nguyễn Bỉnh Khiêm học được chánh truyền của thầy.

Bấy giờ nhà Lê suy vi, họ Mạc lên tiếm ngôi. Người suy tính biết rằng nhà Lê sẽ trung hưng, nhưng còn lâu lắm, bèn ra đi thi trong đời Đại Chính nhà Mạc, thì đậu Trạng nguyên, năm ấy người đã 44 tuổi. Đậu rồi, ra làm quan được 8 năm thì người cáo về ở ẩn. Từ đó người dứt bỏ việc đời, không thèm đua chen vòng danh lợi, khi thì thả thuyền đi chơi biển, khi thì cùng các nhà sư đi dạo các danh sơn, đi đến đâu thì ngâm vịnh đến đó, về sau thơ dồn thành tập, kể có mấy ngàn bài.

Người tuy ở nhà, nhưng vua Mạc vẫn kính trọng lắm, mỗi khi triều đình có việc lớn thì sai sứ đến hỏi tận nhà, hoặc mời người đến kinh mà hỏi. Nhà Mạc phong cho người làm Trình Quốc công, vì vậy người ta quen gọi là “trạng Trình”.

Đến lúc nhà Lê trung hưng, họ Mạc phải chạy lên Cao Bằng, thì trong nước lại có họ Trịnh và họ Nguyễn đương quyền. Người bấy giờ già rồi, không hề đi đâu, chẳng hề làm tôi ai, mà ai cũng đều tôn người như là vị quốc sư. Ba chúa ấy, chúa Mạc, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, mỗi gặp việc gì hồ nghi cũng đều sai sứ đến cầu vấn nơi người, mà người đáp cho câu nào cũng trúng cả. Người biểu thế nào thì ba chúa làm theo thế ấy mà ai nấy cũng được việc mình.

Người thọ 95 tuổi thì mất. Có học trò rất đông mà thành đạt cũng nhiều. Học trò tôn hiệu người là Tuyết Giang phu tử.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà bác học và phẩm hạnh rất cao siêu.

Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, Nguyễn Bỉnh Khiêm là bậc nhứt. (*)

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh Nguyễn Bỉnh Khiêm ngồi trên thuyền ngoạn cảnh nước non.

● Bản sự tích này đăng lần đầu ở Thần chung số 151 (21 và 22 Juillet 1929)

13. Phạm Ngũ Lão

Phạm Ngũ Lão nguyên là người học trò ở làng Phò Ủng thuộc tỉnh Hưng Yên bây giờ, sau theo Trần Hưng Đạo vương đáng giặc Nguyên, có công lớn được phong là Điện tiền đại tướng quân.

Người thuở nhỏ đã có chí lớn. Lúc 20 tuổi, trong làng có người thi đậu tấn sĩ, về ăn mừng. Mẹ người biểu đến mừng, Ngũ Lão thưa rằng: Con chưa làm nên gì để vui lòng mẹ mà đi mừng người ta thì lấy làm sỉ nhục lắm!

Ngũ Lão lại thường ngâm một bài thơ chữ nho, dịch ra nôm rằng:

Ngọn giáo non sông trải mấy thâu,

Ba quân tì hổ át sao Ngâu.

Công danh nếu để còn vương nợ,

Luống thẹn tai nghe truyện Võ Hầu.

Ngũ Lão chẳng những hay chữ mà thôi, lại giỏi nghề võ nữa, một mình địch được muôn người, thật đáng mặt “kiêm tài văn võ”.

Về sau gặp Hưng Đạo vương, vương thấy người có tài, bèn cho ngồi xe đem về kinh, dâng cho vua Thánh tôn nhà Trần.

Vừa gặp quân Mông Cổ sang khuấy nhiễu, Ngũ Lão đem quân theo Hưng Đạo vương đánh giặc, thì đánh trận nào thắng trận nấy, lập nên công trạng rất nhiều.

Kể ba lần giặc Nguyên sang đánh nước ta mà Hưng Đạo vương đều đánh đuổi được cả, là phần nhiều nhờ tay Phạm Ngũ Lão.

Sau đó, nước Ai Lao đem hơn một vạn voi sang phá đất Thanh Nghệ, vua sai Ngũ Lão cầm quân đi đánh, thì cũng đuổi được giặc và giữ cho miền Thanh Nghệ được yên ổn.

Một người thiếu niên mà có văn võ toàn tài, nhiều lần đánh đuổi giặc ngoài, giữ yên nhà nước, như Phạm Ngũ Lão vậy, thật là hiếm có. Cho nên hiện nay ở làng Phò Ủng có miếu thờ người; và hễ ở đâu có thờ Hưng Đạo vương thì cũng có thờ Phạm Điện soái, vì công của người chẳng kém gì Hưng Đạo vậy.

Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, Phạm Ngũ Lão là bậc nhứt. (*)

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh Phạm Ngũ Lão ra mắt Hưng Đạo vương.

● Bản sự tích này đăng lần đầu Thần chung số 153 (24 Juillet 1929)

14. Phò Đổng Vương

Về đời vua Hùng Vương thứ sáu, nước ta thái bình, dân ta giàu có, mà vua không triều cống vua nhà Ân bên Tàu. Vua nhà Ân thấy vậy, định đem binh qua đánh nước Nam.

Vua Hùng Vương lo sợ, sai sứ giả đi khắp nơi trong nước để cầu người nào có tài cự lại với giặc.

Bấy giờ ở làng Phò Đổng, quận Võ Ninh (bây giờ là Võ Giàng) có một ông nhà giàu, già rồi mà chỉ sanh được một con trai. Con trai lên ba tuổi mà chưa đứng đi được, vẫn cứ nằm ngửa trong nôi, cũng không biết nói nữa.

Khi sứ giả đi qua làng ấy, người mẹ chỉ đứa con trai mà nói chơi rằng: “Đẻ được một chút con trai mà nó không biết đứng biết đi, làm sao đánh được giặc để mà lãnh thưởng đền ơn sanh thành cho cha mẹ!”

Đứa bé bỗng tự nhiên biết nói, biểu mẹ mời sứ giả đến nhà. Khi sứ giả đến, tiểu nhi ngồi dậy liền, nói với sứ giả rằng: “Sứ giả khá mau trở về tâu lại cùng vua, ban cho ta một con ngựa sắt, một thanh gươm và một cái nón sắt, rồi ta sẽ đuổi giặc cho, xin vua đừng lo.”

Sứ giả về tâu lại. Vua mừng lắm, truyền ban cho tiểu nhi đủ ba vật ấy.

Từ khi tiểu nhi tiếp kiến sứ giả rồi, biết đứng biết đi, và ăn uống gấp lên, rồi mỗi ngày một lớn quá người thường.

Khi sứ giả đem ngựa, gươm và nón đến cho tiểu nhi thì vừa giặc Ân kéo đến núi Châu Sơn (thuộc huyện Tiên Du bây giờ). Tiểu nhi vươn mình đứng lên, cao hơn hai trượng, cầm gươm đội nón, cỡi ngựa như bay mà xông ra đuổi giặc, tự xưng là “Thiên tướng”.

Thiên tướng đi trước xông vào trận giặc, quan quân kéo sau, làm cho giặc tan chạy, từ đó không dám trở qua khuấy nhiễu nữa.

Khi giặc tan rồi, Thiên tướng đến tại núi Ninh Sóc, cổi áo bỏ đó rồi phóng ngựa bay lên trời. Bây giờ vẫn còn di tích ở trên núi. Chỗ con ngựa thét ra lửa cháy mất một làng, nay còn kêu là “làng Cháy”. Các triều về sau phong là Phò Đổng Thiên Vương. Làng Phò Đổng tục kêu là làng Gióng nên cũng gọi Thiên Vương là Thánh Gióng.

Ở nước ta Phò Đổng Vương là người dẹp giặc Tàu thứ nhứt.

Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, Phò Đổng Vương là bậc nhứt. (*)

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh Phù Đổng Thiên Vương cõi ngựa bay về trời.

● Bản sự tích này đăng lần đầu ởThần chung số 154 (25 Juillet 1929)

15. Mạc Đĩnh Chi

Mạc Đĩnh Chi người làng Lũng Đồng, huyện Chí Linh (thuộc tỉnh Hải Dương bây giờ).

Đĩnh Chi sinh ra, người xấu xí mà lại nhỏ loắt choắt, giống hình con khỉ con, mới năm tuổi đã có tài thông minh hơn người.

Năm 20 tuổi, khoa giáp thìn đời vua Anh Tôn nhà Trần, Đĩnh Chi thi đậu Trạng nguyên. Số là văn của người đáng đỗ đầu song vua thấy hình dạng xấu xa, [*] toan không cho đỗ mà lấy người khác, Đĩnh Chi bèn làm bài phú “Ngọc tỉnh liên” để sánh với mình. Vua thấy vậy mới lại cho đỗ trạng.

Đậu rồi người ra làm quan, và có đi sứ sang Tàu.

Trong khi Đĩnh Chi đi sứ bên Tàu, có tỏ ra nhiều tài nghệ cho người Tàu biết mình là tay học giỏi. Trong sử có chép những sự người đối nhiều câu đối khó, xé bức liễn “trúc tước” ở chốn công đường và đề thơ quạt, làm bài văn tế bà công chúa, v.v… khiến cho người Tàu thảy đều kính phục, thật là một nhà văn học ít ai bì kịp.

Đĩnh Chi còn có tiếng về đức thanh liêm nữa.[**] Vua Minh Tôn nhà Trần biết như vậy, có một lần thử người. Đương ban đêm, sai kẻ đem 10 quan tiền bỏ trong cửa nhà Đĩnh Chi. Đến mai, Đĩnh Chi vào chầu, thuật lại chuyện ấy và xin bỏ số tiền đó vào kho. Vua Minh Tôn nói rằng: “Tiền ấy là của vô chủ, không có ai nhận, thôi ngươi cứ lấy mà tiêu”. Người mới nhận lấy.

Văn chương của người nhiều lắm mà bài nào cũng hay, xứng đáng một nhà văn học đại gia. Tánh lại hiền hậu, có độ hơn người. Bởi vậy để phước cho con cháu về sau, dòng dõi người nhiều người hiển đạt.

Mạc Đăng Dung cũng là con cháu của Đĩnh Chi. Khi nhà Mạc làm vua nước Nam, truy phong cho người làm Huệ Việt Linh Thánh đại vương.

Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, Mạc Đĩnh Chi là bậc nhứt. [***]

(*) Từ “xấu xa” dùng ở đây không chuẩn xác.

[**] Mấy từ đầu câu này không rõ, vì nằm ở chỗ báo bị gập lại, bản chụp bị mờ khuất; ở đây tạm đoán, do nhìn tơng đối rõ mấy từ “đức thanh liêm nữa”

(***) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh Mạc Đĩnh Chi hội kiến quan lại Trung Hoa.

● Bản sự tích này lần đầu đăng Thần chung số 156 (27 Juillet 1929)

16. Lê Đại Hành

Lê Hoàn là người Ái Châu, nguyên làm Thập đạo tướng quân nhà Đinh, sau vì có quân nhà Tống sang lấn, quân sĩ bèn tôn người lên làm vua để chống lại. Người bèn xưng Hoàng đế, đặt niên hiệu là Thiên Phước. Sau khi người thăng hà rồi mới đặt niên hiệu là Đại Hành.

Bấy giờ vua nhà Tống đưa thơ qua trách Đại Hành sao được xưng đế, và biểu phải bắt mẹ con vua Phế đế nhà Đinh đem nộp bên Tàu rồi vua Tàu sẽ phong tước cho Đại Hành. Đại Hành biết vua nhà Tống muốn lừa mình bèn không chịu.

Năm tân tỵ (881), nhà Tống sai bọn Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng đem binh sang đánh An Nam. Khi quân Tàu sang đến sông Bạch Đằng, bị Đại Hành lập mưu đánh cho thua chạy, giết được Hầu Nhân Bảo, và bắt sống được hai viên tướng nhà Tống đưa về Hoa Lư.

Quân An Nam tuy thắng trận, nhưng Đại Hành sợ thế lực không chống với Tàu được lâu, bèn sai sứ sang trả hai viên tướng đã bắt được và xin theo lệ cống hiến. Vua nhà Tống cũng muốn hoà, bèn phong cho Đại Hành Tiết độ sứ. Tuy vậy, ở trong nước thì Đại Hành cứ xưng hoàng đế như thường.

Lúc Đại Hành mới lên ngôi có sai sứ sang Chiêm Thành mà bị vua nước ấy bắt giữ lại. Khi đánh thắng được Tàu người bèn khởi binh đánh Chiêm Thành để báo thù. Quân An Nam vào kinh đô Chàm, huỷ phá tôn miếu, bắt được người và lấy được của cải nhiều lắm. Từ khi thắng được cả Tàu cả Chiêm Thành, thanh thế nước Nam rất là lừng lẫy.

Người trị vì được 24 năm thì mất, là ông vua thứ nhứt mở cơ nghiệp nhà Tiền Lê. Người đã giỏi về thuật dụng binh lại giỏi về thuật ngoại giao nữa, nhờ đó làm cho nước ta khỏi bị mất về nước Tàu và nhân dân được làm ăn yên ổn trong đời ấy.

Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, Lê Đại Hành là bậc nhứt.

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh Lê Hoàn trên ngựa hành binh cùng quân sĩ.

● Bản sự tích này lần đầu đăngThần chung số 157 (28 và 29 Juillet 1929).

17. Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi người làng Nhị Khê, huyện Thượng Phước, con trai của ông Nguyễn Phi Khanh. Người học rộng tài cao, đã giỏi nghề văn chương lại gồm thông cả thao lược. Đầu tấn sĩ và làm quan hồi còn nhà Hồ; sau nhà Hồ mất, người về ở ẩn tại núi Côn Sơn, có chí muốn ra dẹp loạn cứu đời.

Nguyên lúc nhà Minh đem quân qua đánh nước ta, bắt cha con họ Hồ, thì bắt luôn cả ông Nguyễn Phi Khanh mà giải về Tàu. Trong khi điệu đi, Nguyễn Trãi khóc lóc mà đưa cha mình, có ý muốn theo luôn cha để giúp đỡ trong cơn hoạn nạn. Song Nguyễn Phi Khanh không cho, bảo phải về lo trả thù cho cha và cho nước, còn hơn là đi theo vô ích. Nguyễn Trãi bèn trở lại, từ đó càng giục lòng về quốc sự, thề cùng quân Minh chẳng đội trời chung. Bấy giờ dân gian có truyền một câu sấm rằng: “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”. Người thấy vậy thì có lòng tự phụ, và trong dân tin lời sấm, thì ai cũng để lòng trông mong cho vua Lê Thái Tổ và người.

Nguyễn Trãi là người thứ nhứt chung cùng với vua Lê Thái Tổ mà mưu việc khởi binh để đuổi người Minh. Thái Tổ cùng quân Minh đánh nhau dư trăm trận, về sau chém được Liễu Thăng, bắt sống được Thôi Tụ, Hoàng Phước, đuổi được Mộc Thạnh, hàng được Vương Thông, dẹp sạch giặc Tàu, dựng lại cơ đồ Đại Việt, đều là nhờ mưu lược của Nguyễn Trãi vậy.

Kể từ khi vua Thái Tổ khởi binh cho tới khi dẹp được giặc rồi, trở lại hoà với nhà Minh, nội những từ lịnh về việc quân và giấy mực về việc giao thiệp đều do Nguyễn Trãi làm ra cả. Văn chương của người hùng dũng lắm; khi đại định rồi, người có vâng mạng vua thảo bài “Bình Ngô đại cáo”, bài ấy có chép vào trong sử, để một cái kỷ niệm đến đời đời, ngày nay đọc đến vẫn lấy làm khoái chá.

Người vì có công lớn nên được phong tước Lê Văn Hầu, là bực nhứt trong hàng khai quốc công thần nhà Lê. Chẳng những vậy thôi, mà lại có tánh điềm đạm, không ham danh lợi, cũng có phẩm cách cao siêu, đáng cho người đời sau sùng bái.

Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, Nguyễn Trãi là bậc nhứt. (*)

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh Nguyễn Phi Khanh, cổ đeo gông hai tay bị còng, bảo con là Nguyễn Trãi trở về.

● Bản sự tích này đăng lần đầu trên Thần chung số 159 (31 Juillet 1929).

18. Lý Ông Trọng

Xưa kia ở làng Thụy Vương (tục gọi làng Chèm, huyện Từ Liêm) có người họ Lý tên Thân, hiệu là Ông Trọng, cao 2 trượng 6 thước, khoẻ mạnh tuyệt trần.

Bấy giờ nhằm đời Thục An Dương Vương, nhà Tần đem binh sang đánh nước Nam, An Dương Vương xin hàng rồi đem Ông Trọng sang cống cho Tần, vì cho là một người lạ.

Vua nhà Tần được Lý Ông Trọng thì mừng lắm, coi như một của rất quý, dùng làm quan Tư lệ hiệu uý liền, và sai ra trấn thủ đất Lâm Thao để phòng nghị mọi Hung Nô. Ông Trọng vì cái oai võ nên danh tiếng vang lừng, Hung Nô nghe tên thì sợ thất thần, không hề dám đến gần cửa ải. Vua Thỉ Hoàng nhà Tần càng quý trọng lắm, phong cho làm Phụ Tín hầu.

Sau Ông Trọng cáo lão trơ về bổn quốc. Mọi Hung Nô thấy vắng Ông Trọng, lại vào làm giặc chốn biên thuỳ, Thỉ Hoàng sai sứ qua vời người lại thì bấy giờ người đã mất rồi. Sứ giả về tâu, vua Tần thương tiếc vô cùng, bèn khiến đúc tượng người bằng đồng, đặt nơi cửa Tư Mã cung Hàm Dương. Tượng to lắm, trong rỗng chứa đến vài mươi người. Khi có người Hung Nô vào chầu, vua sai nhiều lính rúc trong bụng tượng đồng mà vặn máy ở trỏng cho tượng cử động. Hung Nô thấy vậy, tưởng Ông Trọng còn sống thật, không dám vào khuấy nhiễu nữa.

Sau khi Ông Trọng chết đã mấy trăm năm mà vẫn còn hiển thánh nhiều lần. Sử chép rằng khi Cao Biền đánh giặc Nam Chiếu, nhờ Ông Trọng hiển thánh giúp cho, nên Biền lập đền thờ, gọi là đền Lý Hiệu uý. Đền thờ ở làng Chèm, đến nay vẫn còn thờ phượng, dân sự xưng người là “Thánh Chèm”.

Lý Ông Trọng thật là người rất lạ ở nước ta, lạ cho đến vua Tàu đúc tượng mà ghi công, quân Hung Nô nghe tên mà khiếp sợ, tuy đối với nước ta không có công trạng gì, mà thật là có ảnh hưởng lớn lắm, vì một người như thế, danh tiếng lẫy lừng ở ngoại quốc bao nhiêu, tức là vẻ vang cho bổn quốc bấy nhiêu vậy.

Có lẽ nhân vật lịch sử nước ta từ xưa đến nay, Lý Ông Trọng là bậc nhứt.(*)

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh Lý Ông Trọng ra mắt vua Tàu.

● Bản sự tích này đăng lần đầu trên Thần chung số 161(2 Aout 1929)

19. Bố Cái Đại Vương

Về thời nội thuộc nhà Đường, ở quận Đường Lâm (thuộc tỉnh Sơn Tây bây giờ) có ông Phùng Hưng, nguyên đời đời được tập phong làm quan lang vùng ấy. Người có sức mạnh lạ thường, nhà lại giàu có, quyền hành nhứt trong quận, Mường Mán đâu đâu cũng phục tùng.

Trong năm tân vị hiệu Trinh Nguyên nhà Đường (791), quan Đô hộ là Cao Chánh Bình bắt dân đóng sưu thuế nặng nề, lòng người oán giận. Bấy giờ lại có đám loạn quân khởi biến, ông Phùng Hưng bèn cùng em là Phùng Hải khởi binh đi dẹp loạn, đi đến đâu tan đến đó.

Phùng Hưng mới tự xưng là Đô Quân, Hải tự xưng là Đô Bảo, đem quân đi tràn ra các châu quận, người theo về càng ngày càng nhiều, Hưng bèn quyết chí đánh phá phủ Đô hộ. Cao Chánh Bình đem quân cự lại, bị thua, rồi lo sợ thành bịnh mà chết. Phùng Hưng bèn chiếm giữ châu thành, tự coi lấy việc đô hộ. Được bảy năm thì mất. Chúng muốn lập em người là Hải lên nối ngôi, nhưng có người hộ tướng tên là Bồ Phá Lặc không chịu, mới lập con người là Phùng An.

Đến khi nhà Đường cử Triệu Xương sang làm Đô hộ thì Phùng An ra hàng.

Trong khi Phùng Hưng qua đời rồi, dân tình ái mộ chẳng thôi, bèn lập đền thờ và tôn người làm Bố Cái Đại Vương. Bởi vì tục ta xưa kia gọi cha là bố gọi mẹ là cái, nghĩa là tôn ông Hưng như là cha mẹ vậy.

Kể từ Tiền Lý Nam Đế cho đến Ngô Vương Quyền, trong khoảng ấy chừng 400 năm, nước ta vẫn thần phục nước Tàu, duy có Bố Cái Đại Vương còn có tự lập được một lúc mà thôi, như thế cũng đáng gọi là anh hùng vậy.

Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, Bố Cái Đại Vương là bậc nhứt. (*)

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh Phùng Hưng chỉ huy quân sĩ đánh trận.

● Bản sự tích này đăng lần đầu trên Thần chung số 163 (4 và 5 Aout 1929)

20. Lý Nhân Tôn

Lý Nhân Tôn là con vua Thánh Tôn, trị vì từ năm 1072 đến năm 1127, là một ông vua anh quân ở nước ta.

Vua Nhân Tôn trị nước có nhiều điều hay. Trong nước bấy giờ có nhiều giặc giã, vua phải đi đánh dẹp luôn, song những việc văn học, chánh trị cũng mở mang được nhiều lắm.

Thứ nhứt là việc vua đánh nhà Tống và Chiêm Thành, còn làm vẻ vang cho sử sách nước ta đến bây giờ. Chỉ kể hai việc ấy đủ biết vua là một đấng anh hùng vậy.

Nguyên từ nhà Đinh nhà Lê đến bấy giờ, Tàu không cai trị ta nữa, nhưng vẫn cứ làm đe luôn, chực sang chiếm lấy nước ta. Đến đời vua Thần Tôn nhà Tống, Vương An Thạch làm tướng, nhân muốn sửa sang nước Tàu lại, bèn định sang đánh lấy nước Nam. Nhà Tống bắt đầu sai Lưu Gi sang làm Tri châu châu Quế. Lưu Gi sửa thành trì, tu binh khí, lại cấm dân mình khong cho sang buôn bán với An Nam, toan gây việc đánh nhau.

Vua Nhân Tôn thấy vậy, nổi giận, bèn sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem 10 vạn quân sang đánh Tống. Lý Thường Kiệt sang vây Khâm châu và Liêm châu, giết hại 8000 người Tàu. Còn Tôn Đản tiến đánh Ung châu. Tướng Tàu là Trương Thủ Tiết đem binh cứu viện, Thường Kiệt đón đường mà đánh, chém Thủ Tiết ở trận tiền. Tôn Đản vây Ung châu 40 ngày rồi hạ được thành.

Tống triều nghe tin, sai Quách Quỳ làm Chiêu Thảo sứ, và Triệu Tiết làm phó, đem 9 vạn quân cùng hội với người Chiêm Thành, Chân Lạp, chia đường sang đánh nước ta. Vua cũng sai Lý Thường Kiệt đem binh đánh đuổi được.

Vua nhà Tống thấy đánh không lợi, bèn rút quân về, Nhân Tôn cũng nghĩ rằng không thể kháng cự hoài với Tống được, bèn trả lại những châu huyện đã lấy được, rồi hai bên hoà nhau.

Vua lại sai Lý Thường Kiệt đánh Chiêm Thành lấy lại ba châu đã mất ngày trước.

Nước ta đối với nước Tàu vốn là nước yếu đối với nước mạnh. Xưa nay chỉ có khi nào họ đem binh đến đánh thì mình chống lại, chớ chưa hề có khi nào nước mình cử binh vượt sang cõi họ mà công phạt bao giờ. Có chăng chỉ có một lần hồi vua Lý Nhân Tôn đấy mà thôi. Ấy là nhờ vua đã có nhân lại có dõng nữa. Vua thọ 63 tuổi, trị vì 56 năm.

Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, Lý Nhân Tôn là bậc nhứt. (*)

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh vua Lý Nhân Tông thiết triều.

● Bản sự tích này đăng lần đầu trên Thần chung số 165 ( 7 Aout 1929)

21. Đào Duy Từ

Đào Duy Từ là con Đào Tá Hán, vốn dòng con hát, ở làng Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Duy Từ hồi nhỏ thông minh dĩnh dị; phàm những kinh sử bách gia, âm dương thuật số, đều học tinh thông cả. Bấy giờ về đời Lê Trịnh, Duy Từ ra đi thi, quan trường cho là con nhà hát xướng, bèn đánh rớt. Duy Từ tức mình trở về. Nghe nói chúa Nguyễn ở Đàng Trong có lòng yêu kẻ sĩ, nhiều người về theo, bèn quyết bỏ ngoài Bắc mà về trong Nam.

Trước hết đi vô Quy Nhơn, ở chăn trâu cho một nhà giàu kia. Một hôm, phú ông mở tiệc rượu, mời các danh sĩ uống rượu làm thơ. Duy Từ thả trâu về, thấy vậy, cũng dự vào bàn luận, trưng dẫn sách vở đều thông suốt cả; cả tiệc đều thất kinh.

Tại Quy Nhơn, có quan khám lý Trần Đức Hoà, là người chúa Nguyễn tin cậy, làm quan ở đó. Phú ông đem việc Đào Duy Từ thưa với Trần, Trần bèn đến nhà nói chuyện. Thấy Duy Từ học rộng tài cao, rước về dạy học, lại gả con gái cho.

Duy Từ thường ngâm bài Ngoạ Long cang mà mình đã diễn ra quốc âm, có ý sánh mình với Gia Cát Lượng.

Năm đinh mão, năm thứ 14 triều đức Hy Tôn, (*) Trần Đức Hoà đem bài Ngoạ Long cang dâng cho chúa, nói là của Đào Duy Từ thầy đồ nhà mình làm ra.

Chúa lấy làm lạ, đòi Duy Từ vào. Khi Duy Từ vừa vào đến cửa, thấy chúa mặc áo trắng mang giày xanh, thì đứng lại ngoài cửa. Chúa biết ý bèn thay áo mũ mà đòi vào. Duy Từ trần thuyết mọi việc, chúa Hy Tôn cả mừng nói rằng: “Sao mà ngươi vô đây muộn dữ vậy?” Liền cho làm Nha uý Nội tán, kiêm cả việc quân cơ trong ngoài, thường triệu và hầu trong bàn việc quốc chánh.

Năm kỷ tỵ, Trịnh Tráng sai sứ vào phong chúa Nguyễn làm Thái phó quốc công, và giục ngài ra Đông Đô để đi đánh giặc, Duy Từ bàn, không cho chúa đi, vì biết họ có ý giả. Sau chúa theo lời Đào Duy Từ, không ra Đông Đô, và sai sứ ra lập thế trả sắc lại, tỏ ý không chịu chức tước của Trịnh phong cho.

Năm ấy Duy Từ tâu xin đem quân ra lấy nam Bố Chánh châu, chiếm đất từ Linh Giang trở vào.

Năm sau, Duy Từ lại đắp một luỹ dài từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, cao 15 thước, dài 3000 trượng để ngăn quân Trịnh. Luỹ ấy tục gọi Luỹ Thầy.

Duy Từ giúp chánh 8 năm, công nghiệp rỡ ràng, có làm ra sách Hổ trướng xu cơ tập và bài Ngọa Long cang ngâm, thật là một bậc danh thần, không kém gì Gia Cát Lượng vậy.

Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, Đào Duy Từ là bậc nhứt.(**)

(*) Hy Tôn nói ở đây có lẽ là Nguyễn Phúc Nguyên (ở ngôi chúa: 1613-34); năm thứ 14 tính theo đời chúa này là khoảng năm 1627, và đó là năm đinh mão chứ không phải kỷ tỵ.

(**) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh Đào Duy Từ đứng ngoài cửa, chờ vào ra mắt chúa Nguyễn.

● Bản sự tích này đăng lần đầu trên Thần chung số 168 (8 Aout 1929)

22. Đoàn Thượng

Đoàn Thượng, người làng Hồng Thị, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương, thời vua Huệ Tôn nhà Lý, phụng mạng trấn thủ ở Hồng Châu.

Đoàn Thượng có sức khoẻ hơn người, gân xương như sắt, mỗi khi lâm trận chỉ một giáo một ngựa xông vào trăm ngàn người mà không ai dám đương.

Đến khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Thái Tôn, Đoàn Thượng chiếm một châu, không chịu hàng đầu về với nhà Trần. Nhà Trần sai sứ đến dụ hàng, Thượng nhứt định không nghe, cứ việc chiêu binh mãi mã, tự xưng là Đông Hải đại vương, có ý muốn khôi phục cơ nghiệp cho nhà Lý.

Trần Thủ Độ là quan Thái sư nhà Trần bấy giờ, đem binh đánh luôn mà không phá nổi, bèn lập mưu sai người đến giảng hoà mà kéo quân tập công mé sau.

Đoàn Thượng chắc ý đã giảng hoà rồi thì không phòng bị nữa, thoắt nghe tướng nhà Trần là Nguyễn Nộn đến đánh mé sau thì hoảng hốt đem quân cự địch. Vừa gặp Trần Thủ Độ cùng kéo đại binh đến.

Trong đám đánh nhau đương hăng, quân Đoàn Thượng chạy tan lạc cả. Đoàn Thượng bị một viên tướng Trần chém vào cổ gần đứt. Ông ta quay đầu lại ngó thì viên tướng ấy sợ hãi, quất ngựa mà chạy. Thượng bèn cổi giây nịt lưng mà quàng vào cổ cho đầu khỏi rớt rồi giục ngựa chạy về hướng đông. Khi chạy đến làng An Nhân, thấy một ông già áo mũ chững chàng đứng bên đường mà nói rằng: “Thượng đế thấy tướng quân trung dõng lắm, đã định cho ngài làm thần đất nầy, vậy có cái gò bên cạnh làng kia là đất hương hoả của ngài đó, xin hãy để ý cho!”

Đoàn Thượng vâng một tiếng rồi thẳng đến gò đó, xuống ngựa gối đầu vào ngọn mát mà nằm, một lát thì chết. Rồi người ta chôn ở đó.

Sau dân làng lập miếu thờ và các triều đều có phong tước.

Đoàn Thượng là một vị trung thần chẳng chịu thờ hai chúa mà cũng là một trang mãnh tướng, xưa nay ít ai bì.

Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, Đoàn Thượng là bậc nhứt. (*)

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh Đoàn Thượng bị thương đang rút chạy.

● Bản sự tích này đăng lần đầu trên Thần chung số 170 (13 Aout 1929)

23. Trịnh Kiểm

Trịnh Kiểm người làng Sóc Sơn, huyện Chân Phước, tỉnh Thanh Hoá. Khi còn hàn vi, nhà nghèo mà thờ mẹ rất hiếu. Mẹ mất rồi, Trịnh Kiểm bèn bỏ nhà đi chơi phiếm.

Bấy giờ nhà Mạc tiếm ngôi Lê, Triệu tổ nhà Nguyễn (*) đã rước vua Trang Tôn nhà Lê lên ở Ai Lao, chờ ngài cử binh về khôi phục. Trịnh Kiểm sang Ai Lao ở với Triệu tổ.

Một đêm, Triệu tổ mở cửa ra sân, trông xuống trại lính, thấy có hai khối tinh đỏ lói như hai bó đuốc, sai người đến xem cái gì thì ra Trịnh Kiểm nằm ngủ ở đó, hào quang ở cặp mắt phát ra sáng như vậy. Triệu tổ lấy làm lạ, đòi lên hỏi, thì thấy Kiểm ứng đối trôi chảy, tài giỏi hơn người. Triệu tổ thấy có tiếng lạ, biết là không phải người tầm thường, cử lên làm bộ hạ và gả con gái cho.

Từ đó Kiểm đi đánh giặc, lập nhiều công to, làm lên đến đại tướng. Sau rồi đốc binh xuống đánh Nghệ An, thẳng ra Thanh Hoá, lấy được Tây Đô. Nhà Lê trung hưng từ đó.

Trịnh Kiểm tuy người võ nhưng mưu trí hơn người, giúp vua Trang Tôn, đánh nhau với nhà Mạc, lập nên công trạng, được tấn chức Thái sư, Dực Quận công, sau lại thăng làm Lang Quận công. Đến đời con là Trịnh Tùng lại giúp vua Anh Tôn, phá được quân nhà Mạc ở cửa biển Thần Phù, rồi tiến binh ra thành Thăng Long, bắt được Mạc Mậu Hiệp, khôi phục giang san cho nhà Lê, và được phong đến tước vương.

Đó về sau con cháu họ Trịnh cứ đời đời được tập phong tước vương, quyền chánh lấn cả thiên tử, cho nên đời thường gọi là vua Lê chúa Trịnh. Trải 200 năm truyền nối nhau 8 đời, mà Trịnh Kiểm là ông thỉ tổ khai cơ cho nhà họ Trịnh vậy. Người như Trịnh Kiểm há chẳng đáng gọi là một bậc anh hùng ư?

Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, Trịnh Kiểm là bậc nhứt. (**)

(*) Triệu tổ nhà Nguyễn nói ở đây là trỏ Nguyễn Kim.

(**) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh bộ hạ của Nguyễn Kim đến xem chỗ Trịnh Kiểm đang nằm ngủ trong trại lính.

● Bản sự tích này lần đầu đăng Thần chung số 172 (16 Aout 1929)

24. Triệu Ẩu

Về thời Tam Quốc bên Tàu (189-280) thì nước ta thuộc về Đông Ngô. Phần nhiều quan lại của Đông Ngô sai qua cai trị xứ ta tàn ác quá, dân chịu không kham, đến nỗi ở quận Giao Chỉ dân nổi lên giết quan Thái thú là bọn Tôn Tư và Đặng Tuân, để kháng cự lại.

Bấy giờ ở quận Cửu Chân cũng có người đàn bà tên là Triệu Ẩu cử binh đánh đuổi người Tàu.

Nguyên bà Triệu Ẩu, cha mẹ mất sớm, ở với anh, bị người chị dâu làm khổ, bà ấy giận, giết người chị dâu đi rồi vào núi ở. Vừa gặp buổi loạn, bà bèn nổi lên, chiêu tập binh mã đánh với quân Ngô.

Khi bà Triệu Ẩu ra trận thì cỡi voi, mặc áo vàng, xưng là Nhụy Kiều tướng quân.

Nhưng vì quân ít, thế cô, bà Triệu Ẩu đánh thua, phải tự tử. Hiện bây giờ ở Thanh Hoá còn có đền thờ bà.

Bà Triệu Ẩu tuy cử sự không thành, song lấy một người đàn bà nổi lên dẹp giặc phục thù cho nước, tấm lòng nghĩa liệt cũng chẳng kém gì Hai Bà Trưng. Bởi vậy người nước ta khi nào nói đến các bậc nữ kiệt thì cũng xưng là Trưng Triệu.

Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, Triệu Ẩu là bậc nhứt. (*)

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh bà Triệu cưỡi voi ra trận.

● Bản sự tích này lần đầu đăng Thần chung số 179 (24 Aout 1929)

25. Nguyễn Xí

Nguyễn Xí, người làng Thượng Xá huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An. Xí hồi còn nhỏ mà đã có sức khoẻ hơn người, theo ở với Lê Lợi từ hồi 9 tuổi. Năm đinh dậu (1416), Lê Lợi khởi binh, Xí mới được 21 tuổi, đã cầm quân đi đánh giặc.

Năm mậu tuất, Lê Lợi bị quân nhà Minh vây đánh nguy cấp, nhờ Nguyễn Xí đem binh đến cứu mới thoát khỏi nạn. Lại trận đánh ở thành Trà Long năm giáp thìn, Nguyễn Xí đều có chiến công rất lớn. Trận đánh ở sông Xương Giang, Nguyễn Xí đem binh đi tiếp ứng đạo quân của Lê Sát, rồi đánh nhau với quân Tàu, bắt được tướng nhà Minh là Hoàng Phước, Thôi Tụ và ba vạn lính nữa.

Nguyễn Xí là tay tướng tài,(*) đánh quen trăm trận. Vua Lê Thái Tổ đuổi được giặc Minh, khôi phục được bản đồ Nam Việt là nhờ công ông ấy phần nhiều, trên đây chẳng qua kể sơ mấy trận lớn mà thôi. Khi Thái Tổ lên làm vua rồi phong cho Nguyễn Xí tước huyện hầu. Năm quý sửu (1432), Thái Tổ băng, Nguyễn Xí chịu lời di chiếu giúp vua Nhân Tôn lên nối ngôi. (**) Năm thứ ba hiệu Thái Hoà trong đời vua ấy, Nguyễn Xí lại đi đánh giặc Chiêm Thành, có công được thăng lên làm thủ tướng.

Sau đó Nghi Dân là anh vua Nhân Tôn lập mưu với bọn Phan Ban và Phạm Đôn giết vua Nhân Tôn rồi tự lập làm vua. Bấy giờ Nguyễn Xí giả mũ, xin về nhà an nghỉ. Tuy vậy ông ta vẫn lập mưu với triều thần là bọn Đinh Liệt, một hôm xin vào triều rồi thừa thế giết bọn Phan Ban và truất Nghi Dân, không cho làm vua nữa, mà lập vua Thánh Tôn lên. Thánh Tôn là ông vua có tài có đức, có tiếng trong lịch sử nước ta, mà cái mưu ủng lập hồi bấy giờ là ở nơi một tay Nguyễn Xí vậy.

Từ đó rồi Nguyễn Xí giúp vua Thánh Tôn trị vì, trong nước được thái bình, các lân bang(***) đều thần phục; đến năm kỷ dậu (1462) lâm bịnh mà mất, thọ được 69 tuổi.

Nguyễn Xí chẳng những là một bậc tướng tài nước Nam có công dẹp giặc Minh mà lại là một nhà chánh trị có thủ đoạn, giỏi giang trong việc phò vua giúp nước.

Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, Nguyễn Xí là bậc nhứt. (****)

(*) chỗ này bản gốc là “tai tướng tày”, ngờ là sắp chữ sai, ở đây sửa lại.

(**) chỗ này bản gốc là “lần nối ngôi”, ngờ là có in sai, ở đây sửa lại.

(***) chỗ này bản gốc là “lân ban”, ở đây sửa lại.

(****) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh Nguyễn Xí cùng triều thần phế Nghi Dân lập Lê Tư Thành (Thánh Tông) lên ngôi vua.

● Bản sự tích này lần đầu đăng Thần chung số 181 (27 Aout 1929)

26. Lê Thánh Tôn

Lê Thánh Tôn tên là Tư Thành, con thứ vua Thái Tôn, được lập làm vua sau khi bọn Nguyễn Xí truất Thái tử Nghi Dân là kẻ đã giết vua Nhân Tôn và cướp ngôi.

Thánh Tôn là một ông vua thông minh, thờ mẹ rất có hiếu, đãi bề tôi lấy lòng thành. Người trị vì 38 năm, sửa sang được nhiều việc chánh trị, mở mang sự học hành, chỉnh đốn việc võ bị, đánh dẹp nước Chiêm Thành, mở mang bờ cõi, khiến cho nước Nam ta bấy giờ được văn minh thêm lên và xưng hùng trong một cõi.

Kể các việc chánh trị hay mà vua đã làm ra thì nhiều lắm. Như là đặt hình luật, sửa thuế lệ; đặt ra quan Khuyến nông để coi việc cấy cày trong nước; lập nhà Tế sanh (như nhà thương bây giờ) để nuôi người có bịnh; dùng 24 điều dạy dân để cải lương phong tục; bắt đầu vẽ địa đồ nước Nam; sai quan biên tập sách Đại Việt sử ký; đều là việc ích lợi cho nhân dân cả nước và phần nhiều là việc các vua đời trước chưa hề làm.

Về việc văn học thì vua hết sức chăm. Mở rộng nhà Thái học, làm phòng cho Sanh viên ở, như kiểu các trường nhà nước bây giờ; lại làm kho Bí thơ chứa sách cho ai nấy được vào đọc, giống lối thơ viện ngày nay. Bởi vậy về việc học bấy giờ mở mang và tấn bộ lắm.

Vua cũng hay làm thi, đặt ra “Quỳnh uyển cửu ca”, và xưng là “Tao đàn nguyên suý” lại có sai triều thần […….] (*) bộ sách gọi là “Thiên Nam dư hạ” đến 100 […] (**)

Về việc võ bị, vua cũng không bỏ qua. Việc võ bấy giờ tu minh lắm, nên đã chiến thắng được Chiêm Thành và Lão Qua, lấy đất hai nước ấy mà mở rộng bờ cõi cho nước mình.

Tóm lại, vua Thánh Tôn thật là ông vua anh quân. Những sự văn trị và võ công ở nước Nam ta không có đời nào thanh bằng đời Hồng Đức; nhờ có ngài mà văn minh nước ta đã tiến lên một bực rất cao.

Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, vua Thánh Tôn là bậc nhứt. (***)

(*) chỗ này báo rách, không đọc được khoảng 2 từ, dự đoán là “biên tập” hoặc “biên soạn”.

(**) chỗ này báo rách, mất 1-2 từ, dự đoán là “thiên” hoặc “quyển”

(***) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh vua Lê Thánh Tông xem bức địa đồ nước ta, được thực hiện theo chỉ đạo của vua.

● Bản sự tích này lần đầu đăng Thần chung số 194 (11 Septembre 1929)

27. Phan Đình Phùng

Phan Đình Phùng, người Hà Tĩnh, thi đậu Đình nguyên triều Tự Đức, làm quan đến Ngự sử, vừa gặp lúc Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết chuyên quyền, phế lập luôn mấy ông vua, Đình Phùng kháng cự giữa chốn triều, nên bị bọn ấy đuổi về.

Sau khi kinh thành thất thủ (năm ất dậu 1885), các tỉnh Trung Kỳ đều nổi quân cần vương nhưng trong một vài năm, quân nước Pháp đều dẹp yên được hết. Chỉ có ông Phan Đình Phùng cùng những người đồng chí cứ miền Võ Quang gần huyện Hương Khê thuộc tỉnh Hà Tĩnh, lập đồn mộ quân lính, và cho người sang Tàu sang Xiêm học đúc súng đúc đạn để chờ ngày khôi phục.

Vào khoảng năm 1893-1894, thế lực ông Phan lừng lẫy cả miền ấy. Quân nước Pháp đánh ngót hai năm mà không dẹp yên được, lính Tây lại bị chết rất nhiều. Năm ất tị (1895), Triều đình Huế sai ông Nguyễn Thân đem lính ra đánh. Bấy giờ ông Phan đã già, lại về ở luôn trên miền núi, đau yếu mãi rồi chết. Khi lính Nguyễn Thân ra đến nơi thì ông đã chết rồi. Trong bọn đồng đảng không ai chống chọi được, kẻ thì ra đầu với Nguyễn Thân, kẻ thì trốn mất, rồi cái cơ sở của ông đã gây dựng ra bèn tan vỡ hết.

Ông Phan Đình Phùng chẳng những là một nhà văn học, mà là một nhà quân sự rất giỏi giang. Ông sửa sang quân lính có cơ ngũ, luyện tập tướng sĩ có kỷ luật, lại khéo dùng binh. Ông Gosselin có khen ông trong sách Empire d’Annam rằng: “Ông Phan Đình Phùng có tài trị binh, biết luyện quân theo kiểu Thái Tây, áo quần mặc một lối, súng thì toàn kiểu 1874, những súng ấy là do bộ hạ ông đúc ra thật nhiều mà máy móc cũng giống y như súng Pháp, chỉ vì lòng súng không xẻ rãnh nên bắn không được xa.”

Đương lúc vong quốc mà trong nước có người như ông Phan nổi lên để kháng cự, tuy không thành công, song cũng tỏ ra được cái lòng ái quốc và cái khí hùng cường của một dân tộc. Huống chi những cái quy mô của ông đó, như là mở đồn điền, phái người đi học ngoại quốc, đúc súng lấy mà dùng, thật là viễn đại lắm, nếu chẳng phải có đại tài đại chí mà làm được công việc ấy ư?

Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, Phan Đình Phùng là bậc nhứt. (*)

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh chiến đấu của nghĩa quân Phan Đình Phùng.

● Bản sự tích này lần đầu đăng Thần chung số 196 (13 Septembre 1929)

28. Lý Thánh Tôn

Lý Thánh Tôn tên là Nhựt Tôn, con vua Thái Tôn, là một ông vua nhân từ, rất có lòng thương dân. Một năm, nhơn trời lạnh lắm, ngài bắt đầu lập lệ phát chiếu mền cho tù nằm, và mỗi ngày cho hai bữa ăn. Lại một lần ngài phán cùng triều thần rằng: “Ta yêu dân cũng như yêu con ta vậy, hiềm vì trăm họ ngu dại, làm bậy mà mang tội, ta thấy mà thương xót”. Từ đó truyền cho các quan xử việc hình, bất kỳ tội gì cũng giảm nhẹ.

Vua có lòng nhân như thế cho nên trăm họ mến phục, trong đời ngài làm vua có ít giặc giã.

Vua rất để ý về sự chấn hưng văn học. Khởi ra lập Văn Miếu, đắp tượng Châu Công, Khổng Tử để thờ.

Về việc binh ngài sửa sang phép cũ, chia ra bốn bộ, họp thành một trăm đội, mỗi đội có lính kỵ và lính bắn đá. Cách trị binh bấy giờ rất nghiêm minh. Bởi vậy nước ta thuở ấy có thế lực đủ làm cho các nước láng giềng phải sợ.

Vua Thánh Tôn đã có nhân mà lại có dõng. Nước Chiêm Thành hay sang làm giặc, vua ngự giá đi đánh. Đánh lần đầu không được, đem binh trở về, dọc đường, vua nghe người ta khen bà Nguyên phi ở nhà giám quốc, trong nước được yên trị, nói rằng: “Người đàn bà trị nước còn được như thế, còn mình đi đánh Chiêm Thành không xong, thế ra trở lại thua đàn bà ư?” Đoạn đem quân trở lại đánh, bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ.

Chế Củ xin dâng ba châu là Địa Lý, Ma Linh và Bố Châu để chuộc mình. Vua bèn nhận lấy ba châu ấy và tha Chế Củ cho về nước. Coi việc nầy lại thấy trong sự dõng của ngài còn có lòng nhân nữa. Ba châu ấy ở vào miền Quảng Bình và Quảng Trị bây giờ.

Thánh Tôn trị vì 17 năm, thọ 50 tuổi, kể ra ngài thật có công trong sự lập quốc ở nước ta. Nhứt là nhờ ở cách sắp đặt võ bị của ngài mà sau đó vua Nhân Tôn nối ngôi mới có đủ sức mà đánh thắng nhà Tống, làm cho nước ta thành ra một cường quốc ở châu Á.

Có lẽ nhân vật nước Nam ta từ xưa đến nay, Lý Thánh Tông là bậc nhứt. (*)

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh vua Lý Thánh Tông đi thăm nhà tù.

● Bản sự tích này lần đầu đăng Thần chung số 198 (15 và 16 Septembre 1929)

29. Phạm Đình Trọng

Phạm Đình Trọng người làng Khinh Dao tỉnh Hải Dương, năm 26 tuổi đậu tấn sĩ, quan trường là Nguyễn Trọng Quát xem văn đã mừng cho triều đình được tay kinh luân giỏi.

Bấy giờ vào cuối đời nhà Lê, trong nước lắm giặc, Đình Trọng tuy làm quan văn mà kiêm cả chức phòng ngự sứ, cầm quân đi đánh giặc. Vì có tài dụng binh giỏi nên đã nhiều lần bắt được tướng giặc, như quận Gió, Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển, đều bởi ông ta bắt được cả.

Bấy giờ giặc trong nước có Nguyễn Hữu Cầu (tục kêu Quận He) là kiệt hiệt nhứt. Hữu Cầu cứ mấy tỉnh miền đông nam, quan quân đánh mãi mà không được, sau cũng nhờ có Đình Trọng đi dẹp mới yên.

Nguyên các tướng bấy giờ ai cũng sợ Hữu Cầu, chỉ có mình Phạm Đình Trọng không sợ, nên Hữu Cầu giận lắm, đã đào mả mẹ Đình Trọng mà đổ xuống sông. Từ đó Đình Trọng thề không cùng sống ở đời với Nguyễn Hữu Cầu.

Một lần Trịnh Dinh nghe lời các quan, vì họ đã ăn hối lộ của Hữu Cầu, sai Nguyễn Phi Sảng đem tờ dụ ra mặt trận bảo Đình Trọng đừng đánh Nguyễn Hữu Cầu nữa. Nhưng Đình Trọng một mực không chịu, bảo Phi Sảng rằng: “Người làm tướng đánh giặc ở ngoài, dẫu có mạng vua cũng có điều không chịu. Ông vâng mạng vua đi gọi giặc về hàng thì ông cứ đi, còn tôi vâng mạng vua đi đánh giặc thì tôi cứ đánh”. Nói xong cất quân đi ngay.

Đình Trọng đánh với Hữu Cầu nhiều trận lắm, sau mãi mới đuổi Hữu Cầu chạy vào Nghệ An và bắt được, đóng cũi giải về nộp cho chúa Trịnh.

Lúc đó lại có giặc nghịch Ngũ, chiếm giữ làng Long Bội, các tướng đi đánh mà không được, Đình Trọng chỉ đánh trong 6 ngày là dẹp yên được.

Phạm Đình Trọng chẳng những giỏi về văn học mà lại giỏi về thao lược nữa, nên vua Lê bấy giờ đã viết bốn chữ “Văn võ toàn tài” mà ban cho.

Sau khi đánh giặc thành công, Đình Trọng được phong làm công thần và ban cho 150 mẫu ruộng làm thế nghiệp.

Phạm Đình Trọng về già mất tại nhà, vua chúa thương tiếc, chúa Trịnh đến nỗi ban cho một câu đối rằng: “Cái thế anh hùng kim cổ thiểu; tại nhân công đức địa thiên trương”, thật là xứng đáng lắm thay.

Có lẽ nhơn vật nước ta từ xưa đến nay, Phạm Đình Trọng là bậc nhứt. (*)

(*) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh Đình Trọng đóng cũi Hữu Cầu giải về nộp cho chúa Trịnh.

● Bản sự tích này lần đầu đăng Thần chung số 199 (17 Septembre 1929)

30. Mai Hắc Đế

Sau khi Lý Phật Tử hàng về nhà Tuỳ rồi, bắt đầu từ năm 603 trở đi, nước ta lại thuộc về nước Tàu, trải qua nhà Tuỳ rồi đến nhà Đường, trong khoảng hơn một trăm năm, trong nước chẳng có người nào dám dấy lên chống lại với người Tàu cả, ai nấy cúi đầu mà chịu lỳ dưới quyền đô hộ của họ, mặc dầu thuế khoá nặng nề, hình phạt nghiêm nhặt.

Đến năm 722, nghĩa là sau khi thuộc Tuỳ 120 năm, ngang đời vua Huyền Tôn nhà Đường, ở Hoan Châu mới có một người tên là Mai Thúc Loan nổi lên chống cự với quân nhà Đường.

Mai Thúc Loan, người huyện Thiên Lộc, tức huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bây giờ, mặt mũi đen sì sức vóc khoẻ mạnh, thấy quan nhà Đường làm nhiều điều tàn bạo, dân gian khổ sở, lại nhơn lúc bấy giờ lắm giặc giã, ông ấy bèn chiêu mộ nghĩa binh, dấy lên chiếm giữ một chỗ ở Hoan Châu, rồi xây thành đắp luỹ, xưng hoàng đế, tục gọi là Mai Hắc Đế.

Mai Hắc Đế lại kết giao với nước Lâm Ấp và nước Chân Lạp để làm ngoại viện.

Sau lại, vua Đường sai Dương Tư Húc đem quân cùng với Đô hộ là Quang Sở Khách đánh Mai Hắc Đế. Hắc Đế thế yếu, chống lại không nổi, phải thua chạy, được ít lâu thì mất.

Mai Hắc Đế tuy không làm thành công, song sau khi thế nước như tro tàn mà làm cho hực lửa lên, hầu nhắc nhở tấm lòng ái quốc của đồng bào Nam Việt [………………..] (*) thì tuy bại cũng như thành, công đức ấy đối với nước nhà chẳng phải là nhỏ vậy.

Nay ở núi Vệ Sơn tỉnh Nghệ An vẫn còn di tích thành cũ của Mai Hắc Đế, và ở làng Hương Lãm tỉnh ấy cũng còn đền thờ người.

Có lẽ nhân vật nước ta từ xưa đến nay, Mai Hắc Đế là bậc nhứt. (**)

(*) chỗ này bản gốc để chấm lửng 1,5 dòng, chừng 10-15 từ, có lẽ do toà soạn bỏ.

(**) Kèm theo bản sự tích này là hình vẽ cảnh Mai Hắc Đế cùng quân sĩ giáp chiến với quân Tàu.

● Bản sự tích này lần đầu đăng Thần chung số 201 (19 Septembre 1929)

-----------------------------------------------------------------------------------

CUỘC THI QUỐC SỬ CỦA THẦN CHUNG

Vì có nhiều bạn độc giả gởi thơ đến phàn nàn rằng hoặc vì báo mất, hoặc vì sơ suất mà không có đủ các biên bản của 30 đại danh nhơn, nên nay chúng tôi phải lục thục đăng lại mỗi ngày 3 cái biên bản, trong mười ngày cho hết. Và xin anh em ai muốn dự thi thì phải nên chú ý. Chớ lần nầy là lần chót. Kẻo muốn được lòng người nầy chi cho khỏi mích lòng kẻ khác phiền trách sao có trì diên ra như vậy.

Còn ai là người đã có đủ 30 cái biên bản nói trên đây thì bắt đầu từ hôm nay cứ y theo thể lệ mà sắp thành thứ tự rồi gởi lại ngay cho bổn báo và phải nhớ đề ngoài bao thơ “Cuộc thi Quốc Sử”.

Định đến chiều 1er Décembre thì không thâu nữa.

Chúng tôi để đến một tháng là cốt cho mấy bạn độc giả phương xa như ngoài Bắc Kỳ trên Ai Lao cũng có thể dự thi.

Tiện đây bổn báo hết lòng ước mong sao cho số người dự thi đặng đông ít nữa là bằng số độc giả của tờ Thần chung mới là như nguyện. Và cũng xin ai nấy chớ ngại rằng bởi vì có số tiền thưởng nó làm cho mất thanh nhã mà hiểu cái bổn ý của tờ Thần chung là để làm sao cho sự đọc sử nước nhà đặng phổ thông.

Điều đó là nguyên ý của bổn báo. Các bạn độc giả yêu quý chắc cũng nghĩ như thế.

THẦN CHUNG kính khải

Thần chung, Sài Gòn, s. 204 (22 và 23 Septebre 1929)

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

LÒNG NGƯỜI ĐỐI VỚI CUỘC THI QUỐC SỬ

Từ ngày chúng tôi bày ra cuộc thi quốc sử đến bây giờ, anh em ở đâu đâu biết được cái bản ý của chúng tôi thảy đều vui lòng và hoan nghinh lắm. Chúng tôi không ngờ cuộc thi nầy được chư độc giả chú ý đến một cách đặc biệt. Hằng ngày đều được thơ của anh em Bắc, Nam gởi đến hoặc khuyến khích hoặc trách sao có đăng sự tích danh nhân ra trễ.

Một ông ở Hải Phòng nói rằng:

“Cách thi quốc sử của các ngài tổ chức không phải nhắc cho anh em chúng ta biết nhớ đến việc của tiền nhân, và bảo chúng ta ăn trái chớ quên kẻ trồng cây mà thôi, mà lại còn có ý treo một bức gương cho những ai soi chung, được biết rằng nhân tài ta có lúc cũng làm cho non sông đẹp mặt nở mày vậy, chớ không phải toàn thị là những đồ ương, dở, hư hèn như ngày nay đâu.”

Một vị độc giả ở Vĩnh Long nói:

“Những cổ tích thuộc về lịch sử ta ở trong Nam Kỳ nầy tuy không có bao nhiêu, nhưng bao nhiêu đó cũng đủ khuyến khích chúng ta, giục lòng chúng ta làm sao cho non sông không hổ mặt. Cái cảnh “Trải bao thỏ lặn ác tà, những mồ vô chủ ai mà viếng thăm”, cái cảnh ấy chắc nhờ cuộc thi quốc sử của quý ngài sắp đặt mà được nhiều người nhớ đến; tôi xin có lời khen tặng các ngài.”

Cậu Trần Minh Mẫn, học sanh trường sơ học Sài Gòn viết thơ cho chúng tôi như vầy:

“Anh em chúng tôi trông cuộc thi quốc sử của các ông cho mau thành lắm. Chúng tôi coi những bài vắn tắt của các ông đăng trên mặt báo là những bài dễ học và nhớ quá chừng. Chúng tôi cắt để dành, chưa chắc chúng tôi chiếm giải thưởng của các ông tặng được, nhưng để dành khi nào nhàn rảnh đem ra đọc lại để bổ vào những bài của thầy của chúng tôi dạy nơi trường”.

Một vị nữ giáo viên ở Sa Đéc nói:

“ Tôi đọc sự tích danh nhân đến số 30 rồi, thì được hả lòng lắm. Bấy lâu nay trông cho mau tới số ấy, bây giờ tới rồi, tôi và học trò tôi đều muốn để người nào cũng “bực nhứt” hết.”

Còn nữa….còn nữa…. Nếu chép hết ra đây, mấy cột báo cho hết. Có một điều nầy chúng tôi rất mừng, sự tích đăng chưa hết mà đã được nhiều độc giả gởi bài đến rồi, và đi rảo các tiệm bán sách quốc ngữ, hỏi sách nào chạy hơn hết thì họ nói sách nói về quốc sử.

Thế thì, ai nói sao thì nói, lòng người mình đối với cuộc thi quốc sử đương còn nồng nàn lắm. đó là một điều đáng mừng và đáng khen vậy.

Th. Ch.

Thần chung, Sài Gòn, s. 206 (25 Septembre 1929)

------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ý KIẾN CHÚNG TÔI ĐỐI VỚI

CUỘC THI QUỐC SỬ CỦA THẦN CHUNG

“Mở sử chạnh lòng thương nước; xấp sử nặng lòng lo nước”. Sự đọc sử có ảnh hưởng đến quốc gia như thế.

Các nước văn minh thế giới ngày nay không một nước nào không chú ý về lịch sử. Nhứt là lịch sử của nước mình. Một cậu bé vừa lớn lên, vừa cắp sách đi trường được thì đã học ngay môn quốc sử, cội nguồn của chủng tộc, sử sách của tổ tiên đều thuộc nằm lòng, dường như họ coi môn quốc sử là môn cơm cháo hằng ngày của họ, có thì sống không thì chết, quan hệ thiết yếu không gì bằng.

Mà thật vậy, quốc sử là bức ảnh truyền thần của dân tộc một nước, quốc sử là một cái bia ghi tạc sự nghiệp của các đứng anh hùng, gương đoàn kết ở đó, nguồn thương nước ở đó. Một quốc gia cường thạnh nhờ đâu? Nhờ học quốc sử. Có học quốc sử mới biết ngọn rau tấc đất của ta ngày nay có hưởng đây là máu là mồ hôi của các bực anh hùng các đời trước góp để lại cho ta, có học quốc sử mới biết cái nguyên do vì sao thạnh vì sao suy của nước nhà, có học quốc sử mới biết cái nghiã sao là vinh sao là nhục của kẻ làm dân trong nước, có học quốc sử mới biết chủng giới, có học quốc sử mới biết quốc giới, bao nhiêu đó đủ làm cho ta đối với nước ràng buộc lấy cảm tình, coi cha mẹ, coi vợ con, coi nhà cửa, coi tánh mạng đều không trọng bằng vậy.

Bạn đồng nghiệp Thần chung gần đây mở ra cuộc thi quốc sử là vì thế.

Rất đau đớn cho người mình cái quan niệm đối với sử học nước nhà thật là ơ thờ lợt lạt, mà nhứt là ở xứ Nam Kỳ ta. Đừng nói chi cái bọn không biết chữ, vô giáo dục; các nhà văn sĩ, v. v…đều là hàng có học thức mà lắm ông tay không mấy khi mở quyển quốc sử, miệng không mấy khi nhắc tích tiền nhơn, ai hỏi đến dòng dõi Gaulois thì nói hơn két mẹ, mà hỏi đến nhánh chồi Hồng Lạc thì ngơ ngác như thằng câm. Một dân tộc không biết yêu quốc sử thì quan niệm quốc gia lấy đâu mà có, một dân tộc không biết trọng quốc sử thì bảo sao nước chẳng suy vi. Cái lỗi ấy là tại ta chớ chẳng phải tại ai bảo được ta không học sử nước ta đâu.

Vì thấy rõ cái nông nỗi ấy, vì muốn cứu cái nông nỗi ấy, báo Thần chung mới bày ra cuộc thi quốc sử, mới bày ra cuộc lựa danh nhơn trong quốc sử. Báo Thần chung bỏ ra ngàn đồng bạc để làm thưởng phẩm cho trong đồng bào các vị nào được trúng tuyển là cốt ý khuyến khích ta khuynh hướng về sử học, gây cho ta lấy quan niệm về quốc gia vậy.

Có người nói rằng phương pháp học sử không phải chỉ ghi nhớ tên của các bực danh nhơn mà phải xét cả cơ thạnh suy của các thời đợi và sự hưng vong của một dân tộc, muốn gây cho quốc dân lấy tinh thần sử học thì phải biết đem các điển tích anh hùng trong lịch sử nước nhà diễn ra tuồng hát bóng thì mới mong nhơn dân có được sử học phổ thông, chớ bày ra cuộc thi quốc sử theo cái cách lựa danh nhơn trong quốc sử e chẳng đủ gì.

Nói thì phải, nhưng cái ngày “đem điển tích các danh nhơn trong quốc sử diễn ra tuồng hát bóng” với trình độ dân ta còn xa lắm, ta không nên đem cái chương trình vĩ đại chưa thể làm được mà bắt bẻ cái công cuộc thi thố có phần ích lợi cho hiện thời. Cuộc thi quốc sử của bạn đồng nghiệp Thần chung hôm nay có ích thiết cho quốc dân chăng? Ta cứ tự hỏi đi và trả lời đi, thật có ích thiết thì ta đừng hẹp đừng tiếc mà không tán thành.

Tôi lấy làm lạ, với cuộc chơi thể thao là việc thường ngày, mà khi có tin nghe lập hội hay lập sân dượt ở đâu thì tờ báo nào cũng vui lòng cổ động, còn với cuộc thi quốc sử nầy có ảnh hưởng không phải nhỏ, sao chẳng thấy bạn đồng nghiệp nào hưởng ứng một lời? Có lẽ rằng tán dương cho một bạn đồng nghiệp là có hại đến cái nghiệp của mình chăng? Không, không đâu, nghề làm báo có cái thiên chức làm tai mắt quốc dân, người làm báo phải để cái thiên chức mình trên hết, tán dương một cái ý kiến hay, nhứt là đối với bạn đồng nghiệp, là điều có giá trị cho mình, mà cũng cho thiên hạ biết rằng không phải nghề gặp nhau là ghét nhau đâu. Cuộc thi quốc sử của bạn đồng nghiệp Thần chung ngày hôm nay, có giá trị nhiều, chúng tôi xin đem ý kiến mình bày giữa quốc dân ta có đại đa số người đem lòng nhiệt liệt dự thi. Quốc sử đó, sự tích vẻ vang của ông cha ta ở trong đó, thinh danh lừng lẫy của ông cha ta ở trong đó, quốc dân ta mở ra đọc đi… sao với lần thi quốc sử nầy chúng tôi được thấy lòng yêu nước nhà của quốc dân ta.

Chúng tôi xin hiến thêm một lời rằng: Trong đồng bào ta, ai dự cuộc thi quốc sử nầy, miệng đọc sự tích của các bực anh hùng, ngòi bút tán dương sự nghiệp của các bực anh hùng, lo làm sao, làm làm sao, trước tờ giấy trắng, trước quyển sách vàng không hổ với tiên linh các bực anh hùng thời mới không phụ với ý kiến người bày ra cuộc thi và người viết ra bài nầy vậy!

C. L.

***

Bài trên nầy bổn báo trích của bạn đồng nghiệp Công luận ngày 23 Octobre [*]

T.C.

Thần chung, Sài Gòn, s. 212 (2 Octobre 1929)

[*] Lưu ý: cuối bài này, toà soạn T.C. ghi chú là trich C.L. ngày 23 Octobre. Nhưng đây lại là T.C. ra ngày 2 Octobre, tức là đăng sớm hơn báo chủ; cho nên có lẽ T.C. đã in theo bản do toà soạn C.L. cung cấp trước khi cho đăng trên báo C.L.(đây là cách làm bình thường, khi các báo có hành động ủng hộ lẫn nhau); tuy vậy con số 23 Octobre có lẽ ghi lầm, vì nếu vậy, bài đăng trên hai báo cách nhau xa quá; có lẽ là “ngày 2&3 Octobre” nhưng bị sắp chữ lầm chăng? (NST)

----------------------------------------------------------------------------------------------------------

TUYỂN CỬ NGƯỜI ĐỜI NAY VỚI TUYỂN CỬ NGƯỜI ĐỜI XƯA

Về cuộc thi quốc sử của “Thần chung”

Đời nay là đời dân quyền. Bất kỳ nước nào, trong cuộc chánh trị, người ta cũng dùng phép tuyển cử. Cho đến nước ta đây, tuy dân chưa có quyền mấy chút, chánh phủ cũng đã tập cho họ tuyển cử từ lâu rồi. Suốt cả ba kỳ, những hội đồng dân biểu, lại hội đồng hàng tỉnh, hàng huyện, hàng tổng, cho đến trong làng cử lý trưởng nữa, tưởng không tháng nào là chẳng có cuộc tuyển cử, thậm chí có lẽ không ngày nào là không có bỏ thăm.

Nhưng tuyển cử mà tuyển cử người đời nay, nghĩa là người ở đồng thời với mình, thì thật khó mà cho hết lẽ công bằng. Ở các nước văn minh, trong cuộc tuyển cử nào, người ứng cử cũng phải mất tiền, kêu là "vận động" mà kỳ thiệt là đem tiền mua thăm. Huống chi ở nước ta lại còn có lắm điều làm cho mất sự công bằng nữa.

Ngoài sự ăn tiền, ở nước ta, cử tri lại còn nhiều nỗi không được tự do. Chúng tôi thấy có nhiều người có thế lực ra ứng cử cai tổng tuy không được cho vừa lòng cử tri mà cũng phải bỏ vé cho họ. Vì họ giàu, nhiều ruộng nhiều tiền, nếu không bỏ cho họ, bữa sau họ hay được, họ lấy ruộng lại không cho làm, hay là khi túng ngặt đến vay, họ không cho vay thì khốn. Lại thêm gặp mấy ông quan cai trị bất công, khi muốn cho người nào đắc cử để lấy lợi riêng cho họ, thì họ lại một mực ép cử tri phải bỏ vé cho người ấy, không bỏ thì bữa sau họ cũng thù vặt. Vì vậy mà ít có cuộc tuyển cử nào là công bình, tỏ ra cái dân ý chơn chánh được.

Phép tuyển cử thì hay thật, nhưng phải đợi đến khi nào giữa nhân dân cái trình độ tri thức và kinh tế đều xấp xỉ nhau, lại thêm pháp luật cho thiệt đành rành đủ mà bảo hộ kẻ nghèo kẻ yếu, thì bấy giờ sự tuyển cử mới là đích đáng vậy.

Đến ngày ấy, cái tấm lòng của người cử tri mới hả, cầm cái vé mà bỏ mới khỏi có điều hối hận.

Đợi đến ngày ấy còn lâu lắm, chúng tôi mới bày ra cuộc thi quốc sử nầy để tuyển cử người đời xưa.

Tuyển cử người đời xưa như trong cuộc thi nầy thì cử tri hết sức tự do, không có cái thế lực nào đè lên mình, khỏi có ai lấy đồng tiền mà mua chuộc, khỏi có tờ giấy "hoảnh" giấy "xăn" nào nó cám dỗ, mà cũng không có ông quan cai trị nào nháy nhó hay là đằng hắng biểu mình bỏ thăm cho chú Kèo hay là chú Cột nào hết. Thú quá, xưa nay chỉ có cuộc tuyển cử này là chúng ta mới được đem tấm lòng son, chí công vô tư ra mà bỏ vé!

Trong ba mươi vị danh nhân mà bổn báo đã đăng tên và tiểu sử rồi đó, xin cử tri các ngài hãy cử lấy mười vị mà sắp lớp từ một đến mười.

Sự ấy chẳng khác nào các ngài bỏ thăm cử hội đồng quản hạt hay là cử cai phó tổng, song le có khác một điều là các ngài được tự do làm theo lương tâm mình tức là lòng công bình của mình.

Thật vậy, ông Lê Thái Tổ dầu có oai thế đến đâu cũng chẳng kéo tay các ngài mà biểu cử ổng được. Hay là ông Quang Trung cũng vậy, chẳng có thể nào ổng kéo cả mấy vạn binh đã đuổi Tôn Sĩ Nghị đến vây nhà các ngài mà một hai ép các ngài phải bỏ thăm cho ổng, không thì ổng sẽ dở thủ đoạn nầy kia, kia nọ với các ngài. Cho đến ông Lê Phụng Hiểu nữa ổng đã ném con dao mà được mấy trăm mẫu ruộng, ổng giầu thiệt, song hiện ngày nay, ổng làm thế nào bỏ được ba tấm giấy 20 trong lưng mà thuê xe hơi đưa các ngài đi Thủ Đức, Xuân Trường? Nói tóm lại, phen nầy cử tri các ngài thiệt là hết sức tự do.

Vậy thì, mình có quyền tự do rồi, mình lại đã có giấy cử tri không cần phải xin ai, nên làm thế nào cho cuộc tuyển cử nầy tỏ ra là công bình xứng đáng?

Chúng tôi tưởng các ngài chỉ có trau dồi cái tư cách cử tri cho đúng mực. Các ngài lấy lòng công bình cũng chưa đủ; các ngài còn phải cần một điều rất cần nữa, là "tri nhân".

Vậy ta hãy nghiên cứu sử Nam lại cho thiệt rành rẽ đi. Ta đem ba mươi vị danh nhân ấy ra mà so sánh từng li từng tí. Đại để như những ông Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Phan Đình Phùng v.v.... đều là người đã ra công đối địch với người ngoài để bảo tồn tổ quốc, tuy có thành có bại, song ta chớ nên quáng mắt vì sự thành bại ấy, mà phải cân đo sự tình thời thế, coi thử khó dễ ra sao, rồi mới nhơn đó mà định hơn thua. Sự ấy chẳng là có bổ ích cho cái tri thức của ta lắm tá ?

Hạn thâu quyển còn một tháng nữa. Bổn báo rất lấy làm mong mỏi rằng cuộc tuyển cử nầy, trong ngày mở thăm, xa gần đều được mãn nguyện và ngợi khen. Bấy giờ người ta sẽ có dịp được biết cái dân An Nam ngày nay tuyển cử đã rành lắm rồi !

THẦN CHUNG

Thần chung, Sài Gòn, s. 244 (12 Novembre 1929)

© Copyright Lại Nguyên Ân 2008


Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails