Thứ Năm, 11 tháng 6, 2009

TĂNG HỌC PHÍ, CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC CÓ TĂNG THEO?

Nguồn : Lề bên trái

Sĩ Tử

Cứ nói đến CHẤT LƯỢNG, tôi lại thấy ớn lạnh trong người. Ớn lạnh, vì hai câu hỏi: ai đánh giá và đánh giá thế nào đây? Nếu là miếng ăn hay vật dụng thì thấy liền. Còn cái món chất lượng giáo dục thì khó nếm, khó thử. Mà đã khó thì có năm bảy đường đánh giá. Nên cuối cùng thì sự đánh giá được coi trọng nhất, được coi là chính thức, là đánh giá của BỘ CHỦ QUẢN thôi!

Nhưng cái cách đánh giá chất lượng giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) của Bộ Giáo dục - Đào tạo nó do các giáo sư, các chuyên viên cao cấp đưa ra. Nó không dễ hiểu tí nào đối với những đầu óc tầm thường của những người dân như tôi (và hàng chục triệu người khác). Bởi vì, cứ trong mỗi nhiệm kỳ bộ trưởng thì chất lượng đều chỉ có đi lên, nhưng sau vài chục năm nhìn lại thì lại thấy là nó kém hơn lúc đầu!

Một anh bạn cũ của tôi - bây giờ là một chuyên viên của BỘ - có lần nói với tôi: “Lĩnh vực xã hội nó không phải như cái thứ Toán của cậu. Không phải cứ hàm số luôn luôn đồng biến thì giá trị cuối phải lớn hơn giá trị đầu.” Ờ mà có lẽ thế thật chăng?

Còn cái “tương quan hàm số” giữa học phí và chất lượng GD-ĐT thì lại càng phức tạp. Có vẻ như học phí tăng thì người ta nâng cấp được trường sở, thư viện, phòng thí nghiệm, tăng được lương và các khoản thu nhập cho thầy. Thế thì sao còn nghi ngờ về việc tăng học phí thì chất lượng sẽ tăng?

Ấy thế mà tôi cứ nghi ngờ hoài. Chả là vì đời tôi đã hai lần làm sinh viên trường sư phạm và gần hai chục năm giảng dạy phổ thông. Tôi thấy nhiều điều bằng tai, bằng mắt mình. Thấy từ cả hai phía: phía của học trò và phía của người thầy. Thấy ở hai môi trường: phổ thông và đại học.

Chuyện chất lượng giáo dục phổ thông thì hàng triệu người thấy. Nên tôi chỉ xin nói vài điều về chất lượng ở nơi dạy các thầy. Tôi chỉ đánh giá nó từ góc độ của sinh viên thôi.

Cách đây gần hai chục năm, tôi là sinh viên cao đẳng sư phạm. Năm ngoái, tôi được vào học hệ tại chức (mà bây giờ người ta gọi là vừa làm vừa học, nhưng xin chớ nhầm với hệ vừa học vừa làm ngày xưa!) ở chính trường cũ nhưng bây giờ đã nâng cấp thành đại học. Và thật thú vị là một nửa số thầy dạy tôi lần này lại là những thầy đã dạy tôi hồi trước!

Được học lại với thầy cũ, tôi có điều kiện so sánh chất lượng giảng dạy của hai giai đoạn. Và thật ngỡ ngàng: tôi phát hiện ra rằng chính những thầy đó bây giờ dạy thua hẳn ngày xưa!

Đành rằng bọn tôi bây giờ đi học nhưng mà đã có tuổi rồi, lại bận đủ thứ việc, nên sự học của chúng tôi bây giờ chẳng qua là trò đểu để hợp lý hoá tấm bằng. Những môn mới, chúng tôi học hầu như chẳng hiểu gì. Nhưng vẫn có cả nhiều môn mà ở đại học nội dung cũng chẳng khác mấy so với cao đẳng. Và vẫn những thầy đó, họ vẫn tắc giữa bài giảng nếu không thường xuyên nhìn vào giáo án. Họ vẫn không giải trôi chảy được những bài tập loại trung bình. Về thái độ, họ còn lớt phớt hơn trước. Trong khi đó, có thể thấy trường sở bây giờ to gấp mấy chục lần xưa kia, và nhà ở của các thầy cũng như mức sinh hoạt của họ, dù còn kém xa các cán bộ giảng dạy ở các nước văn minh, nhưng cũng đã gấp chục lần so với 20 năm trước.

Những thầy giáo mới ra trường thì có vẻ nhanh nhẹn hơn, nhưng (nói chung!) họ lại còn thực dụng hơn lớp đã có tuổi.

Ngoài hai tầng lớp trên ra thì còn rất nhiều người, vốn là giáo viên kém ở cấp II nên phải đi học lên thạc sĩ, tiến sĩ rồi xin về trường đại học để giảng dạy.

Một anh bạn khác của tôi, bây giờ dạy ở một khoa của một trường thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội nói với tôi: “Ngay cả chỗ chúng tớ thì cũng chẳng hơn gì mấy. Hơn nửa số cán bộ giảng dạy mới là con em các vị già trong khoa và trong trường ấy mà. Nhưng có tiến bộ lớn so với trước kia là rất nhiều thầy bây giờ đi ô-tô riêng đến trường.”

Thì ra tiền không tỉ lệ thuận với chất lượng!

Vậy tăng học phí có làm chất lượng GD-ĐT tăng theo?

Tôi không dám trả lời câu hỏi này. Như người ta thường nói, CHỈ CÓ THỜI GIAN mới cho ta câu trả lời đúng được. Nhưng người ta có nhận được câu trả lời đúng đó hay không thì còn tuỳ thuộc vào việc họ có thực sự muốn hay không.

Trước mắt thì có một điều chắc chắn: học phí tăng sẽ góp thêm một yếu tố đẩy những gia đình công nhân, nông dân vào cảnh bần hàn. Vay tiền cho con học và không lấy đâu ra tiền để trả. Và nếu con họ không nhanh chóng có việc làm sau khi tốt nghiệp thì sao?

*

Trở lại câu hỏi về CHẤT LƯỢNG, với hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi nghĩ rằng YẾU TỐ QUAN TRỌNG NHẤT QUYẾT ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GD-ĐT LÀ: DÙNG NGƯỜI PHẢI CĂN CỨ VÀO NĂNG LỰC THỰC SỰ, bằng cấp chỉ là thông số ban đầu. Chỉ khi đó người ta mới chịu học thật sự để khỏi bị mất việc.

Chừng nào mà việc dùng người vẫn chỉ căn cứ vào bằng cấp thì mọi “giải pháp” nâng cao chất lượng vẫn chỉ là trò đùa!

Kể cả giải pháp tăng học phí núp dưới cái tên là “Đề án đổi mới tài chính giáo dục”!

S.T


Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails