Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2009

Jean Paul Sartre – Thiên thần hay Ác quỷ?

Nguồn : DCVOnline
Felix Nguyễn


Tôi rất ngần ngại khi viết những dòng đầu tiên này về Jean Paul Sartre, có lẽ vì ông quá lớn so với khả năng cảm nhận của tôi. Kiến thức triết học, kiến thức về con người và hành vi của họ, kiến thức về lịch sử… tôi đều thiếu.

Nhưng mặt khác tôi cũng muốn soi ánh sáng dù là ánh sáng một que diêm về cuộc đời của con người chính trị đầy mâu thuẫn của một trong những triết gia vĩ đại nhất (nếu không phải là triết gia vĩ đại nhất!) của thế kỷ 20.

Jean – Paul – Charles – Aymard – Léon – Eugène Sartre, thường gọi tắt là Jean Paul Satre, sinh ngày 21 tháng 5, 1905 tại Paris. Ông là một triết gia, một văn sĩ, nhà viết kịch, bình luận gia văn chương của Pháp.

Tất cả các tác phẩm của ông đã ghi đậm dấu ấn trong hậu bán thế kỷ 20 và đã đưa ông thành một trí thức vĩ đại bậc nhất của thế kỷ này.Người ta đã so sánh ông như một Voltaire của thế kỷ 20. Nhưng tôi sẽ không đề cập đến con người sách vở hàn lâm của ông (có muốn cũng chẳng làm nổi!) mà chỉ lướt qua về con người chính trị của ông.

Sartre được xem như người khai sáng một triết thuyết thường được gọi dưới cái tên chủ nghĩa hiện sinh (existentialisme).


Jean Paul Sartre
Nguồn: nytimes.com
Thật ra, triết học hiện sinh đã khai sinh từ thế kỷ 19 với triết gia vĩ đại Friedrich Nietzsche (Đức). Ông cho rằng cuộc sống thực tại không dính líu gì đến những cứu cánh đạo đức của thuyết duy sử mà ông gọi là “nền đạo đức Cơ Đốc nô lệ”. Ông muốn thực hiện cuộc biến đổi các giá trị để các tính cách mạnh mẽ có thể phát triển mà không bị các không bị tính cách yếu đuối ngăn trở.

Theo ông, tôn giáo, cụ thể là Thiên Chúa giáo và các triết thuyết khác đã quay lưng với thực tại để mô tả thế giới ý tưởng hay thiên đàng, và ông cho rằng đó là sự đánh đồng thế giới ảo và thế giới thực. Ông tuyên bố “Hãy trung thành với thế gian này, đừng tin lời hứa hẹn của bất cứ ai về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở thế giới khác” và… “Le Dieu est mort” (Thượng Đế đã chết!)

Tư tưởng hiện sinh cũng được trình bày trong triết học của triết gia Martin Heidegger.

Nhưng đến Sartre thì tư tưởng này đã được trình bày một cách hệ thống nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất nên vô tình Sartre được coi như cha đẻ của thuyết hiện sinh cho dù ông không phải.

Trong khả năng hạn hẹp của mình, tôi cố gắng khái quát về triết học hiện sinh của Sartre vì chúng ta không thể đánh giá được ông nếu không am hiểu tư tưởng của ông.

Chủ nghĩa hiện sinh, theo Sartre là chủ nghĩa nhân văn với xuất phát điểm từ chính con người. Trái với Kierkegaard, một triết gia hiện sinh cũng là một tín đồ Thiên Chúa giáo, Sartre là người hiện sinh vô thần. Triết học của ông có thể xem như tiếp nối sự mô tả về con người sau khi Thượng Đế đã chết, theo Nietzsche.

Hiện sinh có nghĩa là sự tồn tại, nhưng không giống như sự tồn tại vô tri của cỏ cây, cầm thú, con người ý thức về sự tồn tại của mình. Ông viết trong tác phẩm L'Être Et Le Néant, “L'Homme, en revanche, se distingue de l'objet, en ce qu'il a conscience d'être, conscience de sa propre existence, c'est l'être pour soi”.

Theo Sartre, sự tồn tại là yếu tố đầu tiên trước tất cả mọi ý nghĩa về nó. Tôi tồn tại trước khi biết tôi là ai. Theo Sartre, sự tồn tại của con người có trước bản chất con người, nhưng theo ông, bản chất con người không có sẵn từ khởi điểm mà do chính con người sáng tạo ra. Và sự sáng tạo bản chất con người tùy theo điều kiện xung quanh nên nó không bất biến, do vậy những nghiên cứu về ý nghĩa cuộc đời nói chung là vô nghĩa.

Nói cách khác, con người được tự do trong việc sáng tạo ý nghĩa cuộc đời cho riêng mình, tuy vậy đó không phải là sự tự do chọn lựa mà là bắt buộc phải tự do chọn lựa, ông nói rằng “Nous sommes condamnés à la liberté”. Chúng ta bị kết án phải tự do!

Con người như những kịch sĩ bước lên sân khấu mà không hề biết mình sẽ đóng vai gì, không biết kịch bản ra sao và không có ai nhắc tuồng, và do vậy phải tự sáng tạo để tồn tại. Nhưng khi làm như vậy, tự nhiên con người sẽ cảm thấy mệt mỏi, cảm thấy xa lạ, thừa thãi trong một thế giới phi lý. Chính những cảm xúc này mà Sartre đã đồng cảm với Marx khi ông mô tả thế giới buồn nản, phi lý của giai cấp lao động.

Cũng giống như một người phải tập thể dục đều đặn để giữ thân hình đẹp, anh ta có thể không muốn tập thể dục nhưng cũng lại không muốn có thân hình xấu nên dù không thích vẫn phải tập, sự tự do chọn lựa lúc ấy trở thành gánh nặng, và đôi khi gây cảm giác buồn nản, tuyệt vọng, chán nản và vô nghĩa.

Với Sartre, chúng ta là con người tự do và vì vậy suốt đời chúng ta bị kết án phải chọn lựa tự do. Nhưng ông không phải là người vô chính phủ khi cho rằng sự tồn tại là vô nghĩa và tất cả đều được phép (như nhiều người đã hiểu lầm về tư tưởng hiện sinh, nhất là giới hippies “make love not war”), ông cho rằng cuộc đời vốn vẫn có ý nghĩa.

Ý nghĩa cuộc đời chúng ta do chính ta tạo nên, sự tồn tại là sáng tạo nên chính sự tồn tại. “Il n'y a que pour une conscience qu'une façon d'exister, c'est d'avoir conscience qu'elle existe!”

Sau khi Thế chiến 2 chấm dứt, Sartre đã từ địa hạt triết học bước vào chính trị và đã nhiều lần tỏ rõ quan điểm của ông về lãnh vực này trong nhiều bài báo viết cho tờ Les Temps Modernes.

Như nhiều nhà trí thức khác thời bấy giờ, Sartre đã say mê lý tưởng cách mạng Marxisme. Tuy vậy, tình yêu của ông đối với chủ nghĩa Cộng sản chưa đủ “tha thiết” để ông gia nhập đảng Cộng sản Pháp mà quy tắc hoạt động của nó vi phạm nghiêm trọng với quan niệm về tự do cá nhân của ông.

Thích Cộng Sản và cùng lúc thích tự do thì hầu như không thể được, do vậy Sartre đã cùng với Simone De Beauvoir và vài đồng chí khác đi tìm con đường thứ 3, con đường chối từ chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa cộng sản.

Trên nhiều bài viết đăng trên tờ Les Temps Modernes của ông, ông đã kịch kiệt chống cuộc chiến Đông Dương, tấn công chủ nghĩa De Gaulle (Gaullisme) và chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Ông đã đi xa đến độ tuyên bố, bất cứ kẻ chống cộng nào cũng đều là… chó (tout anti– communiste est un chien).

Ông cố gắng diễn dịch tư tưởng của mình bằng ngôn ngữ chính trị, thành lập một đảng phái chính trị có tên là Tập hợp Dân Chủ Cách Mạng (Rassemblement Démocratique Révolutionnaire – RDR). Nhưng mặc dù đã cố công vận động, đảng phái này không thu hút được sự ủng hộ cần thiết để trở thành một đảng chính trị, ông đành phải từ bỏ nó vào năm 1949.

Tuy không phải là đảng viên, Sartre đã là một “ủy viên dự khuyết” của đảng Cộng Sản Pháp trong khoảng thời gian từ 1952 – 1956, ông đã trở thành Chủ tịch Hội Pháp – Xô (Association France – URSS) và là một thành viên trong Hội Đồng Hòa bình Thế giới (Conseil Mondial de la paix) một tổ chức nằm dưới sự kiểm soát của Moscou.

Cuộc “kết hôn” giữa Sartre và chủ nghĩa Cộng Sản đã làm tan vỡ tình bạn thân thiết giữa Sartre và Albert Camus.

Với Camus, lý tưởng tốt đẹp của chủ nghĩa Marx vẫn không thể biện minh cho các tội ác xảy ra dưới thời Staline, trong khi Sartre lại nghĩ rằng người ta không thể dùng những sự kiện đó để bác bỏ sự dấn thân của cách mạng.

Nhưng “hôn nhân” này của Sartre đã tan vỡ vào năm 1956 khi xe tank của Hồng quân Liên Xô đè bẹp những người đấu tranh dân chủ trên đường phố Budapest.

Cùng với nhiều trí thức thiên tả khác, ông đã ký vào một bản kiến nghị lên án cuộc đàn áp này.

Năm 1964, Sartre đã từ chối giải Nobel về văn chương, trước đó ông cũng đã từ chối nhận huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh và một ghế giáo sư trong College de France, bởi vì theo ông những danh hiệu này sẽ thủ tiêu tự do của ông khi chúng muốn biến đổi một văn sĩ thành một định chế (en faisant de l'écrivain une institution).

Năm 1967, ông cùng với Bertrand Russell là đồng chủ tịch của cái gọi là Tòa án Russell, một tòa án tự phát, quy tụ nhiều nhà trí thức quốc tế, các chiến binh và các nhân chứng để “xử” tội ác chiến tranh của người Mỹ tại Việt Nam. Nhưng cũng cùng lúc, ông lại lên án mạnh mẽ sự xâm lăng của Hồng quân Liên Xô vào Prague, thủ đô Tiệp Khắc.

Vào cuối đời, ông lại dính vào cuộc xung đột Israel – Palestine. Mặc dù công nhận sự hợp pháp của quốc gia Israel, ông lại tố cáo cuộc sống khốn khổ của người Palestine mà ông cho là sự giải thích (đúng ra là sự biện minh) cho chủ nghĩa khủng bố.

Tuy càng lúc càng suy yếu, nhưng hoạt động của Sartre vẫn không ngưng nghỉ, sức làm việc của ông thật không thể tưởng tượng được. Và trong các hoạt động đó, một sự kiện làm tôi luôn nhớ mãi đến ông.

Vào năm 1979, cùng với “kẻ thù” lâu năm, Raymond Aron, và triết gia trẻ Andre Glucksmann, một Sartre suy sụp đã đến Điện Élysée để thỉnh cầu Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing đón nhận những người tỵ nạn Việt Nam, mà hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng trên biển khi tìm cách trốn chạy khỏi đất nước (thảm nạn thuyền nhân!).

Hành động này của ông đã gây xúc động rất lớn trong công chúng. Hoàn toàn độc lập với các ý tưởng chính trị của mình, Sartre vào lúc hoàng hôn của cuộc đời đã xác nhận sẽ cứu giúp bất cứ một sinh mạng nào, ở bất cứ đâu khi nó đang bị đe dọa!

Jean Paul Sartre trút hơi thở cuối cùng vào ngày 15 tháng 4 năm 1980 tại bệnh viện Broussais de Paris, hưởng thọ 75 tuổi. Ông được an táng tại nghĩa trang Montparnasse – Paris.

Simone de Beauvoir (người bạn tri kỷ và cũng là người tình một thời của ông) qua đời vào ngày 14 tháng 4, 1986 được an táng bên cạnh ông.

Trên ngôi mộ, chỉ có một tấm bảng giản dị khắc dòng chữ cũng giản dị không kém:

Jean Paul Sartre
1905 – 1980

© DCVOnline

Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails