Thứ Tư, 3 tháng 6, 2009

Trở về Lệ Chi viên

Nguồn : viet-studies

Truyện ngắn - Nguyễn Thúy Ái

Sau tết Đoan Ngọ, vải chín ửng khắp vườn. Loại trái này vào cuối mùa tuy trái nhỏ hơn nhưng ngon ngọt hơn và màu chín hiện ra bên ngoài vỏ cũng đẹp một cách kỳ lạ bởi sự pha trộn màu không đều trải lên lớp vỏ xù xì khiến cho trái vải trông vừa ngon mắt, vừa ngon miệng ngay cả khi chưa bóc vỏ… Chưa có năm nào vải được mùa như năm nay. Ức Trai tiên sinh ra lệnh cho đám gia nhân không được hái hết vải trên cành mà phải chừa lại trên khắp cả vườn, làm sao để cây nào trông vẫn trĩu quả. Không chỉ những loài hoa, mà vẻ đẹp của quả cũng khiến lòng ông hửng lên một niềm vui.

Từ ngày xa rời việc quan về ẩn dật nơi này, Ức Trai tiên sinh tưởng như thoát khỏi những phiền toái, phức tạp trong triều đình. Nhưng ông lại không thoát khỏi nỗi muộn phiền của lòng mình. Càng hòa mình vào thiên, quan sát cuộc sống của cây cỏ ông càng chiêm nghiệm sâu sắc về sự tồn vong, thịnh suy của cuộc sống, của một triều đại. Ông càng ngán ngẫm cho việc xâu xé, thu tóm quyền lực trong triều. Bao nhiêu công thần bị Lê Lợi bắt giam và bị giết, chính ông cũng bị người mà ông hết lòng phò tá ấy giam vào ngục tối, may mà giữ được mạng sống… Lâu nay tâm hồn ông có phần yên tĩnh hơn nhờ việc trước tác. Có lẽ đó chính là lối thoát, cũng là lúc ông được sống thật với con người của mình. Thi ca giúp tâm hồn ông trẻ lại, dạt dào cảm xúc. Năm nay tiên sinh gần lục tuần, đã trót một đời người. Với dân thường, ở tuổi ấy, họ chuẩn bị lễ lên lão để sống cuộc đời của một ông già thực sự, an phận thủ thường, vui vầy với con cháu, với cảnh điền viên. Còn với ông, dù không cần làm lễ lên lão nhưng trong con mắt tôn kính của con cháu, của đám gia nhân, của dân chúng và những kẻ sĩ ưu thời mẫn thế, từ lâu ông đã là một ông già với tất cả sự cao qúy của nghĩa ấy vì những gì ông đóng góp cho sơn hà xã tắc. Một vị khai quốc công thần, một thi tài lồng lộng như sao Khuê, họ xem ông như một thần nhân. Với họ, Ức Trai tiên sinh là một con người ưu tú của dân tộc mà dễ đến cả trăm năm, thậm chí nghìn năm mới được sinh ra… Cũng có lúc Nguyễn Trãi muốn mình thực sự già đi, để dễ sống hơn. Chả là lâu nay ông tập trung vào việc soạn thảo Quốc Âm Thi Tập để răn dạy con cháu và người đời sống sao cho hợp đạo lý. Mọi đau khổ, bất hạnh của con người cũng do việc sống trái với Đạo mà ra. Đạo cũng chính là quy luật của cuộc sống vậy...

Nhưng sáng nay có một việc xảy ra khiến Ức Trai tiên sinh cảm thấy tâm hồn mình bị xáo trộn. Như mọi ngày, sau buổi trà sớm, ông thăm đám hoa kiểng của mình rồi vào thư phòng đọc sách. Giữa buổi ông nghỉ ngơi một lát rồi đi dạo. Hôm nay ông muốn ngắm cho thỏa vẻ đẹp của những trái vải cuối mùa. Là một nghệ sĩ, ông hiểu rằng Tạo hóa chính là người nghệ sĩ vĩ đại nhất, sáng tạo đến vô cùng và tận tụy nhất. Ngoài kiệt tác là con người, Ngài đã kỳ công tạo tác ra mọi thứ với trí tưởng tượng và óc thẩm mỹ kỳ diệu. Từ hình dáng màu sắc của những bông hoa, chiếc lá, từng loại cây trái, đến từng vẻ đẹp của những con cá, con tôm sống dưới nước cũng đều hoàn hảo, hài hòa và không trùng lắp. Mỗi tạo vật là một tuyệt tác và chỉ được tạo ra một lần duy nhất… Một nét bút của Tạo hóa, cả nghìn năm con người chưa bắt chước nổi. Tiên sinh vừa đi vừa suy nghĩ miên man. Nắng sớm tháng năm rực rỡ, chan hòa khắp vườn khiến tâm hồn u uẩn của ông có phần ấm lại nên đi một lúc, có lâu hơn thường lệ ông vẫn chưa thấy mệt. Bất chợt ông nhìn ra phía cổng có một nữ gia nhân đang chọn chiếu để mua của một người bán chiếu rong. Chuyện này vẫn thường xảy ra nên ông không để ý và định lui gót, vào thư phòng tiếp tục công việc. Nhưng chưa kịp vào, người nhà mua chiếu ban nãy đến trước mặt ông vòng tay cung kính:

- Thưa ngài, có cô bán chiếu con vừa mua còn đứng ngoài kia, thấy quả vải nhà mình nhiều và tốt quá nên xin ngài ban cho một ít, để cô mang về làm quà cho cha mẹ.

Ông ngoái nhìn, quả là cô bán chiếu còn đứng đó, có ý chờ đợi. Ông định gật đầu, bởi vải chín trong vườn lâu nay ông thường sai gia nhân đem biếu cho họ hàng thân tộc, chiêu đãi mọi người là chính. Bỗng ông đổi ý:

- Thôi, ngươi cứ mang chiếu vào nhà đi, để ta đem ra cho họ…

Trên chiếc đôn ngoài hiên, sáng nay ông lão bộc đã chọn sẵn một mâm vải quả được cột thành từng chùm rất khéo để chủ nhân đãi khách vào chiều nay. Nguyễn Trãi chọn hai chùm vải ưng ý nhất rồi đi nhanh ra cổng. Chính ông cũng ngạc nhiên khi nhận ra sự nhanh nhẹn khác thường ấy của mình, trái với phong cách chậm rãi thư nhàn của ông lâu nay. Bởi người con gái bán chiếu trong bộ áo tứ thân đơn sơ và chiếc khăn mỏ quạ sùm sụp trên đầu như mọi cô gái quê khác, nhưng là người nhạy cảm với cái đẹp nên tiên sinh nhận ra đó là dung mạo của một mỹ nhân, vóc hình trẻ trung và thon lẳn. Thấy ông, cô gái gần như run lên. Ức Trai tiên sinh, với một giọng nói âm vang nhưng dịu dàng và ân cần rất mực để cô gái khỏi sợ, ông bảo:

- Đây ta ban cho …

Ông ngập ngừng không biết gọi cô gái là “ngươi” hay “nàng”, bởi tuy vẫn còn run rẩy, người con gái đưa hai tay đón nhận chùm vải chín mọng như nhận một ân huệ từ bậc thiên tài. Đôi mắt đen dài lúng liếng dưới lần khăn kia nhìn ông e ấp nhưng không kém phần dạn dĩ, lẳng lơ, rung động của một người nữ nhìn người đàn ông, tuy lớn tuổi nhưng phong thái sang cả, uy nghiêm mà vẫn chan chứa tình, người mà cô từng nghe tiếng từ lâu, vả lại dinh cơ này của Nguyễn Trãi đại thần, người dân nào mà không biết.

- Em xin tạ ân ngài…

Chữ em ngọt ngào ấy của cô gái trẻ đẹp như một dòng nước mát rót vào lòng tiên sinh, giữa cái nắng bắt đầu lên cao, oi nồng. Ông tự hỏi, chẳng lẽ trước mặt cô không phải là một vị đại thần già nua, một bậc hiền triết mệt mỏi với thế thái nhân tình? Tiếng “em” ấy khiến ông không thể quay vào ngay. Tiên sinh hỏi tiếp:

- Vậy quê cô em ở đâu …

Cô trả lời nhưng ông không kịp ghi nhớ vì bận tâm hỏi tiếp một câu nữa:

- Vậy năm nay cô em được bao nhiêu xuân xanh rồi?

- Dạ thưa ngài, em vừa đến tuổi trăng tròn lẻ…

Ông hơi mỉm cười vì một cô bán chiếu cũng nói năng văn hoa gớm, chắc cô cũng biết ông là một nhà thơ. Cô này thông minh đây. Có thể nghi ngờ điều này, nhưng một điều ông chắc chắn, đó là cô gái đẹp, đẹp lắm. Đôi mắt đen láy, lấp lánh dưới một hàng mi rợp mát, làn da trắng nõn ửng hồng vì nắng. Chiếc yếm nâu, cũ và chật không ép được vồng ngực căng, đầy sức sống… Nhan sắc này nếu được sống trong nhung lụa, được kẻ hầu người hạ và nhất là được khai tâm mở trí bằng chữ nghĩa thì chẳng thua kém những bậc nữ lưu cao quý, những quận chúa, mệnh phụ phu nhân trong triều đình. Nghĩ thế ông không ngần ngại hỏi tiếp :

- Thế cô em được mấy con rồi?

Đôi mắt cô gái càng sáng lên khi được hỏi câu này, như một thí sinh được vị giám khảo hỏi đúng vào câu mà mình đã chuẩn bị kỹ:

- Dạ thưa ngài, em còn chưa có chồng, làm chi có con ạ.

Người hỏi cũng thấy hài lòng không kém gì người trả lời. Thấy đứng lâu ngoài đường, nói chuyện với một cô gái dân dã thế này không tiện nên Ức Trai tiên sinh đành phải từ biệt cô với lời dặn.

- Khi nào dệt được chiếu đẹp, mang đến cho ta xem nhé.

Quả là Ức Trai tiên sinh chưa bao giờ tự tay chọn chiếu cho mình. Dù cuộc đời ông từng trải qua thăng trầm, có lúc phải xa quê hương, khốn khó, không được sống đúng với vị thế cao quý của mình. Nguyễn Trãi sinh ra ở đất Thăng Long, mẹ ông là một tiểu thư dòng tôn thất, con gái yêu của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Ông là kết quả của một cuộc tình duyên say đắm và dám vượt khỏi lễ giáo nghiêm khắc thời ấy. Mẹ ông lỡ có thai với người học trò nghèo, biết đó là một cái tội phạm thượng nên người học trò ấy phải trốn đi. Quan Tư đồ biết được và độ lượng tác hợp cho họ nên vợ nên chồng. Sau này cha của ông là Nguyễn Phi Khanh mới thi đỗ tiến sĩ. Nguyễn Trãi từ nhỏ được sống trong dinh phủ với ông ngoại. Trang viên rộng lớn, nơi Ức Trai tiên sinh lui về ẩn dật thường gọi là Lệ Chi viên cũng là cơ ngơi lâu đời của một giòng họ danh giá bậc nhất, là nơi vui thú khi quan tể tướng Trần Nguyên Đán về hưu. Vì thế việc Nguyễn Trãi đứng nói chuyện, ban tặng phẩm vật cho một cô gái bán chiếu ngoài đường, chưa biết rõ lại lịch khiến đám gia nhân xì xầm, đến tai cả con cháu ông.

Nỗi xao xuyến của Ức Trai trước cô gái đẹp tuy mãnh liệt nhưng ông nghĩ rằng việc ấy sẽ qua. Ông lại rơi vào nỗi cô đơn và chỉ chú tâm vào việc soạn sách, làm thơ là chính. Nhưng thật bất ngờ, chưa đến một tuần trăng sau, cô gái bán chiếu ấy lại đến và xin dâng lên Ức Trai tiên sinh một đôi chiếu rất đẹp. Gia nhân dâng lên cho ông xem, ông rất ưng ý nhưng khi gia nhân trả tiền cô không nhận. Nghe thế, tiên sinh bảo người nhà vào kho lấy ban cho cô một tấm lụa thì cô xin nhận. Lần này ông mới biết được tên cô, Nguyễn Thị Lộ và nắm rõ quê quán của cô gái.

Thị Lộ về rồi, mấy ngày sau Nguyễn Trãi chưa hết ngẩn ngơ khi nhận ra sự thay đổi của mình. Trong ông tràn dâng một sức sống mới, giống như thời trai trẻ. Vì sao? Vì trong đôi mắt cô gái ấy, tiên sinh thấy mình không già, cái cách liếc mắt đưa tình, cái cách e ấp làm duyên của cô khi đứng trước ông đã nói lên điều đó. Vẻ thanh xuân của cô như san sẻ bớt tuổi già của ông. Còn sắc đẹp ư? Đó quả là một liều thuốc thần cho hầu hết đàn ông. Người đàn bà đẹp thường khiến nỗi khao khát yêu đương ở đàn ông dấy lên mãnh liệt. Thảo nào không hề ngẫu nhiên mà hai chữ sắc dục lại đi đôi với nhau. Khi những cuộc gặp gỡ của Nguyễn Trãi và Thị Lộ mỗi ngày một nhiều thì người trong gia đình, những gia nhân, công bộc trung thành lâu năm, có người sống từ thời cụ quan họ Trần cũng tỏ ý bất mãn khi biết Ức trai tiên sinh định cưới một người vợ lẽ kém ông quá nhiều tuổi, chỉ đáng con cháu, lại xuất thân trong một giai tầng thấp kém, có lẽ bao đời không biết đến chữ nghĩa thánh hiền. Nhưng họ không không thể không công nhận rằng cô gái ấy có đủ tinh khôn, ma lực để làm Ức Trai tiên sinh mê mệt, bỏ qua mọi lời can gián. Trước khi đưa Thị Lộ về điền trang, để nâng cao giá trị cô gái sắp chung chăn gối với mình Ức Trai đã ra mấy câu thậm dở mà tương truyền là cuộc xướng họa đầu tiên giữa tiên sinh với Thị Lộ, để chứng tỏ người phụ nữ ấy cũng có thi tài.

Cô ở đâu mà bán chiếu gon

Hỏi thăm chiếu ấy hết hay còn

Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi

Chồng có hay chưa, được mất con?

Và bài họa cũng là của ông:

Quê ở Tây Hồ bán chiếu gon

Cớ sao ông hỏi hết hay còn

Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ

Chồng còn chưa có, có chi con

Văn tài Ức Trai có thể chế tác ra những bài xướng họa hay hơn gấp nhiều lần, nhưng ông phải hạ thấp mình xuống như thế cho vừa với con gái dân dã, chỉ quen đối đáp trong những buổi ngồi dệt chiếu hay giã gạo …

Một người như Ức Trai tiên sinh, từng cùng Lê Lợi xây dựng đường lối chính trị, quân sự, đấu tranh ngoại giao với giặc, người từng thảo bản “Thiên cổ hùng văn”, được đời đời truyền tụng … thì việc thuyết phục những người thân, giúp họ vượt qua sự lo lắng, e ngại để ông lấy Thị Lộ chỉ là chuyện nhỏ. Và Thị Lộ đã không làm Ức Trai thất vọng, cô rất thông minh, tiếp nhận ngay được những bài học đầu tiên từ người chồng già dạy. Cô cũng rất thích thú với văn chương thi phú và những giai thoại văn chương. Có dịp đàm đạo với Thị Lộ, không ai nghi ngờ rằng, chỉ một thời gian ngắn, từ một cô gái bình dân, mù chữ đã lột xác thành một bậc nữ lưu quý tộc mà vẫn tràn đầy sức sống, sự sinh động của người lao động. Đó là nền tảng để sau này Nguyễn Trãi dám hạ mình xin cho cô được sung chức “Lễ Nghi Nữ Học Sĩ” trong triều, một thứ hư khoa vượt xa thực học của Thị Lộ, để tăng lên sự môn đăng hộ đối cho cuộc hôn nhân chênh lệch về nhiều mặt ấy. Có lẽ đó là lần đầu tiên và duy nhất trong đời Ức Trai làm một việc trái với lòng lành của mình, nhưng ông lại chặc lưỡi, tự đánh lạc hướng lương tâm rằng, việc ấy chẳng hại gì ai.

Mặc dù Ức Trai tiên sinh từng nhiều lần cưới vợ, như những người đàn ông cao sang, danh vọng thời ấy. Nhưng tất cả những bà vợ kia, tuy gốc gác danh gia vọng tộc hay bình dân thì họ đều có một đặc điểm rất giống nhau trong chuyện chăn gối. Đó là họ gần như hoàn toàn thụ động khi ái ân cùng chồng. Còn Thị Lộ, chỉ sau một thời gian ngắn làm vợ, người đàn bà trẻ này không chỉ biết hưởng ứng, hòa điệu cùng ông trong khúc nhạc ái ân mà còn biết cách chủ động, gợi tình và đẩy chồng lên cao trào… Có lẽ lâu lắm rồi, Nguyễn Trãi thấy mình sung mãn đến như vậy. Ông hài lòng người vợ trẻ về nhiều mặt, không như lo lắng của mọi người. Chỉ một điều tiên sinh lấy làm lạ, là từ khi về sống ở Lệ Chi viên, Thị Lộ chưa một lần về thăm nhà, dù ông có ý khuyến khích. Nhưng Thị Lộ vẫn tỏ rõ là một người con hiếu thảo. Nàng vẫn sai người mang bạc vàng về cho cha mẹ tu bổ lại nhà cửa, tậu thêm ruộng vườn, cưới vợ cho em. Khi nhà Lê vời Nguyễn Trãi ra làm quan trở lại, bổng lộc được phục hồi thì anh em, họ hàng Thị Lộ cũng hiển vinh theo, được phong chức quan lớn, quan nhỏ tùy theo mức độ thân sơ với mình. Trong ngoài Lệ Chi viên đều biết uy quyền và sự ảnh hưởng của Thị Lộ với quan Thừa Chỉ Viện hàn lâm Nguyễn Trãi. Bản thân nàng được lui tới triều đình nhờ chức danh Lễ Nghi Nữ Học Sĩ cũng có tác dụng tích cực tới vị trí của người chồng. Vị vua trẻ tuổi lúc ấy là Lê Thái Tông cũng say mê Thị Lộ, không chỉ vì vẻ yêu kiều mà còn vì sự thông minh, ứng biến tài tình của nàng. Nguyễn Trãi biết điều nhưng vẫn phải làm ngơ. Vả lại việc vì vua trẻ tuổi biết xét lại, biết công trạng, tài năng của ông đã xuống chiếu phục chức cho ông. Với Ức Trai đó là một ân huệ quá lớn, giải được phần nào oan ức lẫn minh chứng được danh dự của ông trong con mắt những người ganh ghét chỉ muốn vùi dập ông lâu nay. Ngay cả ông biết rằng, Thị Lộ, dù không có việc gì vẫn cứ ở lại trong cung nên có điều tiếng xì xầm, ông đắng lòng nhưng vẫn phải chịu đựng. Khi ra làm quan trở lại, tuổi cao, việc lớn, Nguyễn Trãi luôn muốn hết lòng với sự tín nhiệm của vua nên lúc nào cũng mệt mỏi vì làm việc quá sức, thức khuya, lao tâm khổ trí vì dân, vì nước, vì ơn cao dày của Thiên tử… Chuyện ấy không phải không ảnh hưởng đến khả năng chăn gối của ông, với một người vợ trẻ phơi phới xuân tình. Ông biết mình không đáp ứng đủ nhu cầu dục tình của vợ. Quan ngự y là người thân thiết với Nguyễn Trãi, có giúp ông bài thuốc nổi tiếng “Nhất dạ ngũ giao”, tiên sinh có dùng nhiều nhưng thực tế thì “ngũ dạ nhất giao” ông cũng không làm nổi. Thuốc thang nào cũng chịu thua trước luật sinh, lão... Nên dù Thị Lộ ở đêm trong cung, nhiều khi ông lại thấy dễ chịu. Ngay cả trước đây, đám gia nhân xì xầm, khi có dấu hiệu của một tên trộm đột nhập vào Lệ Chi viên, hay rình rập ở khuê phòng của Thị Lộ, không chỉ một lần nhưng vì xem xét thấy không mất gì nên không làm to chuyện. Chỉ có Ức Trai tiên sinh thấy lo trước việc bí ẩn ấy…

***

Mùa hạ năm đó, vua đi duyệt võ ở Chí Linh. Lệ Chi viên nhận được tin vui là trên đường trở về, nhà vua cùng đoàn tùy tùng sẽ nghỉ lại ở gia trang một đêm. Từ chủ nhân cho đến đám gia nhân của trang viên rộn rã trước vinh dự lớn lao này. Họ trang hoàng, giăng đèn kết hoa, tỉa tót cây kiểng, đánh bóng những bộ lư đồng và ướp xạ xông hương cho các gian phòng mà vua sẽ chọn để nghỉ đêm. Khi xa giá vua đến nơi, mọi người mới biết chuyến đi này không có thị nữ theo hầu, nếu có thì chỉ là những thị tì làm công việc phục vụ bên ngoài, nên không ai khác hơn để nâng giấc mình rồng là người vợ lẽ xinh đẹp của Ức Trai tiên sinh, vốn cũng là bạn tri âm của nhà vua trẻ lâu nay. Nhưng bất hạnh thay đó lại là giấc ngủ sau cùng của ngài.

***

Đó là một vụ án lịch sử, oan ức và đau lòng, làm ray rứt nhiều đời sau, cho cả người chết và người bị xử tội. Nguyễn Trãi và Thị Lộ bị kết án âm mưu giết vua, riêng Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc.

Trong lòng thần dân và cả những đời vua Lê nối ngôi sau này đều biết Nguyễn Trãi bị oan. Một bậc anh tài, đức độ như ông giết vua để làm gì, ông không bao giờ có ý nghĩ ấy, cả lúc bị thất sủng. Thị Lộ thì càng không, vì đó chính là lúc cô gái quê, ít học nhưng đầy tham vọng ấy đạt đến đỉnh cao danh vọng, chỉ nhờ vào sắc đẹp và chút khôn ngoan, toan tính. Chính Thị Lộ làm một cuộc đổi đời nhanh chóng cho mình và cả giòng họ mình, họ hàng nhà cô ai mà không ngưỡng mộ và trĩu nặng ân sủng với bà phu nhân quyền quý vốn là con em của họ.

Khi Thị Lộ gánh chiếu đến Lệ Chi viên, cô đã hơn mười bảy tuổi, một năm trước đó nhà cô đã nhận lễ dạm ngõ của một người con trai nghèo cùng làng. Đó là một cuộc hôn nhân đặt để, như hầu hết những cuộc dựng vợ gả chồng thời ấy. Gã trai trẻ ấy khỏe mạnh, cao lớn nhưng Thị Lộ không ưng vì gã nghèo là lại có tính hung hăng di truyền. Cô từng biết cha gã đánh mẹ gã chết đi sống lại vì những lý do vu vơ, nhất là khi say rượu. Anh em gã cũng có cái thói vũ phu ấy. Nhạy cảm, khôn sớm, Thị Lộ biết mình đẹp và hiểu rằng đó là sức mạnh của nữ nhi, vì người đàn ông nào cũng háo sắc, càng giàu sang phú quý họ càng tăng thói háo sắc háo dâm.

Đã nhiều lần đi ngang Lệ Chi viên, Thị Lộ len lén nhìn vào chốn quyền quý ấy với một lòng thèm muốn vô hạn. Được sống trong ấy, dù với vị trí nào cũng là cao sang với mình lắm rồi. Cô cũng biết tiếng vị quan lớn từng làm quan trong triều về đây ở ẩn lâu nay. Những ông quan dù về hưu đều muốn có thêm vợ, khi người vợ trước già, cũ đi một chút là họ tìm vợ mới. Thị Lộ từng hy vọng vào nhiều cổng quan phủ khác hé mở cho mình nhưng cô chưa gặp may. Đó cũng không phải lần đầu gia nhân của Lệ Chi viên ra mua chiếu hay đặt chiếu nhưng Thị Lộ không bao giờ thấy mặt được chủ nhân. Mỗi sáng, gánh chiếu ra đi, Lộ đều thắp hương khấn vái mong được gặp gỡ một người đàn ông quyền quý nào đó và được lọt vào mắt của ông ta.

Vận may đã đến với Thị Lộ khi cô gặp được một văn nhân vốn nhạy cảm với cái đẹp, dù cái đẹp ấy được dấu trong quần áo nghèo nàn. Việc Nguyễn Trãi muốn cưới cô làm lẽ khiến gia đình cô nghe như tiếng sét ngang tai. Việc đó ngoài sức tưởng tượng nhưng họ cũng thấy ngay nguy hiểm cho cô gái. Hề, gã chồng chưa cưới của Thị Lộ biết chuyện này chắc chết cả nhà. Nhưng rồi nhờ có vàng bạc, họ cũng thỏa thuận được với Hề. Nhận mấy nén vàng, gã đồng ý nhượng vợ lại cho người khác. Mọi việc tưởng như êm đẹp, Thị Lộ về trang viên sống đời mệnh phụ. Thế nhưng thỉnh thoảng hắn vẫn tìm cách ghé qua nhà cha mẹ cô gây chuyện, nhằm kiếm thêm mấy nén bạc để uống rượu. Nếu không hắn dọa sẽ đến trước trang viên, nói cho mọi người rằng Thị Lộ là quân lộn chồng. Dù gì cũng đã ăn đồ dạm ngõ của hắn. Chính vì thế mà từ khi về nhà chồng, Thị Lộ dù rất nhớ cha mẹ cũng không dám bén mảng về thăm. Cô luôn nằm mơ thấy mình mặc áo thêu, đeo vòng ngọc, ngồi trong kiệu hoa lộng lẫy, có kẻ hầu người hạ về quê, cho dân làng, phường bạn dệt chiếu, bán chiếu ngày xưa của mình lác mắt. Nhưng đó cũng chỉ là trong mơ. Thị Lộ luôn sợ gặp lại Hề.

Vàng bạc cũng không làm nguôi mối hận mất vợ ở Hề. Có lần hắn lén trèo vào trang viên, tìm đến khuê phòng của Thị Lộ, nhưng bị động hắn tìm cách thoát nhanh. Như bị ma quỷ dẫn đường, dù sợ nhưng gã cũng cứ mò đến gia trang. Nhiều lúc gã rình thấy được cảnh vợ chồng họ ân ái, hắn điên lên muốn nhào vô bóp cổ Ức Trai cho rồi, nhưng nghĩ lại hắn không dám. Từ đó Hề thông thuộc lối vào ra trang viên một cách an toàn. Thị Lộ cũng linh cảm có hơi hướng Hề bên ngoài phòng loan nên luôn đề phòng, sợ Ức Trai tiên sinh biết sự thật. Chính những lúc vào cung là lúc Thị Lộ thấy yên ổn nhất, lại được ở bên mình rồng, một vị vua trai trẻ, phong tình.

Hề biết sẽ có việc lớn ở Lệ Chi viên, khi thấy nơi ấy giăng đèn kết hoa. Rồi cảnh binh mã rầm rộ xuất hiện, binh lính kiểm soát chặt chẽ khắp nơi, các vị quan địa phương ra lệnh cho người dân không được bén mảng đến gần trang viên. Nhưng từ xa trên một đồi sim, Hề cũng nhìn thấy xa giá cùng đoàn tùy tùng của vua xuất hiện với trống đánh cờ giong rợp trời. Không kìm được tò mò, đêm khuya hắn len qua những bụi rậm, vườn cây mò dần đến trang viên. Lúc ấy bọn lính hầu ngủ gục. Như một con rắn, hắn trườn vào theo lối bí mật quen thuộc của mình, không một tiếng động. Tất cả như chìm trong giấc ngủ, duy chỉ trước một sảnh lớn có hai người lính đứng gác. Hắn biết đó là nơi vua nghỉ ngơi. Hề men qua khuê phòng của Thị Lộ, không có nàng ở đó. Còn ánh đèn trong thư phòng, hóa ra Nguyễn Trãi còn thức đọc sách. Vậy Thị Lộ ở đâu? Trong thâm tâm, người đàn bà ấy vẫn còn là của hắn. Hề thấy như sôi lên. Như một cái bóng, hắn liều lĩnh vòng ra phía sau căn phòng có lính gác. Qua khe của chiếc cửa sổ tròn nhỏ, bằng gỗ chạm trổ hình chim hạc rất tinh xảo, nhìn vào, hắn thấy một cảnh mà nếu sau đó còn sống, hắn sẽ nhớ đời. Mình rồng đang ở trần trùng trục, phủ lên thân thể ngọc ngà của Thị Lộ, cũng không một mảnh vải che thân. Cả hai người ra sức tận hưởng lạc thú với tiếng kêu phát ra từ Thị Lộ như tiếng mèo cái lúc động đực. Thù hận, ghen tuông, hắn lồng lộn như một con thú, chỉ muốn cắn xé tình địch, còn hơn lần từng nhìn thấy Nguyễn Trãi và Thị Lộ trong một cảnh tương tự. Từ lần ấy hắn luôn mang theo một liều độc dược trong người, để dành khi cần đến. Nhưng sau đó Thị Lộ vào cung, hắn chưa có dịp gặp lại cảnh đó, đủ để kích thích lòng ghen tuông cho hắn dám nhúng tay vào tội ác. Lần này thì hắn bắt gặp vua với nàng, cái cách dâm ô của nàng mới ghê gớm làm sao. Hắn gầm lên trong lòng “Con dâm phụ!”. Hắn nhìn xuống ngạch cửa, hắn biết quá rõ bề cao cái ngạch cửa này, chỉ khoảng hơn một gang tay. Hắn thử một lần rồi. Nhưng hôm nay sức ép của hận thù khiến hắn ép mình nhỏ lại một cách không ngờ. Hai kẻ say sưa trong hoan lạc nào có hay gì, vả lại họ yên tâm có lính gác, đây là một vùng đất thái bình trong một triều đại đang thời thịnh trị. Lọt vào được bên trong rồi, ngồi thụp xuống trong một góc, Hề nhìn thấy cái bình ngọc và chén ngọc trên bàn, Hề hiểu đấy là đồ dùng riêng của vua, lập tức hắn lấy ra trong người một cái gói nhỏ bằng đầu ngón tay, mở mấy lớp lá chuối khô, rồi rắc thứ bột màu xám vào bình, vào chén. Loại độc dược này chỉ cần lỡ vấy ngón tay cho vào miệng cũng đủ chết người. Xong việc nhưng hắn không thể chui ngạch trở ra được, hắn thấy mình to lớn quá. Không sao, hắn nhanh trí đến cửa sổ, nhẹ nhàng hất cái then gỗ, vọt ra và biến đi trong đêm tối.

Xét xử vụ án này, các quan lớn, quan nhỏ của Tòa Đại Hình đều biết Nguyễn Trãi bị oan. Suốt đêm ấy ông đọc sách và ngủ thiếp đi vào lúc sáng sớm. Vả lại không ai dại gì lại để vua chết tại nhà mình. Nhưng tang chứng khá rõ ràng là nhà vua có dấu hiệu bị đầu độc. Ai hại ông? Bởi Ức Trai tiên sinh không dù phải được tất cả mọi người yêu mến, vì người tài thường bị ghen ghét, nhưng ai cũng nể phục tài năng, đức độ của ông. Chỉ trừ ông có cái tội quá yêu những phụ nữ đẹp, nhưng đó là chuyện chung của các đấng mày râu, ai mà nỡ ghét.

Những ngày cuối cùng trong ngục chờ ra pháp trường bị xử trảm cùng với ba họ, Nguyễn Trãi suy nghĩ nhiều về công, về tội của mình. Ông thấy mình không có lỗi gì với dân, với nước. Suốt cuộc đời ông đã dốc sức, hết lòng cho sự độc lập của sơn hà, sự thịnh vượng của xã tắc. Tư tưởng nhân nghĩa của ông luôn hướng về nhân dân. Nhưng một thiên tài, một bậc minh triết như ông phải thọ tội, một trọng tội thế này ắt ông đã phạm một sai lầm cực lớn. Rồi ông cũng lờ mờ nhận ra rằng một bậc văn tài như ông phải giúp triều đình dựng nước, chăn dân là đúng. Nhưng ông sai khi ra tham chính, làm quan, hưởng bổng lộc của triều đình, đứng về phía nhà cầm quyền và thân thiết với họ. Mà lẽ ra vai trò cao quý của ông, một nhà văn hóa lớn, phải là đối trọng với người nắm giữ quyền lực trong tay, để cảnh tỉnh, giúp họ thấy được những cái sai của mình mà sửa. Cái sai thứ hai của ông, là khi tuổi đã cao, sức đã xuống đi lấy một người vợ quá trẻ, chỉ đáng tuổi con cháu, lại thiếu một nền tảng văn hóa lẫn giáo dục từ tấm bé. Hai điều sai lầm ấy đã đưa ông đến mối bất hạnh khủng khiếp nhất của một kiếp người. Nhận ra điều đó, lòng Ức Trai tiên sinh thanh thản hơn, ông hiểu rằng mọi sai lầm đều phải trả giá. Trong những khoảnh khắc cuối cùng, giấc ngủ trở nên bình yên và hồn mộng của Nguyễn Trãi thường trở về Lệ Chi viên, với những ngày tháng u nhã và thái hòa, được sống với thơ, có hoa cỏ làm bầu bạn …


Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails