Thứ Ba, 23 tháng 6, 2009

Phân tích thế hệ thứ ba : Các nhà văn phá rào

Nguồn : Chuồn Chuồn ghi lại theo chương trình văn học nghệ thuật 08/04/2006 của đài RFI

Nghe toàn bài





Thụy Khuê

Trước khi giới thiệu và phân tích tác phẩm của một số nhà văn, nhà thơ trẻ xuất hiện những năm gần đây, những bộ mặt nổi bật vì có một phong cách văn học riêng, biểu hiện những giá trị đích thực, chúng tôi muốn cùng quý vị nhìn lại tình hình chung của sinh hoạt sáng tác trong vòng 15, 20 năm nay. Mục đích là để tìm hiểu tại sao có những khuynh hướng này hoặc khuynh hướng khác và chúng mang lại những kết quả gì cho văn học.

Thực sự là trong khoảng gần 20 năm nay, giới sáng tác ở Việt Nam đã có một định hướng khá rõ, đó là chủ trương làm mới văn chương bằng những cách phá rào khác nhau. Nhiều nhà văn, nhà thơ bất chấp tình trạng kiểm soát tư tưởng tiềm ẩn hoặc công khai, đã mạnh dạn viết lên tác phẩm chạm đến cốt lõi của sự thật, khám phá những vùng « cấm địa » trong địa hạt tư tưởng dưới một chế độ toàn trị. Có thể chia khoảng thời gian từ 1986 đến 2006 làm ba giai đoạn với ba thế hệ nhà văn khác nhau, và những người đã thành công và thành danh là những người đã viết được những tác phẩm vừa đạt được sự thật vừa tạo được một vũ trụ ngôn ngữ của riêng mình.

Trong thời kì đổi mới những năm 86, 87, 88 ba tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài đã bỏ hẳn lối viết hiện thực cổ điển, tìm cách sử dụng những con đường gián tiếp, nói lên sự thực bằng hình ảnh, bằng biểu tượng, bằng ẩn dụ, bằng kí hiệu ngôn ngữ. Cho nên, không những họ đã phản ảnh được bộ mặt thật của xã hội, như những tác giả hiện thực cùng thời như Dương Thu Hương, Lê Lựu, Dương Hướng, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Khắc Trường, v.v. Mà đồng thời họ còn đưa ra một cách viết độc đáo, một cách trình bày hiện thực khác hẳn những người đương thời.

Đặc biệt Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra được khuynh hướng cực thực đầu tiên trong văn học Việt Nam. Ngôn ngữ và cách viết của Nguyễn Huy Thiệp đã ảnh hưởng sâu xa đến những lớp nhà văn đến sau. Trong lớp nhà văn kế tiếp, những tên tuổi như Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Bùi Hoằng Vị, Nguyễn Việt Hà ở trong nước, và Trần Vũ ở ngoài nước là những người đã tạo được cho mình một cá tính văn học độc đáo. Họ vừa ít nhiều chịu ảnh hưởng của Nguyễn Huy Thiệp về hai khía cạnh. Thứ nhất, sử dụng nhân vật lịch sử để đánh đổ sự tôn sùng lãnh tụ. Và thứ nhì, phơi bầy bộ mặt thật của xã hội dưới khía cạnh cực thực, tàn nhẫn, không nhân nhượng, không thoả hiệp. Ngoài ra, họ còn đem đến một yếu tố mới mà thế hệ Nguyễn Huy Thiệp chưa có. Đó là họ đem những yếu tố tưởng tượnghuyền ảo vào tác phẩm.

Trần Vũ và Nguyễn Bình Phương là đầu tàu cho khuynh hướng hiện thực huyền ảo này. Nguyễn Bình Phương dùng huyền ảo để ném hoả mù về một vùng đất mà con người bị vùi dập, đánh đập tàn nhẫn đến độ điên loạn lúc còn là thai nhi. Vùng đất sản sinh ra những đứa trẻ chết già trong không khí máu mê truyền kiếp. Trần Vũ dùng các nhân vật lịch sử trong một bối cảnh huyền ảo, pha trộn quá khứ, hiện tại và tương lai để vẽ cái tàn khốc và phi lý của chiến tranh, của sự tiêu diệt văn hoá, sự nực cười của những giá trị giả hình. Bùi Hoằng Vị hình thành một thứ hiện thực chôn vùi với nhiều tầng để mô tả điều kiện sống bức bách của những người bị giam ở tầng trệt thiên đường, một loại công dân hạng nhì sau ngày họ bị giải phóng. Trừ trường hợp Nguyễn Việt Hà là viết rất dễ đọc, đặc điểm chung của những ngòi bút này là họ giấu kín hiện thực mà họ muốn mô tả trong một thứ bút pháp thần chú, khiến người đọc phải đọc đi, đọc lại nhiều lần mới mong tìm ra manh mối như trường hợp Nguyễn Bình Phương, như Bùi Hoằng Vị.

****

Tại sao những nhà văn trên đây lại viết kín đáo đến độ khó hiểu như vậy ? Có hai lý do chính. Lý do thứ nhất, nếu họ trình bày trực tiếp những sự thực kinh hoàng của xã hội, sách sẽ không in được hoặc nếu có in được thì chắc gì không bị tịch thu. Cho nên họ phải tìm con đường an toàn hơn, tức là viết kín, viết khó hiểu để ít nhất người duyệt không nhìn thấy được ngụ ý sâu xa trong tác phẩm. Lý do thứ nhì, các tác phẩm hiện đại đều muốn có cấu trúc mở, tức là hàm chứa nhiều nghĩa, nhiều cách đọc và cách hiểu tác phẩm khác nhau. Một tác phẩm mở như vậy chắc chắn là khó đọc hơn các tác phẩm viết theo lối cổ điển, bởi nó bắt người đọc phải cộng tác, phải tìm kiếm, phải suy nghĩ.

Tuy nhà nước không có một chính sách kiểm duyệt chính thức, nhưng tất cả những tác phẩm đụng đến chiều sâu của xã hội như Truyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Người đi tìm mạch của Tạ Duy Anh hay Tuổi 20 yêu dấu của Nguyễn Huy Thiệp trong những chừng mức khác nhau và các cách thể hiện khác nhau đều bị loại trừ hoặc là in xong thì bị tịch thu hoặc là không cho in như Tuổi 20 yêu dấu của Nguyễn Huy Thiệp. Tình trạng này dẫn đến phản ứng của thế hệ nhà văn, nhà thơ thứ ba là để phá rào, phần đông hướng về sex làm đối tượng mô tả.

Nếu thế hệ thứ nhì chọn con đường viết kín đáo khó hiểu thì thế hệ thứ ba chọn con đường viết trần truồng, thô thiển, phanh phui những sự thực ghê rợn nhất. Bởi vì những chủ đề chính trị, xã hội vẫn còn bị kiểm soát gắt gao. Chỉ riêng có đối tượng thân xác, đối tượng sex là tương đối sự kiểm duyệt còn lơ là. Cho nên thế hệ thứ ba đã chọn con đường tự do bằng chính thân xác mình, bằng cách nói trắng ra những hoạt động của phần dưới thân thể. Đó là lý do tại sao có một sự lạm phát tính dục, lạm phát chữ tục trong truyện hoặc thơ văn hiện nay. Nhưng khi phải dùng đến giải pháp này, nhà văn, nhà thơ sẽ gặp những khó khăn không lượng trước được.

Người viết dùng chữ tục để chửi vào cái thứ đạo đức giả hình của chính trị, xã hội. Người viết muốn lột trần bộ mặt đạo đức, cấm đoán cổ hủ, muốn gọi sự thực bằng cái tên trần truồng và thô tục nhất để trình bày sự thực trong tình trạng loã thể không che đậy. Nhưng cách trình bày sự thực như vậy, nếu muốn thành công, đòi hỏi một nghệ thuật cao cường. Phải là một cao thủ tuyệt vời như Bồ đề Đạt Ma mới có thể là vừa là sư hổ mang vừa là phật.

Và trên văn đàn, đây cũng không phải là lần đầu tiên người ta dùng cái độc để trị độc. Hồ Xuân Hương và xa hơn nữa François Rabelais cũng đã làm cái việc ấy. Nhưng tại sao họ thành công và chữ nghĩa của họ tồn tại cho hậu thế? Là bởi vì họ có humour, có chất trào tiếu. Hai văn hào này đều dùng chữ tục và lấy sinh hoạt hạ bộ của con người làm dụng cụ đả phá toàn bộ xã hội độc tài thời phong kiến, Rabelais thời Trung cổ ở Âu Châu và Hồ Xuân Hương cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX ở Việt Nam. Họ đã chuyên chở cùng một lúc cái cườicái tục trong một cấu trúc nghệ thuật và tư tưởng hoàn mĩ.

Tại sao cái tục cần phải đi đôi với cái cười? Kinh nghiệm cho ta thấy rằng tất cả những chuyện tếu lâm dân gian đều pha trộn hai yếu tố cườitục như một cặp phạm trù không thể tách rời bởi nó bổ túc cho nhau như âm với dương, như phải với trái. Nếu bạn chỉ nói tục, viết tục mà không có «uy-mua» thì những cái viết của bạn sẽ chỉ có giá trị như những lời chửi đổng, nghĩa là nghe xong, người ta quên ngay.

****

Nhưng nếu cái tục đi đôi với cái cười thì chắc chắn chúng sẽ đứng vững trong lòng người. Bởi tất cả những gì trịnh trọng đều cần được hoá giải bằng tiếng cười. Chính trịlàm tình là những chuyện “trịnh trọng”, trịnh trọng vào bậc nhất. Người ta không cười khi đọc diễn văn cũng như người ta không cười khi làm tình. Và để biểu hiện những trạng thái, những sinh hoạt có tính chất trịnh trọng tuyệt đối như vậy, bạn cần phải có chất trung hoà, giải nhiệt. Chất trung hoà, giải nhiệt đó phải là tiếng cười. Cho nên, tất cả các tác gia kiệt xuất trong văn chương xưa và nay đều biết sử dụng tiếng cười như một lợi thế hàng đầu của nghệ thuật. Và những hệ thống giáo điều độc tài cổ sơ nhất như là Giáo hội thời trung cổ luôn luôn cấm cười và các chế độ toàn trị sau này cũng theo gót Giáo hội thời cổ để cấm cười.

Rất nhiều người viết hiện nay muốn chống sự độc tài bằng chữ tục và các sinh hoạt hạ bộ nhưng tiếc rằng rất ít người có «uy-mua» trừ trường hợp Đỗ Khiêm ở hải ngoại. Đỗ Khiêm có «uy-mua» trong thơ, trong văn, cho nên anh có những câu thơ tục đọc rất được. Dĩ nhiên không phải là thơ tục nào của Đỗ Khiêm cũng hay, nhưng anh có một số câu thơ tục rất duyên dáng. Còn phần lớn những văn thơ tục mà chúng ta đọc được ngày nay, trên khắp các dạng thông tin trừ thơ của Bút Tre và Đồng Đức Bốn, có những câu tuyệt bút. Phần còn lại rất thiếu «uy-mua», dễ bị biến thành khẩu hiệu trơ trẽn, không gây trong lòng người đọc một xúc cảm nào trừ sự khó chịu. Cho nên khi dùng chữ nghĩa để phục vụ cho những mục đích khác thì phải rất thận trọng bởi vì chính chữ nghĩa sẽ phản tác dụng.

Những nhà văn, nhà thơ thành công trong thế hệ thứ ba này là những người đã nhìn thấy mối tương quan giữa chữ nghĩa và hoạt động thân xác. Họ vừa không tách rời khỏi khuynh hướng phanh phui sự thực vừa tìm thấy một cấu trúc một ngôn ngữ mới của riêng mình. Nét đầu tiên nổi bật là sự thành công của nhiều cây bút nữ. Trào lưu này nhắc lại hiện tượng cuối thập niên 60 ở miền Nam, các cây bút nữ như Tuý Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương, Trần Thị MCH đã giữ phần chủ chốt trên văn đàn trong một thời gian khá dài.

Hiện nay, những tác phẩm vượt ra ngoài tầm mức bình thường phần lớn là của các nhà văn, nhà thơ phái nữ. Về thơ có Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Linh Bacardy, mỗi người tìm được con đường độc đáo của riêng mình. Về văn, Đỗ Hoàng Diệu và Linh Bacardy là hai ngòi bút nổi trội nhất vượt lên trên tất cả với một lối sáng tạo hoàn toàn mới với cách phô bày sự thực thẳng thừng, không nhân nhượng. Đỗ Hoàng Diệu có tác phẩm Bóng đè được in và “bị đánh” vùi dập trên khắp mặt tiền các báo chí nhà nước. Truyện ngắn của Linh Bacardy chưa được in và cũng ít người biết đến nên sự đánh đấm chưa thực sự lộ liễu. Chúng tôi sẽ giới thiệu cùng quý vị các tài năng này và trong chương trình văn học tuần tới mời quý vị nghe Đỗ Hoàng Diệu nói về bước đường viết văn của mình với những khó khăn trong môi trường hiện tại.


Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails