Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2009

Nói chuyện với nhà văn Võ Văn Trực

Nguồn : Thụy Khuê
Nghe tại đây





Thụy Khuê

Võ Văn Trực và Cách Mạng Tháng Tám

Nói chuyện với nhà văn Võ Văn Trực

Nhà văn Võ Văn Trực sinh năm 1936 tại làng Hậu Luật, tỉnh Nghệ An. Cầm bút từ những năm sáu mươi, ông viết nhiều thể loại: thơ, văn, bút ký và biên khảo. Tác giả nhiều tập thơ trong đó có Trăng phù sa, được giải thưởng Hội văn nghệ Hà Nội năm 1983; nhưng chính hai cuốn tiểu thuyết Chuyện làng ngày ấy (viết năm 1990, in ra bị tịch thu ngay, được nhà xuất bản Lao Động tái bản tại Hà Nội năm 2005, và báo Văn Học California in nhiều kỳ và xuất bản thành sách năm 2006) và cuốn Vết sẹo và cái đầu hói, (nhà xuất bản Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, in năm 2006) đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Hôm nay, nhà văn Võ Văn Trực sẽ nói chuyện với chúng ta về điều kiện xây dựng hai tác phẩm tiểu thuyết trên đây của ông.

Thụy Khuê: Thưa anh Võ Văn Trực, lý do nào đã khiến anh viết lại những sự kiện xẩy ra sau Cách mạng tháng Tám trong cuốn Chuyện làng ngày ấy?

Võ Văn Trực: Hồi Cách mạng tháng Tám, tôi mới 9 tuổi. Sau Cách mạng tháng Tám -như tôi đã ghi một cách trung thực trong cuốn Chuyện làng ngày ấy- là sự phá phách tất cả đình chùa, miếu mạo, đền thờ, nghĩa trang, và những cây cổ thụ đã bốn, năm trăm năm cũng bị chặt hết. Nhưng đến 1952, tức là năm "đấu tranh chính trị" thì nó quyết liệt quá, có cái gì nó thôi thúc tôi, thôi thúc tôi phải viết lại những chuyện xẩy ra sau Cách mạng tháng Tám, trong khoảng 10 năm. Tâm trạng của tôi là như thế này: làng tôi cũng đẹp như nhiều làng khác, có những cây đa đã bốn, năm trăm năm; có những ngôi đình, ngôi miếu thờ những nhân vật lịch sử. Nhưng sau khi bị tàn phá thì đau đớn vô cùng. Đến nỗi mỗi khi tôi đi xa trở về đến ngã ba Diễn Châu, cách làng 6 cây số, thì tôi không dám về ban ngày nữa mà phải về đêm: đi ban ngày sợ nhìn thấy cảnh làng xóm tiêu điều đau đớn lắm, khi ấy nó thúc đẩy mãnh liệt việc tôi phải viết lại chuyện làng xóm.

T.K.: Thưa anh, xin anh giới thiệu thêm một chút về làng Hậu Luật của anh; Hậu Luật là một làng như thế nào mà khiến anh viết nên một tác phẩm tha thiết như thế?

V.V.T.: Làng tôi là một làng có truyền thống văn học dân gian rất lâu đời, tôi đã sưu tầm thành một cuốn vè làng Hậu Luật, tập vè dày độ bốn trăm trang. Khi cuốn vè này in ra thì các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng đây là một làng rất phong phú về văn hóa dân gian. Làng tôi có một hội tuồng nổi tiếng, cứ đến mùa xuân là đi hát khắp trong huyện. Được sống trong môi trường văn hóa dân gian phong phú như thế cho nên tôi yêu thích văn chương. Hồi ấy, tôi may mắn được chính quyền cho đi học về ngân hàng ở Trung Quốc bảy năm, nhưng không hiểu thế nào tôi lại từ chối không đi, có lẽ vì tôi thích làng quá, yêu làng xóm quá. Năm 52 là năm có cái gọi là đấu tranh chính trị. Nhưng mãi đến năm 62, khi về làm việc ở Nhà xuất bản Thanh Niên, thì tôi mới bắt đầu có ý thức thật sự đi vào con đường văn chương và cũng xin nói thật với chị là ngay từ hồi đó tôi đã bắt đầu nung nấu ý viết cuốn Chuyện làng ngày ấy. Quá trình nung nấu ghi chép bố cục, thậm chí trong bố cục có chỗ đã ghi thành lời văn, dài hơn thời kỳ viết thành văn bản rất nhiều. Mãi đến năm 1990 tôi mới viết. Và tôi nghĩ là phải viết vì thế hệ mai sau.

T.K.: Thưa anh, việc đấu tranh chính trị xẩy ra ở Nghệ An năm 1952, như thế là trước cả những chuyện đấu tố trong phong trào Cải cách ruộng đất, tại sao vậy, thưa anh?

V.V.T.: Thật ra ở Việt Nam đến Cải cách ruộng đất thì mới bắt đầu có đấu tố, nhưng trong vùng của chúng tôi, năm 1952 (hồi ấy tôi 13, 14 tuổi) thì đã có danh từ -như tôi đã ghi trong Chuyện làng ngày ấy- là đấu tranh chính trị, chỉ ở trong tôi thôi, ngoài Bắc chưa có đâu. Ngoài Bắc còn đang đánh giặc, và gọi là vùng tạm chiếm. Hồi ấy từ Thanh Hoá, Nghệ An vào là vùng tự do lớn, tức là vùng hậu phương lớn. Có lẽ cũng là do chất người ở trong ấy, nó gay gắt với nhau quá, nó cực đoan thành ra mới xảy ra cái đấu tranh chính trị.

T.K.: Thưa anh, nguyên do cuộc đấu tranh chính trị này từ đâu ra và họ đã thực hiện dưới những hình thức như thế nào?

V.V.T.: Tôi xin nói vắn tắt như thế này: Hồi ấy có một số người đóng thuế nông nghiệp chậm. Vùng ấy là vùng tự do mà, thành ra tiền tuyến lớn dựa rất nhiều vào thuế nông nghiệp ở các vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh: Dân công và thuế nông nghiệp. Nhưng vì có một số người đóng thuế nông nghiệp chậm, hoặc lẩn trốn không đóng thuế nông nghiệp; rồi từ chỗ đấu tranh với những người không đóng thuế nông nghiệp mà bật ra cái gọi là đấu tranh chính trị, tức là họ cho rằng những người không đóng thuế nông nghiệp là phản động. Nó có cái tâm lý như thế này: Trong cuộc sống bình yên, hàng ngày đi dân công với nhau, thương yêu nhau, làng xóm với nhau, xum vầy cùng nhau lo việc chống Pháp, nhưng đến khi xẩy ra đấu tranh chính trị, mà người ta tố ra, thì tự nhiên thù hằn nhau một cách gay gắt, rất vô lý. Tôi hồi ấy còn bé, nhưng tôi cũng thấy gờm, tôi cảm thấy vô lý quá.

Có những hình thức đấu lạ lắm, chẳng hạn như treo ngược người lên sàn nhà, rồi dân quân đứng bên này gian nhà, đá sang bên kia, bên kia đá sang bên này, như đá quả bóng. Hoặc có những tra tấn như đốt mồi lửa: đốt mồi lửa lên đầu, lên tóc người bị đấu. Trời rất rét mà họ cột những người bị đấu ra gốc cau ngoài bờ xóm, bờ làng, suốt đêm rét như thế. Làng xóm đang yêu thương nhau đến khi phát động, tự nhiên hằn thù nhau một cách vô lý.

Thực ra là người ta kích một số người lên đấu, một số người được mồi trước, gọi là được giáo huấn trước để làm mồi ra đấu, còn đa số cũng cứ thấy chờn chờn, họ không dám xông ra nhưng họ cũng không dám phản đối vì trong không khí ấy mà phản đối thì sẽ bị quy là phản động.

T.K.: Thưa anh, anh đã thuật lại tất cả những việc đó trong cuốn Chuyện làng ngày ấy, vậy những người trong làng có phản ứng thế nào khi họ đọc cuốn sách của anh?

V.V.T.: Hồi viết xong cuốn sách tôi có đưa về làng, ông trưởng ban tuyên huấn tỉnh ủy rất khó chịu, rất khó chịu về cuốn sách này, còn bà con làng xóm thì họ lại không có ý kiến chi cả, kể cả những người tàn ác, hay những người bị đấu, đều cầm cuốn sách đọc và họ cười. Họ chỉ nói một câu là ông Trực, ông ấy nhớ thật đấy, chứ họ cũng không khó chịu về việc tôi viết lại những chuyện ấy. Phút chốc đấu tranh nông nổi ấy đã qua rồi thì tình cảm làng xóm lại được hàn gắn lại rất nhanh. Nhà thơ Pháp thế kỷ XIX, Théophile Gautier, có nói một câu đại để như thế này: Khi chưa bị vết thương nào thì nhà thơ giữ gìn trái tim mình như một kho máu, phải chém vô đó một vết thương sâu thẳm để dòng thơ chảy ra như dòng lệ thiêng liêng. Có lẽ trường hợp tôi là thế: Khi thấy làng xóm bị tàn phá rồi, tình cảm tan vỡ rồi, thì tự nhiên mình thấy đau đớn vô cùng và do cái đau đớn ấy mà mình viết được cuốn sách. Nó thôi thúc tôi phải viết.

T.K.: Bây giờ xin được hỏi anh về mẹ anh; bà cụ là cán bộ cốt cán đã tham dự vào các cuộc đấu tố này, vậy tâm trạng bà cụ lúc ấy như thế nào, thưa anh?

V.V.T.: Nó nằm trong một tâm trạng chung của thế hệ ấy, và nó kéo mãi đến sau này, tức là nhìn những việc làm sai mà cứ ngộ nhận là không sai, mà vẫn cứ làm theo. Hoặc có thấy sai thì cũng cố nén lại chứ không dám chống lại, chịu âm thầm đau xót chứ không dám chống lại. Cũng như trong Cải cách ruộng đất, người ta thấy sai nhiều chứ, nhưng -như ông Hoài Thanh ông ấy ghi trong nhật ký- là đến khi thấy mình bị nghi sai rồi thì mới thấy là người khác sai, nếu không thì cứ tưởng là tất cả mọi người đều đúng cả. Bà cụ tôi không phải là cốt cán đâu, bà là đảng viên thôi. Nhưng sau những cuộc đấu tranh thì người ta lại bồi dưỡng cho những người cốt cán. Ví dụ như Chu Văn mắt toét, không phải là đảng viên, nhưng từ đó, nghèo khổ mà người ta bồi dưỡng cho trở thành một cán bộ cốt cán trong vụ đấu tranh ấy.

T.K.: Thưa anh, có thể nói hai cuốn Chuyện làng ngày ấy và Vết sẹo và cái đầu hói cùng là một dòng chẩy mặc dù đó là hai tác phẩm hoàn toàn khác nhau?

V.V.T.: Trong quá trình viết, từ những bài bút ký hay tùy bút đến những cuốn sách, tôi hay khai phá khía cạnh truyền thống dân tộc. Có sự tất nhiên và cũng ngẫu nhiên là hồi còn bé, tôi ở nhà, vừa là người trong cuộc, vừa là người chứng kiến cảnh làng xóm bị tàn phá, và như thế là chứng kiến cảnh tàn phá vật thể của một làng văn hóa. Đến khi tuổi cao thì mình làm tại một cơ quan văn hóa thấy nó cũng có rất nhiều sộc sệch: mình cũng lại vừa là người trong cuộc, vừa chứng kiến sự xuống cấp ghê gớm của một cơ quan văn hóa phi vật thể. Trở lại câu hỏi của chị, trong tình hình Việt Nam bây giờ, thì kinh tế có phát triển nhưng những giá trị truyền thống bị xuống cấp, trong đó đạo đức học thuật cũng xuống cấp mà nó còn nhiều hiện tượng tiêu cực, chẳng hạn như mua bán chức vụ, mua bán bằng cấp, mua bán giải thưởng. Những hiện tượng tiêu cực đó, các cơ quan thông tin đại chúng và dư luận quần chúng cũng đã nói lên rất nhiều rồi, tôi viết cuốn này chẳng qua chỉ là góp một tiếng nói bé nhỏ của mình vào luồng dư luận ấy thôi.

T.K.: Thưa anh trong cuốn Vết sẹo và cái đầu hói anh mô tả Quách Quyền Lực tiêu biểu cho một thứ cấp trên, vừa ngu dốt vừa thối nát và một giai tầng dưới, rất đông, chịu mệnh lệnh cấp trên. Lớp dưới này biết hết những thối nát và thủ đoạn của cấp trên nhưng tại sao họ có thể chịu đựng được lâu như thế?

V.V.T.: Như chị đã biết, trong một đơn vị nhỏ hay trong lịch sử một dân tộc, cụ thể như dân tộc Việt Nam, cũng đã trải qua những thời kỳ như thế: Nhiều khi chỉ có một nhân vật thôi, mà nó thao túng, đảo điên cả một triều đại, chẳng hạn như Đỗ Thích, Lê Sát; rồi triều đại Nga hoàng thì có Raspoutine cũng làm đảo điên cả thời đại, mọi người đều biết mà không ai làm được gì cả. Đấy là chuyện thường tình trong lịch sử dân tộc, cho đến một đơn vị nhỏ, đều có thể xẩy ra như thế. Mọi người biết cả nhưng không làm gì được. Tức là: trong một xã hội, khi có những hiện tượng xấu, những người đứng về lẽ phải đông hơn, bao giờ cũng đông hơn. Nhưng nhiều khi bị một số rất ít, thậm chí chỉ một vài cá nhân, một vài cá nhân xấu đầy đủ thủ đoạn có thể chi phối chiều hướng đi của cả một đơn vị, của cả một dân tộc.

T.K.: Thưa anh, độc giả trong nước tiếp nhận tác phẩm của anh như thế nào?

V.V.T.: Trong bao nhiêu cuốn sách tôi viết thì hai cuốn sách này được bạn đọc giao lưu nhiều. Nói về cuốn gần đây nhất là cuốn Vết sẹo và cái đầu hói, thì trước khi in, tôi đoán là cuốn này sẽ gây một số dư luận trong giới văn chương, mà rộng ra thì trong giới trí thức thôi. Nhưng không ngờ, cuốn sách, sau khi in độ nửa tháng thì nó dấy lên sự giao lưu giữa bạn đọc và người viết, điều ấy làm tôi rất cảm động. Qua đó, tôi tạm kết luận như thế này: nhân vật Quách Quyền Lực điển hình cho một loại cán bộ dùng thủ đoạn leo lên, rất phổ biến trong xã hội. Trong số những người giao lưu với tôi -bây giờ người ta giao lưu bằng điện thoại- có một cú điện thoại rất vui, họ nói như thế này: Thưa ông, tôi là nguyên mẫu của nhân vật Quách Quyền Lực đây! Tôi nghe hơi lạ lạ, cứ vâng vâng dạ dạ: Vâng, tôi nghe đây. Tôi là nguyên mẫu của Quách Quyền Lực đây! Tôi là người bị ông ám chỉ, tôi là một trong hàng trăm hàng nghìn cái thằng Quách Quyền Lực đang tồn tại trong xã hội này. Đó là một cú điện thoại của bạn đọc. Kể chị nghe vui vậy. Chị cũng biết trong văn chương, mình thường lấy nguyên mẫu, mà nguyên mẫu thì nhất định là người ta nghĩ ra ông này, ông kia, là điều tự nhiên. Nhưng mục đích cao của tôi -như tôi đã nói ở trên- là trong tình hình học thuật bây giờ: mua bán bằng cấp, mua bán hàm học vị, mua bán giải thưởng... tràn lan, mình không chịu được, cho nên tôi bức xúc, tôi viết cuốn này; tất nhiên là mình viết để đóng góp một tiếng nói nhỏ trong xã hội, nhưng mục đích cao hơn của mình là xây dựng một tác phẩm văn học tử tế.

T.K.: Xin cảm ơn nhà văn Võ Văn Trực.

RFI /12/2006

Thụy Khuê

Paris, tháng 12/2006

© Copyright Thụy Khuê 2006


Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails