Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2009

Truyền thống dân chủ Việt Nam

Nguồn : Bauxite Việt Nam

Truyền thống dân chủ Việt Nam

Lê Nguyên Minh

Người-dân-làng-xã-xưa-kia-có-quyền-tự-quản.JPG
Tác giả nói người Việt có tinh thần dân chủ ngay từ việc tự quản làng xã của mình

Trong bài này, tôi xin phân tích sự khác biệt giữa truyền thống dân chủ Việt Nam và truyền thống độc tài Trung Hoa để cho thấy mỗi nước có con đường đi khác nhau. Các nhà lãnh đạo Việt Nam không cần phải tham khảo ý kiến Trung Hoa mỗi khi muốn có một quyết định ngoại giao nào, và nhân dân Việt Nam cũng không phải “không đủ dân trí” để thực thi dân chủ.

Làng-xã-Việt-Nam2.JPG
Làng xã Việt Nam - Nay mà vẫn xưa

1. Truyền thống dân chủ trong cơ chế tự chủ địa phương

Người Việt Nam có tinh thần dân chủ ngay từ việc tự quản làng xã của mình. Đất nước tuy có vua, nhưng “phép vua thua lệ làng”. Làng có Hội đồng kỳ dịch do dân cử ra để trông coi hết cả mọi việc. Hội đồng ấy có người tiên chỉ và thứ chỉ đứng đầu, rồi có Lý trưởng và Phó lý do Hội đồng kỳ dịch cử ra để thay mặt làng mà giao thiệp với quan trên, có tuần đinh chuyên coi việc cảnh sát trong làng. Hội đồng kỳ dịch lập ra và thực thi Hương ước của Làng. Hương ước là một loại khế ước được thảo luận một cách dân chủ và được người dân tự nguyên tuân thủ.

Các-hương-lý-ở-làng-quê-xưa.JPG
Các hương lý ở làng quê xưa

Trong luận văn Tiến sĩ “l’Inviduelles dans la vieille cite annamite”, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã nêu rõ những đặc điểm trên. Quan của Triều đình bổ ra chỉ có đến phủ huyện, còn từ tổng trở xuống thuộc về quyền tự trị của dân. Dân tự chọn lấy người của mình mà cử ra coi mọi việc trong hạt. Tổng là một khu gồm có mấy làng hay xã, có một Cai [Chánh] tổng và một Phó tổng do hội đồng kỳ dịch các làng cử ra coi việc thuế khóa, đê điều và mọi việc trị an trong tổng. Chính nhờ thành trì làng xã và cơ chế dân chủ địa phương mà người Trung Quốc không đồng hóa được người Việt qua hơn 1000 năm đô hộ.

Việc-để-dân-bầu-CT-xã-vẫn-chưa-được-tiến-hành.JPG
Việc để dân bầu CT xã vẫn chỉ mới là một đề xuất
Hiện nay, việc tự chủ địa phương, để nhân dân bầu nên Chủ tịch xã vẫn còn đang bàn xem có nên tổ chức thí điểm hay không. Việc dân bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp xem ra có vẻ dân chủ, song thực sự danh sách ứng cử viên đã được Đảng “hiệp thương” từ trước rồi. Thành ra người dân không có cơ hội tự tiến cử hay tiến cử người hiền tài ra giúp nước. Điều này chẳng những thiếu dân chủ trong nước, mà trái cả với truyền thống cha ông từ trước, gây nguy hại đến an ninh đất nước.

2. Truyền thống dân chủ trong việc tuyển chọn nhân tài

Việc tuyển chọn nhân tài dưới các triều đại phong kiến chủ yếu theo chế độ tuyển chọn. Theo đó, bất kỳ người nào, dù xuất thân từ đâu, nếu học giỏi, thi đỗ đều được ra làm quan, có chân trong Triều đình, can dự vào việc triều chính. Các triều đại phong kiến thi nhau mời gọi nhân tài.

Chuyện Đào Duy Từ vì không được ứng thí ở Đàng Ngoài (do cha mẹ là phường hát) mà bất đắc chí bỏ vào Đàng Trong, được Chúa Nguyễn trọng dụng và trở thành chiến lược gia cho việc mở nước, chuyện Lê Lợi trọng dụng Nguyễn Trãi, chuyện Hoàng đế Quang Trung ba lần mời La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp ra giúp nước, thu phục nhân tài Ngô Thời Nhiệm là những thí dụ điển hình về việc trọng sự học và trọng nhân tài của các bậc minh chủ thời xưa, xứng với câu “Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia” được khắc ghi trong Văn miếu Quốc tử giám. Mỗi khi có khoa thi Hương, các quan ở kinh ra chấm thi có cái biển đề bốn chữ: Phụng chỉ cầu hiền, nghĩa là: vâng chỉ vua ra tìm người giỏi. Điều này khác hẳn Trung Quốc, dưới thời Tần Thủy Hoàng là đốt sách giết học trò, vua là thiên tử, quyết định tất thảy mọi việc, là quyền uy tuyệt đối.

Làng-xã-Việt-Nam-Những-nét-truyền-thống-cần-giữ.JPG
Bao giờ người dân làng quê mới nhận thức được quyền tham gia việc nước?
Ngày nay ở nước ta, để một người được làm lãnh đạo trước tiên họ phải là Đảng viên. Phải được quần chúng tín nhiệm, Chi bộ nhất trí, Đảng ủy nhất trí v.v. Chính vì quá nhiều sự “nhất trí” như vậy mà Việt Nam trở thành đất nước của quyền phủ quyết, và người được bầu làm lãnh đạo thông thường là người “tròn” nhất, dễ được lòng mọi người nhất. Song liệu họ có phải là “hiền tài”?

Việc cơ chế tuyển chọn hiền tài không rõ ràng, cộng với việc nhiều người giỏi trong các cơ quan nhà nước bỏ nhà nước ra ngoài trong các năm gần đây đã cho thấy chính sự thiếu dân chủ trong việc tuyển chọn hiền tài, lấy các tiêu chí mơ hồ như lập trường tư tưởng, tư cách đạo đức lối sống v.v. để làm tiêu chí mà thực sự chúng ta đang đánh mất nguyên khí quốc gia, gây hại đến sự tồn vong của chế độ.

Có người cho rằng các quyết định dựa trên sự “nhất trí” là quyết định dân chủ. Điều đó là một sự hiểu lầm. Nhất trí có nghĩa là thiểu số có thể áp đảo đa số bằng một câu nhận xét vu vơ, hay một sự chụp mũ, và rồi cuối cùng tất cả đều dừng lại, đều không dám làm gì cả. Một cơ chế luôn phải dè chừng, ngại thay đổi, ngại đụng chạm sẽ không bao giờ là môi trường tốt cho người hiền tài phát triển.

3. Truyền thống dân chủ trong việc quyết định những việc quốc gia đại sự

Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược, NXB VHTT 2002, tr. 508, viết: “nguyên Nho Giáo là cái học căn bản của nước ta khi xưa, mà về đường thực tế, thì cái học ấy rất chú trọng ở sự trị nước. Trị nước thì phải lấy dân làm gốc, nghĩa là phải lo cho dân được sung túc, phải dạy dỗ dân cho biết đạo lý và mở mang trí tuệ của dân“. Chính vì vậy mà mặc dù nước ta có vua, nhưng vua phải lo cho dân, và muốn lo được thì phải hỏi ý kiến của các quan trong Triều đình. Triều đình không phải là một nhóm cận thần để hầu hạ và làm việc riêng cho nhà vua, chính là một hội nghị chung cả nước, do sự kén chọn những người xứng đáng bằng cách thi cử mà đặt ra.

Ngày nay cách thức tuyển chọn nhân tài đã không rõ ràng, mà cách thức bàn luận các vấn đề quốc gia đại sự cũng chưa thực sự dân chủ như trước đây dưới thời phong kiến

Sử gia Trần Trọng Kim viết: “Khi có việc gì quan trọng, thì vua hạ đình nghị, nghĩa là giao cho đình thần bàn xét. Các quan bất kỳ lớn bé đều được đem ý kiến của mình mà trình bày. Việc gì đã quyết định, đem dâng lên để vua chuẩn y, rồi mới thi hành. Vua tuy có quyền lớn thật, nhưng không được làm điều gì trái phép thường. Khi vua có làm điều gì lầm lỗi, thì các quan Giám sát Ngự sử phải tâu bày mà can ngăn vua. Trừ những ông vua bạo ngược không kể, thường là vua phải nghe lời can ngăn của các quan“. [Như vậy, chúng ta] trái với truyền thống Trung Hoa, vua chúa được quyết định tất thảy, quyền uy tuyệt đối. Đọc truyện Tam Quốc, hay Thanh Cung mười ba triều thấy vua chúa nào lên nắm quyền cũng xây dựng vây cánh, triệt hạ phe nhóm và mong muốn mình nhất thống thiên hạ.

Ở nước ta, hễ Triều đình có những người ngay chính và sáng suốt, thì việc nước được yên trị; nếu có những người gian nịnh mờ tối, thì việc nước hư hỏng. Đó là lệ chung từ xưa đến nay như vậy. Thế nhưng ngày nay cách thức tuyển chọn nhân tài đã không rõ ràng, mà cách thức bàn luận các vấn đề quốc gia đại sự cũng chưa thực sự dân chủ như trước đây dưới thời phong kiến. Chuyện họp “Hội nghị Diên Hồng” như xưa kia nay rất hiếm. Các vấn đề lớn tuy được Quốc hội thông qua, song bản thân vấn đề đã được quyết định xong từ trước. Thí dụ như việc mở rộng Thủ đô Hà Nội. Một số vấn đề thậm chí không được đưa ra Quốc hội, như việc khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên.

4. Chúng ta có còn cần thiết tham khảo ý kiến Trung Quốc

Xưa kia, các vua chúa khi lên ngôi thường sai sứ giả đi sang Trung Quốc cầu phong. Ngoài Việt Nam ra, các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ cũng triều cống và cầu phong Trung Quốc. Thứ nhất là để giao hảo với Trung Quốc để họ không đánh mình, thứ hai là để thỏa mãn cái tâm tư thích bá chủ thiên hạ của “Thiên triều Trung Quốc” để mình yên ổn.

Tuy nhiên ngày nay đã khác xưa. Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mông Cổ không còn phải đi thăm Trung Quốc để thăm hỏi ý kiến, nhất là ý kiến nhân sự, hay mời gọi Trung Quốc vào đầu tư ở những địa bàn chiến lược. Ngay như Malaysia có 35% là người Hoa, hay Singapore có 80% là người Hoa cũng không phải triều kiến Trung Quốc, không phải e sợ, dè chừng Trung Quốc như Chính phủ Việt Nam. Trước đây Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu sang thăm Trung Quốc phát biểu bằng tiếng Anh với Thủ tướng Trung Quốc để tỏ rõ tinh thần tự chủ của mình.

Trong khi đó, lãnh đạo Việt Nam sau khi đi thăm Mỹ là lại phải sang thăm Trung Quốc. Thấy người dân biểu tình vụ Tam Sa, bị Trung Quốc gọi đến khiển trách, dọa “dạy cho Việt Nam một bài học” thì ngăn cản người dân biểu tình. Ba mươi năm chiến thắng biên giới thì không dám kỷ niệm. Nghĩa trang các chiến sỹ hy sinh cho chiến thắng thì không nhang khói, bia tưởng niệm đồng bào bị giặc tàn sát thì để cho tre lũy mọc đầy. Vậy thì đó có phải là vì “bỏ quên quá khứ” hay thực sự e sợ, hay muốn lấy lòng Trung Quốc?

Có thể Trung Quốc không có ý định bành trướng hay phủ đầu đối với Việt Nam, song vì lãnh đạo Việt Nam lúc nào cũng hỏi ý kiến Trung Quốc, nghe Trung Quốc dọa là sợ, thì tôi là người Trung Quốc tôi cũng sẽ đe dọa o ép, và nếu có điều kiện thì xâm lược Việt Nam. Tại sao không làm? Trước kia Tôn Sỹ Nghị – Nhà Thanh xâm lăng Việt Nam có phải vì có kế hoạch từ trước đâu, mà do Lê Chiêu Thống mời sang, rồi nhân cớ đó xâm lược đó chứ?

Thế nên, tốt hơn hết là Chính phủ nên dựa vào dân hơn là dựa vào các yếu tố ngoại viện. Một Chính phủ của dân, do dân, vì dân thì mới tồn tại được trước họa ngoại xâm, thì mới tuyển chọn được nhân tài, thì mới ổn định, vững bền, phát triển.

LNM
Viết từ Sài Gòn

Nguồn: BBC 10-3-2009

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập


Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails