Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2009

Chuyện ở phòng tôi (2)

Nguồn : Dân Luận
Viên Mẫn

Lần này thì chị bắt đầu câu chuyện khi vừa mới tới bước vào phòng:

- Em đọc báo sáng nay chưa, cái thằng Trung [Nguyễn Tiến Trung] vừa bị bắt, trước đây học ở trường Lê Hồng Phong, là học sinh giỏi, sau hắn sang Pháp học rồi ở bên đó luôn. Năm ngoái hắn vừa về đến Việt Nam là bị gọi lính. Chắc là mấy ông muốn cho nó vào lồng để dễ cai quản, ông này xem chừng cũng hăng hái lắm. Nghe đâu nó còn viết thư góp ý cho đại hội Đảng nữa kìa.

- Thế chị có biết nó bị bắt vì tội gì không? Tôi hỏi.

- Nghe đâu nó tham gia đảng Dân chủ mà ở ta thì đảng này chưa được phép họat động nhưng lý do mấy ông công an đưa ra là tiết lộ bí mật hành quân, không chịu hô khẩu hiệu.

Tôi cười: chị có nghĩ là khôi hài không khi những chuyện đó đối với mấy anh lính thời bình thì không là gì cả, còn hô khẩu hiệu thì do quân đội đã sửa lời Hồ Chủ Tịch là “trung với Nước” thành “trung với Đảng” nên NTT không hô là đúng thôi.

- Chắc là có tội gì lớn nữa nên công an mới bắt thôi chứ bắt người đâu phải chuyện chơi, chị nói tiếp: - Ví như ông Định [Lê Công Định], là luật sư giỏi, nắm luật trong tay mà người ta bắt thì chắc là phải có tội trạng rõ ràng, mà dại dột thật, đang yên đang lành lại rúc đầu vào tổ kiến lửa. Kể ông ấy cũng đẹp trai, phong độ thật, vợ lại là hoa hậu nữa, đúng không có cái ngu nào giống cái ngu nào. Nghe nói ông này còn định lập đảng Lao Động nữa.

- Thế em hỏi chị, chị đang đi xe trên đường tuy không phạm luật giao thông nhưng CSGT tuýt còi chị, chị dừng lại, ông công an nói chị đi lấn đường, chị có cãi được không?

Thấy chị im lặng tôi nói tiếp, - cái lý lẽ bao giờ cũng thuộc về kẻ mạnh, thế chị có tin là họ chống phá nhà nước không?

- Ai mà biết được, chị nói - chắc họ chỉ tuyên truyền thôi.

- Thế theo chị tuyên truyền có phải là tội không?

- Nếu tuyên truyền sai sự thật thì là tội, nhưng phải có chứng cứ.

- Chị có biết tuyên truyền là gì không? Tuyên truyền là thuyết phục những người khác tin và nghe theo mình, chị cũng biết nhà nước ta có được sự ủng hộ của dân chính là phải nhờ vào công cụ tuyên truyền chứ, nếu dân biết hết tỏng những thói hư tật xấu của mấy ông thì liệu họ có còn tin các ông nữa hay không. Cứ cho là mấy ông Định, Trung… tuyên truyền để thuyết phục người khác tin và nghe theo họ thì cũng chỉ là cách mà mấy ông cách mạng đã làm mà thôi. Thậm chí mấy ông Định, ông Trung không phải là những người tuyên truyền để vụ lợi hay là để che dấu những thói hư tật xấu của mình mà họ thấy bức xúc trước những tệ nạn của xã hội, họ thấy được sự bất cập của bộ máy công quyền nên đã lên tiếng thôi, còn chuyện lập đảng lao đông này khác thì luật có cấm đâu mà ông Định cũng chưa lập, mới chỉ có ý định thôi. Chị không nhớ có lần chị còn nói đảng CS nên đổi tên thành đảng Lao Động như ngày xưa thì hơn không.

- Đúng quá đi chứ, chị nói, đảng Lao Động nó gần gũi với người lao động, dù bản chất nó không thay đổi thì nghe cũng có cảm tình hơn.

- Em thì không nghĩ thế, bình mới rượu cũ thì cũng vậy, thậm chí còn có vẻ ngụy trang để che dấu bản chất, em nghĩ nếu các ông chỉ một mình một chợ thì họ không dại gì để mất đi quyền lợi của mình. Họ đang bán giá cao, nếu một kẻ nào chen vào thì hai bên đều phải hạ giá, có phải thiệt không?

- Nhưng thế người mua lại được lợi, như cái ông Mobifone, Vinaphone lúc mới ra còn độc quyền, giá cao trên trời, còn bắt người nghe phải trả tiền nữa chứ, thế sau mấy ông Việttel, S-Phone ra nữa thì giá hạ chỉ còn 1/3, chị nói.

- Thế chị cũng đồng ý với em là cạnh tranh chỉ đem đến điều tốt không?

- Một nửa thôi, cho người dùng, chị nói.

- Em không nghĩ vậy, cạnh tranh đưa tới cho người dùng hàng tốt và rẻ, như vậy sẽ nhiều người mua, người làm ra vật liệu đầu vào cũng bán được nhiều hàng hơn, người bán cũng bán được nhiều hàng, thế không phải tốt cho nhiều người hơn sao?

- Xã hội chỉ tốt lên chỉ khi mà mọi lĩnh vực đều được cạnh tranh bình đẳng, đó là quy luật của sự phát triển, tôi nói thêm.

- Không ngờ em cũng lý lẽ ra phết, chị cười nói, - mà xem chừng ủng hộ mấy ông bất đồng chính kiến lắm đấy, thế có nhận được tiền tài trợ từ nước ngoài như mấy ông kia không đấy?

- Chị bảo ông nào? Tôi vờ hỏi khi biết chị nói đùa.

- Ông Định, ông Trung chứ còn ai, nghe nói họ nhận tiền của nước ngòai.

- Chị lấy thông tin ấy ở đâu đấy? tôi hỏi.

- Chị đọc báo.

- Thế em hỏi chị, chị có tin không khi vì tiền mà mấy ông trên biết là nguy hiểm và phải chịu nhiều thiệt thòi cho mình và cả người thân vẫn cứ lao vào trong khi họ là những người giỏi giang trong chuyên môn và dễ dàng kiếm tiền ở trong nước cũng như ở nước ngoài, gia đình vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng? Đành rằng cũng có những người lợi dụng đấu tranh dân chủ để kiếm tiền nhưng đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh thôi. Chị có biết không khi báo chí mình phải biết nghe lệnh của các ông mặc dù họ biết nhiều thông tin không chính xác, chị đừng tin hòan tòan, chị phải biết phân tích và sàng lọc, đừng để người khác cho mình là những kẻ thiếu hiểu biết, nói gì nghe nấy.

Giờ thì chị im lặng không nói gì, tôi biết chị đuối lý nên cố làm cho chị vui vẻ lên: Em cũng như chị thôi, mình đã bị che mắt bịt tai nhiều rồi, bây giờ mình phải tìm thông tin để còn biết bên ngòai người ta đang làm gì để còn theo cho kịp xã hội. Thôi giờ em phải đi họp đây, nếu chị còn hứng thú thì hôm sau ta lại bàn tiếp nhé.

- Ừ, hôm sau đến quán chị đi, chị sẽ khao em một chầu bia đen Đức chính hiệu, hôm nay chị mở mang đầu óc là nhờ em đấy.

- Nhưng mà chị phải bí mật đấy, nhỡ ông an ninh nhà chị mà biết được thì toi, tôi nói đùa.

- Em nhầm to rồi, ông chồng nhà chị chỉ là con hổ giấy thôi, ông làm vì công việc chứ nhiều chuyện ông biết tường tận hơn em nhưng ông không chia sẻ với vợ con, chị làm vợ nên chị hiểu nỗi buồn của ông ấy, ông còn nói với chị là ông chán và con cháu ông không bao giờ muốn chúng làm nghề giống ông ấy nữa.

- Thế hả!, tôi bất ngờ à lên rõ to khi vội vàng quay đi cho kịp buổi họp sáng.


Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails