Thứ Hai, 17 tháng 8, 2009

Treo Thẻ

Nguồn : blog Ôsin

Sáng nay, 15-8, báo Khánh Hòa Chủ Nhật, giật tít to trên trang nhất “Thu Hồi Thẻ Nhà Báo Trưởng Văn Phòng Đại Diện Báo Tuổi Trẻ Tại Nha Trang”. Có thể nghe được âm thanh phía sau những dòng chữ ấy. Trong vụ án Nguyễn Đức Chi, Phan Sông Ngân, là “cái gai” cuối cùng ở Khánh Hòa.

Sở dĩ nhà báo này bị “rút thẻ”, theo Khánh Hòa Chủ Nhật, là do Tỉnh “đề nghị Bộ” vì Ban Thường vụ Tỉnh ủy “không đồng ý” với mức kỷ luật mà báo Tuổi Trẻ áp dụng với Phan Sông Ngân và Võ Hồng Quỳnh: cách chức; treo bút 6 tháng và điều Phan Sông Ngân (vợ con đang sống ở Nha Trang) về tòa soạn (Sài Gòn).

Phan Sông Ngân và Võ Hồng Quỳnh là hai nhà báo đầu tiên đưa thông tin Nguyễn Đức Chi dùng “700 nghìn USD bôi trơn”. Thông tin này đã “làm cho vụ việc bị thổi phồng quá mức” như cách nói của một vị PhóChánh Văn Phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa. Nhưng, điều làm cho địa phương “thẳng tay” tới cùng, như một bài báo do chính vị Phó Chánh Văn Phòng này viết, là: “Đặc biệt, vụ án xảy ra trong thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, nên đã tạo dư luận xấu, gây sự hoang mang, hoài nghi…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mệnh chính trị của không ít cán bộ, trong đó có cán bộ chủ chốt của tỉnh”.

Nguyễn Đức Chi trở nên nổi tiếng ngay sau khi bị bắt, 25-6-2005, do được các báo gọi là “Vua Lừa”, “Siêu Lừa”. Nhưng, gần 4 năm sau, Tòa chỉ có chứng cứ để buộc Nguyễn Đức Chi với hai tội danh: “Sử dụng trái phép tài sản” và “làm tài liệu giả”. Cũng như “PMU18”, sự thật ở đâu thì chỉ có cơ quan điều tra mới nắm. Vấn đề là, khác với PMU, trong vụ Nguyễn Đức Chi cơ quan điều tra đã không đứng bên cạnh nhà báo để xác định ai mới là kẻ chủ mưu khiến cho vụ việc bị “thổi phồng”.

Về vụ “700 nghìn USD”, hai nhà báo Võ Hồng Quỳnh và Phan Sông Ngân viết: “Sau khi bị bắt Nguyễn Đức Chi khai nhận”. Việc “Nguyễn Đức Chi có bôi trơn” như báo chí đưa hay “Dứt khoát không có 700 nghìn USD bôi trơn” như khẳng định của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và việc “Nguyễn Đức Chi có khai nhận bôi trơn” là những căn cứ khác nhau. Nếu để “minh oan” cho lãnh đạo Khánh Hòa thì nên căn cứ vào tuyên bố của ông Trương Vĩnh Trọng (tháng 3-2007). Nếu để xử lý hai nhà báo thì phải căn cứ vào thông tin “Nguyễn Đức Chi khai nhận” là có thật hay không.

Trong bản tin đăng vào ngày 30-6-2005 và cho đến hôm nay hai nhà báo nói trên vẫn giữ bí mật cho “nguồn tin của Tuổi Trẻ”. Trong vụ PMU18, Nhà báo Nguyễn Văn Hải đã phải trả giá đắt cho điều này mặc dù “theo nguồn tin của Osin” thì các anh có thể chứng minh được “nguồn tin” ấy. Tuy nhiên, không giống như số phận của các nhà báo trong vụ PMU, kiếm nguồn tin mà Tuổi Trẻ lấy làm căn cứ không còn quan trọng khi mà sự kiện “700 nghìn USD” đã được xác nhận công khai.

Hơn ba tháng sau, báo Bảo Vệ Pháp Luật của Viện kiểm sát Tối cao, số 11 đến 14-10-2005, trong bài “Về Vụ án Nguyễn Đức Chi”, viết: “Viện vừa có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra tập trung làm rõ… những khoản tiền Nguyễn Đức Chi khai đã “ lót tay”cho một số quan chức”. Viện là cơ quan giám sát điều tra, chắc hẳn không yêu cầu cơ quan điều tra “tập trung” vào những thông tin mà Viện thấy không căn cứ. Một năm sau đó, ngày 11-9-2006, tại buổi họp báo do Tổng Cục Cảnh sát tổ chức, trước hai tướng cảnh sát và hàng trăm nhà báo, đại tá Nguyễn Tiến Lực- Cục trưởng Cục 15, cảnh sát kinh tế, nói rằng: “Chi cũng khai đã đưa cho một số cán bộ tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan chức năng ở trung ương số tiền 700 nghìn USD để chạy dự án”.

Như vậy, cho dù “Dứt khoát không có 700 nghìn USD bôi trơn” thì thông tin “Chi cũng đã khai” đã được xác nhận bởi Cục trưởng 15. Với tư cách phóng viên, lẽ ra cả Võ Hồng Quỳnh và Phan Sông Ngân đều phải được báo Tuổi Trẻ ban thưởng vì ở trong cơ quan điều tra họ đã có một “Deep throat” để có tin đưa trước cả năm so với các đồng nghiệp khác.

Theo nhà báo Trần Lệ Thùy, người từng nghiên cứu về luật báo chí tại Oxford, cho dù vụ “700 nghìn USD” khi kết luận cuối cùng thì không có; nhưng, thông tin “Nguyễn Đức Chi khai” ở thời điểm đưa tin là có; xét động cơ “vì lợi ích công cộng” (chống tham nhũng), không thể kỷ luật hai nhà báo này. Không may cho Phan Sông Ngân và Võ Hồng Quỳnh, Bộ Thông tin và Truyền Thông không việc gì phải làm mất lòng Khánh Hòa đi bảo vệ hai phóng viên đã bị chính cơ quan mình “treo bút”. Chỉ tiếc là Khánh Hòa, đã không nhận ra “âm mưu”, nếu có, là ở những kẻ “tung tin” chứ không phải là ở người “săn tin”, nên đã giành “cú cuối cùng” này cho nhà báo.

Tất nhiên, cũng như hai nhà báo bị bắt trong vụ PMU18, báo chí Việt Nam đã không may mắn có được những “Deep Throat” muốn phanh phui sự thật. Trước thời điểm Đại hội, “sinh mệnh chính trị của một số cán bộ chủ chốt” có lẽ đã được nhắm tới, nên có những thông tin có thể đã được “dựng lên”, có thể đã bị “thổi phồng”. Còn báo chí thì, không cần có những điều tra riêng, nhiều tờ báo đã nhanh chóng gọi Nguyễn Đức Chi là “Siêu Lừa” ngay sau khi ông vừa bị công an bắt.

Trong vụ án Nguyễn Đức Chi ít ai chú ý tới một sự kiện quan trọng được công bố trên báo chí: Ngày 22-4-2005, Phó thủ tướng Vũ Khoan, Bí thư TW Đảng, sau khi nghe báo cáo về “những hành vi phạm tội của Nguyễn Đức Chi”, đã kết luận, “Nguyễn Đức Chi lừa đảo chiếm tài sản là đã rõ. Tôi đồng ý với đề xuất của Bộ Công an…”. Cũng như báo chí, ông Phó Thủ tướng đã phạm sai lầm chết người khi chỉ mới nghe “báo cáo của công an” đã gọi Nguyễn Đức Chi là “lừa đảo”.

Phó Thủ tướng Vũ Khoan là người cởi mở, người có thời lượng làm việc ở nước ngoài nhiều hơn ở nhà, nhưng khi hành xử với tư cách “Bí thư”, có lẽ ông đã không nhớ rằng, buộc tội một ai đó là quyền tư pháp. Có thể ông nghĩ, lãnh đạo cần phải bày tỏ quyết tâm chống tham nhũng mạnh hơn. Tuy nhiên, một ông Bí thư không “cản trở” công an điều tra án và “nghe án” là hai việc khác nhau. Trong một phiên tòa, có công tố, có luật sư; có buộc, có cãi; quan tòa và các dự thẩm có thể nhìn vào mắt của bị cáo mà vẫn còn có thể tuyên án oan sai… thì làm sao một ông Bí thư trăm công nghìn việc có thể chỉ nghe báo cáo một buổi đã gọi ai đó là “lừa đảo”.

Chính vì thế mà, ngay cả ở những thể chế chính trị như Việt Nam thì về danh nghĩa các cơ quan tố tụng cũng được xác định là “độc lập, chỉ tuân theo pháp luật”. Nếu quyết tâm chống tham nhũng thì hãy để cho một điều tra viên có thể khởi tố, ngay cả một ủy viên Bộ Chính trị, nếu điều tra viên này có trong tay bằng chứng. Viện kiểm sát sẽ đóng vai trò giám sát để quyết định có phê chuẩn các bước tố tụng của điều tra viên hay không. Và tòa án sẽ là nơi cuối cùng phán quyết một người có tội hay không có tội.

Lãnh đạo tư pháp bằng cách “nghe án”, như vụ Nguyễn Đức Chi, tưởng là đã nắm được cái “van”; nhưng, trên thực tế, “van” lại bị đặt ngược vào tay của những người “báo cáo”. Thay vì “kết luận của Bí thư”, nếu để C15 “độc lập, chỉ tuân theo pháp luật” có lẽ những xung đột trong vụ Nguyễn Đức Chi đã được xử lý theo nguyên tắc ưu tiên giải quyết các tranh chấp dân sự trước.

Nếu Điều 258 cũng được áp dụng với cả những điều tra viên cung cấp cho báo chí những thông tin “dứt khoát không có” thì, trong tố tụng lẫn trên báo chí, vụ PMU18 và vụ Nguyễn Đức Chi đã không diễn ra như vừa qua. Công việc chuẩn bị Đại hội lại đang được bắt đầu. “Thẻ nhà báo” của Võ Hồng Quỳnh và Phan Sông Ngân bị “treo” bởi một sự kiện xảy ra cách đây 4 năm, nghĩ, thật đáng buồn. Nhưng, các nhà báo cũng từ đấy mà nên nhận ra một bài học mới vừa được treo lên ở bên lề phải.


Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails