Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2009

Lynh Bacardi, truyện “Hậu sản” của một đất nước ung bướu

Nguồn : Da màu
Tác giả: Ban Mai
21.10.2006




Cách đây không lâu tình cờ đọc một mẩu tin trên báo mạng về việc “Ăn thai nhi” của các đại gia Trung Hoa, dân Hoa Lục mua thai nhi của sản phụ để hầm ăn cho “Tráng dương bổ thận”. Và ít lâu sau đó tôi lại đọc một tin ngắn về nghĩa trang “Đồng Nhi” tại Nha Trang, Việt Nam.

Thời đại bây giờ là thời đại gì vậy? Tôi cứ nghĩ là chuyện “viễn tưởng” người ta bày đặt để in báo giật gân.

Nhưng không.

Đọc “Truyện hậu sản của Lynh Bacardi” những hình ảnh trên tự nhiên lại quay về, nó có điều gì đó làm tôi liên tưởng.

Xin nói thẳng, đây là một truyện ngắn khó đọc, không lôi cuốn… nhưng lạ lùng, bí hiểm ẩn chứa nhiều hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng... như một cơn mê sảng.



“Hậu Sản” một câu chuyện kể về những sinh linh, những kiếp người không ra người, vật không ra vật… đó là những quái thai đang di động trên cõi đời, bị những thế lực vô hình, những lời thề đày ải như những nô lệ.

Câu chuyện bắt đầu từ một thị trấn núi non heo hút, nghèo nàn. Ở nơi đó bỗng sáng lên khi công viên Gà Hầm ra đời – khu đất ơn huệ của bà Mai tặng thị trấn. Bên trong công viên Gà Hầm là một cái hồ Mang Vàng đầy huyền bí. Trong cái thị trấn bé nhỏ đầy ma ám ấy là hình ảnh một gia đình quái gở kết hợp bởi Tôi (cô gái), Má, anh Cường, chị Nga, bé Bí, Hữu, con heo Nỉ . Người thị trấn có ông Cối già, ông thầy pháp đuổi tà ma và thằng bé bướu cổ. Tất cả đan quyện vào nhau nhưng không tạo thành một cốt truyện mà là những liên tưởng, những ám ảnh, những cơn mơ khủng khiếp… người đọc cảm thấy bức bối, ngột ngạt, như chính mình bị đày ải trong một không gian tù túng, lẩn quẩn, nhơ nhớp, bẩn thỉu, nghèo nàn, độc ác đến tàn khốc, một không gian sống đầy mộng mị kinh hoàng như sống trong địa ngục… đó là một thế giới địa ngục.

Tôi, nhân vật chính, được bà má nhặt được và nhận làm con nuôi từ khi vừa ra đời, là một cô gái tràn đầy sức sống, mang đầy đủ phẩm chất cao đẹp của một người đàn bà: nhân ái, hy sinh và đầy ân nghĩa. Mở đầu câu chuyện nhân vật Tôi (cô gái) đã sửa soạn ra đi sau 30 năm chung sống với má nuôi và sau khi cô đã thực hiện lời thề cho bà một đứa cháu nội (bé Bí). Tuy bà không bằng lòng lắm về đứa cháu không thể nối dõi vì là “con gái”, nhưng bà cũng ậm ừ cho qua chuyện và cố níu kéo cô con gái ở lại để chăm sóc con heo Nỉ sắp đẻ rồi hãy đi.

Bé Bí con của cô gái là kết quả của một cuộc giao phối giữa cô gái và anh Cường -con trai má nuôi - vì vợ anh Cường chị Nga không “sinh nở” được nên cô gái đẻ thay.

Thế nhưng khi cô gái ở lại chăm sóc con Nỉ đẻ xong chuẩn bị ra đi, thì cũng là lúc cô nghe tin vợ chồng anh Cường chị Nga và bé Bí cũng vừa bị chết do sụp hầm ở trại đào vàng.

Bé Bí chết, có nghĩa là người nối dõi chết. Một lần nữa cô gái bị buộc phải ở lại để thực hiện lời thề với má “cho má một đứa cháu nội nối dõi”. Cô gái bắt buộc phải giao cấu với Hữu – cũng là một người anh nuôi khác - nhưng Hữu là một quái thai, « chẳng có cái chân nào và tay thì chỉ còn một cái. Mà cái tay còn lại...chỉ là một cùi thịt...trơn nhẵn nhụi ngắn ngủn đến cùi chỏ của người bình thường. Và ngay chỗ cùi chỏ đó mọc ra duy nhất một cái ngón dài không chút đốt xương, rồi cuối cái ngón còn mọc một chùm lông lưa thưa có màu bàng bạc, lòng thòng như một cái đuôi lợn ». Thân xác Hữu đã không thành người, linh hồn Hữu càng không mang tính người. Hữu sống như loài vật tởm lợm, hôi hám, nát rượu, chỉ thích chui rúc trong bóng tối và sống như một vật ký sinh để mọi người phải phục dịch. Cô gái đã sống 30 năm trời cung phụng Hữu -một con người vô tích sự- nên căm ghét Hữu vô cùng. Má nuôi lại bắt giao cấu cùng Hữu để có con, cô gái lúc đầu ngạc nhiên đến “chết trân” nhưng rồi vì nặng ân tình với Má nên cô ưng thuận phục tùng. Một hành động mà chính Hữu cũng “ngạc nhiên đến kinh dị khi gã thấy tôi bước vào buồng không một mẩu vải trên người”. Hắn đã hãi hùng, né tránh… cô gái ghê tởm nhưng vẫn phải chủ động “khai phá”, đó là điều nằm mơ hắn cũng không ngờ. Để rồi cuối cùng sự khai phá đó làm hắn “khoái cảm đột ngột” đến điên cuồng, một sự bùng vỡ thống khoái không thể kiềm chế của hắn với những tiếng “tru rú vì sung sướng cho đến hết đêm hôm đó”.

Cô đã có một đứa con trai với hắn nhưng… con của cô đâu?

Cô như bị lạc vào mê hồn trận khi má nuôi khẳng định cô chưa hề có mang. Lẽ nào là cơn mê sao? Tình thật trong cơ thể mình, cô biết mình đã mang thai và sinh nở. Bởi cô còn cảm nhận sự đau buốt ở vùng dưới, “ bụng tôi đang nhẫy ra, lùng bùng chưa kịp săn lại. Vú tôi nhức lên với cả bầu sữa cuồn cuộn bên trong”. Không, không thể là mơ được.

Người đọc hoang mang, không biết cô gái thực sự có mang thai và đã sinh nở như cô nói không, sao Má lại khẳng định cô chưa từng có mang? Và những đứa bé bướu cổ cô gặp tại hồ Mang Vàng là con ai, nội của chúng là ai, chúng chờ đợi gì từ lời hứa của nội «nội nói- nửa-tiếng-sẽ-quay-lại’’ và nhịn đói chờ đợi nội cho đến chết? Tất cả truyện này là thực hay ảo?

Với một giọng văn ráo hoảnh, lạnh lùng, Lynh Bacardi thuật lại toàn bộ câu chuyện như là một thế giới đầy mộng mị, hoang tưởng, bệnh hoạn, độc ác, giả dối, thực ảo lẫn lộn, tạo cảm giác bức bối, dồn nén, ghê tởm, sợ hãi - một thế giới đen tối không lối thoát.

Vậy thực chất truyện ngắn “Hậu sản” là gì?

Có phải nó là một cơn mê dài không lối thoát.

Hay tất cả những hình ảnh, chi tiết trong thế giới ấy mang nhiều ý nghĩa tượng trưng?

Hồ Mang Vàng
một hình ảnh mơ ước của thiên đường, của một tương lai không tưởng.

: một hình ảnh tượng trưng cho quyền lực đương thời, một hạng người sống nhờ công trạng của quá khứ. (cứu sống nhân vật Tôi khi còn bé bên hồ Mang Vàng đem về nuôi, và từ đó xem nhân vật Tôi như một nô lệ, khống chế cuộc đời họ qua những lời thề). Hình ảnh của Má với cây gậy trong tay tượng trưng quyền lực và sự trì trệ, già nua. Với những chi tiết cần cù, duy ý chí hàng ngày cuốc bộ gần chục cây số đến bên hồ Mang Vàng để chơi trò ném sỏi «liệng những viên đá theo kỹ thuật nhuần nhuyễn...nhìn chúng lướt đi từng chặp như đang trượt nhanh trên những bực thang bằng sóng... các viên đá đều lướt trên mặt hồ đến năm lần rồi mới chìm sâu vào lòng nước ». Những hình ảnh ấy tượng trưng cho sự cố gắng - với những kế hoạch cụ thể - để đạt được mục đích tiến lên xã hội thiên đường của họ nhưng niềm tin mù quáng ấy cứ chìm nghỉm dưới đáy hồ không một tiếng vang.

Để đạt mục đích - giữ gìn nòi giống - Má đã lạnh lùng - bắt ép con gái nuôi giao cấu và có con cùng với cả hai người con trai của mình – đạp đổ mọi luân thường đạo lý, xem cô gái như một nô lệ sử dụng tùy nghi.

Má có phải là một thể chế, bằng mọi thủ đoạn duy trì sự tồn tại của mình trên sự hy sinh của dân tộc, sự mang ơn của quá khứ, và cả chính sự yếu đuối của người dân.

Hữu
: một sản phẩm quái thai là loại « người động vật », tởm lợm và hư hỏng. Một kẻ vô tích sự, lớp con cái ăn bám vào quyền lực của cha ông, gánh nặng của nhân dân. Cô gái đã ghê tởm sau 30 năm chung sống cung phụng. «Tôi đã điên cuồng, quẳng mạnh gã xuống giường như một con vật ghê sợ đã bám chặt lấy đời tôi. Một con ký sinh của Má, một người anh nuôi ghê tởm của tôi ». Loại « người vật » tật nguyền như vậy, dĩ nhiên gien di truyền - có lỗi từ trong hệ thống - làm sao có thể sản sinh ra một tương lai khỏe mạnh được – nếu có chăng cũng chỉ là những « thằng bé bướu cổ » chết yểu mà Má lén vất trong công viên Gà Hầm- ao ước « nối dõi » của Má chỉ là hoang tưởng.

Thằng bé bướu cổ
: tương lai của dân tộc lại là những sản phẩm bệnh hoạn, tật nguyền, chết yểu. Kết quả của sự kết hợp giữa quyền lực áp đặt với những niềm tin ảo tưởng. Hình ảnh thằng bé bảo thủ nhất quyết tuyệt thực chứ không chịu nhận cái bánh hiện thực trước mắt, mà chỉ tin vào cái bánh vẽ hão huyền để rồi cuối cùng chết đói. Cái bánh vẽ ấy là lời hứa của nội: ‘‘nội nói- nửa-tiếng-sẽ-quay-lại’’… rồi chờ đợi, chờ đợi…. đến 10 lần vết gạch ghi dấu …mãi đến ngày nay tương lai của những thằng bé bướu cổ cũng sẽ mãi chờ đợi… chờ đợi một điều không có thật.

Cái bướu cổ ấy chính là cục thịt thừa bệnh hoạn, niềm tin bệnh hoạn hay chính là một thể chế ký sinh trên tương lai của dân tộc?

Con heo Nỉ:
một loài động vật phổ biến ở nông thôn, con heo Nỉ ở đây tượng trưng cho tầng lớp nông dân nghèo. Một mình con Nỉ phải gánh trên vai cả đại gia đình, (hay nói rộng hơn người nông dân phải gánh trọn đất nước). Hình ảnh con Nỉ “nó đã cho ra đời cả thẩy 6 lứa con... Lứa nào cũng đông đúc và mạnh khỏe. Lứa thứ nhất dùng để sửa lại căn buồng cho Hữu, lứa thứ hai làm đám cưới cho anh Cường và chị Nga. Lứa thứ ba mua một khuôn ruộng, lứa thứ tư dành cho tôi đẻ bé Bí và các lứa còn lại cho anh Cường làm vốn ra riêng”. Con Nỉ đã bị tận dụng đến cùng cực, đến mức cuối cùng nó phải ăn chính con mình đẻ ra để tái tạo lại sức lực nuôi đại gia đình của cô gái. Hình ảnh con Nỉ ăn tươi con mình sau khi đẻ thật thê lương, nó là động vật nhưng khác ở đồng loại ở chỗ không có đuôi. Nó là « động vật người ». Nó chính là công cụ để mọi người bóc lột đến tận xương tủy, cuối cùng con Nỉ cùng chết vì kiệt sức, không có gì để ăn kể cả con mình đẻ ra. Người nông dân trong xã hội này cũng như vậy.

Hình ảnh ăn tươi đứa con sau khi đẻ còn làm chúng ta liên tưởng đến việc con người ăn vào tương lai của thế hệ mai sau.

Tôi (cô gái)
là hình ảnh của dân tộc, đầy sức sống, nặng ân tình, luôn biết ơn quá khứ vì vậy cũng dễ bị lợi dụng, dễ bị khống chế. Một dân tộc bị ám vì một lời thề, một niềm tin mù quáng, đi ngược lại tiến trình phát triển của nhân loại nên bị đày ải như một nô lệ. « Con thề sẽ trả ơn nuôi dưỡng của má bằng cách sanh cho má một đứa cháu nội. Nếu một lần sanh không xong, con sẽ sanh cho má lần khác cho đến khi nào đứa bé hiện diện trên đời rõ ràng là một con người, rõ ràng là một đứa cháu nội xinh xắn khôn ngoan của má. Nếu con không hoàn thành lời thề, Mang Vàng sẽ là nơi chôn vùi linh hồn con, sẽ là nơi con tạ lỗi cho công nuôi dưỡng của má ». Nhưng trớ trêu thay, lời thề của cô gái sẽ sinh « một đứa cháu nội xinh xắn khôn ngoan » mãi mãi không bao giờ trở thành hiện thực. Vì gien di truyền của Hữu có lỗi từ trong hệ thống nên chỉ sản sinh ra những quái thai. Cô gái lờ mờ hiểu có điều gì đó không bình thường, khi đứa bé sanh ra rồi lại biến mất, lại sanh ra, lại biến mất…

Sau 30 năm chung sống với Má, cô gái nhận chân được thân phận của mình: « Tôi nhận ra thân phận nô lệ của mình, khi biết nếu không có Má thì tôi chẳng được hiện hữu trên đời này để trở nên một nô lệ ». Thế nhưng, không dứt khoát trong hành động, yếu đuối trong suy nghĩ. Bao lần mong muốn ra đi, bao lần ao ước tự do cho riêng mình nhưng bao lần đều bị lời thề khống chế. Bất hạnh thay cho dân tộc nào đang như vậy?



“Hậu sản” là một câu chuyện kinh dị, sau hậu sản cô gái cứ tưởng mình sẽ được giải thoát, thế nhưng lời thề như một bóng ma nó đày ải con người, khống chế con người trùng trùng điệp điệp không thể nào thoát nổi. Cuộc sống kéo dài trong bế tắc, trong chờ đợi mỏi mòn.

Kết thúc truyện, một lần nữa cái vòng luẩn quẩn lại xuất hiện khi cô gái cảm thấy có một cái quẫy đạp trong bụng mình.

Tương lai nào đang tượng hình trong ấy?

1 Một bào thai « bướu cổ khác » để rồi lại chết yểu?

2 Một bào thai bụ bẫm, sáng ngời?

…. Tất cả vẫn còn là một dấu hỏi?

..... Tất cả tùy thuộc vào chính chúng ta – mỗi người đọc!

« Truyện hậu sản của Lynh Bacardi » không phải là một truyện đọc giải trí, hấp dẫn. Nó là một truyện ngắn bắt người đọc phải dụng công suy nghĩ và kén bạn đọc. Bằng những hình ảnh đầy tính ẩn dụ, Lynh Bacardi buộc người đọc phải liên tưởng đến nhiều lớp nghĩa. Với một bút pháp trần trụi, lạnh lùng, ngôn ngữ bạo liệt, có khi tác giả cố tình đẩy đến tận cùng những hình ảnh hãi hùng như cảnh giao hoan giữa cô gái và Hữu – một quái thai - làm cho người đọc kinh tởm đến buồn nôn. Có lẽ chưa có một cảnh giao hoan – chủ động tự ép mình hiếp dâm – dưới ánh mắt soi mói của người khác, tởm lợm đến như vậy trong văn chương Việt Nam. Tôi nghĩ rằng tác giả đã cố tình đưa ra hình ảnh kinh hoàng này để đẩy người đọc đến giới hạn tận cùng của sự chịu đựng. Nhằm làm cho người đọc thấy rõ sự độc ác khủng khiếp của Má và nỗi nhục nhã, ê chề của kiếp đời nô lệ phục tùng vô điều kiện của cô gái.

Thông điệp của truyện ngắn đưa ra một chiều kích lớn : Chừng nào trên thế giới, những thể chế độc tài còn tồn tại thì những người dân dưới ách cai trị của họ vẫn mãi là những nô lệ bị đày đọa đến tận cùng.

Dĩ nhiên, thể chế nào cũng muốn tồn tại truyền đời. Nhưng với một thể chế có hệ thống khuyết tật, đầy ảo tưởng thì sản phẩm của nó chỉ có thể là những xã hội bệnh hoạn. Tất yếu, hậu quả là sự gánh chịu của người dân.

Lynh Bacardi, một cây viết truyện ngắn mới, một lần nữa khẳng định tiếng nói phản kháng của giới trẻ. Tương tự như Đỗ Hoàng Diệu, cô đem những giá trị của dân tộc ra bàn cân mổ xẻ, tìm kiếm, lý giải những mặt trái của thể chế, của xã hội. Tiếng nói của cô chỉ là những bước đầu phản kháng nhưng qua truyện ngắn “Hậu sản” tôi tin rằng đây là một cây bút mạnh mẽ, đầy cá tính có triển vọng đột phá trong tương lai.

Văn học Việt Nam cần những tác giả can đảm nhìn vào bản chất của xã hội mình đang sống để làm nên dòng văn học thật của đất nước.


Ban Mai
10/2006

Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails