Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2009

Lynh Bacardi, tình mẹ và ý thức tự do (P1)

Nguồn : Thụy Khuê
Thụy Khuê giới thiệu thơ Lynh Bacardi




Thụy Khuê

Lynh Bacardi, tình mẹ và ý thức tự do

Lynh Bacardi, người mẹ trẻ thơ

Ở tuổi 22, Lynh Bacardi đã khắc tạo trong thơ mô hình độc đáo người mẹ trẻ thơ (mère-enfant) vừa mẹ vừa con: con và mẹ cuộn trong nhau thành một, một thể xác, một linh hồn. Mẹ hồn nhiên như con, mẹ cùng tuổi với con, ngây thơ như con và thèm sữa như con. Người mẹ chưa kịp lớn mà đã có con, đã phải cưu mang cả tuổi thơ của mình lẫn tấm thân bé bỏng của con mình. Người mẹ sổ sữa và bụ sữa:

mẹ sổ sữa trên ngọn tóc trẻ thơ

tìm về kẻ sọc carô buồn trên rèm cửa

kẻ đệm tây ban cầm đánh thức câu ca dao muộn

thổn thức mùi tã lót trong con

con trẻ

mẹ vẽ bài thơ trên thân bé bỏng

co giãn nụ cười theo vòng size con

từng ngón tý hon hồn nhiên nhìn mẹ vẫy

hình ảnh lưu giữ theo tháng năm

chủ nhật Sài Gòn thức trắng

nơi Đức Bà viên gạch lấm tấm chân chim

những dấu chân xinh xắn

thèm chui rúc trong con

thả mình với tiếng cười ròn rã

từng gã trai tám tháng tuổi dậy thì

bơi vào ký ức kèm tiếng sủa

cái vẫy đuôi cho người khách lỡ đường

mẹ thèm tách sữa nóng chảy từ bầu vú

trên những mụn sữa con

tiếng khóc khởi đầu sự sống nhoà trong máu

...

(trích Lời cho bé yêu trong tập Dự báo phi thời tiết)

Lời thơ là lời hát ru, lời ca dao buồn, nhưng lại không du dương, trầm bổng như những lời ru cũ, âm vang ru con ở đây hoàn toàn khác: ru bằng một điệu nhạc mới, một nhịp ca dao mới, không vần, cách ngắt câu, ngắt dấu, đặc biệt, dài ngắn không giống nhau; âm thanh chìm nổi, những hình ảnh oan trái và hồn nhiên dồn dập liên tiếp vẽ nên chủ đề chính: người mẹ chơi với con bên cửa sổ (như thiếu phụ Nam Xương ngày trước bên bóng đèn); nhưng trong một không gian khác: không gian Lynh Bacardi, không gian Sàigòn, có tiếng tây ban cầm, trong một thời mới, với những âu yếm mới, những lời lẽ mới, những hạnh phúc và đớn đau mới.

Hoạt cảnh trong sáng này với những hình ảnh bất ngờ được cắt ra từ hiện thực, từ tâm thức người mẹ, xếp chồng chéo lên nhau: mẹ sổ sữa trên ngọn tóc trẻ thơ / mẹ vẽ bài thơ trên thân bé bỏng... những dấu chân xinh xắn thèm chui rúc trong con... chính những chữ chênh vênh ấy, chính những xao lắc ấy đã làm cho con thành mẹ, mẹ thành con.

Chúng ta thử đọc lại một lần nữa những lời thơ buồn thật buồn ấy nhé: "mẹ sổ sữa trên ngọn tóc trẻ thơ/ tìm về kẻ sọc carô buồn trên rèm cửa/ kẻ đệm tây ban cầm đánh thức câu ca dao muộn/ thổn thức mùi tã lót trong con/ con trẻ/mẹ vẽ bài thơ trên thân bé bỏng/ co giãn nụ cười theo vòng size con/ từng ngón tý hon hồn nhiên nhìn mẹ vẫy ....

những dấu chân xinh xắn thèm chui rúc trong con/ thả mình với tiếng cười ròn rã/ từng gã trai tám tháng tuổi dậy thì/ bơi vào ký ức kèm tiếng sủa/cái vẫy đuôi cho người khách lỡ đường/ mẹ thèm tách sữa nóng chảy từ bầu vú/ trên những mụn sữa con/ tiếng khóc khởi đầu sự sống nhoà trong máu...

Những mớ lý thuyết vô bổ về cấu trúc nghệ thuật, những lập thể, siêu thực cũng bằng thừa, bởi Lynh chẳng quan tâm gì đến những điều rắm rối đó. Lynh làm thơ -vì cách đây 3 năm, được đọc tuyển tập 26 nhà thơ đương đại, thấy hay, thấy quyến rũ, Lynh theo họ mà làm thơ- làm thơ như chơi, mươi mười lăm phút một bài! Nhưng thơ Lynh lại có những câu thật hay, trội hơn thơ của các bậc đàn anh đàn chị. Chừng như Lynh trữ sẵn thơ trong vô thức, khi cơ hội đến, cứ việc nhặt ra từng câu, từng chữ. Bài Lời cho bé yêu là như thế: Những hình ảnh quen thuộc của tuổi thơ sống lại trong vô thức người mẹ, khiến nàng sống hai thực tại một lúc: vừa mẹ, vừa con. Nàng trùng hợp với con, con là nàng thủa trước, nàng là con bây giờ.

Freud cho rằng ngay từ hai, ba tuổi đứa bé đã có ký ức, nhưng không phải hình ảnh nào nó cũng giữ được, có những hình ảnh đứa bé quên đi, nhưng không có nghiã là quên hẳn, mà thật ra chúng đã bị dồn vào một chỗ, vào ngăn trong cùng của tâm thần, mà Freud gọi là vô thức và khi có một động lực mạnh thúc đẩy, những hình ảnh ấy sẽ sống lại trong mơ, rồi từ mơ nhập vào sáng tạo: dưòng như Lynh Bacardi là một trường hợp sáng tạo hoàn toàn bằng vô thức như thế.

Hai mẹ-con trong thơ Lynh luôn luôn mập mờ, chập chùng, giao thoa như trong mộng: mẹ là con, con là mẹ. Như thể những gì Lynh đã sống trong thời thơ ấu, trở lại trong đầu, hoà hợp với một phần quá khứ gần của chính Lynh; bởi tất cả những tình cảm ấy, những chua xót đau thương ấy, không một người nào khác, ngoài Lynh, có thể cảm nhận và viết được như thế.

Thơ Lynh, vượt hẳn lên trên thơ của bốn bạn cùng lứa "năm con ngựa trời", trong tập Dự báo phi thời tiết, trong năm nguời làm thơ, chỉ có Lynh mới là nhà thơ đích thực. Và thơ Lynh có những câu những bài, vượt trên những bậc đàn anh đàn chị trong 26 nhà thơ đương đại, bởi chữ của Lynh toát ra từ xương từ tủy, những chữ không màu mè, làm dáng, không dàn xếp, không kiểu cọ, không kỹ thuật. Những chữ cắt từ máu, từ tim, những chữ thật sự là chữ. Chúng ta thử đọc trích đoạn bài thơ khác:

"con sâu nắng chảy trên kẽ lá

mẹ chạy tìm hoàng hôn trên mặt cát bặt âm

tiếng con nhảy trong cơn mê cuồng nhầy nhụa

tìm đâu mẹ ơi

dòng suối hát trong buổi chiều đầu trọc

con búp bê mở mắt tìm đường

ánh mắt hát những lời ru vỡ vụn

cuồng hoang

cuồng hoang

ngày tháng là đồi mồi ngủ vùi trên đôi tay vá víu

mẹ níu tên con miếng nước bọt cuối cùng

những mảnh chai lòng chân rã rời tình mẹ

và con

(...)

thả đi mẹ để con vào bấn loạn

để bình minh nhuộm đỏ trí khôn con

thả đi mẹ thả con vào mưa lũ

(...)

thả đi mẹ... thả đi mẹ

(Trích Búp bê chột mắt, trong tập Dự báo phi thời tiết)

Vẫn những hình ảnh tới tấp tuôn ra, trong giây phút bao nhiêu dồn nén đều bật ra hết, thành những âm thanh đẹp và đớn đau vô cùng: "mẹ chạy tìm hoàng hôn trên mặt cát bặt âm / tiếng con nhảy trong mê cuồng nhày nhụa / dòng suối hát trong buổi chiều đầu trọc/ ánh mắt hát những lời ru vỡ vụn / cuồng hoang/ cuồng hoang". Những ngữ cung ấy xoáy vào tim ta, đặc biệt những mô thức như Mặt cát bặt âm/ mẹ níu tên con miếng nước bọt cuối cùng/ những mảnh chai lòng chân rã rời tình mẹ / ánh mắt hát những lời ru vỡ vụn/ tiếng khóc khởi đầu sự sống nhoà trong trong máu... là những mô thức ngôn ngữ từng trải, sâu lắng, đắng cay, khó có thể tìm thấy ở tuổi hai mươi. Người ta thường nói: nhà thơ sống trăm tuổi trong một, Lynh sống từ bao giờ? Từ trước khi sinh? Để có thể nghe được tiếng cát đã bặt âm, để ru những lời ru vỡ vụn, để sống những kinh nghiệm: miếng nước bọt cuối cùng, những mảnh chai lòng chân, tiếng khóc khởi đầu sự sống nhoà trong máu? Đã lâu lắm trong thơ Việt mới lại thấy xuất hiện những mô thức đớn đau như thế, kể từ những lệ đá xanh, tim rũ rượi... của Thanh Tâm Tuyền.

Lynh Bacardi, thân phận vỉa hè

Bên cạnh Lynh người mẹ trẻ thơ là Lynh của những thân phận lạc loài.

Ở tuổi 22, Lynh Bacardi đã khắc tạc chân dung con người vỉa hè từ khi còn trong bụng mẹ, đến lúc chào đời, lớn lên, sống, sống lầm than, sống tàn mạt, mà những nhà thơ được gọi hay tự gọi là vỉa hè chính hiệu cũng không mấy khi đạt được.

Một bài thơ, thoạt đọc, rất ít chất thơ vậy mà vẫn làm ta đắng lưỡi:

"nàng ba mươi tuổi

người đàn bà có vết chàm bên khoé mắt trái

tôi ngửi thấy mùi máu trên thân thể nàng

trời tối nặc mùi ống cống

chiếc kim tiêm cong oặt ẹo dưới gan chân

nàng đi thật chậm xuống thang gác

cái nhìn mù loà (....)

máu nhỏ xuống bậc thang

nàng ba mươi tuổi".

(trích bài Bẩm sinh trong tập Dự báo phi thời tiết ).

Toàn bài là những câu ngắn như không có chất thơ, mà rất văn, tính cách chỉ định, hoặc miêu tả như: nàng ba mươi tuổi, người đàn bà có vết chàm bên khoé mắt trái, trời tối nặc mùi ống cống v.v... nhưng nếu đọc chầm chậm, sẽ thấy chất thơ hiện qua ngả khác: "nàng ba mươi tuổi/ người đàn bà có vết chàm bên khoé mắt trái/ tôi ngửi thấy mùi máu trên thân thể nàng/ trời tối nặc mùi ống cống/ chiếc kim tiêm cong oặt ẹo dưới gan chân/nàng đi thật chậm xuống thang gác cái nhìn mù loà/ máu nhỏ xuống bậc thang/ nàng ba mươi tuổi". Thì ra chất thơ nằm trong nhịp, nhịp hình và nhịp tim, những câu ngắn, dài không vần điệu thản nhiên, đánh vào tim, như những âm ba gieo xuống những mệnh yểu của thời nay, trong vũ trụ Lynh vừa cấu tạo, một vũ trụ nặc mùi ống cống mà những tiếng thì thầm nàng ba mươi tuổi như tiếng kim, tiêm vào da thịt. Đó là những hồi âm của tối tăm, của bất hạnh, của cõi chết, của những thân phận con người. Người thời nay. Người chết yểu không vì mệnh bạc mà vì những chiếc kim tiêm cong oặt ẹo dưới gan chân...

Lynh mới đích thực là nhà thơ của vỉa hè, của đống rác, của những vũng nước thải. Lynh cũng nhìn vào đất nước, nhìn lại gia tài của mẹ, như Trịnh Công Sơn, như Dương Nghiễm Mậu đã từng nhìn. Và Lynh hát:

"tôi đi qua chốn này

ối a

thấy người đưa nhau về hố thẳm

ối a thấy anh nằm co quắp dưới hiên trưa

thấy vết lở nát bét trên đầu gió

(...)

tôi đi qua chốn này

những con chim không chân không nơi đậu

thấy con mắt sâu

bụng lép của ngày mai

ối a

thấy chân em chai trong đôi vớ màu hồng

(...)

tôi đi qua chốn này

mẹ cong mình khép cánh cửa đau thương

thấy thời gian ăn mòn con mắt đỏ

thấy gia tài của mẹ

vật vã lồ lộ hằn lưng

ối a

( trích Buổi sáng trôi trên vỉa hè).

Gia tài của mẹ, để lại cho Lynh bây giờ, là những vết lở nát bét trên đầu gió, với những con chim không chân không nơi đậu, những bụng lép của ngày mai... Gia tài ấy, buồn hơn gia tài họ Trịnh, tuyệt vọng hơn gia tài họ Dương.

Gia tài của mẹ để lại cho Lynh, còn nhiều nữa, đặc biệt là những dấu hỏi đã chôn sâu trong tiềm thức mỗi con người, những tiềm thức bị ru ngủ, những tiềm thức bị đánh thuốc mê, những tiềm thức bị treo cổ, Lynh viết:

...

đêm qua

tôi vô tình thấy một mạng móc cổ trên dấu hỏi

trong mắt

lồi một dấu hỏi cong queo

khi con quạ lông màu máu xuất hiện

rỉa từng khúc dấu hỏi

mang về mớm cho đàn con

những con quạ nhỏ vừa ăn vừa rỉ máu

bốc mùi dấu hỏi

khi tôi đi qua dòng kênh (...)

con đường đất đỏ in những bước chân tháo chạy

của dấu hỏi

bây giờ

dấu hỏi đã ùa vào nhà tôi

chen chúc

móc vào vai tôi

(trích Một mạng tàn đời trên dấu hỏi).

Những câu hỏi móc cổ rỉ máu, những câu hỏi dai hoi, những câu hỏi trở thành thực phẩm hàng ngày nhai không chết, những câu hỏi đầu thai bất tử... và cứ hỏi như thế, Lynh đi, cứ lang thang như thế, Lynh đi. Lynh đi qua chốn này, đi về chốn khác, đi trên đường phố, đi xuống cống rãnh. Lynh ghi lại những tiền cảnh, hậu cảnh của hôm nay, khi thì dưới con mắt một người say, khi thì dưới cái nhìn một người nghiện sau cơn phê. Nhưng rượu và ma tuý đã trờn, không đủ công hiệu làm cho ác mộng giảm cường độ tàn phá nữa. Âm thanh đường phố, âm thanh vỉa hè, âm thanh cống rãnh réo lên như tiếng gọi hồn, trong đầu người điên, người nghiện, đang từng bước, từng bước, leo lên tầng thứ 100 của thiên đàng :

"tôi đếm bậc tam cấp thứ hai. một bà già có hai chiếc cằm rưỡi. đè lên lưng một gã còn 1/2 chi dưới. những đồng xu đỏ cười rinh rích trong lon. tưởng xém đến mùa đông. bởi con đường dưới chân lạnh cóng. bởi cái bụng mau sôi hơn mọi mùa. bởi thấy miệng thiên hạ chứa toàn gió độc". (trích Ở tầng thứ 100).

Những giấc mơ của Lynh, đã vượt ra ngoài giấc mơ cơm áo, đã nằm trên thể xác đớn đau, chúng là những giấc mơ đạo đức của con người sống trong một vùng không còn đạo đức. Vùng mà thượng đế cũng đi căng tóc, thượng đế cũng nhuộm tóc vàng, Lynh viết:

"giấc mơ cụt đầu... tiếng đạp mái phòng bên cạnh... tiếng những mảnh vú xé nát rơi lộp bộp. nước mưa ngủ khì trên mái tôn lủng sét. sợi tóc thượng đế duỗi thẳng nhuộm vàng... vết sẹo trên đầu gối mở mắt.

tôi dán giấc mơ nơi mỏ ác. mưu cầu một nhánh huệ teo gầy. một bài kinh hổ lốn. giầy cao gót & hơi men làm giàu quê mẹ... công sinh dưỡng một ngàn đô. tôi đội mưa bùn hãnh diện chữ hiếu (trích bài Let it be)

Người ta rùng mình đọc những lời thơ kinh hoàng như thế.

Nhưng không phải thơ Lynh bài nào cũng hay.

Có những câu còn sượng. Có những chữ tục không cần thiết. Có những đoạn rườm rà. Có những dữ dội thái quá.

Nhưng một tài năng, vừa đặt bút, đã viết như thế là hiếm.

Bây giờ nhiều người làm thơ, nhiều chỗ đăng thơ. Vàng thau lẫn lộn. Trên mạng, trên báo chí sách vở, bạt ngàn thơ, xem không xuể. Nhưng tìm được những lời đích thực là thơ thật không phải dễ.

Giữa những hình thái ghép chữ tràn lan, đầy đủ kiểu cọ nhưng vô hồn, không tạo cho người đọc một cảm giác nào, chữ của Lynh Bacardi, đặc biệt những câu thơ hay xoáy vào chúng ta như những nhát chém của lương tâm, đôi khi chỉ vẻn vẹn công sinh dưỡng một ngàn đô, hoặc nàng ba mươi tuổi, nhưng chúng có khả năng kéo theo một thế giới bi đát không lời, một bình minh không ánh sáng, chúng là tiếng thầm của những mặt cát bặt âm, chôn sâu dưới mấy từng địa đạo vẫn không ngừng vọng.


Paris, tháng 5/2006

© Copyright Thụy Khuê 2006


Share/Save/Bookmark

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails